Tạp chí Sông Hương - Số 151 (Tháng 9)
Một lối viết cực kỳ xảo trá
15:10 | 02/06/2008
LTS: Sau khi Sông Hương đăng bài “Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học” của nhà văn Nguyễn Dương Côn, chúng tôi nhận được ý kiến “phản biện” của 2 nhà văn Phương Lựu và Trần Thanh Đạm.

Thực chất đây là một cuộc tranh luận về quan niệm và học thuật. Ngoài bài viết, nhà văn Phương Lựu và nhà văn Trần Thanh Đạm còn có thư riêng kèm theo đề nghị Toà soạn thực hiện đúng luật báo chí, in nguyên văn, giữ lại bản gốc để đối chiếu khi cần. Sông Hương xin tôn trọng điều này!
Mặc dù cả 2 bài trao đổi ấy đã được Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam in trước nhưng Sông Hương là nơi “đánh trống” nên cũng không thể “bỏ dùi”. Mặt khác Sông Hương là tờ nguyệt san, ra chậm hơn, có độc giả riêng nên chúng tôi vẫn phải “nối mạng”.
Vấn đề văn học ngày nay, trước thế giới đồ vật, trước nền văn minh kỷ trị có khủng hoảng thật hay không dù đã được một số học giả trên thế giới “chiếu kiến” nhưng vẫn còn “tù mù”.
Sông Hương rất mong bạn đọc, bạn viết xa gần tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề này với tinh thần thẳng thắn, trung thực, lịch lãm và lịch thiệp.
                                                SH

           

Đó là lối viết trong bài Khủng hoảng ngay trong nhận thức và niềm tin đi tìm lối thoát cuộc khủng hoảng văn học (Sông Hương số tháng 6/2001) của ông Nguyễn Dương Côn. Bài báo Khủng hoảng. .. này ông Côn công kích hai người, hiển nhiên tôi chỉ phản bác lại những gì liên quan đến mình, nghĩa là cũng phải kể cả những gì ông Côn nói đến "hai ông", vì trong đó cũng có phần của tôi! Tôi cũng chỉ phản bác sơ bộ (sẽ tiếp tục khi cần), phải vạch trần ngay lập tức những gì xảo trá then chốt của ông Côn: Xuyên tạc một cách trắng trợn một bài báo nhỏ thông thường, thành bài tham luận "hân hoan" trên diễn đàn Đại hội Nhà văn; Bịa đặt không hề có chút căn cứ chuyện tôi bàn bạc và đề xuất lối thoát cho cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới; Đánh tráo một cách lố bịch khái niệm ngôn ngữ vốn chỉ sử dụng trên bình diện chất liệu; Xảo trá đến mức phải huy động cả những kiến thức sống sượng của mình v.v... Nào xin được bắt đầu:
1) Trước hết, xin mời ông Côn trả lời ngay cho mọi người được biết vì cơn cớ gì mà ông cố tình xuyên tạc bài báo nhỏ Văn học, lo mà không lo trước nghệ thuật nghe nhìn của tôi thành tham luận... hân hoan "trên diễn đàn có vị trí lịch sử của Đại hội Nhà văn lần thứ VI... Trong tham luận, Phương Lựu đã trình bày quan niệm và luận lý của mình thắm đượm một trạng thái tinh thần hân hoan với tầm vóc và không gian động viên, an ủi cao cả" (tr. 65,66)? Bài báo của tôi đăng trên Văn nghệ số 13/2000, ra ngày 25/3, phải sau đó non một tháng nữa vào ngày 17/4 Đại hội Nhà văn mới khai mạc! Bài Khủng hoảng... của ông, được viết cách đây tròn một năm, nghĩa là vào lúc mọi việc còn nóng hồi, đâu phải lâu ly mơ hồ gì cho cam? Và cho dù ông mới chỉ đọc qua loa bài báo của tôi một lần thôi, rồi cứ thế mà phán, thì chí ít ông cũng phải thấy nó được nằm chung với mấy bài báo nhỏ khác dưới hàng tít lớn đỏ chói đập vào mắt ông: Tiến tới Đại hội Nhà văn... Còn hô Tiến tới nghĩa là Chưa tới, làm sao mà tham luận trên diễn đàn được hả ông Côn? Hay là ông suy tưởng, biết đâu đăng báo rồi vẫn cứ đọc tham luận như thường? Xin hiểu cho, tôi rất kính trọng các văn hữu, không bao giờ dám bắt họ nghe ngắm đến những hai lần trước dòng suối ngôn từ thô nông của mình! Ông nên tin đi, tôi tuy vậy chứ mà nhát lắm; trừ phát biểu nhì nhằng vài ba ý kiến ở các "tiểu hội" cơ sở, chứ chưa hề tham luận trong các đại hội bao giờ.! Còn như nói hân hoan, thì quả là ông có một cảm xúc ngôn từ rất đặc biệt! Bài viết của tôi, ngay tiêu đề cũng đã toàn lolo, rồi trong bài còn nói rõ hơn: "Không lo là không lo ngại, lo sợ, lo buồn, chứ phải lo tính trước, lo nghĩ xa! Tất nhiên không cần phải nhắc đến nỗi lo muôn thuở, là làm sao phải viết cho hay..." Tôi hân hoan cái nỗi gì? Tất nhiên tôi cũng không bi quan gì cả. Tôi bình thường, ông ạ!
