Tôi đoán vậy là vì hai bác cháu tôi vừa trải qua một cuộc chuyện trò dài lê thê tưởng không bao giờ dứt. Bác Hai nhắc đến cha tôi rất nhiều. Bác kể cho tôi nghe những mẩu chuyện thời thơ ấu, thời trai trẻ thật ngộ nghĩnh nghịch ngợm, và cũng thật bi hùng xúc động. Tôi ngồi lặng im dỏng tai nghe để mà bật cười, há hốc, đau xót, tự hào, chảy nước mắt, rồi lại cười khóc khóc cười... Tôi biết đâu phải bỗng dưng mà bác tôi bỏ thời giờ vàng ngọc ra để ngồi đó dông dài huyên thuyên những chuyện xưa tích cũ cho thằng cháu nghe. Tôi đoán bác sẽ kết thúc cuộc chuyện trò hiếm hoi này bằng một bài thuyết giảng, nếu không nói về đạo đức, thì cũng nói về lý tưởng, về quan niệm sống, hay về ước mơ hoài bão của một trang thanh niên trước vận mệnh của đất nước sơn hà. Tôi đang ngồi chờ được nghe cái kết thúc ấy. Chờ thật lâu. Bên ngoài, lũ trẻ nhỏ của xóm lao động đang chen chúc gào reo om sòm với trò quăng lon, chuyền bóng nghe đinh tai nhức óc. Xe máy chạy ra, chạy vào hẻm lại còn góp vui với chúng bằng những tiếng còi inh ỏi nhấn bóp vô tội vạ, hòa thành bản nhạc sống động làm cho người muốn hưởng những giờ phút yên tĩnh có thể phát điên lên. Tôi hơi bực bội, khó chịu, đưa mắt nhìn ra ngoài, rồi lén nhìn gương mặt bác Hai. Bác thật thản nhiên, gương mặt đăm chiêu chừng như bất động. Có lẽ bác đã quen với cái không khí huyên náo ồn ã quanh năm của cái xóm nhỏ có con nít đông gấp mấy lần người lớn này. Bác đã sống ở chốn thị thành xô bồ được hai mươi năm rồi còn gì. Tôi không biết phải làm gì, nói gì, ngồi đực ra đó mà chờ. Một lát sau, bác Hai khẽ lắc đầu, thở dài một hơi nghe như hơi thở của một người khuân vác vừa trút bỏ khỏi lưng vai một vật nặng nề. Nhìn tôi với đôi mắt thật sắc, bác nghiêm nghị: - Hồi nhỏ ở quê, ông nội mày thường răn tau với ba mày câu: "nhỏ không học, lớn đi chăn trâu". Tao với ba mày nghe vậy thì hết muốn học, khoái được đi chăn trâu hơn, nên cứ rủ nhau trốn học đi bắt dế, đi câu cá, thả diều... Tôi phì cười. Nhưng bác tôi không hề cười, dù chỉ là nhếch nhẹ đôi môi thâm đen. Tôi vội ngậm câm như hến, nuốt nụ cười vào bụng mà ém cho nó nằm yên. Bác rót trà ra ly, chậm rãi: - Sau, thầy giáo làng đến nhà mét với ông nội mày. Tao với ba mày bị một trận đòn roi mây rách cả mông, cả nửa tháng sau mới lành lặn. Ông nội mày bảo: "Không học thì trâu cũng không có mà chăn!". Vậy là hai anh em hết dám dù học, không mơ tưởng đến ngày được ngồi trên lưng trâu nghêu ngao hát, với tay cầm ngọn cờ lau mà phất với phủi nữa! Tôi mỉm cười. Nhìn dò chừng sắc mặt bác Hai. Bác nghiêm hơn trước chứ chẳng hề cười với câu chuyện hóm hỉnh thời dĩ vãng xa xôi ấy. Giọng bác đanh lại: - Đó là chuyện xưa, chuyện ở nhà quê. Còn bây giờ, bây giờ là cuối thế kỷ 20, và là đang ở thành phố văn minh. Tao không muốn khuyên bảo răn dạy mày nhiều. Mày là cháu tao, là con ruột của em trai tao, ba mày đã mất, mẹ mày đã không còn đủ khả năng nuôi nấng dạy dỗ mày ăn học nên người, và đã giao mày cho tao bao bọc, cho