Tạp chí Sông Hương - Số 150 (tháng 8)
Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản
11:49 | 27/05/2008
Trong truyền thống thơ ca Nhật Bản, thơ haiku giữ một vị trí rất quan trọng. Nó là một viên ngọc quý giá và là một phần tài sản tinh thần trong kho tàng văn học Nhật Bản.
Một số đặc điểm của thơ Haiku Nhật Bản

Thơ haiku dung hợp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa tinh thần của người Nhật nói riêng và người phương Đông nói chung. Chính vì thế mà thơ haiku mang hơi thở của Thiền tông, in đậm dấu ấn của thế giới u huyền, thoát tục, đồng thời chứa đựng trong mình bức tranh thiên nhiên rộng lớn với những âm thanh màu sắc đặc trưng cho bốn mùa, được thể hiện dưới một hình thức ngắn gọn, cô đọng. Thơ haiku gắn liền với tên tuổi của Bashô, Kikaku, Chiyô, Buson, Chôra, lssa, Shiki...

I. Vài nét về sự hình thành thể thơ haiku Nhật Bản
Thơ ca Nhật Bản truyền thống thường dựa trên hình mẫu các câu 5 và 7 âm tiết và tồn tại dưới các hình thức thơ chôka (trường ca), waca (hòa ca) hay còn gọi là tanca (đoản ca), renca (liên ca). Từ thế kỷ XVl đến thế kỷ XlX, một thể thơ mới ra đời thay thế cho thể thơ renca, đó là thể haiku.
Thuật ngữ haiku (đọc theo âm Hán Việt là bài cú hay hài cú) không phải xuất hiện từ thời thịnh hành thể thơ này mà nó được sáng tạo vào năm 1890 theo đề xướng của nhà thơ Shihi (1867-1902) dùng để chỉ những bài thơ ngắn gồm 3 câu, 17 âm tiết đứng độc lập được bố trí theo thứ tự: 5-7-5. Thể thơ này vốn được tách ra từ ba câu khổ đầu của thể renca (phần phát hay còn gọi là hokku) đứng độc lập và phát triển mạnh mẽ dưới thời Edo . Từ đó nó trở thành một thể thơ với tên gọi là haiku hay haikai, hokku.

II. Những đặc điểm về nội dung của thể thơ haiku Nhật Bản
2.1. Thế giới thiên nhiên trong thơ haiku mang nhiều màu sắc rực rỡ, huyền bí và đầy quyến rũ. Đó là bức tranh thiên nhiên không chỉ có trăng, sao, hoa, lá, cỏ, cây mà còn là tiếng chim gù trong ban trưa tĩch mịch, tiếng dế mèn kêu trong đêm, tiếng chim gọi bầy và những áng mây xa, những cơn sóng, những cánh hoa anh đào... Đứng trước biển, trước những chuyển động của đất trời, con người càng ý thức về bản ngã của mình và lắng nghe được bước chuyển của thiên nhiên:
Bể động
Trải ra phía đảo Sađô
Sông ngân hà (Bashô)

Một cánh hoa Asagaô ban mai vô tình rơi xuống giếng cũng đủ làm xao động tâm hồn người thi sĩ:
A! hoa Asagaô
Dây gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên          (Chiyô)

Trong làn nước trong xanh, vào buổi sớm tĩnh lặng, người ta không nỡ làm tan biến đóa hoa Asagaô nhỏ nhoi vương vào dây gàu. Phải chăng tác giả muốn nâng niu, gìn giữ đóa hoa Asagaô vì nó mang tên "gương mặt buổi sớm" hay chính nhà thơ không muốn khấy động những giây phút huyền diệu của một buổi sớm mai. Ở đây hoa và người như hòa làm một hóa thân vào thế giới đầy lung linh huyền ảo và rồi người lấy nước phải lẳng lặng đi sang nhà khác.
Trong thơ haiku hoa anh đào nở rộ trắng muốt một màu vương đầy cả không gian bao la, bồng bềnh trôi in hình trên bầu trời xanh ngắt tượng trưng cho vẻ đẹp của tâm hồn người Nhật:
Hoa anh đào như áng mây xa
Chuông đền Uênô vang vọng
Hay đền Asukasa                    (Bashô)

