Tạp chí Sông Hương - Số 154 (Tháng 12)
Cõi nhân gian
15:42 | 03/06/2008
Đúng sáu năm tôi không trở lại thành phố ấy dẫu rằng trong lòng tôi luôn luôn có một nỗi ham muốn trở lại, dù trong sáu năm tôi giấu kín trong lòng mình điều đó, chôn thật sâu trong suy nghĩ của mình, chẳng hề nói ra.

Nhưng thật ra tôi có muốn nói ra cũng không được, bởi nơi - chốn - tôi - đang - ở là một nơi chốn khác với nơi chốn tôi đã từng ghé qua, đã từng sống. Cụ thể hơn thì đây là một ni viện.
Sáu năm tôi trốn chạy, nhưng tôi không hiểu rằng tôi đã trốn chạy một điều gì? Cuộc sống cứ òa tràn những thời khắc có thể làm cho ta vui và cũng có thể làm cho ta buồn đến ngất trời. Khép mở đôi mắt là ánh sáng thay đổi, là cây rụng đầy lá vàng hay trĩu cành hoa trái?.
Tôi đã sống một đời sống khác, khác với đời sống mà tôi đã từng sống của sáu năm trước, tôi thử lòng mình như người ta đem vàng nung lên lửa đỏ, xem thử đó có phải là chất vàng tuyền không? Tôi đã trốn chạy và có thể tôi đã lãng quen được điều tôi muốn lãng quên. Tôi gặp thầy Nhân năm đó tôi vừa 24 tuổi, ngay tức khắc tôi bị cuốn vào thầy giống như bị một thỏi nam châm mạnh mẽ hút vào, tôi chỉ là một mảnh sắt vụn nhỏ bé. Khi đó, tôi chỉ mới vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán, chưa có việc làm. Công việc hàng ngày của tôi là thỉnh thoảng ra chợ phụ bán hàng tạp hóa cho mẹ. Buôn bán ở chợ là một việc buồn, bởi sự giao tiếp chỉ dừng lại ở mức gặp khách hàng, những mẩu đối thoại cũng chỉ dừng lại ở mời chào, cò kè bớt giá. Những người đàn ông thường không đi chợ, hoặc có đi chợ thì họ đi chung với người đàn bà của mình. Không một người đàn ông nào dừng lại để ngắm nhìn hoặc buông lời tán tỉnh. Những ngày thứ bảy, chủ nhật của tôi là những ngày buồn tẻ chẳng có ai gọi điện hẹn hò hay ghé qua chơi. Một đứa con gái không xấu xí như tôi lúc đó cảm thấy cô đơn ghê gớm.
Trước sự buồn phiền của tôi, mẹ không cho tôi ra bán hàng ngoài chợ nữa, qua quen biết gia đình nhờ thầy Nhân phân cho tôi công việc ở trường mà thầy làm hiệu trưởng. Tôi được phân phụ trách thư viện.
Ngôi trường nằm ở một con đường vắng xe cộ qua lại, bức tường cao sơn vàng như ngăn cách hẳn thế giới của sách vở. Dọc theo sân trường có hàng chục cây phượng vĩ cùng bung hoa nở đỏ rực cả sân trường. Công việc mới quả thật làm cho tôi yêu thích, bởi đây là thế giới hoàn toàn khác xa với hàng tạp hóa của mẹ. Có thể nói là rất vui và hài lòng. Trước kia, thỉnh thoảng thầy Nhân cũng hay ghé nhà tôi chơi, xưng hô "anh, chị" với ba mẹ tôi, tôi coi thầy là người lớn nên hoàn toàn không chú ý đến thầy. Khi có mặt thầy, tôi chỉ rót một ly trà nóng đem ra mời khách rồi rút gọn lên căn phòng nhỏ của mình trên lầu. Nhưng từ khi đến làm việc ở trường X, tôi mới khám phá ra thầy Nhân là một người đàn ông sống rất đơn độc. Cuộc sống đơn độc của thầy khiến cho một đứa con gái còn trẻ người trẻ tính như tôi càng tò mò, muốn tìm hiểu.
