Tạp chí Sông Hương - Số 232 (tháng 6)
Nhân vật chính của vở kịch
08:12 | 10/06/2008
I. Nàng là nhân vật chính của vở kịch. Vở kịch đang diễn ra. Những chủ đề về tình yêu và hôn nhân, về ước mơ và sự thật, về hoài vọng và định mệnh, về sinh ly và tử biệt, v.v và v.v... đan chéo và quyện chặt vào nhau, tạo nên một trường nghĩa lơ mơ lan man đầy ảo dị mà qua đó, những nhân vật còn lại cứ tông tốc xoay xỏa quanh một nhân vật trung tâm đang chơi trò mê hoặc: nhân vật chính.

Vở kịch diễn xong. Len lỏi giữa dòng người đang nườm nượp tuôn ra cổng, tôi đi vào hậu trường. Kỳ dị làm sao! Căn phòng vắng ngắt! Tôi vội vã quay trở lại khán trường và chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng: rạp hát trống không. Tại sao? Chỉ cách đây một phút... Sợ hãi, tôi đâm bổ ra đường cùng lúc một ý tưởng - đúng hơn là một cảm giác rất thực - hiện ra làm tôi lạnh người: tôi đang xa dần nàng không phải trong không gian mà trong thời gian. Cảm giác đó càng lúc càng rõ nét, đến nỗi, tôi có thể cảm nhận khoảng cách mà nàng đang xa tôi. Mười năm? Một trăm năm? Hai trăm năm? Một ngàn năm? Khoảng cách càng lúc càng xa vì nàng và tôi càng lúc càng trượt dài về hai tiêu điểm ở vô hạn theo hai dòng thời gian ngược chiều trên cùng một đường thẳng định mệnh duy nhất. Không một hy vọng gặp gỡ. Không! Không! Không! Một tiếng không tuyệt đối. Tôi ngồi bệt xuống lề đường với ước mong là mình sẽ chết.
Tôi loạng choạng đứng lên. Trăng đã ở trên cao và rót đầy không gian một thứ bụi vàng tênh lạnh. Những bước chân vô thức lại đưa tôi đi, đi mãi... Một thành phố chết? Những con đường bệch bạc với những dãy nhà xiêu vẹo như đang oằn mình trong cơn ác mộng... Rồi một cảnh tượng lạ lùng đập vào mắt tôi: cả một rừng người đang trôi dạt trong một khoảng không rời rợi chấp chới đâu nơi... Nhưng, không phải. Tôi đến gần hơn và nhận ra đó là một công viên trưng bày không biết cơ man nào là những pho tượng cẩm thạch trắng. Có tấm bảng lớn ghi hàng chữ: đây là tượng tạc những người đã hy sinh cho viễn ảnh của cái gọi là tình yêu qua các thời đại - quá khứ và tương lai. “Viễn ảnh của cái gọi là tình yêu” - một cách máy móc tôi lập lại những chữ đó và bước vào công viên. Có tượng của những danh nhân mà tôi từng biết qua sách sử. Tượng của những người cùng thời với tôi - đang sống và đang chết. Tượng của những người từ thế giới mai sau vòi või xa cách. Mỗi tượng thạch trong một dáng dấp riêng tư, cô đơn, biệt lập... Họ như không có ai đồng cảm cùng ai. Tất cả đều xa lạ với nhau. Những nét khốn đau oằn oại của họ cũng không ai giống ai. Điểm tương đồng duy nhất toát ra từ ánh mắt: những đôi mắt như đang bơ thờ tơ tưởng một cái gì đó ở bên ngoài thực tại. Viễn ảnh? Viễn ảnh như ánh trăng vàng tràn lan không gian vô biên một niềm thương đau vô hạn... Viễn ảnh ràn rụa tua tủa bẻ gãy thời gian... Viễn ảnh đụng chạm những vết thương sâu trong hồn tôi... Bỗng cái nhìn của một tượng đá làm tôi đứng sững: nàng - nhân vật chính của vở kịch. Một khoảng thời gian rất lâu trôi qua tôi mới có thể động đậy để nhích tới gần nàng hơn... Tôi đưa tay khẽ chạm vào pho tượng và rùng mình: một cái lạnh khủng khiếp của băng tuyết vĩnh cửu! Rồi tôi nghiến răng ôm choàng lấy pho tượng và nghe có một ngàn tiếng vỡ từ cõi xa xăm...
