Tháng 5-2008, với bài viết “Cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới sông Hương” đăng trên Sông Hương, tác giả Lão Thư Sinh đã giới thiệu cổ vật đó qua các thời kỳ lịch sử. Bài viết ngay lập tức được đông đảo bạn đọc đón nhận và bàn thảo. Bác sỹ Bùi Minh Đức từ nước Mỹ vốn quan tâm đến vấn đề này từ trước, nhân đọc bài viết của Lão Thư Sinh trên Sông Hương, đã gửi ngay những cảm nhận của mình về tạp chí quê hương và Sông Hương trân trọng giới thiệu. Đây là đề tài hết sức lý thú, Sông Hương hy vọng sẽ đón nhận thêm nhiều ý kiến cùng bàn luận từ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, từ đông đảo bạn đọc... Tất cả nhằm soi rọi hơn nữa những bí ẩn trong các cổ vật tìm thấy dưới dòng sông xanh yêu mến!
Phải nói đó là một hiện tượng. Một hiện tượng thật bất ngờ cho những ai về Huế vào những năm sau nầy, cho những ai có nhãn quan nhận xét thật tinh tế và sắc bén về xứ Huế ngày hôm nay khi thấy các hũ, lọ xưa với lớp da xấu xí màu Chàm được bày bán trên lề đường đầu cầu Trường Tiền, bên cạnh vườn hoa dọc theo đường Trần Hưng Đạo, ngã phía Phu Văn Lâu. Hiện tượng đáng để ý đó là từ vài năm trở lại đây, người ta đã vớt được từ lòng sông Hương rất nhiều cổ vật từ ngàn xưa còn tồn tại đến bây giờ, nằm lẫn trong đống cát bùn lấy từ đáy sông Hương lên. Sự việc bắt đầu với đám dân sống trên sông Hương dùng chiếc thuyền, chiếc nôốt để hành nghề xúc cát. Nghề của họ là lặn lấy cát từ đáy sông Hương lên để bán lại cho người ta xây cất nhà cửa. Với đà xây dựng nhà cửa theo nhu cầu của cư dân Huế ngày nay, cát đã trở thành một nguyên liệu “không thể không có” trong việc xây cất nhà cửa bằng bê tông cốt sắt. Dân Huế cũng thường thuê người của các vạn đò lặn xuống đáy sông để lấy cát lên. Theo đúng kỹ thuật xa xưa của ông bà họ, các thợ xúc cát thường cho neo thuyền lại giữa sông, tại những nơi có nhiều cát dưới lòng sông và những nơi không bị rong vướng mắc. Họ phải lặn sâu xuống đáy sông và dùng một chiếc rổ để xúc cát đưa lên trên để đổ vào thuyền. Mỗi lần lặn và ngoi lên, họ chỉ xúc được một rổ cát và lại trồi lên bám sát vào mạn thuyền để đổ cát vào lòng thuyền của mình trong khi vẫn phải đắm mình trong dòng nước mát lạnh. Các tay thợ lặn này thường dùng các bàn đạp cắm dưới lòng sông để làm bậc cấp đặt chân mà bước lên và bước xuống cho tiện việc khi đưa các rổ cát nặng nề lên trên mặt nước. Các “bậc cấp” nầy là những miếng gỗ dày có gắn các cọc nhọn ở bên dưới để có thể cắm chặt vào lòng sông. Chiều cao của các bàn đạp nầy dài ngắn khác nhau để có thể sắp đặt cắm theo cấp bậc lên cao lần hay xuống lần như lên xuống bậc cầu thang. Công việc đòi hỏi nhiều sức chịu đựng dưới nước và cũng đòi hỏi nhiều kiên nhẫn cũng như nhiều công sức lao động mới đổ đầy được chiếc thuyền chở cát. Khi thuyền đã đầy cát và mạn thuyền hầu như gần sát ngang với mực nước sông, người ta mới nhổ neo để xuôi về thành phố. Hồi xưa, các thuyền xúc cát thường tập trung lấy cát ở “Cồn cát” gần làng Nguyệt Biều, nhưng thứ cát nầy không được tốt vì còn lẫn với đất do bờ sông trụt xuống hoặc lẫn lộn với phù sa. Vì