Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Người ngủ ghế công viên
09:26 | 16/07/2008
TRẦN HẠ THÁP1*Gã nằm xuống thoải mái. Cảm giác mát lạnh của ghế đá còn rịn hơi sương buổi sớm thu giúp gã chợp mắt ngay. Công viên thành phố không chỉ là bạn đời của những ai không nhà, các tên chích choác, kẻ sống ngoài vòng luật pháp... Đây cũng là nơi khá thân quen đối với người như gã. Ít ra đã hơn bốn tháng qua, từ khi gã rời một khách sạn năm sao trong thành phố.

Thật ra thì gã không hề qua đêm ở đây. Gã đến công viên cùng lúc như những người yêu quý sức khoẻ khác. Sau một đêm trường, họ thực hành mọi phương pháp thể dục. Gã vào đây chỉ để chợp mắt. Khoảng thời gian chừng nửa tiếng đồng hồ. Rồi thì mọi thứ tiếng động rầm rập bên tai khi thành phố vào giờ cao điểm sẽ buộc gã choàng dậy đúng lúc cần thiết. Gã còn phải đến quán cà phê cóc, cạnh ngay công viên này.
Đang là thứ bảy. Có một cặp vợ chồng đứng tuổi vừa chậm bước dần. Họ chạy lúc thúc bên nhau trên lối đi viền cỏ, y phục thể dục nghiêm chỉnh. Người vợ thở hì hục, nhìn chồng cười ra hiệu. Họ tìm một chỗ ngồi thong thả hít thở không khí trong lành.
- Ô kìa... Anh.
Người vợ thót người kêu lên như thấy ma. Tiếng ngáy rõ to ngay sau lưng họ. Người chồng quan sát giây lâu, lắc đầu:
- Hình như... Không thế đâu. Em vẫn hay bị ám ảnh quá đáng.
Người vợ chưa hết lo, cẩn thận kiểm soát lại đế giầy:
- Mau xem có chiếc kim tiêm nào đâm dính vào không?
- Đã bảo là không. Vả lại đế như thế thì chả sợ gì. Ngay cả đinh cũng không ăn thua.
Người vợ bĩu môi liếc xéo ra sau, nói thì thào:
- Nhưng kiểu ấy thì ai dám bảo con người lương thiện. Thứ... màn trời chiếu đất.
Người chồng nheo một bên mắt hóm hỉnh:
- Cứ coi như ham chơi khuya về muộn. Một đêm bị vợ con chốt cửa. Hết đường...
Người vợ làm bộ trợn mắt, cố nín phì cười. Cả hai quên mất chung quanh. Tự nhiên họ bắt gặp lại hương nồng thời xuân sắc bên nhau.
- Coi kìa. Lại tờ quảng cáo chương trình. Không biết hay dở gì đi đâu cũng đụng. Nghe... lạ lùng.
Một áp-phích nhỏ ai dán ở gốc cây xà cừ gần nhất.
- Tờ của mình vẫn còn đây.
Người chồng vội lục túi lấy ra tờ giấy gấp nhỏ. Họ chụm đầu vào nhau bàn bạc, nói về một vở diễn nghệ thuật nào đó vào tuần sau, ở nhà hát hạng ba trong thành phố.

2*
Quá chín giờ rưỡi sáng ở một quán cà phê cóc bên cạnh công viên. Khách đông hơn hẳn mọi ngày. Có năm người đàn ông phục sức hết sức lập dị. Cuộc chuyện đang nóng lên, không còn ai muốn nghe người khác đầy đủ. Một kẻ thọc tay vào túi áo choàng, dằn lên bàn một vật:
- Còn cái này của tao. Đứa nào phản đối nữa không? Đấy.
Bốn người còn lại cùng “ồ” lên sảng khoái, ra vẻ lắng dịu một cách chóng vánh. Trên bàn là cái chai còn nguyên tem. Rượu được rót ra ngay lập tức. Các chuyện đâu đó vẫn chưa hề chịu nhường nhau, mặc nhiên coi như rơi vào quên lãng. Người mang kính cận chồm tới đập đập tay lên vai kẻ đối diện vừa lôi ra bảo bối:
- Thật ra... chả là gì. Trao đổi qua lại, không cứ ngồi đấy ngó vào mặt nhau mãi à. Có cái nóng sốt, cho nó vận hành không khí tí. Ba mươi đi ông nội. Xí xoá hay là phạt, đằng nào tao cũng cái phần trăm ấy. Sao?
Người tóc dài kêu to:
- Để cho có sáng tạo mới lạ hơn, tao đề nghị...
Ông ta búng tay và vẫy một cái lên trời:
- Chạy bàn đâu? Tao bảo.
- Có ngay em. Các huynh cần gì?
- Để hoá giải bất đồng kỹ thuật của các huynh. Uống đại đi! Mày có công phục vụ sáng đến giờ mà đã có gì vào bụng đâu.
Người chạy bàn thản nhiên, đã không lạ gì các quý ngài đang chén. Gã nâng cốc bằng cả hai tay làm một hơi. Năm vị khách vỗ tay rào rào. Trước khi trở về với đống phin, cốc bên thau nước góc quán, gã tươi cười:
- Các huynh luôn sôi nổi. Mà đâu... Hôm qua chỉ ba vị thôi đấy.
