Tạp chí Sông Hương - Số 232 (tháng 6)
Những người làm mới thời gian
16:51 | 09/06/2008
Khi mà ngày khai mạc Festival đến càng gần, những người nghệ sĩ của mảnh đất cố đô lại càng tất bật hơn với những dự định, những hoạt động hưởng ứng đã lên kế hoạch từ lâu.
Những người làm mới thời gian
Tác phẩm "Dưới giàn thiên lý" của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh

Festival Huế vốn đã có một sức thu hút mãnh liệt cho những hoạt động văn hóa nghệ thuật, đến Festival 2008 này nó càng tạo thêm được  nhiều “sân chơi” ngẫu hứng cho các nghệ sĩ. Điều đó thể hiện rất rõ qua con số thống kê các cuộc triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật đã đăng ký. Có khoảng 30 cuộc triển lãm như vậy, đủ để nói lên Festival Huế  đã và đang tạo được sự hứng khởi cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, và nhất là đối với giới mỹ thuật. Ở đây chúng tôi muốn nói đến một vài gương mặt vẫn đang âm thầm làm một cuộc hành trình tương tác với thời gian, để làm đẹp thêm cho Huế,  làm đẹp thêm cho những giấc mơ về cõi nhân gian của biết bao con người.
Đinh Khắc Thịnh là một trong số ấy. Ở những lần Festival trước, tên tuổi của anh đã được nhắc đi nhắc không biết bao lần với những tác phẩm sắp đặt như: Chuông nón, Ca dao, Huyền sử… mà toàn bộ ý tưởng đều xuất phát từ những hình ảnh vốn hết  sức quen thuộc trong truyền thuyết, ca dao và trong cả những nếp sống của những con người mang trên mình sứ mệnh của một nền văn minh lúa nước. Đến với Festival năm nay, Đinh Khắc Thịnh có những tác phẩm có thể nói là không hoành tráng như những lần trước, nhưng nó lại mang một chiều sâu hơn. Ngoài ý nghĩa  tôn vinh được nét văn hóa Huế để giới thiệu cho bạn bè và du khách, anh cũng biến những tác phẩm của mình trở thành một cuộc chơi tương tác độc đáo, mà trước hết là tác phẩm Quảng trường thi ca ngay tại công viên 3-2 đúng dịp diễn ra Festival Huế 2008.
Bắt nguồn từ ý tưởng Đại lộ Danh vọng (Walk of Fame), tuy nhiên, các ngôi sao ở Quảng trường thi ca sẽ được làm bằng gỗ và trên các ngôi sao sẽ ghi tên của những nhà thơ đã tạo nên diện mạo thi ca Việt Nam. Tác phẩm gồm khoảng 200 ngôi sao bằng gỗ đựng cát, phía dưới mặt sao làm bằng mica sẽ là những bóng đèn neon, bên ngoài sơn ngũ sắc. Tên các nhà thơ nổi tiếng Việt sẽ được viết trên mặt cát. Tác phẩm sẽ không đơn độc mà được phối hợp với Festival Thơ diễn ra tại Nhà Kèn (nằm giữa công viên 3-2). Ở nhà Kèn, là một chiếc đèn kéo quân cỡ lớn, ruột đèn được thiết kế một bộ phận quay chậm giống như tốc độ quay của đèn kéo quân được thắp bằng nến. Trong đó sẽ in nội dung Festival Thơ 2008 lên mặt các đèn kéo quân và được đặt nội tiếp trong nhà kèn.
Góp mặt trong chương trình lễ hội Huyền thoại sông Hương, một lễ hội được dàn dựng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nằm ở phía chân đồi Vọng Cảnh, tác phẩm sắp đặt Lễ vật dòng sông của Đinh Khắc Thịnh cũng là  một điểm nhấn quan trọng. Ở đó tác phẩm của anh  được tương tác với khói màu huyền ảo, với 20 chiếc thuyền được sơn toàn màu trắng, mỗi chiếc có kích thước dài 3 mét, trên mỗi chiếc sẽ kết 5 khóm hoa giấy được đặt làm từ làng hoa giấy Thanh Tiên nổi tiếng và mỗi khóm hoa sẽ kết hình cầu với bán kính 35 cm. Điểm nhấn của những khóm hoa này là chúng được tách bạch theo ngũ sắc là các màu đỏ, xanh, vàng, lục và tím hoa sen. Những sắc màu này kết hợp với màu khói mong manh sẽ tạo nên một hiệu ứng hình ảnh hết sức đặc biệt, tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem.
Anh cho biết: ý tưởng của tác phẩm này bắt nguồn từ hình ảnh của một không gian làng quê Thanh Tiên bên sông xưa cũ, nơi mà ngày ngày các chị, các mẹ đi trên những chuyến đò ngang, đò dọc để mang bán những khóm, những bông hoa giấy nổi tiếng của làng mình. Hình ảnh đó cứ đọng mãi trong tâm trí của tác giả, để bây giờ hình thành nên “cái hồn” cho tác phẩm.Hình ảnh của một không gian xưa cũ chính là nỗi ám ảnh lớn nhất trong tâm trí tác giả, và để nói lên điều đó, cũng không phải là đơn giản.
Nếu như Đinh Khắc Thịnh hoài niệm về một điều xưa cũ thì có một con người khác vẫn sự lắng đọng trong tâm thức bằng sự trải nghiệm, và cả những lăn lộn không thể kể tên. Đó là họa sĩ Thân Văn Huy. Anh vốn xuất thân từ làng hoa giấy đầy những hoài niệm đó, và cả trong không biết bao nhiêu giấc mơ, nhưng anh như vẫn là con người của những khát vọng vô bờ về sự phục sinh, về những tiếng hò lan từ miền xưa cũ.
