Tạp chí Sông Hương - Số 232 (tháng 6)
Vài suy ngẫm về các cổ vật vớt lên từ lòng sông Hương (phần 2)
15:05 | 10/06/2008
(tiếp theo phần 1)

5/ SUY NGẪM VỀ CÁC ĐỒ CỔ TÀU VÀ CỦA ĐẠI VIỆT: Các hũ, lọ, chum, ghè cũng như các lu vại lớn hình vớt được từ lòng sông Hương và các loại đồ gốm Trung Hoa mà ngày nay các tay thợ cát thu thập được đó, theo chúng tôi phỏng đóan đã có các “đường đi” diễn tiến trong quá khứ theo các “Scenarios” như sau:
-1/ Có thể đã do đám dân cư người Việt theo các Chúa Nguyễn vào khai phá đất Thuận Hóa ném xuống sông như chúng tôi đã trình bày ở phần trên. Các đồ cổ của Đại Việt ta vào thời Lý Trần hay các gốm Chu Đậu mà học giả Hồ Tấn Phan đã nêu ra ở trên, theo tôi cũng có thể là do các cư dân Việt Nam đã theo Chúa Nguyễn vào canh tác đất đai miền Thuận Quảng đem theo vào với họ. Sau đó, các hủ đó đã được thân nhân dùng để đựng tro tàn của họ và thả xuống sông theo như tục lệ của người Champa mà họ muốn bắt chước.
-2/ Lại nữa, các đồ cổ Lý Trần, Chu Đậu hay có xuất xứ bên Tàu đã vớt lên được đó biết đâu cũng có thể là do các cư dân Champa mà ra. Đọc lại lịch sử xưa kia của nước nhà thì chúng ta thấy trong quá khứ, quân Champa cũng đã có nhiều lần xâm phạm đất đai, xứ sở của dân Việt ta qua các lần chinh chiến. Đã nhiều lần, quân Champa đã tiến chiếm thành Thăng Long của dân ta như thời của Vua Rudravarman III nên vì thế về sau, Vua Lý Thánh Tông đã phải xâm chiếm kinh đô Đồ Bàn (Vijaya) của Champa, bắt vua Champa đem về Thăng Long. Và cũng vì thế nên về sau vào năm 1069, vua Champa đã phải nhường cho Việt Nam các vùng Địa Lý, Ma Linh, Bố Chánh về phía Bắc của Huế để chuộc tội. Vua Chế Bồng Nga như lịch sứ chúng ta có ghi, cũng đã hơn một lần khởi binh đánh nước ta. Một lần, sau cuộc thắng trận lớn ở Chiêm Động năm 1368, quân của Chế Bồng Nga đã làm chủ đồng bằng sông Hồng năm 1370 rồi tiến quân vào chiếm thành Thăng Long. Năm 1377, Chế Bồng Nga đánh tan quân Đại Việt xâm phạm Vijaya và giết được vua Trần Duệ Tôn tại chiến trường rồi kéo quân qua đốt phá thành Thăng Long lần thứ hai. Năm 1380, Chế Bồng Nga cử quân qua đánh phá Nghệ An, Diễn Châu và Thanh Hóa. Năm 1383 lại chiếm đóng đồng bằng sông Hồng một lần nữa. Năm 1389, Chế đem quân ra Thanh Hóa nhưng vì bị nội gián nên bị phục kích và tử trận trong hải phận nước Đại Việt ta vào năm 1390. Khi vào cướp phá thành Thăng Long, vua quan ta phải trốn chạy, cũng như khi đánh phá các thành phố dọc bờ biển Việt Nam như Nghệ An Thanh Hóa, chắc chắn quân Champa đã cướp phá và đem về xứ họ các chiến lợi phẩm của dân Việt Nam ta, của các nhà vua trong Hoàng thành Thăng Long. Trong số các chiến lợi phẩm đó, chắc chắn là đã có nhiều đồ gốm của các triều đại Tống Đường bên Tàu mà vua quan ta đã tạo mãi được cũng như các đồ gốm đời Lý, đời Trần của dân chúng nước ta. Đem các đồ “chiến lợi phẩm” đó về xứ, dân Champa cũng biết là những đồ quý báu mà họ không thể nào chế tạo ra được và vì thế để trân trọng tiền nhân nên sau khi hỏa táng họ đã đặt hài cốt của người chết vào trong đó để cho chiếc đồ quý đó theo về chốn Vĩnh Cửu với người thân thương đã qua đời của họ.
