Tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ, ông Tam vô cùng nôn nóng trước các cú điện thoại liên tục từ quê gọi vào: "Các họ Vũ, họ Lê xây cất mộ tổ hết rồi, chỉ còn họ Nguyễn mình tranh giải bét!. Anh là trưởng họ phải về gấp, không có anh đố thằng nào dám nhảy ra làm, rắn phải có đầu chứ?!". "Anh cứ đem ra hòm hòm độ một cây vàng là đủ"... vân vân và vân vân. Ông vội vã lên xe đò trực chỉ thành phố Hồ Chí Minh, rồi lên máy bay, bay ra Hà Nội và hối hả về quê. Chiều ấy, hoàng hôn buông một màu tím tái phủ trùm đồng ruộng bao la, trùm lên dòng Sa Giang ăm ắp nước xanh biêng biếc. Ông Tam trong bộ complê, giầy đen bóng láng thong thả đi trên con đường nhựa, bên dòng sông. Lòng ông bời bời những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Ông vui vì thấy sau đúng năm năm trở về quê hương, làng quê, nơi chôn rau cắt rốn của ông giờ chả khác chi thành phố. Nhà cửa san sát hai bên con đường nhựa, toàn là nhà ngói, có cả chục nhà đã lên hai tầng, đủ kiểu mái bằng và chóp lai căng, kệch cỡm. Hôm ông đứng trên chòi chóp một ngôi nhà, ông thấy làng lô nhô khấp khểnh hệt như bộ răng ông lão đã ngoài tuổi "thất thập cổ lai hy". Xe máy, ô tô chạy đầy đường inh tai, nhức óc. Đêm tối đã có đèn cao áp sáng trưng đường làng thay thế cho ánh trăng... Buồn là ông không còn được nhìn thấy dù chỉ một lũy tre xanh. Bùng nổ dân số khiến người ta đã chặt hết tre để lấy chỗ xây nhà. Ôi, còn đâu những vệt khói lam nhè nhẹ bốc lên sau lũy tre xanh những buổi chiều tà? Còn đâu hàng tre xõa tóc soi bóng xuống dòng sông êm đềm? "Tre xanh xanh tự bao giờ, mà ngày nay đã mất bờ tre xanh"? – ông nhẩm hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy mà thấy lòng mình tê tái, xót xa, cho dù mấy hôm nay cái rét không còn làm ông run rẩy. Song... buồn nhất là tình người đã quá nhiều thay đổi. Cái cơ chế thị trường quái ác đã xâm thực các thành phố, giờ cũng đã len lỏi về tới quê hương ông. Bên tai ông, trong tim óc ông chợt vọng vang tiếng cãi vã của mấy ông chú, bà cô, bà dì trong cuộc họp họ Nguyễn tối qua. Với vai trò trưởng họ, là một trí thức có khoa ăn nói, ông Tam đã mở đầu cuộc họp một cách gọn gàng, súc tích. Và ngay lập tức sau khi ông ngừng lời, ông Môn, chú ruột ông, người cao tuổi nhất của dòng họ còn lại tới ngày nay ở tuổi ngoài 80, lòe xoè trong bộ complê màu mỡ gà lên tiếng: - Anh trưởng họ từ xa xôi hàng ngàn cây số đã về lo xây mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ... như vậy là có hiếu! Thế là tốt! Là rất tốt!... Còn bàn về việc đóng góp thì tôi thấy thế này: mộ hai cụ cố, mộ hai ông bà nội anh và cha mẹ anh đã qui tụ về một khu Đuôi Gà, cuối nghĩa trang làng ta, bề ngang chừng hai mét, bề rộng bẩy tám chục phân... chúng tôi đã tính sơ sơ hết độ ba ngàn gạch, nửa tấn xi măng, năm khối cát, rồi tiền bia mộ, tiền công thợ xây, tiền chục mâm cỗ cứ là... khoảng năm triệu. Giờ ta tính sòng phẳng thế này, sau khi hoàn thành ta kết toán, chia làm ba phần. Phần cha mẹ anh thì anh chịu hết. Nhất trí vậy không? - Cháu xin nhất trí hoàn toàn! Ông Tam hăng hái nói. - Miền Nam ra tiền như nước chi mà không nhất trí hỉ, các bà? – mấy bà ồn ã đế thêm. - Còn khu hai ông bà nội anh, thì anh trưởng một phần, tôi một phần, bà Dụng một phần đóng thế ông anh ở xa không về, bà Văn một phần đóng thế chú nó đã chết. – Ông Môn lại lên tiếng – Còn mộ hai cụ cố, anh trưởng một phần, chú Tấn, con ông Hai một phần, chú Bản con ông Ba một phần, các bà con gái con bà Ngà, bà Ngọc một phần... ta nhất trí vậy không? Bà Kiều gần tuổi 70, lưng còng gập như lưng con tôm, ngồi trên giường trải chiếu hoa bèn rổn rẻng lên tiếng: - Chúng tôi là phận đàn bà con gái, nữ nhi ngoại tộc, mẹ tôi chết từ khi tôi mới sinh sáu tháng, hương hỏa tổ tiên tôi chẳng được hưởng gì, xin các ông miễn cho phần đóng góp. Ông Môn liền cả cười: - Bây giờ nam nữ bình đẳng, bình quyền... Mấy lại các cụ không phù hộ ở đó mà con cháu bà có nhà lầu, xe dim? Mọi người cười ồ tán thưởng. Hứng chí lên ông Môn lại lớn tiếng: - Ấy ấy, nhắc tới cái đoạn hương hỏa tôi mới nhớ ra, thằng nào hưởng đất đai của tổ tiên, ông bà, như cái nhà kia xây rồi bán và cái nhà ngồi đây thằng nào xây thì có trách nhiệm bỏ tiền ra mà xây mộ tổ!. Nghe thấy vậy ông Tam chợt ngước lên ngôi nhà trên có nền cao hơn ngôi nhà ông đang ngồi đây cả thước. Đây rồi, chân tường vẫn còn hàng trăm viên gạch đá ong hệt như một bức thành. Ngôi nhà tổ ngày xưa chính là nơi mẹ ông đã sanh ra ông và cả một tuổi thơ ông đã được bà ngoại hát ru với tiếng võng đưa kẽo kẹt những buổi trưa hè. Ông vẫn còn nhớ như in trong tâm trí, năm 1954 cha ông đã cùng ông hì hục đào trên nền đất này thu được hàng chục chén, bát cổ và mấy cái lọ độc bình có hoa văn rất đẹp. Ngày đó cha ông thường nói với ông: "Đây là kỉ vật của cụ tổ để lại. Có cái lọ từ đời Khang Hy – Trung Hoa, nghĩa là cách nay cả mấy trăm năm"... Cái lọ độc bình ấy ông đã đem theo đi miền Nam và giữ gìn cẩn thận như một kỉ vật thiêng liêng, dù có kẻ buôn đồ cổ đã tới đặt giá mua cả cây vàng, ông cũng không bán... Trong ông bỗng dào lên niềm tiếc nuối sâu xa một tuổi thơ vô cùng tươi đẹp và cũng lắm đau thương bởi chiến tranh đã tràn tới quê hương ông khi ông vừa sáu tuổi. Giờ đây, ông nhận ra rằng, ông Môn nói cũng có cái lý. Giá mà chiến tranh không tàn phá tan hoang làng ông, giá mà mấy ông chú hàng thứ, xây nhà mới rồi không bán đi thì vẫn còn ngôi nhà để thờ tổ, mỗi lần ông về thăm có chỗ mà nhang khói, có chỗ mà lưu trú, chứ ông không phải sống nay ở nhờ nhà này, mai trú nhờ nhà khác. Ông Bản người to béo, cũng đóng complê đàng hoàng, dường như bị chạm nọc, đang ngồi xếp bằng tròn trên chiếu hoa liền nhảy dựng lên như người bị điện giật, phát biểu liền: - Đất này, năm 1954 bố thằng Tam cho anh em chúng tôi xây nhà, anh Môn đi xa về biết gì mà nói?. - Chú nói bố thằng Tam cho chú, có giấy tờ gì không? giờ chú đổ hết cho người đã chết, dễ nhỉ? – ông Môn ngồi xoay xoay trên chiếu ra chiều nóng nảy – Tôi năm chục năm đi làm cách mạng, chả hưởng hương hỏa gì, giờ bắt tôi đóng góp, anh chị em thấy có thậm vô lý không chứ? - Bố thằng Tam 1974 mới chết. Ông ấy không cho, dễ thường chúng tôi chở gạch ngói, xi măng về đây xây nhà được hả? Anh đừng có vỗ ngực xưng danh khoe ta là cách mạng. Thử hỏi chống Pháp, rồi chống máy bay Mỹ bắn phá, dễ thường bọn tôi ngồi chơi xơi nước hả? Anh "vi tính" vừa vừa thôi. Vậy mà lúc nào cũng khoe tiền không biết cất đâu cho hết. Nay nói tới đóng góp thì anh thoái... Ông Bản càng nói càng gay gắt. Ông Môn bỗng bật dậy như cái lò xo bị nén lâu ngày, chỉ thẳng tay vào mặt ông Bản: - Mày – đừng – có – láo! Cử tọa ồn ào lên như ong vỡ tổ, nháo nhác cả lên. Các bà thì í a í ới... Ông Tam thấy buốt nhói con tim, ông thật không ngờ sự việc lại xoay chiều ra nhanh như thế. Cực chẳng đã, lấy uy tín của "trưởng họ", ông liền ôn tồn can ngăn: - Thôi con xin các bố, nói khe khẽ thôi, không họ Vũ, họ Lê người ta cười cho! Các bố không góp thì con xin lãnh hết! Các cụ nằm dưới đất nghe thấy thế này chắc cũng chả vui vẻ gì... Xây mộ tổ, con nghĩ là một dịp họ ta tăng cường đoàn kết lại, chứ không nên vì chuyện quá khứ mà chia rẽ. Đó chẳng qua là những tồn tại do lịch sử để lại. Con xin các bố hãy lãng quên quá khứ mà hướng tới tương lai!. Mọi người chùng hẳn xuống, không ai nói năng chi. Một lát ông Bản nói: - Mai anh phải ra lễ đền ông Tướng, xin phép Ngài cho động thổ, nhớ cúng công đức bao nhiêu thì tùy tâm. Tôi đã đi xem bói, anh tuổi Tân Tị phải làm lễ và động thổ đúng giờ Tị, chứ để sang giờ khác là hỏng, hỏng bét hết!.
Ông Tam đã bước lên các bậc tam cấp trước cổng đền. Ngôi đền này ngày xưa sum suê cây cối, có cả hồ bán nguyệt thả sen, hoa sen rực hồng thơm ngát suốt mấy tháng hè. Có cây đa cổ thụ và hàng chục cây si rậm rì, thả rễ lung linh soi bóng xuống dòng sông Sa. Có cả hàng chục tòa ngang, dãy dọc, mái ngói thâm nâu, u trầm, tĩnh lặng, vẻ linh thiêng vô cùng!... Rồi chiến tranh tàn phá chỉ còn trơ lại gò đất hoang và bốn ông ngựa đá, voi đá. Nay dân đã đóng góp tiền xây dựng lại đền, vỏn vẹn bốn gian nhà ngói trong bóng các cây nhãn tỏa tròn, song cũng có đủ mái cong, đôi rồng chầu mặt trời... đủ sức gợi trong lòng ông Tam niềm hoài niệm về một tuổi thơ xa lắc xa lơ và dẫn ông vào cõi tâm linh mênh mông sâu thẳm. Ông lặng lẽ đếm từng bước thận trọng vào sân đền lát thứ gạch vuông Bát Tràng còn rất mới. Cụ Từ già thấy khách tới thì xuất hiện nơi tiền sảnh đền chính, buông lời chào: - Ông Tam mới về hả? Tới lễ thánh hay chỉ vãn cảnh? - Dạ, con kính chào cụ, con về kỳ này xây mộ tổ, xin cụ cho lễ thánh, xin phép Ngài cho dòng họ Nguyễn chúng con ngày mai được làm lễ động thổ. - Ừ cũng phải, các họ xây cả rồi, họ anh là chậm nhất đó. Kỳ này tính xây to hơn các họ kia chứ? - Dạ, thưa cụ, cũng chả dám ạ. Họ khác thế nào, họ con cũng vậy. Cụ Từ rút ra xâu chìa khóa mấy chục cái, từ từ mở cửa đền chính. Trước mắt ông Tam hiện ra ngai phủ vải điều và hàng chục bức