- Có ồn ào mấy thì mày cứ vịt nghe sấm. Nguyên do đâu à? Chúng tao đang tranh luận vì cái đứa nào nhỉ..? À, một thằng vớ vẩn nào đó. Ra là thằng cóc chết... Nó cả gan quảng cáo cái này này. Hỗn xược. Nhưng thôi, chuyện nghệ thuật đông tây kim cổ bao la lắm. Lo việc mày đi.
Người chạy bàn thấy đánh xoạch xuống một tờ giấy. Nó vừa được mở ra trước mắt mọi người, chưa ai đọc thì đã bị gấp lại, vẫn cứ đặt ngay trên bàn rượu. Tờ quảng cáo một show nghệ thuật. Vở diễn...

3*
Khách sạn năm sao. Ba giờ chiều trong một căn phòng đầy đủ tiện nghi. Cửa phòng tắm khép hờ. Tiếng một bài hát ngoại vọng ra. Bài “Woman in love”.
- Ê, không được nhìn trộm nghe chưa. Bài hát một thời hoàng kim của “Nữ hoàng hoang dại” đấy. Nghe và... đợi nhé.
Lão giám đốc dân chơi vội bỏ tờ Playboy số cũ rích xuống sàn trải
thảm huyết dụ. Một chuỗi cười hềnh hệch, đính kèm cái sở học tiếng Anh cấp kỳ của lão:
- Gentleman... Anh bao giờ cũng là gentleman mà cưng. Ê, xưa nay người quân tử đều biết đạo kiên nhẫn để làm nên việc lớn. Đừng coi anh như mấy đứa tiểu nhân.
Lão ta nhếch môi y hệt mỗi khi hạ quyết tâm đầu tư vào một công cuộc làm ăn toát mồ hôi hột nào đó. Câu nhắc khéo tiếp theo chứng tỏ là dân chơi thứ thiệt:
- Đừng nói là anh mà ngay cả nắm... ông tổng thống cũng biết phải chìu em thế nào cho đẹp. Có ông thọ nguyên “trăm tuổi” đấy cưng.
Một cái nhếch môi khác trong bồn tắm. Cô gái chân dài ngây thơ hơn với giọng ứ hự trẻ nít:
- Thằng tây bạn đời hở anh? Ê, mà xong rồi còn đưa em đi một vòng shop-ping nữa đấy. Vốn làm ăn cứ quay vòng đều còn sắc đẹp thì là không đâu nhé. Nó... “One-way ticket”, một đi không trở lại, mà anh?
- Đã nói không thể lộ liễu cùng em nơi công cộng. Cần gì anh cho nấy. Em sắm được mà. Không cái gì khó kiếm cả. Tuốt tuột... Vả lại, còn bao nhiêu cuộc họp đang chờ. Cho anh sorry đi cưng.
Cô gái bắt đầu lấp ló ở cửa phòng tắm. Giọng hờn tủi:
- Không thèm sắm gì cả. Chỉ sắm những... thằng hơn anh.
- Ồ, superman làm gì có. Anh đã là gentleman ngoại hạng.
- Thằng tây bạn đời anh đấy. Có mà. Có nhiều nhiều...
Lão giám đốc đầu hói bắt đầu “quáng gà” khi cánh cửa phòng tắm từ từ hé ra thân hình hoả diệm sơn bốc lửa. Một cái chân nõn nà thò ra với ngón chân duỗi kiểu vũ ba-lê sân khấu. Ngón chân đặt hờ chưa chịu chạm xuống mặt thảm. Giọng cười rúc rích khiến lão ta lụi tàn hồn phách:
- Bạn anh đủ lịch sự chưa? Bảo ông ấy dìu em lên giường đi. Ê, trò chơi nghệ thuật. Vũ ba lê kiểu “thằng tây lót đường” biết không? Mau mà anh... Mỏi lắm.
- Biết... Quá biết đi chứ. Dân chơi mà. Có ngay nghệ thuật.
Giám đốc lật đật, bật nắp săm-xô-nai khi nào cũng lè kè bên lưng. Lão cười tít mắt như trẻ con, bò ngay xuống thảm, đẩy “tráp bạc” lần tới... Đặt một tờ đô la xuống ngay dưới chỗ ngón chân của nàng, lão cẩn thận xoay cho chiều dọc của nó hướng về phía chiếc giường bát bảo. Luôn để hình “thằng tây” lên mặt trên. Tờ trăm đô la in hình một vị tổng thống...
Lão đầu hói chìa bàn tay “Xin mời” để bàn chân cong cớn kia từ từ giẫm xuống. Bò... thụt lùi, lão ta chuẩn bị cho bước chân kế tiếp. Người đẹp hoả diệm sơn khoan thai, bước chân luôn nhỏ nhẹ như bước của loài chim. Chân trước, nàng đặt xuống để chân sau từ từ đánh gập lại sau bờ mông vệ nữ. Ngực ưỡn, đầu người đẹp quay lui nhìn xuống bàn chân đang gập ấy. Tờ đô la được ngón chân giữ chặt, dính theo như có phép mầu...
Khi cánh tay bên chân trụ quay lui, khoát một vòng kẹp lấy tờ giấy lót chân chỉ với hai ngón tay duỗi thẳng. Cánh tay còn lại đưa hai ngón lên môi. Nụ hôn gió ban xuống tên khán giả đào hoa. Bộ mặt lão ta đệt ra, mạch máu muốn bung vành mỗi lần cái cận cảnh lồ lộ “áp dấu” ngay bon vào trán hói.