nên tao coi mày như con tao. Rõ? Thật rành mạch, rõ ràng. Dĩ nhiên tôi đáp "dạ rõ". Bác hớp một ngụm trà, tiếp: - Về đây ở với tao trong lúc này thì phải chịu khổ theo tao. Mày sẽ phải làm việc để tự nuôi sống mình, lớn rồi, hai mươi tuổi rồi chớ nhỏ nhoi gì... - Dạ, cháu biết. Cháu sẽ làm việc... – Tôi lúng búng. Bác Hai đứng dậy, cao giọng: - Đương nhiên. Tao không quen biết gì nhiều, cũng không có tiền bạc dư thừa để chạy chọt cho thằng cháu mình có được một chỗ làm nhàn hạ, lương cao... Im lặng. Bác lại thở dài, bước lại xoa đầu tôi: - Ở thành phố vào thời đại này thì "nhỏ không học, lớn đi làm lơ xe". Thôi thì. .. mày theo tao đi xe, làm lơ xe cho chắc ăn, rồi từ từ tao sẽ dạy mày lái xe, đó cũng là một cái nghề nuôi sống nhiều người, nhiều gia đình... Tôi bần thần, không nói được gì. Bác Hai ngồi phịch xuống ghế lại, những ngón tay gõ nhịp liên tục trên bàn: - Khả năng tao giúp được chỉ nhiêu đó. Tao biết, mày là một đứa ham học, đã học đến lớp 12 trường huyện, chớ không phải là thứ "nhỏ không chịu học" để bây giờ bị "làm lơ xe”. Nhưng, theo tao rong ruổi đường dài, mày sẽ được một nghề kiếm sống, và cũng học được những bài học của cuộc đời mà nên người. Vậy cũng là học, chớ không phải chỉ có đến trường vào lớp mài đũng quần, hí hoáy với bút mực sách vở. Đồng ý không? Tôi vừa chán chường, vừa vỡ mộng. Viễn cảnh được vào ngồi trong giảng đường đại học tan biến ra mây khói lững lờ trên đầu tôi. Vậy mà mẹ tôi đã hi vọng, làm cho tôi cũng hi vọng theo rằng bác trai tôi sẽ bao bọc nuôi nấng tôi ăn học thành tài. Tôi nghe mẹ nói nhỏ rằng bác Hai tôi có của ăn của để nhờ cái nghề tài xế xe khách, lại nhờ con cái đã trưởng thành làm nên cơ nghiệp, tuy ở xa nhưng vẫn thường xuyên gửi tiền về cho cha... Tôi nghe mẹ nói nhiều, ca ngợi bác trai của tôi nhiều lắm, vẽ ra trước mắt tôi một khung cảnh sống rất ấm cúng và thoải mái. Giờ, nghe bác Hai nói vậy, tôi thất vọng ê chề, biết rằng con đường học vấn của mình đã đến chặng phải dừng, không còn hi vọng gì nữa... Thật là uổng phí bao năm đèn sách, uổng công mẹ tảo tần nắng mưa lo cho mình học đến lớp 12.. Giọng bác Hai làm tôi giật nẩy mình trở về với thực tại trước mắt: - Sao? Có chịu làm lơ xe không? Tôi đau thắt cả ruột gan, nhăn nhíu mặt mày, nói thều thào: - Dạ... số phận cháu bây giờ... tùy thuộc vào quyết định của bác. .. chớ cháu biết còn chọn lựa gì hơn? Giọng của tôi nghe thật thảm thiết, tôi mà còn nghe thảm thiết nói gì người khác. Bác Hai nói chắc nịch từng tiếng: - Không. Tao chỉ phụ giúp mày thôi. Phải tự mình định đoạt cuộc đời mình! Tôi im thin thít. Bác Hai đứng lên, sang sảng: - Tao không ép buộc gì mà. Nếu không đồng ý làm lơ xe thì về quê với mẹ mà cày ruộng, làm vườn, hay chăn trâu tuỳ mày! Con trai thì phải mạnh mẽ lên, dũng cảm lên, phải có bản lĩnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào. Đừng yếu đuối, đừng ủy mị, đừng làm bộ thiểu não, nhu nhược, yếu hèn! Đứng dậy đi! Tiếng bác tôi quát bứng