tượng sơn son thiếp vàng trên bệ cao uy nghi, lẫm liệt... Những cặp mắt của các Ngài nhìn như xuyên thấu tâm linh ông Tam, khiến lòng ông thoáng chút lo âu. Cụ Từ đã đốt nến trên các bàn thờ cho sáng trưng lên và bật quẹt ga đốt hàng chục nén hương, cắm vào các bát hương, rồi cụ rì rầm khấn khứa. Cụ làm việc một cách nhanh nhẹn, chứng tỏ ở tuổi 70 cụ vẫn còn rất khỏe. Lời khấn của cụ đều đều, sâu lắng, nghe rất chi là bài bản, hình như là công việc này cụ đã rất quen, lời khấn cụ đã thuộc làm lòng. Đứng sau lưng cụ Từ, ông Tam chợt nhìn thấy tấm bia khắc hàng chữ vàng trên nền đá cẩm thạch xanh. Ông vội vàng nhẩm đọc: Sắc phong: Sắc cho vị Quảng Bác uyên dung, linh tế, long huệ, hiển hóa, hoằng đạo... Ngài là chính khí trời Nam, phúc thần của nước Việt, giữ nước cứu dân, bảo vệ cả một vùng bờ cõi, ngăn họa trừ tai, nối tiếp anh linh muôn đời. Nay nhân nước nhà khôi phục, nên cao phép tắc để ngăn họa trừ tai ngài xứng đáng được phong là Đại vương. Vậy nay ban sắc Đại vương Ngày 5 tháng 2 niên hiệu Hoàng Đinh 10 (1620). Ngước lên bàn thờ, ông Tam lại nhìn thấy tấm bằng công nhận di tích lịch sử do Bộ Văn hóa Thông tin cấp. Ôi, vậy là ngôi đền thờ Thành hoàng của xã, của làng ông là danh chính ngôn thuận rồi, chứ không phải là thứ mà bọn buôn thần bán thánh đưa ra để lòe bịp thiên hạ, lấy tiền đút túi! Lời nhắc của cụ Từ: "Ông lậy tạ thánh đi" dứt ông Tam ra khỏi dòng suy tưởng mung lung. Ông vội vã chắp tay vái ba vái từng bàn thờ một và ông tiến tới hòm công đức, nhẹ bỏ vào hòm hai tờ giấy bạc xanh. Chợt khi ngẩng lên ông nhìn thấy trên cây cột gỗ mầu nâu bóng có một tấm Bia Công đức, ông nhẩm đọc: Nguyễn Văn X, làng A... Vũ Duy Y, làng B... Lê Thị C, làng Đ... Nguyễn Văn H, làng T... Ông Tam thấy hơi là lạ, bèn hỏi: - Thưa cụ, bia công đức là sao ạ? Ai là người được ghi tên lên bia này? Cùng đi ra khỏi cửa đền, cụ Từ thủng thỉnh đáp: - Cũng chả dám giấu gì ông, để khuyến khích bà con và bá tánh góp phần tôn tạo trùng tu lại đền mà theo nguyện vọng của Hội người cao tuổi xã nhà là trong vòng 10 năm nữa sẽ tôn tạo đền y như trước năm 1946 khi đền chưa bị giặc Pháp tàn phá. Chắc ngày đó còn nhỏ ông đã từng dự hội đền vào 12 tháng 6 âm lịch hàng năm. - Vâng, ngày hội đền năm 1946 mẹ cháu dắt cháu đi xem hội thật là vui, thật là đẹp, cụ à. Nhưng cụ vẫn chưa nói với cháu là góp bao nhiều thì được ghi tên vào bia? Cụ Từ mỉm cười đôn hậu: - Một triệu trở lên ông ạ, cha H... làng ta góp một lần ba triệu rưỡi. Thì ra là vậy – ông Tam thầm nghĩ và chợt cười mủm mỉm – ai chứ cha H thì mình quá rành. Hắn là tay cờ gian bạc bịp có tiếng trên thành phố... Chắc là hắn góp công đức nhiều để thánh thần phù hộ cho thắng bạc to hơn? Và có lẽ, hắn cũng muốn nổi tiếng với thiên hạ. Ngày xưa bên Hy Lạp, cha Arostat muốn nổi tiếng đã đốt đền Nữ Thần. Nay H sợ không dám đốt đền thì cúng công đức nhiều? Chắp tay chào cụ Từ, nhẹ nện giầy trên sân đền trong ánh chiều chạng vạng, ông Tam bỗng nảy ra một ý định thú vị.
