Tạp chí Sông Hương - Số 231 (tháng 5)
Chuyện của Pipa (phần 1)
15:26 | 10/06/2008
Mẹ tôi làm nghề phù thủy. Bà có thể chế thứ thuốc nước để làm sáng mắt hay để làm nóng dạ con. Bà biết cách thụt rửa âm đạo để có con trai như ý muốn hay chế một liều thuốc độc để tẩy những đứa trẻ không được mong muốn sinh ra. Ngoại trừ những lúc cấp bách, bà tự hái thuốc và lấy những phần thân thể động vật, tôi không được phép giúp bà.
Chuyện của Pipa (phần 1)

Dân làng nói bà đã học được nghề đó từ những người đàn bà thuộc bộ tộc Miao. Bộ tộc Miao – những người kỳ dị từ phía tây đến và chỉ ở lại làng tôi vài tháng sau cái chết của cha tôi. Mẹ tôi đã pha chế những liều thuốc để khỏi phải lang thang trong rừng tìm hái nấm. Những hồi ức đầu tiên của tôi là ngồi xem làn khói tỏa ra từ ấm thuốc của bà: đầu tiên là khói trắng, khói xanh, khói nâu rồi đến khói đen.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, bà rất mạnh mẽ và cho dù thời gian đã trôi qua, tôi đã cao lớn, bà vẫn tiếp tục che ủ tôi đến nỗi tôi đã nghĩ là tôi sẽ biến mất nếu như tôi không thoát ra khỏi cái bóng của bà. Khi được mười chín tuổi, tôi quyết định rời làng ra đi. Bốn ngày liền tôi ngồi xem bà khuấy thuốc trên bếp lò. Vào buổi tối thứ tư, tôi lấy hết can đảm để nói với bà:
– “Con muốn đi Thượng Hải và làm việc cho một gia đình ở đó”. Tôi nói phía sau lưng bà: – “Con sẽ gửi cho mẹ một phong bì đầy tiền vào dịp Năm mới”.
Mẹ tôi thêm một bát nước lạnh vào ấm, sau đó bà quay lại nhìn tôi. Tôi buộc phải nhìn vào đôi mắt đen của bà.
– “Con ngồi xuống đi!”– Vừa chỉ tay vào chiếc ghế gỗ bên cạnh cửa sổ, bà vừa nói với tôi. Tôi ngồi xuống và xem bà làm nguội thuốc trong cái bát gỗ. Sau đó bà xõa tóc tôi ra, nhúng cái lược vào thuốc và bà chải tóc cho tôi. Một buổi tối đầu xuân ấm áp. Trăng non rọi sáng chỗ chúng tôi ngồi.
– “Thuốc gì thế mẹ?”– Tôi hỏi.
– “Nó là một hợp chất làm cho con sẵn sàng lên đường”.
Tôi nghẹt thở. Mẹ tôi lôi, kéo, giật và tết tóc tôi thành bốn bím.
– “Ở đây có những thứ cỏ sẽ bảo vệ con khỏi bệnh tật, mất sức và những ý nghĩ không trong sáng. Đó còn là thứ thuốc sẽ hòa trộn hồi ức của con, quá khứ của con. Con sẽ không bao giờ quên mẹ ở đây, dù con có đi bất cứ nơi đâu đi chăng nữa”. Bà quấn quanh dưới đuôi tóc tôi bằng một sợi ren đỏ.
– “Con muốn ra đi” – Bà nói – “Mẹ sẽ cho phép con nếu con hứa với mẹ một điều”.
– “Con hứa” – Tôi nói. Tôi sẽ hứa bất cứ điều gì miễn là bà để tôi đi.
 Bà nhìn ra ngoài cửa sổ để xem có ai đứng gần phía ngoài không.
– “Con lại đây.”– Bà nói. Tôi theo bà bước vào góc phòng tối. Cách góc phòng khoảng ba bước chân mẹ tôi quỳ xuống và bắt đầu đào đất bằng cái thìa. Bà lôi lên một cái hộp lấm đất, cái hộp bằng thiếc méo mó, xỉn màu. Chúng tôi bước tới cửa sổ để có thể xem cho rõ. Mẹ tôi mở hộp, lấy ra một vật gì đó và đưa nó cho tôi. Đó là một mảnh gì đó, nhỏ hơn lòng bàn tay tôi, được gói kỹ trong miếng vải thô.
– “Con mở ra đi!” – Bà bảo.
Tôi mở lớp vải ra. Bên trong là một mảnh đá màu hồng lóng lánh, một mảnh đá được lấy từ ngọn núi đá lởm chởm của làng tôi.
– “LaoFu sẽ đưa con đến Thượng Hải” – Mẹ tôi nói – “Con hãy tìm việc làm ở một gia đình có tên là Wens. Họ có một ngôi nhà rất lớn và có lẽ sẽ có rất nhiều người ăn kẻ ở. Con hãy còn thô kệch, quê mùa lại từ quê lên có thể họ sẽ không muốn mướn con, nhưng mẹ tin chắc là con có thể thuyết phục được họ. Đừng nói với họ là con từ làng này lên và cũng đừng nói cho họ biết tên của mẹ”.