tôi bật dậy như lò xo rời khỏi ghế, tôi như chuếnh choáng, hai chân không đứng vững được nữa. Bác hỏi như tát vào mặt tôi: - Trả lời đi. Có đồng ý làm lơ xe không? - Dạ. .. cũng được... - Nói to lên, chắc lên, dứt khoát lên, và vui vẻ lên! Tôi tuân mệnh lệnh như cái máy: - Dạ. Cháu đồng ý làm lơ xe! - Cười lên! Hoan hỷ lên! Tôi cười. Cười méo xẹo miệng môi. Làm bác Hai bật cười sằng sặc. Vừa cười, bác vừa phủi đít bỏ đi một lèo xuống nhà dưới, để tôi đứng lại bàng hoàng, đờ đẫn với những chùm sao sáng lòa đua nhau nhảy múa trước mắt như trêu chọc một kẻ sa cơ thất thế...
Tôi làm lơ xe được bốn tháng. Bốn tháng đu bên hông xe, mồm gào la ỏm tỏi, tay đập vào thùng xe rầm rầm, nhảy xuống đất đón khách, rồi nhảy phóc lên xe để hò hét tiếp suốt chặng đường dài đi đi, về về đầy nắng mưa khổ ải. .. Tôi quên bẵng những giấc mơ đẹp về chốn giảng đường đại học, chỉ còn biết đến công việc năng động hoạt náo của một thằng lơ xe đường dài. Tiền bác giúi vào túi tôi hằng ngày thật nhiều hơn tôi tưởng. Bác Hai dặn tôi hãy để dành đó phòng khi cần thiết, một số gửi về cho mẹ ở quê, một số để tôi sắm sửa áo quần và những gì tôi thích. Nhưng tôi không được phép uống rượu, nhậu nhẹt, hút thuốc lá, xem băng hình bạo lực đấm đá hoặc khiêu dâm. Bác Hai cấm tuyệt đối. Bác theo dõi tôi rất nghiêm ngặt. Tôi chẳng hề buồn về những điều cấm đoán khắt khe ấy, bởi tôi từ nhỏ đến lớn chẳng hề ưa những thứ mà bác tôi kê ra trong danh sách cữ kiêng, cần xa tránh.... Tháng thứ năm, bác Hai cho tôi vào ngồi bên trong với nhiệm vụ thu tiền, người thay thế chỗ tôi hò hét là một chàng trai mặt mày hung tợn, nghe nói là con của bạn bác gửi gắm. Tôi nhàn hơn trước, thu tiền xong, có quyền đọc sách báo suốt cuộc hành trình. Tháng thứ sáu, tôi đã được bác cho ngồi kế bên để học lái xe bằng... mắt. Bác nói: "Làm quen trước đi. Từ từ tao sẽ cho tập thực hành, rồi từ từ sẽ được nắm vô-lăng mà thế tao những lúc tao mệt mỏi. Học võ rừng mà nhanh hơn, chứ bây giờ mà bỏ thời giờ tiền bạc ra để cho mày đi học lái xe, lấy cái bằng lái thì hao tốn, và lâu lắc nữa! ". Sang đến tháng thứ bảy thì tôi được nắm vô –lăng lái thử từng chặng đường ngắn. Được bác Hai tận tình chỉ dạy, tôi học rất nhanh, và thực hành cũng rất vững. Bác khen: "Cái thằng này sáng! Giỏi!". Đến tháng thứ tám tôi đã được bác tôi tin tưởng giao cho lái xe, bác ngồi kế bên nhắc nhở, chỉ dạy thêm kinh nghiệm, và những khi sắp đến trạm kiểm soát là bác cho tôi nghỉ một chút để bác cầm tay lái. Tôi tìm được cảm hứng với công việc mới, thấy thích thích cái nghề mà bác tôi đã theo đuổi mấy mươi năm trời. Bác vỗ vai tôi vào một ngày trời quang mây tạnh, nói: "Mày thành tài xế rồi đó. Bây giờ muốn thi lấy bằng lái thì dễ ợt dễ òm, ba mươi giây là xong!". Tôi nghe vậy mừng hí ha hí hửng, đòi bác cho đi thi lấy bằng. Bác lắc đầu: "Nói thì nói vậy cho mày tự tin vào mình, chớ thi lấy bằng làm gì? Cứ thay tao lái xe được chặng nào hay chặng nấy!". Tôi ỉu xìu, tiếp tục làm tài