thế, các thợ xúc cát phải lặn sâu xuống giữa lòng sông mà xúc cát để được thứ cát tốt hơn theo nhu cầu của kỹ thuật đúc bê tông ngày nay. Vì xúc cát lâu ngày, khúc sông gần thành phố Huế hầu như đã không còn cát dưới lòng sông và các thuyền cát phải dời lần lên phía thượng nguồn, lần về phía Tuần, tiến dần về phía Tả Trạch, Hữu Trạch và đi dần về phía lăng Gia Long. Ở phía Chợ Tuần, vì xa thành phố, nên dân xúc cát thường làm ăn theo lối “đại trà” bằng cách dùng các máy hút cát có công suất cao để đưa cát lên. Cát hút lên được để dồn thành đống to lớn trên bờ sông để chờ xe tải đua dần về thành phố. Xúc cát theo cách nầy tuy có phần thô bạo nhưng lượng cát lấy được từ lòng sông lên mới nhiều, mới có thể đáp ứng được với nhu cầu cấp thiết của ngành xây cất ở Huế. Cũng nhờ hút cát với những máy có công suất lớn nầy mà vào những năm sau nầy, người ta đã lấy lên được một số lớn cổ vật nằm dưới lòng sông Hương từ ngàn xưa, qua hàng thế kỷ chôn mình dưới đất cát của lòng sông. Xúc cát là công việc chính nhưng lấy được các món cổ vật nầy lên cũng là một cách kiếm thêm tiền cho những người thợ xúc cát. Vì là một món tiền từ trên trời rớt xuống, nên đối với họ cũng không phải là quan trọng gì mà phải “cẩn trọng” mỗi khi xúc vớt cát. Vả lại, với sức hút của các máy có công suất cao ngày nay và với các phương tiện thô sơ sử dụng khi lấy cát và lọc cát nên phần lớn các cổ vật lấy lên được từ lòng sông Hương đều đã rạn nứt và sứt mẻ. Cũng không phải là những cổ vật gì thật quý giá gì đối với họ, do đó, họ bán những cổ vật đó cho những người muốn mua, thường là với giá “cũng rẻ mà thôi”. Và nhiều nhà sưu tập cổ vật ở Huế có tầm nhìn xa đã mua được các đồ vật cổ đó, tuy giá trị kinh tế thì không nhiều nhưng giá trị lịch sử của chúng thì lại rất cao. Riêng nhà sưu tập Hồ Tấn Phan cũng đã thâu thập được trên 10.000 cổ vật đó từ mười mấy năm nay và bộ sưu tập nầy cũng đã được Cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng ở Hà Nội đánh giá rất cao. Theo nhà sưu tập Hồ Tấn Phan thì thật ra, các cổ vật dưới lòng sông Hương đã được dân thuyền đò vô tình vớt lên cùng với cát từ lòng sông trên từng khúc của con sông đã từ mười mấy năm nay. Nhưng kể từ khi có các cuộc khai quật khảo cổ học ở Cồn Ràng, Cồn Dài và tại một số di chỉ khác tại Thừa Thiên Huế thì các cuộc khai quật các đồ cổ ở dưới nước nầy mới được bùng phát trên sông Hương và trên những con sông khác ở Huế. Các cuộc khai quật nầy đã do một “đội ngũ thợ lặn” khá lớn kiên trì làm việc để kiếm sống qua ngày (Xem “Cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới sông Hương’ của tác giả Lão Thư Sinh, Tạp chí Sông Hương số 231, tháng 5-2008). Các đồ cổ lấy được từ lòng sông Hương lên, phần lớn không phải là những đồ cổ nguyên vẹn hoặc với những màu sắc đặc biệt quý giá gì. Nhiều cái đã bị rạn nứt hay sứt mẻ ở thành miệng hoặc đã vỡ nứt ra thành từng mảnh. Đó là những đồ vật có màu tro mà người Huế thường gọi là “màu sắc Chàm”. Các đồ cổ nầy phần lớn là những hũ, những lọ lớn bằng một gang rưỡi tay về chiều cao và độ dưới một gang tay về bề