– “Tại sao ạ?”– Tôi hỏi.
– “Điều đó không liên quan gì đến con. Nếu con không muốn làm việc cho gia đình Wens thì con có thể đi đến nơi nào mà con muốn, nhưng trước khi ra đi con phải làm cho mẹ một việc”.
– “Việc gì ạ?”
– “Hãy tìm tim của ngôi nhà” – Bà nói – “Đó là một chỗ rộng và hiện đại. Mẹ chắc thế. Wens dính dáng đến việc làm ăn ở phương Tây và hẳn là ông ta sẽ có một ngôi nhà lớn kiểu Tây. Con sẽ phải dành thời gian để tìm kiếm. Hãy để ngôi nhà thấm vào con; hãy lắng nghe âm điệu của nó. Trước khi ba tháng kết thúc, hãy tìm tâm ngôi nhà và giấu hòn đá này ở đó”.
– “Mẹ đang nói cái gì thế?”– Tôi thô lỗ nói: “Con chưa biết gì về ngôi nhà đó. Mẹ cũng chưa hề nói cho con hay, vậy làm sao mà con biết được”.
Mẹ chẳng la mắng tôi nhưng bà ngồi chồm hổm xuống nền nhà và nhìn vào chỗ ánh trăng nhàn nhạt rọi vào.
– “Nói cho mẹ biết”– Bà nói – “Tim nhà của chúng ta ở chỗ nào?”.
Tôi nghĩ ngợi một lát rồi chỉ vào chính giữa nền nhà.
– “Không”– Bà nói – “Mẹ không muốn nói đến chỗ trung tâm của vật thể đâu”.
Tôi thở dài ngao ngán. Nhà của chúng tôi – một căn lều thì đúng hơn – nhỏ tí xíu, và dù tôi có muốn nói gì đi nữa thì cũng chẳng có chỗ trung tâm. Chúng tôi chỉ có một cái bàn, hai cái giường và vài cái ghế ọp ẹp. Cái giá sách trong góc thì chỉ có vài cuốn truyện – “Giấc mơ của Red Chamber” và “Cuộc sống ngoài vòng pháp luật của Marsh” – mà mẹ tôi đã từng dạy tôi đọc trong nhiều năm. Trong ngôi nhà của chúng tôi không có sự hiện diện của đàn ông vì bố tôi đã chết trước khi tôi chào đời. Mẹ tự kiếm sống và nuôi tôi. Tôi nghĩ về mẹ, về bím tóc màu muối tiêu thả dài sau lưng của bà mỗi khi bà khom lưng trước cái bếp lò đầy than đỏ rực.
– “Lửa” – Tôi nói – “Bếp lò chính là tim của ngôi nhà”.
Mẹ tôi gật đầu.
– “Giỏi lắm” – Bà nói.
Ngay khi mẹ khen, tôi chợt cảm thấy nặng nề và lành lạnh.
– “Điều đó nói về chuyện gì thế ạ?”.
Bà lắc đầu: – “Tốt hơn là con không nên biết”– Bà nói: – “Chuyện bắt đầu trước khi con chào đời. Và việc làm có ý thức của con sẽ là sự kết thúc của nó”.– Bà đứng dậy và bước lại gần cửa sổ: – “Chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi”.

Tôi khâu hòn đá vào trong túi áo. Tôi ngồi lên xe ngựa cùng với LaoFu, một người bạn cũ của mẹ tôi, người thường xuyên đem sâm - một thứ rễ quý mọc hoang trong núi – đi bán dạo quanh thành phố. Tôi nhìn đôi tay thô kệch, bị viêm khớp nặng của LaoFu đang nắm dây cương cẩn thận điều khiển con ngựa đốm. Lão luôn luôn quật nhẹ chiếc roi cũ, rách vào con ngựa. Ngày đó, một chuyến đi lên Thượng Hải phải mất vài ba tuần lễ. LaoFu không thường xuyên đi những chuyến đi dài như thế. Lão chở tôi đi vì nể mẹ tôi, vì bà thường xoa bóp thuốc mỡ vào các khớp cho lão. Hàng tiếng đồng hồ chúng tôi chẳng nói với nhau lời nào, cho đến khi dãy núi gần nhất chỉ còn là màu xanh mờ nhạt ở phía xa xa, LaoFu quay sang tôi.
– “Cháu là một cô gái ngoan, Pipa ạ”. – Lão nói với cái giọng khò khè – “Một cô gái có chí và hiếu thảo. Vượt hàng trăm dặm để giúp mẹ mình”. Lão cười hiền lành, thân thiện, cười hở cả bốn cái răng vàng xỉn ám khói. Tôi nhìn chằm chằm vào bộ râu bạc của lão và ao ước giá có một người nào đó mà tôi chưa hề gặp mặt đang đưa tôi đi. Thậm chí ở vùng xa xôi này mà đường nét của những ngọn núi bao quanh cũng từa tựa như nét mặt của mẹ tôi. Hòn đá trong túi áo tôi, điều bí mật của tôi đè nặng làm tôi khó mà ngồi thẳng được. Tôi muốn lôi tuột nó ra khỏi túi áo và liệng nó xuống dòng sông sắp tới. Bà ấy sẽ không bao giờ biết được.
