Tạp chí Sông Hương - Số 155 (Tháng 1)
Vai trò “kép” của báo chí văn nghệ địa phương
09:39 | 28/07/2008
NGUYỄN KHẮC THẠCH(Tham luận đọc trong hội thảo)Cho đến đầu thế kỷ 21 này, chúng ta vẫn đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về mặt kinh tế đã là điều đáng sợ nhưng cái đáng sợ hơn là nguy cơ vong bản về mặt văn hoá. Xu thế toàn cầu hoá đang xâm nhiễm và xâm thực vào đời sống chúng ta một cách ngọt ngào mà chua cay, dịu êm mà đẫm máu.

Nền văn minh tin học, văn minh kỷ trị có thể xoá nhoà mọi ranh giới giữa con người với con người, giữa con người với thế giới đồ vật. Khi con người đánh mất cái thuộc tính người, nghĩa là thuộc tính văn hoá thì xin lỗi, nó chỉ còn trần trụi là những con vượn hậu duệ mà thôi. Đó cũng sẽ là bi kịch cuối cùng của nhân loại!
Để tránh được bi kịch chung ấy và cũng như để giữ được nét riêng truyền thống phù hợp với tính thời đại, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là phải “Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” như nghị quyết của Đảng đã đề ra. Yếu tố văn hoá chính là chiếc mỏ neo đã níu giữ con thuyền dân tộc trước sóng gió ngàn năm của đại dương Bắc thuộc và cả những dòng thác thập tự chinh từ phương Tây ào tới hòng “khai hoá” chúng ta thành nô dịch. Xét về mặt lịch sử, đặc trưng của văn hoá Việt vẫn là văn hoá làng. Mỗi vùng, mỗi miền đều kiến thủ một “nết đất” riêng. Nó luôn tồn tại trong sự biến thiên của lịch sử cũng như sự giao lưu của đời sống. Các tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật, tạp chí văn nghệ địa phương là một hình thức mang tính tựu trung quy nạp những “nội hàm phụ cận” văn hoá làng ở cấp tỉnh. Như vậy, Văn nghệ địa phương hiện diện không chỉ vì sứ mệnh chính trị của nó mà sâu xa hơn còn vì nhu cầu duy trì và phát triển văn hoá. Khi mỗi tờ văn nghệ địa phương “trừu xuất” được đầy đủ những đặc trưng của vùng thì nó sẽ góp phần làm giàu, làm đa dạng bản sắc dân tộc. Văn hoá là cái hồn, là gương mặt của đất nước. Chúng ta không thể đem bóng đá hoặc siêu thị hay đem vũ khí ra khoe với thế giới. Văn hoá mà cái cốt lõi, cái trung tâm của nó là văn học nghệ thuật. Xét về phương diện này, ít nhất chúng ta cũng có một Truyện Kiều làm sáng giá tâm hồn người Việt trước lâu đài văn minh nhân loại.
Tờ văn nghệ địa phương nào cũng vậy, ngoài chức năng “ngôn luận”, nó còn phải làm nhiệm vụ phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ, những tài năng tương lai cho đất nước, chưa có người tài thì đừng hy vọng gì những tác phẩm ngang tầm này nọ. Người có tài càng thêm bao nhiêu thì “biên độ bức xạ” của nó đối với nền văn hoá càng lớn bấy nhiêu. Việc đầu tư cho các tờ văn nghệ địa phương hiện nay nói chung là chưa có phần bồi dưỡng đào tạo đó. Xa xưa, một thương gia “buôn vua” như Lã bất Vi còn nuôi nổi 3000 kẻ sĩ để làm ra cuốn sách Lã Thị Xuân Thu lưu lại cho hậu thế. Kinh tế phát triển như thời nay, chẳng lẽ mỗi tỉnh chúng ta lại thua một Lã Bất Vi, không nuôi đủ một tờ báo văn nghệ với chi phí chưa bằng lương một giám đốc liên doanh?! Chúng ta đều biết rằng, những hành vi mang chiều kích nghệ thuật của loài vật cũng chỉ có thể có khi nó đã “dư thừa” một năng lượng sống. Con chim chỉ hót khi đã no diều, con công chỉ múa khi không phải kiếm ăn, con nai chỉ nhởn nhơ khi không bị săn đuổi. Cũng vậy, con người chỉ sáng tạo được khi họ không bị câu thúc bởi cơm áo. Đời sống của những người lao động sáng tạo nghệ thuật ở ta hiện nay đang bấp bênh, đang bị lôi cuốn vào guồng máy thị trường, nơi thực dụng đè lên mơ mộng. Những người làm báo văn nghệ ở các địa phương mức thu nhập thấp thua đồng nghiệp làm ở báo tỉnh Đảng bộ hoặc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh. Các Toà soạn phải tùng tiệm để lo lương, lo tiền in, lo nhuận bút và lo ra báo một cách lấy lệ. Thật khó mà làm cho tờ báo vượt ra khỏi hệ lụy “lực bất tòng tâm”. Nó không được tồn tại như một thực thể cấu thành nền văn hoá dân tộc.
