Tạp chí Sông Hương - Số 151 (Tháng 9)
Chấm phá về văn hóa Huế
15:42 | 30/05/2008
I. Chúng tôi xin tạm hiểu như sau về văn hóa Huế. Đó là văn hóa Đại Việt vững bền ở Thăng Long và Đàng Ngoài chuyển vào Thuận Hóa - Phú Xuân.
Chấm phá về văn hóa Huế

Đàng Trong với những gì đó còn lại hoặc mất hẳn, hoặc nhạt đi, hoặc đậm thêm, hoặc mới sinh, do tác động của những điều kiện hoàn cảnh địa lý, lịch sử, chính trị, xã hội của Đàng Trong nói chung và của Huế nói riêng. Xin lấy một ví dụ nhỏ. Hát ca trù, ả đào là một nếp văn hóa của cả một dải Hà Nội - Thanh Nghệ. Ở Huế không còn hát ca trù, ả đào như ở "dưới xóm" Khâm Thiên của Hà Nội chẳng hạn. Nhưng vẫn còn nhị, nguyệt, tranh, tỳ bà, tiêu, sáo, sênh... Mới là làn điệu bình, ai, Tứ đại cảnh. Mới nữa là không chỉ hát trong nhà như ở Đàng Ngoài, mà còn đàn hát ở đò trên sông là chuyện Đàng Ngoài không có. Sông Nhĩ Hà nước đục phù sa, sóng xiết, kiểu dáng thuyền đò không thích hợp với một thú vui tao nhã, ngồi giữa sông không thấy phố phường trên đôi bờ, thấy quạnh quẽ xa vắng quá. Sông Hương không hẹp đến làm tiêu tan cảm giác bát ngát sông nước, nước rất trong, xanh như tàu lá, sóng nhẹ thiêm thiếp, ngồi giữa sông cũng thấy được phố phường thành quách hai bên bờ, sông rộng đủ gây cảm giác bát ngát mênh mông với khói sóng, trăng thanh, sương đêm, con đò dài thon thả. Phong cảnh xinh đẹp hữu tình đến vậy nên dạo đàn ca trên sông đã thành một nếp văn hóa riêng của Huế mà vẫn nằm trong văn hóa Đại Việt.

II. Có thể tìm thấy văn hóa Huế ở nhiều lĩnh vực. Nhưng để nói rõ nhất là có lẽ ở:
- Ứng xử, sinh hoạt của người Huế
- Tôn giáo
- Kiến trúc
- Thơ và nhạc
- Ăn uống
- Trang phục...
Xin lấy ví dụ nhỏ, chẳng hạn, văn hóa ẩm thực. Việt Nam gần gũi Trung Hoa về địa lý "núi liền núi" và đồng văn, xa Pháp "muôn trùng biển khơi" và dị biệt văn hóa tư tưởng. Nhưng ăn uống Việt lại giống Pháp, khác Trung Hoa. Ăn thứ gì thì biết thứ đó, ăn thịt lợn thì biết đó là thịt lợn, ăn bò biết bò, ăn cá gì biết cá nấy, món canh cá giếc mà không có vị đắng của giếc là không được, xào dê mà không có mùi hăng hăng của dê là hỏng kiểu. Đó là nét chung ở cái ăn của Việt và của Pháp. Món ăn "Tàu" thường được chế biến tới mức không biết xào ninh hấp... với những thứ gì. Ẩm thực Huế cũng đậm đà "ăn gì biết nấy", nhưng mang vài nét riêng. Huế thường làm những món ăn với những thứ rất bình thường, tầm thường. Món cơm hến rất Huế của Huế chỉ là cơm nguội với hến luộc. Món mít trộn cũng rất Huế, chỉ là mít non luộc xé nhỏ trộn với đậu phụng - lạc rang giã nhỏ và muối. Ngoại trừ bữa cỗ, món ăn hàng ngày, ngay của vua chúa, hoàng thân quốc thích, đại thần, phú gia... cũng là những món bình thường, phổ biến: rau sống, cà muối, dưa chua, dưa món, mắm cá, và cá sông, cá biển, thịt gà vịt, thịt lợn, thịt bò... luộc, nấu, xào... Gà tần, chim quay hoặc dê hầm đều đã là những món đặc biệt, thỉnh thoảng. Ông nội tôi là Đông các, một trong tứ trụ triều đình, mâm cơm hàng ngày của ông là cà pháo muối, dưa món, dưa cải chua, cá bống kho, cá rô nướng, canh bầu, canh bí đỏ. Vua Khải Định là anh em cô cậu ruột với mẹ tôi. Mẹ tôi kể, có lần vào chầu, Vua bảo mẹ tôi kho cho Vua dùng "cá bống thệ kho trã đất" (trã là loại nồi đất nung có hình bèn bẹt) vì nhà bếp ngự thiện không làm món đó. Món ăn Vua thích là vậy. Dọn ăn thì rất thanh cảnh. Mâm cơm Huế thường dùng là chén bát đĩa nhỏ, không dùng bát ô tô, đĩa lớn, đĩa bàn. Mỗi bữa ăn không dọn nhiều món, thường chỉ bốn năm món, ví dụ:  đĩa cà muối, đĩa rau muống luộc, đĩa cá kho, đĩa thịt phay, bát canh bầu tôm và chén nước mắm ớt tỏi chanh. Mỗi đĩa mỗi bát không đầy tú hụ. Đĩa cà bảy tám