Nhưng khi đến Thượng Hải, tôi cảm thấy sợ hãi khi lần đầu tiên nhìn thấy một bến cảng lớn đến nỗi tôi nắm chặt lấy hòn đá như thể nó là bùa hộ mệnh của tôi. Tôi ngồi sát vào LaoFu, khiếp đảm khi chúng tôi tới nhà Wens, nơi lão ta sẽ để tôi ở lại. Thành phố như chiếc vòng quay, đường phố rộng lớn đầy du khách ngồi trên những chiếc xe như xe của chúng tôi, trên xe lôi và xe hơi. Trước đây tôi chưa hề thấy những loại xe như thế, cũng như chưa hề thấy người ngoại quốc như thế này bao giờ.
Thời kỳ đó, người ngoại quốc có mặt ở khắp nơi: những người lính Anh, lính Mỹ gò bó trong những bộ quân phục, rồi các thương gia người Nga vào ra vội vã trong những tòa nhà lớn kiến trúc Tây phương. Tôi ngồi bất động, bịt tai để khỏi nghe tiếng xe chạy và tiếng còi bóp inh ỏi. Tôi nhìn những người kéo xe lôi, khuôn mặt họ hốc hác, chân nện vội vã xuống đường. Chúng tôi dừng lại tại một giao lộ. Tôi thấy một người đàn ông đảo cặp mắt vàng ệch về phía chúng tôi. LaoFu giật giây cương: – “Thuốc phiện đấy”. Lão nói: – “Cháu đừng nhìn!”.
Ở một góc phố khác tôi để ý thấy một người đàn ông Trung Quốc vạm vỡ, ăn mặc theo kiểu tây, tóc cắt ngắn, chải mượt về phía sau láng mướt. Ông ta đang nói chuyện với ba người ngoại quốc. Hình như ông ta nhìn vào xe của chúng tôi, nhìn vào LaoFu đang sửa lại dây da trên bộ yên cương. Sau đó ông ta quay mặt đi.
Khi chúng tôi đi tiếp, các cửa hàng, cửa hiệu nhường chỗ cho những ngôi nhà xây bằng gạch cao, không có cửa ra vào tròn hay vườn kiểu Trung Quốc. Những chiếc xe hơi bóng loáng ngược xuôi quanh chúng tôi. Có một chiếc thì suýt nữa va vào con ngựa. Tôi nhắc nhở LaoFu nhưng lão chỉ lắc đầu và đánh xe chạy sát vào lề đường.
– “LaoFu, chúng ta đang ở đâu đây?”.
– “Gần rồi”.
Qua một đường phố nữa, lão rẽ phải. Con ngựa gõ móng vòng quanh một khúc quanh dài và đột ngột chúng tôi dừng trước sân nhà số 20 cách lối vào một ngôi nhà xây bằng gạch và gỗ rộng mênh mông. Tôi để ý thấy một người đàn bà đang nhìn chúng tôi qua cửa sổ. LaoFu dừng xe lại.
– “Đây rồi, Pipa. Cửa kia là lối ra vào dành cho người làm”.
Tôi nhìn chằm chằm vào vạt áo của mình.
– “Cháu xuống đi. Bác sẽ xách gói đồ cho cháu”.
Tôi bước xuống xe, hai chân tê cứng, tay phải nắm chặt hòn đá nằm trong túi áo. LaoFu bước vòng phía sau xe lấy gói đồ bọc bằng miếng vải xanh của tôi xuống.
– “Cháu vào đi!” – Lão nói. Tôi mím chặt miệng để ghìm những giọt nước mắt.
– “Cháu sẽ không sao đâu” –  Lão nói: – “Bác còn ở quanh thành phố này hàng tháng. Bác sẽ đến thăm cháu”.
Chúng tôi đứng đối mặt nhau và cúi chào từ biệt. LaoFu leo lên xe, nắm sợi dây cương, gật đầu chào tôi lần nữa trước khi đánh xe đi.
Tôi đứng nhìn chiếc xe của lão đang vòng trở lại khúc quanh. Tôi chợt nhận ra rằng tôi vừa nói lời từ biệt với người cuối cùng của làng quê, và cả với mẹ tôi nữa. Sau nhiều năm lẩn tránh sự canh chừng của bà, giờ tôi đã đi đến một nơi mà bà không thể nhìn thấy tôi. Bỗng chốc trong tôi trào lên một cảm giác khiếp sợ đến nỗi tôi khuỵu xuống và nôn thốc nôn tháo bên lề đường.

