Tạp chí Sông Hương - Số 154 (Tháng 12)
Ngôn từ nghệ thuật - Một nét phong cách độc đáo của Nguyễn Tuân
15:50 | 04/06/2008
Một phương diện giúp khẳng định phong cách của bất cứ nhà văn nào, mà chúng ta không thể bỏ qua, đó là nghiên cứu yếu tố ngôn từ - chất liệu cơ bản để sáng tạo nên tác phẩm văn chương mà nhà văn đã vận dụng một cách nghệ thuật.
Ngôn từ nghệ thuật - Một nét phong cách độc đáo của Nguyễn Tuân

Đối với Nguyễn Tuân điều này lại cần đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ chính nhà văn đã rất coi trọng việc sử dụng ngôn từ khi ngồi trước trang giấy trắng. Ông từng viết: "Chúng ta vẫn đắm đuối với nghề Iàm văn, ngày càng chuốt thêm văn tự, ngày càng làm óng tốt dẻo bền hơn lên nữa cái tiếng nói Việt cổ truyền của mình"[1-137]. Với ý thức cao như vậy, nên ông luôn "tự học" để trang bị cho mình vốn ngôn từ phong phú, giàu có, để sử dụng một cách thoải mái trong lúc hành nghề. Tố Hữu nhận xét Nguyễn Tuân là "người thợ kim hoàn của chữ" [2-196]. Lại Nguyên Ân khen: "con người ông, phong cách ông cũng đẹp một cách độc đáo như câu văn ông, loại câu văn có một không hai trong nghệ thuật ngôn từ tiếng Việt" [2-564]. Để có được những lời tán dương trên Nguyễn Tuân phải trải qua một đời "sẵn sàng chịu khổ hạnh" để góp phần vun tưới cho "cái cây tiếng nói Việt Nam" ngày càng nhiều cành, nhiều lá, nhiều hoa trái hơn, càng như một thứ cây nêu Tết kỳ diệu lung linh giọng gió trước sóng Thái Bình Dương" [2-125].
Nét độc đáo trước tiên trong ngôn từ nghệ thuật của văn chương Nguyễn Tuân, là ông biết khai thác tối ưu hiệu ứng âm thanh của tiếng Việt đơn âm tiết, nhưng lại đa thanh điệu, tạo cho câu văn giàu tính nhạc vang hưởng chất thơ. Những năm trước và sau thập kỷ sáu mươi, Nguyễn Tuân nhiều lần len lỏi giữa rừng Việt Bắc đại ngàn. Với một tình yêu rừng da diết, nhà văn như đang nghe giai điệu rừng dội từ vách đá, vọng xuống lũng sâu, cộng hưởng vào tâm hồn chan chứa thơ nhạc của người bộ hành - Nghệ sĩ Nguyễn Tuân. Ông đã dùng những nét chữ để ký âm khúc nhạc rừng độc đáo: "Lòng tôi sao toàn là những cảm xúc của một người bộ hành thời Trung cổ đặt chân vào giữa một vùng Cổ đại. Đầu toàn nhớ lại những âm từ thơ Đường. Cảnh nơi dọc đường cũng Tùy Tùy Đường Đường cũng Lý Lý Trần Trần như thế thôi. Nhịp sống, nét sống cũng phong phong trần trần mộng mộng đào đào nguyên nguyên vậy" [6-350]. Đọc đoạn văn sau, chưa cần tìm vào ý nghĩa, chỉ nghe âm hưởng vang lên, cũng đã gợi trong ta liên tưởng như những tiếng nức nở của Chiêu Quân cống Hồ đồng vọng trong tâm hồn đời chị Hoài như vại dưa muối đã hỏng: "Nương theo cái chiều tưởng tượng gây gây mùi hoài cựu, tôi nghĩ xa, tôi nghĩ gần, rồi tôi nhận thấy cả một đời chị Hoài cũng chỉ là một đời một nàng Hạnh Nguyên bước đi một bước là thêm một bước cống Hồ. Rặt cống Hồ. Cống Hồ. Toàn là nhịp cống Hồ. Toàn là cung Nam. Nó chìm hẳn xuống như những tiếng tơ rầu" [5-341].
