Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Giao lưu với mùa thu
10:01 | 16/07/2008
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGỞ Huế hình như không có mùa thu, mùa thu chỉ ghé lại thành phố giữa một mùa nào đó, mùa hè chói chang hay mùa đông rét mướt. Vì thế, bao giờ người ta cũng đón chào mùa thu bằng nỗi vui mừng đến với một người thân đi xa mới về để lại vội vã ra đi, bằng một cái mà nhạc sĩ tiền chiến Đặng Thế Phong gọi là “Con thuyền không bến”. Trên sông Hương, hình như thường có nỗi bơ vơ chờ sẵn những tâm hồn lãng tử quen xa nhà từ vạn cổ.

Từ mấy ngày nay, mùa thu đã ghé về trong thành phố nhỏ này. Đường phố tràn ngập những cô học trò đến trường trong mùa khai giảng, áo dài trắng, nón mới, quai nón nhiều màu và tiếng guốc kêu lốc cốc trên vỉa hè, lá vàng tươi rụng đầy mặt đường đến nỗi những kẻ lang thang vẫn nghe tiếng lá vỡ răng rắc dưới chân mình, tưởng như mỗi bước chân đi đều giẫm lên những chiếc lá mùa thu.
Sau mùa khai giảng chừng một tuần, Đinh Cường và tôi có thói quen đi chào đón mùa thu trên ngọn đồi đầy cỏ may ở phía Tây Nam thành phố, uống rượu làng Chuồn, nói chuyện đời, đọc một bài thơ hay của một ai đó vừa nhớ lại, đặc biệt là những bài thơ cổ, càng cổ càng tốt, chỉ hai đứa ngồi trên mỏm đồi này, giữa một vùng làng vườn thơm phảng phất mùi hoa Ngọc Lan như đã lưu lại từ những mùa hạ trước, ở xa xa vệt nước xanh thăm thẳm của sông Hương trôi lặng lẽ trong hơi sương như một cái gì thuộc về vĩnh hằng,và xen vào giữa những câu chuyện của chúng tôi là tiếng chuông chùa lan toả khắp cả một vùng nghe như thực như không và như phát ra từ một mái chùa cổ rêu phong bỏ quên lại từ đấy một thời gian nào đã xa của đời người.
Một ít lạnh, một ít thu vàng và một ít cô đơn của phận người, tôi gọi cuộc gặp gỡ với trời đất ấy là cuộc “Giao lưu với mùa thu”
Chúng tôi đã chuẩn bị cho cuộc giao lưu từ chiều hôm qua. Đặc biệt nhất Cường đã nhờ người bạn thân về tận vùng biển mua một cút rượu, gọi là rượu làng Chuồn, say bằng một cảm giác ngọt ở cổ, đưa người vào cơn say một cách nhẹ nhàng, quả là một thứ “quốc gia chi bảo” (tôi đã từng tự tay mang loại rượu này vào tặng bạn quý ở thành phố Hồ Chí Minh. Trịnh Công Sơn vừa gạt sang một bên những ly rượu đang dùng giở trước tay, vừa nói: Các thứ rượu ngoại ở đây gọi rượu Chuồn quê tao bằng cụ”). Chúng tôi gửi xe máy ở một nhà quen bên đường lên đồi, băng qua một đám đất hoang la liệt những lăng mộ cũ. Ngọn đồi này vẫn hoang vắng y cựu, nghĩa là không có dấu vết của những kẻ “phàm tục” hẻo lánh đến. Tôi nhìn ra quang cảnh bao quanh với một cái nhìn trùm lên tất cả: Một thung lũng thấp nằm xúm xít từng nhóm mộ phần của những dòng họ quý tộc cổ, một mảnh gồm những vườn cây với những mái nhà tranh êm đềm nhả khói, bãi cát hẹp và con đò chèo đi trong sương. Con đường cái quan đưa du khách lên những lăng vua chạy quanh co dưới chân đồi, những xe bò chở đầy những lá thông khô chậm rãi đi về hướng thành phố. Lăng mộ Vua ở đây bao bọc bởi những đồi thông. Sau một thời gian vàng son ngắn ngủi, các vị Vua cũng tạm hài lòng khi quay về với cát bụi, để người Huế đốt cháy những mớ tro tàn. Tôi ngồi xuống đối diện với Cường, Cường nâng cốc chúc cho một đời trai trẻ sống hả hê, tiêu dao cùng năm tháng.