Một cô gái xinh xắn đang đứng đợi tôi ở cửa ra vào dành cho người giúp việc. Cô ấy mặc quần đen và một chiếc áo blouse trắng sạch sẽ. Theo kiểu tóc của cô ta tôi đoán chắc cô ta là người lúc nãy đã nhìn chúng tôi qua cửa sổ.
– “Cậu không sao chứ?” – Cô ta hỏi nhẹ nhàng, thân mật. Bước lại gần, tôi cao hơn hẳn cô ta một cái đầu.
– “Vâng” – Tôi nói, tay nắm chặt gói đồ đạc – “Tôi muốn làm việc ở đây”.
Mắt cô ta lướt nhanh lên bộ đồ vải thô tôi đang mặc trên người.
– “Vào đi” – Cô ta nói. – “Phòng tắm ở bên trong. Cậu cần phải tắm táp và thay đồ đi đã. Sau đó tớ sẽ giới thiệu cậu với người quản gia”.
Tôi bước vào ngôi nhà rộng lớn và ấm áp, mùi thức ăn và gia vị thơm ngào ngạt. Chúng tôi ở trong một phòng rộng vách bằng gỗ. Cửa lớn bên phía tay phải tôi dẫn ra lối hành lang. Tận cuối phòng tôi thấy một số người đang thái rau.
– “Lại đây nhanh lên” – Cô gái lúc nãy nói nhỏ với tôi rồi chạy vụt ra lối cửa khác. Cô ta dẫn tôi tới căn phòng trắng bóng có một cái bồn dài khoảng bốn bước chân. Tôi chưa hề thấy bồn tắm bao giờ. Tôi dừng lại và chăm chú nhìn. Cô gái, người vừa giới thiệu tên mình là Meisi, vặn hai cái núm bằng bạc gắn vào một đầu bồn và một dòng nước ấm tuôn ra. Cô ta treo một cái khăn tắm lớn phía trước tôi để tôi khỏi xấu hổ khi cô ta vẫn còn ở trong phòng.
Tôi cởi bỏ bộ đồ đi đường đầy bụi bặm và bước vào bồn tắm. Làn nước ấm mơn man cơ thể tôi, tẩy rửa sạch mọi bụi bẩn của làng quê. Tôi xổ tung mái tóc của mình và những câu thần chú của mẹ tôi bị tẩy sạch trong xoáy nước. Tôi cảm thấy mình đang lột xác, giống như con nòng nọc vậy, và tôi ngắm nhìn tay chân mình như thể chúng hoàn toàn mới mẻ.
Phía sau khăn tắm, Meisi thì thầm:
– “Tất nhiên họ sẽ mướn cậu. Gia đình vừa mới dọn đến nơi ở mới này và họ cần người giúp việc. Họ cũng vừa mới mướn tớ cách đây ba tháng. Tớ sẽ làm cho cậu thay đổi  để không ai còn phải cân nhắc gì cả”.
– “Sao cậu lại đến làm ở đây?” – Tôi hỏi.
– “Tớ ở Bắc Kinh đến đây. Mẹ tớ mất khi sinh tớ, còn bố tớ thì tham gia quân Kuomintang. Ông ấy đã chết năm ngoái trong một trận chiến. Tớ mồ côi. Tớ phải kiếm việc làm. Đây là nơi tốt. Ông chủ giàu có và đẹp trai. Sự giám sát ở đây cũng không đến nỗi chặt chẽ lắm”.
Ngừng một lát, tôi hỏi: – “Trận chiến gì vậy?”.
– “Cậu vừa mới ở xa đến. Đó là một trận chiến khủng khiếp, không phải ở Thượng Hải đâu, nhưng rồi có lẽ cũng sớm lan đến đây thôi” – Giọng cô ấy chùng xuống và tôi phải ghé sát chiếc khăn tắm để nghe.
– “Tớ chẳng biết gì về những sự kiện đó cả”. – Tôi nói: – “Làng tớ ở xa lắm vì thế quân Nhật chẳng để ý đến”.
Khi tôi tắm xong, Meisi đưa cho tôi một chiếc quần đen và một cái áo sơ mi trắng, cả hai đều hơi nhỏ đối với tôi. – “Chúng ta sẽ kiếm thứ khác sau khi cậu bắt tay vào làm việc” – Cô ấy nói: – “Tớ sẽ lấy ở trong tủ nhỏ”.
– “Cám ơn cậu đã giúp tớ!” – Tôi nói.
Meisi mỉm cười: – “Có gì đâu” – Cô ấy đáp: – “Ở đây nhiều lắm, vậy sao lại không san sẻ cho nhau? Hơn nữa, cậu có vẻ là một người tốt”.
Cô ấy nhặt cái áo khoác cotton cũ màu xanh của tôi lên: – “Cậu có muốn giữ cái áo này lại không?”.
Tôi chợt nghĩ đến hòn đá được khâu trong túi áo. – “Không” – Tôi trả lời.