II. Hoàng Hoa không nói nữa. Anh mơ màng nhìn dòng sông vàng trăng. Tôi đốt một điếu thuốc rồi đưa mắt nhìn Hoàng Hoa. Sắc mặt anh lợt lạt, đôi mắt u buồn với cái nhìn lạ lùng: nhìn vào một cái gì đó ở đằng sau hiện cảnh.
Tôi hỏi anh:
- Anh vừa kể cho tôi một giấc mơ?
- Biết nói thế nào đây? Tôi có một người bạn gái. Nhưng... trước khi quen biết nàng, tôi đã gặp nàng trong cơn hoặc mộng vừa kể.
Tôi nói, như để ngăn chận một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó:
- Con người có thể có linh cảm, nhưng cũng rất có thể anh chỉ tự ám ảnh...
Anh ngắt lời tôi:
- Nàng rất thực trong mơ, và... giống như giấc mơ trong cõi thực. Tôi sững hồn khi gặp gỡ. Tôi đã cắn ngón tay chảy máu. Vết sẹo giờ vẫn còn.
- Gặp ở đâu?
- Một thị xã ở bên bờ sông Hậu. Tôi rất thích những dòng sông. Có lần tôi mơ thấy mình là một giọt nước xuôi ngược khắp các cánh đồng mưng ngợp, tung tăng theo những dòng sông dài thườn thượt một nỗi buồn lục bình tím ngắt... Rồi biển xanh... Chao ôi! Biển xanh! Nếu là một giọt nước thì tôi có thể trôi dạt khắp thế giới vì tất cả các đại dương đều thông lưu...
“Một tâm trạng bị ức chế đã trở thành bệnh hoạn” - tôi thầm nghĩ, và lái câu chuyện :
- Anh kể tiếp đi!
Giọng anh đẫm một nỗi buồn run rợn ướt sũng:
- Nàng là sứ giả từ cõi sống. Vâng. Từ cõi sống. Có một thế giới khác, hoàn toàn cách trở với thực tại sinh động, là thế giới tĩnh tặng, tĩnh lặng đến vĩnh cửu, của những ý niệm. Và tôi, tôi đã sống trọn đời trong thế giới đó. Tôi không biết gì về sự sống. Chỉ biết rằng, lưỡng tính đối lập của nàng đã mê hoặc tôi: nghiêm khắc mà bao dung, dịu dàng mà cương nghị, hồn nhiên như trẻ thơ nhưng suy luận thì sắc bén như dao ấy.
Anh lại im lặng. Tôi khô khan với khói thuốc bập bềnh. Con sông vàng tênh co rúm, những bến bờ xa xa siêu thực...
Để phá vỡ sự im lặng, tôi nói đùa một câu và lập tức biết mình lỡ lời:
- Platon cũng sống trong thế giới lý tưởng của những ý niệm. Và chắc là ông đã từng mơ ước có một người con gái nào đó đến từ vĩnh cửu, để trao cho ông một cành hoa nở ở bên ngoài thực tại.
Một niềm đau quá quắt khủng khiếp cựa quậy trên môi anh:
- Tôi sống với những gì đã chết và chết vì nhớ nhung sự sống.
Im lặng. Đêm khuya. Quán cà phê vắng khách. Tôi và Hoàng Hoa vẫn ngồi đối diện nhau. Đột nhiên, trong khoảng thời gian chừng nửa phút, tôi không nhìn thấy anh. Hoảng sợ, tôi vùng đứng dậy... Nhưng không, anh vẫn ngồi đó. Có lẽ mắt tôi bị nhòa vì khói thuốc... Tôi lại phá vỡ sự im lặng:
- Anh đã quá yêu thương người con gái đó?
- Tôi chỉ yêu cái bóng của nàng.
Tôi cúi xuống để dúi tắt điếu thuốc, và khi ngẩng đầu lên thì
điếng người kinh sợ: Hoàng Hoa đã biến đi đâu mất.
Bàn cà phê tôi đang ngồi, kê trên sân cỏ sát bờ sông, chung quanh là những dãy bàn ghế trống. Trong quán vẫn còn một vài người khách. Cô chủ quán vẫn ngồi sau quầy. Làm sao anh có thể đi đâu mất trong một khoảnh khắc như vậy?
