Tạp chí Sông Hương - Số 155 (Tháng 1)
Ô hay! Có gì mà ầm ĩ thế?
09:32 | 29/07/2008
VINH HUỲNHLTS: Có bạn đọc gửi thư đến Toà soạn chúng tôi đề nghị nếu chọn topten sự kiện nổi bật trong làng báo chí năm 2001 thì không nên bỏ qua “hội chứng” đánh vào các trường đại học, trong đó có Đại học Nghệ thuật Huế và trường Viết văn Nguyễn Du.

Chúng tôi chưa hoàn toàn đồng ý với nhận định trên nhưng có điều cũng cần nêu ra để rút kinh nghiệm là các “quan toà” phán xét những vụ việc đó đã không cho các “bị cáo” được nói lại trên “công đường” của mình.
Sông Hương xin đăng một ý kiến của “nạn nhân” để bạn đọc có thêm thông tin và xem họ nói có lý không.


Tôi vừa đến lớp đã thấy “xôn xao dư luận hội đồng quân quan” về chuyện trường Nguyễn Du còn hay mất, tôi bèn nạt nộ ngay: “Làm gì mà ầm ĩ, ỏm tỏi lên thế có để yên cho người ta học không thì bảo”. Nhưng rồi một đứa trong lớp đưa cho tôi cả xấp báo nói về trường VVND đọc báo tôi thấy ngạc nhiên quá.
Ngạc nhiên vì trong các bài báo người ta bàn rõ lắm chuyện nhưng có vấn đề cốt lõi đáng bàn là dạy và học: Dạy, học cái gì; dạy, học thế nào; học với ai cho ra dáng (chuyên nghiệp) thì người ta quên phắt, hay người ta chả thèm bàn?
Ngạc nhiên là cả một hội đồng tuyển chọn đầu vào đông thế, to thế, trịnh trọng thế, thế mà chả ai bênh vực lấy một câu: Thế chẳng hoá ra các vị tuyển một lũ bất tài vô dụng vào đây hay sao? Hay làm việc kiểu hội đồng là thế.
Ngạc nhiên một nỗi bị chỉ trích liên hoàn thế mà các vị ấy vẫn mũ ni che tai, cứ như chuyện của người dưng chả hề lên tiếng bảo vệ chính kiến của mình, hay là dây thần kinh xấu hổ các vị có vấn đề nhỉ?
Ngạc nhiên không ngờ rằng hình như người ta định “đùa” với cả một lớp những người viết văn trẻ hay sao? Người ta đang tâm đem cả một lớp những người viết văn trẻ ra mà thử nghiệm, rồi “Đem con bỏ chợ”, rồi để mặc chăng hay chớ “sống chết mặc bay”, ô hay đây chuyện “tào lao” à?
Rồi ra một đội ngũ những “mầm non năng khiếu” những “tài năng trẻ” và biết bao mỹ từ khác người ta dùng để ca ngợi những học viên Nguyễn Du nhỏ tuổi có năng khiếu thật sự trên báo chí nay như bị mắc lỡm, như bị tẽn tò, lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nói gì thì nói “cơm áo không đùa với khách thơ”  học viên viết văn Nguyễn Du rất cần có tấm bằng đại học để mà ra đời được xếp bậc lương đỡ phải lo chuyện giá cơm manh áo để mà đua với đời, để mà giành thời gian cho văn chương chứ. Nếu trước đây người ta chỉ đào tạo theo kiểu phi tiêu chuẩn (kiểu “đặc biệt” chả theo quy chế nào của bậc đại học; ví như đem người nổi tiếng ra đào tạo cho nổi tiếng hơn, oai hơn) thì nay theo luật giáo dục mọi học viên phảI chấp hành, “nhập gia” thì “phải tuỳ tục” chứ đây có phảI cái chợ đâu. Các vị muốn theo quy chuẩn đại học của nhà nước CHXHCN này mà lại chỉ muốn học theo kiểu a ma tơ, học theo kiểu bồi dưỡng mang tính cảm hứng học cái mình thích thôi sao? Dễ thường quý vị định cậy cớ văn chương để đánh đổ ông pháp luật à? Có “con kiến càng” nào giỏi thì cứ thử kiện “củ khoai” bộ luật giáo dục đi xem nào?