Tất nhiên chuyện này nếu cô lập ra mà nhìn, thì cũng không nên lấy làm điều, nhưng với ông Côn thì dứt khoát phải nêu ra. Bởi vì trước hết, qua bài Khủng hoảng..., thấy ông quả là người sính bàn những chuyện cao xa, nào quy mô thế giới, nào vũ trụ, hoặc siêu hình tế vi trừu tượng trong bộ não người..., nhưng thử hỏi ai còn tin ông, một khi những sự việc trong nước, trước mắt còn nóng hổi, lại rõ ràng trên giấy trắng mực đen, mà ông còn cố tình xuyên tạc nữa là! Nếu ông nói không cố ý, thì sự gian trá của ông đã thâm căn cố đế, biến thành một bản năng trong vô thức, nó cho phép ông thấy cái gì loáng thoáng là cứ nói bừa, thoải mái không sao cả. Nếu ông lại cho chưa đến nỗi như thế, thì thôi, xin được ghé tai hỏi nhỏ, vậy chứ ông tưởng tượng ra chuyện tham luận hân hoan này để làm gì vậy? Nó có quá mức cần thiết cho ông như không khí để thở không?
2) Xin được tiếp tục, bây giờ hỏi thẳng ông Côn đã căn cứ vào câu nào, chữ nào, ý nào, ở đâu, để giả vờ suy tôn tôi "đã chính thức là những người đầu tiên khởi xướng cho lịch sử của CÔNG CUỘC QUAN TÂM... và ĐỀ XUẤT ĐƯỜNG LỐI CƯ XỬ với tình trạng KHỦNG HOẢNG CỦA VĂN HỌC TRÊN QUY MÔ TOÀN THẾ GIỚI, Ở NƯỚC TA" (tr.66)? Mặc dù cũng có chút hơi bị sung sướng trước lối đại ngôn mà đại lủng củng này, nhưng xin trả lại hết, ông Côn thu lại dùm cho! Nguyên do bài báo của tôi vẻn vẹn chỉ thế này thôi: Mặc dù đã chính thức "trả nợ" hưởng ứng Đại hội bên Nhà văn rồi, nhưng Văn nghệ lại vẫn yêu mến theo kiểu thúc bài, tôi bỗng nhớ lại một số văn hữu và độc giả có hơi lo về sự "lấn át" của nghệ thuật nghe nhìn, và đành phải góp thêm một tiếng nói nhỏ, tuy cũng là đầy đủ cả hai mặt. .. Lo, mà không lo!... Phải ngắn gọn, chỉ tiếp cận vấn đề từ mặt CHẤT LIÊU, nội dung bài báo của tôi có thể tóm gọn trong một câu là hết sạch: Không nên nói chuyện hơn thua, trong gia đình nghệ thuật, nghệ thuật nghe nhìn có chỗ mạnh, nhưng văn học cũng có nhiều chỗ mạnh, tuy vậỵ vẫn có thể học tập thêm nghệ thuật nghe nhìn! Một cột báo, ba đoạn chính, nói ba ý, chấm hết! Làm sao mà có thể khởi xướng cho lịch sử công cuộc quan tâmđề xuất đường lối cư xử cho cuộc tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới, nghĩa là cả ở nước ta được?