rộng. Miệng hũ thường nhỏ chỉ bằng nửa gang tay. Thỉnh thoảng có vài cái chén nhỏ, vài cái chum kích tấc vừa vừa và vài cái ghè, cái chum lớn hình, bằng độ ba bốn gang tay chiều cao. Đôi khi có cả những cái vại và có cả những cái lu lớn, tuy nhiên số đó cũng không nhiều. Nhiều nhất vẫn là các chum nhỏ và các hũ nhỏ. Da của các hũ và của các chum nầy rất dày và thô thiển, không trơn bóng mà lại nhám và thường có màu xám tro. Trên mình các hũ đó không có hoa văn nào mà chỉ có ba hay bốn đường khắc kéo sợi chỉ song song với nhau ở phía trên, gần miệng hũ. Có hũ lại có cả bốn cái quai nho nhỏ ở bốn phía gần miệng hũ, hầu như nằm sát với da hũ phiá ngoài. Các quai nầy chắc chắn đã được nặn ra không phải với dụng ý thực dụng như để móc hay dùng để xách hũ mà có lẽ chỉ để làm dáng “cho có lệ” mà thôi. Công dụng của các hũ lọ nầy sẽ được chúng tôi đề cập đến trong phần sau của bài. Hình dáng các hủ thường có vẻ “cao khỏng”, với dáng vẻ ốm yếu và với miệng hũ chật hẹp, co túm. Chúng tôi đã cố ý đi tìm các nắp hũ nhưng tìm mãi vẫn không kiếm được nắp hũ nào cả. Các hũ nhỏ hình tròn hơi phình lớn bụng theo chiều thẳng đứng nầy thường được người Huế gọi là “Cái hụ” và các cái chum nhỏ cao hình miệng rộng, người Huế gọi là “Cái thỏng”. Chúng ta nhớ đến tên cái “thỏng” thường dùng trong các bếp Huế qua câu ca dao Huế “Trái thơm là trái thơm non, Bỏ vô thỏng mắm ăn chon như dừa”. Chữ “thỏng” đã bị nhiều người nói sai và do đó đã đọc trại ra thành “cái thẩu” hay “cái hủ” (Trái thơm là trái thơm non, Bỏ vô thẩu mắm ăn chon như dừa). Đúng ra phải nói là “Cái Thỏng”, theo nhà Huế học Hồ Tấn Phan. Ngoài ra, trong số các đồ vớt lên được, người ta cũng lại thấy có một số lớn các bình vôi lớn nhỏ. Lớn thì bằng trái bưởi, nhỏ thì bằng trái cam, trái chanh. Có nhiều bình vôi có cả nút tay cầm ở phía trên mà theo Hồ Tấn Phan, một thứ bình vôi của người Chàm mà nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trước kia chưa bao giờ biết là có trên đời nầy. Trong bảng phân loại các bình vôi của Vương Hồng Sển không có loại nầy và đó là một trong những khám phá mới của nhà Huế học Hồ Tấn Phan. Ở Huế, chúng tôi đã chỉ đếm được trên đầu ngón tay các nhà sưu tập loại cổ vật xưa được xúc lên từ lòng sông Hương. Trong số những nhà sưu tập có tầm nhìn xa đó, tôi hân hạnh biết được nhà sưu tập Hồ Tấn Phan và nhà sưu tập Thái Bá. Họ là những nhà sưu tập “hạng nặng” về các cổ vật lấy lên từ lòng sông Hương. Vào nhà họ, chúng tôi có cảm tưởng như vào một Viện Bảo tàng về Đồ Cổ Chàm hay một nhà bảo tàng đặc biệt với các đồ cổ có số tuổi hàng ngàn năm. Từng đống đồ cổ vật được chất cao ở ngoài sân và trong vườn. Chúng được chủ nhân sắp chồng lên nhau theo từng thể loại. Thỏng đi theo thỏng, ghè đi theo ghè, bình vôi đi theo bình vôi. Lác đác đó đây vài cái ghè, vài cái đột lớn mình đựng đầy cát, một cách thức của chủ nhà để làm nản lòng các kẻ có manh tâm trộm cắp. Ngoài ra, tất cả các phòng ốc trong nhà của họ đều có những tủ gương đầy ắp các cổ vật thuộc các loại đó nhưng dáng ngoài lành lặn hơn hoặc phẩm chất cao cấp hơn. Lại