Tạp chí Sông Hương - Số 150 (tháng 8)
Quan niệm về cái đẹp của phong trào "Thơ mới" 1932 - 1945
11:11 | 30/05/2008
Từ thơ ca truyền thống đến Thơ mới là một sự đột phá vĩ đại trong quan điểm thẩm mỹ của thơ ca. Chính sự cách tân trong quan niệm về cái đẹp này đã làm một "cú hích" quan trọng cho tiến trình phát triển của thơ ca Việt . Nó đã giúp thơ ca dân tộc nhanh chóng phát triển theo con đường hiện đại hóa. Và từ đây, thơ ca Việt có thể hội nhập vào thơ ca nhân loại.

Cũng từ phương diện này, mà nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá cao về phong trào Thơ mới, cho "Thơ mới là một cuộc cách mạng vĩ đại trong thi ca".
Lịch sử phát triển của thơ ca nhân loại là lịch sử tiến hóa của sự thay đổi các thang giá trị. Các nhà Thơ mới đã đưa ra một tuyên ngôn về cái đẹp hòan toàn mới, nếu không nói là đối lập với quan điểm thẩm mỹ của thơ ca truyền thống. Nếu thơ cổ điển hướng đến cái đẹp hữu ích, cái đẹp chuẩn mực, cân đối; thì Thơ mới đề cao cái đẹp siêu thoát (vượt lên cái bình thường, tẻ nhạt) cái đẹp kỳ dị, cái đẹp "phi chuẩn mực". Quan điểm này được bộc lộ qua cuộc đấu tranh giữa "Thơ cũ" và "Thơ mới"; cuộc tranh luận giữa hai phái:  Nghệ thuật vị...; cùng một số sáng tác có tính chất tuyên ngôn của Thế Lữ, Xuân Diệu..., và nhóm Xuân Thu nhã tập.
1 - Các nhà Thơ mới ảnh hưởng sâu sắc quan điểm thẩm mỹ của văn học lãng mạn phương Tây, đặc biệt Baudelaire, Valéry, Gautier... Họ cho rằng, thơ ca muốn đẹp, muốn kỳ diệu, cần phải thoát ly cuộc sống, thoát ly cái hữu ích, vụ lợi của sinh hoạt trần tục. Họ chủ trương thơ phải tách rời với thực tiễn chính trị, kinh tế, đạo đức. Nhiệm vụ của văn học là tìm kiếm cái đẹp: "Tìm cái đẹp trong thiên nhiên là nghệ thuật. Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình" (Hoài Thanh). Thế Lữ tuyên ngôn: Tôi chỉ là một người khách tình si/ Ham vẻ đẹp muôn hình, muôn vẻ/ Mượn lấy bút nàng Li Tao tôi vẽ/ Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca. (Cây đàn muôn điệu).
Nhìn chung, họ đặt nghệ thuật lên trên cuộc sống, hướng nghệ thuật đến chỗ siêu thoát, tách rời đời sống vật chất: "Nghệ thuật cao cấp phải đài các. Phải đem ta xa với đời sống thường về vật chất".
Nhóm Xuân Thu nhã tập (1) đồng nghĩa thơ với Đạo, với cái Đẹp. Với họ, thơ là một thứ rung động, xa vời, vô tư lợi. "Thơ trước hết phải là một sự trong trẻo, sự vô tư, sự khêu gợi không cùng, sự rung động tức khắc, sự gặp gỡ đột nhiên, sự hiến dâng không nghĩ đến sự trở về - "Văn" nói chuyện đời, nhưng "thơ " phải là tiếng đời u huyền, trực tiếp". Thơ được những người trong nhóm Xuân Thu nhã tập biểu thị theo công thức sau: THƠ = TRONG = ĐẸP = THẬT. Và theo họ: "Cái gì trong trẻo là đẹp: hương hoa, chất ngọc, lòng băng, một ý tưởng vô tư lợi, một cử chỉ vô lý do; không cần cho cái gì, để làm gì, biết thế nào; tự nó có ý nghĩa, có cứu cánh ở nó; tự túc, tòan năng. Và cái gì thật là đẹp. Một chiếc lá, một lời đau, một khóe mắt, một nhịp đờn... Ai bảo là hư ảo? Đó là sự thật, ta cảm thông bằng trực giác, khi đã nằm trong chiếc lá, trong lời đau, trong khóe mắt, trong nhịp đờn... Ta đã thấy THƠ? ".