Hay là ông Côn không bình thường, tưởng nhầm mình là người khác đó chăng? Quả vậy, chính ông mới nói rành rọt: "Không chỉ từng thể loại văn chương mà ngay cả từng loại hình ngôn ngữ nghệ thuật - trừ ra nghệ thuật điện ảnh nghe nhìn - đều đã hoàn tất sứ mệnh cổ điển hóa, nghĩa là đã hoàn tất sứ mạng sáng tạo cái mới thực thụ của chính bản thân chúng" (tr.65). Như thế là đâu phải chỉ văn học, mà cả nghệ thuật nữa cũng khủng hoảng chứ ông Côn? Và trừ điện ảnh ra, thì toàn bộ nghệ thuật của thế giới đang làm cái việc nhai lại? Như thế là hoàn toàn bế tắc, chứ đâu phải chỉ khủng hoảng? Và theo lô gích, đã tổng khủng hoảng văn học trên quy mô toàn thế giới thì ắt cũng không tránh khỏi ở nước ta, và chính ông cũng đã lấp lửng trong diễn đạt: "tình trạng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới, ở nước ta" rồi (tr.66). Rất thông cảm với những khó khăn của ông, thôi không hỏi chuyện thế giới xa xôi nữa, nhưng ông phải cho biết vài nét về cuộc tổng khủng hoảng văn học ở nước ta - những biểu hiện và đâu là nguyên nhân? Phải chăng nằm chung trong nguyên nhân "đó cũng là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng khác mà người ta đang hy vọng ngõ hầu được cứu rỗi trong hoặc sau cuộc cách mạng trí tuệ sau thời hậu hiện đại" (tr.74) mà ông đã nói xa xôi và khó hiểu quá, xin giải thích cho rõ thêm! Nhưng ông đã vội khép lại: "Lối thoát cơn tổng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới vẫn còn là một nghi vấn VĨ ĐẠI BÍ ẨN, VĨ ĐẠI SÂU XA" (tr.74). Eo ôi, thế mà ông lại cho người thấp kém như tôi dám khởi xướng cho lịch sử công cuộc quan tâm...đề xuất đường lối cư xử cho tình trạng huyền bí vĩ đại này, lại vẻn vẹn chỉ trong một cột báo, mà vốn còn bị kêu dài nữa đấy!
Thật ra, với tất cả cái vẻ ngông ngao rối rắm, ông Côn vẫn giẫm lại vết chân muôn đời của kẻ xảo trá - cứ cố lái ý kiến của người khác sang một vấn đề khác hẳn về nội dung, quy mô, và tính chất, rồi lại xuất phát từ đó, trở lại bắt bẻ vặn vẹo người ta. Thí dụ, ở cuối bài báo tôi có viết: "Trước ưu thế trực quan của những hình tượng nghệ thuật nghe nhìn... văn học có thể nghĩ đến việc tăng cường tính nhạc, tính họa v.v... giàu sắc thái trực quan theo cách riêng trong nghệ thuật ngôn từ", ông Côn liền hăm hở hạ bút cho rằng tôi "đã lấy ngay cái đã, đang bị khủng hoảng trong cuộc tổng khủng hoảng... làm lối thoát cho cuộc khủng hủng đó" (tr. 73). Toàn khủng hoảng là khủng hoảng, buồn cười thật! Chả nhẽ ý kiến trên kia của tôi là đề xuất đường lối cư xử cho tình trạng khủng hoảng của văn học trên quy mô toàn thế giới đấy à? Không, nó cách xa hàng tỉ tỉ dặm!. Gợi ý của tôi vẻn vẹn chỉ nhằm góp phần giảm bớt chỗ yếu tính trực quan của nghệ thuật ngôn từ như đã nói rõ mà thôi. Hiển nhiên điều này không có gì mới mẻ, ai cũng biết cả. Nhưng biết và làm là hai việc khác nhau. Ông Côn cũng nói đến văn hóa tranh luận mà then chốt là phải ngay thẳng, trung thực đấy chứ, nhưng ông vẫn cứ xảo trá ngay trong việc này!
