Tạp chí Sông Hương - Số 151 (Tháng 9)
Thời gian
15:32 | 02/06/2008
Mặt trời như còn ngái ngủ. Cùng với cánh cò trắng từ đâu bay về sáng nay, tôi bần thần chờ đợi một điều gì đó. Nó mong manh và đằm thắm theo về với cơn gió lạnh. Như mặt trời vẫn thập thò, như đường về mệt mỏi, như hàng cây đìu hiu. Vừa gần gũi tưởng có thể ôm giữ được mà cũng vừa cách xa vời vợi.

Chắc là nỗi ám ảnh mà đôi mắt ấy đã để lại? Từ đôi mắt biết nói cười, biết thẹn thùa, hấp háy mời gọi? Từ đôi mắt có đuôi êm ả mà nồng nàn đã hẹn nói với tôi những lời nói của bình minh trên sông Hương, của đêm nguyệt hồ và của chiều thủy tạ? Đôi mắt thở dài, đằm thắm những lúc ngước nhìn. Nhưng có một ngăn cách âm thầm làm cho tôi bối rối, tưởng như từ đáy sâu của màu mắt đó là cổ mộ, đền đài lăng tẩm ngàn xưa, đồng thời nó cũng gần gũi đến độ làm bần thần da thịt. Sáng nay, đôi mắt ấy gợi nhớ chút êm ả bình lặng của ngày tháng cũ, những lần nằm dưới tàn cây rậm rì, nhìn nắng trưa sáng loà trên đám đất khô, gợi nhớ những khuya khoắt trên bến đá ngồi nghe tiếng sáo dìu dặt trên dòng sông óng ả, vuốt ve những tàu lá dừa sóng soài dưới trăng, gợi nhớ những ngày hội hè đình đám, chiếc áo the thâm, guốc mộc, chiếc chiếu hoa cạp điều. Đôi mắt đầm đìa chuyện cũ, ắp đầy hương xưa lẩn quẩn theo tôi đi hết con đường hồi nào không hay. Tôi đứng lại thở một lát, vuốt mấy sợi tóc dính trước trán, loay hoay với những ý nghĩ thầm kín trong lòng. Bên kia đường, dưới một gốc cây giáng hương, người đàn ông chít khăn xanh đang bày hàng. Vài người đi đường dừng lại nhìn. Người đàn ông vừa bày ra các thứ vặt vãnh, rồi cất giọng ca một câu vọng cổ. Giọng đã khàn, mệt mỏi, thu hút tôi không thể không băng qua lộ đến với lão. Nhìn dáng điệu của lão cùng các món hàng bày bán trên tấm vải dầu trải rộng, tôi thấy tiêu điều quá. Tất cả như là một chứng tích tiều tụy của một thời gian. Tôi bất chợt nhớ mang máng câu thơ cũ “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?”. Người muôn năm cũ còn có ai? Qua lớp bụi mỏng vàng nhạt trên các đĩa sứ, lư đồng, lọ gạt tàn thuốc, bức hoành phi chạm cẩn, qua màu đen cũ càng của những đồng tiền và trong cái dáng mệt mỏi của lão, có một chút gì của muôn năm cũ còn vướng vất, lê lết trên đó. Nó thảm hại tưởng chừng như từ những di vật đó vẫn còn ủ một lớp bụi thời gian bạc mốc. Lão với tay vơ chiếc khăn cũ nhàu nát, phủi lau chùi những đường viền bạc, những lớp bụi bám đầy. Mấy ngón tay len lỏi trong từng ngách, từng góc nhỏ, vội vã một lát rồi chậm dần. Lão dừng lại, ngần ngại trên những hình tượng của bức hoành phi chạm cẩn, chỗ một miếng cẩn bị lóc ra. Rõ ràng là ngón tay lão hơi run khi dừng lại ở đó. Tôi nhích người về