Tạp chí Sông Hương - Số 155 (Tháng 1)
Mùa xuân của biển
14:32 | 28/07/2008
ĐỖ KIM CUÔNG1... Cho đến lúc sực tỉnh, tôi mới nhận ra con đường ra cánh đồng tôm và những vườn dừa dưới chân núi Đồng Bò.

Ngọn gió phóng túng từ ngoài Cửa Bé tràn vào làm cho tôi tỉnh táo, dễ chịu. Nắng rải vàng trên lưng dãy núi khô xác, trơ trụi chẳng khác nào một con kỳ nhông bị tróc vảy. Ngày trước, ngay dưới chân núi bên kia sông Đồng Nhơn còn là một vùng đầm lầy mọc đầy cây gai, cây tràm, cây đước, sú vẹt kéo dài vào sát con đường đá bao bọc phía tây thành phố. Vùng đầm hoang này là nơi trú ngụ của loài chồn hương, rắn rết. Dân cư trong xóm núi thưa thớt. Mãi gần cửa biển mới có một làng chài vài chục hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, thả đăng. Tôi và đám học trò trường cao đẳng sư phạm đã tham gia vào đạo quân đi triệt hạ đầm lầy. Và bây giờ người ta chia ô, phân mảnh biến nó thành những đìa tôm, ruộng muối, lập thành các trại ươm tôm giống, nuôi cá mú đẻ thuộc chủ sở hữu tư nhân. Dải đất bên kia sông rộng hàng trăm ha cũng được tư nhân hoá. Nhiều anh cán bộ có chút vốn liếng, đầu tư cho việc trồng rừng, trồng dừa, đào lộn hột. Còn tôi, vào những chiều rảnh rỗi, vượt qua dòng sông Đồng Nhơn rộng vài trăm thước bằng một con đò, tôi có được một buổi chiều thanh nhàn lẩn tránh những chuyện buồn bực, ngồi trên bãi đá dưới một tán cây si cao rậm rạp, gần đấy còn có cả một chòm cây đước còn sót lại. Đó là một ghềnh đá ăn lan ra ngoài mặt sông. Ngồi đây, tôi thả sức ngắm cánh đồng, cửa biển, nhìn những ngôi nhà lô xô trong thành phố phía xa. Điều thú vị hơn nữa, mỗi lần sang chơi ghềnh Đá, tôi lại có dịp trò chuyện với một người đàn bà mù một mắt. Người đàn bà ấy là chị Lài. Chị là thương binh bị bỏng nặng trong chiến tranh. Những vết sẹo để lại trên thân thể chị Lài đã liền da, ăn loang ra cả cánh tay khẳng khiu. Những câu chuyện tầm phào giữa chị và tôi kéo dài hơn mười năm có lẻ.
Thoạt nghe tiếng chân tôi bước lạo xạo trên lớp sỏi, chị Lài đã bảo:
- Chị biết thế nào chiều nay cậu cũng sang. Lại có chuyện buồn hử?
- Em đi vội đầu óc lãng đãng, cũng chả còn nhớ mình đến đây thành thử không kịp mua quà cho chị.
- Vẽ chuyện! Đường sữa bữa trước cậu cho, chị đã dùng hết đâu. Chị mong được gặp cậu, nói chuyện cho vui. Cậu không được khoẻ phải không. Nghe giọng cậu, chị biết ngay hà!
Tôi đi ngoài ra máu đã hai ngày nay. Bệnh trĩ nội tái phát. Chỉ có điều tôi không sao hiểu nổi. Chị Lài với tôi
không máu mủ, ruột rà, thân thích, có chăng chỉ một sự tình cờ quen biết. Chị như một con ma nhập vào hồn tôi. Nhiều suy nghĩ của tôi, chị biết tất cả. Dù  tôi có muốn giấu chị cũng không giấu nổi. Tôi vẫn còn nhớ một lần lâu rồi, đi dọc theo sông Đồng Nhơn với mấy cậu học trò câu cá bống. Tôi đã phát hiện ra cái ghềnh đá bí mật này. Một buổi chiều, tôi đi đò sang đến đây, đã thấy chị ngồi trên bãi đá, vá lưới. Tình bạn giữa tôi và chị Lài bắt đầu từ ngày ấy. Chị hơn tôi dăm tuổi, coi tôi như em. Tôi chỉ biết chị là một người đàn bà không chồng, nhưng có một đứa con gái đang đi dạy học. Hai mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ ở làng mới Phước Đồng. Chị sống bằng tiền phụ cấp thương tật và vá lưới thuê cho dân vạn chài Cửa Bé.