Và trong không gian mờ ảo đó bỗng vọng về tiếng chuông chùa tạo nên một khung cảnh lung linh say đắm lòng người. Nhà thơ lssa giới thiệu với chúng ta một khung cảnh thiên nhiên rất sống động vào một buổi sáng sớm bên dòng sông:
Bên dòng Sumida
Chú chuột kia uống nước
Mưa mùa xuân pha     (Issa)

Chú chuột bé xíu dường như bị xóa nhòa dưới cơn mưa trắng trời bên dòng sông lênh láng nước. Mưa xuân cứ rơi, nước sông cứ dềnh lên, nhưng chú chuột vẫn ung dung thong thả uống từng ngụm nước mát của mùa xuân đất trời.
2.2. Trong thơ haiku nổi bật yếu tố "mùa". Vì thế người ta ví thơ haiku là tiếng hát của bốn mùa và "mùa" được xem là quí ngữ (Kigo) của thơ haiku. Sự luân chuyển của "mùa" thể hiện nhịp điệu của thế giới thiên nhiên và đời sống con người, và đó là sự vận động của thời gian. Khi cái nóng oi nồng làm tàn lụi những cánh anh đào rực rỡ của mùa xuân qua đi thì cái se lạnh của mùa thu ùa về làm cho màu xanh chuyển sang màu vàng, tiếng chim hót bỗng dừng và rồi những bông tuyết trắng xóa bắt đầu rơi báo hiệu mùa đông đến. Sự xoay vần của tạo hóa trên đất nước đã tạo cho con người Nhật mang những nét tính cách thật đặt biệt.
Mùa xuân được mô tả nhiều nhất trong thơ haiku không chỉ vì tác giả nhắc đến từ "xuân" nhiều mà cảnh sắc mùa xuân được miêu tả gắn với con người. Một bông hoa đại nazma nở e ấp bên hàng dậu cũng gợi lên cảm hứng cho thi sĩ:
Khi nhìn kĩ
Tôi thấy Nazma nở hoa
Bên hàng dậu              (Bashô)

Một tâm hồn bao lần tơi tả đau xót như lssa cũng bao lần hóa làm mưa mùa xuân đã nhìn thấy sự chuyển mùa sang xuân qua các hiện tượng tự nhiên:
Bồn tắm bốc hơi
Và đêm trăng sáng
Mùa xuân đến rồi!       (lssa)

Mùa hạ về với mẫu đơn, diên vĩ, hoa kì,hoa sen với tiếng chim cu hát vang giữa trưa hè oi ả. Nhiều bài thơ haiku miêu tả cảnh sắc mùa hè bằng tiếng cu gáy:
Ôi chim cu
Bay lượn và ca hát
Bận rộn xiết bao (Bashô)
Hoặc tiếng ve ran:
Ôi tiếng ve
Thấm xuyên vào đá
Trong cõi quạnh hiu    (Bashô)

Trong thơ haiku, mùa thu với những đêm dài thanh vắng, tiếng châu chấu, tiếng dế kêu trong đêm và những ánh trăng suông buồn bã:
Trăng thu
Suốt đêm tôi dạo
Loanh quanh bên hồ   (Bashô)

Một bức tranh mùa thu ban đêm thật buồn và hiu quạnh, có gió, có mưa, có tiếng xào xạc, tí tách trong vườn chuối được chấm phá như một bức tranh thủy mặc:
Cây chuối trong gió thu
Ta nghe giọt mưa rơi tí tách
Rơi vào bể đêm                       (Bashô)

Đồng hành với mùa đông là những cơn rét buốt, những bông tuyết rơi và không gian ngập trong tuyết phủ và lạnh giá, cây cối trơ trọi, khẳng khiu. Nhà thơ Bashô mô tả cảnh mùa đông bằng những hình ảnh thật độc đáo:
Đến đây xem để thấy
Một chiếc lá cô đơn
Trên cành Kiri ấy
Và đây là cảnh vườn chùa mùa đông trống vắng:
Những chiếc lá rơi
Dường như trăm tuổi
Giữa ngôi vườn chùa (Bashô)

