Tạp chí Sông Hương - Số 232 (tháng 6)
Sự vận dụng đồng dao vào việc làm thơ
08:23 | 10/06/2008
1. Khái quát Thơ ở đây là thơ cho thiếu nhi hoặc thơ của thiếu nhi, vì thông thường, thơ về người lớn thì không mấy ai nghĩ đến việc vận dụng đồng dao (nếu có nghĩ, cũng không giống với điều mà bài viết này đặt ra) (1).
Sự vận dụng đồng dao vào việc làm thơ
Ký ức đồng dao

Vận dụng đồng dao vào việc làm thơ, tức vận dụng các đặc điểm về thể loại của đồng dao để sáng tác thơ cho/của thiếu nhi. Đặc điểm về thể loại của đồng dao, đó là các đặc điểm về thể thơ, vần nhịp, hình ảnh, kết cấu, cách tạo nghĩa, mô hình,... Vậy vận dụng đồng dao vào việc làm thơ, thì vận dụng đặc điểm nào? Hay vận dụng tất cả?  
Chu Thị Hà Thanh trong bài viết “Ảnh hưởng của đồng dao đối với thơ thiếu nhi hiện đại” đăng trên tạp chí Nguồn sáng dân gian, đã quan tâm đến thể thơ. Tác giả viết: “...Chúng tôi đã chứng minh được sức mạnh của đồng dao với hình thức thơ hai, ba, bốn chữ là phù hợp với tư duy, trình độ nhận thức của trẻ, cũng như hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện các chức năng đối với trẻ như chức năng diễn xướng, chức năng cung cấp tri thức khoa học cho trẻ. Các nhà thơ hiện đại khi sáng tác thơ cho thiếu nhi cũng đã bắt đúng mạch tâm sinh lí của trẻ mà vận dụng triệt để ưu thế của các thể thơ hai, ba, bốn chữ này” (2). Thanh Tịnh ở bài “Những nét dân gian trong thơ sáng tác cho thiếu nhi” in trong tập Bàn về văn học thiếu nhi, đã quan tâm đến cả thể thơ lẫn vần điệu. Tác giả viết: “Hình thức nên theo thể thơ của dân tộc: từ 2, 3, 4, 5 chữ, rồi 6 - 8. Chứ loại thơ 7 chữ (tứ tuyệt - bát cú) hay 8 chữ xem ra chưa thích hợp lắm. Điều nên tránh là làm thơ một câu nhiều chữ quá hay thơ không vần. Vần điệu là nhạc trong thơ, đối với các em lại rất cần để dễ nhớ, dễ hiểu” (3).
Thử đọc một đoạn trích sau:
...Dọn từ kênh Tráp,
Cho đến Tả Đo.
Hỏi thăm hỏi dò,
Rừng xanh nước biếc.
Cọp gầm voi thét,
Lạ lùng lắm thôi!
Trù ăn không vôi,
Làm sao cho đỏ?
Hàng chợ nỏ có,
Lấy gì bán mua?
Sớm mong chóng trưa,
Trưa mong chóng tối...
Đoạn trích này theo thể thơ bốn tiếng, có vần chân, từng cặp bằng trắc nối tiếp nhau (một kiểu vần cơ bản của đồng dao), tức đáp ứng yêu cầu về thể thơ, về vần được đặt ra, nhưng hầu như nó chẳng có được điều mà các nhà thơ và trẻ em mong đợi (4). Điều muốn làm rõ ở đây, là thể thơ bốn tiếng và lối gieo vần dù có theo kiểu đặc trưng của đồng dao, cũng chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa phải đã đủ.
2. Sự vận dụng đặc điểm về thể loại của đồng dao vào việc làm thơ
2.2. Như đã bàn ở trên, vận dụng đặc điểm về thể loại của đồng dao vào việc làm thơ không chỉ riêng thể thơ và vần, mà cần đến một số yếu tố nữa. Nói cách khác, phải huy động tất cả các đặc điểm vốn có của thể loại, trong đó, kết cấu và mô hình là hai yếu tố chủ chốt (tự thân hai yếu tố này cũng bao hàm các yếu tố khác như thể thơ, vần nhịp, hình ảnh, cách tạo nghĩa,...).