Nguyễn Tuân rất có tài khai thác sức gợi về mặt ý nghĩa tạo ra bởi mặt âm thanh của ngôn từ. Ông từng bình rất hay về các từ láy đôi, láy ba; các cảm quan ý nghĩa với những từ mang phụ âm đầu KH trong bài "Tán về ngôn ngữ". Trong "Lửa sinh nhật", ông nhại tiếng súng các loại: "Này thì Bục - Này thì Toác", "Choét! Choét! ung!" ta nghe mà liên tưởng cái đồn Đại Bục, Đại Phác kiên cố của quân địch, trước sức công phá dữ dội của chiến sĩ cách mạng, đã nhanh chóng bục, toác, nhão nhoét, ung thối ra.Vạch mặt một tên thối tha ở phố Cống Thần, nhà văn đã gọi hắn với một cái tên mang hai phụ âm b, l nghe mà phát tởm. Qủa cách đặt tên cũng là một thủ pháp nghệ thuật quan trọng. Vũ Trọng Phụng có cái tài trào lộng loại người tha hóa về mặt đạo đức, băng hoại về lương tâm nhân phẩm, bằng cách đặt cho chúng những cái tên hoa mỹ như Văn Minh, Phó Đoan, Tuyết, TYPN,... Trong khi đó, Nguyễn Tuân lại châm biếm bọn "ưng khuyển phệ - loại yêng hùng bay" đắt giá tốn kém trong quá trình huấn luyện kỹ thuật tiến hành "chiến tranh sạch sẽ" bằng cách phiên âm tên chúng kiểu "Oét-mô-len" thành Vét mồ lên [3-l38]. Tên tù binh bay được Nguyễn Tuân phiên âm thành đồ "Lạc-xon" phế thải; Đức cha Tuyên UÁy biểu tượng cho đạo đức bác ái thành tên xúi giục "Xít - pen - men"; cơ quan ngôn luận lẽ ra phải nói sự thật rành rọt, lại líu ngọng thành "U Pê U Pi". Đây không hề là sự ngẫu nhiên, vì khi đề cập đến những vĩ nhân của lịch sử Mỹ như Washington, Lincoln, hay các văn thi sĩ đáng quý như Edgar Poe, Jack London, Hemingway nhà văn đã viết một thứ chữ tiếng Anh trang trọng. Hiện tượng này có mối liên hệ ảnh hưởng nào chăng giữa Nguyễn Tuân với Bác Hồ. Như khi Bác viết hai bài "Dốt như bò" và "Xa lăng xa lù" đăng báo Nhân Dân ngày 14 - 2 -1952 và 30 - 3 - 1952, châm biếm những tên thực dân Pháp là Tat-xi-nhi và Xa-lăng. Về tên Tat-xi-nhi, Bác viết: "Thế là Tat-xi-nhi đã bị bạn nó tát vào mồm":
Kết luận thói huênh hoang của tên Xa-lăng, Bác viết:
"Xa lăng xa lù
Càng nói càng ngu
Ta đánh mạnh đánh mãi
Giặc thất bại lu bù" [4-297]

Về mặt từ ngữ, Nguyễn Tuân đã thừa hưởng lớn phần "hương hỏa" "kết tinh bởi trăm nghìn công sức lao động của tổ tiên truyền lại". Vì vậy, với tấm lòng tri ân trân trọng, nhà văn có ý thức trách nhiệm làm thể nào để bồi bổ tiếng nói dân tộc phải "giàu thêm mãi về cả chữ dùng, cả cách nói của ngôn ngữ Việt " [7-163]. Mỗi khi cầm bút, ông trải cái vốn từ phong phú mà mình chiếm lĩnh ra để chọn lấy một từ chính xác trong sáng nhất, nhưng cũng ít người dùng nhất, đặt đúng vị trí trong câu văn. Người đọc khi gặp, lập tức phản xạ với cái vốn quen dùng của mình mà rung lên xúc cảm, khắc vào ký ức như biết thêm một từ thần, như nhớ thêm một câu thơ hay, một cách dùng độc đáo, mà học theo để nâng dần năng lực ngôn ngữ của mình. Nguyễn Tuân có những cách dùng từ "quái dị" khó quên như:
"ấậy là một người đàn bà, thứ đàn bà tồi. Tồi ở chỗ lõa lồ trong câu nói tiếng cười". Cũng người đàn bà ấy: "người cứ ngồi ỳ ra đấy để ám sát cái hiền lành của một chuyến xe ngựa rất nên thơ" [5-305].
