Tạp chí Sông Hương - Số 154 (Tháng 12)
Lạc rừng sang Tây Trường Sơn
15:43 | 04/06/2008
Tôi vừa đến vùng Bắc Tây Nguyên được mấy hôm thì gặp địch càn quét. Hôm đó tôi định vào cơ quan xã Đaktô để làm việc không ngờ gặp địch dọc đường, tôi tạt vào rừng và nhắm hướng trở lại đơn vị, nhưng càng đi càng lạc sâu vào rừng thẳm.
Lạc rừng sang Tây Trường Sơn

Một hôm rồi hai hôm rồi ba hôm... Mệt, đói, mắt tôi hoa lên, chân tôi như không còn đứng vững được nữa, tay tôi yếu đuối bíu lấy hòn đá phủ rêu xanh trơn nhẵn, kéo từng bước chân đến mép suối. Dòng nước chảy ri rách từ phương nào tới và chảy về đâu tôi cũng không còn biết được nữa. Ở đây, hình như không có ánh mặt trời, những lớp sương mù dày đặc phủ kín khắp quanh tôi. Tôi đã đi qua bao ngọn núi cao vời vợi, vượt qua bao nhiêu vực thẳm... tôi cứ băng rừng mà đi, không gặp người dân, không gặp một bản làng... tôi lịm người, thiếp đi.
Tôi không còn nhớ là tôi đã nằm đó bao nhiêu lâu rồi, bỗng có tiếng gà gáy từ xa xa vọng lại. Tôi bừng mắt dậy, cố thu tất cả tinh lực vào đôi mắt để nhìn qua lớp sương mù dày đặc, cố bám lấy một niềm hy vọng, nhưng rồi niềm hy vọng đó cũng tắt ngay qua ý nghĩ "gà rừng gáy". Bây giờ tôi đã hình dung được cái khát vọng của người lữ khách kiệt sức trên bãi sa mạc tìm lấy một bóng cây, một giọt nước như tôi đang tìm một bóng người dân trong chốn rừng sâu khủng khiếp này. Tôi đã toan nằm xuống cố thiếp đi một giấc nữa để rồi lấy sức định hướng lại thì nghe tiếng đẵn gỗ đều đều từ hướng gà gáy vọng lại. Tôi nín thở lắng nghe và giờ đây mới thật làm cho tôi tin rằng ở đó có người. Nhưng đâu có thể dễ làm cho tôi vui mừng? Có thể là đồn địch chăng? Hoặc là vùng đang là của địch tổ chức vũ trang chống phá cách mạng? Tôi đấu tranh suy nghĩ rồi quyết định bước đi. Đồn địch hay làng bản của dân, tôi đều cần phải biết để đến chứ không chỉ ngồi chờ chết ở đây được. Bao nhiêu điều đặt ra cho tôi để đối phó với mọi tình huống xấu xảy ra, kể cả chiến đấu và hy sinh... Tôi cố bước đi. Gai góc lau lách tôi cũng vượt qua tất cả, một niềm hy vọng mạnh mẽ đã thúc đẩy tôi tiến lên, đói mệt hình như cũng tan đi trong chốc lát. Tôi đã trèo lên được một mô đất cao, nói đúng hơn là bò lên, để nhìn về hướng có tiếng rìu chặt cây. Tiếng rìu càng rõ mồn một... tim tôi hồi hộp, vừa hy vọng vừa lo sợ. Tôi dừng lại, nép vào một gốc cây và tiến tới phía trước. Cách tôi gần một trăm mét, nhìn qua kẽ lá, tôi có thể xác định đây là bản dân chứ không phải đồn địch. Trên một mỏm đồi đất đỏ nhô lên những mái nhà nhọn hoắt, đúng là kiểu nhà người miền thượng du. Tôi lần theo từng gốc cây và tiến tới phía làng. Bỗng, im lặng, tiếng đẵn cây cũng biến mất. Tôi bắt đầu thấy một cảm giác rùng rợn... tôi lên cò súng chuẩn bị sẵn sàng rồi bước lên mấy bước nữa. Đây rồi, bản làng đã hiện ra trước mắt tôi. Làng vắng vẻ lặng tanh, không một bóng người, không một tiếng nói. Bất chợt, một con chó mực từ phía sau tôi cắn lên mấy tiếng rồi hùng hổ nhảy xổ đến như muốn xé nát tôi ra. Tôi lùi lại một bước, dùng mũi súng vừa cản vừa thủ thế. Vừa lúc đó thì một người, đúng hơn là một gã hộ pháp từ đằng sau đã nắm chặt lấy cánh tay tôi, giật lấy khẩu súng. Có thể nói rằng, tôi không còn đủ sức chống lại nữa, vì không phải một gã mà năm, sáu gã lực lưỡng từ đằng sau ập tới với những mũi dáo sáng loáng. Họ trói tôi lại. Họ nhìn tôi nói bằng một thứ giọng giận dữ, họ giật lấy mũ và túi xách còn lại trên vai tôi. Những cặp mắt to, đỏ ngầu, hậm hực nhìn sòng sọc vào tôi. Đầu óc tôi lúc này quay cuồng, bàng hoàng, hoang mang đến cực độ không hiểu địch hay dân. Khi mới đến Tây Nguyên, tôi đã được nghe phổ biến, một số vùng nhân dân bị địch mua chuộc, tuyên truyền nói xấu cách mạng rồi tổ chức vũ trang chống lại ta. Phải chăng tôi đang bị rơi vào vùng đó?