6/ SUY NGẪM VỀ CÁC CỔ VẬT LỚN HÌNH CẬN ĐẠI: Để giải thích thêm về sự hiện diện của các ghè, lu và vại lớn hình vớt lên được từ lòng sông Hương, chúng ta không thể không nghĩ đến những trường hợp do đắm thuyền của người Việt trên sông Hương hay do sự tình cờ may rủi mà các đồ gốm lớn hình đó đã bị rơi tỏm xuống lòng sông Hương. Cho đến ngày nay, những ai có đôi chút nhận xét cũng thấy là các lu vại đựng nước trên các ghe thuyền của dân chài các vạn trên sông Hương thường đặt ở phía sau thuyền một cách cheo leo, trên các tấm ván bắt thêm từ trong thuyền lòi hẳn ra ngoài thuyền ở phía sau, theo thế “Canteliver” dùng “lực nạy”, vì người chủ thuyền muốn có thêm chỗ trống trong thuyền để sử dụng, một cách sắp đặt mà họ gọi là “cho lợi chỗ”. Với vị thế cheo leo đó, chỉ chờ chực một cái nghiêng mình thình lình của chiếc ghe dưới một con sóng nhỏ bạc đầu là “y như rằng” chiếc lu, chiếc vại đó sẽ lộn nhào và tụt xuống dòng sông. Một chuyện có thể ít xẩy ra nhưng không phải là không có thể. 
Lại nữa, dân Huế chúng ta đôi khi cũng không ngại ngùng gì mà không vất đồ xuống sông “cho Hà Bá dùng cho khuất mắt” như những đồ đã dùng chung của những cặp vợ chồng đã chung sống mặn nồng với nhau xưa kia mà nay nàng đã “ôm cầm sang thuyền khác”. Cũng có thể vì một lý do gì khác, chẳng hạn như đồ dùng đó đã đem lại sự xui xẻo cho gia chủ hay đem lại tai họa cho gia đình trong thời kỳ sử dụng. Trong đời sống hàng ngày, đôi khi cũng đã có nhiều trường hợp đồ vật trong nhà bị người dân Huế xem như là một thứ đồ xui xẻo, “bị ma ám” hay “bị ma nương” tức có “ma nương tựa”, ăn ở bên trong, gây nên phiền nhiễu rắc rối cho họ. Họ tin là chủ nhân cũ của cái đồ dùng đó vẫn đang còn nương tựa bên trong và đang đòi lại đồ dùng đó bằng cách gây rắc rối xui xẻo cho gia đình mình. Cũng vì thế mà trong giới chơi đồ xưa ở Huế còn truyền miệng câu chuyện ma đòi lại đồ vật cũ của họ, đêm đêm hiện về trong giấc mộng của chủ nhân mới mà đòi lại “Trả lại cho tau!  Trả lại cho tau!”. Khi tỉnh dậy, biết trả lại cho ai bây giờ, thôi thì đành lòng vất xuống sông Hương để nhờ Hà Bá giao trả lại.