Thực ra thì thầy Nhân chẳng phải là một mẫu người đàn ông đẹp trai. Nhưng đôi mắt của thầy sáng rực lên khi nhìn vào người đối diện, nụ cười của thầy rất dễ dàng làm cho lòng tôi xốn xang. Nhưng đó là cảm nhận, bởi thầy Nhân chỉ coi tôi như một đứa con gái nhỏ, thầy chẳng nhìn thấy trong tôi là một người phụ nữ.
Thư viện với những kệ sách xếp hàng, những chiếc bàn nhỏ để cho giáo viên đọc báo, học sinh ngồi học. thế giới ở góc nhỏ ngôi trường này không yên lặng mà lại ồn ào bởi tiếng chân và tiếng người. Tôi vui với công việc mới của mình thật sự, vui hơn nữa vì sự có mặt của thầy Nhân, bởi đây là nơi mà thầy hay lui tới khi rảnh rang để đọc báo hay nghiên cứu.
Lúc đầu tôi ngỡ thầy Nhân chưa lập gia đình, nhưng sau đó vô tình tôi mới biết rằng thầy đã từng yêu, từng lấy được người mình yêu. Nhưng cuộc sống lại quá trớ trêu với người đàn ông này, bởi vợ của thầy Nhân đã vĩnh viễn chia tay thầy sau đúng sáu tháng hai người trở thành vợ chồng.
Tôi chỉ được nhìn cô Cúc qua tấm ảnh chụp toàn thân thầy Nhân lồng kính để trước bàn làm việc trong nhà của mình. Mái tóc dài nữ sinh bung ra trên bờ vai nhỏ. Chiếc áo dài trắng tinh, đôi tay chụm lại cầm một đóa hoa hồng và nụ cười đang nở trên môi. Thầy Nhân nói "Tấm ảnh này Cúc chụp sau khi tốt nghiệp trung học". Và sau đó tại sao? Thầy Nhân hơn cô Cúc đúng 4 tuổi, ngày cô Cúc rời khỏi ghế nhà trường thì đó cũng là ngày anh chàng Nhân sinh viên tốt nghiệp sư phạm đã trở thành một giáo viên dạy văn. Đó là một cuộc tình mang khá nhiều trắc trở bởi sự ngăn cản của cha mẹ cô Cúc. Họ không chấp nhận con gái của mình lấy chồng dạy học, nhất quyết gả cô Cúc cho con một nhà thầu xây dựng có tên tuổi vào thời đó. Nhưng dường như bất cứ trong không gian và thời gian nào cũng vậy, khi đã yêu thật sự thì người con gái nhất định đấu tranh đến cùng để được sống với người mình yêu. Cô Cúc đã thắng sau một lần quyên sinh sắp chết. Đám cưới của hai người không hề có xe hoa chạy dọc ngang trên phố, chẳng có tiệc tùng vài trăm thực khách. Chỉ là một buổi tiệc nhỏ ra mắt bà con, rồi cô Cúc về ở với thầy Nhân trong căn nhà tập thể do trường phân cho giáo viên ở. Cô Cúc đã phải bỏ dở dang việc học, mở một hàng cà phê nhỏ bán cho khách qua đường, phụ giúp cùng đồng lương giáo viên thanh bạch của chồng.