Gia đình Wens sống ở khu phố lớn nhất Thượng Hải. Hàng tuần liền tôi vẫn còn kinh ngạc về ngôi nhà của họ. Tôi chưa hề mơ tưởng một điều gì như thế. Các phòng đều cao ráo và rộng rãi, sàn nhà thiết kế bóng lộn do các tay thợ mộc người Anh xây dựng và được phủ bằng các tấm thảm hoa Ba Tư. Màn cửa sổ theo kiểu Anh treo rủ dài theo cửa sổ, những tấm màn cửa sổ vải nhung màu huyết dụ viền dây tua màu vàng. Mọi thứ trong ngôi nhà này đều mới mẻ, từ ngọn đèn điện huyền ảo đến những cái chậu gỗ trong nhà bếp đầy ngao, sò biển mà bất cứ nhà nào cũng đều thèm muốn ao ước.
Người quản gia tên là Lu Taitai, là một người đàn bà to béo mặt nung núc những thịt. Khi tức giận bà ta thường chỉ một ngón tay lên trời. Tôi rất sợ bà ta. Tôi là người làm mới nhất trong số ba mươi người giúp việc. Vì chưa quen việc nên ban đầu tôi làm ở chỗ dành cho người làm, như Meisi đã nói, là phải lau chùi khắp ngôi nhà. Với đôi tay khéo léo nhanh nhẹn và khuôn mặt xinh đẹp nên Meisi đã kiếm được việc làm trên tầng ba, nơi ở của gia đình. Tôi hình dung rằng các tầng trên hẳn là phải diệu kỳ lắm.
– “Cậu có thể chỉ cho tớ xem các tầng trên được không?” – Một lần đang ăn tối ở cuối chiếc bàn ăn dành cho người giúp việc, tôi đã hỏi Meisi như thế.
Meisi đảo mắt qua trái qua phải trước khi trả lời tôi: – “Chúng ta phải dè chừng bà Lu Taitai” – Cô ấy nói – “Rất khó lấy các thứ ở tầng trên. Mấy bà ấy mắt sắc lắm. Nếu có cơ hội tớ sẽ dẫn cậu lên”.
– “Mấy bà nào thế?” – Tôi hỏi – “Mấy bà giúp việc à?”.
Meisi đặt đũa xuống. – “Pipa.” – cô ấy nói – “Ông chủ có bốn bà vợ kia mà”. Cô ấy cười: – “Đừng đỏ mặt lên như thế, thôi ăn đi!”.
Tôi nhìn vào bàn. Chúng tôi ăn những gì gia đình Wens bỏ thừa lại. Đêm trước họ đã ăn tiệc với món vịt nấu mười món, và còn một xứ da vịt chiên giòn mà tôi phát hiện là mình rất thích. Rồi còn trứng vịt nấu đông, trứng chim câu nấu xốt, tôm hầm với gà và đậu, gà với sò hấp gừng, sò nấu xốt, tôm thẻ xóc muối, tôm thẻ hấp gia vị, hàu, măng tây và bao nhiêu là thứ khác với một con cá lớn chả mấy ai đụng đến. Tôi nghĩ rằng, nếu một người đàn ông giàu có đủ lo bốn bữa ăn cho từng ấy người trong gia đình thì bốn bà vợ cũng là điều bình thường.
Vài tuần sau, bà Lu Taitai bỗng có điện gọi về nhà.
– “Tốt lắm” – Meisi nói. Và bằng cách ve vãn người quản gia thứ hai, cô sắp xếp cho tôi bưng trà lên cho ông chủ ở tầng trên trong thư viện của ông ta trong buổi họp mặt với một số đồng nghiệp ở phương Tây.
– “Nếu việc này không phải dành cho cậu thì tớ cũng mất cơ hội rồi” – Tôi nói với Meisi khi tôi cám ơn cô. – “Tớ ở đây cả tháng rồi mà chưa hề thấy mặt ông chủ”.
– “Được rồi” – Meisi nói – “Ông ấy đẹp trai. Tớ có thể hiểu vì sao đàn bà lại mê ông ta: giàu có này, đẹp trai lại mạnh mẽ nữa này! Tất nhiên ông ta chẳng để mắt đến loại người như tớ và cậu đâu – Chúng ta chỉ có thể ngắm ông ta mà thôi. Nhưng nếu bạn chỉ muốn có thế, thì Pipa, bạn thân mến của tôi ạ, bạn sẽ đạt được”. Và cô ấy cho tôi tập dượt vài lần với cái khay trà bằng tre.
Vào ngày họp mặt, chúng tôi chờ nghe tiếng giày đàn ông bước lên cầu thang. “Giờ thì cậu lên được rồi đấy.” Meisi nói. Cô ấy đưa tay vuốt lại những lọn tóc của tôi cho gọn gàng. Người phụ bếp nhìn chằm chằm hằn học, ganh tị khi tôi bê cái khay trà.
Lần đầu tiên tôi leo những bậc thang bóng lộn.
Tầng hai thật yên ắng. Tấm thảm như tan ra dưới chân tôi. Meisi đã hướng dẫn tôi. “Lên đến trên thì rẽ trái. Đi qua hai cửa lớn là cậu đã tới phòng thư viện”. Chiếc khay trà nặng và lạ lẫm đã cản trở bước chân tôi. Tôi đã đến trước cửa thư viện, cố đứng thẳng hông và gõ cửa.