Lão hộ pháp, có lẽ là thủ lĩnh của bọn chúng, to cao lực lưỡng chỉ đóng độc một cái khố trên người, trăm lên một thôi tiếng gì đó, lập tức bọn người tản ra, còn lại hai gã dẫn tôi đi về phía giữa làng đến một nhà to cao nhọn mà sau này tôi biết đó là nhà Chung của làng. Họ đẩy tôi vào một góc nhà và hai gã cầm dáo đứng gác. Tối hôm đó, họ đặt bên cạnh tôi một nắm xôi và một bầu nước. Tôi mệt quá, dựa vào vách và lịm đi... được một giấc khá lâu cho đến khi tôi nghe tiếng động lào xào trên ván sàn và tiếng người xì xầm chung quanh bếp lửa giữa nhà. Những ông già râu tóc bạc phơ ngồi chung với những gã trai tráng, ngậm những tẩu thuốc dài, mình khoác chiếc khăn dệt nhuộm chàm có kẻ sọc (họ gọi là Bru). Chốc chốc họ lại quay nhìn tôi rồi xì xầm. Có lẽ họ đang bàn về số phận tôi. Họ cứ ngồi như thế cho đến khuya khi con gà vỗ cánh gáy đầu canh. Lác đác một số người ra về, còn lại, họ ngủ ngay chung quanh bếp lửa với những cây củi gộc to cháy ti tách, âm ỉ... Đêm hôm đó, tôi không sao ngủ được, phần thì bị trói, phần thì nghĩ đến phải đối phó như thế nào đây? Tiếng tăm không, biết rừng núi mênh mông biết đâu là đâu để tìm về đơn vị. Còn một điều quan trọng nhất làm tôi day dứt là quyển sổ tay trong cái túi xách, trong đó có kế hoạch chống càn, bố trí binh lực... Nếu rơi vào tay quân địch lúc này thì thật nguy hại không lường được. Nhìn sang cái túi xách tôi đang treo trên cột giữa nhà Chung. Tôi thoáng có ý nghĩ là làm sao lấy được rồi thoát ra ngoài, còn sau đó sao sẽ hay. Không ngờ, tối hôm ấy sau khi nói chuyện với các già làng, gã hộ pháp lấy túi xách của tôi mở tung ra. Gã ta cười lên một tiếng và gọi các già làng xúm lại xem các giấy tờ trong túi xách. Thôi chết rồi, thế là hỏng tất cả. Kế hoạch của đơn vị hoàn toàn bị lộ. Tôi đắng cay tự dằn vặt mình. Phải chi mình thủ tiêu giấy tờ trước khi đến đây. Tôi chán chường nằm nhắm mắt lại và hình dung bao nhiêu chuyện không may sẽ đến cho đơn vị, cho cơ sở... Tờ mờ sáng hôm sau, sương mù còn dày đặc bên ngoài, trong lúc tôi đang còn ngổn ngang bao suy nghĩ thì gã hộ pháp cùng hai trai tráng nữa, dáo mác đầy đủ, mang khẩu súng và cái túi xách tôi đi ra ngoài. Hình như chúng đang định đi đâu xa và có vẻ vội vã. Đến đồn địch chăng? Tôi buồn rầu thất vọng hết chỗ nói. Suốt cả buổi sáng hôm đó không thấy chúng về. Tôi nôn nao đợi chờ một cái gì đó ập đến với tôi và đó... không phải là điều lành.