Con đường nhựa dẫn du khách đi đến những vùng mộ vua chạy vòng vèo dưới chân đồi, trên đó những con ngựa hồng kéo từng chiếc xe thổ mộ chở đầy những bó lá thông khô làm chất đốt mùa thu của người Huế. Cũng vào cữ này, những khu vườn trái cây của vùng này thường nhả cao một màu khói xanh lam trùm lên màu lá xanh già. Ấy là màu lam huyền của khói đốt lá mùa thu, mà xuyên qua tấm màn mờ nhạt của chúng, người ta còn nhận ra bao nhiêu nỗi vương vấn ở đời. Cường, vốn ít nói, đưa mắt lơ đãng nhìn ra bốn phương trời, thu nhận thật đầy đủ để tạo ra những mùa thu vàng trong phong thái của anh.
Trong những bức tranh sơn dầu của Cường, tôi vẫn gặp lại cái màu vàng thật xôn xao trong những bức tranh của các họa sĩ Nga, hoặc những nỗi gì không biết, mà qua nét bút tài hoa của Cường, thoáng chốc đã trở thành những kỷ niệm. Cường đã từng vẽ một ngọn đồi hoang, một nhà cối xay gió bị bỏ quên thành một phế tích, cùng một con chim sẻ đứng ngơ ngác trước bụi cỏ khô.
Hoặc trong tranh “Pháo sáng” của Cường, vẽ theo trường phái trừu tượng - thuở ấy còn là chiến tranh – ánh pháo sáng được hoạ sĩ diễn đạt bằng hai vòng tròn, cũng với màu vàng bí ẩn, như một ám ảnh không nguôi trong tâm hồn Cường. Thậm chí, đôi lúc vẽ xong, mắt Cường, bỗng đỏ ngầu, rưng rưng muốn khóc. Trong những đứa bạn thân thiết của tôi, Cường là một người đã để lại trong tác phẩm của mình nhiều nhất những ấn tượng về mùa thu. Ở Huế, tôi cũng có một phòng làm việc sát cạnh phòng Cường, vì thế tôi có dịp tìm thấy thế giới của mình trong tranh Đinh Cường. Một hôm, tôi nhìn thấy Cường thẫn thờ trước giá vẽ, với tay trái bị thương, phải treo lên ngực với bông băng và thuốc đỏ, giống y chang như mới từ mặt trận trở về. Tôi thất kinh, hỏi Cường. Mới biết, đấy chỉ là một cách “Tìm cảm giác” của Cường. Trong bức tranh “Cầu say” khi ấy, Huế chìm trong đêm sương có hai chàng say chếnh choáng dắt nhau qua cầu. Bức “Cầu say” vẽ trên nền màu cam, những vài cầu Trường Tiền vẽ nguệch ngoạc như những nét bút lấy ra từ một cơn say; với những chùm đèn vàng trên cao giống như những nét chấm sáng cô độc của ý thức trong thế chông chênh nguy hiểm của hiện hữu. Bây giờ tất cả nỗi cô đơn sang trọng của Đinh Cường đều ở trong tay những nhà sưu tập nước ngoài. Tôi chìm đắm trong một cơn say nhẹ, đăm đăm nhìn về những hàng chim bay theo hình mũi tên nơi đầu núi phía . Mùa thu tôi thường ngắm chúng hiện ra ở chân trời, dưới những lớp mây xám, với một chút se lòng khi nghĩ rằng chúng là những gã giang hồ chuyên nghiệp và tôi không biết đêm nay chúng sẽ ngủ ở đâu. Tôi cũng khao khát rằng giá mình có thể thoát khỏi số phận nhàm chán này để đến một không gian khác mà tôi ưa thích trên trái đất.