còn có nhiều cổ vật kích tấc hạng trung và hạng lớn nằm ẩn mình trong những xó xỉnh của nhiều căn phòng hoặc dấu mình nằm sau các tấm cửa ra vào các phòng ốc. Thậm chí, có nhiều cổ vật quý còn nằm ngay trên chiếc bàn đặt tại đầu giường hay bên giường nằm của họ. Phải nói là họ đã ăn và đã ngủ bên cạnh các cổ vật đó. Nhà sưu tập Hồ Tấn Phan cũng không ngần ngại nói rõ với chúng tôi là ông đã “ăn nằm” với các cổ vật đó để có thể “giải mã” chúng. Tỷ dụ về một “vấn nạn” mà ông đã nêu ra là trong hàng vạn cổ vật đó, có những đồ cổ vật nào có thể được xem như có nguồn gốc từ các nhà Chùa chẳng hạn. Suy nghĩ và tìm tòi nhiều về vấn đề nầy, ông đã tìm ra giải đáp cho câu hỏi của chính ông là “quả thật đã có các cổ vật nhà Chùa trong số các cổ vật vớt lên từ lòng sông Hương”. Và đó ông cũng đã trình bày kết quả tìm tòi của ông về vấn đề nầy qua bài viết “cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới sông Hương” dưới bút danh Lão Thư Sinh. Chính ông Hồ Tấn Phan cũng đã khám phá ra được một chiếc Mõ rất cổ hình con cá bằng gỗ, một hình thù về cái Mõ làng không còn tìm thấy được ngày nay. Cũng chính ông đã khám phá ra trong số đồ cổ vớt lên từ lòng sông Hương một cái nồi đất, bên trong ở dưới đáy có một chữ “Phật” bằng mực xạ vẫn còn đọc thấy rõ và một cái đĩa nhỏ có men nhưng lòng đĩa có khắc sâu chữ Vạn của nhà Phật! Nhà sưu tập Hồ Tấn Phan đã biện minh cho công trình sưu tập các cổ vật vớt lên từ lòng sông Hương. Trong thời gian mấy năm vừa qua, ông đã “cố gắng sưu tập vì ông thương cho các cổ vật đó, không nỡ để những cổ vật đã nằm im hằng trăm hằng ngàn năm dưới nước trong lòng sông nay phải trồi lên trên cạn” bị vứt lăn lóc đó đây. Tuy biết là sẽ rất tốn kém tiền bạc, có thể sẽ dẫn đến chuyện “lực bất tòng tâm”, nhưng ông cũng đã cố gắng tìm mọi cách “để cưu mang các cổ vật, cưu mang được chừng nào tốt chừng đó, mong giữ được những hơi thở của cuộc sống, những linh hồn của một thời xa xưa trong các cổ vật đó”. Với các đồ cổ mà mình đã thu thập được, nhà sưu tập Hồ Tấn Phan đã có thể phân loại các đồ vớt lên từ lòng sông Hương đó theo từng giai đoạn về thời gian: 1/ Loại I: Những cổ vật thời tiền sử và sơ sử, tức từ cuối thế kỷ thứ II sau Công Nguyên trở về trước: gồm những cổ vật thời Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh Cổ Điển và Sa Huỳnh Muộn. 2/ Loại II: Những cổ vật thời Vương quốc Chàm, từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ XIV. Ngoài ra cũng còn các cổ vật Hán Chàm và các đồ ngoại nhập thời Hán, Đường, Tống. 3/ Loại III: Những cổ vật thời Đại Việt –Việt Nam tức từ đầu thế kỷ thứ XIV đến đầu thế kỷ thứ XX: Trong giai đoạn về thời gian nầy, ông còn cho biết “có cả các đồ thời Lý, Trần và cả các đồ với nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, còn có một số khá lớn các đồ Chu Đậu với nhiều mẫu mã, nhiều đẳng cấp đã được sản xuất qua nhiều thế kỷ, từ XIV đến XVII”. Và theo ông, “số cổ vật Chu Đậu vớt lên từ lòng sông Hương còn phong phú hơn là đồ