Đành rằng không thể đào tạo thành nhà văn nhưng rõ ràng các mầm non văn học rất cần một bệ phóng, một môi trường để nở rộ tài năng. Hãy lắng nghe GS Hoàng Ngọc Hiến động viên tinh thần nhà văn Bảo Ninh của chúng ta khi nhà văn này mới là chim ra ràng: “Cái truyện anh viết chẳng ra cái gì, nhưng anh lại là người hình như có thể viết được văn, cho nên đừng sợ cứ viết đi biết đâu đấy, sẽ hết sức khó nhọc mà chẳng chắc đã thành” Chỉ bằng mấy lời thôi và một sự quan tâm nho nhỏ ông đã giúp tôi có được nỗ lực văn chương suốt cuộc đời”( Bảo Ninh)
Liệu quý vị có gì để nói trước lời tâm huyết của một người thầy với một học trò chưa thành danh còn đầy bỡ ngỡ như thế!!!
Ví thử đặt mình vào địa vị cây viết trẻ vùng sâu vùng xa như Kha Thị Thường người dân tộc Thái thì điều kiện sống và môi trường văn hoá trong thời gian dài như trường viết văn Nguyễn Du sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển tài năng của chị như thế nào? “Khôn đâu đến trẻ khoẻ đâu đến già” trường chỉ là bồ tro để ủ những hạt giống nảy mầm, còn muốn thành danh thế nào thì còn cần cả một quá trình tự thân vận động lâu dài, bền bỉ, không phải & không thể là chuyện một sớm một chiều. Nói gàn thì trường cũng là một ba- ri- e cho những kẻ ít tài mà lại sớm tự phụ ngạo mạn một cách ngông cuồng phải giật mình. Đã có trường hợp tốt nghiệp xong sợ quá chuyển sang làm việc khác, vậy há không phải là có ích cho văn, cho đời lắm ru.
Nhà văn theo lời G. G. Market cần có trí tuệ toàn nhân loại hay theo lời ông hiệu trưởng trường Mac xim Gooc ki - Exin: “Tốt nghiệp trường đại học viết văn anh sẽ biến thành một người chưa hẳn là đã thành đạt nhưng anh lại trở thành một người am tường sự việc, có lẽ sống ở đời”
Với tôi do có ít thời gian nên tôi mới đi học văn mong nhờ người ta tổng kết giúp cho mình kiến thức một cách có hệ thống và nhanh chóng và hiện thực là sau quá trình học nhãn quan văn học và tác phẩm của tôi khá hơn hẳn. TôI đánh giá cao những kiến thức thu lượm được tại đây. Sách thánh hiền đã dạy “Ngọc chẳng đẽo chẳng nên món đồ, người chẳng học cũng chẳng biết nghĩa lý” người thường còn phải thế huống hồ nhà văn.
Dù cho thế hệ những người viết văn trường Nguyễn Du khoá 6 chưa thể thành hội viên hội nhà văn ngay khi ra trường như khoá 1,2,3 (mà khoá một toàn các bô lão nhà ta quá niên trạc ngoại tứ tuần đã vào hội rồi mới đi học đấy chứ!) nhưng rõ ràng trường Nguyễn Du có phải là lò luyện đầu vào cho hội đâu mà đặt ra yêu cầu như vậy. Nếu quay lại trường bồi dưỡng viết văn như thời cụ đốc Hồng thì trường Nguyễn Du đúng y sỳ phoóc một “lò luyện viết văn hộc tốc”. Mà cái mô hình bồi dưỡng viết văn kiểu như trại sáng tác, trại bồi dưỡng, trung tâm bồi dưỡng. . cứ nhan nhản ra từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái đâu đâu chẳng thấy, không tin mời đọc mục rao vặt trên các loại văn nghệ quê, văn nghệ tỉnh mà xem.
Mà nếu ai đó ao ước quay trở về kiểu mô hình trên thì thật phụ tấm lòng sư phụ của trường là GS Hoàng Ngọc Hiến quá. Giáo sư đã từng nói: “Trong tương lai nó (Trường viết văn Nguyễn Du) sẽ là một trường đại học độc lập, ít nhất đó cũng là nguyện vọng của thầy và nhiều thầy khác” Báo văn nghệ số 18 (3/5/1997). Quan đIểm của thầy Hoàng Ngọc Hiến cũng thật văn chương và thật “đại học”: Học đại học không phảI học cấp IV, học là để nhà trường trang bị kiến thức cho sinh viên sau khi ra trường có khả năng tự học.