quả. Đĩa tôm kho mươi con, đĩa thịt phay mươi lát thái mỏng... Hết thì lấy thêm, không dọn nhiều một lần. So với Đàng Ngoài, các món ăn nói chung giống nhau. Khác là nhiều cá sông, cá biển, mực biển hơn. Với Đàng Ngoài, cua tôm cá đồng là chủ yếu. Huế không ăn mắm cáy mà ăn mắm cá biển, không ăn tương là chính mà ăn nước mắm chế từ cá biển. Bữa ăn của các tầng lớp trên ở Huế so với các tầng lớp trên ở Hà Nội, Sài Gòn, có phần thanh đạm hơn, bày dọn thanh cảnh hơn, chăm chút trình bày màu sắc hơn. Nguyễn Đức Từ Chi quá cố rồi, nếu không, anh sẽ kể lại câu chuyện đã làm anh trợn mắt ngạc nhiên, và sau này, sáu bảy mươi tuổi, nói về ăn uống, anh cũng còn nhắc lại. Từ Chi cũng như tôi, sinh ở Huế, học ở Huế, "ăn cơm Huế mòn răng". Năm đó chúng tôi ra Hà Nội, ở gác thuê, ăn cơm tháng, 5 đồng Đông Dương một tháng ăn, mỗi bữa bốn năm món thịt cá, sang hơn ở Huế. Trưa ấy, chúng tôi ăn cơm có món rau muống xào thịt bò. Từ Chi chép miệng khen ngon quá, ngon quá. Bất đồ có anh bạn người Hà Nội đến chơi. Anh nhìn mâm cơm của chúng tôi, bỗng tỏ vẻ cáu kỉnh, gọi bà chủ nấu cơm tháng, chỉ vào món rau muống thịt bò, dằn giọng: "Sao bà lại dọn cái món phu xe kéo đó? ". Đối với anh, thuộc một gia đình đại thương ở Hàng Buồm, thì rau muống có xào thịt bò đi nữa cũng chỉ là hạ cấp.
Thử lấy thêm ví dụ ở trang phục. Đàn ông có cái áo vạt hò, ngắn tới mông, cúc cài ở nách ở hông phải. Trong ngoài Bắc không thấy áo vạt hò đó. Phụ nữ Huế, cả phụ nữ nông thôn, không còn khăn bao tóc, khăn trùm mỏ quạ, áo tứ thân, thắt lưng bó que, váy dài quá gối, mà để tóc trần hoặc chít khăn - phụ nữ tầng lớp trên dùng khăn vành, nhỏ thì bốn năm vòng, quí tộc mệnh phụ thì cả mươi vòng - mặc quần hai ống, áo dài kín ngực kín cổ, dài tay, vạt dài quá gói, khép tà tức mép vạt trước vạt sau phủ lên nhau, quần xếp con tức từ lưng quần xuống tới gấu quần, phía từ hông xuống mắt cá ngoài, vải hoặc lụa xếp ba nếp. Do quần xếp nếp như vậy, khi bước đi ống quần như hẹp lại như rộng ra khiến bước đi trông uyển chuyển hơn.
Ăn uống thanh đạm thanh cảnh phải chăng vì vốn Huế nghèo, không có sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại không lớn, đất canh tác ít, thượng đẳng điền nhất đẳng điền hiếm, phần lớn là công điền công thổ. Ông nội tôi, đại thần chánh nhất phẩm, khi về hưu phải có sự góp sức của con cháu mới có vườn nhà. Tình hình quan lớn hưu trí thanh bạch như ông nội là chuyện thường thấy. Việt thời vua quan là nước hoàn toàn nông nghiệp, hầu hết mọi tài sản thu nhập đều từ đất ruộng, thế mà diện tích cấy trồng bình quân đầu người chỉ có mấy sào thì lấy gì mà giàu có, mà sang trọng xa hoa? Nhận định về vua quan nước ta, về quy mô văn hóa vật chất nước ta, xin đừng quên mấy sào đầu người, đừng nhìn ta như Trung Quốc, Nga, Pháp... Tôi lớn lên, bà ngoại tôi còn sống, tôi đã thấy ngôi nhà ngói bé nhỏ kèm mấy gian nhà tranh là nơi bà, cậu dì tôi ở, trước mặt nhà là cái lều tranh bày hàng bán lơ thơ bánh đậu xanh, kẹo mè, kẹo cau, kẹo bột... ngồi bán là dì Cả của tôi, thân mẫu của nhạc sĩ Vân Đông. Bà ngoại tôi chính là bà Chúa Nhứt Công nữ Như Khuê, con gái của Kiến Thái Vương, chị em ruột với ba Vua Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh. Đâu có lầu vàng điện ngọc gì đâu!
Hẳn do ảnh hưởng của Chàm, xưa là chủ nhân vùng đất này, mà có Nam ai, Nam bình, áo dài hai vạt, Chúa Nguyễn muốn Đàng Trong khác Đàng Ngoài, khẳng định quyền Chúa ở Đàng Trong, cấm áo tứ thân, cấm váy. Cho nên, phụ nữ Đàng Trong, nhất là phụ nữ Huế, nơi Chúa Nguyễn đóng đô, đã mặc áo dài hai vạt, quần hai ống. Và ai đó ở Huế, là người Huế, đã tạo ra nếp xếp con cho quần thướt tha.
