Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Nguyễn Huy Thiệp - Đưa nhân vật vào lập trường đối thoại
15:27 | 10/07/2008
NGUYỄN VĂN THUẤNLTS: Nhóm nghiên cứu, lý luận phê bình trẻ” bao gồm sinh viên và cán bộ giảng dạy trẻ đến từ các trường đại học ở Huế (chủ yếu là Khoa Ngữ văn - ĐHSP Huế), với sự chủ trì của Ts. Trần Huyền Sâm. Nhóm hình thành trong tháng 6 - 2008 vừa qua với sự giúp đỡ của Tạp chí Sông Hương và Nhà sách Cảo Thơm.

Mục đích của nhóm là tạo ra một môi trường giao tiếp và đối thoại học thuật về văn học nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu bức thiết hiện nay của giới nghiên cứu trẻ. Nhóm sẽ phát huy tối đa khả năng nghiên cứu, sáng tạo khoa học của mỗi cá nhân, cũng như sự cộng hưởng tri thức khoa học của các thành viên, từ đó khám phá những giới hạn mới trong lĩnh vực nghiên cứu văn học. Tất cả để phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy và nghiên cứu VHNT hiện nay ở giảng đường đại học.
Theo đó, nhóm sẽ nghiên cứu theo từng chủ đề khoa học, gắn với tính lịch sử và tính thời sự của việc nghiên cứu VHNT trong nước và trên thế giới; tổ chức trao đổi, hội thảo khoa học thường niên, công bố và xuất bản các công trình nghiên cứu... Hiện nhóm đang triển khai các chủ đề về “Mỹ học tính dục trong văn học”, “Tự sự học ứng dụng”.
Các bạn trẻ thuộc các trường đại học có nhu cầu có thể tham gia vào những hoạt động của nhóm, xin liên hệ qua địa chỉ Email: Sam_nghiencuukhoahoctre@yahoo.com.
Sông Hương xin giới thiệu với bạn đọc bài viết đầu tiên của một thành viên trong nhóm.

1. Ngay từ những sáng tác đầu tiên, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã gây ra vô vàn tranh cãi. Điều này thể hiện sự đa dạng trong tầm đónthị hiếu nơi bạn đọc bởi văn chương anh là thứ văn chương đa nghĩa. Nó quá phong phú các yếu tố có hàm lượng nghệ thuật cao có khả năng khơi gợi những liên tưởng nhiều chiều ở độc giả. Nó là thứ văn học đòi hỏi đối thoại, đòi hỏi tính dân chủ cao trong tiếp nhận bởi chính nhà văn trong thực tế cũng đang đối thoại với thực tại và đối thoại với người đọc.
2. Đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường diễn ra giữa những cặp trao đáp cha - con, anh - em, vợ - chồng, đàn ông - đàn bà, nhà giáo - nhà sư, nhà giáo - nhà văn, nhà văn - nhà chính trị, người trí thức - người lao động chân tay, người trưởng thành, từng trải - người trẻ tuổi, ngây thơ. Thậm chí ở một số truyện, cả nhà giáo - nhà sư - nhà văn và lưu manh cùng đối thoại với nhau. Từ những cặp trao đáp độc đáo này, Nguyễn Huy Thiệp “giải thiêng” một cách đầy trí tuệ đối với những huyền thoại lâu nay vẫn tồn tại trong tâm thức cộng đồng. Đó là sự giải thiêng huyền thoại về các vĩ nhân chỉ có một hằng số nhân cách, là sự giải thiêng đối với những quan niệm một chiều về giao lưu văn hoá, về sức mạnh của nền văn hoá Việt Nam, là sự giải thiêng đối với các quan niệm ấu trĩ nhưng đầy quyền uy về văn học và nhà văn đang kìm hãm sự phát triển lành mạnh của nền văn học nước nhà. Bởi vậy, Nguyễn Huy Thiệp đôi khi gắn những phát ngôn tục tĩu vào miệng những nhân vật không thể phát ngôn tục tĩu, gắn những lời lẽ thanh cao vào miệng những nhân vật không thể nói những lời lẽ thanh cao, gắn những lời minh triết vào phát ngôn của những khối óc rất bình thường, gắn những lời bỗ bã cho những quan hệ tôn ti không thể sỗ sàng, bỗ bã.