phía trước, hơi khom người xuống đưa tay rờ rẫm những đường nét góc cạnh, cũng nét ngang, sổ thẳng được lồng trong tàn cây, đàn chim, phiến đá, bầy nai, bụi trúc, chậu lan, dòng suối... Những hình tượng có tính cách thủy mạc sáng rỡ trên nước cẩn bóng. Tôi cũng thẫn thờ một lát trên chỗ trũng mà miếng cẩn bị lóc đi. Ba tôi vẫn thường buồn bã về sự thiếu sót đáng tiếc của một miếng cẩn trên đồ cổ. Bác Thiều vẫn từng chép miệng tiếc rẻ mỗi lúc ngắm bức hoành phi của ba tôi. Ngày tháng mờ khuất phút chốc lênh đênh theo dòng ý nghĩ. Để lấp chỗ trũng đó, ba tôi đem dán bằng một miếng giấy kẽm sáng bóng. Ba tôi đứng ngắm một lát rồi lắc đầu chán nản lấy vứt đi. Có một lần, ba tôi gởi một người quen ở miền biển mua được một miếng xà cừ rồi tất tả chạy tìm ông thợ cẩn cho kỳ được. Hì hục cả buổi, ông thợ dũa mài, cắt xén cho vừa kích thước. Ông thợ kêu khổ nói là đã bỏ nghề gần hai mươi năm, nể ba tôi nên cố làm cho được. Lúc gắn miếng xà cừ vào, ba tôi mừng rỡ hân hoan vô cùng, sai người nhà làm thịt con gà trống thiến rồi xoắn xít lấy mỡ gà vàng rộm đem đánh bóng nước cẩn. Các hình tượng như được hồi sinh, xán lạn, bóng ngời. Tôi có cảm tưởng như mấy con long lân qui phụng đang nhảy múa, bay lượn dưới ánh mặt trời. Nhưng chỉ được một tuần sau thì miếng xà cừ rơi xuống nền gạch, ba tôi nhặt lên, mân mê tiếc rẻ. Trong bữa cơm chiều, ba tôi nói với mọi người là chẳng còn lòng dạ nào để chơi đồ cổ nữa. Đằng sau chỗ trũng đó biết đâu là nỗi ngậm ngùi.
Tôi đặt bức hoành phi lại vị trí cũ. Có một ràng buộc mơ hồ nhưng trong thâm tâm, giữa bức hoành phi và tôi, nó gần gũi thân mật như chính nó là của ba tôi. Nhưng điều này không lấy chi chắc chắn cả. Tôi vẫn còn ái ngại thấy nó lạc lõng, làm cho tôi phải nghĩ tới những thành quách cung điện, những hàng mù u buồn phiền, những mái ngói cong thấp, nặng nề mệt mỏi trong điện Thái Hòa. Tôi chới với đứng lặng người. Tôi không muốn bỏ đi lúc này. Mấy đường nét thanh tân, nghệ thuật cuốn hút tôi lạ lùng.
Lão bán hàng thấy cần phải giải thích với tôi nên lão đưa ngón tay chỉ trên những hình tượng: “Mấy nét này thì đời nay có ai bắt chước cũng khó mà theo kịp. Bốn tảng đá gác chồng lên nhau là chữ khẩu đó, bụi trúc là bộ hoà. Chỉ tiếc một điều là miếng cẩn ở chỗ này bị bóc đi” Lão chép miệng mấy cái, ra chiều tiếc rẻ về sự hao hụt đó “Để tôi lau lại một nửa, cậu đoán xem bức hoành phi này được làm từ thời nào?”.
Tôi lắc đầu cười. Cùng lúc, tôi nghĩ tời ba tôi cùng những xoắn xít chăm sóc tỉ mỉ tới mấy miếng mỡ gà vàng rộm. Tôi hỏi mua, mặc cả một hồi. Lúc cầm bức hoành trên tay, tôi cười chào người bán hàng rồi bước đi. Chỉ có tôi biết được vào lúc đó lòng mình hiu hắt vô cùng.