III. Những điều kiện hoàn cảnh nào đã sinh thành những nét những nếp gì đó mà thấy là biết Huế? Hãy thử điểm qua địa lý, lịch sử, chính trị, xã hội... Nhưng, trước hết cần nhớ lại văn hóa Đại Việt vốn có sức đề kháng tự tồn rất mãnh liệt. Đương diện với văn hóa Trung Hoa, chịu đựng 10 thế kỷ đô hộ của Trung Hoa, Việt Nam không bị đồng hóa, tiếp nhận biến hóa phần lớn văn hóa Hán với Khổng - Lão - Trang... tạo dựng bổ sung phong phú văn hóa Đại Việt, bản sắc riêng không mất mà đa dạng giàu có hơn. Pháp đô hộ Việt Nam trên một thế kỷ, đem văn hóa Pháp và Tây phương vào đây, tiếng Pháp lên hàng chuyển ngữ chính, Việt Nam tiếp nhận biến hóa văn hóa Pháp - Tây phương, văn hóa Đại Việt phong phú đa dạng thêm, không mất không suy suyển gốc. Vấn đề đang bàn ở đây liên quan đến văn hóa Đại Việt đối mặt với văn hóa Chàm là một nền văn hóa mạnh, có những mặt trội hơn văn hóa Đại Việt. Người Chàm giỏi hàng hải, giỏi luyện kim, giỏi ca vũ... theo đạo Bà-la-môn là môn tôn giáo hùng hậu từng quét sạch đạo Phật ở Ấn Độ... Đại Việt chiến thắng chinh phục đất đai Chăm-pa, liệu có như Mãn-Châu chinh phục Trung Hoa lập nhà Mãn Thanh nhưng bị khuất phục theo văn hóa Hán? May thay, người Việt cũng đã tiếp nhận biến hóa văn hóa Chàm làm giàu cho văn hóa của mình. Người Việt miền Bắc thời Ngô Quyền, Trần Nhân Tông chiến thắng thủy quân Thiên triều ở trên sông, còn chiến thắng của Chúa Nguyễn đánh tan 3 tàu chiến Hà - Lan năm 1644 là ở trên biển. Há không phải người Việt ở thời ấy mới có phủ Chúa ở vùng Huế hiện nay đã sớm tiếp thu nghệ thuật và kinh nghiệm hàng hải của người Chàm vốn nổi tiếng hải tặc hùng cường? Văn hóa Đàng Trong nói chung, văn hóa Huế nói riêng, rõ ràng có nhiều chất Chàm. Lẩy ra những thành tố Chàm trong văn hóa Huế là một đề tài thú vị cho nhà Huế học.
Vùng đất Huế là một vùng cảnh trí xinh đẹp được khen là thơ mộng. Ngoài Đà Lạt, không có thành phố hoặc thị xã thứ ba nào của cả Việt được gọi là thơ mộng. Năm 1636, Chúa Thượng, Nguyễn Phước Lan, dời Phủ Chúa tới làng Kim Long (Hương Trà - Thừa Thiên) tức Huế đó. Dựa theo sử sách, Nguyễn Phúc tộc Thế phả có mấy dòng trích lại của người Âu Châu, hóa ra quan trọng cho ai khảo sát văn hóa Huế: "Kim Long rộng rãi, cảnh trí xinh đẹp, Phủ Chúa và các nhà quan lại còn lan ra các làng chung quanh. Kim Long đã mang lại nhiều lợi ích thương mãi ngay trong thời Chúa Thượng. Các thuyền buôn từ Trung Hoa qua, từ Hội An ra, ghé Thuận An, đi dọc Sông Hương lên Huế. Nhờ đó phẩm vật của người Âu và Trung Hoa (tơ sống, thuốc bắc, bút chỉ...) đều được mang bán tại Huế. Khách phương xa ghé đến Kim Long không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng huy hoàng của Phủ Chúa và các nhà quan lại...". Xinh đẹp thơ mộng vì có sông, gò đồi, núi và gần biển. Không có đô thị nào của Việt hội đủ núi sông đồi hồ biển như vậy. Đẹp, vừa tầm cỡ con người, mang những nét riêng độc đáo. Núi như núi Ngự Bình, núi Thiên Thai vừa đủ cao to để gọi núi, nhưng không quá cao to để người ngại leo trèo, và đã diễn ra thường xuyên những chuyến đi chơi núi trèo leo lên tận đỉnh. Gò đồi nhiều vùng thoai thoải nối tiếp nhau uốn lượn, 35 năm trước khi Phủ Chúa dời về Huế, tức năm 1601, vị Chúa Nguyễn đầu tiên vào Đàng Trong dựng nghiệp là Chúa Nguyễn Hoàng đã cho xây Chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê bên này sông Hương, cận kề Huế, cùng huyện Hương Trà. Theo sử chép, "... giữa đồng bằng nổi lên gò cao như hình đầu rồng nhìn ra sông lớn, phía sau có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp..." Bên kia sông lớn đó - tức sông Hương - là vùng gò đồi mênh mông xanh mượt thông, nơi sẽ dựng lên những lăng tẩm vua Nguyễn vốn góp phần chính yếu cho việc Huế được UNESCO công nhận là di sản thế giới của nhân loại. Sông Hương, như đã nói, không quá hẹp dễ làm tắt mỹ cảm, không quá rộng để gây ngợp choáng,  đủ rộng để gây cảm xúc về bát ngát, thấy được thấp thoáng hai bờ phố phường để khỏi thấy vắng vẻ quạnh hiu, nước lại trong xanh, chảy êm và tuyệt đẹp thơm hương.
Cảnh quan đó không thể không tác động sâu mạnh đến tâm hồn người Huế. Nhiều vị ở tỉnh khác đến Huế đã làm thơ về Huế, Trân chẳng hạn, người Quảng , tây học, đã có hẳn một tập thơ với nhan đề HUẾ ĐẸP VÀ THƠ. Huống chi là người Huế. Cho nên, nói đến văn hóa Huế, hẳn phải nói đến văn chương nghệ thuật của Huế mà nổi lên trước hết là thơ - đàn - hát - múa - kiến trúc. Hiếm có tỉnh thành nào - trừ Hà Nội từ xưa và Sài Gòn sau này - sâu đậm văn chương nghệ thuật như Huế. Tổng hòa ý kiến từ của linh mục Cadière đến tiến sĩ dân tộc học Lê Văn Hảo nói về chất thơ của Huế, có thể nói rằng Hoàng Thành là một kiến trúc - thơ - nhạc, lăng như lăng Tự Đức là một kiến trúc - thơ - nhạc, và Huế là một tổng thể kiến trúc - thơ - nhạc, kiến trúc thơ nhạc uốn lượn nét múa.