Chu Đậu vớt lên từ những chiếc tàu bị chìm ngoài biển ở Cù Lao Chàm độ nọ”. Các cổ vật Chu Đậu vớt lên được ở Cù Lao Chàm chẳng qua là chỉ là “vài mẻ đồ gốm Chu Đậu đã được sản xuất ra trong cùng một khoảng thời gian nào đó mà thôi”, chứ các đồ gốm Chu đậu vớt lên được từ lòng sông Hương thì “có tính cách liên tục trong một thời gian dài”. Cũng theo ông, “giá trị nầy còn tăng lên rất nhiều đối với các nhà Huế học khi chúng ta biết rằng những đồ Chu Đậu vớt lên từ lòng sông Hương đó là những đồ vật đã được dân cư địa phương sinh sống trên địa bàn xứ Huế sử dụng gần ngàn năm trước, vào những thời kỳ xa xưa ngày trước”. Tuy nhiên theo nhận xét riêng của chúng tôi tại các hiện trường sưu tập (2006, 2007) của các sở hữu chủ đó, thì các đồ vớt lên được phần lớn đều thuộc loại II trong bảng phân loại của Hồ Tấn Phan. Qua các đống đồ cổ vật đó, chúng tôi nhận thấy rất rõ ràng 80% các cổ vật đó là các đồ gốm với những hình dạng của cái hũ, cái thỏng hoặc cái chum nhỏ với màu Chàm xám xưa, với lớp da ngoài dày nặng, với dáng ngoài thô thiển và rất nhám. Phần nhỏ còn lại của các đồ cổ vớt lên được là các đồ gốm Trung Hoa lớn hình với những chiếc chum lớn, hũ lớn hay lu nhỏ hoặc vài cái vại nhỏ. Các đồ gốm Trung Hoa nầy thường có men gốm thô sơ, dạng hơi thô kệch và khá nặng nề. Chúng tôi rất ít thấy có các đồ gốm thuộc loại “hiếm quý” như kiểu Sa Huỳnh Cổ Điển, Sa Huỳnh Muộn hay Tiền Sa Huỳnh, kiểu Chu Đậu hay kiểu Lý Trần tức các cổ vật thuộc loại II và III theo bảng phân loại Hồ Tấn Phan. Có thể các đồ cổ nầy đã được các nhà sưu tập đó cất kỹ ở những nơi riêng biệt, nhưng dầu sao thì chúng tôi cũng có thể chắc chắn là số lượng của chúng tuyệt đối cũng không phải là nhiều. Ngoài ra, chúng tôi lại còn thấy có rất nhiều bình vôi xưa nằm ở dưới lòng sông Hương, có cái bên trong đang còn đầy vôi nhưng nay đã bị đóng đá. Các bình vôi nầy phần lớn là những bình vôi nhỏ bằng nắm tay hay bằng trái cam với cái nuốm cầm tròn nhỏ ở phía trên, dùng đề nắm bình vôi khi di chuyển. Có nhiều cái chỉ lớn bằng trái quýt Hương Cần. Hình dạng các bình vôi khá cân đối, phía dưới là phần đế, phần giữa phình rộng, phía trên là cái cổ bình thon nhỏ và trên cùng là cái nuốm bình hình tròn. Chiếc nuốm bình lớn nhỏ khác nhau tùy theo loại. Ở mặt trên của bình vôi, ngay dưới cổ bình có đục lổ lấy vôi, hình tròn và có nhiều chiếc bình vẫn còn đầy vôi cứng bên trong. Tuy nhiên cũng có những bình vôi khá lớn, kích cỡ như trái bưởi hay như trái thanh trà, không có cổ nhưng lại có quai xách hình nửa vòng tròn ở phía trên, khá dày dặn và với vẻ chắc chắn. Lổ lấy vôi hình tròn, nằm mặt trên, ngay dưới cái nuốm rất nhỏ. Đôi khi, toàn thân loại bình vôi này lại có hoa văn chạm nổi với nhiều màu sắc trông giống như những bình vôi cận đại. Tuy nhiên số lượng của các bình vôi có hoa văn nầy cũng không nhiều. Về những cổ vật được vớt lên từ lòng sông Hương của đám dân cư trong địa bàn Thừa Thiên Huế, chúng tôi đã có đôi điều nhận xét và suy ngẫm sau đây: 1/ SUY NGẪM VỀ CÁC ĐỒ CHU ĐẬU VÀ LÝ TRẦN: Các đồ cổ loại Chu Đậu hoặc đồ Lý Trần trong đám đồ cổ vớt lên từ sông Hương tương đối rất ít. Điều nầy cũng dễ hiểu vì miền Thuận Hóa ngày nay thuộc Châu Ô Châu Rí của nước Chàm hồi trước và đã được Vua Chàm là Chế Mân (JayaSimhavarman III) dùng làm sính lễ đem dâng cho Vua Trần Nhân Tông để cưới Công Chúa Huyền Trân năm 1306. Như vậy, cách đây chỉ mới 700 năm mới có nhiều cư dân Việt