Mặt khác, thông qua đối thoại, nhà văn gián tiếp thể hiện quan điểm của mình đối với nhiều vấn đề nhức nhối khác đang bày ra ngổn ngang trong hiện tại. Đó là thực trạng lối sống thực dụng đang lan tràn trong gia đình, xã hội. Nó có nguy cơ biến những con người hết lòng vì Tổ quốc, vì con cái, vì nghệ thuật và lý tưởng cao quý trở nên bất lực, lạc lõng, cô đơn. Nguyễn Huy Thiệp còn góp phần cảnh tỉnh những nhận thức phiến diện về con người, về vấn đề bạo lực, chiến tranh, tình yêu, hạnh phúc, về niềm tin (thần phật, những lực lượng siêu nhiên, “người khác”)... Đặt trong tình thế đối thoại dân chủ, những quan niệm cực đoan, ấu trĩ về nhiều vấn đề khác nhau của đời sống được tu chỉnh kịp thời, không trở nên thái quá, bất cập.
3. Thông thường, nhân vật tham gia đối thoại có khoảng cách về mặt tôn ti, địa vị xã hội, tầng lớp xuất thân... Nguyễn Huy Thiệp xoá bỏ khoảng cách này khi nhà văn đẩy các nhân vật của ông vào những không gian chật hẹp trong những khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi, gắn liền với những cảnh huống trớ trêu. Trong bối cảnh ấy, các nhân vật bị tước bỏ vị thế xã hội. Khoảng cách tôn ti quân - thần, phụ - tử, phu - phụ, huynh - đệ, lão - ấu... bị đảo lộn. Những cuộc thoại diễn ra trong lòng thuyền, ở phòng khách và phòng ngủ của thị dân là như vậy. Trong không gian chật chội của cửa hàng vàng bạc nhà bà Thiều, phòng ngủ của Diệu, căn bếp nhà lão Kiền, phòng ngủ của cô Phượng học thức..., đối thoại giữa những con người phàm tục đã diễn ra để mặc cả bán mua tâm hồn, vừa trơ trẽn, vừa lưu manh. Trong những cuộc mặc cả này, kẻ chủ động (cô Diệu, Phượng, Hạnh...) tỏ ra lợi khẩu, tha hồ phát ngôn còn chủ thể nhận thường không biết nói gì (Chương), hoặc làm những cử chỉ vu vơ rất thê thảm (Cún).
Bên cạnh việc xoá bỏ khoảng cách sử thi trong nghệ thuật trần thuật, nhà văn đã làm gần lại các khoảng cách giao tiếp bất chấp các quan hệ tôn ti và nghi thức xã giao. Không nên cho rằng tác giả muốn lột truồng con người, sàm báng con người. Ở đây, thông qua tham vọng muốn làm gần lại mối quan hệ người - người, nhà văn không chỉ biểu hiện nhu cầu dân chủ và khuynh hướng tự do của cá nhân trong xã hội hiện đại mà còn biểu thị khát vọng truy tìm chân lý và điều thiện. Mặt khác, với Nguyễn Huy Thiệp, thông qua những đối thoại “ghê ghê” ấy, có thể chính anh cũng đang phê phán trạng thái đảo điên, bát nháo, không tôn ti, “không có vua”, “loạn cờ” của xã hội Việt Nam những năm đầu Đổi mới.
4. Người Việt tôn trọng sự hiệp đồng thường xuyên và giảm nhẹ đối lập một cách hệ thống trong hoạt động giao tiếp. Bởi vậy, không chỉ nụ cười mà còn bao gồm cả hệ thống những dấu hiệu cử chỉ kèm lời và những từ tình thái đầy tính biểu cảm được sử dụng trong hội thoại. Nhưng đối thoại của các nhân vật Nguyễn Huy Thiệp thì khác.