Ở đất Huế đó, người Huế là ai? Từ Lạng Sơn đến Cà Mâu, đều là người Việt, nhưng rõ ràng, người Việt mỗi địa phương có giọng nói riêng, có những nét riêng về tính khí, tính cách..., có ảnh hưởng nào đó đến hành trạng, vận mệnh của con người. Không phải ngẫu nhiên mà câu "Quảng khoa hơn hoạn, Quảng Ngãi hoạn hơn khoa" - Quảng học giỏi nhiều bằng cấp cao nhưng ít quan chức cao cấp, Quảng Ngãi thì ngược lại - đã tỏ ra cơ bản đúng từ thời quân chủ sang tới thời xã hội chủ nghĩa. Những nét riêng của người Huế là gì? Tiền nhân trực tiếp của người Huế là những lớp người đầu tiên ở Thuận Hóa. Những lớp đầu tiên trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm Thuận Hóa (năm 1558) là những "nghịch dân" gồm tàn quân nhà Mạc, tội phạm ở Bắc Hà bị phát vãng, du đãng chống Trịnh thảo khấu lục lâm trốn tránh náu thân nơi sơn lam chướng khí ngoài biên viễn. Rồi Nguyễn Hoàng và tùy tướng tùy quân cùng dân ứng mộ vào "đất nghịch". Nguyễn Hoàng là con của Nguyễn Kim, vì cha và anh bị họ Trịnh giết, bản thân như cá nằm trên thớt, nên lánh nạn xin vào Thuận Hóa, Trịnh Kiểm cho đi vì cho rằng "đất ác người dữ" đó thì Nguyễn Hoàng cũng sẽ bị chết thôi. Con của Nguyễn Kim đại công thần đánh Mạc trung hưng nhà Lê, Nguyễn Hoàng cũng là tướng lĩnh trận mạc được vua Lê khen là "Cha hổ sinh con hổ". Đi theo ông là quân bản bộ của ông thạo nghiệp đao cung là dân Tống Sơn và Thanh Hóa Nghệ Tĩnh, nặng nghĩa tình với ông. Bản lĩnh can trường, tâm hùng chí cả của người dám dấn thân vào nghịch địa nghịch dân nghịch cảnh, rồi cung cách chiêu hiền đãi sĩ quí dân thời lập nghiệp đã thu phục cảm hóa theo mình những gì là ngang ngạnh, chống đối, bất khuất, cương trực. Tính khí người Huế quả đã có thừa kế những phẩm chất đó. Những phẩm chất này không mất nhưng lắng lại trong khuôn phép hành vi ứng xử của người dân kinh kỳ, nơi đóng Phủ Chúa từ năm 1636, nơi định đô đế triều từ 1802 cho đến 1945. Tiếp xúc với người Huế, ta dễ dàng nhận thấy họ nói năng nhỏ nhẹ, cử chỉ nhẹ nhàng, đối xử lễ nghĩa phép tắc, đậm nét hơn nữa là thùy mị, đằm thắm, tùy thuận, ngọt ngào ở người phụ nữ Huế. Nhưng khi bùng lên chống đối phản kháng thì mãnh liệt sôi sục. Trong đấu tranh chính trị - xã hội, có thể đan cử trường hợp người Huế trong phong trào Phật tử chống chính quyền Sài Gòn. Trong đời sống bình thường hàng ngày, hãy xem những cơn phẫn nộ chửi rủa của đàn bà Huế, có lẽ dữ dội hơn phụ nữ nhiều nơi khác. Một mặt là thanh lịch, nhã nhặn, khuôn phép, một mặt là phản kháng, chống đối, và mặt thứ hai này đưa người Huế sớm đến với những đấu tranh ái quốc và cách mạng, kể cả những người thuộc Hoàng tộc. Pháp xâm lược Việt Nam thời vua Tự Đức, từ đó đến năm 1945, có 10 vị vua, trừ 3 vị bị phế truất hoặc băng hà chỉ trị vì vài ngày đôi ba tháng, còn lại 7 vị thì đã đến 3 vị chống Pháp tới bị đày biệt xứ chung thân. Một trong những người cộng sản đầu tiên của Huế là Bửu Đình bị đày đi Côn Đảo. Từ Cách Mạng Tháng Tám, có đến trên dưới 2/3 người Hoàng tộc tham gia kháng chiến. Hoàng tộc đã vậy, huống chi những người Huế khác. Từ thường dân đến các "cụ thượng" (Bộ trưởng triều Nguyễn) tuyệt đại đa số người Huế đã tham gia trường kỳ kháng chiến chống Pháp chống Mỹ. Những nhân tố và những phẩm chất vừa nói đều hiện diện trong văn hóa Huế. Ở các ngành văn nghệ, chẳng hạn ở thơ, có thơ của vua chúa, quí tộc, quan lại, sĩ phu, trí thức, và có một dòng thơ cách mạng, kháng chiến mà tiêu biểu là Tố Hữu; ở nhạc có nhã nhạc, nhạc cung đình, ca nhạc nam ai nam bình, hò mái nhì, hò mái đẩy, ca khúc tân nhạc, và có dòng ca khúc đấu tranh kháng chiến với Đức Tùng, Tôn Thất Lập, Vân Đông... cái nét riêng của Huế là dòng thơ nhạc đời thường, cách mạng, kháng chiến tuôn chảy bên cạnh dòng thơ nhạc vua quan, cung đình. Vua Chúa quan lại nhà Nguyễn đều mê hát bộ. Trong cung cấm có Duyệt Thị Đường, đó chính là nhà hát, nơi Vua và hoàng gia, cận thần xem trình diễn nghệ thuật sân khấu, thường là tuồng hát bộ. Sau này Huế có rạp hát hát bộ là rạp Bà Tuần. Một vị hoàng tộc là Ưng Bình, hiệu Thúc Giạ Thị, có sẵn rạp hát và đoàn tuồng trong nhà, biểu diễn trong nhà, và sáng tác kịch bản tuồng. Một số tài liệu đã nói đến yếu tố Chàm trong hát bộ. Điệu múa Lan Lăng Vương, có thời bị hiểu lầm là của Trung Quốc, đã được chứng minh đó là điệu múa Chàm. Nhìn chung, đường nét của hát bộ, hòa quyện trong võ thuật, là đường nét múa Chàm. Những động tác múa cơ bản như cầu, ký... ở chân, như niêm ở tay... đều là những đường nét tròn, cong, uốn lượn, hiếm thấy đường thẳng,đường góc. Đó chính là những đường nét múa mềm mại lượn cong tròn mà ta thấy ở những tượng Chàm Ap-xa-ra vũ nữ nhà trời.