Con đường nhựa dưới chân đồi trở nên hoang vắng lạ thường, với những người đàn bà cần mẫn nách những rổ trái cây hay những bó lá hành đi lên, những mớ rau trái mà ngày mai họ sẽ phân phối khắp các chợ Huế. Vùng này có những nương rẫy rộng mênh mông thường xuyên cung cấp rau trái Huế. Gần quanh đây, có ngôi tháp cổ của hòa thượng Kiết Ma bên đường, xây đối diện với mộ sư Từ Quang. Người quanh vùng thường thấy họ, một áo nâu, một áo vàng đi trên dốc núi đi xuống, cả hai hăm hở như đang tham gia vào một cuộc tranh luận say sưa. Một người theo đại thừa và một người theo tiểu thừa và họ luôn tranh luận bảo vệ học thuyết của mình. Khi thấy Từ Quang viên tịch, sư Kiết Ma xây bên cạnh mộ mình thêm một bức tượng đối diện với mộ Từ Quang, bảo rằng nhỡ khi trong cõi chết nếu thấy Kiết Ma có ý tưởng gì mà ông ta thấy cần phát biểu thì hoà thượng Kiết Ma sẽ ghi lên đấy để thầy Từ Quang có thể đọc, để tiếp tục cuộc tranh biện ở bên kia cõi trần. Tháp Kiết Ma nay vẫn còn và những người đi buôn bán rau trái ở chợ thường đặt lên chỗ thờ cúng những trái cây ngon nhất hoặc nếu không thì họ cũng đặt một vài viên sỏi xinh xắn mà họ nhặt được trên đường, gọi là để tỏ lòng tôn kính đối với một người mà lòng khao khát chân lý đã dậy tiếng một thời. Tôi nghĩ rằng bằng con đường ấy chân lý của đạo Phật sẽ không bao giờ cạn và người ta vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm ngay cả bên kia cõi vô thường.
Ấn tượng thứ ba chợt dậy lên xúc động trong tôi qua cuộc giao lưu ấy là hình ảnh của Huyền Trân. Với những bàn bè tò mò muốn biết về cuộc tình đầu của tôi, tôi thường trả lời rằng đó là “Huyền Trân Công Chúa”. Thật tâm tôi vẫn ngưỡng mộ bà, nhưng nói đùa “quá đáng như vậy, thì e có người cũng không khỏi lên án cho tôi là “phạm thượng”. Vâng, dù sao tôi cũng có một thời mê đắm, dù là người trong sử sách. Thời ấy tôi gọi nàng là Huyền Trân Công Chúa. Nhưng hôm gặp nàng đi trong sương chiều mờ mịt bước nhẹ thênh thênh khiến tôi nghĩ rằng nàng là một cô tiên đi từ đâu trên thượng nguồn sông Hương về. Phía thượng nguồn sông ấy là cửa rừng, ở đó có những cây dẻ toả hương thơm suốt bốn mùa và có những chùm nhụy hoa trôi bồng bềnh theo dòng nước. Không hiểu sao, trí tưởng tượng hoang đường của tôi cứ khẳng định rằng đằng sau cửa rừng là giang sơn của những nàng tiên và dưới gót chân họ mỗi người đều có mang một đôi cánh nhỏ. Vậy thì có một buồi chiều, cô nàng “Huyền Trân” ấy đã hiện thân từ một nàng tiên nữ, sống trong những động đá phía sau những cây hạt dẻ ấy. Thật ra, nàng Huyền Trân hiện đại của tôi sống ở ngoại ô Huế dưới chân ngọn đồi này và trước khi trèo lên đỉnh đồi chúng tôi phải băng qua một cái giếng bỏ hoang. Huyền Trân bảo tôi rằng giếng ấy là của người Chàm. Vâng tôi cũng nghĩ thế, chắc là vào thời Ô Lý người Chàm đã sống tràn ngập thung lũng này và đã để lại cái giếng làng của họ, giếng có thân tròn đáy vuông không phải của người Chàm thì còn của ai, tôi nghe một anh bạn ở công ty di tích nói thế. Có một ngày, Huyền Trân rủ tôi qua giếng cổ chơi. Tôi trèo xuống đáy giếng nghe hơi nước mát lạnh toả lên cả mặt. Mặt nước tĩnh lặng như mặt hồ, trong đó hiện rõ hình ảnh của Huyền Trân, với cành hoa ngọc lan cầm trên tay và mây bay lãng đãng trên đầu như những sợi tóc lười biếng của mùa thu, than ôi!... Đẹp không bao giờ quên được. Sau đó Huyền Trân đi định cư ở nước ngoài, tại thành phố San José bên Mỹ, lòng vẫn đau đáu nhớ tới cái bóng của mình ẩn náu dưới lòng nước tối thẳm của một đáy giếng cổ bỏ hoang trong một cánh rừng.