- Thủ tục trình duyệt. Ngạc nhiên chưa!
Người đẹp hoả diệm sơn phá lên cười khanh khách nhìn xuống con mồi đang chịu... chết.
Giám đốc cười ngây ngô, hết sức phát âm một câu chuyên dụng nằm lòng “Oh. What the wonderful girl!”. Ánh mắt lão đã bắt đầu hoá dại...

4*
Năm giờ chiều, ở sảnh đường khách sạn. Cô gái ấy xuất hiện trong trang phục mùa thu với ủng ngắn và áo choàng cúc hở, kính cài ngược lên tóc đang nhỏ to chuyện trò với một nàng cát-sê chân dài khác:
- Sao? Hắn chê ít chắc. Mày có bảo là khách sạn phụ cấp thất nghiệp ngang cơ bọn tây chứ. Tụi ấy cũng ba trăm đô mỗi tháng nhé.
- Ồ, loại thông dịch viên “pháp sư” bao đủ tour Anh, Pháp, Đức cái gì không biết mày? Hắn sống an phận nhún nhường. Giả chết đấy. Ê, tao thấy “lập trình” của mày... Nó nặng phần nghiệt ngã.
- Ô kê, tao đạo đức giả. Cái gì giả nhưng “đồ nghề” đừng giả nghe mày. Nước mắt giang hồ đấy à? Tụi mày đạo đức... thật lấy đâu ra dzậy? Cho đến khi chiều xuống... Là “xôi oản” giộng toàn silicon vào rồi thì chỉ đi với bọn nháy ảnh “Ba mươi sáu kiểu” mà sống! Còn bao nhiêu thời gian mày? Rồi sẽ cháy tàn đêm hiu hắt đó con. Chả có ai thương tao hơn chính tao.
- Nghe tao nói nhưng hắn bảo cũng đến lúc từ giã, không phải cần ai thương hại. Hắn ca cẩm, thông dịch viên nơi đây hoá ra chỉ chuyên dụng thứ ngôn ngữ “không tài nào đàn ông có nổi”. Hắn chán. Hắn muốn tìm một công việc khác, không vì ai vắt chanh bỏ vỏ. Hắn tự thú là đã quá dốt nát về cái chuyện phe cánh thập thò. “Thời của các quý vị cầm tinh con chuột”. Thế đấy, hắn chỉ cười khan trước khi quay bước, cũng chẳng ngó ngàng đến phong bì. Trả lại mày. Hết cách.
- Tao hiểu. Hắn không có ý hại ai. Người như hắn không bao giờ là “sát thủ”. Hắn muốn đứng ra ngoài mọi tranh giành quyền và lợi phe cánh. Và thế, hắn đã tự mình khai tử. Sự chật chội môi trường sống bây giờ không còn chỗ cho những kẻ độc hành. Này nhé, căn cứ vào nhu cầu hưởng thụ “super thời thượng” so dịch vụ du lịch nguyên thuỷ “trắng” mà hắn chủ trương. Hắn đã thành vật cản thời đại - chính xác đấy - tao không nghĩ hắn nạn nhân ai cả. Dù sao từng sư phụ bọn mình, mới có chuyện tao đề nghị trợ cấp hắn đôi ba tháng. Dĩ nhiên khách sạn ô kê, khi mà tiền túi tao móc ra. Để thay hắn làm xếp thông dịch viên ở đây, gọi là có chút đền bù. Thế...
- Mượn danh nghĩa khách sạn chi vậy?
- Nhanh, tránh vòng vo tam quốc. Xong chuyện.
- Mày đơn giản kinh hoàng. Chỉ có hai loại vật cản, vật không cản là xong. Kỳ quặc, trước kia mày bái phục hắn? Xin lỗi, hơi tò mò.
- Tao non choẹt, cứ một thời tưởng nghệ thuật nào cũng ngồi trên đất hứa. Có điên! Đã giã từ sàn diễn như giã từ ảo mộng. Nghệ thuật nào thực tế hơn nghệ thuật kiếm sống mày? Trong đó, ai method nấy. Ê, có đứa nào bảo đồng bạc không hề ban rung cảm? Là tao đang tận tuỵ con đường của tao. Hắn học rộng tài cao nhưng quá buồn cười. Luôn ở trên mây, hắn mơ màng sáng tạo nghệ thuật. Ấy, cu li nghệ thuật có ngu ngốc cỡ như tao cũng chả đáng buồn cười. Hợp lý đấy. Tao chỉ làm cu ly cho chính tao thôi. Nghệ sĩ là quái gì, bong bóng màu to rỗng.
- Oh, yes. Chỉ còn lại... Nghệ sĩ của nghệ thuật kiếm sống. Một nghệ thuật chưa bao giờ rời xa nhân loại. Tao nữa đấy. Đừng có gọi cu li quá mono nghe mày. Nghe thế nào ra stereo chút. Âm thanh nổi đi!
Phút im lặng. Thấp thoáng mơ màng trong mắt, cô gái hoài cảm:
- Bỏ vũ ba-lê. Theo một thời gào hát như điên. Tưởng nó đi tới đâu rồi nhé? Hoá ra chính tao phải tự thắp lên ánh đèn sân khấu của riêng tao. Đấy, các đứa chân chỉ, ôm “thương hiệu” để chết thèm. Chúng đào ở đâu ra mỹ phẩm Hollywood, Mercedes và ngọc trai trưng diện hở mày?