Dù sao thì mỗi tờ báo chúng ta cũng đã được cấp kinh phí ở mức độ khác nhau, nhiều thì như cái thuyền để chèo, ít thì như cái phao để bơi. Điều quan trọng là chúng ta cần khẳng định sự có mặt của mình trong đời sống xã hội bằng những phẩm cách riêng. Vấn đề này, 6 tạp chí Bắc miền Trung hàng năm đều có giao lưu, trao đổi và nhận thấy rằng, nếu một tờ văn nghệ không có bản sắc hoặc sắc thái riêng thì nó chẳng khác gì một chủ thể sáng tạo không có cá tính, không có giọng điệu của chính mình. Bản sắc địa phương của mỗi tờ báo có được là điều tự nhiên, không cần cố gắng, nó phụ thuộc vào “bộ lọc” của Ban biên tập mà chủ yếu là “độ thẩm” của người chủ bút, tức Tổng biên tập. Do vậy, việc tuyển chọn đội ngũ những người làm báo văn nghệ này - một tờ báo có đặc thù riêng trong làng báo chí - Cũng dễ bị bất cập. Ở đây, họ là những nhà báo đã đành nhưng đồng thời cũng phải là những nhà văn. Chúng ta chưa có trường lớp nào đào tạo ra một người vừa là nhà báo vừa là nhà văn cả.
Sau khốn khó về kinh phí thì các tờ báo văn nghệ địa phương hiện nay đều rơi vào tình trạng khốn quẫn về nhân sự. Một thế hệ nối tiếp có năng khiếu, có khả năng kế cận thì họ lại đi tìm việc khác, làm báo khác, từ bỏ sự rẻ rúng, bèo bọt của môi sinh văn nghệ. Tạp chí Sông Hương trước đây có hàng chục nhà văn sáng giá trong Toà soạn nhưng rồi theo năm tháng, họ nghỉ dần, đi dần, nay nhìn lại không còn tên tuổi nào đáng kể nữa. Nhà văn có đẳng cấp chuyên môn chịu làm công việc quản lý lại càng hiếm hoi. Nó tạo ra một khoảng trống ảo tượng gây ngộ nhận cho những người cơ hội, háo danh, sính lập thân bằng con đường văn chương. Trên thực tế, đã có những người “điếc không sợ súng” nhưng được tổ chức “bảo kê”, họ vẫn nghiễm nhiên là “lãnh tụ” văn nghệ địa phương. Có địa phương còn tuỳ tiện điều động cán bộ tuyên huấn, cán bộ ngoại đạo “sang đoạt” các chức vụ “chăn dắt” văn nghệ. Người ta quan niệm đã là cán bộ tuyên huấn thì làm gì cũng được, kể cả làm chủ tịch Hội nhà báo, chủ tịch Hội Văn nghệ mà không cần là hội viên một hội nào cả. Không hội viên mà làm chủ tịch Hội vậy thì không đảng viên có làm bí thư Đảng được không? Chắc chắn là không! Chỉ có Văn nghệ mới bị coi thường đến vậy. Thời đất nước bước vào nền kinh tế tri thức, nghĩa là ở hạ tầng cơ sở cũng đã được tri thức hoá mà trên thượng tầng còn “tư duy” theo lối nông dân. Nếu cứ tiếp tục theo đà này thì một số tờ báo văn nghệ địa phương có nguy cơ hoặc bị chính trị hoá hoặc bị nông dân hoá. Rốt cục là những tờ báo như thế sẽ làm tổn thương thị hiếu người đọc, làm tầm thường hoá bản sắc văn hoá dân tộc.