Họ chưa có với nhau một mụn con nào thì cô Cúc từ giã cuộc đời giữa lúc tình yêu và hạnh phúc đang ngập tràn. Đêm hôm đó thầy Nhân cùng với mấy người bạn thân đã lâu rồi chưa gặp đi uống rượu. Quá chén với bạn bè thầy say khướt không thể nào về nhà được khi đêm đã khuya. Đó cũng là lần đầu tiên thầy Nhân say như vậy, khi những người bạn đưa thầy Nhân về thì thầy chẳng biết gì hết. Điều không biết của thầy đã biến thành tai họa, khiến cho thầy vĩnh viễn mất đi người đàn bà thân yêu nhất đời của mình. Nguyên trong nhà thầy Nhân có ngâm một bình rượu cùng các loại rễ cây làm thuốc trị đau bụng. Thường thì cô Cúc hay bị đau bụng dạ dưới, cô chỉ cần uống một ngụm rượu thuốc là giảm đau. Đêm hôm đó, sau khi chườm nước nóng, lo chỗ cho chồng xong thì cô Cúc lại lên cơn đau bụng, đêm hôm đó mất điện. Giữa ánh đèn dầu mờ ảo, cô không biết rằng cô đã lấy lộn rượu ngâm mã tiền thầy Nhân dùng để xoa bóp lâu nay thầy vẫn cất kỹ trong tủ khóa kỹ vì sợ có người uống nhầm. Buổi chiều, khi lấy chai rượu ra, do vội đi với bạn thầy Nhân chưa kịp cất vào.
Cô Cúc chết khi vừa đến bệnh viện. Cái chết của cô Cúc đã để lại trong lòng thầy Nhân một vết thương đau. Từ ngày đó, thầy không đụng đến một giọt rượu nào mà cũng chẳng hề chú ý đến một người con gái nào trên đường đời sau này thầy gặp.
Lạ kỳ thay cho tôi. Khi biết được câu truyện về thầy Nhân, tôi lại thích quan sát thầy giống như quan sát một bức tranh. Tôi bỗng giật mình khi biết rằng mình đã chọn gặp người đàn ông lý tưởng, người đàn ông trong mộng mà bấy lâu nay tôi ngỡ rằng anh ta đã không có mặt trong đám đông. Càng làm việc gần thầy, tôi có cảm giác như thầy chỉ cần ngỏ lời là tôi có thể ngã mình vào trong lòng thầy không hề suy nghĩ. Nhưng càng ở gần thầy Nhân, tôi càng hiểu rằng chính mình đang nuôi cho mình một tình yêu vô vọng. Thầy Nhân chung thủy suốt đời với một bóng hình đã khuất xa, còn tôi thì chung thủy với thầy bằng chính tình yêu khờ khạo của một đứa con gái.

Nhờ vốn liếng chữ Hán tôi học được theo chương trình tín chỉ, một phần nữa là trong thời gian sống gần thầy Nhân, tôi mới biết thầy cũng rất giỏi chữ Hán, và tôi cũng đã học được ở thầy nhiều điều. Ni cô Trúc Lan nhận tôi phụ trách chép kinh và làm những việc liên quan đến Phật học. Vậy là tôi đã xa thầy Nhân trọn đúng sáu năm trời, sáu năm trời ấy tôi cảm nhận được mùi hương của hoa lan nở, sự diệu kỳ trong tiếng nỉ non của con dế mèn trong góc hiên vườn vắng. Cuộc sống ở đây hoàn toàn chẳng so đo hơn thiệt, giành giựt danh lợi hoặc xô ngã hận thù. Đó là thế giới của lòng nhân ái!
Ni viện biệt lập phía bên trong, những căn nhà nhỏ khuất sau những cây tùng, bách, liễu. Con đường gạch đỏ luôn luôn sạch sẽ, nhón trong rẻ gạch là cỏ xanh. Thỉnh thoảng tôi ghé vào, bắt gặp những nữ tu ngồi đọc sách hoặc đi dạo. Những cái gật đầu chào thoảng qua cùng mùi hương diêụ kỳ của cây cỏ. Đó là thế giới của bình an, để cho lòng người thanh thản. Bên ngoài ni viện là hiệu sách và kinh phật, một cửa hàng nhỏ do tôi được giao phụ trách. Người tới mua rất nhẹ nhàng. Người bán như tôi cũng không bận lòng vì ở đây hoàn toàn không có ý niệm đắt hay rẻ. Tôi phụ bán một buổi, một buổi tối về thư viện của ni viện chép kinh. Tôi không là nữ tu, nhưng tôi đang sống như một nữ tu.