Đến chiều tối, tôi mới thấy chúng về, nhưng không phải là ba mà là bốn, thêm một gã lạ mặt mới đến, cũng ở trần, đóng khố khoác một tấm Bru chàm cũ kỹ bên ngoài, dáng nhanh nhẹn nhưng có vẻ gầy yếu. Gã có dáng là một thủ lĩnh nào đó nên vừa đến nơi thì mấy bô lão đều đến bắt tay vui vẻ chào hỏi. Tôi chưa kịp đoán ra điều gì thì gã mới đến bước thẳng đến chỗ tôi. Gã đến tôi làm gì? Thẩm vấn chăng? Đang phân vân sắp xếp những điều gì sẽ trả lời với gã ta thì gã đã nhếch một nụ cười và đến vỗ vai tôi.
- Anh đang ở trên đất Lào. Đây là huyện Đak Chưng, tỉnh Miền Đông.
Tôi bỗng giật mình vừa ngạc nhiên vừa phân vân: Mình đang ở trên đất Lào rồi? Và người này là ai mà nói tiếng Việt thông thạo như vậy?
Tôi nhìn anh ta từ đầu đến chân: mình trần, đóng khố, tóc dài ngang vai, thân hình sù sì đen đủi... Và bất giác tôi hỏi:
- Thế ông là người Việt hay người Lào?
- Tôi là người Việt.
- Thế gia đình và bản làng ông ở đây?
- Không, tôi là chiến sĩ quân đội nhân dân Việt được điều động sang đây giúp bạn Lào chống Pháp.
- Thế ư? Tôi vui mừng vô hạn khi gặp người đồng đội ở đây và nghĩ thầm: Thì ra, khắp các nẻo đường Trường Sơn ở đâu cũng có dấu chân người chiến sĩ Việt . Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tôi chăm chú nhìn anh như thoáng thấy những nét quen quen khác thì anh ta cũng ngập ngừng nhìn tôi:
- Có phải cậu là Thanh không
? Thanh lục quân khóa I Đại đội 4 phải không? Nếu đúng thì mình là Tân đây, Tân cũng Đại đội 4 lục quân đây...
Nghe đến đây, tôi bỗng bàng hoàng không còn tin ở đôi mắt mình nữa, xúc động hỏi lại:
- Cậu là Tân thật ư? Tân "thư sinh" Trung đội 2 phải không? Sao bây giờ trông cậu như thế này?
Tôi thấy thương Tân quá, không cầm được nước mắt, ôm chầm lấy Tân nghẹn ngào:
- Sao cậu gầy gò xanh xao quá.
- Mình mới qua mấy cơn sốt rét rừng.
Tất cả các bô lão trai tráng đang ngồi ở bếp lửa giữa nhà cũng đổ xô đến vui mừng về cuộc hội ngộ hiếm có này. Họ đến nắm tay, nắm vai tôi trầm trồ... Tân quay lại giới thiệu với tôi "gã hộ pháp" đang đứng bên cạnh:
- Đây là anh Krơi, chỉ huy du kích nổi tiếng vùng này.
Anh Krơi cầm lấy tay tôi lắc lắc, bập bẹ tiếng Việt:
- Mày đừng giận ta nhé, ta không biết, ta tưởng mày là biệt kích Pha-lăng.
Tôi nắm lấy hai vai chắc nịch của anh, cười thông cảm.
Tối hôm đó, dân làng Đakmong đem đến 3 ché rượu cần to đặt ở nhà Chung. Các bô lão, trai tráng, các mẹ và các cô gái trong làng đến ngồi quanh làm lễ buộc chỉ cổ tay cho tôi và Tân để chúc mừng về cuộc gặp mặt, vừa để cầu an mừng tai qua nạn khỏi. Chung quanh bếp lửa bập bùng, mọi người vừa uống rượu vừa vui vẻ chuyện trò. Căn nhà Chung trở nên đông đúc chật chội. Đang giữa cuộc vui, anh Krơi đứng dậy, lấy từ trong túi xách tôi chiếc ảnh Bác Hồ đưa cho mọi người xem và nói một thôi gì đó tiếng dân tộc. Mọi người đổ dồn mắt về phía ảnh Bác Hồ rồi quay lại nhìn tôi cười vui vẻ.