Cũng đã có trường hợp mà chủ nhân muốn “tống khứ” đồ vật ấy đi cho khuất mắt vì một lý do nào đó. Ở Huế vẫn còn nhiều người nhớ lại chuyện Thầy Ưng Luận đã mua lầm phải một món đồ xưa nhưng lại là một món “đồ giả xưa”, vào những năm 1960. Khi biết đồ mua là của giả, Thầy đưng ngồi không yên, vừa tức tối vừa bực mình nên một hôm Thầy đã lặng lẽ gói món đồ cổ giả tạo đó trong tờ báo, đèo theo trên chiếc xe đạp của mình và vất lẹ xuống sông Hương khi đi ngang qua cầu Tràng Tiền. Thầy Ưng luận là vị Thầy cũ của chúng tôi hồi ở tiểu học và câu chuyện nầy đã được nhà khảo cổ Trần Đình Sơn vui miệng kể lại cho chúng tôi nghe.
7/ SUY NGẪM VỀ CÁC HŨ LỌ KHÔNG CÓ NẮP ĐẬY: Một điều nhận xét mà chúng tôi đã rất lưu ý khi xem xét các món đồ cổ vớt lên được từ lòng sông Hương hiện nay là hình dáng của các hũ, các vò, các “thỏng” màu Chàm, có gốc gác Champa. Như đã trình bày ở trên, các đồ vật nầy đều có hình dạng thon thon, dài dài, nhỏ nhỏ, với thành ngoài dày và nhám. Hầu như các đồ vật nầy đều cùng một kiểu, một mẫu mã đã được lặp đi lặp lại nhiều lần với cùng một dáng hình tuy lớn nhỏ khác nhau, gợi ý cho chúng ta là chúng đã được người Champa chế tạo ra để dùng trong một công việc riêng biệt. Theo Stephen Oppenheimer (“Địa đàng Phương Đông”, bản dịch của NXB Lao Động, Hà Nội, 2005, pp. 154-156) thì tục lệ “Hoả táng trong vò” tức dùng vò (hay hũ) để đựng tro sau khi hỏa táng rồi mai táng các vò đó ở các cồn cát ven biển là một tập tục rất xưa của những con người Sa Huỳnh. “Phong tục dùng “Vò hỏa táng” được truyền lại đến văn hoá Chăm. Hài cốt sau khi hỏa táng thường được ném xuống biển. Hỏa táng trong vò là một phong tục không phổ biến ở Đông Dương và Đông Nam Á và thường gắn liền với các cư dân cổ xưa, được coi là người Đảo. Cư dân Sa Huỳnh có thể đã sử dụng một ngôn ngữ Đảo và tiếng Chăm lại cũng thuộc ngôn ngữ Đảo. Mối liên quan giữa tục hỏa táng của người Chăm và văn hoá Sa Huỳnh đã có cách đây đã 3000 năm”. Cũng theo Stephen Oppenheimer, “Cư dân Sa Huỳnh được coi là tổ tiên của người Chăm và người Chăm có thể đã đến cư trú ở Việt từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên”. Và như vậy, Stephen Oppenheimer đã cho phép chúng tôi kết luận một cách chắc chắn hơn là những hũ và vò nhỏ vớt lên được từ lòng sông Hương đó là những đồ gốm đã được chế tạo đặc biệt để đựng tro tàn của các người chết sau khi hỏa táng. Do đó các hũ lọ đó đã được chế tạo thô sơ qua bề ngoài và chỉ có bốn “cái tai”, bốn cái “quai trang trí” nho nhỏ nằm sát ngoài mặt của các hũ lọ về phía miệng hủ, gợi ý bốn cái khoen lớn trên các hũ lọ thật thường dùng để xách hay để móc bằng cách xâu dây qua khoen. Ngoài ra, trong đống các đồ vật tích tụ được từ bộ sưu tập của học giả Hồ Tấn Phan cho đến bộ sưu tập của họa sĩ Thái Bá ở Huế, chúng tôi cũng đã cố gắng tìm tòi, tra kiếm mà tuyệt đối vẫn không tìm ra được một chiếc nắp đậy nào cho các hũ, các lọ hay các thỏng đó. Điều nầy lại càng làm cho chúng tôi vững tin là các đồ vật này quả thật là những đồ đã được dân Champa đặc biệt chế