Khi tiếp nhận tôi tại phòng khách ni viện, ni cô Trúc Lan nói:
- Sư cô không biết con có thể làm việc ở đây được bao lâu! Nhưng con đến giúp cho ni viện như thế là qúi lắm rồi. Bởi một cô gái như con thì sẽ vướng bận rất nhiều trong con đường tình ái. Mấy ai thoát ra được?
Tôi nói với ni cô Trúc Lan:
- Con đang thèm sự tịnh yên.
- Ừ, con cố tìm sự tịnh yên nếu con muốn. Khi nào muốn ra đi, con cứ ra đi. Cả khi con muốn tâm sự để vơi bớt đi nỗi buồn trong lòng mình thì ta cũng sẵn sàng lắng nghe.
Tôi đang trốn chạy tình yêu của mình, thứ tình yêu vô vọng và tôi cố tình ẩn nấp vào cõi thiền. Tự nhiên tôi biến mất khỏi lòng thành phố, tôi ẩn náu vào trong tịnh yên của người khác mà hy vọng rằng mình sẽ nhận lấy cho chính mình sự tịnh yên.
Một tháng làm việc ở ni viện, rồi hai tháng. Đêm tôi luôn mơ đến người đàn ông đó: thầy Nhân. Lúc nào tôi cũng mong trong lòng mình nỗi khát khao chạm gặp, lúc nào tôi cũng rắp tâm rời bỏ ni viện. Tôi không thể nào chịu đựng được sự vắng lặng, cô đơn suýt tí nữa thì tôi đã rời bỏ ni viện và tìm cách trở về. Nhưng tôi không hiểu tại sao tôi đã ở lại, thế là đã sáu năm trời.
Những ngày đầu tôi tới ni viện, tôi nhìn thấy các ni cô trong những bộ quần áo chùng lam kia là thế giới khác. Nhưng lần lần khi được tiếp xúc, nhất là lúc trò chuyện với ni cô Trúc Lan, tôi chợt khám phá ra tôi chỉ là một hạt bụi nhỏ bé, rất thường tình giữa cuộc sống rộn ràng sinh, lão, bệnh, tử và thất tình lục dục. Cho đến khi những cây ô môi trồng dọc theo ni viện bỗng rực nở lên màu vàng kỳ lạ mùa đầu tôi đến. Ni cô Trúc Lan đã gọi tôi vào phòng của ni cô, chậm rãi hỏi chuyện:
- Đã gần một năm trời con ở đây rồi phải không Nhật Hạ?
Tôi trả lời:
- Dạ.
- Con đã chép kinh, chắc con đã hiểu được nghĩa của chữ nhà Phật: "Sắc sắc không không" nhưng sư cô không hiểu trong lòng con đã bình an chưa? Con đã có thể xóa đi bóng người đàn ông làm cho con đau khổ chưa?
Bóng thầy Nhân hiện ra. Mái điểm sương, nụ cười trầm lắng. Tôi lắc đầu:
- Dạ... chưa.
- Vậy con hãy kể cho ta nghe câu chuyện của con đi. Nếu con kể được, lòng con sẽ không còn mang nặng khối tình đó nữa.
Tôi nhìn ra ngoài sân. Hoa muồng rụng vàng trải ở nền sân một màu vàng lạ. Sư cô Trúc Lan lắng nghe tôi kể chuyện tình yêu khờ dại của mình.