Tôi hét lên và bỏ chạy. Tôi chạy trốn một hồn ma. Tôi chạy băng ngang đường phố. Có tiếng la thất thanh. Tiếng bánh xe rít lên. Tôi té úp mặt xuống lòng đường.
III. Tôi tỉnh dậy trong phòng hồi sức. Rồi những ngày tháng dật dờ băng lạnh nẫu ruột mùi bệnh viện... Một khuôn mặt lạ lẫm tầy huầy thương tích trong gương soi. Tôi là ai? Tôi là ai? Tôi cố hồi tưởng nhưng trí nhớ như một hố sâu tối đen hun hút chỉ thỉnh thoảng mới lượn lờ từng mảng ký ức lồm lộp trắng toát vô cảm không thể định hình ý nghĩa. Điều kỳ dị là tôi lại nhớ rất rõ về Hoàng Hoa. Mẹ anh mất sớm. Cha anh nuôi anh và hai người chị... Rồi cha anh cũng qua đời. Hai người chị đi lấy chồng. Anh còn một mình. Tôi biết anh từ bao giờ? Bảy, tám năm về trước, khi đang ngồi trên một cái ghế đá ở công viên, tôi và anh tình cờ rơi vào một cuộc song thoại về tình yêu như hai bóng ma niệm tưởng một nụ hoa hồng của sự sống mà nửa niềm thu đã xanh xao theo tiếng động tan rã từng cánh hư linh... Từ đó, nhưng chỉ trong những đêm trăng, những đêm trăng vàng mơ trong suốt lắng dịu tất cả mọi thanh âm trừ một tiếng động khẽ khàng xa xăm trong câu chuyện tình ngàn năm trước, anh lại tìm gặp tôi. Tôi là ai? Tôi có cảm tưởng là chỉ khi nào gặp lại anh, tôi mới biết tôi là ai. Nhưng... chắc là anh đã chết. Phải. Anh đã chết. Và hóa thành hồn ma ngồi đối diện tôi, đêm ấy...
Tôi tìm đến nhà anh. Căn nhà như đang trôi dạt đâu nơi giữa một vùng không gian mênh mang xanh rờn cây cỏ mọc, đã lâu không có dấu chân người. Trong một căn phòng mốc thếch mùi bụi, ngổn ngang sách vở, tôi tìm thấy một cuốn album và bản thảo của những vở kịch do anh sáng tác. Tôi giở quyển album ra... Lòng tôi xon xót một niềm đau và vấn vương nỗi buồn của một phương trời đã xa theo hình bóng người... Có một cái ảnh anh chụp với người yêu. Người con gái dáng dấp trang nhã, dịu dàng; khuôn mặt đẹp, gợi cảm; đôi mắt như có ma lực thu hút cái nhìn của người khác một cách không cưỡng nỗi, nhưng trông vẫn hiền... Cô nắm tay Hoàng Hoa. Anh có vẻ bối rối... Cô mỉm cười như muốn khích lệ anh...
Đêm đó tôi mơ thấy mình đứng giữa vườn tượng lạnh băng. Hoàng Hoa bước vào, đến bên người diễn viên, quỳ xuống, đưa hai tay ôm chân pho tượng... Không động đậy, anh chết trong tư thế đó. Những giọt nước mắt từ mắt tượng đá rơi xuống, động vào người anh, làm xác thân anh vỡ tan thành không khí.
Tôi tỉnh dậy. Người lạnh toát mồ hôi. Mồ hôi hay nước mắt ai trong cơn ác mộng? Rồi mấy ngày sau tôi lên đường vào nam tìm người yêu của Hoàng Hoa. Địa chỉ của cô được ghi trong một cuốn sách của anh.
IV. Tôi bấm chuông. Thấp thỏm mong chờ. Hồi lâu, hai cánh cửa sắt hé mở... Người con gái - mà tôi đã nhìn thấy trong bức ảnh, đứng đó, nhìn tôi, lạnh lùng :
- Anh còn gặp tôi làm gì nữa?
Không đủ thời gian để ngạc nhiên, tôi lúng búng:
- Tôi... tôi muốn báo tin cho chị, rằng Hoàng Hoa đã chết...
Trong một thoáng, đôi mày cô ta cau ríu lại rồi giãn ra phảng phất một nụ cười giễu cợt...