Nhìn chung, quan niệm về cái đẹp trong thơ của các nhà Thơ mới gặp gỡ với quan điểm của các nhà thơ lãng mạn Pháp. Gautier quan niệm: "Chỉ có cái gì không có ích mới thật đẹp... Làm thơ không cần có mục đích, hay có mục đích cũng chỉ để chơi, để phát dương cái đẹp mà thôi". Khi đặt ra mối quan hệ giữa văn học và đời sống xã hội, các nhà Thơ mới đã đặt cái đẹp của thơ ca lên trên cuộc sống. Họ đều đồng nhất với nhau trong quan điểm: người cầm bút phải vượt qua những thành kiến, phép tắc, khuôn khổ, biết hòa hợp và rung động tự trong lòng trước cái đẹp của tự nhiên. Nghệ thuật không thể vụ lợi, không để đời sống vật chất chi phối - phải biết vươn lên những cái đó, để "tìm cái hay, cái đẹp, cái lạ trong cảnh trí thiên nhiên và trong tâm linh người ta". Và bằng cái "văn tài" của mình, giúp cho người đọc cùng nghe, cùng thấy, cùng cảm trước cái đẹp, cái hay. Muốn vậy, khi sáng tác nghệ thuật phải cố sức giúp người ta phản động lại với hoàn cảnh cùng bẩm thụ của tự nhiên.
Cuộc đấu tranh giữa phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật" (2) (đứng đầu là Hòai Thanh) và phái "Nghệ thuật vị nhân sinh" (đứng đầu là Hải Triều) đã bộc lộ rõ thái độ của nhà phê bình Hoài Thanh và các nhà Thơ mới về thơ. Đối lập với quan điểm "Nghệ thuật vị nhân sinh", họ chủ trương tách nghệ thuật ra khỏi mối liên hệ với đời sống, thời đại và lợi ích giai cấp. Họ nhấn mạnh vai trò sáng tạo chủ quan của nghệ sĩ, tính không vụ lợi, nhất thời của nghệ thuật. Nghệ thuật phải khát vọng vươn tới cái đẹp vĩnh cửu. Hoài Thanh ví văn chương như một bông hoa, nó đem đến cho người đọc những giây phút say sưa, thoát tục để quên đi những nhọc nhằn của hiện thực. "Một bài văn hay là một bông hoa, làm sao người ta cứ ép bông hoa phải thành quả là nghĩa lý gì". Thiếu Sơn cho rằng: "Văn chương chỉ có một nghĩa là tìm kiếm và phô bày cái đẹp". Còn Phan Văn Dật cho: "Nghệ thuật tức là các phương pháp người ta dùng để gây ra cái cảm giác, cảm tình, và nhất là cái mỹ cảm".
Trong cuốn “Văn chương là văn chương” Hoài Thanh đặc biệt chú trọng đến cái đẹp của nghệ thuật. “Tìm cái hay, cái đẹp, cái lạ trong cảnh trí thiên nhiên và trong tâm linh người ta, rồi mượn câu văn, tấm đá, bức tranh làm cho người ta cùng nghe, cùng thấy, cùng cảm, đó là nhiệm vụ tối cao của nghệ thuật". Hoài Thanh còn phân biệt hai dạng người: người cầm bút và nhà văn. Người cầm bút có thể nói chuyện chính trị, luân lý, xã hội; còn nhà văn chỉ nói đến văn chương thuần túy. "Nhà văn là người sống giữa xã hội, cố nhiên phải tùy sức mình làm hết phận sự của một người cầm bút mà thôi. Ta nên nhớ rằng, cầm bút chưa phải là viết văn. Văn chương là vật quý, có đâu được được nhiều thế".
Các nhà Thơ mới cũng như Hoài Thanh đã nhận thấy được cái đẹp - một đặc trưng cơ bản của thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung. Nếu đánh mất đặc tính này, vô hình chung, ta đã dung hòa nó với các hình thái xã hội khác (đạo đức, triết học, tôn giáo, chính trị). Đây là một mặt tích cực trong quan niệm nghệ thuật của Thơ mới. Nhưng đề cao cái đẹp quá mức, tuyệt đối hóa cái đẹp một cách cực đoan, thì sẽ đánh mất chức năng xã hội, cắt đứt mối liên hệ của nó với cuộc đời (mà nói cho cùng, cái đích của văn chương là hướng đến cuộc đời, hướng đến con người, vì con người).
2 - Một trong những chuẩn mực về cái đẹp trong thơ của các nhà Thơ mới, là gắn thơ với cái tĩnh lặng, cái buồn, cái mong manh, hư ảo. Tĩnh lặng, buồn, cô đơn, với Thơ mới là một cái đẹp huyền diệu, thanh khiết. Cái đẹp trong văn học lãng mạn nói chung và Thơ mới nói riêng đều hướng đến cái mộng tưởng, thoát ly, cái mong manh, mờ ảo. Quan điểm thẩm mỹ này hoàn toàn đối lâp với các nhà thơ cách mạng. Cái đẹp trong văn học cách mạng luôn hướng đến cái sôi nổi, cái vui tươi, lạc quan.