Tôi ngồi trên đống lưới cá, tanh nồng. Chị Lài ngừng tay bảo tôi:
- Con Hoa bữa trước sang phố về khoe bảo nhìn thấy cậu.
- Cháu vẫn đi dạy bình thường chứ chị?
- Vẫn. Lúc nào có dịp, cậu dò hỏi nó coi thử nó có đứa nào theo không nghe. Chị có hỏi, nó chẳng chịu mở miệng bao giờ.
Tôi cười nói vui cho chị khuây khoả.
“ Chị ơi! Chuyện chồng con có số”.
“Số ư?" Chị nhướng một con mắt còn sáng lên nhìn tôi. Con mắt bị tật bất động, đục. Chị nói bằng một giọng đay nghiến. "Chả lẽ trời đất bắt chị phải mù loà? Phải một thân nuôi con một mình, chịu bao điều tai tiếng? Nhiều khi chị cũng buồn muốn chết cậu à, chỉ thương con Hoa nhỏ dại. Nếu chị chết, nó sống với ai?”
Tiếng búa máy nện âm vang mặt sông. Tôi nghe thấy tiếng thở dài của chị. Con đò nhỏ cột vào gốc cây mắm dập dềnh theo sóng va nhẹ vào ghềnh đá. Chỉ ít tháng nữa thôi, cách ghềnh đá chỗ tôi và chị Lài ngồi không xa sẽ có một cây cầu lớn. Dân xóm Cồn, xóm Bống sẽ di dời về đậu lại ở bãi đất bên sông.
Ở cách thành phố không xa, nhưng dường như quanh năm chị Lài ít đặt chân tới phố. Thảng hoặc vào dịp giáp Tết, chị mới đi bán hoa, giúp cho một người bà con trong xóm. Cuộc sống sinh hoạt của hai mẹ con chị Lài hầu như thu lại trong nếp nhà tranh vách trát đất và ghềnh đá này. Vậy mà chị cũng biết vô khối chuyện. Từ việc một anh trong Hội đồng xã ăn tiền của dân để chia đất trồng rừng đến bà Bí thư tỉnh trúng vào Trung ương thêm một nhiệm kỳ nữa. Có hôm gặp tôi, chị hỏi về một công ty X, ở mãi tận Sài Gòn chiếm dụng của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng, bao giờ Nhà nước mới đem ra xử bắn những kẻ tham nhũng? Tôi chịu! Chưa bao giờ chị kể cho tôi nghe rõ ràng về người cha của Hoa. Hình như anh ta tên là Bẩy, Tám gì đó. Trong ký ức mập mờ về người tình nhân quá vãng trong những mẩu chuyện vụn vặt không đầu, không cuối, tôi biết chị còn thương người ấy lắm. Niềm thương trong nỗi chua chát, pha chút thù hận, của một kẻ bị người tình bội bạc. Có bận nhắc đến anh Bẩy, chị nguyền rủa anh hết lời "Tôi tham gia cách mạng từ lúc 12 tuổi, cậu à! Chị bảo tôi. Chả lẽ đời con gái của tôi, tôi lại đi ăn nằm với một kẻ chiêu hồi hả cậu? Con Hoa lại là con của một kẻ hàng giặc?”. Giọng nói của chị lúc ấy thật lạnh, nghe sao mà đau đớn đến vậy. Chị ngồi lặng đi một hồi rồi bất chợt hét lên: “Tôi không tin. Tôi không tin”...