Làng hoa giấy Thanh Tiên vốn từ lâu nổi tiếng với sắc màu của những âm bản, với những tập tục của một thời in đậm dấu chân của người dân Huế. Và anh đến với Festival với tất cả sự trìu mến, tất cả niềm ước vọng làm “sống lại một vùng quê” tưởng chừng chỉ còn trong những câu ca dao, trong những lời ru của mẹ. Năm nay, không gian của Làng hoa giấy Thanh Tiên không chỉ gói gọn trong những bông hoa giấy mà các bà, các chị vẫn hay bán, mà đã được mở rộng hơn nhiều, thông qua một chương trình hết sức cụ thể, và có sự tham gia của rất nhiều người. Không chỉ gói gọn trong việc giới thiệu những bức tranh làng Sình, và nghệ thuật sắp đặt hoa giấy như ở Festival trước.
Làng Thanh Tiên thuộc xã Mậu Tài, Phú Vang là một địa danh nổi tiếng về nghề chuyên làm hoa giấy. Tại đây nhiều gia đình, nhiều người đã gắn bó lâu đời với ngành nghề truyền thống này. Từ những sắc màu lung linh của hoa giấy mà có nhiều người thấy yêu nghệ thuật tạo hình, vượt lên những khó khăn thường nhật của cuộc sống để theo đuổi, học tập ngành mỹ thuật. Họa sĩ Thân Văn Huy là một trong những người như thế.
Chính những chuyến lên về trong thời gian đi học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế  đã cho Thân Văn Huy cảm nhận một cách tinh tế, sâu sắc về những vẻ đẹp linh động của thiên nhiên. Dòng sông Hương chảy ngang nhà anh cũng là một chi bảo trong vốn liếng nghệ thuật mà anh luôn trân trọng, gìn giữ để nuôi dưỡng nguồn rung động, cảm hứng sáng tạo.
Năm nay, ngoài việc tổ chức một không  gian rộng lớn hơn cho việc trưng bày hoa giấy, họa sĩ Thân Văn Huy còn lên kế hoạch cho việc tổ chức một không gian ẩm thực Huế với những món ăn mang đậm nét văn hóa của vùng đất mình. Ngoài ra, còn có những đêm hoa đăng, những ngày trên bầu trời  sẽ  tràn ngập những những cánh diều no gió bay tung tăng, những hình ảnh về tranh Làng Sình và rất nhiều khung cảnh sinh hoạt làng quê khác.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu thì vẫn đang lặng lẽ thực hiện những khát vọng của mình. Căn nhà của ông hiện đầy ắp tranh. Tranh trang trọng nằm giữa quán, tranh treo đầy lối đi, tranh nằm khiêm tốn cả những góc khuất tưởng như bị quên lãng. Có những bức người mua trả giá hoài mà ông chẳng chịu bán. Không phải chê rẻ, mà ông tiếc. Mỗi bức tranh vẽ ra đâu chỉ đơn thuần là sự cần cù, tài năng cộng thêm toan, sơn dầu và cọ, mà còn là tâm linh, là ký ức. Là một họa sĩ kỳ cựu, tranh của ông chẳng xa lạ gì với những người yêu nghệ thuật của Huế. Không chỉ tham gia hàng chục cuộc triển lãm ở nước ngoài và toàn quốc, mà bất cứ cuộc triển lãm nào của Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế, đều thấy tranh của ông. Chúng cứ lặng lẽ, khiêm nhường níu kéo người xem như một dấu chấm than  day dứt.
Đi gần hết một đời với nghiệp vẽ, ngoảnh lại, ông bỗng lo toan cho lớp trẻ. Với cương vị là một nhà quản lý (Q.Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế), ông cảm nhận được một sự thật buồn, rằng hội họa Huế đang dần bị “lão hóa”. Thế là hàng năm, ngay tại nhà ông, vài ba cuộc triển lãm tranh dành cho sinh viên Mỹ thuật và những họa sĩ mới ra trường được trình làng.
Trong dịp Festival này, ông đã phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh để tổ chức một Galery nhỏ tại đường Nguyễn Công Trứ, bên trong một quán cà phê nhỏ dễ thương với cái tên Sông Như. Cùng với 2 tác giả khác đến từ ngoài tỉnh, ông vẫn mong muốn tạo được một sân chơi, một dấu ấn rất riêng, dẫu là nhỏ bé thôi, cho những giấc mơ cháy bỏng của mình. Cho dù rằng, nói như ông đã từng nói, khoảng một tháng này ông hầu như không biết đến khái niệm thứ Bảy hay là Chủ nhật, do ông vừa là Quyền Chủ tịch Hội LHVHNT, lại là thành viên của BTC Festival Huế 2008. Vẫn lụi cụi một mình nhưng ông đã chuẩn bị sẵn khoảng 20 chiếc khung để chờ bạn bè đến.

Không phải chỉ những gương mặt nghệ sĩ trên mới đang “lo” cho Festival Huế, mà còn rất nhiều gương mặt khác đang hết  sức dốc toàn bộ tâm lực cho “cuộc chơi” này. Và hy vọng, dấu ấn mỹ thuật trong Festival này sẽ  là một dấu ấn khó phai cho bạn bè và du khách khi đến Huế trong Festival.

LÊ TẤN QUỲNH
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

Các bài mới
Dạy tôi (11/06/2008)
Ma thuật ngón (11/06/2008)
Trong bóng chiều (11/06/2008)
Tháng 5 (11/06/2008)
Làm bố (11/06/2008)
Các bài đã đăng
Brandy bé bỏng (09/06/2008)