- Tiếng Anh và nhan sắc! Chỉ có thế. Mất công làm người mẫu ít lâu ngộ ra ngay. Tao đá giò lái thằng chủ show đểu cáng. Ôi điêu tàn, cứ lắm bé ngoan còn lần lượt “đưa đồ”. Nào các bộ sưu tập mới lạ chi chi... Đ.m thằng ranh ma chuyên “sáng tạo” các thứ tào lao. Bộ sưu tập... háng đàn bà thì có. Hắn ăn chặn trinh tiết, chuyển giao cái công nghệ ngành thịt người ra... “Gái gọi”. Bây giờ tao có sạn trên đầu.
Người đẹp hỏa diệm sơn gật gù:
- Mày thì nhớ đời thằng “nghệ sĩ tạo mẫu” tởm lợm ấy. Sẽ có một ngày tàn cuộc giang hồ cho nó. Còn cái sự tao nhờ vả ấy à. Mày đã cật lực. Thằng quân tử Tầu từ chối thiện chí của tao. “Boa” luôn cho mày. Nhé. Để cứ thấy cuộc đời còn tươi đẹp. “To be or not to be. This is the question”. Ngạc nhiên chưa!
Hai cô gái chân dài cười như điên. Cú chạm cốc whisky nảy lửa:
- Ô kê ngay. “Let's twist again”. Nào, hiện hữu tràn be...
Hai cô gái trẻ đẹp đập bàn tay vào nhau thay lời từ giã. Người đẹp hoả diệm sơn bước ra khỏi sảnh đường khách sạn. Trước khi mở cánh cửa chiếc Mercedes 250 SL, cô gái còn hỏi vọng vào:
- Mày có biết hiện hắn làm gì không? Lắm tài lo gì thất nghiệp.
- Bảo... “Chạy bàn một quán cà phê cóc”. Tao chưa tin.
Cánh cửa dừng lại. Một chút ngập ngừng với câu nói mông lung:
- Đằng nào cũng phải làm gì đó kiếm sống. Tội gì nhỉ? Tự làm nghèo khốn mình đi, khi mà cuộc đời còn quá nhiều đứa chó mửa... lên voi. Theo thuyết Khắc kỷ của Diogène đập vỡ cái bình ấy à. Chi vậy? Hay cứ phép “thắng lợi tinh thần” ông Lỗ Tấn. Mày thay tao tìm hiểu chút đi. Một lần cho nó... xong.
- Bây giờ thấy đi xế điếc. Chắc bắt đầu sa sút, cầm hơi.
5*
Thứ bảy tuần sau. Bảy giờ tối ở nhà hát hạng ba thành phố. Vé cầm tay, mọi người chuẩn bị vào cửa. Những tờ quảng cáo quen thuộc cứ vung vẫy giữa nhiều người. Đủ các lời tán dương hoặc những câu tục tĩu không ngớt tuôn ra...
Chuông reo. Mọi người chen lấn vào cửa. Dăm mười phút sau khi yên vị, ai nấy đều ngơ ngác nhìn nhau. Đèn vẫn không được tắt. Sân khấu hình như đang còn trong tình trạng lôi thôi chưa ổn định. Tiếng hú huýt của thiết bị âm thanh khi to khi nhỏ. Người ta liên tục điều chỉnh dây dợ, máy móc... Những của nợ ấy ngổn ngang chưa ai xếp đặt.
Trên sân khấu chính diện, nhiều kẻ đang chen lấn dồn cục quanh một cái thang cao ngồng. Người leo lên, kẻ kéo chân lôi xuống. Ai nấy đều vác mặt nhìn lên nóc sân khấu chả thiết gì nhiều thứ đang bị giày xéo, giẫm đạp ngay dưới chân mình. Tiếng hô hoán, gọi nhau rõ mồn một qua loa phóng thanh không sót chữ nào.
Thấp thoáng hai bên cánh gà sân khấu, đôi ba người cứ điềm nhiên soi gương thoa phấn, vẽ mặt. Họ làm điệu bộ vừa ướm thử các kiểu hoá trang. Ai đó khi cúi đầu như mặc niệm, khi đột ngột vỗ tay đôm đốp, tươi cười. Có kẻ thấp thoáng xa xa không hiện rõ mặt mày tay cầm xấp giấy, ra hiệu người kia tới trước, kẻ khác lui ra... Hắn ta nhắc tuồng nhỏ giọng sau cánh gà. Các người khác lớn tiếng hơn, nhái theo y hệt không sót chữ nào.
Thời gian chết trên sân khấu kéo dài. Lời dẫn chương trình vắng bặt.
Đâu đó cứ một loại âm thanh léo nhéo nhàm chán phát ra từ cát-sét quá lỗi thời. Nhiều cây mi-cờ-rô không sử dụng, bị lùa phứa xuống khỏi sân khấu, lỏng chỏng ở ngay trước mặt hàng ghế hạng nhất.
Trong lúc ấy thì giàn đèn màu đang hoạt động cật lực. Đấy là loại thiết bị hoàn hảo nhất chả cần chỉnh sửa gì thêm nữa. Liên tục đủ xanh, đỏ, tím, vàng thay nhau nhuộm màu sân khấu một cách loè loẹt.