xế phụ... Chuyến ấy, xe bác tôi được một gia đình giàu có trong xóm bao luôn đi vào thành phố Hồ Chí Minh đón người thân từ bên Mỹ về. Bác Hai cho anh lơ tạm nghỉ ít ngày, chỉ có tôi được theo. Chặng đường dài trên ba trăm cây số đối với tôi thật hứng thú, vì lần đầu tiên trong đời tôi được đi xa đến như vậy. Càng thú hơn khi tôi là tài xế chính suốt bốn phần năm chặng đường. Bác Hai ngồi bên, nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe: "Chẳng ai trên xe biết mày chỉ là tài xế còn đang tập sự. Mày lái vững lắm, giỏi lắm, xứng đáng kế nghiệp của tao rồi đó!". Bác còn hứa hẹn sau này sẽ giao hẳn xe cho tôi, bác nghỉ việc dưỡng già, và chiếc xe xem như là quà tặng của bác cho tôi làm vốn liếng sinh sống, tạo lập gia đình... Tôi lại đòi đi thi lấy bằng lái, bác ấm ừ nói "từ từ". Tôi không đoán được những gì bác tôi suy tính trong đầu, nên bụng cứ mãi ấm ức hậm hực. Chuyến xe đi vào Sài Gòn hoa lệ được thông suốt, mọi sự xảy ra êm thấm, không một chút trục trặc nhỏ. Bác Hai đã tranh thủ đãi tôi một chầu... đi tham quan Thảo Cầm Viên, ăn kem ly, và ngủ một đêm ở khách sạn dù gia đình người hàng xóm bao xe đã có lời mời bác cháu tôi đến nghỉ ngơi tại nhà người thân của họ... Ngày trở về lại Nha Trang, xe khởi hành lúc trời chạng vạng, khách trên xe đã đông hơn chuyến vào vì có thêm hai vợ chồng Việt kiều và ba đứa con của họ. Bác Hai dặn dò tôi: "Chạy đêm khác với chạy ngày đó nghen mày. Nếu thấy buồn ngủ, mỏi mắt thì giao cho tao lái, đừng có ráng, lơ mơ là xảy ra tai nạn thì khổ đời! ". Thà không dặn gì thì tôi vẫn cứ tự tin mà lái xe. Nghe bác dặn rồi tự nhiên tôi cảm thấy hồi hộp, lúng túng, cứ căng mắt ra mà nhìn chăm chăm phía trước, tim cứ thom thóp trong lồng ngực. Bác Hai ngồi bên nhắc tuồng khe khẽ, và bác thay cho tôi nhiều lần, khác hẳn với chuyến vào. Bác cười: "Tài xế phải thuộc nằm lòng, khắc vào trí não câu an toàn là bạn, tai nạn là thù. Không những chỉ nhớ thuộc, mà còn phải thật sự căm thù tai nạn giao thông. Phải căm thù nó trong sự tỉnh táo sáng suốt, đầy tinh thần trách nhiệm, chớ không phải để cho lòng căm thù bốc lên nóng bỏng làm mờ cả mắt mũi và lương tri. Bằng không, mình sẽ trở thành đồng minh của chính cái thứ mà mình căm thù!". Tôi ngạc nhiên, thích thú khi nghe được những lời bộc bạch đầy tính triết lý của người bác ruột mà tôi xưa nay cứ đánh giá là học thức "hơi được ít". Hai bác cháu tôi thay phiên nhau kẻ lái người ngủ, kẻ ngủ người lái. Tôi được ngủ nhiều hơn. Đến địa phận Cam Ranh, bác Hai dừng xe, giao tay lái cho tôi, nói: "Đến đây là khỏe bụng rồi. Chạy một mạch nữa là tới nơi. Tao giao nhiệm vụ cho mày đó, cố gắng hoàn tất tốt nhé!". Rồi bác nhắm mắt ngủ ngồi trên ghế kế bên tôi. Tôi đã tỉnh ráo hai mắt, hăm hở nắm vô-lăng cho xe lăn bánh chạy chặng đường cuối cùng của cuộc hành trình dài đầu tiên trong đời tài xế... phụ. Xe chạy chừng hai mươi cây số thì chuyện xảy ra. Đèn xe rọi sáng phía trước đủ cho tôi thấy cảnh những người đang