- Cái người phu xe già vốn vẫn kéo đưa tôi xuống xóm hát và đang ghếch càng xe lên hè chở tôi ra ga, nở một nụ cười a tòng rất có tính cách buộc tội cho tôi, trước mặt vợ tôi đang ngần ngại. [5-215]
Đọc văn Nguyễn Tuân, chúng ta có thể tìm thấy vô số trường hợp ông vận dụng các biện pháp tu từ độc đáo, những liên tưởng hết sức bất ngờ như:
- Thời giá hoa đào ở ngân thị Hương Cảng mấy ngày gần đây đã bỏ xa thời giá hoa biết nói trong hàng viện và mọi phòng trà. [5-23]
Thầy giáo dạy tiếng Việt có thể dễ dàng tìm cho mình những ví dụ về các biện pháp tu từ ở trong văn chương Nguyễn Tuân, nhằm minh họa cho các tiết dạy một cách phong phú và tiết kiệm được thời gian như:
"Nhưng mà cả cái cầu bảy nhịp đó, một trăm bảy mươi tám thước khung sắt đó tám trăm chín mươi tư gỗ ván đó, nhưng mà cái cầu đó là của ai?... Tổ chức quốc tế nào hay là cơ quan nào trong nước? Hay là trối kệ nó đó như là một đứa con hoang thai của thời thế? Chao ôi, thấy thương quá là thương, cho bảy nhịp Hiền Lương cầu tuyến! Nó lù lù vô duyên như một con bù nhìn khung nan sắt đang quá đỗi tẽn tò trên khúc sông đệm" [6-382].
Về mặt cú pháp, câu văn của Nguyễn Tuân có cấu trúc trùng điệp, để khắc họa đậm nét tính cách của nhân vật và sự đa diện của hình tượng. Người đọc thường có những xung động thẩm mỹ thú vị, gợi liên tưởng đến nhiều tầng nghĩa khác nhau, qua sự mở rộng tối đa những vị ngữ, bổ ngữ...
Nói về thân phận hèn mọn của thầy Lý trong "Một vụ bắt rượu lậu", nhà văn viết: - "Nghĩ đến đấy, thầy Lý không dám giữ đầu mình cho thẳng thắn, chỉ muốn cúi mặt mình xuống đất, hết nhìn đôi ủng da tây của quan Phủ, đôi guốc kinh của ông Đề và đôi bàn chân lấm của mình. Thầy Lý lúc này là sự hóa thân của một sự sợ hãi" [5-10].
Thủ pháp kết hợp những từ ngữ cùng trường nghĩa vào trong câu, đoạn văn, có thể xem là sự vận dụng thành công của Nguyễn Tuân. Câu văn của ông "co duỗi" một cách linh hoạt. Có khi gợi cảm giác vón cục kết tinh lại qua những câu văn ngắn, khô như: "Một tiếng loa. Một tiếng trống. Ba tiếng chiêng", "Hết cả lã chã". Nhưng thường thì câu văn Nguyễn Tuân gợi cảm giác không gian đang mở rộng, thời gian được kéo dài, bởi những từ ngữ chỉ phương hướng, chiều kích gắn kết vào nhau bằng những từ chỉ thì thời gian. Đoạn văn sau cho ta cảm giác ấy "Dọc theo con đường ở Phù Yên đang rộng ra, đang dài thêm mãi ra và thẳng duỗi ra, cuộc sống lao động tập thể đang cất lên cơ man là mái nhà mới, những ngôi nhà gianh nhà nứa mới. Nhà mới mọc đến đâu thì cây rừng bị thu hẹp đến đấy" [6- 122].