Một người ở trần đầy mồ hôi. Gã ta, có lẽ là công nhân khuân vác hậu trường ôm khệ nệ các thứ, ngấp ngỏng dáo dác nhìn xuống khán giả với vẻ nhọc mệt:
- Đông nhỉ? Giúp nhau một tay đi chứ. Mãi cứ ngồi không khoẻ thế. Gã lại thở dài thườn thượt mà không hay biết mấy cây mi-cờ-rô đang
phóng đại âm thanh chát chúa của mình:
- Không thấy gì hết à? Có ai diễn thật đâu. Ngồi xem diễn giả để làm gì nào... Chịu luôn. Thật uổng phí bao nhiêu thời giờ.
Gã ho khan mãi vì hít nhằm những mảng bồ hóng bẩn thỉu từ trên cao rụng xuống liên hồi. Đột ngột, gã ta hét lên kinh hoàng vất bỏ đồ đạc, ôm đầu chui xuống gầm mấy cái bàn kế bên. Một số sà ngang mối mọt trên nóc rơi thọc xuống lập tức gãy nát.
Mọi người không hiểu sao cả, cứ trố mắt nhìn nhau y như ở trên mặt trăng. Đã hơn nửa tiếng đồng hồ từ khi vào rạp hát đến giờ. Năm ba vị bực dọc bỏ ghế đứng dậy đùng đùng bước ra “Giờ vào cửa có vấn đề”. Ai đó nói với nhau để tự mình giải thích sự cố “Nhà hát không hề tôn trọng khán giả”. Tiếng nói chuyện, hỏi nhau râm ran...
Không còn ai đủ kiên nhẫn. Ban đầu, còn hơi nhỏ giọng nhưng sau đó người ta hét lớn. Họ đứng cả lên ghế ngồi để chỉ chỏ. Tiếng mặt ghế liên tục bị gập lại, mở ra đinh tai nhức óc.
Một vài vị hầm hầm nhảy phóc lên sân khấu bày tỏ thái độ. Họ tiến lại gần mấy người chỉnh sửa, xem những kẻ ấy trả lời ra sao:
- Ê, các ông bạn. Có phải nhà hát không đây? Ai là người đang điều khiển đấy nhỉ? Chúng tôi chen lấn toát mồ hôi hột để vào ngồi xem các thứ quái quỷ này à? Này, ai cũng lận lưng ra mà mua vé đấy. Đóng tiền nghiêm chỉnh chứ không bớt xu nào. Có người bóp bụng nằn nì các thằng đểu bán vé chợ đen nữa đó. Lý do gì? Nói ngay đi chứ. Có phải là... còn lâu mới như chương trình quảng cáo hứa hẹn. Rồi ai chịu thiệt thì mặc bố nó phải không? Đã vào cửa rồi thì ráng mà chịu. Nhà hát giả câm giả điếc, vô trách nhiệm là xong. Hở...?
Hình như tất cả vẫn lo việc của mình, chẳng ai thèm trả lời câu hỏi.
- Ồ, nói làm gì. Coi kìa. Đây là những kẻ được thuê mướn. Họ coi như chẳng liên quan gì sất. Đến làm, nhà hát trả tiền công xong thì về. Họ đâu có cần... khỉ gì chúng ta đâu.
Mọi người dở khóc dở cười, nhìn nhau. Nhiều câu tục tĩu tuôn ra. Một thiểu số, xô vẹt đám đông lặng lẽ đi ra. Đấy là những kẻ bận việc hoặc không còn cảm hứng nào nữa. Phần lớn ở lại, không kiên nhẫn nhưng vì sợ mất tiền một cách dại dột.
- Cùng lắm thì đòi cho ra tiền vé lại thôi. Ngồi đến hết giờ mới về. Tụi mày cứ mong chúng ông bực tức bỏ đi chắc? Ê, đừng có hòng. Còn lâu mới ra khỏi cửa. Thứ lường gạt. Đồ đểu...
Có nhóm người nhân cơ hội lôi rượu ra điềm nhiên bày cuộc với nhau trong góc. Họ bàn bạc thơ văn nghệ thuật sôi nổi như thường. Một kẻ gật gù rung đùi nói với người bên cạnh ra cái điều tri thức, nhìn xa hiểu rộng:
- Thế đấy. Cũng phải cảm thông cho nhà hát. Cứ kiên nhẫn chút rồi đâu sẽ vào đấy. Cái gì chứ khoa học kỹ thuật không đơn giản. Có là vấn đề tâm lý để khắc phục hoàn cảnh ngay được đâu. Đồng ý, là bỏ ra tiền mua vé thực đấy. Khó khăn là khó khăn chung. Chuyện “thường ngày ở huyện” lạ gì chứ.
Đột ngột một giọng nói vang lên từ máy phóng thanh. Ai đó chụp lấy mi-cờ-rô vẫn đang đặt lỏng chỏng ngay trước mặt khán giả hàng ghế hạng nhất. Âm thanh dội lên trong lòng nhà hát:
- Cái này để làm gì đây? Cũng là tiện ích sử dụng tính luôn vào tiền vé đã bỏ ra đấy. Trong lúc như thế này. Tại sao không ai dùng nhỉ. Có quên đi không? Xin mời...
Khán giả thấy ngồ ngộ, im lặng phần nào. Một cha căng chú kiết nào đó lấy can đảm nhảy lên sân khấu, hét vào mi-cờ-rô:
- Nhà hát phải trả lời. Nói đi. Chúng tôi có quyền yêu cầu.