tạo ra và dùng để đựng hài cốt đã hỏa táng trước khi thả xuống sông theo tục lệ. Như vậy, khi đã bỏ xong hài cốt người chết vào trong “hụ”, thông thường họ không đậy nắp lại trước khi thả xuống sông và có thể đó là một tập tục xưa của người Champa mà dân ta cũng đã bắt chước theo khi di cư vào ở xứ Thuận Hoá. Không dùng nắp đậy các hũ đó, có lẽ ông bà chúng ta cũng như của người Champa đã có dụng ý “để hở hũ” để cho các linh hồn của hài cốt chứa đựng trong các hũ lọ đó có thể tự do ra vào nơi trú ẩn của họ. Nói theo từ ngữ ngày nay, là các hũ lọ “có miệng bỏ ngõ” đó đã được chế tạo đặc biệt để đựng tro tàn người chết và để tiện việc đi lại của linh hồn người chết qua “cái miệng bỏ ngõ”đó. Nếu chúng ta để ý đến các “thần vị” của ông bà chúng ta trên bàn thờ, bảng thần vị có ghi tên tuổi người đã khuất, ta sẽ thấy thông thường chỉ có một mảnh vải màu đỏ hay màu vàng che đậy thần vị phía bên trên mà thôi. Nếu thần vị có nắp đậy đi nữa thì nắp đậy cũng có lổ hổng hở ở hai bên, xem như người xưa đã cố ý để cho linh hồn người chết có thể “nhập thần” vào mỗi khi gia đình cúng tế. Tuy nhiên, nếu có một giải thích nào khác về các hũ, các lọ, các thỏng đựng hài cốt mà không có nắp đậy nầy thì quả tình chúng tôi chưa được biết đến. 
8/ SUY NGẪM VỀ CÁC BÌNH VÔI ĐÃ VỚT LÊN ĐƯỢC: Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, trong đống đồ cổ vớt lên được từ lòng sông Hương, chúng tôi để ý đã có rất nhiều bình vôi lớn nhỏ khác nhau về kích tấc và cũng không quá khác nhau về hình dạng. Tuy nhiên, học giả Hồ Tấn Phan cho là “Bình vôi Champa trong bộ sưu tập của ông có đến hàng trăm loại khác nhau”. Nói chung chung thì đó là những bình vôi hình tròn, ở bên dưới có phần đế và phía bên trên có nuốm hình tròn để cho dễ nắm. Cũng theo Hồ Tấn Phan thì học giả Vương Hồng Sển hồi trước cũng đã không hề biết là có loại bình vôi có núm nầy. Loại bình vôi nầy cũng có màu xám Chàm, da dày và thô thiển. Có chiếc có đôi chút men gốm khá trơn láng màu vàng xẩm ở ngoài da, có chiếc chỉ có da gốm bằng đất nung thô xáp. Hình thù của các bình vôi có nuốm lớn nhỏ nầy tuy khác nhau nhưng chung chung thì kích tấc cũng chỉ nhỏ bằng nắm tay cho đến lớn bằng trái cam sành mà thôi. Đó là kich tấc của phần lớn các bình vôi chất thành đống cao ngoài vườn của học giả Hồ Tấn Phan mà chúng tôi đã quan sát được. Theo chúng tôi, sở dĩ đã có một số lượng lớn các bình vôi tí hon nầy là vì theo tục lệ của phụ nữ Champa, mỗi khi đi ra khỏi nhà, họ thường mang theo trong mình một bình vôi tí hon cho riêng mình dùng, môt bình vôi chỉ để riêng cho mình hay cho chồng mình dùng chung mà thôi (theo nhà sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn). Chúng tôi cũng đã thấy có thứ bình vôi khá lớn trông như trái bưởi, có quai xách, có cả da men gốm hoặc có cả hoa văn nhiều màu sắc, trông chẳng khác gì một bình vôi cận đại, chứng tỏ số tuổi của bình vôi đó cũng không cao lắm. Số lượng của các bình vôi nầy cũng không nhiều trong các bộ sưu tập vớt lên được từ lòng sông Hương mà chúng tôi thấy.