2. “Cậu là người được đi đây đi đó nhiều, có bao giờ cậu gặp người nào mang tên Bẩy Hiện không?”. Một lần, chị Lài hỏi tôi như vậy. “Bẩy Hiện?”, tôi ngơ ngác nhìn chị. “Ờ phải. Người ấy là Bẩy Hiện”. Gương mặt chị tự nhiên ửng đỏ. Những vết sẹo bỏng bởi bom napan ăn loang trên cổ của chị cũng hồng lên. “Chưa! Em chưa từng gặp người có tên như vậy bao giờ”. Cổ tôi đắng nghẹn. Cứ mỗi lần nhìn gương mặt của chị, hẳn gương mặt ấy thời con gái cũng không đến nỗi nào, tôi ao ước mình là người nặn tượng. Trên ghềnh đá bến sông này, tôi sẽ lấy đá hoa cương ở dãy Đại Sơn, tạc lại hình người đàn bà là chị suốt hơn 20 năm trời đằng đẵng đợi chờ và hy vọng. Dù vẫn biết sự mỏi mòn ấy là vô vọng.
Bữa ấy, chị về sớm để kịp nấu bữa cơm chiều. Tôi ngồi lại trên ghềnh đá như gã đi câu ham mồi nhìn dãy núi đá trước mặt đang ngả màu từng lúc. Dòng sông yên ả đến hoang vắng. Nước ròng để trơ ra những bãi bùn lầy nhầy và những con hà bám vào chân đá. Lũ cua nghe tiếng động nhẹ, chạy trốn rào rào vào các hang hốc, bãi rác. Thảng thốt tiếng chim bìm bịp kêu khan vọng lên từ trong những vạt lau sậy còn sót lại ven sông. Hiện nào đây? Nghề làm báo đưa tôi đi đến được nhiều nơi. Tôi đã quen vô số những anh Hai, anh Ba, anh Năm, Anh Bẩy. Không ít lần ngồi cụng ly với họ, nhậu chơi phá mồi. Hiện Sanmighen? Hiện chủ xe tải ở chợ Đầm. Hay anh chàng Hiện méo miệng làm giám đốc công ty X. của thành phố. Còn Hiện nào nữa đây? Tôi biết rằng những kẻ “chiêu hồi” về với địch trong những năm đánh Mỹ, sau ngày miền Nam giải phóng có cho kẹo, đám người ấy ít có đứa nào dám ở lại nơi chôn rau cắt rốn, hay trên địa bàn mình đã từng công tác để làm ăn sinh sống. Cách mạng sẽ không tha cho kẻ phản bội và chúng còn mặt mũi nào để nhìn lại đồng đội cũ. Chúng sẽ vào Sài Gòn, hay sống chui lủi trong những miệt vườn vùng lục tỉnh. Nhiều đứa có tiền cao chạy xa bay tìm đường di tản, vượt biên để sống nốt những ngày tàn ở xứ người.
Ông già Đẩu, tay chuyên viên có hạng công tác ở tỉnh uỷ, một lần nghe tôi hỏi chuyện về người chồng có con với chị Lài đã khẳng định “Tao biết thằng Bẩy Hiện ở đại đội võ trang của tỉnh. Nó tằng tịu với con Lài làm cho con nhỏ có bầu rồi chiêu hàng. Thằng khốn đó chớ ai vào đây đã chỉ địa đồ cho tụi lính Nam Hàn lên càn vùng cứ ở khe Chín Khúc - Suối Lùng. Trận càn ấy, máy bay Mỹ thả bom xăng, rải chất độc xuống các gộp đá ở Đồng Bò. Thiệt thương cho con Lài, nó bị thương nặng trong trận càn đó chớ đâu. Ngày mới giải phóng về thành phố, con nhỏ có tìm gặp tao một lần để giải quyết thương tật. Nghe đâu được thương binh hạng 3. Vậy cũng được rồi”. Nghe ông nói với vẻ mãn nguyện về chị Lài, tôi không muốn gợi thêm gì nữa. Càng giấu tịt quan hệ quen biết giữa chị và tôi. Nói làm gì với ông Đẩu về nơi chị Lài đang ở. Ông xét con người rạch ròi và sòng phẳng quá!