Nét riêng nữa của văn hóa Huế thể hiện ở tín ngưỡng, tôn giáo. Về tín ngưỡng, có thể nói đến cúng Tá thổ và lên đồng Mẫu ở điện Hòn Chén. Đường lối mở nước về phương Nam của các Chúa Nguyễn chủ yếu là giao hảo - ví như Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái Ngọc Khoa cho Vua Chiêm Pô-rô-mê, Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp CHEYCHOTTA II; Chúa Nguyễn Phúc Tần giúp Vua Chân Lạp Nặc-ông-Thu giành lại ngôi vua - thương lượng "mượn đất" để di dân vào khai phá cấy trồng. Vì vậy, khi nào cúng Thổ công, thần của đất mình, thì có cúng Tá thổ, thần Thổ địa của đất mượn. Thần linh thờ ở điện Hòn Chén với cúng lễ lên đồng là Mẫu của người Việt xưa hóa thành Man nương thời Âu Lạc rồi hóa thành Liễu Hạnh thời Đại Việt, vào Thuận Hóa, vốn là châu Ô châu Lý của Chiêm Thành "hỗn dung" với nữ thần Chiêm Pô-na-ga mà ra vị nữ thần của điện Hòn Chén. Ở hai tín ngưỡng này, rõ ràng có dấu tích ảnh hưởng Chàm. Về tôn giáo, Chúa Nguyễn Vua Nguyễn đều sùng đạo Phật, nên Huế kinh đô là nơi có nhiều chùa nhất trong cả nước. Nội ngoại thành Huế có trên 100 ngôi chùa phần lớn đều đẹp, hầu hết đều tọa lạc ở cảnh trí ngoạn mục. Một nét riêng đáng chú ý khi nghiên cứu đạo Phật ở Huế là Phật giáo ở Huế phần lớn theo phái Lâm Tế. Văn hóa Huế cũng rất đậm Nho giáo, nhất là Tống nho. Chúa Nguyễn đưa đạo Khổng vào , xem đó là quốc học. Vua Nguyễn dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, xem Nho giáo là quốc giáo, so với Hà Nội, Sài Gòn và những nơi khác trong cả nước, văn hóa Huế vừa đậm Phật giáo hơn vừa đậm Tống nho hơn.
Về chuyện ẩm thực, có 2 điều đáng chú ý trong nhiều điều khác. Một là cách làm thức ăn từ những thứ bình thường, tầm thường, Nguyễn Tuân đã viết bút ký khen ngợi những món ăn "muối" khác nhau như: muối mè (vừng), muối đậu phụng (lạc), muối sả (cây sả với một ít thịt lợn) hơn 10 món "muối"... Và hai là cách dọn ăn, như đã nói, gọi là thanh cảnh, thực ra là ít ỏi, chắc cũng có phần do Huế quá nghèo. Buôn bán, thủ công nghiệp, kỹ nghệ đều yếu kém. Đế kinh là một thành phố quan lại, công chức. Ruộng đất ít, phần lớn công điền. Mặt khác vì là vua chúa quan lại nên phải giữ gìn cho cái ăn cái uống thanh tao, lịch sự, không chút vẻ phàm ăn tục uống. Chuyện đáng xét nữa, đó là ảnh hưởng của ẩm thực Chàm, Đàng Ngoài ăn mắm cáy mắm tôm đồng, tôm sông, Đàng Trong ăn mắm cái và những loại mắm khác làm với cá biển, mực biển vốn là thức ăn của Chàm. Còn những món ăn gì nữa của Huế vốn là của Chàm, hoặc chịu ảnh hưởng Chàm? Nguyễn Đức Từ Chi có lần nói với tôi rằng phần lớn bánh mứt Huế chịu ảnh hưởng của Mường Trung Việt, nhưng tôi chưa đọc được tài liệu đó. Điều rõ ràng là số lượng món ăn riêng chỉ Huế có thì khá nhiều. Ngoài những thứ đã nói, có thể kể thêm tôm chua, bí đao nhồi chim hoặc gà hầm, bánh thuẫn, bánh bèo, bánh xèo, bánh khoái, bánh quai vạc, bánh lá chả tôm, bánh ướt thịt nướng, bánh bột lọc bọc tôm thịt, bánh sen tán, bánh sen chấy, mứt quất, mứt đu đủ, mứt gừng nguyên củ, mứt gừng dẻo... Ẩm thực của Huế thực sự phong phú, đa dạng, ngon và cả đẹp.