Như đã trình bày, trong nhiều bình vôi loại nầy vẫn đang còn chứa đựng chất vôi đã hóa đá đầy thấu miệng bình. Tuy nhiên, muốn chứng minh đó là chất vôi, thứ chất vôi ăn trầu của dân tộc Champa, có lẽ rồi ra sau nầy chúng ta phải làm một cuộc khảo nghiệm để biết chắc chắn thành phần công thức của “chất vôi” bên trong các bình vôi của dân tộc Champa đó. Cũng cần biết, dân Huế chúng ta thường dùng vôi ăn trầu chế biến từ các vỏ sò và vỏ hến.
Ngoài ra, theo học giả Hồ Tấn Phan thì cùng với các bình vôi nây, ông đã tìm ra được vài món quý hiếm khác như chiếc bình cổ có hai lỗ nhỏ mà mãi về sau ông mới biết đó là cái Ống Nhổ, sau khi đọc được một bài vế chiếc ống nhổ đời Trần (“Di tích Kim Lan làng gốm Bát Tràng xưa”, Nguyễn Văn Đoàn, Tạp Chí Xưa Nay số 211, 5/2004). Ngoài ra, ông còn tìm ra được là “chiếc ống nhổ” xưa của ông còn nguyên vẹn hơn cái ống nhổ đời Trần được khai quật ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội).
Một câu hỏi cấp thiết được nêu ra là phải chăng dân Champa ngày xưa, tự họ cũng đã có tục ăn cau trầu trước chứ không phải họ đã bắt chước tập tục của dân ta? Về chuyện ăn cau trầu của mỗi xứ, trong sách vở của cả hai xứ cũng đều đã có nói đến. Theo tác giả Hồ Tấn Phan trong bài “Bình Vôi, Ống Nhổ” (Tập san Tết Mậu Tý, báo Lao động, 2/2008) thì theo lịch sử, dân ta đã biết ăn cau trầu từ thời Hùng Vương như “Lĩnh Nam Chích quái” đã có ghi. Và cũng theo tác giả Hồ Tấn Phan, dân ta cũng đã ăn trầu một cách phổ biến trong xứ Việt từ năm 900, theo quyển “Văn Hiến Thông Khảo” của Mã Đoan Lâm, tức tương đương với đời Tống bên Tàu và thời kỳ Lê Hoàn trong lịch sử nước ta. Một người Giáo sĩ Dòng Tên người Ý là Christophoro Borri đã có qua thăm nước ta và đã viết cuốn “Xứ Đàng Trong” vào năm 1621, trong đó ông đã nói rất rõ về tập tục ăn cau trầu của dân ta hồi đó. Riêng về dân Champa thì họ cũng đã ăn cau trầu từ lâu nhưng chúng ta cũng không thể biết chắc chắn là họ đã biết ăn cau trầu trước dân ta hay sau dân ta. Như ta đã biết, dân Champa có hồi đã được phân chia thành hai bộ tộc: bộ tộc Cau và bộ tộc Dừa. Vua Champa thời xưa mỗi khi xuất hành đi đâu cũng có một đám thị nữ bưng những mâm vàng đựng cau trầu theo hầu. Tục lệ ăn cau trầu của họ ngày nay còn tìm thấy được qua các đồ dùng như hộp đựng trầu, bình vôi, dao bửa cau, buồng cau và lá trầu bằng vàng v.v..của họ. Họ có cả một vị quan “hầu trầu” (danay pinang) như chúng ta thấy trên tấm bia khắc ở làng Lai Trung, huyện Quảng Điền, trong điện thờ thần Civa (theo Hồ Tấn Phan, báo Lao Động, Tết Mậu Tý 2/2008). Và như vậy, cũng là một điều hay nếu chúng ta có thể nghiên cứu để biết thêm các câu chuyện trong Folklore hay trong sử thi của dân Champa về tập tục ăn Cau và Trầu của họ. Liệu đã có câu chuyện “Folklore” nào về tập tục ăn cau trầu của họ tương tự như câu chuyện cảm động về cây cau cây trầu và hòn đá vôi như câu chuyện “Folklore” về “Hai anh em nhà kia …” của dân tộc Việt chúng ta hay không?