- Anh không muốn nói là đang phục sinh chứ?
- Tôi không hiểu chị muốn nói gì? Anh ấy đã chết. Tôi... Tôi cũng không biết là anh ấy đã chết tự bao giờ và tại sao lại chết? Nhưng một hôm tôi đã gặp hồn ma anh ấy... Chị không phải là người yêu của anh ấy ư?
- Bây giờ thì tôi chết khiếp với cái gọi là tình yêu của bất kỳ người đàn ông nào!
- Tôi đã nhìn bức ảnh chị chụp chung với Hoàng Hoa. Đôi mắt chị nói lên tình cảm của chị. Rằng chị đã yêu thương anh ấy.
- Ờ! Thì đã làm sao nào? Tôi đã từng yêu thương...
Tôi mủi lòng muốn khóc. Con người có thể lãnh đạm với cái chết của người thân của mình đến thế kia ư? Nhất là đó lại là một người con gái đẹp! Không phải là vẻ đẹp lạnh lùng của đối thể muốn thách thức khát vọng chiếm hữu, mà là vẻ đẹp đầy khả cảm như được thăng hoa từ những gì xấu xa thô bạo tràn đầy trên cuộc đời nầy, để ban tặng một ý nghĩa siêu thoát...
- Tôi vào đây tìm chị chỉ để báo tin anh ấy đã chết. Chào chị!
Không dám nhìn cô ta, tôi quay mặt bước đi. Một nỗi buồn buôn buốt ứa nước mắt tôi. Rồi nhớ lại giấc mơ băng lạnh mà anh đã kể, không cầm được lòng, tôi òa khóc tức tưởi. Những người đi đường sợ hãi nhìn tôi. Mặc họ! Tôi cứ vừa đi vừa khóc, khóc cho hết nước mắt! Để chết khô với con đường khô khốc. Con đường mà đi về đâu cũng không thoát được cuộc đời tàn bạo. Một bàn tay từ phía sau cầm lấy cánh tay tôi. “Tôi không hiểu anh làm trò gì thế? Anh mà cũng khóc được ư? Nhưng, thôi, đừng làm trò cười cho thiên hạ! Ta sẽ nói chuyện sau” - cô ta đứng sát bên tôi.

Chúng tôi ngồi trên một cái ghế đá ở công viên. Cô ta chằm chằm nhìn tôi.
- Hãy nói thật đi! Anh còn gặp tôi làm gì nữa? Chơi trò bi kịch phải không?
- Tôi... Tôi đã từng gặp chị ư? Chơi trò bi kịch? Tôi... Tôi...
Cô ta giận dữ nhìn tôi, mắt nóng bỏng long lên.
- Hoàng Hoa! Tôi đi ngay đây. Tôi biết anh là một kịch gia nên thích kịch tính! Nhưng kịch cỡm gì thì cũng đừng hạ cấp như thế!
Tôi ngơ ngác nhìn cô ta.
- Chị vừa nhắc đến Hoàng Hoa? Hoàng Hoa? Ai là Hoàng Hoa? Không phải Hoàng Hoa là bạn tôi và đã chết rồi sao?
Cô ta sợ hãi nhìn tôi.
- Hoàng Hoa! Chuyện gì đã xảy ra với anh? Hơn 3 năm qua, tôi chẳng có một tin gì về anh.
Âm điệu trong giọng nói của cô ta thay đổi. Điều nầy làm tôi rùng mình. Tôi đã từng nghe giọng nói nầy. Phải, nó rất quen với tôi. Có một tiếng vỡ nào đó trong vô thức...
Cô ta dịch người ngồi sát bên tôi. Nhẹ nhàng để bàn tay lên những thương tích trên mặt tôi...
- Tai nạn đã xảy ra với anh? Có phải tai nạn đã làm anh mất trí nhớ? Nhớ lại đi anh, Hoàng Hoa ơi! Nhớ lại dùm em!
Nàng bật khóc thành tiếng. Những tiếng, những lời của nàng như dòng suối ngọt ngào đầy hương thơm bắt nguồn từ một cõi huyền lâm vĩnh thể tuôn đổ vào vùng đất ăm khô của trí nhớ tôi hiện thể héo chết, làm hồi sinh hoa lá cỏ cây... Từ từ, tôi nhớ lại... Tôi chính là Hoàng Hoa. Tôi đã lẫn lộn. Tôi đã mộng tưởng quá khứ của đời tôi là của người khác... Như vậy, anh ta là ai?