Ước mơ cỏn con và hợp lẽ đời thế mà nào đã được thoả mãn đâu, học viên viết văn Nguyễn Du ra trường vẫn là tấm bằng đại học văn hoá đấy chứ, vẻ vang, tự hào oai oách gì cho cam!
Dù cho việc tuyển chọn còn nhiều bất cập thậm chí sai sót nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng sẽ không uổng công đào tạo những mầm non viết văn Nguyễn Du  khoá 6 này thành những tài năng đất nước, vấn đề là cần phải có thời gian. Tôi rất tâm đắc lời bác Hồ:           
Trợn mắt xem khinh ngàn lực sĩ
Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng
Tài năng trẻ mới cần bồi dưỡng nâng đỡ chứ các cụ đã thành tinh trong làng văn rồi thì chả cần bồi dưỡng nâng đỡ các cụ vẫn tiến phăm phăm, mà ích gì cái trò đem thép ra tôi lại.
Nhà văn Bảo Ninh tâm sự: “Đã đành nhà văn là rất riêng. .nhưng thực sự tôi chưa từng thấy một nhà văn nào vào đời văn mà không cần tới ít nhiều sự dìu dắt động viên của các nhà văn khác” - Nếu không có trường Nguyễn Du thì chả biết đến tận bao giờ các bạn viết xứ Thái mới có dịp gặp gỡ các nhà văn chứ đừng nói gì đến dìu dắt.
Văn học cũng là một bộ môn nghệ thuật, trong khi các trường nghệ thuật khác cũng đều đào tạo ở bậc đại học thì tại sao không nhập lại làm thành một trường đại học(hay học viện) Nghệ thuật (tập hợp các ngành nghệ thuật như Viết văn, Mỹ thuật, Mỹ thuật Công nghiệp, Âm nhạc, Sân khấu Điện ảnh... ) trực thuộc bộ giáo dục.
Bàn về quy chế thì thi môn năng khiếu sáng tác tất yếu phải là hàng đầu, tính hệ số ba (còn thì văn sử là hiển nhiên, bởi thật nực cười khi một nhà văn mà đến văn sử còn không biết thì viết cái gì? không học những môn đó tất không thể coi là nhà văn tiêu chuẩn)
Hiện nay giới văn trẻ chúng ta đang ở trong một tình trạng đáng báo động về một nền văn chương nghiệp dư. Tôi thấy rằng văn chương “Hoa học trò” rất hay, rất lãng mạn, rất tinh tế và sâu sắc nói được cái tôi là rất tốt, rất hay nhưng thế giới này đâu chỉ có tình yêu và kỷ niệm. Nếu chúng ta chỉ gặm nhấm những kỷ niệm, “ăn” vào chính bản thân mình thì rồi 3 x 7 = 21 ngày vốn của chúng ta sẽ cùn mòn đi. Có phải lối viết của ta còn quá gầy, quá mỏng chăng. Dường như đã từ lâu ta chỉ co về một lối viết. Nếu mang những văn chương này đi đọ nước người thì có khác nào mang bóng đá Việt đi thi đấu ở Mondial. Xưa tôi có sinh hoạt CLB văn học trẻ Hà Nội, nay phải lấy làm ngậm ngùi xa xót mà rằng: “Mấy mươi bạn văn, năm, mười năm thưở trước tận ở đâu bây giờ?”
Chưa bao giờ độc giả đến với văn thơ có trình độ thuởng ngoạn cao như hiện nay. Có người còn giỏi ngoại ngữ hơn nhiều tác giả chúng ta. Họ còn rất nhiều đIều kiện để tiếp xúc & nghiên cứu các nền văn hóa thế giới”
Có lần đang ngồi viết, cô cháu tôi đùa bảo: “Chú nghĩ gì khi tự làm mất thời gian của mình và của cả những nguời khác”. Lúc ấy tôi mới ngớ người ra, ngẫm lại thấy cũng đúng: Đôi khi ta viết lấy được, viết ra nhiều, song lắng đọng chẳng được bao nhiêu. Rõ ràng kỷ nguyên bùng nổ thông tin cũng có nghĩa là kỷ nguyên chạy đua với thời gian., chúng ta không nên và không được làm mất thì giờ của mình và người khác bằng những mớ văn chuơng ít ý nhiều lời.