Về ảnh hưởng Chàm, có thể nói thêm tới con đò sông Hương thân mảnh và dài, gợi nghĩ đến thuyền độc mộc, nói thêm tới thuyền đi biển, có tên là ghe bầu, ghe ô, ghe chu, trọng tải 3 tấn, 5 tấn, 10 tấn, tuy không vượt biển, nhưng có thể đi biển xa bờ. Học hỏi áp dụng kinh nghiệm, nghệ thuật hàng hải của Chiêm Thành, thời Chúa Nguyễn đã có thương thuyền, chiến thuyền, hải vận hải chiến, phát triển thương mại, xây dựng hải quân. Năm 1644 Nguyễn Phước Tần - sau đó lên ngôi Chúa là Hiền Vương - đã chỉ huy 50 chiến thuyền đánh tan 3 tàu chiến vượt đại dương của Hà Lan định đánh phá Hội An. Đô đốc chỉ huy Pieter Back không chống đỡ nổi, phải hạ lệnh phá nổ soái hạm, ông ta cùng 200 thủy binh chết chìm theo tàu. Trong cuốn Les Européens ont vu Hué (Những người Âu châu đã thấy Huế), Choisy - là linh mục - và Thomas Bowyear viết "Hải quân Chúa Nguyễn có cả ngàn thuyền chiến gồm những loại 40-45 hoặc 70-75 hoặc 100 tay chèo mỗi mạn. Loại chiến thuyền nhỏ nhất có 3 đại bác lớn ở đằng mũi, 2 đại bác nhỏ ở hai bên. Hiệu lệnh bằng trống mõ... Vỏ thuyền sơn đen, bên trong sơn đỏ, bóng láng soi tỏ mặt người... Thời Chúa Nguyễn Phước Trăn, đã có thuyền 400 tấn, tay chèo sơn vàng, thủy quân mặc binh phục thao trắng, nhung đỏ, đội nón chóp lông... Thủy quân được tập luyện rất thành thục... cả đoàn chiến thuyền khi tiến khi lùi, lúc cạy lúc bát, khi phân tán khi tập trung, nã súng phóng tên, nhất nhất đều nhanh nhẹn lẹ làng, với sức cướp gió vượt sóng... với khí thế chiến đấu khiến người chứng kiến phải kinh thán, khiếp phục". Điểm các loại ghe thì thấy trong tiếng Việt thời ấy ở Thuận Hóa có tiếng Chàm. Ghe là do "ge", bầu là do "brâu" của tiếng Chàm. Sự hiện diện của tiếng Chàm trong tiếng Việt ở Huế, ở Đàng Trong là một đề tài nghiên cứu thú vị, Đan cử vài ví dụ về tiếng Huế có vay tiếng Chàm. Huế nói: ông mụ tra (ông bà già), thày lay (làm cái việc không phải việc của mình), tùm lum tà la (lu bù lộn xộn), tù huy tù huýt (từ rất lâu). Thì chính tiếng Chàm là: ôong mu ta ha, thay layt, t-lun t-lak, li-huy k. li -huy k.
Trò chơi cũng thể hiện văn hóa. Ở Huế có những trò chơi mà không thấy nơi khác. Tầng lớp trên có trò tam hường, trò đánh thơ thả thơ mà Nguyễn Tuân có viết trong Vang bóng một thời. Tam hường chơi với 3 con xúc xắc và dăm chục thẻ ngà hoặc thẻ tre khắc chữ Hán các học vị với các chức quan, mỗi thẻ một học vị, một quan tước. Cầm 3 hột xúc xắc, thả vào lòng một bát sứ, 3 xúc xắc ngửa 3 mặt nào thì theo đó mà lấy thẻ như đã qui định. Ví dụ 3 mặt xúc xắc là ba mặt "nhất" ba đỏ, tam hồng. Nói kiêng theo Huế nói là tam hường - thì lấy thẻ "Cần chánh" chức quan cao nhất Triều đình. Người chơi ngồi vòng quanh, lần lượt đổ xúc xắc vào bát, cho đến khi hết thẻ. Ai nhiều thẻ to chức cao tước nhất thì ăn. Thả thơ, có người cái, đưa ra một câu thơ bảy chữ, nếu trúng với chữ bị giấu thì được trật thì thua, mất tiền. Bình dân thì có trò thăng quan, trò nhứt lục, trò tôm cá, trò hô thai, bài chòi... Chơi trò thăng quan, có một con xúc xắc, một tấm bìa hoặc gỗ chia làm 40 ô, mỗl ô ghi một phẩm trật hoặc một chức quan, trong lòng ô ghi 6 phẩm trật hoặc chức quan khác, cao hơn hoặc thấp hơn... Mỗi người chơi có một vật gì đó làm dấu hiệu riêng của mình. Mỗi người lần lượt cầm đổ xúc xắc, ngửa ra mặt nào thì căn cứ vào những gì đã ghi trong lòng ô mà nhấc cái dấu hiệu của mình đến đặt vào ô mới. Ví dụ, tôi đang có cái dấu của tôi ở trong ô tri huyện, tôi đổ xúc xắc ra mặt 6 thì tôi nhấc dấu lên ô án sát - thăng chức - hoặc đổ ra mặt 2 thì phải nhấc dấu xuống ô lý trưởng - giáng chức - cứ thế, ai vào trước ở ô Cần Chánh là ăn. Hai trò chơi tam hường và thăng quan cho thấy đó là sản phẩm