thời đó đến định cư tại vùng nầy và đem theo các đô vật thường dùng ở miền Bắc vào. Các đồ cổ
Chu Đậu, Lý Trần hiếm có trong đám đồ cổ vớt lên từ lòng sông Hương là phải. 2/ SUY NGẪM VỀ CÁC ĐỒ SA HUỲNH: Số lượng vớt được từ lòng sông Hương về đồ cổ Tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh Cổ Điển hay Sa Huỳnh Muộn của cư dân địa bàn Thừa Thiên hồi xưa đã rất ít cũng là đúng theo lý luận của chúng tôi vì vào thời kỳ trước, đám dân thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở ngay vùng Thừa Thiên chắc chắn cũng không phải là nhiều vì Thừa Thiên không phải là cái nôi chính của cư dân có dấu ấn Văn hóa Sa Huỳnh ngày xưa, vào thời kỳ trước Công Nguyên II. Vùng Huế-Thừa Thiên ngày trước chỉ là một vùng giao thoa văn hóa giữa Văn Hóa Đông Sơn phía Bắc và Văn Hóa Sa Huỳnh phía
mà thôi. Và vì thế nên đã không có nhiều di vật của họ (Artefects) để lại tại vùng Thuận Hoá, trong lòng sông Hương. 3/ SUY NGẪM VỀ CÁC ĐỒ GỐC CHÀM: Theo chúng tôi, phần lớn các đồ cổ vớt được từ lòng sông Hương là đồ Chàm, thuộc thời gian từ thế kỷ thứ II cho đến thế kỷ thứ XIV theo bảng phân định của nhà Huế học Hồ Tấn Phan, là chuyện dĩ nhiên. Lý do là vì vào thời kỳ này, cư dân trên địa bàn Thừa Thiên là dân Champa vốn đã có một nền văn hóa khá cao, cũng đã có một cuộc sống khá sung túc và cũng đã có một quá trình lịch sử khá anh hùng. Đồ gốm mà họ thường chế tạo cũng thường có dáng vẻ nặng nề với làn da thô thảm và với màu xám tro, y hệt như những chiếc bình, chiếc hũ vớt lên được từ lòng sông Hương đang được chất đống trong vườn nhà của các nhà sưu tập. Sở dĩ ngày trước dân xúc cát trên sông Hương không tìm ra được một số lớn các hũ lọ cổ vật này là vì dân Chàm hồi trước thường sinh sống ở miền Thượng Bạn của sông Hương nhiều hơn là ở những địa điểm gần Thành Phú Xuân của vua Gia Long ngày nay. Do đó, khi dân xúc cát càng tiến lên phía thượng nguồn, về phía Lăng vua Gia Long, thì họ mới khám phá ra được một số lượng lớn của các đồ cổ vật này. Lại nữa, như chúng tôi sẽ trình bày thêm ở phần sau, cư dân Champa sinh sống trong đất nước họ ngày trước đã vất các hũ lọ xuống sông là theo một tập tục truyền thống về hỏa táng của họ ngày xưa và tập tục nầy luôn luôn được gắn liền, gần gũi với các đền thờ linh thiêng của họ. Như ta biết, đền thờ của dân Champa thường xây dựng ở vùng núi non ở phía Tây gần dãy Trường Sơn và cùng trên một hàng ngang vĩ tuyến tương ứng với Cảng Thị ở ven sông ven biển miền Hạ Bạn ở phía đông, đúng như nhà sử học Trần Quốc Vượng đã nhận xét trước đây. Ta cũng biết là Thành Lồi của người Champa ở Nguyệt Biều ngày nay cũng vẫn đang còn dấu vết. Đó là nơi thị tứ một thời của người Champa, nằm về phía thượng lưu của Thành Phú Xuân của vua Gia Long. Do đó, ta không nên lấy làm lạ là khi càng tiến dần về phía thượng nguồn, các thợ xúc cát