Đám đông hô hoán tỏ ý tán đồng ngay nhưng hắn đã biến mất. Biết thế nhưng chẳng ai rục rịch, người nọ quay sang bảo người kia “Tội gì không nói. Tiền mua vé là cứ thu vào xoành xoạch. Có cho ai đồng nào không?”.
- Bảo ngay vào mặt thằng giám đốc chó chết. Quân bố láo lợi dụng nhà hát để làm giàu đây mà. Một lần này thôi, đủ nhé...
- Báo cho mà biết. Không có khán giả thì lũ ma mãnh nhà hát ra ngoài nghĩa địa mà diễn. Chúng ông càng vất vả chen lấn thì chúng mày càng giàu. Chúng mày giàu rồi thì là chúng ông phải vào sọt rác chứ gì.
- Quỷ quái thật... Láo.
Tất cả những chào xáo, hô hoán này đều được khuếch đại, không ai
không rõ. Có lẽ chẳng nói trực tiếp vào máy, âm thanh cũng đã đủ nghe rõ mồn một. Giàn mi-cờ-rô quá gần, tự nhiên đã giúp cho điều ấy. Đột nhiên có người tiến ra, lôi hẳn một cây mi-cờ-rô đặt lên trên sân khấu:
- Vâng, nghệ thuật đang bị lợi dụng và trưng dụng đủ kiểu... Khán giả bình dân đã bị coi thường, dần phải chịu về bên thiệt. Trong khi ấy, sẵn sàng như một tiểu xảo đền bù, các danh từ tốt đẹp nhất luôn để dành tôn vinh cho quý vị... Những kẻ đã cật lực lao động bỏ thì giờ, tiền bạc chỉ để muốn tìm thấy cảm xúc, tâm tư nói lên đích thực tiếng lòng mình.
Vâng, tâm tư khán giả đã không nhận đủ phản hồi chân chính. Quả ai nấy đều thầm tự hỏi, rằng nhà hát cần gì ở quý vị nữa không? Ngoài số thu nhập để phục vụ cho nơi chốn đang nhân danh nghệ thuật, nhân danh quý vị.
Có không ít kẻ nhân danh ấy đã làm nên cơ nghiệp. Họ bây giờ chỉ chú tâm các diễn xuất trên nhiều sân khấu khác, giàu có hơn. Thực ra chúng ta chỉ là cái bàn đạp thuở ban đầu... Vì thế, họ đã rời xa sân khấu hôm nay. Phải chăng mong đợi chính đáng và thiết thực nhất của quý vị đã trở nên phá sản. Thưa quý vị... Tôi đang được hầu chuyện cùng những người thu nhập thấp, các khán giả một nhà hát hạng ba...
Giọng anh chàng ban nãy, trực tiếp trước mi-cờ-rô. Mọi người hả hê gật gù nhìn nhau tương đắc. Dấu hiệu sự đồng cảm của đám đông có thể đọc ngay trên nét mặt nhiều người. Đột ngột tiếng vỗ tay vang lên như sấm dậy. Lời nói bị gián đoạn, người ta chồm cả tới để cố xem mặt người đang đứng trước mi-cờ-rô. Có cặp vợ chồng trố mắt, níu vai nhau:
- Ôi, kìa anh... Đấy, cha nằm ở ghế đá công viên tuần trước.
Trong góc nhà hát. Mấy người đang chuyền nhau chai rượu bất ngờ
đứng cả dậy ngơ ngác hỏi nhau “Có phải chú em chạy bàn đây không? Tao thấy y chang”. “Đúng hắn. Không nhầm vào đâu được”.
Cô gái rất đẹp sang trọng ngồi ở ghế hạng nhất vội vã ra khỏi chỗ, cúi đầu bước nhanh về phía hành lang vệ sinh. Một cuộc điện đàm di động sau đó:
- Ngay nhà hát bình dân thành phố. Đúng, tao tìm ra rồi. Là hắn... Chắc chắn. Một cái gì đó ở đây thì phải... Tốt nhất mày đến ngay. Cứ “búng” cho thằng soát vé vào cửa một cái đi. Ô kê, tao đang ngồi ghế hạng nhất bên trái, ghế thứ chín... Yên chí, hắn đang nói như điên, không thấy gì đâu. Cần, đeo kính đen vào như tao cho chắc. Nhé... Cứ thế. See you again.
Trở vào ghế ngồi, cô gái đẹp càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy những người trên sân khấu lần lượt bước ra chào khán giả. Họ đều tươi cười, đầy thân thiện và trịnh trọng y như những diễn viên vừa biểu diễn xong tiết mục của mình. Có cả người đã ở trần khuân vác. Không ai có thái độ thiếu nghiêm túc cả. Hoá ra... Họ đã diễn về những “nhân vật diễn viên”.
Người đang đứng giới thiệu lần lượt tên của mỗi diễn viên, có giọng nói rất quen. Cô gái kín đáo đẩy gọng kính lên một chút để nhìn rõ hơn. “Đạo diễn là chính... hắn”.