Mộng tưởng (một thế giới khác với hiện thực đang sống) là một đặc tính quan trọng của thơ ca lãng mạn. Dẫu thế giới đó chưa có hoặc không thể có, nhưng nó là miền trú ẩn thiêng liêng, dịu ngọt trong tâm hồn họ Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi. (Xuân Diệu)...
Cả một "Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ" đã choáng ngợp tâm hồn. Dường như thi sĩ chỉ sống trong cõi mơ, cõi "lặng chìm", cõi hư ảo:. .. Cả trời say nhuộm một màu trăng/ Và cả lòng tôi chẳng nói rằng/ Không một tiếng gì nghe đụng chạm/ Dẫu là tiếng vỡ của sao băng. (Đà Lạt trăng mờ - Hàn Mặc Tử).
Cái đẹp trong Thơ mới còn gắn với ánh sáng, hương thơm và nhạc điệu. Xuân Diệu đã lấy câu thơ có tính chất tuyên ngôn của Baudelaire làm đề từ cho bài thơ "Huyền diệu" của mình: Les parfumes, les couleurs et les sons se répondent". (Những mùi hương, những màu sắc và những âm thanh tương ứng với nhau) (Baudelaire).
Sự giao động giữa âm thanh, màu sắc và ý nghĩa đã trở thành một nguyên tắc sáng tạo quan trọng của Thơ mới (Ảnh hưởng từ câu định nghĩa của Valéry: "Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa").
Đoàn Phú Tứ đã cảm nhận "màu thời gian tím ngát" trong tình duyên (Theo Hoài Thanh, người Pháp cho thời gian là màu xanh):... Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn vương/ Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát. (Màu thời gian). Đây không chỉ là màu của thời gian, mà còn là màu của hương thơm, màu của ánh sáng và nhạc điệu. Nói như R.Jakobson, vai trò chủ âm thuộc về âm nhạc. Âm nhạc đã trở thành một sức hấp dẫn đầy ma lực. Họ viết về nhạc như cả một thế giới kỳ diệu. Trong "Huyền diệu", Xuân Diệu đã mang đến một thế giới âm nhạc đầy mơ màng, quyến rũ: Hãy tự buông cho khúc nhạc hường/ Dẫn vào thế giới của du dương/Ngừng hơi thở lại xem trong ấy/Hiển hiện hoa và phảng phất hương. (Huyền diệu).
Bích Khê có hẳn một bài thơ với tựa đề là "Nhạc": Nàng ơi! Đừng động... có nhạc trong dây/Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây/ Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào mộng/ Ô nàng tiên nương! - Hợp nhạc đầy hương. (Nhạc - Bích Khê).
Hàn Mặc Tử cho rằng: "Thi sĩ Bích Khê có đôi mắt rất mơ, rất mộng, rất ảo, nhìn vào thực tế thì sự thật sẽ trở thành chiêm bao, nhìn vào chiêm bao lại xô sang địa hạt huyền diệu" (Huyền diệu được các nhà Thơ mới đồng nghĩa với âm nhạc).
Âm nhạc đã trở thành một chuẩn thẩm mỹ trong thơ ca, không phải yếu tố âm nhạc chỉ có trong Thơ mới, các nhà thơ cổ điển đã nhận thấy: "Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc" (Trong thơ có họa, trong thơ có nhạc). Nhưng phải đến Thơ mới, yếu tố âm nhạc mới được xem là chuẩn mực của cái đẹp, một trong những hình tượng trung tâm của sáng tác thơ ca. Các nhà Thơ mới đã sáng tạo những câu thơ mong manh, hư ảo, huyền hồ, nhiều câu thơ hay, có thể xem là tuyệt bút: Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông. (Bích Khê); Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/  Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người. (Xuân Diệu).