Đặc điểm của lời thoại thường rất khách quan, lạnh lùng. Câu đối thoại trực tiếp chỉ gồm các câu đơn có cấu trúc C - V là chủ yếu. Thậm chí có khi rút lại chỉ còn là những mệnh đề cụt ngủn. Các mệnh đề nhiều khi tự mâu thuẫn ngay từ bên trong, mệnh đề sau phủ định mệnh đề trước. Lời của ông giáo Chi: “Giáo dục... nghĩa là tha bổng... Hễ có tội thì tha... Trẻ con không có tội gì... Sống nghĩa là sai lầm, là mắc tội...” (Sống dễ lắm). Những đối thoại như thế làm tăng cường tính chất hoài nghi, bộc lộ sự đổ vỡ đức tin của nhân vật Nguyễn Huy Thiệp, rất phù hợp với tinh thần thời đại: “Lửa thử vàng. Vàng thử đàn bà. Đàn bà thử đàn ông. Đàn ông thử ma quỷ với thánh thần... Hoá ra ma quỷ hết! Thánh thần ít lắm...” (Đời thế mà vui).
Mặt khác, đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đôi khi đi ngược lại các nguyên tắc được đề ra trong lý thuyết hội thoại. Theo nguyên tắc cộng tác hội thoại, mỗi tác nhân tham thoại phải đảm bảo các yêu cầu về lượng, về chất, về quan hệ và cách thức; phải giữ thể diện cho người đối thoại theo nguyên tắc lịch sự. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, đối thoại giữa các nhân vật luôn xảy ra theo cách thức xung đột. Đó là cuộc đối thoại tay đôi trong đó không loại trừ lối nói vỗ mặt đối tượng, lối nói cà khịa, chọc tức. Đối thoại giữa Bường và Ngọc, giữa Bường và Kháng (Những người thợ xẻ), giữa Doanh và “con mụ mù chữ” - bà An, Doanh và Thiềm (Những người muôn năm cũ), giữa Khiêm và Đoài, giữa lão Kiền và Đoài (Không có vua), giữa Phượng và Chương (Con gái thuỷ thần - truyện thứ ba), giữa huyện Thặng và ấm Huy, giữa đạo diễn và nhà thơ vào vai Chiêu Hổ (Chút thoáng Xuân Hương), chú Hảo lái xe và người phụ nữ ở ngôi nhà trên đồi (Đời thế mà vui), giữa giáo Chi và Dân (Sống dễ lắm),... là như thế. Ở những đối thoại này, quan niệm về phép lịch sự (tối thiểu hóa những lối nói bất lịch sự và tối đa hóa những lối nói lịch sự) bị lờ tịt đi. Các nhân vật tham gia đối thoại nhiều khi bị đánh vỗ mặt, bị lật tẩy. Không ai lại nói thẳng vào mặt nhau thế này: “Cậu có dáng dấp một thằng trai điếm. Phụ nữ mê cậu. Trong phim có cảnh Chiêu Hổ bóp vú các cô thôn nữ, cậu vào vai ấy tuyệt vời” (Chút thoáng Xuân Hương). Nguyễn Huy Thiệp nhiều khi còn lật ngược, đảo lộn vị thế xã hội của các nhân vật. Kẻ vô học, lưu manh, ăn cắp, tù tội ... không ngại làm mất thể diện kẻ có học: “Ông Kháng bảo: “Tôi giảng dạy mỹ học ở dưới Hà Nội”. Anh Bường bảo: “Đấy cũng là nghề nghiệp hay sao? Theo tôi, khoa học về cái đẹp là thứ hết sức vô hình, không có thực. Về thực chất chuyên môn của bác là thứ bịp bợm” (Những người thợ xẻ)...
Trong bối cảnh chật hẹp, thời gian ngắn ngủi, khoảng cách giao tiếp bị kéo gần lại, các nhân vật không còn cách nào khác phải va chạm với nhau, phải tranh luận trực tiếp. Tranh luận để tìm kiếm chân lý, để bóc trần bản chất đạo đức giả của nhân vật, bởi thế kết thúc cuộc thoại thường đẩy nhân vật vào tình thế đối đầu.
Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đôi khi bộc lộ mình một cách không cần giấu diếm, thậm chí nhiều khi còn sống sượng. Trong đối thoại, nhân vật của ông chẳng cần phải giữ thể diện hoặc duy trì thiện cảm trước các nhân vật khác. Bằng những cách thức khác nhau, anh ta cố gắng “chỉnh” lại hình ảnh của mình trong mắt người khác, định hướng lại cách nghĩ lâu nay của người xung quanh về nhân cách của mình. Nhân vật không ngần ngại “vạch áo cho người xem lưng”, không phải để cao ngạo hơn đời mà chỉ để chứng minh mình là mình. Đoài, bà Lâm, giáo Chi, Phượng, Bường, Ngọc, Phụng... là như thế. Đoài đốn mạt nhưng anh ta không đạo đức giả, không che đậy bản chất của mình. Đó cũng là thái độ sống của ông giáo Quỳ. Biết vợ hai phong tình, vẫn đi lại với nhiều đàn ông trong làng nhưng ông chỉ nói: “Cô ngủ với ai thì nhớ đòi tiền, không có tiền thì lấy thóc hay lấy gà lợn thế vào chứ đừng ngủ không (Thương nhớ đồng quê)...
Nhân vật Nguyễn Huy Thiệp không có kiểu nói một đằng làm một nẻo, nói thế này nhưng nghĩ thế khác. Nói là làm, nói tức là hành động. Chẳng hạn Phượng làm “nhà cách mạng nữ quyền” theo kiểu của mình, tướng Thuấn sống đúng với mệnh đề “bình quân là lẽ sống”, với cô Thuỷ bác sỹ thì “ăn là trên hết”... Nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp có rào đón trong cách nói năng, cách đưa ra quan điểm riêng, nhưng không phổ biến. Nếu có thì thực ra nó cũng là một cách nhân vật của ông yêu cầu người đối thoại phải tham gia cuộc thoại một cách tích cực, đừng để bị áp đặt bởi kẻ khác, nó cũng biểu hiện sự hoài nghi đối với tất thảy những xác tín đã và đang tồn tại trong thời đại duy lý của chúng ta. Đối thoại của thầy giáo Triệu, của giáo Chi, của Bường với các nhân vật khác là như thế...  
Nguyễn Huy Thiệp cũng không ít lần thể hiện những cuộc thoại có sự tương tác trật khớp. Đối thoại giữa ông Bình Chi và Phạm Ngọc Chiểu (Giọt máu), nhà thơ và bà Hai Thoan (Đưa sáo sang sông) là vậy. Ở đây, người phát/nhận mặc dù ở trong những vùng tri thức khác nhau nhưng lại có thể thấu hiểu nhau dựa vào những lẽ thường của đời sống (“văn chương có nhiều thứ lắm”/ “cũng như có thịt mông, thịt thủ, thịt sấn, thịt dọi”). Bên cạnh đó, ở một vài tác phẩm, nhà văn cũng thể hiện những đối thoại mà các tác nhân tham thoại trong khi đối thoại với nhau lại ruổi theo những suy nghĩ của riêng mình. Càng đối thoại, con người lại càng cô đơn, mặc dù về mặt hình thức, ta nhầm tưởng họ là tri âm tri kỷ. Trong những truyện như Thương cả cho đời bạc, Mưa, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, nhà văn tạo ra những đối thoại rất ít ăn nhập nhau, như được khơi động từ vô thức, tính chất lo âu, bồn chồn, đầy bất an được tái hiện. Nó biểu hiện sâu sắc trạng thái cô đơn của con người hiện đại.