Đã hai ngày ông Tam lăn lóc, ngồi vạ ngồi vật trong nghĩa trang từ sáng sớm sương khuya còn phủ mỏng tang, tới trưa nắng lên gay gắt để trông coi sáu ông thợ nề xây mộ theo đúng ý đồ thiết kế của ông đã được các ông bà nhất trí "duyệt y". Tiến độ thi công nhanh vùn vụt, nay khu mộ đã lên dáng, lên hình với bức tường hình vòng cung phía sau, hai trụ được gắn hai bông sen màu đỏ. Ông Môn và ông Bản thỉnh thoảng đảo qua cho có lệ, còn mấy bà sau khi cúng lễ và ơ hờ than khóc, trình bầy lòng thành kính của mình với người đã khuất thì cũng lên xe máy cho con cháu chở về làng tránh sương, tránh nắng. Chiều ấy, chợt ông Bản nói: - Bia anh đặt ở làng trên bao giờ lấy được? - Đặt mấy cái? Giá bao nhiêu một cái? – ông Môn hỏi. - Dạ thưa hai ông, con đặt bốn cái. Giá rẻ quá, có năm chục ngàn một cái. - Sao hội ý đặt ra, hôm nay anh đặt bốn? Ba cái ghi tên sáu cụ, còn một cái để làm gì, lãng phí! Rồi tiền bia đó ai chịu? Ông Môn nói giọng hơi tỏ vẻ khó chịu. - Anh có cái tật hay làm theo ý riêng mình. Năm 1975 đang ở Hà Nội, làm ở Viện nghiên cứu ngon lành, đùng đùng kéo vợ con vào Nam, họ hàng không ai cản nổi - ông Bản đứng từ xa góp lời. - Các chú để cho cháu trình bày cái đã. Ba bia chính thì gắn vào trong từng khu mộ có mái che. - Còn bia thứ tư gắn đâu? ông Môn nôn nóng ra mặt. - Dạ, hôm trước ngày động thổ, cháu có đọc thấy bên khu mộ nhà cụ Vĩnh có một bia ghi: "Các cháu Minh, Hương đồng lập mộ". Họ làm như thế vừa văn minh, vừa có tinh thần trách nhiệm cao, các ông ạ. Ví như mấy cha nhà văn in tiểu thuyết, họ phải ghi rõ tên hay bút danh ngoài bìa, thế mới danh chính, ngôn thuận chứ ạ? - Miền Nam các anh khéo vẽ vời! Ối dào... văn với chả minh! ông Bản lắc đầu cười. - Tiền bia đó anh chịu nhé? – ông Môn nhắc – hôm rồi anh đi lễ đền cúng công đức trăm ngàn không có hội ý trước, anh cũng không nên đưa vào kết toán... - Vâng cháu xin chịu hai khoản đó. Nhưng cũng xin báo cáo lại với hai ông, bia này sẽ được gắn sau bức tường chính của khu nhà mồ. - Nhưng phải ghi cho đủ, chứ bỏ sót ông bà nào là rách chuyện đó. – ông Môn lại nhắc. Ông Tam bí mật quay đi mỉm một nụ cười: - Vâng bia này sẽ được gắn sau cùng, sau khi ta kết toán công trình vài ngày. - Ấy ấy, vậy thì anh phải ở lại đến ngày đó à? Tôi bận công tác hội cựu chiến binh phường, mai tôi cáo lỗi đi trước... Nhưng bia ghi họ tên thôi chứ? Ông Môn lại hỏi. - Vâng, thưa hai ông, tên họ là lẽ đương nhiên, nhưng xin phép hai ông cho con chỉ nói thợ khắc họ tên những ai đóng đúng, hoặc hơn số tiền phân bổ. Con thấy ngoài đền ông Tướng, ai góp trên một triệu mới được khắc tên vào bia công đức. Vậy mới thấu lý, đạt tình phải không, thưa hai ông? Hai ông quay mặt đi và trầm ngâm, không nói năng chi. ... Cuối cùng, ngày tổng kết toán công trình xây mộ tổ tiên diễn ra vô cùng vui vẻ. Sau khi ông Tam công bố tài chính công khai quyết toán công trình và dự kiến phân bổ như ông Môn đã có ý kiến ngày họp họ, ông Tam thật không ngờ các ông, bà tranh nhau đổ xô đến góp tiền cho ông. Ông Tam vui mừng nhận ra rằng không ai đóng dưới mức qui định. Có bà, có cô đã không coi mình là "nữ nhi ngoại tộc' cũng hăng hái đóng góp một cách vô cùng tự nguyện!. Có bà còn cắc cớ nói thêm "ai đóng tiền trước cho anh trưởng thì phải khắc tên lên trên". Ông Môn thì cười ha hả: "Mộ tổ họ mình thế mà cao to nhất làng!. Thiết kế của anh trưởng họ thật là hết ý!". Mọi người cười vang và vào tiệc ăn mừng hoàn thành việc xây mộ tổ dòng họ Nguyễn vô cùng sôi nổi.
Sau hai ngày ở lại thanh toán mọi khoản, kiểm kê lại tiền trong ví, ông Tam thấy còn dư tiền mua một chiếc vé máy bay về miền Nam. Giờ đây ngồi trên máy bay đang ở độ cao trên 10 cây số ông Tam cứ thầm ngẫm nghĩ: Ôi, cái tâm lý cộng đồng, văn minh làng xã và các dòng họ, đâu là những đặc điểm đặc thù, đâu là mặt mạnh và mặt yếu trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội Việt Nam ta ngày nay để tìm ra những biện pháp tích cực khả dĩ thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới của đất nước ta, đưa dân tộc ta tiến nhanh trên con đường phát triển? Câu hỏi này quả là không dễ trả lời. Tháng 12-1999
NHẬT HÀ (nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001) |