Tân nói lại cho tôi biết: "Lúc mới bắt được cậu họ tưởng cậu là biệt kích của ngụỵ Miền Nam đưa sang liên lạc với các ổ vũ trang của Pháp ở tỉnh Miền Đông, vì trước đây đã có mấy lần chúng qua đây bắt hai người dân đi dẫn đường rồi không thấy về nên dân ở đây họ căm lắm. Các gia đình có người thân bị bắt họ muốn xử cậu để trả thù. Nhưng sau khi soát trong túi xách cậu có ảnh Bác Hồ, họ gọi là Lung Hô. Nhân dân ở đây ai cũng biết Bác Hồ là cha già của dân tộc Việt . Cậu hiểu đối với dân tộc ở đây hạt muối có giá trị. Nhiều năm đói muối ở đây, họ về Bến Giằng Việt Nam gùi muối Lung Hô tặng, họ đều thấy ảnh Bác Hồ. Họ cũng xem Lung Hô là cha già của họ như các vị lãnh tụ Cayson và Suphanuvông vậy. Họ nghĩ rằng cậu là lính Lung Hô nên mới có ảnh Lung Hô. Mà đã là lính Lung Hô thì phải là người tốt. Vì vậy họ đi tìm tôi để hỏi mặc dù phải leo núi đi về một ngày đường.
Tân là người Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, là một học sinh tham gia giải phóng quân từ tháng tám năm 1945 và sau đó, tôi và Tân cùng được Mặt trận Việt Minh tỉnh cho đi học trường Lục quân Trung học khóa đầu tiên của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam năm 1946, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại. Ra trường Tân được điều ra mặt trận Quảng Đà Nẵng, còn tôi thì vào bắc Tây Nguyên.
Đêm hôm đó, tôi và Tân nằm khoanh bên bếp lửa hồng của nhà Chung, kể lại những năm tháng xa nhau từ khi ra trường Lục quân cho đến khi Tân theo đơn vị lên Lào và làm chuyên gia giúp bạn vùng Đakchưng vừa đánh giặc vừa xây dựng cơ sở cách mạng, giọng Tân trầm trầm chậm rãi:
- Người dân ở đây khổ cực thiếu thốn đủ mọi bề, cuộc sống còn man sơ lắm nhưng rất chất phác và kiên trung. Vì vậy, càng ở lâu mình càng thấy yêu thương gắn bó với họ. Đáp lại, họ cũng yêu thương và tin ở mình, không những chỉ có đánh giặc mà cả việc làng việc nước, việc gia đình nương rẫy... họ đều đến với mình, chuyện nhỏ chuyện to niềm vui nỗi buồn họ cũng không che giấu mình. Tội lắm, không kể là đêm hôm khuya sớm, từ quả cà, quả ớt, bắn được con thú rừng họ đều chia xẻ với mình. Mình tạm cởi bộ áo quần lính, tạm giấu khẩu súng khi chưa cần đến để làm người dân ở trần đóng khố, đi chân đất, để tóc dài, học tiếng dân tộc để gần gũi, hòa mình với họ là vì vậy. Mình nghĩ, trận địa này cũng quan trọng lắm chư? Trận địa không có tiếng súng để giành lấy lòng người, lòng dân chống lại kẻ thù hung bạo.
Ngưng lại một lát, Tân nhìn tôi, sợ tôi buồn ngủ nhưng tôi vẫn chăm chú lắng nghe Tân như nuốt từng lời. Tân lại nói tiếp:
- Lúc đầu làm việc này mình cũng khó khăn vất vả lắm. Da thịt mình bị lở loét vì mòng ruồi đốt, sốt rét ngã nước, dầm sương dãi nắng... nên người cũng gầy yếu đi nhiều. Nếu chỉ nói về nghĩa vụ thôi thì không vượt qua nổi. Mà đâu chỉ có riêng mình, bọn lính mình ở đây thường nói đùa với nhau: "Chuyên gia như chúng mình là thuộc loại đặc biệt hiếm có trên thế giới". Tân vừa nói vừa cười, cái cười hiền lành dễ mến thường thấy ở Tân.
Lặng một hồi, tôi lại hỏi Tân:
- Thế còn chuyện riêng tư của cậu thế nào mà không nghe cậu nói? Bưởi thế nào rồi, có thư từ tin tức gì cho cậu không?
- Chuyện dài và cũng không vui lắm - Tân buồn rầu đáp lại - Ba mình đã hy sinh đầu năm 1947 trong một trận chiến đấu ác liệt tại khách sạn Morin, mẹ mình thì tản cư lên Tuần bị sốt rét rồi mất, còn Bưởi thì lạnh lùng chia tay mình lấy chồng nên không còn tin tức. Mình còn ba anh em trai đều đi giải phóng quân mỗi đứa một nơi, thỉnh thoảng vẫn có thư từ cho nhau. Thế đó, đời người lính trong chiến tranh mà... Thôi, cậu ngủ đi kẻo khuya rồi.