của đế đô vua quan, và cũng phản ánh đế quyền. Leo lên cao nhất là Trạng nguyên, Cần Chánh, học vị và chức quan cao nhất, chứ không có Vương hầu Hoàng đế. Trò "nhứt lục"mà cái bỏ một con xúc xắc vào một cái đĩa, lấy cái bát đậy kín lại xóc mạnh nhiều lần. Trước mặt nhà cái là tấm ván rộng có vẽ xanh đỏ sáu hình, hình một chấm tròn to đến hình 6 chấm tròn. Người chơi đặt tiền vào ô hình nào thì tùy chọn. Tiền đặt xong xuôi, nhà cái mở bát, mặt ngửa của xúc xắc là tứ - 4 chấm - chẳng hạn, nhà cái chung tiền cho ai đặt cửa tứ, và nhà cái lùa thu hết tiền đặt mấy cửa kia. Có trò "tôm cá". Mặt ván vẽ hình 6 con tôm, cá, cua, rùa, ốc, ếch. Nhà cái có con vụ - con quay - 6 mặt vẽ hình 6 con vừa kể, hướng quay ro ro tên mặt đĩa rồi úp bát lên. Người chơi đặt tiền vào cửa tự chọn
Mở bát ra chẳng hạn hình con cua, người đặt cửa cua là ăn được chung tiền, người các cửa khác là thua, cái hốt tiền. Có trò "bài chòi", từ đó mà sản sinh ra lối hò bài chòi nay cả nước ai cũng biết, cũng từng nghe, phát triển lên thành nhạc kịch bài chòi. Một bộ bài, mỗi con bài bằng giấy cứng, hình vẽ ngộ nghĩnh, tên gọi cực kỳ dân giã, ví như con Nhì Bí - hai cái bí - con Ngủ trưa, con Bát Bồng, Con Nhứt Trò, con Cửu Điều... Có hai dãy chòi, mỗi bên 5 chòi, một cái ở giữa là chòi của nhà cái. Mỗi ván, 10 người chơi, mỗi người mua 3 con tùy chọn vào ngồi trong chòi. Nhà cái có ống bài riêng, rút hú họa mỗi lần mỗi con, tùy con bài đố mà hô một câu lục bát, hoặc dăm câu 4 chữ, 5 chữ... Nói là hô, nhưng thực ra là hát theo làn điệu dân ca. Ví dụ, con Bát Bồng thì hát:
Chầu rày đã có trăng non
Để anh lên xuống có con em bồng.

Bát là tám, bồng là bế bồng. Chầu rày là dạo này. Muốn có tám con mà bế bồng anh phải lên xuống nhiều lần với em.
Ví dụ con Chín Cu, thì hát:
Lội suối trèo non
Tìm con chim nhỏ
Về treo trước ngõ
Nó gáy cu cu

Nghe nhà cái hát mà đoán biết con gì. Người ăn, được chung tiền là người đầu tiên có cả 3 con bài của mình đều được hát lên.

Nhà vườn Huế là một biểu hiện sinh động, đặc sắc hài hòa của nhiều yếu tố Huế. Nhà thường chỉ có tầng trệt, vách đất mái tranh hoặc vách gạch mái xuôi ngói, ba gian hoặc năm gian hai chái, kiểu chữ nhất ở thường dân, kiểu chữ môn ở các vị đại thần. Nhà nằm giữa một sào, vài sào, một mẫu vườn, tre pheo hoặc hàng rào chè tàu bao bọc. Trước mặt nhà, thường có bình phong làm bằng cây sống xén tải, hoặc bằng vôi gạch đắp hình hổ chẳng hạn. Cái đáng nói ở đây là cái vườn. Trong vườn, thường trồng cây ăn quả, rau thường ăn hàng ngày, cây cảnh cây hoa. Và nếu vườn rộng, có thêm ao cá. Vườn nhà ông nội tôi, có mít, ổi, xoài, nhãn, đào (tức roi hay mận), chùm ruột... cây cảnh có ngâu, thiên tuế, trúc vàng, lệ liễu...; cây hoa có hồng, ngọc lan, hải đường, cúc, dạ lai, bách hợp...Rau có hành, tỏi, diếp cá,mồng tơi, tàn ô, lá lốt, ngò, nưa, húng, răm... Cây ăn củ có môn, huỳnh tinh, khoai từ, khoai mài, sắn giây, ném... Huế vốn nghèo nên dân Huế có cái vườn của kinh tế tự cung tự cấp. Rau có đủ chi dụng hằng ngày cho hai ba bữa cơm. Quả, củ đo, ăn phần ít, bán phần nhiều. Tre cũng bán được để có ít tiền mặt mua sắm thứ này vật khác. Kết với kinh tế là thưởng ngoạn thẩm mỹ, là di dưỡng tính tình, là thú vui giải trí, là lao động nhẹ nhàng dưỡng sinh với cây cảnh, cây hoa, thêm đôi lồng khướu, két, họa mị, sơn ca..., đôi bồn cá cảnh phi long, phi phụng, thần tiên... Và là gia đình, đại gia đình quây quần sum họp trong ngôi nhà giữa mảnh vườn khu vườn có cái ăn cái bán, có cái đẹp cái thơm, có cái hưởng cho ngũ quan và có cái hưởng cho trí não, tâm hồn, tính tình. Đó nhà vườn Huế, đó nếp văn hóa, nếp sống, nếp nghệ thuật sống, cả nếp triết lý, của người Huế.