3) Bài báo của tôi, như đã nói sơ qua ở trên, thật ra rất giản đơn, chỉ nói những điều sơ đẳng, có tính chất "phục vụ kịp thời" trước mắt, nhưng chính vì thế, nó lại thật rành mạch, rạch ròi. Trong bài viết ngắn gọn mà tôi đã phải hơn một lần nhắc lại rằng ở đây tôi chỉ tiếp cận vấn đề từ mặt CHẤT LIỆU. Cho nên, những khái niệm mà tôi sử dụng như ký hiệu, nhất là ngôn ngữ là chỉ trong phạm vi hoặc trên bình diện CHẤT LIỆU, tuyệt đối không thể hiểu theo nghĩa nào khác ngoài bình diện và phạm vi này. Ông Côn là cảm thấy lúng túng, cho nên bèn phải diễn nhiều trò rất khôi hài. Nào là ông ra tay "đính chính giúp" tôi thay tổ hợp từ "ngôn ngữ hay ngôn từ" thành "ngôn ngữ ngôn từ" là cái nghĩa lý gì vậy? Với tư cách là chất liệu của văn học, ngôn ngữ là tiếng nói của một cộng đồng, hay sát đúng hơn là lời nói (ngôn từ), tức là tiếng nói trong vận động qua những chủ thể và trường hợp diễn ngôn khác nhau. Vậy nói "ngôn ngữ ngôn từ" thì dịch ra thành "tiếng nói của lời nói" là cái quái gì vậy? Rồi nào ông còn hăng hái "gỡ rối dùm" tôi để ngang ngược biến "ký hiệu của vật chất" thành "ký hiệu của Tư Duy Vật Chất"? Tư duy vật chất là cái gì vậy, còn có tư duy tinh thần không? Rồi nào ông còn thay mặt tôi trả lời câu hỏi mà ông tự đặt ra, rồi lại thay mặt lần nữa để "hòa giải" với những điều trả lời mà ông tự tưởng tượng ra đó. Thôi ông ơi, xin miễn cho, bài báo tôi in ra giấy trắng mực đen mà ông còn trắng trợn xuyên tạc thành bài tham luận hân hoan trên diễn đàn, thế thì những điều trong đầu óc tôi mà lại do ông tượng tượng ra, sẽ bị xuyên tạc đến bao nhiêu tỉ lần nữa? Mà sao lại có lối tranh luận quái đản như thế nhỉ? Người ta viết như thế nào, thì để y nguyên như thế, đúng sai, cứ bàn thẳng vào đấy, sao lại cứ phải sửa chữa lại, tưởng tượng thêm ra rồi cứ lấy đó làm tiền đề suy diễn tiếp nhỉ? Điều này chỉ tự tố cáo lên rằng tâm địa đã không ngay thẳng, thì biện pháp phải quanh co. Chưa hết, ông còn xen vào những câu mà thật khó hiểu là ông muốn nói gì, đại khái như: "Những âm mưu xua đuổi những dạng thức vật chất trừu tượng và vô hình... ra khỏi phạm trù vật chất chẳng hạn như xua đuổi một cơ chế xã hội nào đó, đã từng được tố cáo và châm biếm là thói gian lận ngây thơ..." (tr.67). Cơ chế xã hội nào trừu tượng và vô hình mà bị xua đuổi, mà nó liên quan gì ở đây? Có thể thấy ông Côn đang giở trò vòng vo loanh quanh, rối rắm, tung hỏa mù, cố dắt dẫn vấn đề vào mê lộ, để cuối cùng đột ngột bật ra cái kết luận xảo trá cho rằng tôi "tước bỏ... biến có thành không có ngôn ngữ âm nhạc, ngôn ngữ hội họa, ngôn ngữ vũ đạo, ngôn ngữ sân khấu kịch và ngôn ngữ điện ảnh. .."(tr.69). À, té ra là như thế, nhưng hơi bị tiếc là sao ông không nói luôn tôi phủ nhận ngôn ngữ máy tính, ngôn ngữ loài ong nữa cho thêm phần rôm rả? Chỉ tiếp cận vấn đề từ bình diện chất liệu, từ ngôn ngữ mà tôi sử dụng là theo nghĩa đen, nghĩa gốc là tiếng nói giao tiếp hằng ngày, và đó là chất liệu chỉ riêng văn học mới có. Còn từ ngôn ngữ trong cách nói như ngôn ngữ ba lê ..v..v.., thì dứt khoát không phải theo nghĩa đen là tiếng nói giao tiếp hàng ngày, càng không phải chất liệu của riêng ai, mà chủ yếu là chỉ hệ thống những quy tắc và phương thức biểu hiện, đều có riêng ở mỗi một ngành nghệ thuật, kể cả văn học. Nhưng ngay đối với văn học, tôi cũng chưa hề sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa này. Thế mà ông Côn lại đánh tráo khái niệm trắng trợn thì thật trắng trợn nhưng quá đỗi vụng về như vậy đấy!