Trong một nghiên cứu khác, người viết đã chia đồng dao theo hai loại kết cấu: kết cấu đơn giản và kết cấu phức hợp. Ở loại kết cấu phức hợp, trừ kiểu mẩu truyện nhỏ, hai kiểu còn lại là kết cấu chuỗi sự vật, sự việc có liên kết chủ đề hay không và kiểu kết cấu phức hợp đặc biệt, chiếm tổng cộng 65,22% kho tàng đồng dao. Đây là các kiểu loại đồng dao cơ bản. Vấn đề vận dụng đặc điểm về thể loại của đồng dao vào việc làm thơ, qua đó, có thể chỉ xét theo các kiểu loại kết cấu vừa nói, và với một số các sáng tác thơ đã công bố.
2.3. Theo đó, bài thơ đầu tiên cần phải chép ra đây là bài “Kể cho bé nghe” của Trần Đăng Khoa (sáng tác năm 1969, tác giả 11 tuổi):  
Hay nói ầm ĩ,
Là con vịt bầu.
Hay hỏi đâu đâu,
Là con chó vện.
Hay chăng dây điện,
Là con nhện con.
Ăn no quay tròn,
Là cối xay lúa.
Mồm thở ra gió,
Là cái quạt hòm.
Không thèm cỏ non,
Là con trâu sắt.
Rồng phun nước bạc,
Là chiếc máy bơm.
Dùng miệng nấu cơm,
Là cua là cáy... (5)
So sánh bài thơ này với bài đồng dao sau:
Đầu trọc lông lốc,
Là cái bình vôi.
Mồm rộng loe môi,
Là cái thìa ốc.
Đôi chân xám mốc,
Là con diệc trời.
Ngủ đứng ngủ ngồi,
Là con cò trắng.
Hay bay hay tắm,
Là con le le,...
Chúng cùng có các đặc điểm chung:
1) Về thể thơ: cùng theo thể thơ bốn tiếng;
2) Về vần: vần chân, từng cặp bằng trắc nối tiếp nhau một cách đều đặn;
3) Về kết cấu: kết cấu chuỗi sự vật không liên kết chủ đề, cứ hai dòng thơ thể hiện một đơn vị nghĩa;
4) Về mô hình: mô hình P là a A (P: dòng đầu, nêu đặc tính của A; “là a A”: dòng thứ hai, a A: tên vật - a: đơn tiết, A: song tiết). Đây là mô hình mà đồng dao dùng để tạo nên 20 bài dạng vè (“Vè các loại trái”, “Vè các loại chim”, “Vè các loại cá”,...), và một số bài khác; thí dụ: “Dây ở trên mây; Là trái đậu rồng; Có vợ có chồng; Là trái đu đủ; Chặt ra nhiều mủ; Là trái mít ướt;...” (“Vè các loại trái”).    
Bốn yếu tố vừa nêu thuộc đặc điểm cơ bản của đồng dao. Cho nên, có thể nói, Trần Đăng Khoa đã vận dụng đồng dao để sáng tác nên bài thơ.
Tiếp theo, là hai bài của M.H. (6):
Bài “Đi theo phương hướng”:
Đi về phía đông,
Có rồng có mây;
Đi về phía tây,
Có bầy chuột nhắt;
Đi về phía bắc,
Có dãy núi lam;
Đi về phía nam,
Có con thỏ trắng.

Bài “Thả đỉa”:
Thả đỉa ba ba:
Làm ngỗng, làm gà,
Làm voi, làm gấu,
Làm anh cá sấu,
Làm chị ễnh ương,
Làm bác cầy hương,
Làm con đỉa đói!
So sánh hai bài này với hai bài đồng dao “Buổi mai ngủ dậy” và “Hu chựng vựng” (trích đoạn, dẫn theo thứ tự), sau:
-...Gặp mụ bán hương,
Hương thơm phưng phức.
Gặp mụ bán mứt,
Mứt đen thùi thui.
Gặp mụ bán chui,
Chui nhọn vẻo vẻo.
Gặp mụ bán kẹo,
Kẹo dẻo như da.
Gặp mụ bán ca,
Ca kêu cút kít... ( )
-...Một con trâu nằm,
Một trăm bánh dày,
Một bầy heo lang,
Một sàng bánh ú,
Một hũ rượu ngon,
Một con cá thiều,
Một niêu cơm nếp,
Một xếp bánh chưng,...