Câu hỏi tiếp nối được nêu ra là vì sao dân Champa ngày xưa đã có tục lệ quẳng xuống sông các “bình vôi già” khi miệng bình đã bị đóng kín đầy vôi cứng, nghe giống như tục lệ của dân ta thường đặt các “bình vôi già” đó bên cạnh các tường Chùa? Nhìn vào những đống bình vôi Chàm to lớn tại nhà riêng ở Huế của các vị sưu tập đồ cổ vớt lên từ lòng sông Hương, chúng tôi nghĩ là đã có sự tương tự và tương đồng trong vấn đề này. Phải chăng dân Champa cũng đã quan niệm có một “ông Bình Vôi” linh thiêng trong nhà như dân ta ngày xưa cũng đã tin tưởng? Qua một bình vôi lâu năm, dân ta cũng đã tin tưởng mình có một “Ông Bình Vôi” trong nhà, một “Ông Bình Vôi” phù hộ cho nhà mình,  mách bảo cho mình khi có kẻ trộm sắp đến viếng thăm nhà chẳng hạn. Đó là một “Ông Bình Vôi” đáng kính trọng và khi bình vôi đã đầy, không thể nào vất bỏ đâu đó cũng được? Nếu đúng là thế thì tập tục tin tưởng về “Ông Bình Vôi” của ta và của dân Champa xem ra cũng không khác nhau là mấy!
Và như thế thì một câu hỏi khác cũng được nêu ra là ta đã học từ dân Champa hay là dân Champa đã học được từ dân ta tập tục đó? Hay là họ cũng đã có tập tục của riêng họ từ lâu là nhờ Thần Sông Thần Nước giữ gìn hộ “Ông BìnhVôi” cho họ trong khi dân ta thì có tập tục của dân ta là nhờ Thành Hoàng giữ hộ “Ông Bình Vôi” bằng cách đặt các bình vôi cũ tại các đình miếu trong làng hoặc nhờ vào Cửa Phật để cho “Ông Bình Vôi” có chốn nương tựa bằng cách đặt các “Bình Vôi” cũ sát các vách tường nhà Chùa? Nhiều câu hỏi cần tìm câu trả lời nhưng là những câu trả lời thích thú cho một khía cạnh văn hóa, khía cạnh “Bình Vôi và Tục Ăn Trầu”, của dân tộc ta và dân tộc Champa ngày xưa. 
Và như vậy chúng ta thấy các đồ cổ vớt lên được từ lòng sông Hương hiện nay đã có thể gợi ý cho chúng ta rất nhiều điều về cư dân Champa ngày xưa ở Châu Ô Châu Rí cũng như về cư dân Việt Nam chúng ta trong quá khứ ở tại Xứ Thuận Hóa cũng với một con sông Hương vẫn tồn tại muôn đời qua các biến cố của lịch sử.
Một con sông Hương tuy hiền hòa nhưng là một con sông cho đến ngày nay vẫn còn mang nặng nhiều điều bí ẩn trong lòng.
Một con sông mãi mãi tượng trưng cho con người xứ Huế.

BÙI MINH ĐỨC
(nguồn: TCSH số 232 - 06 - 2008)

Tin bài liên quan:
Cổ vật nhà chùa tìm thấy dưới sông Hương

Các bài mới
Dạy tôi (11/06/2008)
Ma thuật ngón (11/06/2008)
Trong bóng chiều (11/06/2008)
Tháng 5 (11/06/2008)
Làm bố (11/06/2008)
Các bài đã đăng