Nhưng điều này thì ông Đẩu nói đúng. Lâu lâu sau những trận mưa lớn, nước từ trên núi đổ về, cá ở Cửa Bé có đợt nổi chết trắng bụng. Cũng qua ông tôi mới hiểu hơn mối tình thơ mộng của một anh đại đội phó đặc công với cô ý tá ở trạm phẫu vào những năm 1973 đầy sóng gió ở vành đai Nha Trang. Chị Lài ngày ấy là một cô y tá nhí nhảnh, dễ thương. Còn Bẩy Hiện cũng đã vài lần được tặng huân chương chiến công trong những trận đánh diệt Mỹ, diệt nguỵ và lính Nam Triều Tiên. Anh là một tay tổ trong làng đánh đấm. “Hắn đưa bộ đội đặc công vào sân bay Nha Trang như chơi. Có bữa, đám lính đặc công khoe, anh Bẩy đã bóp dái một thằng Mỹ đen ở căn cứ Cam Ranh, lúc nó gác đêm ra đái trúng đầu ổng. Sợ lộ, ổng lôi thằng Mỹ qua vịnh vất ra đường lộ, gần tiệm rượu ở cây số 9”. “Còn chuyện hai người có con với nhau?”. Tôi hào hứng gợi chuyện ông Đẩu. “Ngày ấy, tớ công tác bên Huyện uỷ, ông Đẩu kể. Chả rõ hai cô cậu yêu đương nhăng nhít thế nào, đến lúc con Lài mang bầu. Lộ chuyện. Trận ấy kiểm điểm ra trò. Cô Lài bị khai trừ Đảng, trả về huyện, đưa lên trại sản xuất. Bên đại đội đặc công, họ cũng làm căng với thằng Bẩy. Nghe nói cu cậu cũng bị khai trừ ra khỏi Đảng. Đang từ cán bộ đại đội rớt oạch xuống làm anh trung đội phó. Đơn vị mất danh hiệu quyết thắng, chỉ vì chuyện trai gái, vô kỷ luật. Lãng xẹt. Có lẽ vì thế mà nó bất mãn chiêu hồi”. Rồi ông Ba Đẩu rút ra một kết luận, như thể ông răn dạy tôi và mấy cô gái còn rất trẻ đang tập sự. “Thế mới hay ranh giới giữa vinh và nhục, giữa anh hùng và phản tặc chỉ cách nhau trong gang tấc. Các cô các cậu còn trẻ, phải nhớ lấy bài học xương máu đó!”.
3. Bẵng đi có đến ngót nửa năm, tôi không được gặp chị Lài. Toà soạn báo cử tôi đi học một lớp nghiệp vụ báo chí ở Hà Nội. Sáu tháng trời mới chân ướt chân ráo về đến nhà, tôi đã nhận được tin của cháu Hoa nhắn: “Má cháu ốm nặng, biểu cậu sang gấp”.
Chị Lài gầy yếu quá, tóc bạc trắng, xơ xác như rễ tre khô. Những ngày bị bệnh nặng, chị Lài đã đi nằm viện hơn một tháng, thuốc men mãi, lại tốn kém tiền bạc, người ta trả chị về. Vậy là nguy rồi. Hôm tôi vào thăm, chị Lài vẫn tỉnh. Được vài bữa húp nước cháo và uống thuốc lá chị đã nhúc nhắc ngồi dậy, đi lại lọ mọ trong nhà làm việc vặt, nhất quyết không chịu nằm bẹp một chỗ. Hoa kéo tôi ra một góc sân, mắt ngấn nước. “Cậu ơi! Mấy ông bác sĩ ở bệnh viện tỉnh bảo má cháu bị ung thư. Sống cũng chả được mấy bữa”. Như thể nghe được câu chuyện, chị Lài nói thủng thẳng. “Con ơi, sống chết có số. Đừng có làm cho cậu Hai mày rối ruột lên. Má còn sống sờ sờ ra đây nè. Con ra chợ mua mớ cá liệt về nấu canh ngọt mời cậu ăn với má con mình. Trưa nay, cậu phải ở đây chơi, tôi có chuyện muốn hỏi cậu". Nhìn chị đau yếu, tôi đâu nỡ từ chối. Tôi biếu chị chút quà là cân đường với dăm hộp sữa. Chị lẳng lặng đặt lên bàn thờ và hỏi. “Lâu nay cậu có ra chơi ở ghềnh đá không”. “Không chị à!”. Tôi không dám nói thật với chị điều này. Cây cầu qua sông đã thông. Đám người có tiền, nhanh nhậy đầu óc kinh doanh đã sang đây mua đất, dựng nhà, mở quán. Họ đặt mìn san phẳng ghềnh đá, cất lên ở đây những gian nhà hàng bài trí loè loẹt, có những căn nhà nằm lồi ra mặt sông đón gió. Phục vụ khách nhậu tối ngày. Rền rĩ tiếng nhạc karaoke hát sập sình.