5. Giọng điệu đối thoại chủ yếu của các nhân vật Nguyễn Huy Thiệp là triết lý và giễu nhại. Nhân vật nào của Nguyễn Huy Thiệp cũng triết lý. Từ vua quan cho đến thứ dân, từ nhà chính trị cho đến các văn nghệ sĩ, từ nhà giáo cho đến nhà sư, từ người lao động bình thường cho đến cả lưu manh, tướng cướp... Bà lão triết lý thì đã đành, ngay đến trẻ con cũng triết lý. Mỗi loại nhân vật lại có mỗi cách triết lý khác nhau, rất đa dạng. Tuy nhiên, các triết lý của Nguyễn Huy Thiệp thường thống nhất ở chỗ nó luôn có ý định khước từ những chân lý rốt ráo, có tính phổ quát: “Tôi bảo: “Chỉ có nỗi buồn là vĩnh cửu”. Cô Phượng bảo: “Có thể... nhưng anh đừng khẳng định...” (Con gái thủy thần). Triết lý được nhân vật nói ra chưa chắc đã là chân lý. Chúng đối thoại, tranh biện, tự mâu thuẫn, cái nọ tranh quyền tồn tại cùng cái kia, va chạm, tương tác... bởi lẽ “biết hoặc không biết, đều chỉ là những ước lệ mơ hồ, có tính lịch sử và hạn chế” (Phẩm tiết).
Những truyện ngắn như Không có vua, Con gái thuỷ thần, Những người thợ xẻ, Sang sông, Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê, Giọt máu, Những người muôn năm cũ, Sống dễ lắm... đều thấp thoáng hiện ra những con người ưa triết lý. Tuy triết lý nhiều, người ta vẫn rất thích văn chương của anh. Ngoài sự sâu sắc lịch lãm hơn người, anh còn là người triết lý rất có duyên: “Anh Triệu cười: Chú có biết hoa này không?” Tôi lắc đầu. Anh Triệu bảo: “Hoa này lạ lắm, (...) Nó có cái lạ là cứ để yên thì chẳng làm sao, nhưng hễ đụng đến là thơm lựng lên. Người ta đặt tên là hoa cỏ đĩ. Y hệt đàn bà, để yên thì hạnh kiểm phi thường, đụng vào tan nát như chơi, đầu tiên nát tiền, đến nát tâm hồn, rồi tan gia đình, tan cơ nghiệp”. Tôi cười: “Anh có vợ chưa?” Anh Triệu bảo: “Chưa. Vợ người thì đẹp. Vợ mình lại tử tế. Khốn thế!” (Những bài học nông thôn).
Ở Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Phạm Thị Hoài... người ta thấy một nhu cầu triết luận thường trực. Đáp ứng nhu cầu này, nhà văn thích hiện diện thông qua những đoạn “trữ tình ngoại đề”, độc thoại nội tâm của nhân vật. Với Nguyễn Huy Thiệp, chủ yếu ông nấp kỹ sau đối thoại của các nhân vật để triết luận với thái độ hoài nghi, một thái độ hợp thời “luôn luôn có sự đánh giá lại, nhận thức lại mọi thứ” (M. Bakhtin). Suy cho cùng cũng là vì ông muốn khước từ lối lên giọng mách nước rất thường thấy ở những cây bút ưa triết lý.
Bên cạnh triết lý là giễu nhại (Tiếng Pháp: Parodie). Giễu nhại trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp là kết quả của một thao tác tư duy nghệ thuật hướng đến việc xoá bỏ khoảng cách sử thi trong trần thuật. Nếu Vũ Trọng Phụng của văn học giai đoạn 30 - 45 giễu nhại Thơ mới, văn học nghệ thuật lãng mạn, hội hoạ trừu tượng hiện đại, nhại cả phong trào Âu hoá, ngoại giao quần vợt... thì Nguyễn Huy Thiệp lại quan tâm đến một số phương diện cơ bản như nhại anh hùng vua chúa, nhại lịch sử, nhại huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích; nhại tôn giáo, phong tục, nhại trí thức, nhại văn học... Nhưng không phải bất kỳ nội dung giễu nhại nào cũng được thể hiện bằng giọng điệu giễu nhại lộ liễu.