đứng nhí nhố lăng xăng bên đường, họ vẫy tay gọi réo chặn một chiếc xe du lịch chạy trước cũng đã giảm tốc độ, nhưng rồi bỗng vọt lên, chạy luôn vào đêm tối sương lạnh. Tôi cho xe chạy rề rề lại. Những người bên đường mặt mày hớt hơ hớt hải, đưa tay ra vẫy liên tục. Bác Hai thức giấc ngay, hỏi: "Chuyện gì vậy?", rồi bác chồm người ra cửa sổ, la lên: "Thôi rồi, tai nạn rồi. Một chiếc xe lật nhào xuống dưới ruộng rồi kìa!". Tôi chưa kịp thấy gì, chỉ mới nghe bác nói, đã phanh gấp cho xe dừng lại. Những hành khách phía sau hai bác cháu tôi cũng đã thức giấc, lao nhao lên: "Tai nạn hả? Đâu? Đâu? Họ xin quá giang phải không? Họ nhờ chở người bị nạn đến bệnh viện cấp cứu chớ gì?". Bác Hai gào lên: "Đúng rồi. Họ nhờ chở người đi cấp cứu!". Mau chạy tới luôn đi!". Bác quay nhìn tôi. Đôi mắt bác sáng quắc lên trong bóng tối lờ mờ. Tôi chần chừ. Tiếng phía sau lại thúc hối. Bác Hai nạt tôi: "Chạy luôn đi! Sao mày còn chờ gì?". Tôi gầm lên: "Không được. Không bao giờ!". Bác Hai quát vào mặt tôi. "Sao hả?". Tôi lập lại cương quyết: "Không bao giờ!". Bác gằn giọng: "Tại sao?". Tôi không hề nao núng: "Gặp người bị nạn thì phải cứu. Đó là lương tâm, là trách nhiệm. Tại sao lại làm ngơ?". Bác tôi đập vào vai tôi, nói thật to: "Đúng. Thằng này giỏi! Xuống xe mau!". Mặc cho những người hành khách giàu có ngồi phía sau xe phản đối, hai bác cháu tôi cùng nhảy xuống, chạy lại tiếp cứu, khiêng hai người bị thương nặng lên xe, cho xe chạy thẳng với tốc độ cao về bệnh viện gần nhất. Chính tôi lái chặng đường cấp cứu ấy, vì bác Hai đã giao cho tôi một trọng trách mà bác nói rằng "cháu sẽ nhớ mãi suốt đời...". Hai người bị nạn đã được đưa vào bệnh viện huyện sơ cứu kịp thời, hai bác cháu tôi ôm nhau trong niềm vui mừng khôn xiết. Đưa những vị khách bao xe về đến nhà họ, hai bác cháu tôi lặng im không cãi một lời khi hết kẻ nọ người kia luân phiên nhau mắng mỏ, trách móc với giọng xấc xược, trịch thượng, cho rằng làm họ hoảng sợ, làm trễ mất đi giờ giấc vàng ngọc, làm nhơ nhớp hôi tanh hành lý của họ để trên xe. Họ lạnh lùng trừ bớt tiền thuê bao xe, vậy mà bác Hai vẫn tươi tắn chẳng phàn nàn lấy nửa tiếng. Bác kéo tôi ra quán, nói: "Sáng nay, tao đãi mày một chầu đặc biệt: nhậu lẩu thập cẩm, uống bia lon!". Tôi kinh ngạc, trố mắt, bị lôi đi vào một quán nhậu bình dân. Tôi nhận ra gương mặt bác mình rạng rỡ vui tươi hơn bao giờ hết. - Sáng sớm mà nhậu nhẹt gì hở bác? - Vậy mới nhớ đời được. Tao cho phép mày uống bia, mày không uống, tao cũng bắt ép uống... - Nghỉ chạy xe ngày nay sao, bác? - Nghỉ. Tao thì tạm nghỉ. Còn mày thì nghỉ luôn! - Sao? Cháu nghỉ luôn sao? - Ừ. Bắt đầu từ giờ này, mày không còn được leo lên xe tao ngồi trước vô-lăng nữa. Tối mai, hãy bắt đầu đi ôn thi đi! - Ôn thi lấy bằng hở bác? - Chớ sao. Thi lấy bằng. Nhưng không phải là bằng lái xe, mà là bằng đại học. Nghe rõ chưa? Bác nhìn tôi dò xét. Tôi sững sờ, ngồi đực người ra. Bác cười ha hả, vỗ vai tôi: - Cháu đã trải qua thời gian gian