Qua những cuộc giao lưu, những ngôi sao dần dần khuất bóng. Huế ngày xưa có đủ mặt “Thất nhập nhị hiền” đến “Nhị nhập bát tứ”… đến bây giờ thì Trịnh Công Sơn đã đi đâu xa lắc để tôi lẻ loi ở lại một mình với những “chiếc lá thu phai”. Cả Đinh Cường cũng đã đi định cư ở mãi tận thành phố Seatle… . Ở bên ấy, lũ trẻ con đi ngoài đường có để lại những hình người bằng tuyết. Đinh Cường suốt ngày ở nhà một mình, cũng bắt chước đắp một người bằng tuyết bên thềm nhà, để tự đối thoại cho đỡ nỗi cô đơn.
Trời đã chuyển mùa, gió heo may bắt đầu trở lạnh, những chiếc lá vàng tươi đang vỡ ra dưới những bước chân. Cũng trời ấy, cũng đất ấy, cũng mùa thu ấy, chỉ họ không còn nữa. Những đàn bò đang thong thả về chuồng, tiếng mõ gỗ khua lốc cốc từ những con bò đầu đàn và trên một góc sân, lộ ra từ phía những xóm nhà thấp thoáng sau những vòm cây xanh, một đứa bé đang cầm sào đánh tơi những đống rạ vừa gặt xong, bên cạnh mấy cụ già lần lượt khoắng lấy và đưa lên cao để xây thành một cây rơm đánh dấu mùa gặt mới. Rồi dần dần thấy “phê” trong hơi rượu Chuồn mà đã khá lâu rồi tôi không có cơ hội để tiếp xúc. Bây giờ những kỷ niệm của một thời trai trẻ thoát ra bên ngoài cơ thể tôi, theo hơi rượu Chuồn và tôi cảm thấy gần như đầy đủ sự tái sinh của những mùa thu  kỷ niệm: Trời đất, sương mù, gió heo may trở lạnh, bạn bè... vâng. Mẹ thường đùa với con rằng mẹ sinh con nhằm ngày trùng cửu, nên tâm hồn con lúc nào cũng lãng đãng, nửa buồn, nửa vui giống như mùa thu. Và Huyền Trân nữa, em vẫn còn mãi là một hình ảnh, một dư hương của Huế bên tôi dù giờ này em đã ở tân bang California và đã theo chồng. Rút cuộc em chỉ là một ảo ảnh mà tôi đã gặp ở đáy giếng cách đây mười năm. Nhưng dù sao những cuộc giao lưu mùa thu cũng nhắc nhở người ta đừng quên một điều gì.
H.P.N.T

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Nhớ và ghi (17/07/2008)
Các bài đã đăng
Cảm xúc Hightech (15/07/2008)
Lá trắng (15/07/2008)