Tạp chí Sông Hương - Số 231 (tháng 5)
Đọc lại một bài thơ kháng chiến của Pháp
15:20 | 06/06/2008
Nhân ngày 9/5 chiến thắng phát xít Đức.


PIERRE GAMARRA (*)

Đã có nhiều đêm

Đã có nhiều đêm ta ru mọi nỗi nhọc phiền
Và chỉ nói những lời thầm nhỏ
Đã nhiều đêm bặt câm lời ca và tiên nữ
Nước mắt đẫm rừng buồn tủi thiêng liêng

Đã có nhiều đêm lửa thiêu giấc mơ tuyệt vọng
Chó sói gặm các ngón xanh nữ thủy thần
Đã nhiều đêm đầy ngập dối lừa, căm giận
Máu chảy, đòn roi, cơ cực đường trần...

Bình minh dậy, lạ lùng, không hiểu nổi, mông lung
Dòng sông rì rào làm người ta luôn yêu thích
Những cô gái khổ đau với tình yêu đã chết
Bầy trẻ em trên người chẳng phải lụa len
Khoác số phận đắng cay với những hoài niệm đen ngòm
Họ đứng đợi mặt trời và gió về trên biển.
             H.N dịch


Lời bình:
Một trong những bài thơ kháng chiến nổi tiếng của Pháp mà tác giả của nó Pierre Gamarra cũng nổi tiếng không kém trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Cách đây sáu mươi tám năm (ngày 14/6/1940) thủ đô Pháp thành phố Paris bị phát xít Đức chiếm đóng. Từ đó, cả nước Pháp rơi vào những đêm dài tăm tối và vô cùng đau khổ.
Bằng những chi tiết ngắn gọn, cô đúc, sắc sảo và cả lãng mạn nhưng tràn đầy khổ đau và xúc động, nhà thơ giải bày nỗi đau buồn quằn quại và thiêng liêng của nhân dân và cũng là của chính mình: mất tự do, đói rét, cơ cực, trần ai... Bài thơ đặc sắc ở chỗ hết sức kiệm câu kiệm lời mà vẫn miêu tả được những tội ác man rợ của chủ nghĩa phát xít Đức hủy diệt các giá trị vật chất và tinh thần của nhân dân Pháp vốn nổi tiếng với nền văn hóa áo uyên và phong nhã: nói cũng không được phép nói to, lời ca và các nàng tiên (vẻ đẹp vật chất và phi vật chất) đều vắng bặt, những giấc mơ bình thường và êm đẹp đều bị thiêu cháy đến tận cùng; cuộc sống chỉ đầy đòn roi, máu chảy, dối trá, căm hờn...
Trong bài thơ có một câu lạ: “Và những con chó sói nó cắn các ngón tay xanh của các nữ thuỷ thần” (Et les loups qui mordaient les doigts bleus des sirènes). Đây là một hình tượng tác giả dùng để nói lên cái ý  ẩn: “đến cả nước của dòng sông cũng bị giặc cắn xé”. Người Pháp thường ví dòng sông như nữ thần và nước là những ngón tay xanh của Nàng.
Bài thơ không kết thúc với những lời ồn ào, cao giọng trái lại rất lặng lẽ, ém nhẹm và thậm chí hơi ngơ ngác: rạng đông lạ lẫm, không trung như mơ hồ, dòng sông róc rách… Trong khung cảnh mông lung gần như không hiểu được ấy, hiện lên những người đàn bà mà tình yêu đã mất, những trẻ em mà số phận và kỷ niệm đen đủi, đắng cay… Họ đang làm gì vậy? Họ không làm gì cả, chỉ đứng đó trên bờ biển, lặng im, bất khuất, tràn đầy khát vọng và niềm tin: mặt trời sẽ rực rỡ nhô lên và gió sẽ lồng lộng thổi, và…
Bài thơ mười bốn câu, trùng với thể xon-nê (sonnet) xưa cũ hay nhà thơ sử dụng thể xon-nê? Có thể như vậy và có thể không như vậy. Vấn đề là cái hơi hướng hiện đại của bài thơ. Viết về chiến tranh gần 2/3 thế kỷ rồi, giờ đọc lại “Đã có nhiều đêm” vẫn thấy mới mẻ lạ lùng. Cho hay, sự cũ kỹ hay không hoàn toàn không nằm ở hình thức. Phải chăng cũng là một dịp để chúng ta suy nghĩ thêm đôi chút về sự đổi mới văn học của Việt Nam ta giờ đây?
2008

HỒNG NHU
(nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008)

-----------------
* Pierre Gamarra: Nhà tiểu thuyết, nhà thơ Pháp sinh năm 1919 tại Toulouse , gốc Basque. Ông là nhà văn xã hội chủ nghĩa như người đương thời vẫn gọi. Ông từng làm chủ nhiệm tờ tạp chí Châu Âu ( Europe ) lừng danh. Một số tác phẩm của ông có tầm thế giới (vượt ra ngoài phạm vi nước Pháp) như: “Sát nhân” (L’assasin) – 1963 đoạt giải Goncourt; “Những bí mật ở Toulouse” (Les mistères de Toulouse ) – 1967; “Hoa tử đinh hương ở Saint-Lazare” (Les lilas de Saint-Lazare) – 1951 v.v…

Các bài mới
Huế ơi! (09/06/2008)
Hoài giang (06/06/2008)
Thơ với thẩn (06/06/2008)
Các bài đã đăng