– “Vào đi!” – Giọng đàn ông trầm trầm vang lên.
Tôi nhìn vào núm cửa. Làm sao tôi có thể vặn nó được? Tôi đổi chân trụ và cảm thấy cái khay trượt dựa vào áo tôi. Cửa bỗng mở đột ngột và một người đàn ông đứng trước mặt tôi tay ông ta đang cầm cuốn sách. Tôi bỗng quên đi cách xử sự của mình và nhìn chằm chằm vào ông ta. Tôi đã thấy ông ta trước đây rồi: đây là người đàn ông ngạo mạn mà tôi đã để ý khi tôi ngồi trên xe cùng với LaoFu vào hôm đầu tiên đến Thượng Hải. Giờ thì ông ta đứng đây nhìn vào mặt tôi, áo quần tôi và tay tôi đang bưng chiếc khay. Tôi cảm thấy như thể có một ít tro nóng phả xuống lưng mình. Tôi thở hổn hển; chiếc khay trong tay tôi bị nghiêng hẳn đi. Ngôi nhà
với những tấm thảm êm mềm như chống lại tôi làm cho tôi bị mất thăng bằng. Nước trà nóng sánh xuống cánh tay của ông chủ và cả lên cuốn sách mà ông ta đang cầm.
– “Quỷ thật”. Tôi thở hổn hển, nhanh chóng để cái khay bị đổ xuống, vớ lấy cái khăn ăn bằng vải lanh thêu hoa và lau tay cho ông chủ.
– “Tôi không sao đâu” – ông ta nói: – “Lau khô cái này đi!”. Ông ta đưa cuốn sách cho tôi, và dù rất khiếp sợ nhưng trong lòng tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng người đàn ông này không hẳn mạnh mẽ lắm khi rụt lại vì nước sôi. Tôi chờ đợi ông ta chửi mắng mình, thậm chí cả đánh nữa, nhưng ông ta không động đậy.
– “Quỷ thật” – Tôi lặp lại và dĩ nhiên khi đó tôi không nghĩ là mình còn có thể nhìn thấy mặt ông ta lần nữa. Tôi lau khô các trang giấy. “Xiang – gang Falu”, tôi chợt đọc to. Tại sao ông ta lại nghiên cứu luật pháp Hongkong nhỉ?
– “Cô đọc được à? ” – Ông ta hỏi.
– “Mẹ tôi dạy tôi”. – Tôi buột miệng nói.
– “Vậy cô sẽ được việc cho chúng tôi đấy”. – Ông ta nói – “Và dĩ nhiên, cô không phải là người hầu giỏi. Thôi vào đi!”.
Tôi rón rén đi vào phòng. Đối diện với tôi là ba cái giá sách chật ních. Những người ngoại quốc ngồi ở cuối phòng, trước cái lò sưởi.
– “Cô cao” – ông Wens nói: – “Cô lại có thể đọc nữa. Hãy tìm những cuốn sách tôi cần và mang nó lại cho tôi. Tìm cho tôi cuốn nói về giao thông, vận chuyển trên sông Giang Tử và Grand Canal .”
Tôi bước tới mấy cái giá sách, hai tay tôi đẫm mồ hôi. Wens quay trở lại chỗ lò sưởi.
– “Nếu các anh muốn có bằng chứng thực tế, tôi sẽ chỉ cho các anh”. Tôi nghe ông ta nói với mấy người nước ngoài. – “Nhưng tôi cam đoan là họ sẽ đợi. Họ đã thắng nhiều trận quá nhanh. Họ cần phải tập hợp lại. Sẽ mất vài ba tháng trước khi họ đến Thượng Hải, cũng có thể là một năm. Các anh đừng có lo lắng quá”. Có tiếng người nào đó ho khúc khắc. – “Ồ đương nhiên, đương nhiên rồi”. Người đàn ông này nói tiếng Trung Quốc vẻ khó khăn. – “Chỉ có điều chúng tôi đã nhận được một số báo cáo từ miền Bắc. Đương nhiên...”. Dừng lại để tìm từ ngữ, ông ta nói tiếp: – “Đương nhiên chúng tôi không lo gì về họ cả. Quân Kuomintang đã tự chỉnh đốn để bảo vệ Giang Tử của chúng ta... Chúng tôi chỉ muốn khẳng định rằng chúng tôi hiểu tình hình.”
– “Ai mà chạy trốn là ngu ngốc” - Wens nói: – “Tôi đã nói với các anh rồi. Chưa phải lúc để ra đi. Họ sẽ chẳng bao giờ động đến một người nước ngoài nào đâu. Nên nhớ rằng các anh đã ở lâu bao nhiêu, các anh sẽ chắc bấy nhiêu”.
– “Anh cũng thế chứ?” – Một người khác nói.