Hai bài thơ vừa dẫn đều theo thể bốn tiếng.
Bài “Đi theo phương hướng” và đoạn trích bài đồng dao “Buổi mai ngủ dậy” có cùng một kiểu gieo vần như vừa trình bày, theo kết cấu chuỗi sự vật có liên kết chủ đề (bài thơ nói về bốn hướng, đoạn trích bài đồng dao nói về các loại hàng hoá), cứ hai dòng thơ thể hiện một đơn vị nghĩa. Bài thơ có mô hình Đi về phía A, có B (A: bốn hướng; B: sự vật, hiện tượng), đoạn trích bài đồng dao có mô hình Gặp mụ bán A, A (thì) x (A: hàng đem bán; x: đặc tính của A). Hai mô hình đều nối vần theo lối: tiếng cuối dòng đầu vần với tiếng cuối dòng sau của mô hình trước, tiếng cuối dòng sau vần với tiếng cuối dòng đầu của mô hình sau, sao cho trong một mô hình đều có vần bằng và vần trắc. Thí dụ:

Gặp mụ bán chui
Chui  nhọn vẻo vẻo
GẶP MỤ BÁN KẸO
KẸO DẺO NHƯ DA
Gặp mụ bán ca
Ca kêu cút kít

Bài “Thả đỉa” và đoạn trích bài đồng dao “Hu chựng vựng” không cùng một kiểu gieo vần: bài “Thả đỉa” gieo vần như vừa trình bày, đoạn trích bài đồng dao “Hu chựng vựng” gieo vần theo kiểu, nếu lấy một dòng thơ để xét, thì tiếng thứ hai của dòng này vần với tiếng cuối của dòng trước, tiếng cuối của dòng này vần với tiếng thứ hai của dòng sau. Chúng đều theo kết cấu chuỗi sự vật (bài thơ có liên kết chủ đề, là nói về các con vật, đoạn trích bài đồng dao không có liên kết chủ đề), cứ mỗi dòng thơ thể hiện một đơn vị nghĩa. Bài thơ (trừ dòng đầu) có mô hình Làm (a) A (A: tên con vật; a: từ xưng gọi), đoạn trích bài đồng dao có mô hình Một (đơn vị) A (A: thức ăn hoặc con vật cho thịt). Ngoài ra, bài thơ dùng hình ảnh “Thả đỉa ba ba”, một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của đồng dao.
Qua đó, cũng có thể nói, tác giả của hai bài thơ này đã phần nào vận dụng đặc điểm của đồng dao để làm nên chúng.
2.4. Môt số bài thơ khác có mức độ vận dụng đồng dao hạn chế hơn hai trường hợp vừa trình bày, chẳng hạn:
Bài “Tiếng con chim ri” (trích từ: Trần Gia Linh, Nguyễn Thu Thuỷ, Dung dăng dung dẻ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1989; tr 104):
Tiếng con chim ri,
Gọi dì gọi cậu;
Tiếng con sáo sậu,
Gọi cậu gọi cô;
Tiếng con cồ cồ,
Gọi cô gọi chú;
Tiếng con tu hú,
Gọi chú gọi dì;
Mau mau tỉnh dậy mà đi ra đồng!
Bài “Ai dậy sớm” của Võ Quảng:
Ai dậy sớm,
Bước ra nhà;
Cau ra hoa,
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm,
Đi ra đồng;
Có vừng đông,
Đang chờ đón!
Ai dậy sớm,
Chạy lên đồi;
Cả đất trời,
Đang chờ đón!
Bài “Tiếng con chim ri”, trừ dòng cuối, những dòng còn lại theo thể thơ bốn tiếng, vần như bài “Kể cho bé nghe” đã nêu, theo kết cấu chuỗi sự vật có liên kết chủ đề, cứ hai dòng thơ thể hiện một đơn vị nghĩa, với mô hình Tiếng con (chim) A, gọi C gọi D (A: tên chim; C, D: từ xưng gọi (8)). Nếu không tính dòng cuối thì đây là một bài thơ vận dụng đặc điểm của đồng dao rất rõ. Nhưng dòng thơ cuối này lại đóng vai trò then chốt đối với bài thơ: a) Về hình thức: nó có tác dụng liên kết, khiến bài thơ trở nên chặt chẽ, logic; b) Về nội dung: nó nêu rõ ý nhắc nhở mọi người dậy sớm để ra đồng làm việc. Do vậy, chỉ có thể nói, tác giả đã vận dụng một mức độ nhất định đặc điểm của đồng dao để sáng tác nên bài thơ.     