Các địa phương vốn tỉnh lẻ, tù mù, ứng xử theo “lệ làng” nhưng trung ương thì phải sáng suốt, phải điều hành theo phép nước. Bộ văn hoá cùng các cơ quan hữu quan trung ương cần qui định cụ thể điều kiện và tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với những người trực tiếp làm quản lý báo chí văn nghệ địa phương. Những qui định ấy không chỉ bằng các văn bản hành chính mà phải đưa vào bộ luật (luật báo chí). Mặt khác, chính nhà nước phải mở trường lớp đào tạo đội ngũ ấy.
Một tồn tại khác cũng cần phải nêu luôn là báo chí văn nghệ ở địa phương lâu nay chưa được hoạch định về mặt tổ chức, định vị về mặt thứ bậc. Có nơi xếp ngang với báo Đảng bộ tỉnh, có nơi lại thấp hơn một bậc. Có tổng biên tập ngang cấp giám đốc sở, có tổng biên tập ngang cấp trưởng phòng. Tạp chí Sông Hương chúng tôi có may mắn là từ đời tổng biên tập đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rồi qua các nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nguyễn Quang Hà cho đến nay đều được đứng ngang hàng với cấp sở. Trong khi đó, bạn láng giềng là tạp chí Cửa Việt, thời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường làm sếp thì báo loại 3, đến thời nhà văn Cao Hạnh thay thế thì nó tụt xuống hạng 4. Lại còn có một số báo chưa tách khỏi Hội, do chủ tịch kiêm tổng biên tập, muốn hay không thì họ cũng mang tiếng là “tham quyền cố vị” hoặc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trước khi nhà nước bổ nhiệm, có tổng biên tập phải qua bầu cử ở Đại hội văn nghệ địa phương, có tổng biên tập chỉ cử mà không bầu. Chưa hết, tuy chỉ trình lên xin ý kiến của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương và Bộ Văn hoá thông tin nhưng tổng biên tập địa phương thì phải kèm theo ba dấu đỏ sở tại, 2 tròn, 1 vuông của Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, Sở Văn hoá và Hội Văn nghệ, còn báo ngành Trung ương thì chỉ có một dấu đỏ của cơ quan chủ quản mà thôi. Không riêng chuyện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, ngay cả việc làm thẻ hành nghề cho nhà báo, các “cửa quyền” ở địa phương nhiều khi cũng gây không ít trở ngại, phiền hà cho cơ quan báo chí văn nghệ v.v...
Tất cả những “trật tự” đó, dường như đều được thao tác theo “cảm hứng” của các nhà chức trách chứ chưa theo một nguyên tắc nào, một cơ sở khoa học nào. Thiết nghĩ, đã đến lúc phải thống nhất lại, chấn chỉnh lại sự hỗn tắc đó trong hệ thống báo chí văn nghệ địa phương theo cơ chế “một cửa” như tinh thần nghị quyết 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 7 và Nghị quyết 38/ CP của chính phủ về việc cải cách hành chính.
Có thể nói, báo chí văn nghệ địa phương có một “vai trò kép” vừa là phương tiện chính trị vừa là mục đích văn hoá, vừa làm đặc sắc văn hoá các vùng, miền, vừa làm đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Bởi vậy, Đảng và chính quyền các địa phương cần đổi mới cách nhìn và đối xử với nó một cách công bằng hơn, độ lượng hơn.
N.K.T
(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Tiếng mơ yêu (29/07/2008)
Các bài đã đăng