3 - Cái đẹp trong Thơ mới, còn gắn với cái kỳ dị. Và có thể nói, lần đầu tiên, trong thơ ca Việt xuất hiện yếu tố này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, quan điểm thẩm mỹ này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ tập thơ: "Les fleurs du mal" (Những bông hoa tội lỗi) của Baudelaire. Baudelaire cho rằng: Cái ác, cái kinh khủng chính là cái đẹp. Trong bài: "Ca ngợi cái đẹp", ông viết: "Hỡi sắc đẹp! Hỡi con quái vật kếch xù, khủng khiếp, ngây thơ! Dầu em đến từ thiên đường hay địa ngục, điều đó có hề chi; miễn sao con mắt, nụ cười, bàn chân em mở cánh cửa của một cõi vô tận mà ta hằng yêu và chưa hề biết tới". Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê... đều gặp gỡ quan niệm này. Họ xóa nhòa ranh giới giữa cái đẹp với cái ghê tởm.Trong bài tựa cho tập thơ "Tinh huyết” của Bích Khê, Hàn Mặc Tử viết :"Thi sĩ khát khao hoài vọng cái mới, cái đẹp, cái gì rung động hồn phách chàng đến tê liệt, dại khờ, dù cái đẹp đó cao cả hay đê tiện, tinh khiết hay nhơ bẩn, miễn là có tính chất gây nên những đê mê, khoái lạc". Cái đẹp kinh dị đó đã xuất hiện qua hàng loạt bài thơ của Bích Khê, nhiều bài thơ trong tập "Tình huyết" nhuộm đầy máu huyết. Hình ảnh sọ người đầy kinh khủng, rùng rợn, nhưng với Bích Khê là: "Hồ nguyệt động nhiều trăng lấp lánh; chứa bao chất ngọt ngào say dại, uống đến lịm người đi những tủy thơm và não mát". Ta tìm thấy trong thơ Chế Lan Viên những hình ảnh kinh dị như vậy: nào "xương vỡ máu trào",... nào: "những bóng ma Hời sờ soạng trong đêm". Nhất là trong thơ Hàn Mặc Tử (vào thời gian bị bệnh tật, điên loạn cuối đời), ta thường thấy xuất hiện những hình ảnh ghê rợn: Ôi ta mửa ra từng búng huyết/ Khi say sưa với lượn sóng triền miên. (Máu cuồng và hồn điên)
Tuy vậy, giữa "cái đẹp kinh dị" trong thơ Hàn Mặc Tử không đồng nhất với cái đẹp trong thơ Baudelaire. Hàn Mặc Tử không thừa nhận cái đẹp đến từ địa ngục, từ quỷ sa tăng như Baudelaire. Cái đẹp ấy, theo Hàn Mặc Tử, được sinh ra từ tôn giáo: "Đức Chúa Trời tạo ra trăng hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ... Chúa Trời cho ra đời... một loài thi sĩ. Loài thi sĩ này bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra ở đời với một sứ mạng rất thiêng liêng... phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời... và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, trong sạch". Yếu tố "trong sạch” này đã làm xuất hiện trong thơ như một phạm trù thẩm mỹ mới, mà không thể tìm thấy trong thơ cổ điển. Tuy nhiên, về sau, Thơ mới đã đẩy địa hạt này sang sự điên loạn và thần bí, người đọc khó có thể chấp nhận.
Cần phải thấy rằng, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử này, Thơ mới phải có sự cộng hưởng của hai yếu tố: nội sinh (truyền thống) và ngoại nhập (văn hóa phương Tây). Ngoài "cú hích" quan trọng của chủ nghĩa phương Tây, Thơ mới là kết quả của một cuộc vận động tự thân đầy thầm lặng và đau đớn của thơ ca truyền thống.
Nguyễn Văn Siêu có nói: "Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương". Nhìn bề măt, Thơ mới thuộc loại thứ hai. Nhưng thực ra, ẩn sau cái “chỉ chuyên chú ở văn chương” ấy, nó rất con người, rất nhân văn. Chính Huy Cận - một đại biểu xuất sắc của phong trào Thơ mới đã bộc lộ: "Đi sâu vào tâm hồn ta với cả những làn sóng ngầm, chúng ta gặp hồn dân tộc; đi thật sâu vào tâm hồn dân tộc, chúng ta sẽ gặp hồn nhân loại. Quá trình 'thâm canh' của Thơ mới là như vậy. Cái chung và cái riêng của Thơ mới hòa hợp biện chứng, rất sáng tạo, rất thơ". Từ những cách tân trong quan niệm về cái đẹp, Thơ mới đã thay đồi về chất so với thơ ca truyền thống; giúp thơ ca Việt đi vào quỹ đạo chung của thơ ca nhân lọai.

TRẦN HUYỀN SÂM
(nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001)
-----------------------------------------------------
(1) Xuân Thu nhã tập đựoc xem là hướng tìm tòi cuối cùng của phong trào Thơ mới 1932-1945.
(2) Thật sự thì Hoài Thanh chưa bao giờ phát biểu như vậy. Ông chỉ nói: Văn chương là văn chương”, nhưng quan điểm của ông gần với phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” của phương Tây, tiêu biểu là Gautier. Khi nghiên cứu kỹ Hoài Thanh, nhất là trong cuốn
Văn chương và hành động, chúng tôi nhận thấy, quan điểm nghệ thuật của ông rất “vị nhân sinh” (Xem Văn chương và hành động - trong Hoài Thanh toàn tập do Từ Sơn biên soạn - NXB Văn học, 1999).

Các bài mới
Quê ơi! (30/05/2008)
Cúc biển (30/05/2008)
Con khướu ấy (30/05/2008)
Chị tôi (30/05/2008)
Đường chim bay (30/05/2008)
Các bài đã đăng
Dứa dại (27/05/2008)