Tôi đã yêu thầy Nhân như thể trên thế gian này không có một đứa con gái nào có thể yêu một người đàn ông nào như thế. Nhưng tình yêu của tôi càng to lớn bao nhiêu thì tôi đã gặp phải trái tim cứng rắn của thầy bấy nhiêu. Trái tim thầy Nhân đã dành trọn vẹn cho người đàn bà đã không còn trên cuộc đời này nữa: Cô Cúc. Vâng, chỉ một mình cô Cúc chứ không phải là một người đàn bà nào khác, kể cả tôi. Những ngày tháng làm việc chung bên thầy, tôi cảm thấy không thể nào sống được nếu không có thầy bên cạnh. Lúc thầy Nhân chở tôi đi đâu đó trên đường phố, tôi cố dụi đầu tóc mình vào bờ vai rộng của thầy, tôi đưa đôi tay mềm mại của mình ôm nhẹ vòng eo của thầy.
Tôi chỉ ước ao được cùng thầy rong chơi qua khắp chốn trong suốt cuộc đời này. Tôi ước tôi được thầy sáng tác cho một bản nhạc của riêng mình, bởi thầy còn là một nhạc sĩ giỏi. Nhưng tôi cố vươn tới tình yêu thì tình yêu ấy càng xa xôi, xa lắm.
Đêm trước khi rời trường tôi không thể nào quên được. Đó là ngày tổng kết năm học, toàn bộ giáo viên nhà trường được thầy Nhân mời về nhà thầy dự một tiệc rượu nhỏ, nhà thầy vắng người, chỉ có mình tôi phụ giúp thầy nấu nướng cho buổi tiệc. Hôm đó tôi uống hơi nhiều, thầy Nhân cũng uống hơi nhiều. Khi tất cả khách mời đã ra về, chỉ còn lại tôi và thầy - tôi say đến mức độ không thể nào về được nữa. Trong cơn say tôi đã nói thật lòng mình, tôi ôm chặt người đàn ông mình yêu dấu, và vòng tay thầy Nhân cũng đã mềm ra cùng vòng tay tôi. Tôi thì thào cùng thầy khi thầy Nhân ghé môi chạm môi tôi:
- Nhân ơi, em yêu anh?
Nụ hôn đầu ấy cũng là nụ hôn cuối. Thầy Nhân rõ ràng đang run lên cùng tôi, nhưng thầy đã đẩy tôi ra khỏi lòng mình:
- Không được đâu, Nhật Hạ. Em về đi.
Tôi bước ra đêm, tôi đợi một tiếng gọi, nhưng thầy Nhân đã không hề gọi tôi trở lại. Đêm đã ngăn tôi và thầy không đi về một hướng.

Sáu năm tôi lại trở về con phố cũ. Cuộc sống không ngừng thay đổi khiến cho những con đường tôi đi qua hôm nay đều khác. Ngày xưa, tôi có thú vui là đi dạo trên con đường từ ga đến gã sáu dưới hai hàng me cổ thụ lá xanh. Giờ đây con đường này cũng đã khác, hàng cây đã bị chặt khá nhiều, chỉ còn lẻ loi vài gốc. Ngay ngã sáu cũng được mở rộng để nơi này biến thành một bồn hoa xinh đẹp. Tôi cũng đã khác sau sáu năm rồi đó mà, huống hồ chi là cảnh vật. Nhờ ni cô Trúc Lan động viên, tôi đã hoàn tất chương trình học của mình với bằng cử nhân thần học. Ni cô Trúc Lan nói: "Con không có căn tu, nhưng lòng con đã bình an từ những điều những nhà tu hành có được. Tuy nhiên, lòng có bình an thật sự không thì chính con hiểu chứ không ai hiều được". Ni cô Trúc Lan đưa cho tôi tấm giấy mời đi Hà Lan. Ở đó, tôi sẽ có thêm hai năm tu nghiệp, hoàn tất phần nghiên cứu của mình.