Đáng mừng là trong đại hội những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 6 vừa qua đã có người đề xuất: Chuyên nghiệp hoá văn chương, Đây là vấn đề quan trọng mà chúng ta - các nhà văn trẻ, cần ý thức sâu sắc về vấn đề này. Nếu chúng ta không tiến tới chuyên nghiệp hóa, nếu không có một câu lạc bộ nhà nghề, có trình độ chuyên môn hoá cao thì không những chúng ta tự phủ định mình mà còn phủ định cả nền văn học nước Việt trên văn đàn thế giới. Nói cao xa hơn thì ta sẽ phủ định vị trí của văn học trong khối cộng đồng nghệ thuật hiện đang tồn tại. “Thực chất nghề văn là nghề chuyên nghiệp về ngẫm nghĩ sự đời”(Bảo Ninh)
Làm thế nào để chuyên nghiệp là chuyện đáng phải bàn. Việc lập ra trường viết văn Nguyễn Du phải chăng cũng là phục vụ cho ý tưởng chuyên nghiệp hoá của những sáng lập viên!
Không phải riêng ở ta và một số trường quen thuộc như: Trường Mac xim Gooc ki, trường ở đông Đức mà ở trời Âu đất Mỹ cũng đều có lớp đào tạo nhà văn ở bậc đại học cả: như ở Anh, Que Bec (). Ở Hoa Kỳ: Nhà văn Boyle cho hay “Hầu hết các nhà văn thế hệ tôi đều học từ các xưởng viết ..như ở Iowa, Missoula, Berkely” (Chỉ riêng ở Missoula đã có vài trăm nhà văn)
(Theo Lire - Báo Văn Nghệ số 34/ ngày 25/8/2001)
Tôi rất lấy làm tâm đắc bài viết “Một tâm lý khó thay đổi” của nhà phê bình Lại Nguyên Ân trên báo TTVH ngày 5/1/1999 và muốn trích giới thiệu cùng quý vị như sau:
 “Các nhà nhà lý luận trong & ngoài nước gợi ý những quan niệm những kỹ thuật tiên tiến. Các nhà sáng tác thì hoài nghi mọi đề xuất lý thuyết chỉ tin vào ngòi bút dùng văn xuôi, viết truyện Nôm của mình, tin rằng cái “ao làng” của mình từ lâu rồi đã có tất cả”
Có người bảo: Người bảo chỉ cần biết chữ (quốc ngữ) là có thể viết văn. Truyện ư? Thì cứ kể ra, tả ra như truyện nôm cùng lắm thì như Tự Lực văn Đoàn, Tân Dân. Miễn hay là được! Kỹ thuật tối tân ư? Thì Tây họ làm rồi còn gì mới mẻ nữa đâu! ít ai chịu bàn với nhau thế nào là hay, có cách nào làm cho hay. Càng ít ai trong giới viết văn chịu đặt vấn đề: Tư duy nghệ thuật cần được hoàn thiện đổi mới”
Ngoài kia người ta đang xôn xao về các trào lưu hiện đại, hậu hiện đại và siêu hiện đại vậy thì chúng ta phải có phản ứng gì đi chứ không lẽ ta đâu cứ mãi thế này sao?
Cách tân về giọng điệu, hình thức và đột phá trong nội dung đặc biệt quan trọng nó tạo ra lối mở cho văn học, nên cần phải được tôn trọng và xem xét đánh giá kỹ lưỡng.
Đang ngồi viết đột nhiên tôi thấy nhà bên văng vẳng qua tiếng mẹ hiền ru con:
“À ơi, Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
Bất giác tôi thấy tủi thân quá, tôi tủi thân cho tôi, tôi tủi thân cho làng văn nước Việt quê hương tôi.
V.H

(nguồn: TCSH số 155 - 01 - 2002)

Các bài mới
Tiếng mơ yêu (29/07/2008)
Các bài đã đăng
Biến cố (29/07/2008)