thử thách rồi. Cháu giỏi lắm! Tôi không nghe lầm. Bác Hai đã đổi cách xưng hô rồi, thật êm ái và ngọt ngào biết bao! Tôi đã nhảy tưng tưng từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, cứ sợ là mình chiêm bao mộng mị. Bác Hai khui bóc lon bia, rót tràn cốc cho tôi, hất cằm: - Uống đi, cháu. Bác đã yên tâm về cháu. Cháu đã cho bác thấy thứ mà bác cần thấy nơi cháu. Lương tâm, trách nhiệm và lòng nhân hậu. Nếu cháu có đủ, luôn quý hóa giữ gìn cho sáng thơm thì khi vào đời, bước trên đường công danh, cháu sẽ gặt hái những thành công tốt đẹp. Bác đã thấy nơi cháu có những thứ quý báu ấy, và cháu xứng đáng được bác tin cậy. Bác sẽ lo cho cháu vào đại học, còn chọn ngành nghề thì tùy nơi cháu, bác không hề có ý áp đặt cưỡng ép. Nhưng, bác cũng xin gợi ý, chỉ là gợi ý thôi, cháu hãy thi và trường y, hoặc đại học giao thông vận tải... Tôi nâng cốc bia đầu tiên trong đời lên, tu một hơi cạn sạch. Đặt cốc xuống bàn cái cộp, tôi chồm người tới trước ôm lấy người bác ruột với nỗi sung sướng và niềm hân hoan xúc động vô bờ. Hôm ấy, hai bác cháu tôi đều say mèm, dìu nhau về nhà trước bao cặp mắt đầy ngạc nhiên của những người quen trong xóm... Tỉnh dậy, tôi nằm bần thần, đưa tay tự véo vào mặt mình thật đau để tin rằng những gì vừa xảy ra không phải là huyễn hoặc mộng ảo. Lần mò ra khỏi phòng, tôi nhìn thấy bác Hai đang ngồi tư lự trầm ngâm nơi bàn khách một mình bên bộ tách trà cổ. Biết tôi đã tỉnh dậy, bác gọi lại, chỉ lên bàn thờ, nói bằng giọng nghiêm trang: - Bác vừa mới thắp nhang cho ông bà nội, cho ba của cháu đó. Bác đã xin hứa sẽ lo cho cháu ăn học thành tài nhân kiệt xuất, chớ không phải tài xế lành nghề. Cháu hãy đến thắp nhang đi, hãy hứa trước anh linh của ba cháu rằng sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, không lùi bước trước khó khăn, và sẽ trở thành người tài giúp ích cho gia đình và xã hội. Chỉ nhiêu đó thôi, còn mọi thứ là phần của bác lo, cháu chẳng phải bận tâm gì hết!.
Tôi bước lại trước bàn thờ, đốt lên những nén nhang trầm với đôi bàn tay run run trước linh vị của người cha đã hi sinh anh dũng trong một trận quyết tử ở biên giới Tây Nam, khi tôi đang còn nằm trong bụng mẹ. Tôi đứng mà nước mắt chảy ròng ròng, không vì khói nhang làm cay mắt, mà vì xúc động, vì hạnh phúc, vì cảm thấy mình đang vươn lên trưởng thành, khi phía sau lưng mình đang có một bóng mát mênh mông lồng lộng sẽ luôn luôn che phủ cho tôi suốt quãng đường dài mà tôi hằng ao ước được đi qua. Bác Hai của tôi đó. Tôi xoay lưng lại nhìn. Bác đang khóc. Chính hình ảnh bác khóc đã luôn nhắc nhở tôi, đốc thúc tôi băng lên phía trước suốt bốn năm liền ngồi ghế giảng đường và tôi đã trở về nhà với mảnh bằng tốt nghiệp trên tay để trình cho bác xem. Bác săm soi một hồi, nói: - Đúng là bằng tốt nghiệp đại học. Đúng là bằng cử nhân rồi. Khác với bằng lái xe hoàn toàn! Hai bác cháu tôi ôm nhau cười khúc khích...
MÃN ĐƯỜNG HỒNG (nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001) |