- Trân trọng cảm ơn quý vị... Vở diễn nhằm xoá đi sự cách biệt giữa diễn viên và khán giả. Không lẻ loi như khi phải ngồi trước các thiết bị nghe nhìn - màn hình chẳng hạn - quý vị thấy đấy... Tất cả chúng ta, kể cả người im lặng nhất, đều là những “nhân vật”. Vâng, những “nhân vật” của vở diễn hôm nay. Mặt khác, một cách đồng thời... Tất cả chúng ta đều là “diễn viên”. Hoặc chính danh hoặc là “diễn viên” tự nhiên trong phút giây sôi nổi nhất vừa biểu hiện. Thưa quý vị, tất cả những gì đã nghe, đã thấy, đã diễn ra... Hết thảy đều đã góp nên toàn cục cho diễn xuất chung trong vở diễn hôm nay. Vở diễn thể hiện nguyên bản thái độ, tình cảm và tâm tư quý vị... Các khán giả bình dân...
Thưa quý vị, tại đây sân khấu đã được cố tình mở rộng hơn, vượt ra khỏi không gian ước lệ thông thường. Vâng, mọi nơi đều là sàn diễn... Không chỉ ở trên kia, nơi tấm màn được mở ra hoặc kéo lại... Sân khấu còn ở ngay chỗ quý vị đang ngồi. Đấy, với hàng mi-cờ-rô đã được tế nhị đặt xuống lúc ban đầu. Thực hay ảo? Nghệ thuật hay chỉ là trò chơi hư cấu...?
Câu trả lời chắc sẽ còn vọng lên nhiều lần trong mỗi một chúng ta... “Nhân vật? Hay diễn viên??”. Đúng thế - gã chạy bàn nói tiếp với một thái độ đầy trân trọng - Cũng là tên của vở diễn hôm nay...
Thưa quý vị. Như đã biết, hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật thiên hình vạn trạng đến không cùng. Sẽ không còn phát triển nghệ thuật khi bên cạnh đó, tính sáng tạo đã bị xem như một thủ tục không mấy còn thiết yếu. Thông điệp tình người chắc chắn làm sinh mệnh cho mọi ngành nghệ thuật. Bởi lẽ, chỉ có tính sáng tạo của nó mới chứng minh nổi đâu là khác biệt có thực giữa con vật và con người. Tôi muốn nói đến tính sáng tạo của văn minh để phân biệt với quán tính, thói lập lại là dấu vết từ bản năng mông muội.
Vâng, dừng sáng tạo nhất thiết con người không tiến tới văn minh... Một cách khác, không thể có văn minh khi thiếu vắng tính người. Hoặc đấy chỉ là nền “văn minh ảo”. Từ đó, để thấy rằng - sáng tạo nói chung, sáng tạo nghệ thuật nói riêng - nhất thiết là thước đo trình độ một nền văn minh, một quốc gia hoặc ngay cả một thời kỳ con người ghi dấu... Cần sáng tạo nữa không, hay chỉ nên lập lại các giá trị đã vĩnh hằng? Câu trả lời đồng nghĩa với văn minh.
Xin lỗi quý vị. Có thể quý vị vẫn chưa hết ngạc nhiên. Song các lời nói, thái độ, mọi tình cảm... của quý vị vừa rồi không hề trong một giấc mơ nào cả. Nó từ đáy lòng quý vị. Một trong nhiều điều mang ý nghĩa lớn lao của nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật, đấy là tạo điều kiện để các cửa sổ tâm thức mở rộng hơn chứ không hề ngược lại. Vâng, tất nhiên phương diện tuyệt đối mà nói, vở diễn chắc rằng chưa dừng lại ở đây...
Một lần nữa, chân thành cảm ơn quý vị khán giả vẫn hết lòng vì nghệ thuật hôm nay. Vở diễn thành công hay chưa? Không quan trọng. Song chắc chắn chính quý vị đã cảm xúc. Chỉ có sự sẻ chia thật tình mới đích thực làm nên ý nghĩa ấy. Quý vị, những khán giả bình dân lao động vốn thân quen với một nhà hát hạng ba. Tất nhiên, trong số đang hiện diện nơi đây đại đa số đều thu nhập thấp. Có kẻ chưa ổn định cuộc sống. Thậm chí người còn vất vả tìm việc để có thể qua ngày. Xin coi như cơ hội để gặp nhau, cùng chia sẻ nỗi lòng...
Tiếng vỗ tay lại nổi lên không ngớt.
 
6*
Chuông reo. Lần lượt khán giả ra khỏi cửa. Người ta vui cười nói với nhau những lời thanh thản... Ai nấy tự nhiên như gần gũi nhau hơn. Khách sảnh nhà hát hạng ba khá chật chội. Một cái bàn kê giữa lối ra vào. Hai người đàn ông đeo kính đen đứng đó, bắt tay khán giả đi qua. Họ cứ mỉm một nụ cười lặng lẽ. Trên bàn, đặt một áp-phích nho nhỏ kẻ bằng tay. Hàng chữ chân phương, nắn nót đập vào mắt mọi người: “Được nhận toàn bộ tiền vé vào cửa vở diễn hôm nay, Hội người mù tỉnh nhà chân thành cảm ơn anh chị em nghệ sĩ và khán giả từ tâm”.
Cặp vợ chồng đưa mắt nhìn nhau. Người đàn bà hỏi “Sao tờ quảng cáo không ghi gì nhỉ? Nếu biết trước là việc từ thiện, mình chắc không bàn cãi suốt tuần rồi mới đi mua vé”. Người chồng ra cách hiểu biết hơn, giải thích “Có lẽ để tôn trọng Hội người mù, đồng thời người ta không vay mượn danh nghĩa nào làm vốn nghệ thuật như một số thủ thuật hay thấy”.