Đối thoại với giọng điệu giễu nhại trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không có mục đích tạo ra tiếng cười hả hê cho bạn đọc như bậc tiền bối Vũ Trọng Phụng. Người ta không thể cười khi đối tượng nhại là những mỹ từ tự do, bình đẳng, bác ái, biểu quyết, nhân dân tín nhiệm: “Một tay dí chim vào đít cái Lược. Cái Lược bảo: “Làm gì thế?” Tay này cũng dơ, nói thản nhiên: “Làm chủ nhiệm hợp tác”. Cái Lược mắng: “Thôi đi chứ”. Tay này lại bảo: “Nhân dân tín nhiệm thì tôi còn làm” (Những bài học nông thôn)... Rất nhiều lần chính nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đem nghề văn và đồng nghiệp văn chương ra nhại “Anh Bường bảo (...) Vùng ma thiêng nước độc thì có tên là Tương Lai, Bình Minh, Tân Lập, Đoàn Kết, Tự Cường! Kêu cứ như chuông!(...) Mấy thằng bán thuốc bắc nạo thai con gái lại đặt tên là Hồi Xuân với Cứu Thế! Văn học nước mình rôm rả thật!” (Những người thợ xẻ).
Không chỉ bà Lâm nông dân mà nhà thơ Tú Xương cũng thích giễu nhại. Ông nhại chí khí Đông Du của cụ Phan mà ông mơ hồ cảm thấy một sự thất bại, nhại cả nhà sư “A ki cà cật”. Đôi khi tác giả không ngần ngại đặt vào miệng đứa trẻ những lời lẽ ngây ngô để nhại thói đời: “Sao lại cho tiền vào miệng bà?” Cái Vi bảo: “Đấy có phải ngậm miệng ăn tiền không bố” (Tướng về hưu). Nhân vật hay nhại nhất của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là tay Bường thợ xẻ. Con người ấy không chỉ nhại những hình thức dởm đời, giả tạo mà đôi khi anh ta còn không ngần ngại nhại cả những chân lý, những lẽ sống: “Chị Thục bảo: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hoá, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người”. Anh Bường bảo: “Ngọc ơi, mày chép lấy câu này. Nó tù mù về hình thức nhưng hình như ẩn chứa nội dung gì đấy”. Cũng có thể hiểu qua nhân vật Bường tác giả muốn nhại lại những lời đánh giá thô mộc, giản đơn của nhiều người về vấn đề nội dung/ hình thức, cái tâm/ cái tài chăng?
Nhiều truyện, thông qua đối thoại, nhà văn nhại hình thức hô khẩu hiệu suông: “Chủ nghĩa tư bản nó có cái đểu là lấy tiền và gái để bóc lột giá trị thặng dư, nó làm cho các bác vô sản nhà ta mất hết của cải và tinh lực. Đả đảo chủ nghĩa tư bản thối nát!” (Những người thợ xẻ). Anh cũng không ngần ngại “cảnh tỉnh” những lời tâng hô dễ dãi của ông giáo: “Trời! Anh ấy dám đập vỡ bình! Thật đúng là một anh hùng! Một nhà cách mạng! Một nhà cải cách!” khi để cho chị lái đò lột mặt: “Chị biết, vô phúc cho ai một mình gặp hắn trong đêm” (Sang sông). Trước Nguyễn Huy Thiệp, Vũ Trọng Phụng cũng đã nhại những hình thức hô khẩu hiệu rỗng tuếch: “Xuân tóc đỏ vạn tuế! Sự đại bại vạn tuế” (Số đỏ), “Bình dân vạn tuế!” (Giông tố). Giễu nhại, vì thế, luôn luôn có chức năng phản tỉnh và luôn hướng về hiện tại, là thách thức đối với người đọc khi muốn giải mã ngầm ý của nó.