Người lú nào cũng tự nói mình tốt mình đẹp mình giỏi ắt không có bản lĩnh, nhân cách bằng người tự khôi hài tự chế riễu mình ngu ngốc, xấu xí, vô tích sự... Đây là nết văn hóa rất đặc biệt ít khi thấy ở những nơi khác mà lại thấy rất rõ ở người Huế. Người tự bêu riếu nhiều nhất lại chính là những người trong họ nhà vua, gọi chung là cậu Tôn, cô Tôn. Tôn là Tôn thất nhà Trần, Tôn thất nhà Lê, đây là Tôn thất nhà Nguyễn, tức là những người hoàng phái, hoàng tộc, bà con bên nội với Vua. Có một thời nào đó, con trai của vua chúa sinh ra chết yểu nhiều. Để đánh lừa ma quỉ cho ma quỷ khỏi bắt mất con trai mình, bèn gọi con trai là mụ, mệ, tức là đàn bà già. Ma quỉ đâu bắt đàn bà già làm gì. Do đó, con trai đàn ông hoàng tộc còn được gọi là Mệ, Mụ. Chuyện các cậu Tôn chính là chuyện các Mệ các Mụ. Hoàng phái ắt là cao sang rồi vì bà con họ nội với vua, nhưng thực tế chẳng cao sang gì. Thời nhà Nguyễn, bất cứ thuộc thành phần tầng lớp nào, hễ học đỗ cử nhân là ra làm quan. Có những Mệ, Mụ nghèo khổ. Nghèo mà là Mụ, Mệ. Do đó, sinh ra chuyện các mệ, chuyện cậu Tôn, dân gian là tác giả, mà các Mệ cũng là tác giả nhiều chuyện trào lộng chính mình. Xin kể minh họa đôi chuyện, Mệ nghèo, mệ đi ăn trộm gà, bê gà trên tay. Chủ gà hỏi: Gà tui răng mệ ăn trộm? Mệ cười đáp: Mô mà trộm với cắp, tau thấy hắn đi có vẻ mỏi chưn, tau bồng hắn lên kẻo tội. Lần khác, mệ hái trộm cau. Người ta biết, la ó lên, Mệ ôm ngọn cau nói xuống: Đừng ồn, tau giựt mình bổ té xuống thì tau chém đầu đó nghe! Tiêu biểu cho việc tự khôi hài sĩ diện đó là nhà thơ Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ mà Nguyễn Tuân tả thành nhân vật chính trong 2 bài tùy bút Đánh thơThả thơ của tập Vang bóng một thời.
IV. Nhìn chung văn hóa Huế, là văn hóa Đại Việt với cái nôi ở lưu vực sông Hồng, sông Cả, sông Mã, di chuyển vào vùng đất Thuận Hóa trước đó không lâu còn là đất Lâm ấp Chiêm Thành, chưa khai thác, chưa sinh thành tạo dựng; ở đó, do tương tác giữa chủ thể lập nghiệp phát triển cơ đồ đế vương với điều kiện hoàn cảnh khách quan, miền đất hữu tình phong cảnh mà kém giàu có, còn đậm ảnh hưởng của Chàm, gần gũi đại dương, mở rộng giao tiếp với ngoại quốc, không chỉ Trung Hoa, Nhật Bản, còn cả một số nước Tây Âu. Đó là văn hóa cổ truyền được nhào nặn bởi những con người bản lĩnh cao cường, tâm lớn chí cả, lập nên nghiệp vương nghiệp đế, mở rộng bờ cõi vào phương Nam, lấy Tống nho làm quốc học và đạo Phật làm quốc giáo, dựa vào đó mà chủ động tiếp nhận các nền văn hóa khác.
Đất nghèo tài nguyên khiến con người phải biết tận dụng những gì có sẵn, phải biết chắt chiu, phải biết chế biến; đất kinh kỳ đế đô khiến con người sống kỷ cương khuôn phép, mực thước, làm lắng lại mà sẵn sàng bột phát cái chất phản kháng, bất khuất, ngang ngạnh của nghịch dân, của người tiên phong nơi nghịch địa, nghịch cảnh. Và đất giàu cảnh trí non sông diễm lệ vừa hợp tầm người vừa say lòng thơ mộng, khiến con người tinh tế mỹ cảm, ham mê nghệ thuật tới mức đưa nghệ thuật vào từng chi tiết nhỏ của cuộc sống như dọn một đĩa thức ăn sắc màu hòa hợp. Văn hóa Huế và con người Huế có gì đó vừa rất mãnh liệt vừa rất lắng đọng, thanh tao, khoan thai, vừa rất say đắm vừa rất thùy mị, nết na, vừa tất bật chuyện sống hàng ngày vừa phong phú nghệ thuật, hòa nhập thiên nhiên, sâu thẳm tâm linh, vừa gắn bó cốt nhục với quê cha nội tổ, vừa phóng khoáng mở rộng giao tiếp bốn phương. Văn hóa Huế, văn hóa nơi đế đô, trung tâm quốc gia, tập hợp nhiều nơi nhiều chốn. Không phải ngẫu nhiên mà có câu truyền miệng "Quảng hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết". Nó nói một phần sự thật: Cái gì nơi khác hay có, thường có thì Huế - Thừa Thiên có cả. Với nhiều sắc thái chất liệu riêng, văn hóa Huế - Thừa Thiên là tổng hợp tổng hòa văn hóa quốc gia Việt Nam, và theo hành trình Nam tiến, làm cốt lõi cho văn hóa Việt Nam trải dài vào đến Cà Mau, Hà Tiên.

NGUYỄN MẠNH HÀO
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Thời gian (02/06/2008)
Lọ lem (30/05/2008)
Cõi riêng (30/05/2008)
Các bài đã đăng