ngày nay đã có thể tìm thấy một số lượng các đồ cổ của dân Champa ngày xưa nhiều đến như vậy. Với các phương tiện tối tân mà dân xúc cát trên sông Hương đang sử dụng như máy hút có công suất cao chẳng hạn, các cổ vật gắn liền với đất cát dưới lòng sông từ nhiều thế kỷ qua cũng đã phải tróc rời ra dưới sức hút của máy móc. Ngoài ra, cũng cần nêu ra ở đây về hình dạng của các đồ Champa đã vớt lên được trong bộ sưu tập của học giả Hồ Tấn Phan có vài điểm đáng được lưu ý. Ngoài vô số các đồ cổ với mẫu mã hình dạng của lọ, chum, lu, ghè, hũ như đã nói ở trên, còn có những món đồ cổ đã được nhà học giả nầy phân loại ra và xếp cho nằm trong những “bộ” khác nhau như “Bộ Nồi”, “Bộ Ấm Đất” v.v…Nói chung là các đồ cổ gốc Champa vớt lên được từ lòng sông Hương đã có nhiều thể loại khác nhau, ít nhất là trong bộ sưu tập của Hồ Tấn Phan. 4/ SUY NGẪM VỀ TỤC LỆ HỎA TÁNG CỦA DÂN CHAMPA: Tập tục của dân Champa ngày xưa là không chôn cất người chết xuống đất mà họ lại dùng cách hỏa táng các thi thể đó. Tập tục nầy của họ đã y hệt tập tục của cư dân Sa Huỳnh cùng ở trong một địa bàn với họ ngày xa xưa, cũng đã dùng “Vò hỏa táng” để đựng hài cốt sau khi hỏa thiêu rồi sau đó ném vò hài cốt đó xuống biển. Theo Stephen Oppenheimer thì “Phong tục vò hỏa táng được truyền lại đến văn hoá Chăm” và “Hỏa táng trong vò là một phong tục được coi là của người Nam Đảo. Cư dân Sa Huỳnh được coi là tổ tiên của người Chăm” (“Địa Đàng ở Phương Đông”, NXB Lao Động, Hà Nội, 2005, p.155-156). Vì thế trong lịch sử Việt
đã có câu chuyện dân Champa định đưa Công Chúa Huyền Trân lên hỏa đàn để hỏa thiêu theo với chồng là Chế Mân, theo tục lệ của họ. Họ hỏa thiêu các xác chết của họ với các hỏa đàn to lớn để có thể đốt cháy thi thể thành tro. Sau khi đã đốt thành tro, họ cho tro người chết vào các hũ lọ, chum ghè đó rồi thả các hũ lọ chum ghè đó xuống lòng sông Hương sau khi đã làm xong mọi thủ tục tại ngôi đền trên Thượng Bạn theo lễ nghi tập tục truyền thống của họ. Và đó là lý do vì sao ngày nay chúng ta có thể vớt lên lại các đồ cổ đó từ lòng sông Hương. Khi đi theo Chúa Nguyễn Hoàng vào xứ Thuận Hóa, dân ta đã hầu như bắt chước tất cả các tập tục của dân Champa địa phương vì “Ở đây đất nước lạ lùng, Con chim kêu cũng sợ, nghe con cá vẫy vùng cũng lo!”. Vì thế, họ đã thờ cúng Thần Giàng trên rừng, Thần Thiên Y A Na tức Nữ Thần Pô Nagar, mà họ gọi là “Bà Chúa Ngọc” của dân Champa. Và vì thế, dân ta cũng đã có người theo tục hỏa táng của dân Champa và do đó chúng ta đừng lấy làm lạ là trong số đồ vớt được đã có một số vò, chum bằng đồ gốm Trung Hoa. Những đồ gốm Trung Hoa vớt lên được đó cũng như những món đồ Chu Đậu từ Hải Dương đã được nhắc đến ở phần trên, là những đồ vật ngày xưa đã đựng hài cốt của các người được hỏa thiêu và đã được “thủy táng” bằng cách thả xuống sông sau khi làm theo lễ tục tại Đền Điện của dân Champa. Theo tôi, các hũ và các chum bằng đồ gốm Tàu hay Chu Đậu được “táng” xuống sông đó cũng có thể là các đồ gốm mà cư dân Việt đã đem theo khi họ theo các Chúa Nguyễn vào Thuận Hóa. Và theo tôi, cũng có thể các hũ chum