Tôi quay mặt lại để ngủ hay đúng hơn là để cho Tân ngủ, vì tôi đâu có ngủ được, vừa rét lạnh, vừa miên man suy nghĩ về những điều Tân vừa nói, về đời người lính trong chiến tranh với bao nhiêu hàm ý về cái đẹp, cái quang vinh nhưng cũng bao nhiêu cái bất hạnh, đắng cay mà người lính phải hy sinh chịu đựng để vượt qua. Trời càng về khuya càng rét, cái rét của gió núi ào ào thổi qua các khe liếp, lồng lên các ván sàn làm cho tay chân tôi tê cóng. Lạnh quá, tôi ngồi dậy để khêu lại bếp lửa cho bùng lên để vừa sưởi cho mình và cho Tân. Nhìn sang một bên, tôi thấy Tân cuộn tròn trong tấm Bru cũ kỹ, mỏng dính, ám bụi đất và khói vàng, màu của thời gian năm tháng trên núi rừng phía Tây Tổ quốc. Tôi là người lính, cũng gian khổ, nhưng nhìn Tân sao tôi thấy thương lạ lùng, vừa cảm phục sự hy sinh thầm lặng của những người lính Tây Trường Sơn, những điều mà cho đến bây giờ tôi mới hiểu. Sáng sớm hôm sau, cả bản ĐakMong ra tiễn tôi và Tân về tỉnh Miền Đông. Người gói xôi, người gói thịt rừng khô, người nắm thuốc lá, quả cà, quả ớt... họ bỏ đầy gùi của Tân với những nụ cười đưa tiễn. Anh Krơi, vẻ mặt cảm động đến bắt tay tôi và lặp lại câu nói hôm qua:
- Mày đừng giận tao, ta không biết mày là lính Lung Hô, tưởng mày là lính biệt kích Pha-lăng. Ngập ngừng một hồi anh ta nói tiếp:
- Ta trả súng lại cho mày, ta chỉ xin mày cho ta ảnh Lung Hô giữ để khi nhớ ta xem.
Tôi rút tấm ảnh Bác Hồ từ trong túi xách ra tặng anh và ôm lấy anh một hồi lâu:
- Cảm ơn anh Krơi, cảm ơn nhân dân ĐakMong, những người bạn chất phác kiên trung.
Trở về Bắc Tây Nguyên sau lần lạc rừng vất vả gian nan đó, nhưng đã để lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên về những hình ảnh đẹp đẽ của người dân, người lính ở phía Tây Trường Sơn. Từ sau đó, tôi vẫn thư từ với Tân cho đến trước ngày thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954.
Tập kết ra Bắc năm 1955, tôi vội tìm đến đơn vị tình nguyện quân Hạ Lào để hỏi thăm Tân với nhiều hy vọng cùng Tân đi thăm lại những người thân, bạn bè tập kết từ trong Nam ra và rồi cùng Tân ôn lại những kỷ niệm khó quên trên đất bạn, tìm những phút thanh thản sau chiến tranh. Nhưng không ngờ... tôi được báo là Tân đã hy sinh trên chiến trường Miền Đông Hạ Lào sau một trận sốt rét ác tính tháng năm năm 1954, nghĩa là chỉ trước hai tháng khi lập lại hoà bình ở Đông Dương.
Tôi bàng hoàng choáng váng, ngồi lặng yên một hồi thương tiếc tưởng nhớ người bạn, người đồng chí đã để lại tất cả tuổi trẻ và cuộc đời mình bên kia dãy núi Trường Sơn cho sự nghiệp quang vinh của hai dân tộc Việt – Lào. Trong ánh nước mắt, tôi như còn thấy bóng dáng anh, mình trần, đóng khố, đi chân đất, tóc khỏa dài tung bay trong gió sớm. Và đâu đó còn văng vẳng thì thầm trong đêm giá lạnh ấy: "đời người lính trong chiến tranh mà...".
Huế, tháng 11-1998

HOÀI NGUYÊN
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

Các bài mới
Người điên (05/06/2008)
Những cánh cửa (05/06/2008)
Rượu chiều (05/06/2008)
Nơi cuối sông (05/06/2008)
Các bài đã đăng
Gửi sông thao (04/06/2008)
Cõi nhân gian (03/06/2008)