– “Các anh có thể tin tôi” – Giọng nói của Wens trở nên khó chịu: – “Tôi biết Mao sẽ làm những gì. Tôi là một trong số họ. Tôi sinh ra là một tá điền, các anh biết chứ?”.
Ở góc dưới cùng bên phải của một kệ sách, tôi để ý thấy tập sách bìa màu xanh về đường thủy, tôi lôi nó ra và đưa tới cho ông Wens. Khi ông ta đọc cuốn sách tôi đứng nhìn một lát. Ánh lửa hắt lên mặt ông ta và tôi có thể thấy cả sức mạnh, vẻ trí thức và cả sự xảo quyệt của ông ta.
–“Ha!” – ông ta nói, tay chỉ vào một đoạn trong trang sách: – “Các anh thấy chưa, tôi đã đúng”. Ông ta đưa cuốn sách cho một người đàn ông phương Tây, người bị lé mắt và đang bồn chồn vuốt ve bộ râu màu vàng hoe của mình.
– “Nó nói điều gì vậy, Stanton ?”. Một người trong số họ hỏi.
– “À, vâng! Ông Wens đã đúng.” – Stanton nói: – “Tôi tự hỏi liệu ông Wens đã đọc kỹ để hiểu ông ta đang nói về điều gì!”.
– “Bây giờ thì” – Wens nói: – “Về những tuyển tập này, tôi sẽ đưa một nửa cho các anh vào thứ hai tuần tới”. Ông ta quay sang tôi: “Giờ thì cô có thể đi được rồi đấy” – Ông ta nói: – “Lần sau có cuộc họp ở đây tôi sẽ gọi cô”.
Khi rời thư viện, tôi thấy chiếc khay đang nằm ở hành lang, tôi cúi xuống và nhặt nó lên.
– “Mày làm gì ở đây thế?”. Một giọng nói the thé độc đoán vang lên.
Tôi đứng thẳng lên. Tôi không nghe thấy tiếng bước chân của bà ta qua tấm thảm. Bà ta nhỏ nhắn, đẹp với đôi mắt to và cặp môi cong tròn như lát cam. Bà ta mặc một chiếc áo dài màu xanh biển nhạt.
– “Tôi mang trà lên” – Tôi cố giải thích: – “Tôi giúp việc trong thư viện”.
– “Giúp việc?”. Bà ta nói và đưa cặp mắt liếc nhanh từ đầu đến chân tôi.
– “Giúp lấy sách ạ”.
Cong môi lên với vẻ không hài lòng, bà ta bước qua tôi và đi tới cửa phòng thư viện.
– “Họ vẫn còn ở trong đó chứ?”.
Tôi gật đầu.
– “Hừm” – Hếch cằm lên, bà ta nói: “Xuống dưới nhà đi!”.
Tôi nhặt cái khay lên và bước vội đi, nước trà nguội văng tung tóe trên tấm thảm.
Meisi đang đợi tôi ở tầng dưới.
– “Tớ lo quá”. Meisi lo lắng nói. Nhưng khi tôi giải thích cho cô ấy nghe những gì đã xảy ra, Meisi cười và vỗ nhẹ vào tay tôi: – “Giờ thì cậu có việc trong ngôi nhà này rồi. Chả có gì cản trở cậu nữa!”. Ánh mắt cô ấy long lanh.

– “Mẹ cháu rất muốn biết cháu làm việc ra sao?”. LaoFu nói. Tôi chẳng trả lời. LaoFu đánh xe lách ngựa đi qua hai người bán hàng rong trên phố. Lão quay lại thành phố, đi ngang qua và chở tôi đi. Tôi cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng những người khác sẽ nhìn thấy tôi ngồi cùng với một lão già áo quần vá víu, trên một chiếc xe ngựa tồi tàn. Nhưng hôm nay là một ngày tháng Năm đẹp trời. Không khí ấm áp trong lành nhắc nhở tôi rằng hiếm khi tôi có cơ hội đi ra ngoài như thế này vì giờ đây tôi đã làm việc cho gia đình Wens rồi.
– “Trước khi chúng ta ra đi, mẹ cháu đã nhờ bác để ý đến cháu” – Laofu nói: – “Và hỏi xem cháu có giữ lời hứa của mình không?”.
– “Sao mọi thứ ở đây đông đúc chật chội thế?”. Tôi nói để thay đổi đề tài. Thậm chí trên những phố yên tĩnh hơn chúng tôi cũng không thể đánh xe đi thẳng được.
– “Vài tháng trước rất nhiều người ở miền Bắc chúng ta đã chạy trốn quân Đỏ để được an toàn”.
– “Quân đội giờ đang ở đâu?”.
– “Từ cuối năm, quân đội đang ở phía bắc sông Giang Tử”.
Tôi chợt nhớ đến cuộc đàm thoại trong thư viện: – “Điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội lại tiến đến phía nam?”.
LaoFu nhìn tôi và tôi thấy rõ con mắt bị đục thủy tinh thể của lão: – “Mọi thứ rồi sẽ thay đổi”.