bằng gốm Tàu hay Chu Đậu đó đã là những di vật yêu quý của người đã qua đời mà thân nhân họ đã dùng để đựng hài cốt của họ và thả xuống sông theo tục lệ địa phương của người Champa mà họ muốn noi theo. Một công hai chuyện: tro của người chết có chỗ xứng đáng để bỏ vào và người chết có thể an nghỉ dưới suối vàng với chiếc lọ cổ hay chiếc chum cổ đã một thời theo họ “vô xứ Huế” cùng với Chúa Nguyễn. Tục lệ hỏa táng ngày nay cũng đã rất được dân chúng khắp nơi chấp nhận và cũng đã có nhiều người yêu cầu thân nhân rải tro của mình sau khi hỏa táng xuống biển hay xuống các dòng sông như dân Ấn Độ vẫn thường làm. Với dân số càng ngày càng tăng, hiện nay đã lên tới hơn một tỷ rưỡi người, chính quyền ngày nay bên Trung Quốc cũng đã phải khuyến khích dân chúng nên hỏa táng các thi thể để tiết kiệm đất đai canh tác. Ngay bên xứ Anh, cũng vì đất đai hạn hẹp nên từ lâu, người dân Anh cũng đã phải chôn các thi thể thân nhân của họ trong những căn hầm (Caveau), chồng chất các thi thể lên nhau để có thể tiết kiệm đất đai canh tác. Ngoài ra, dân Tây Tạng không chôn mà cũng không hỏa táng các xác chết của thân nhân họ. Họ để thi thể thân nhân trên các dàn cao và nhờ đến diều hâu cùng quạ ô điểu “làm thịt” cho đến khi chỉ còn “dơ xương trắng hếu”. Ngay đồng bào ta người Việt Nam ngày hôm nay, tuy thấm nhuần những nguyên tắc về đạo Khổng Mạnh nhưng sau khi đã di cư qua Mỹ rồi cũng đã có nhiều người vì sợ tốn kém khi chôn cất nên đã theo những quy luật về kinh tế, đem hỏa thiêu thi thể các người thân của họ tại các Nhà Quàng Mỹ rồi đem nhúm tro tàn vào nhờ thầy tụng kinh và cất giữ ở các nhà Chùa. Có người lại sợ kẻ trộm lấy cắp hũ tro tàn để đòi tiền chuộc nên đã đem tro người thân của mình rải trên mặt biển, rải trên mặt sông theo như lời yêu cầu của người đã qua đời lúc đang còn sống. Cũng đã có chuyện một góa phụ Việt Nam sau khi chồng chết và sau khi đã cầm tờ giấy “chứng tử” của pháp y bên đó, đã đem ngay xác chết của chồng đi “hỏa thiêu cho tiện” mà cũng không cần thông báo cho cha mẹ nhà chồng biết, rồi đem tro chồng rải xuống biển. Chỉ trong vòng vài ngày, người chồng xấu số đã không còn dấu tích gì trên trần đời này nữa. Và cũng nên biết thêm, chỉ trong vòng vài tháng sau, bà góa phụ kia đã lên xe hoa về nhà của người chồng mới. Cũng có người Việt Nam ở California bên Mỹ, khi về già con cháu bận bịu công việc ít lai vãng đến thăm, nên hàng ngày đi xe buýt công cộng không tốn tiền ra bờ biển Ca Li ngồi ngắm sóng biển, mơ ước được cỡi sóng trở về lại “mái nhà xưa” ở Việt Nam. Ông đã để lại di chúc, yêu cầu con cháu hỏa táng thi thể mình rồi đem rải xuống biển Ca Li, ngay chỗ mình thường ngồi, mong mỏi sau nầy sẽ được cỡi sóng trở về lại bên kia bờ đại dương, về lại quê nhà, về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình giống như loài cá hồi từ biển trở về lại nơi sông hồ đã sinh ra mình trước kia, trước lúc sức cùng lực tận. (xem phần 2)
BÙI MINH ĐỨC (nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)
Tin bài liên quan: Cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới sông Hương |