2.3. Trong thơ haiku, dấu ấn Thiền tông để lại khá đậm nét trong cách nhìn và thể hiện của các nhà thơ. Theo quan niệm của Thiền tông, mọi sinh linh trên cõi đời này đều bình đẳng như nhau. Vì thế, thơ haiku thường nói đến các sinh vật và hiện tượng tự nhiên (con sâu, con bọ, con chuột...) với một sự ưu ái và tự nhiên. Thi sĩ Bashô đã mô tả một cảnh ban mai có tuyết, có cánh quạ ô:
Con quạ ô
Sáng mai trong tuyết
Đẹp không ngờ
Ở đây, "con quạ" và "tuyết" bình đẳng với nhau tạo nên một bức tranh "đẹp không ngờ". Tuyết trắng đẹp nhờ có chú quạ đen làm vật tương phản và ngược lại chú quạ được tôn thêm màu đen mượt mà, óng ả nhờ tuyết trắng làm nền. Nhà thơ phát hiện ra cái quy luật tự nhiên của tạo hóa, sự phụ thuộc và bình đẳng với nhau của vạn vật, đó chính là chân lí của cuộc sống. Nhà thơ lssa mô tả hình ảnh con bướm và em bé trong vườn hoa:
Trong vườn cánh bướm
Đứa bé bò theo, bướm bay
Đứa bé bò theo, bướm bay

Hình ảnh đứa bé và con bướm song hành vận động vừa mang tính ngẫu nhiên vừa mang tính tất nhiên. Ở đây, cánh bướm tượng trưng cho cái đẹp của thế giới nhiều màu sắc mà con người vươn tới. Hai câu thơ lặp lại vừa thể hiện sự thất vọng của đứa bé vừa nói lên sự vô thường của cuộc đời.
Từ một câu hỏi trong kinh của nhà Phật "Một đóa hoa rơi có thể trở lại trên cành không?", Moritake viết nên một bài thơ haiku:
Hoa rụng cành
Nơi trở lại - khi tôi nhận ra
Thì ra đàn bướm (Moritake)

Là một nhà sư, Moritake thấu hiểu sâu sắc cái vô thường và bản ngã con người của triết lý nhà Phật. Vì thế, câu cuối bài thơ haiku, tác giả hạ câu "thì ra đàn bướm" tạo ra một sự bất ngờ làm nên một tầng nghĩa mới. Về điều này chúng ta liên tưởng đến hai câu thơ của Mãn Giác Thiền sư (Việt ): "Chớ thấy xuân tàn hoa rụng hết. Hôm qua sân trước nở nhành mai".

III. Một số đặc trưng nghệ thuật của thơ haiku
3.1. Thơ haiku có một cấu trúc nghệ thuật đặc sắc. Một bài thơ haiku rất ngắn gồm 17 âm tiết và được xếp 3 dòng theo thứ tự 5-7-5: (theo âm tiếng Nhật)
Shichi Kei wa (5 âm tiết) Hồ Ômi tám cảnh
Kiri ni Kacurete (7 âm tiết) Sương mù dấu bảy rồi
Mii no KKane (5 âm tiết) Còn chuông đền Miithôi (Bashô)

Do cấu trúc chặt chẽ như trên cho nên đòi hỏi người làm thơ haiku phải biết "kiệm từ", chọn những từ và ý nào thật đắt, cô đọng, ẩn chứa nhiều ý nghĩa để đưa vào thơ. Ở đây, câu mở đầu có tính chất giới thiệu, gợi cảnh, gợi tình để mở ra ý cho hai câu sau. Các sự việc được phản ánh trong thơ haiku có khi tưởng như rời rạc, không liên kết với nhau, nhưng thực ra giữa chúng có mối liên kết chặt chẽ từ bên trong. Từ "sự tinh giản của tâm hồn" (A.Tagor), thơ haiku đã tạo nên sức mạnh nghệ thuật to lớn. Chính vì thế, nhà nghiên cứu phê bình Roland Barther (Pháp) nhận xét: "Sự ngắn gọn của haiku không phải là vấn đề hình thức. Haiku không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là sự tin vắn tắt tìm ra được hình thức vừa vặn cho mình". [ I.54 ]
3.2. Sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập cũng là đặc trưng của thơ haiku. Đó là sự đối lập tương phản giữa cái vô hạn - hữu hạn, giữa không - có, giữa cái lớn - bé, xa - gần, con người - vũ trụ... Trong bài thơ "Ao cũ", Bashô viết:
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao

Ở đây có sự tương phản đối lập giữa cái trường cửu của con người (ao cũ) và cái nhất thời (hình ảnh con ếch nhảy vô). Hình ảnh "ao cũ" thể hiện tính vĩnh cửu của không gian và thời gian, hình ảnh con ếch nói lên quan hệ biến dạng của sự vật trong sinh tồn. Nhờ cú nhảy của con ếch mà xao động cả mặt ao đánh thức sự yên tĩnh của sự vật, đánh thức cả không gian vũ trụ. Nhận xét về bài thơ này, nhà nghiên cứu Nhật Bản D.T Suzuki cho rằng: "Cái Ao cũ của Bashô nằm bên bờ kia vĩnh cửu nơi của thời gian vô thời gian. Đó là nơi vạn vật sinh ra là nguồn suối của thế giới sai biệt này nhưng trong chính nó không hề có mảy may sai biệt nào". Và tiếng vang của nước do con ếch của Bashô khuấy động lên vẫn còn vang mãi cho đến tận bây giờ. [I.29]
Ở bài thơ "Con quạ", thi sĩ Bashô mô tả một cảnh đêm thu thật buồn, cô liêu:
Con quạ về làm tổ
Trên một cành cây khô
Đêm thu
Trong bài thơ này ba sự vật: con quạ, cành cây khôđêm thu có sự đối lập với nhau. Nếu "con quạ", "cành cây khô" là cái hữu hạn thì đối lập với nó là cái vô hạn (đêm thu). Sự tương phản của ba sự vật tạo nên một khung cảnh thật ảm đạm cô tịch.
3.3. Giới thiệu đề tài để tạo ra sự liên tưởng đối với người đọc cũng là một nghệ thuật của thơ haiku. Các bài thơ haiku thường chỉ là những nét chấm phá, gợi mở để độc giả vận dụng trí tưởng tượng nhằm liên tưởng đến các sự vật và hiện tượng khác. Vì thế, người ta cho rằng thơ haiku giống như những bức tranh thủy mặc của người Nhật. Nó chứa đựng một khoảng trống, một khoảng chân không nhưng tràn trề sự sinh động của cuộc sống. Nhà thơ chỉ phác họa vài dòng về thiên nhiên:
Lá thủy tiên
Dưới làn tuyết mới
Nhè nhẹ trĩu mình (Bashô)

Vẽ lên một chiếc lá thủy tiên thôi mà ta cảm thấy được cả đời sống của cỏ cây, sự phân định của các mùa... Điều này có được là nhờ sự liên tưởng của người đọc để lấp đầy chỗ trống mà nhà thơ bỏ ngỏ. Chính vì thế mà nhà thơ Tagor (Ấn Độ) nhận xét, trong thơ haiku "Nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi bước nhanh sang một bên" và "lý do khiến nhà thơ rút nhanh chóng thế vì người đọc Nhật có quyền năng tinh thần về tưởng tượng rất lớn" [I.56,57]
Cho đến ngày nay, thơ haiku Nhật Bản vẫn lôi cuốn người đọc nhiều nước trên thế giới bởi nội dung phong phú và nghệ thuật đặc sắc của nó. Đồng thời thể thơ này vẫn được nhiều người bắt chước sáng tác, nhưng không ai có thể vượt qua được thơ haiku Nhật Bản với những thi hào nổi tiếng. Thơ haiku là sản phẩm tinh thần riêng của người Nhật là niềm tự hào của đất nước Phù Tang, của xứ sở hoa anh đào.

HÀ VĂN LƯỠNG
(nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001)

-------------------------------------------------------------
1. Nhật Chiêu: Bashô và thơ haiku - NXB Văn học - Trường ĐHTH Thành phố HCM, 1994.
2. Nhật Chiêu: Thơ ca Nhật Bản - NXB Giáo dục, Hà Nội 1998.
3. N.I.Kônrat: Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại - NXB Đà Nẵng, 1999.
4. Hữu Ngọc: Dạo chơi vườn văn Nhật Bản NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996.

Các bài mới
Quê ơi! (30/05/2008)
Cúc biển (30/05/2008)
Con khướu ấy (30/05/2008)
Chị tôi (30/05/2008)
Đường chim bay (30/05/2008)
Các bài đã đăng
Dứa dại (27/05/2008)