Điều mà tôi chưa hề nghĩ tới hay chưa thể ngờ tới được là ba tôi không niềm nở mấy khi tôi đem bức hoành phi về nhà. Làm sao tôi quên được vẻ mặt bất chợt hốt hoảng đau đớn, xa vắng của ba tôi, đôi mắt có những đường chỉ đỏ như bị phủ một màng nước thật mỏng, nụ cười thật ảm đạm. Ba tôi lúng túng thật sự, cử chỉ có vẻ rời rạc, mệt mỏi lúc ông cố lấy bức hoành phi đưa lên nhìn ngắm. Vài đường nhăn trên trán như chùng lại, có lẽ một thời vang bóng nào đó lần hồi sống lại trong ký ức của ba tôi. Biết đâu không là những miếng mỡ gà vàng rộm, mấy con long, lân, qui, phụng nhảy múa rực rỡ, vài cút rượu chiều hôm trên ghế nhà trường kỷ... Qua vẻ thẫn thờ đó, tôi thấy gần gũi với ba tôi hơn ngày thường. Tôi ngập ngừng, giọng hơi rung nhẹ: “Ba thấy có giống với bức hoành cũ của nhà mình dạo trước không?”. “Giống lắm, mà con kiếm đâu ra thế”. Ba tôi nói lúc đưa tay rờ lên chỗ thiếu hụt của miếng cẩn.
Một miếng cẩn vô bổ, một yêu thích cũ càng, một thời đã qua như đưa tôi trở lại với ngày tháng cũ. Tôi náo nức với những chiều trên đồi Vọng Cảnh, sáng qua lăng Tự Đức... Ba tôi đặt bức hoành trên bàn “Con treo lên coi thử. Ba bận chút việc phải đi ngay”.
Ba tôi bước vội ra cửa. Tôi nhìn theo buồn bã. Có thật là ba không muốn đối diện với một thời vang bóng? Hay ba thấy những liên hệ thâm trầm đó nay đã trở nên vô bổ khó chịu? Tôi bối rối với bức hoành nằm trước mặt. Có thật ba chẳng còn ham thích lau chùi, tìm một miếng xà cừ khác và ba không còn nhớ mấy miếng mỡ gà vàng rộm? Căn nhà ngói vườn cây và những đồ cổ chạm trổ lẩn quất đâu đó. Làm sao ba tôi quên được cả sự nghiệp phải bỏ lại cùng với những ràng buộc khăng khít đã trở thành nếp quen. Có lẽ một phần vì thế mà ba tôi đã thẫn thờ khi tình cờ nhìn thấy lại bức hoành.
Tôi treo bức hoanh phi lên tường, một chút ngậm ngùi nhớ tiếc. Tôi đứng im sững, cố tìm trong đường nét thủy mạc qua nước cẩn sáng bóng, những hình ảnh khắng khít một đời. Chia lìa nào lại không làm mềm lòng, nhớ về nào mà lại không hao hụt!
Đôi mắt ấy sao mà diệu vợi, biền biệt đến thế? Đôi mắt rờm rợp những chuyện cũ. Đôi mắt đưa tôi vô hoàng cung, đến với dãy tường thành rong rêu loang lổ và con chim gáy trên đọt cây mù u bên trong Đại Nội. Giữa trưa trời Sài Gòn lành lạnh, tôi mơ hồ nghe vọng lại từ đâu đó tiếng chim trong thành quách cũ, tiếng hót ngọt ắp đầy căn nhà, bềnh bồng vất vưởng trên các hình tượng thủy mạc của bức hoành phi vừa mới được treo lên. Tôi chợt rùng mình.

TRẦN HỮU LỤC
(nguồn: TCSH số 151 - 09 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lọ lem (30/05/2008)
Cõi riêng (30/05/2008)
Chị Huệ (30/05/2008)