Câu văn của Nguyễn Tuân đan chéo nhau các phương chiều của không - thời gian qua liên tưởng miên man của tác giả, như những thước phim điện ảnh, hội tụ nhiều mảng không gian, đồng hiện nhiều khoảnh khắc thời gian, tạo ra hình ảnh đối lập sinh động nói lên sự vận động phát triển của con người - đất nước Việt Nam, từ nô lệ nghèo đói, đau thương khổ nhục sang tự do, no đủ hạnh phúc. Nằm trên mỏ "Than Quỳnh Nhai" nhà văn nghĩ: "Tôi nằm đây là nằm trên những biến thiên biển xanh nương dâu, trên những xác rừng cổ đại nay khai ra đốt sáng miền Bắc kiến thiết tổ quốc trong đó mỏ châu Quỳnh Nhai có cái vinh quang được góp phần than lửa của mình" [6-287]. Đạp xe đi giữa lòng Hà Nội ngày sơ tán, hồn Nguyễn Tuân lại phiêu dạt vào Huế xưa, mà không khỏi bồi hồi về tình cha con sâu nặng của thời thơ ấu. Ông viết: "Giữa phố Huế của Hà Nội sơ tán, thấy dòng phố như một dòng sông Hương, và thấy xe đạp chậm của mình đang như một con đò trôi miết trên dòng. Chao ôi, quên sao được sáu nhịp cầu Thành Thái và quên sao được những tiếng súng giờ giấc của thành Huế thanh bình giả vờ thuở đó" [7-113].
Nói đến ngôn từ Nguyễn Tuân, không thể không nói đến tín hiệu đặc trưng của thể loại ký. Đó là tính khoa học chính xác nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của tác giả thể hiện trong trang viết. Những tên người, tên đất, con số, sự kiện của địa lý - lịch sử Việt được nhà văn tra cứu kỹ lưỡng trước khi định hình trong câu văn. Nguyễn Tuân cho rằng: "Tôi vẫn cho địa lý quan trọng hơn lịch sử. Khoa học của lịch sử kích thích tinh thần quốc tế và bồi dưỡng nhiều cho lòng yêu nước. Do có kiến thức lịch sử' mà tấm lòng càng gắn bó với đất nước. Những cái điều đó cũng dễ thành một ý niệm trừu tượng, nếu không có sự bổ túc của khoa địa lý. Muốn yêu đất nước tổ tiên mình cho thật đầy đủ, thì phải đi bằng hai chân cả lịch sử và địa lý. Muốn thật yêu một vùng nào, một tấm lòng chưa đủ, phải có đôi chân nữa. Không có sự phối hợp của địa lý; mà chỉ có toàn lịch sử thôi thì khác chi thấy bóng rồi mà chưa lần ra cho hết cái hình" [6-464]. Tư tưởng nghiêm túc này đã chỉ đạo ngòi bút của Nguyễn Tuân viết nên những trang ký chân thực, khách quan về sự kiện, sâu sắc về bình giá và đậm đà về tình cảm.
Điều cuối cùng, dựa vào phong cách chức năng của ngôn ngữ, chúng tôi thấy ngôn từ văn chương Nguyễn Tuân là hiện tượng đa phong cách. Nhà văn như nghệ sĩ xiếc ngôn từ. Ông nhại được giọng nhiều vùng miền khác nhau, huy động thích hợp thuật ngữ nhiều ngành khoa học, nghệ thuật khác phục vụ cho việc xây dựng hình tượng nghệ thuật văn chương và chuyển tải tư tưởng, tình cảm đến với bạn đọc, góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ văn chương xứng đáng là bậc thầy ngôn ngữ của văn đàn hiện đại Việt Nam.

NGUYỄN TỐNG
(nguồn: TCSH số 154 - 12 - 2001)

----------------------------------------------
1. Nguyễn Tuân - Chuyện Nghề, NXB Tác phẩm mới, 1986.
2.
Tôn Thảo Miên-Nguyễn Tuân về tác giả và tác phẩm, NXB Giáo dục, 1998.
3.
Nguyễn Tài Cẩn-Ngĩr pháp tiếng Việt, 'NXB Đại học THCN, 1981.
4. Tập nghiên cứu chọn lọc về thơ văn Hồ Chủ Tịch, NXB Giáo dục, 1978.
5,6,7. Tuyển tập Nguyễn Tuân, NXB khoa học Xã hội, l998
.

Các bài mới
Người điên (05/06/2008)
Những cánh cửa (05/06/2008)
Rượu chiều (05/06/2008)
Nơi cuối sông (05/06/2008)
Các bài đã đăng
Gửi sông thao (04/06/2008)
Cõi nhân gian (03/06/2008)