6.Thông qua đối thoại, tính cách của các nhân vật và bản chất các mối quan hệ được thể hiện. Thủy tính toán, thực tế, rạch ròi; ông Bổng thực dụng hồn nhiên, Thuần nhu nhược, yếu hèn (Tướng về hưu) lồ lộ trong những lời thoại. Sự đốn mạt của Đoài, sự khờ khạo ngờ nghệch của Cấn, sự a dua của Khảm... hiện lên sắc nét: “Đoài bảo: “Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết là hơn”. Tốn khóc hu hu. Cấn hỏi: “Ý chú Khảm thế nào?” Khảm bảo: “Các anh thế nào thì em thế”. Cấn hỏi: “Chú Khiêm sao im thế”. Khiêm hỏi: “Anh định thế nào?” Cấn bảo: “Tôi đang nghĩ”. Đoài bảo: “Mất thì giờ bỏ mẹ. Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé” (Không có vua). Những cô con gái tên Phượng - một mảnh của mẹ Cả, người thì xốc nổi, bao dung; người dịu dàng, đằm thắm; người sắc xảo nhưng kẻ cả, trịch thượng... không thể lẫn qua các diễn ngôn đối thoại (Con gái thủy thần)... Tất cả tạo nên cái duyên cho nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp.
Như thế, qua đối thoại, nhà văn không chỉ thể hiện xuất sắc kiểu nhân vật tha hoá, hoài nghi, cô đơn mà còn thể hiện thành công kiểu nhân vật “đi tìm bản ngã”. Nhiều nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp phát ngôn những vấn đề “tế nhị” của tồn tại người một cách hết sức hồn nhiên, chẳng cần phải “tế nhị”, “giấu diếm” - vốn là một phương châm giao tiếp rất được coi trọng của văn hóa Á Đông. Chẳng hạn như cái thở dài của bà lão tám mươi: “... cả đời chỉ biết mỗi một con b... ” (Những bài học nông thôn). Anh đã cho nhà văn họ Vũ kéo bàn tay Yến “để vào hạ bộ của mình” khi trả lời câu hỏi của cô giữa phòng khách chật chội đông người: “Vậy thưa ông, tâm hồn người ta là cái gì vậy?” (Bài học tiếng Việt). Do đó, có thể khẳng định, nếu nhân vật của Nam Cao, Nguyễn Minh Châu, Phạm Thị Hoài là những nhân vật tâm lý thì nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp là những con người hành động. Tuy đời sống nội tâm của nhân vật không mấy phức tạp và hấp dẫn nhưng anh hơn người chính bởi đã đưa nhân vật vào một lập trường đối thoại dân chủ. Vì vậy, bản chất đa thanh của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ rõ rệt, sắc sảo.
7.Không còn đối lập giữa cao sang/thấp hèn, quân tử/tiểu nhân, giai cấp này/giai cấp khác, tầng lớp này/tầng lớp kia, địch/ta... rất thường thấy ở văn học giai đoạn trước đó, cho nên đối thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ít tựa mình vào các hành vi kèm lời như cúi xuống rất thấp, ưỡn ngực, bĩu mồm... như Vũ Trọng Phụng, cũng rất ít gắn với nụ cười mỉm, khanh khách, toe toét, ngặt ngẽo, ầm ĩ... như Nam Cao. Các hành động ngôn từ thường thấy cũng không phải là cầu xin - từ chối, chất vấn - chối cãi... như trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan mà là hoài nghi, triết lý và giễu nhại... Đối thoại của các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã không tuân thủ một số nguyên tắc hội thoại. Đã có sự phá vỡ tính logic của cấu trúc lời thoại, với những cặp trao đáp khác thường, nội dung lời thoại và giọng điệu đối thoại độc đáo và có sức hấp dẫn rất riêng... nhằm hướng tới thể hiện kiểu con người phàm tục đời thường. Họ cô đơn, hoài nghi trên con đường phiêu lưu đi tìm chính mình giữa một thế giới quen thuộc mà xa lạ.
Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp là một hành trình dài, chưa thể kết thúc, như cuộc đối thoại bất tận giữa văn chương và cuộc đời...

N.V.T
(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Nhớ và ghi (17/07/2008)
Các bài đã đăng