Những ngón xảo trá như thế nhan nhản trong bài viết của ông Côn mà hễ có dịp nữa, tôi sẽ lôi ra hết, nhưng trước mắt đành phải sớm kết thúc mục này bằng một thí dụ nữa mà thôi. Tôi viết: "Chúng ta thường nghe nói sân khấu, điện ảnh, chất lượng còn chưa được như mong muốn, vì MỘT TRONG NHỮNG nguyên nhân cơ bản là thiếu kịch bản văn học hay", thế mà khi trích dẫn ông Côn tỏ ra rất điệu nghệ vứt luôn ba chữ một trong những đó đi (tr.71). Và chỉ có cắt xén như thế, mới có "luận cứ" cho một quy kết xằng bậy hơn cho rằng tôi xem văn học quyết định cho sự sống còn của tất cả các loại hình nghệ thuật khác. .." (tr.70). Thế nào ông Côn, hãy dũng cảm lên, thành khẩn xác nhận là mình gian trá đi chứ!
4) Ông Côn rất ngông ngạo, luôn muốn chứng tỏ mình biết những điều cao siêu, nhưng tỏ ra không hay biết gì về điều giản dị này. Đó là một khi anh tập trung dồn trí lực vào cố xuyên tạc người khác, thì vô tình đã tạo ra một trường diện rộng rãi bao la để cho kiến thức đích thực của ông được dịp bộc lộ một cách tự nhiên, tự do, thoải mái. Có thể một người khác cũng xảo trá, nhưng nếu có trình độ hơn, thì sẽ quy kết, xuyên tạc tinh vi hơn, tất nhiên trước sau gì cũng bị lật tẩy. Đằng này sự quy kết, xuyên tạc của ông Côn ngang nhiên lì lợm đã đành rồi, nhưng sao nó thô thiển và lố bịch đến mức ngạc nhiên. Điều này chỉ có thể giải thích bằng những lỗ hổng to tướng trong kiến thức cơ bản của ông:
- Tôi chỉ nói ngôn ngữ không phải là vật chất, nhưng nó là ký hiệu của vật chất, ông Côn liền đắc ý phát hiện ra mâu thuẫn trong câu này: "Ngôn ngữ hay ngôn từ chỉ là ký hiệu, cho nên nó mới trở thành cái vỏ vật chất của tư duy. ..". Điều này chứng tỏ một cách hùng hồn rằng trong quan niệm của ông Côn, ký hiệu chỉ có "cái được biểu đạt" chứ không có "cái biểu đạt", vốn đã phải hình thức hóa, vật chất hóa với một mức độ và dạng thái nào đó rồi. Người ta tư duy theo ngữ nghĩa, nhưng ngữ nghĩa không thể tách rời ra khỏi cái vỏ vật chất ngữ âm, cho dù nó "câm lặng" trong đầu óc.