– “Thay đổi thế nào được?”.
– “À”. Lão nói: – “Ai mà biết được? Lâu nay bác đều yêu cầu người ta trả bằng bạc. Quân Kuomintang đang tan rã. Tại sao cháu không trả lời câu hỏi của mẹ cháu?”.
– “Cháu còn thời gian đâu mà nghĩ đến bà ấy nữa”. – Tôi trả lời.
LaoFu tảng lờ tôi: – “Cháu nhìn kìa!” – Lão nói – “Một quán mì khá tươm tất, lại không đông lắm. Bác cháu ta vào ăn trưa nhé?”.
Sau khi đã để xe và ngựa cẩn thận, chúng tôi đứng ngoài cửa hàng một lát, ngắm nhìn người qua kẻ lại trên phố. Một người đàn ông gầy nhom đeo cái giỏ đan bằng cây liễu gai bước lại gần chúng tôi. “Zhuan gian, Zhuan gian”, ông ta lẩm nhẩm. LaoFu gật đầu và đưa cho ông ta một mẩu bạc. Người đàn ông giở cái giỏ của mình ra và đếm 16 tờ bạc giấy. Họ lại gật đầu chào nhau và chúng tôi bước vào quán tối, ồn ào.
– “Cháu thấy chưa?”. LaoFu nói khi chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn trong góc phòng: – “Khi chúng ta ra đi, 1 xu đáng giá 16,5 tiền giấy”.
Tôi cảm thấy lão nói điều gì đó nhằm hướng vào tôi. Tôi bướng bỉnh khoanh tay trước vạt áo.
– “Điều gì sẽ xảy ra khi quân đội Đỏ tiến đến thành phố này?”. Lão châm cái tẩu dài và lớn: – “Họ đuổi theo những loại người như ông chủ cháu, những người giàu có phát đạt dưới thời Kuomintang do cấu kết làm ăn với người nước ngoài. Có lời này dành cho cháu, Pipa ạ. Hắn ta là một ermaozi, một tên tư sản mại bản”.
– “Ông ta là một tá điền” – Tôi nói – “Ông ấy là một tá điền cũ đã biết sử dụng trí tuệ của mình để đem lại của cải vật chất cho bản thân và rời xa làng quê của mình”.
– “Ha, ha...” – LaoFu nói, khi đang ngậm cái tẩu giữa bốn cái răng ám khói: – “Cháu là một cô gái trẻ, Pipa ạ. Cháu còn rất trẻ, mà thế giới này lại là một chốn lạ kỳ, cháu ạ”.
Tôi cau có giận dữ và nhấp một ngụm trà do người đàn bà mặt mũi dơ bẩn, tóc loáng mỡ mang lại bàn.
– “Nguồn gốc của ông ta so với bác có gì khác?” – Tôi hỏi – “Bác đến đây với mẩu thư từ mẹ cháu. Bác chẳng biết gì về ông chủ Wens hay bất cứ điều gì về ông ấy cả”.
– “Nhưng bác biết hắn ta đấy” – LaoFu nói – “Bác từng biết hắn ta rất rõ”.
Tôi nhìn chằm chằm vào tách nước sóng sánh.
– “Khi hắn còn là một gã trai trẻ ở làng, chúng ta thường gọi hắn là Xiao Niou, Bull nhỏ. Trước kia hắn là bạn của bố cháu đấy”.
Một tiếng nổ kinh khủng như vang bên tai tôi. Cái giọng khàn khàn của LaoFu nghe như tiếng la hét. Tôi đợi cho lão dừng lại, nhưng lão lại tiếp tục nói: – “Một số người quên lịch sử của mình, nhưng họ không biết rằng những người khác lại nhớ” – Lão nói – “Không phải tất cả mọi người đều quên đi những nỗi đau mà họ phải chịu”.
Lão nâng cái tách lên miệng. Tiếng húp nước xì xụp của lão đưa tôi trở lại với thực tại.
– “Bác nói thế có ý gì?” – Tôi thốt lên.
– “À, đó là một câu chuyện cũ. Có một chuyện xảy ra trước khi cháu chào đời. Điều đó bác có thể nói là điều bí mật của làng quê”.
– “Chẳng có điều gì bí mật ở làng cả”.
– “À, có thể lắm chứ. Chỉ có bốn người chúng tôi biết mà thôi. Một người thì đã chết, một người thì quên, còn hai chúng tôi lại chọn cách im lặng. Thế đấy, cho đến giờ”.
Ngay lúc đó người đàn bà mang tới cho chúng tôi hai tô mì nóng lớn. LaoFu gật đầu: – “Thôi, ăn đi!”.
Tôi cầm cái thìa và đợi. Thức ăn và thậm chí cả đồ dùng ở đây đều to, thô hơn những thứ tôi đã từng dùng. (xem tiếp phần 2)

LAN SAMANTHA CHANG
(nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế ơi! (09/06/2008)
Hoài giang (06/06/2008)
Thơ với thẩn (06/06/2008)
Ký ức mẹ (06/06/2008)