Chẳng dè chị Lài đã bảo tôi: “Nghe con Hoa biểu, dân bên phố sang, họ lập tiệm ăn, đông vui lắm. Ngồi lặng yên một hồi, chị rỉ rả bảo tôi. - Cậu có biết không, chỗ ghềnh đá ấy, chị với anh Bẩy ngày trước muốn gặp nhau, lại hẹn ra chỗ ấy ngồi chơi. Con Hoa lúc còn bé kêu nó là con Ghềnh chớ đâu có Hoa hiếc như bây giờ”. Tôi có cảm giác chị Lài đang lo lắng. “Chị định hỏi em chuyện gì?”. “Có chuyện này chị phải cho cháu tìm gấp hỏi cậu. Cách nay chừng ba tháng, con Hoa nhận được một lá thư từ bên Pháp gởi về”. “Thư của ai?”. “Thư anh Bẩy. Cậu bảo đây là chuyện hư hay chuyện thực. Liệu có nguy hại gì đến gia đình chị không. Chị già chết cũng không tiếc, chỉ thương con nhỏ đầu đuôi chưa tới đâu. Chả lẽ hồn ma của ông ấy hiện về”. Tôi cười an ủi chị. “Làm chi có ma quỷ. Có thể là ảnh thiệt đó. Thư đâu, chị đưa em coi thử.”
Chị Lài đứng dậy, tới bàn thờ Phật, lấy ra phong thư đặt dưới đỉnh đồng, đưa cho tôi. Lá thư vỏn vẹn có hơn mười bốn dòng.
Paris ngày...
Gởi em Lài và con Ghềnh, ngụ tại xóm Đồng Nhơn. Tôi là một kẻ có tội với mẹ con em. Tôi biết em cực khổ đã nhiều, cay đắng lắm. Một thân một mình vất vả nuôi con, chịu bao điều tiếng của người đời. Vì hoàn cảnh và nhiệm vụ, tôi không có cách chi để chia xẻ với mẹ con em được. Nay tôi biết con gái của chúng ta đã khôn lớn, làm nghề dạy học. Công lao ấy là của em. Tôi mong có một ngày được về quỳ dưới chân em để tạ tội và kể ngọn ngành mọi chuyện cho em và con hiểu. Thơ này, tôi không gởi theo đường bưu điện mà có người cầm về. Hẹn sớm có ngày tái ngộ. Bẩy Hiện".
Lá thư đã được Hoa đọc cho chị Lài nghe nhiều lần khiến nó nhàu nát. Chị Lài đến bên tôi, bồn chồn: “Tôi lo quá cậu à! Không ăn, không ngủ được. Có lẽ vì vậy mà đổ ốm”. “Sao lại lo, chị phải mừng chớ”. Nhìn đờ đẫn một hồi lâu vào khoảng không mông lung, mờ ảo, chị mới bảo tôi. “Bao năm nay hai mẹ con chị sống yên ổn. Với chị, ảnh đã chết rồi. Ngày trước cơ cực đã có lần chị định nhảy xuống sông tự tử. Rồi chị nhủ đứa bé có tội tình gì mà bắt nó phải chết. Thà chị chịu nhục để cho con trẻ được sống. Chị căm thù ảnh, hận đời lắm! Những ngày bị đưa đi làm rẫy, sống ở trại sản xuất, trong cuộc kiểm thảo kỷ luật, chị nghe tay đội trưởng công tác kiêm bí thư chi bộ phê bình về tội “luyến ái sa đoạ”(!), uất ức quá nhưng vì thương con phải nén nhịn. Chị biết mình sai, sai thì sửa, nhận tội với tổ chức. Chỉ thương ảnh. Cha mẹ mất sớm, không có ai là người thân thiết. Bỏ làng lên cứ, rồi theo bộ đội từ những năm sáu sáu chớ ít a? Giá như ảnh cứ ở lại đơn vị thì rồi chuyện cũng qua. Đằng này. Ước chi, chị vô được thành phố, tóm được ảnh chị bóp cổ”.