Bài “Ai dậy sớm” theo thể thơ ba tiếng, gieo vần chân theo từng cặp bằng trắc nối nhau liên tục (như cách gieo vần của bài đồng dao “Tập tầm vông”: Tập tầm vông; Chị lấy chồng; Em ở goá; Chị ăn cá; Em mút xương; Chị nằm giường; Em nằm đất;...”), gồm ba khổ, mỗi khổ (bốn dòng) diễn đạt một ý; với chủ đề: ai dậy sớm và vận động càng nhiều thì phần thưởng dành cho càng lớn (nhằm động viên trẻ ngủ dậy sớm và rèn luyện thân thể, sống gắn bó với tự nhiên). Tuy đồng dao không có bài nào theo kết cấu chuỗi mà có đơn vị nghĩa được diễn đạt quá hai dòng thơ, nhưng các khổ thơ ngắn và tách bạch về nghĩa của bài này vẫn ít nhiều tạo mối liên tưởng đến loại kết cấu ấy. Nói khác đi, bài thơ cũng có đôi chút màu sắc đồng dao.
3.1. Có thể thấy rằng, sự vận dụng đồng dao vào việc làm thơ là khá hạn chế. Như với tập Góc sân và khoảng trời được sáng tác từ tuổi thiếu nhi của Trần Đăng Khoa, mà trong tổng số 66 bài, chỉ mỗi bài “Kể cho bé nghe” là có vận dụng đặc điểm của đồng dao một cách rõ ràng để sáng tác, như đã trình bày. Ở các tập thơ cho các em độ tuổi mẫu giáo, tiểu học phổ biến khá rộng rãi như “Bài hát trẻ con” (Nam Hương, Tạp chí Tứ dân văn uyển, Hà Nội, 1936; số 25, tr 1-28), Nhi đồng lạc viên (Nguyễn Văn Ngọc, in lần 2, Vĩnh Hưng Long thư quán xb, Hà Nội, 1936), Mấy vần tươi sáng (Trần Trung Phương, Hiệu sách Bình Minh xb, Hà Nội, 1952), Thơ ca mẫu giáo (Nhược Thuỷ và tgk, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1961), Bàn tay của bé (Chu Huy tuyển chọn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1985), Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ, truyện, câu đố theo chủ đề cho trẻ 3-4 tuổi (Nhiều tác giả, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển chương trình giáo dục mầm non xb, Hà Nội, 2004),..., số các bài thơ vận dụng đồng dao chỉ ở mức đếm được trên đầu ngón tay.
Tất nhiên, chỉ tính là có vận dụng đồng dao khi bài thơ có dùng kết cấu và mô hình kiểu đồng dao như đã nói. Bởi chỉ như vậy bài thơ mới it nhiều mang màu sắc, dáng dấp đồng dao, còn nếu chỉ dùng mỗi thể thơ ba, bốn tiếng và gieo vần như đồng dao thì chưa đủ để tạo nên dáng dấp ấy. Ở trên, có dẫn một đoạn vè để xác nhận và cũng nhằm nhấn mạnh điều này. Thật ra, bất kì một bài thơ thuộc thể ba, bốn tiếng và có vần nhịp như đồng dao nào cũng có thể giúp làm rõ vấn đề; chẳng hạn, với bài “Chiếc cầu mới” của Thái Hoàng Linh (9) dưới:
Trên dòng sông trắng,
Cầu mới dựng lên.
Nhân dân đi bên,
Tàu xe chạy giữa.
Tu tu xe lửa,
Xình xịch qua cầu;
Khách ngồi trên tàu,
Đoàn người đi bộ,
Cùng cười hớn hở,
Nhìn chiếc cầu dài,
Tấm tắc khen tài,
Công nhân xây dựng.