Đứa con gái 24 tuổi và người phụ nữ 30 tuổi là hai con người khác. Tôi ngày xưa và tôi của sáu năm sau, sau khi học được bao điều trong ni viện,
qua những trang kinh và những con người đã thoát khỏi mẫu số chung của tình ái trong cuộc sống đã khác. Nhưng lạ kỳ chưa sáu năm không liên lạc nhưng thầy Nhân vẫn tràn ngập trong giấc mơ của tôi. Thầy Nhân dắt tôi dạo chơi theo bãi cát biển trắng, thầy Nhân ôm ghì tôi bên chiếc ghế đá ở một công viên lá rụng ối vàng... có khi thầy Nhân còn hát cho tôi nghe. Đó có phải là khi khát khao không đạt được, nó lén trộn trong giấc mơ ta.
Ni cô Trúc Lan lại nói:
- Con hãy về đó một lần. Con hãy chào thầy Nhân trước khi lên đường.
Vậy là tôi trở lại. Mẹ tôi đã sang sạp hàng, trở về nhà buôn bán nhỏ. Anh chị em đã tha phương, mỗi người một nơi. Mẹ ôm chầm lấy tôi: "Con bỏ đi đâu biền biệt sáu năm trời hả Nhật Hạ? " Tôi cười với mẹ: "Thì con đã về đây rồi mà!"
Tôi vục gầu xuống giếng, tiếng gầu vỗ vào thành giếng tạo ra âm thanh quen. Mẹ nấu cho tôi một nồi nước bồ kết. Người múc từng gáo bồ kết đổ cho tôi gội đầu. Người vừa dội, vừa nói:
- Con nên đi thăm thầy Nhân đi. Thầy cứ hỏi tin tức con hoài. Ông thầy giờ này vẫn ở một mình.
- Thầy vẫn dạy ở trường X.hở mẹ?
- Ờ, từ ngày con đi đến nay trường vẫn không có gì thay đổi. Còn thầy Nhân, người như vậy mà sao vẫn ở một mình...
Tôi im lặng. Gội đầu xong, tôi mở quạt máy hong cho khô. Tôi lấy chiếc xe đạp mẹ vẫn thường dùng để đi chợ
để ở góc nhà, dắt ra đường, đạp xe hướng về ngôi trường cũ.
Lạ kỳ thay, dường như trái tim tôi đang chao đảo đang tham dự một cuộc hẹn hò. Những trang kinh tôi chép cả sáu năm trời ròng rã đâu rồi? Những buổi chiều trời biếc xanh lặng ngắm nhìn những con bướm hững hờ bay lượn đâu rồi?
Trường chỉ khác là hàng cây trồng trước sân đã cao rợp bóng. Khác là số giáo viên cũ ra đi khá nhiều, trong số còn lại không ai nhận ra tôi. Đang trong giờ giảng dạy nên cô văn thư ở phòng hiệu trưởng nói, tôi phải đợi khoảng nửa tiếng nữa thầy Nhân hết tiết dạy sẽ xuống. Cô rót một ly trà nóng để trước mặt tôi rồi cáo lỗi, lo công việc.
Một mình trong phòng thầy Nhân, tôi bỗng tò mò chồm người cầm những cuốn sổ trên bàn thầy. Một cuốn sổ bìa úa vàng nằm ở tận cùng. Tôi lơ đãng giở cuốn sổ, và tôi bỗng giật mình. Tấm ảnh chân dung của tôi sáu năm trước cho thầy Nhân chụp trong một dịp nào đó được lót vào lớp nhựa bề sau. Tôi rút tấm ảnh ra, thật bất ngờ khi tôi đọc được ở đó dòng chữ của thầy Nhân: "Em sẽ trở lại phải không Nhật Hạ?"
Tôi xếp những cuốn sổ lại. Rồi như một tên trộm tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng thầy Nhân. Tôi vừa đạp xe ra khỏi cổng thì tiếng trống báo hiệu nghỉ giữa giờ vang lên.
Tôi đạp xe vào đám đông. Chưa lúc nào mà tôi cảm thấy lòng tôi bình yên hơn lúc này!

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Các bài mới
Người điên (05/06/2008)
Những cánh cửa (05/06/2008)
Rượu chiều (05/06/2008)
Nơi cuối sông (05/06/2008)
Các bài đã đăng