“Em có cảm giác anh Bẩy không phải là người như chị nghĩ”. Tôi bảo chị và gấp lại lá thư đặt vào chỗ cũ. “Là người gì đi chăng nữa, chị cũng không thể tha thứ được em à. Chị không muốn cuộc sống của má con chị bị xáo trộn. Chị quen với sự cô độc và chịu đựng rồi”. Giọng chị Lài nghẹn nghẹn. Còn tôi, tôi biết, từ trong thẳm sâu cõi lòng người đàn bà tật nguyền, đau khổ vẫn còn yêu anh.

4. Cứ vài ba ngày, tôi lại lọc cọc đạp xe qua cầu vào xóm nhỏ dưới chân núi Đồng Bò thăm chị Lài một lần. Những chuyến đi thực tế để viết các bài phóng sự và những cuộc họp liên miên khiến tôi không thể ngồi chơi lâu với chị được. Kỳ lạ thay, chị Lài dần khoẻ lên. Không rõ đấy là do tác dụng của đám lá thảo được hái trên núi hay do tác động bởi lá thư của anh Bẩy Hiện gửi về. Nhưng không thấy chị nhắc gì tới chuyện đó nữa. Chị khoe với tôi, chị ăn được mỗi bữa hai lưng chén cơm. Da dẻ của chị có sắc khí. Chị hồi phục nhanh khiến tôi nghi ngờ cả những máy móc siêu âm tinh vi và lời chẩn đoán bệnh ung thư của tay bác sĩ xét nghiệm vừa làm việc, vừa nhai kẹo cao su lem lẻm.
Về chuyện lá thư và người đàn ông tên là Bẩy Hiện sắp hồi hương, chỉ Hoa là bình tâm. Cô giáo vô tư hỏi tôi. “Cậu à, có thiệt là cháu có ba không?”. “Cháu có mừng không?”. Tôi hỏi lại Hoa. “Từ nhỏ tới giờ cháu đã nhìn thấy ổng đâu?”. “Cậu lại nghĩ rằng đấy là quà tặng của số phận dành cho cháu”. Tôi bảo cô bé.
Hoa đã bước sang tuổi hai mươi bốn. Con gái ở quê, tầm tuổi ấy chưa có nơi, có chốn xem như đã quá thì, lỡ lứa. Chị Lài càng sốt ruột. Đám bạn gái của Hoa có người ba bốn mặt con. Tôi có nhắc, Hoa cười bảo: “Cậu tính giáo viên nghèo như chúng cháu, ai người ta dòm đến. Vả lại, còn má cháu. Bả khổ nhiều quá rồi, cậu à”.

Anh Bẩy Hiện trở về thăm nhà vào một ngày giáp Tết. Bữa ấy tôi đang ngồi gói bánh chưng. Cô giáo Hoa đưa đến nhà tôi một người đàn ông tuổi trạc ngoài sáu mươi, da dẻ hồng hào nhưng mái tóc bạc trắng. Ông vồn vã bắt tay tôi. Thoạt nhìn vẻ e ngại, pha chút lo sợ của Hoa, tôi biết cô cũng mới được gặp vị khách lần đầu. “Cậu Hai ơi! Má cháu đi bán hoa ngoài Ngã Sáu, ông đây đến trường tìm cháu bảo là...”. Hoa chưa nói hết câu, người khách già nheo mắt cười đỡ lời: “Tôi là Bẩy Hiện”. “Liệu có phải là ba cháu thiệt không hả cậu?”.