Bài thơ theo thể bốn tiếng, có kiểu gieo vần như đã nêu, tức có thể thơ và kiểu vần mà đồng dao thường dùng, nhưng so với các bài đồng dao đã dẫn, nó không cùng dáng vẻ. Bởi bài thơ dùng lối tự sự mạch lạc, thái độ rõ ràng (ca ngợi sự tiến bộ xã hội, biểu hiện qua người công nhân làm cầu), còn đồng dao thì khó có được lối kể chuyện rành rọt như vậy, và hầu như chỉ nhìn nhận sự vật, sự việc như chúng vốn có mà không khen chê.
3.2. Sự vô tư, trong sáng, một phẩm chất của tuổi thơ, là điều mà người lớn khó thể có được, cho dẫu là nhà thơ. Nhưng sự vô tư, trong sáng ấy được thể hiện qua đồng dao, một đối tượng có thể phân tích để nắm bắt các đặc điểm, yếu tính của nó. Do đó, điều quan trọng là nhà nghiên cứu phải tìm cho ra các đặc điểm ấy, để nhà thơ vận dụng chúng vào việc sáng tác những bài thơ phù hợp với trẻ. Còn mỗi khi đã có trong tay cái công cụ ấy rồi (tức các đặc điểm của thể loại đồng dao vừa nói), thì nhà thơ sẽ dễ thành công hơn, đáp ứng được điều mong mỏi là có được thơ hay cho thiếu nhi hiện nay.
Bước đầu, người viết cố gắng cung cấp công cụ đã nêu. Nhưng do không thể vượt quá yêu cầu đặt ra của bài viết, nên vấn đề sẽ được trình bày đầy đủ hơn ở một công trình khác. 

TRIỀU NGUYÊN
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

---------------
(1) Chẳng hạn, Nguyễn Trọng Tạo có tập thơ Đồng dao cho người lớn (Nxb Văn học, Hà Nội, 1994), gồm 53 bài. Các bài thơ trong tập không dùng đặc điểm của thể loại đồng dao như đang bàn, cả bài có nhan đề được dùng để đặt tên cho tập thơ cũng vậy.
(2) Chu Thị Hà Thanh, “Ảnh hưởng của đồng dao đối với thơ thiếu nhi hiện đại”, Tạp chí
Nguồn sáng dân gian, số 4, 2003; tr 39-46.
(3) Thanh Tịnh, “Những nét dân gian trong thơ sáng tác cho thiếu nhi”; trong: Nhiều tác giả,
Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 1983; tr 59.
(4) Đây là một đoạn trích của bài vè “Đi phu kênh Tráp” (Ninh Viết Giao, Kho tàng vè xứ Nghệ, tập 6, Nxb Nghệ An, 2000; tr 450). Đoạn trích này phản ánh nỗi vất vả, thiếu thốn khi đi phu kênh Tráp. Kênh Tráp, Tả Đo thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Từ địa phương: “trù”: trầu; “nỏ”: không, chẳng.
(5) Trần Đăng Khoa,
Góc sân và khoảng trời, Sở Văn hoá Thông tin Đồng Tháp xb, 1983; tr 83-84.
(6) Dẫn theo Nguyễn Thuý Loan, Đặng Diệu Trang, Nguyễn Huy Hồng, Trần Hoàng,
Đồng dao và trò chơi trẻ em người Việt, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1997; tr 643, 641. Sách này chép lại hai bài trên từ Nguyễn Tấn Long, Phan Canh, Thi ca bình dân Việt Nam, Nxb Sống Mới, Sài Gòn, 1971; tr 356, 354. Tên tác giả viết tắt là M.H.
(7) Chui: (cái) dùi. Ca: (con) gà.
(8) Quan hệ giữa C, D với tổng thể các mô hình là nối tiếp và khép vòng: B, C  C, D  D,  
E  E, B
(“”, “cậu”  “cậu”, “cô”  “cô”, “chú”   “chú”, “”) - “khép vòng” được dùng với ý: yếu tố đầu và yếu tố cuối của một dãy các yếu tố trùng nhau, khiến chúng như nối liền, khép kín (tạm in đậm để dễ nhận diện).
(9) Nhiều tác giả,
Tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ, truyện, câu đố theo chủ đề cho trẻ 3-4 tuổi, sđd; tr 84-85.

Các bài mới
Dạy tôi (11/06/2008)
Ma thuật ngón (11/06/2008)
Trong bóng chiều (11/06/2008)
Tháng 5 (11/06/2008)
Làm bố (11/06/2008)
Các bài đã đăng