- Tôi cũng chỉ vẻn vẹn mới nói chất liệu của các ngành nghệ thuật "đều là vật chất với những trạng thái của nó", thì ông Côn liền không chút e dè gì, suy luận thẳng luôn rằng như thế nghệ thuật phải "phản ảnh thế giới. .. bằng chính vật chất. .. phản ảnh cuộc sống bằng chính hình tượng cuộc sống" (tr.68). Như thế là ông Côn tự tố cáo rằng chính ông đã đồng nhất chất liệu nghệ thuật với sự phản ảnh nghệ thuật và với cả hình tượng nghệ thuật. Cái đoạn văn đặc sắc về chim rán, cá bột tẩm màu, thịt bò sốt vang là sản phẩm trung thành cái quan niệm đó của chính ông. Chao ôi, từ chất liệu nghệ thuật đến hình tượng nghệ thuật, còn trăm thứ chuyện nữa chứ ông Côn, chã nhẽ tôi cứ phải kể ra cho bằng hết?
- Tôi cũng chỉ vẻn vẹn mới nói chỉ có chất liệu (tức là cái còn nằm bên ngoài) của văn học mới là ký hiệu, ông Côn liền la ó khá buồn cười rằng tôi "thẳng tay tước bỏ phương thức, quyền lợi được dùng ký hiệu để làm công cụ của tư duy của tất cả mọi loại hình nghệ thuật khác" (tr.68). Hóa ra ông Côn đã đồng nhất, không hề biết phân biệt ký hiệu vốn có trong chất liệu với việc ký hiệu hóa trong tư duy là khác nhau trời vực. Đâu phải đợi chất liệu có ký hiệu mới tư duy được bằng ký hiệu hả ông Côn?
- Tôi nhắc lại kinh nghiệm lâu đời là văn học nên tăng cường tính nhạc, tính họa. .v..v.., ông Côn liền cho đó “vốn là tập tính tham vọng cố hữu của sáng tạo văn học"(tr.73), chứng tỏ ông Côn không hiểu một điều sơ đẳng là trong gia đình nghệ thuật, giữa các loại hình có giao thoa ảnh hưởng nhau là rất bình thường. Đâu phải chỉ văn học mới có "tập tính" ấy, mà ngược lại các nghệ thuật khác cũng học tập văn học đấy chứ! Người xưa hay vẽ tranh theo những thi đề, và nếu thành công thì được gọi là những bức vô thanh thi, hữu hình thi, bất ngữ thi. .v..v.. Đó là chưa kể những thể loại có tính chất trung gian như "kịch bản văn học", nhưng ông Côn liền nói: "... Tư duy kịch bản sân khấu kịch, điện ảnh chỉ bằng ngôn ngữ riêng có của sân khấu kịch, điện ảnh" (tr.71). Điều này chứng tỏ ông Côn cho kịch bản văn học không liên quan gì đến tư duy văn học cả (mặc dù không ai phủ nhận viết thể loại này phải có tư duy sân khấu). Vậy ông giải thích như thế nào về vị trí sáng chói của Shakespeare ngay trong lịch sử văn học Anh?
Còn không biết bao nhiêu điều cần nói nữa như cụm từ "ngôn ngữ ngôn từ" xuất hiện với tần số cao trong bài viết của ông Côn, nếu không phải là vô nghĩa thì cũng sai lầm. Cho dù chữ ngôn ngữ ông dùng theo nghĩa như ngôn ngữ điện ảnh. .v..v.., thì tương ứng với văn học, ông phải diễn đạt là "ngôn ngữ của nghệ thuật ngôn từ". .v..v.. Nhưng thôi, chỉ mới sơ qua vài ba điểm như trên cũng đủ thấy trong bài viết của ông Côn, có tiềm ẩn quá nhiều những hiểu biết không đến nơi đến chốn. Nói một cách khác, ngoài tâm địa ra, ông còn huy động cả những kiến thức sống sít để xuyên tạc người khác!
Sống trên đời dễ nhất mà cũng khó nhất là phải ngay thẳng, thật thà phải biết làm người trong từng giây từng phút, chớ có lúc nào đem cái sống sượng và xảo trá của mình ra gây ô nhiễm, nhất là từ cái nơi mà cả một thời gợi nhớ đến TRỜI TRONG VEO, NƯỚC TRONG VEO.

PHƯƠNG LỰU
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Thời gian (02/06/2008)
Các bài đã đăng
Lọ lem (30/05/2008)
Cõi riêng (30/05/2008)
Chị Huệ (30/05/2008)