Nàng vòng tay ôm tôi. Vòng tay như vòng tay người mẹ. Khi không tôi bỗng nhớ một câu trong bài cầm nàng đã hát cho tôi nghe một ngày thu hạnh ngộ hanh hao vàng nắng - một ngày thu xa xôi nhất và gần gũi nhất : “Lòng mẹ bao la như biển...”.

- Theo em, anh ta chỉ là ảo ảnh?
- Chớ sao nữa! Anh đã lẫn lộn giữa thực và mơ! Anh chỉ độc thoại với anh thôi! Anh là một người viết kịch. Anh đi tìm kịch tính nơi đối tượng. Kịch tính đã làm cho chủ thể tĩnh của anh trở nên cô đơn, cô độc đến tuyệt đối. Tại sao? Tại vì chính ý thức và tư tưởng cũng chỉ là những hư cấu mà chủ thể sáng tạo ra qua ý nghĩa của sự chiếm hữu - chủ thể sẽ là vô thể nếu không còn gì để chiếm hữu. Do đó, khi không còn tìm thấy kịch tính ở bất cứ cái gì, ở bất cứ nơi đâu, chủ thể đầy kịch tính của anh tự đối thể hóa chính nó: anh đối mặt với ảo ảnh! Hãy nói cho em biết là anh đã sống với ảo ảnh trong bao lâu?
- Chừng 10 năm.
- Đúng rồi! Lúc đó, em đã nghi ngờ... Nhưng, em vẫn nghĩ là anh cố ý tạo ra tình huống để... viết kịch! Anh muốn bi kịch hóa tình em! Em tức giận vô cùng! Em đã ra đi. Tha lỗi cho em! Đáng ra em phải chăm sóc anh.
Tôi ôm nàng. Tựa người nàng lên người tôi để cảm nhận cái sức nặng của bao nhiêu đau xót và thương cảm mà một kiếp người phải chịu đựng và cưu mang...
Nàng dịu dàng nói:
- Em ra đi vì ngộ nhận. Còn anh, anh không đi tìm em cũng vì ngộ nhận. Ngộ nhận chính sự ngộ nhận: đó là bi kịch trọn vẹn của lý trí. Ngộ nhận vì tưởng rằng tình yêu có thật. Ngộ nhận vì tưởng rằng tình yêu ở bên ngoài tình yêu. Nhờ tai nạn làm anh mất trí nhớ, anh mới đi tìm em.
- Chúng ta sẽ làm gì cho thực tại?
- Chúng ta hãy bắt đầu lại bằng cái câu mà anh đã nói với ảo ảnh - hay ảo ảnh nói với anh thì cũng thế - trong cái đêm xảy ra tai nạn ấy: “Tôi chỉ yêu cái bóng của nàng”.
Với tôi, tình yêu duy nhất có ý nghĩa là tình yêu không chiếm hữu. Tình yêu không đối tượng. Hoặc yêu thương người đã chết như một câu thơ Hàn Mặc Tử: “Tôi yên ả thuyền quên / ở trong pho tình sử”, hoặc không yêu thương một ai cả. Nhưng tôi hiểu là tôi không thể sống xa nàng. Có phải tôi cần một người mẹ trong hình hài thiếu nữ? Không muốn nàng đọc được ý nghĩ của mình, tôi nói:
- Anh chưa bao giờ hiểu được em!
Nhưng nàng luôn luôn đọc được ý nghĩ của tôi:
- Tất cả mọi tình yêu đều chỉ là yêu cái bóng. Em chẳng yêu cái bóng của bất cứ người đàn ông nào. Em yêu anh vì biết anh cần một người mẹ. Và bất kỳ người mẹ nào cũng đều đau đớn và tức giận vì những đứa con muốn bi kịch hóa tình yêu của mình.

HOÀNG NGUYỆT XỨ
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

Các bài mới
Dạy tôi (11/06/2008)
Ma thuật ngón (11/06/2008)
Trong bóng chiều (11/06/2008)
Tháng 5 (11/06/2008)
Làm bố (11/06/2008)
Các bài đã đăng