Tạp chí Sông Hương - Số 153 (Tháng 11)
Suy nghĩ về một vài truyện ngắn trên Tạp chí Sông Hương
11:09 | 03/06/2008
Gần đây, đọc một vài truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi vô cùng cảm động. Trước số phận của các nhân vật, tôi muốn nói lên những suy nghĩ của mình và chỉ mong được coi đây là lời trò chuyện của người được "nhận và cho":

1 – Về truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" của Trần Thùy Mai trên Sông Hương số 148 (6-2001), tôi nghĩ ít có cô gái nào đầy đủ, đặc trưng cho tính cách của người phụ nữ như cô Hạnh – nhân vật chính trong truyện. Còn anh Phương, chồng cô Hạnh vốn là con nhà dòng dõi, tính cách quý phái của anh thể hiện đến mức: "Anh không bao giờ đi qua dưới dây phơi cho dù quần áo đã cất hết". Một người đàn ông tinh tươm và kỹ tính như Phương mà cô Hạnh vẫn yêu thương chiều chuộng được thì cô Hạnh thật là người con gái rộng lượng, vị tha.
Số phận rủi ro, cô Hạnh không có con để được chăm sóc là một thiệt thòi. Nỗi đau thầm lặng khi chồng đến với người đàn bà khác không được giải tỏa, cô Hạnh còn bị nghi oan là có hành vi bao che cho những sai phạm của chồng, bị quy là phạm pháp, là phong kiến... Cô Hạnh nhận hết những thiếu sót về mình, hy sinh hết thảy chỉ để cho chồng được sung sướng. Và thánh thiện đến mức chăm lo cho cả người vợ bé của chồng, một con người ăn cháo đá bát. Lòng vị tha, rộng lượng của cô Hạnh bị lợi dụng. Khi sự thật được phơi bày, hình ảnh người chồng bấy lâu được tôn thờ nay đã mất linh thiêng thì cô Hạnh là người thất vọng và đau khổ nhất. Nỗi buồn da diết khi đứa con riêng của chồng mà cô nuôi nấng yêu thương chăm sóc từ ngày còn nhỏ cũng bị giành giật. Chỗ dựa tinh thần cuối cùng không còn nữa, cô Hạnh phải sống trong nỗi cô đơn khủng khiếp. Tác giả "Trăng nơi đáy giếng" đã dày công vun đắp cho nhân vật chính của mình mang đầy đủ tính cách của người phụ nữ sống thủy chung, tình nghĩa.
Nhân vật Phương được tác giả thể hiện là con người trắng đen lẫn lộn. Là đàn ông, Phương có đầy đủ những mặt ưu, mặt khuyết. Nhờ có chút tài và cái đức của người vợ mà anh ta được mọi người nể trọng. Xét cho cùng, anh ta chẳng qua cũng chỉ là con người ích kỷ, tầm thường không xứng đáng để cô Hạnh yêu thương, chăm chút.
Nhà văn Trần Thùy Mai quan sát và nắm bắt được nhiều chi tiết trong cuộc sống hàng ngày nên tác phẩm được tái tạo có sức lôi cuốn bạn đọc.
2 – Đọc truyện ngắn "Đường chim bay" của nhà văn Ngô Thị Ý Nhi trên tạp chí Sông Hương số 149 (7-2001) với cốt truyện làm tôi liên tưởng đến bài dân ca:
Ô rô tía, bạc hà cũng tía
Ngọn lang dâm, ngọn mía cũng dâm
Em thấy anh tốt mã em lầm
Giờ em nghĩ lại vàng cầm em cũng buông
Cốt truyện dung dị như chuyện muôn thuở của đời người, với giọng văn nhẹ nhàng truyền cảm, truyện ngắn Đường chim bay đã ghi được dấu ấn vào tâm hồn người đọc. Nhân vật người mẹ và cô gái ở trong truyện đáng yêu và đáng kính trọng. Họ đều mang bản chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt và đức tính trầm lặng dịu hiền, cao sang của người xứ Huế.
Tác giả "Đường chim bay" phải có tâm hồn cao cả mới tạo nên nhân vật Nhân, một con người có học, đẹp trai, thông minh được thể hiện bằng: "... dáng ngồi ngay ngắn trước trang sách mở rộng, bàn tay đỡ lấy vầng trán thông minh, cái dáng ngồi của những người quen viết ngay sổ thẳng...." Cũng con người ấy khi anh ta bộc lộ bản chất vị kỷ, thấp hèn sống không còn tình nghĩa thì hình ảnh anh ta chỉ còn là "Một bóng người vội vàng nhảy xuống, chiếc xách da đen nặng trĩu trên tay, vấp phải cái gì đó anh ta chúi mình suýt té rồi cứ thế đầu cúi thấp, hấp tấp lầm lũi như người chạy trốn". Chi tiết này khiến người đọc liên tưởng đến những kẻ tội đồ như con chim bị rớt trên đường bay mà dân tộc đang bay. Một chi tiết theo tôi là đắt giá.
Truyện ngắn "Đường chim bay" nổi lên ở tính thời sự: hiện tượng thiếu công ăn việc làm đang là gánh nặng của xã hội, tình yêu và lối sống thực dụng đang làm băng hoại đạo đức truyền thống. Là một câu chuyện buồn khi tác giả để bà mẹ tâm sự: "Tôi có cảm tưởng mình chẳng hơn gì bà mẹ quê mùa hai sương một nắng, ngày ngày nhìn con cắp sách đến trường không hiểu người ta dạy những gì, con mình học được những gì và bị ai bắt nạt hiếp đáp trong thế giới xa lạ kia...". Tôi nghĩ chỉ có các nhà quản lý xã hội, quản lý giáo dục mới giải đáp được những băn khoăn của bà mẹ ấy.
Câu chuyện không vui nhưng kết truyện lại là chan hòa "ánh nắng mặt trời xuân chiếu vào lấp lánh, lấp lánh giọt sương mai thuần khiết...". Thật là hạnh phúc cho tuổi trẻ hôm nay, họ như những cánh chim đang bay trên bầu trời ấy.

ĐỖ XUÂN NGÂN
(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngày lễ hội (03/06/2008)
Con khỉ B’ Li (03/06/2008)