Tôi nhìn ông Bẩy một hồi lâu. Bàn tay tôi vẫn xiết chặt trong tay anh. Nơi khoé mắt của người đàn ông xa lạ, tôi cũng mới chỉ gặp lần đầu, ngân ngấn nước. Những ngón tay của anh run nhẹ. Hèn chi Hoa phải đưa anh Bẩy đến gặp tôi. Tôi có cảm giác, mình như là một sợi dây để anh níu bám trong lúc này, giữ lại chút niềm tin ở cô gái “Những con người như anh sao lại có thể dễ dàng gục ngã!”. Tôi nghĩ thế. Và bảo: “Cha cháu đấy, Hoa ạ”. Cô gái bật khóc, ôm mặt chạy vào trong gian bếp của nhà tôi.
Tôi chở anh Bẩy Hiện bằng xe máy, đi dọc theo con đường đôi sát biển. Thành phố đang xôn xao chuẩn bị đón xuân. Dòng người xe chạy cuồn cuộn hối hả, tất bật. Những chiếc xe lam nhả khói đen xì chở đầy những cành mai vàng từ Cam Ranh, Diên Khánh, trong núi Đồng Bò đổ về các chợ. Một toán thanh niên nam, nữ đèo nhau trên xe máy cười nói rổn rảng. Gặp một chú bé vác một cành mai bẩy cánh đầy nụ đang rao bán. Anh Bẩy vỗ nhẹ vào vai tôi, dừng lại. Anh nhìn cành mai và nhìn thằng bé bán hoa. “Nhìn cho đã mắt cậu à, nhớ lắm!”. Nhưng có thể những người đi qua đường chả ai biết, ông già đang ngồi sau lưng tôi là một đại tá sắp về hưu sau bao năm sống bôn ba ở nước ngoài. Lần đầu tiên anh Bẩy được nhìn thấy mặt đứa con ruột thịt của mình. “Nha Trang khác xưa quá hà”. Anh Bẩy trầm trồ chỉ vào toà nhà cao 14 tầng ngay sát bãi biển. Lúc tôi chở anh đi ngang qua khu vực nhà khách quân đội, chợt anh Bẩy thốt lên. ”Chỗ này đây... Anh nói rõ cho tôi hiểu. - Cậu Hai à, ngày trước đơn vị đặc công của tôi phối hợp với biệt động thành đã vào tận đây diệt tụi sĩ quan Mỹ”. Tôi khẽ gật đầu. Hình như tôi đã đọc chuyện này trong một cuốn sách truyền thống.

Trung tâm Ngã Sáu đã trở thành một chợ hoa. Ở đây có ngôi nhà thờ Đá xây theo kiểu Pháp, ngự trên một chỏm đồi cao. Đối diện với nó, những ngôi nhà cao tầng kiến trúc theo lối mới, được chăng đèn kết hoa, chuẩn bị đón Tết. Hoa cúc, hoa hồng. Mãn đình hồng, thược dược được trồng trong chậu, bầy ngay trên lề đường, trong các khuôn viên trường học, công sở vào những ngày này thành một vườn hoa đủ màu sắc. Quất Biên Hoà, quất Bắc, quất Đồng Bò trải dài trên con đường về ga Nha Trang. Ở một góc phố, mai xếp thành bó, mai cắm trong các thùng nước để khách hàng lựa chọn. Có những cây mai trong chậu lớn cao vài bốn thước, hoa nở vàng rực rỡ. Tôi đã nhìn thấy chị Lài đang ngồi thu lu trên một băng ghế giữa những chậu hoa hồng. Tôi dừng xe, chỉ cho anh Bẩy Hiện nhận ra chị. Tôi thấy anh sững lại trong giây lát, gương mặt thẫn thờ.
Tôi gửi được xe, quay trở lại chỗ bán hoa của chị Lài. Tôi và những người đang đi chơi chợ hoa, sắm tết chứng kiến một cảnh tượng ít thấy. Một người đàn ông và một người đàn bà bán hoa ăn mặc tuyềnh toàng, lam lũ đang ôm nhau và khóc.
Đ.K.C

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Tiếng mơ yêu (29/07/2008)
Các bài đã đăng
Láng giềng (28/07/2008)