- Thế, người ta tặng hết tiền thu vé rồi lấy đâu...?
Ông chồng ngần ngừ, hơi bối rối “Tất nhiên, họ phải có nghề nghiệp ổn định đâu... đó rồi chứ. Chắc thế. Nhưng mà nghệ sĩ chân chính thì thường là những vị nghèo xơ nghèo xác đấy”.
Người vợ chợt đổi giọng ăn năn “Em đã không phải với ông ấy. Có lần nói nầy nọ...”
- Ông đạo diễn chứ gì? Đấy, hôm gặp ngủ ở ghế đá công viên đã bảo là không phải xì ke. Cứ tưởng khi nào cũng y như mình nghĩ... Là lầm to đấy. Không phải cứ mắt thấy...
Ông chồng nói, vừa quay lui như tìm sự đồng cảm với ai đó đi sau lưng mình đang cố ý lắng nghe câu chuyện. Ồ, hai cô gái trẻ rất đẹp đều đeo kính... đen! Họ hình như xúc động, cúi mặt dìu nhau đi rất chậm.
Ông chồng nín bặt, chột dạ. Người vợ trố mắt quay lui và vội vã dứt ra khỏi tay chồng. Bà ta chạy đến bên hai cô gái và dịu dàng nắm lấy tay họ:
- Không sao đâu. Hai em cứ nắm lấy tay chị đây. Nhé. Đi từ từ coi chừng vấp ngã.
Người chồng đứng ngẩn ra, sau đó lật đật nói với vợ mình:
- Anh gọi ngay chiếc xích lô đây. Em hỏi đi. Các cô ấy sẽ về đâu?
Mọi người đưa mắt nhìn nhau thương hại “Ôi, tuổi thanh xuân thế kia. Hai con người bất hạnh”. Có xuýt xoa nho nhỏ ai đấy đang thầm thì. Bỗng mọi người lại reo lên, nhường lối đi khi thấy những diễn viên lần lượt đi ra, đến bắt tay hai đại diện Hội người mù.
Một trong hai vị này từ tốn thốt lên:
- Chỉ nghe được phần âm thanh của vở diễn... Song, các bạn đừng ái ngại. Bằng tâm hồn, chúng tôi
tự hiểu lấy phần còn lại.
Họ ghì lấy nhau trong tiếng hoan hô và hạnh phúc đồng cảm. Có khán giả vừa cười vừa quệt ngang nước mắt. Đại diện Hội người mù đề nghị gặp một người...
Gã nhét vội ổ bánh mì dang dở vào túi quần và tất tả chạy ra. Đang cố
tranh thủ... sau cánh gà, gã vẫn cứ bị người ta tìm thấy rất nhanh. “Đạo diễn.
Ông ta đến kia kìa... Đấy!”.
Mọi người đổ xô về một phía. Vài tay phóng viên vừa xuất hiện. Ánh flash lóe lên. “Xin đạo diễn vắn tắt quan niệm nghệ thuật”. Gã tươi cười với cái bụng ọc ạch:
- Đơn giản, thưa các bạn. Với nghệ thuật chân chính thì Tình Người để chia sẻ chứ không phải là thứ phẩm vật để chúng ta ra sức vận dụng, tranh thủ nó nhằm biến thành lợi khí trang bị. Nói tóm lại Tình Người để chia sẻ, để phát tán rộng rãi chứ không để bòn rút gom thu, quy về nơi duy nhất nào cả. Theo tôi, đây mới là điều nếu không chú ý chúng ta dễ trở thành nạn nhân ngay cả khi được tôn vinh nhiều nhất.
Hai vợ chồng tốt bụng đang chú ý lắng nghe giọng nói ở đằng kia. Bà vợ nhón chân lên cố nhìn. “Xa quá. Em không thấy gì cả”. “Sáng nào cũng có ở ghế đá công viên. Ai thôi, mình thì còn lạ lùng gì nữa”. Ông chồng bảo vợ.
Hai cô gái lặng yên, không nói một lời. Họ hình như đang thấm thía nỗi mênh mông từ khoảng trống cuộc đời. Không ai ngẩng đầu lên cả, hai người cùng nhận ra chơ vơ bóng đổ dưới chân mình. Có lẽ lần đầu tiên trong đời, họ hiểu đích thực ý nghĩa sự sẻ chia trong nghệ thuật.
Đột ngột... Hai cô gái cắn môi, xô dạt cặp vợ chồng tốt bụng để cố đi nhanh khỏi sảnh đường nhà hát. Hai cái kính đen - như là loại mặt nạ tâm hồn trong trang phục riêng họ - rơi xuống giữa dòng người qua lại.
Vườn đá, thành nội Huế - 2008

T.H.T
(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)



------------------------------ 
(*) “Woman in love”, “One-way ticket”, “Let' s twist again”: Những bản nhạc ngoại nổi tiếng.
(*) “To be or not to be. This is the question”: Hiện hữu hay không hiện hữu.  Đây mới là vấn đề. (Câu nói trong một tác phẩm của Shakespeare)

 

Các bài mới
Nhớ và ghi (17/07/2008)
Các bài đã đăng
Cảm xúc Hightech (15/07/2008)
Lá trắng (15/07/2008)
Nhớ San (15/07/2008)