Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại & chủ nghĩa hậu hiện đại
15:10 | 16/07/2008
HOÀNG NGỌC HIẾN“…Tất cả những sự cách tân này cần thiết cho sau đó một chủ nghĩa cổ điển mới có thể xuất hiện…”            Paul Valéry


Ở phương Tây, Chủ nghĩa hiện đại và Chủ nghĩa hậu hiện đại có những cách tân sang trọng, sáng giá trong văn hóa, nghệ thuật nhưng không tạo ra đươc một viễn cảnh “tổng lộ tuyến” cho sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật, chúng tôi giới thiệu một viễn cảnh như vậy để tích hợp những cách tân “hiện đại” và “hậu hiện đại”, đó là “chủ nghĩa cổ điển mới” đã từng  được Paul Valéry, một nhà thơ lớn của Pháp linh cảm (“…tất cả những sự cách tân này cần thiết cho sau đó một chủ nghĩa cổ điển mới có thể xuất hiện…”) và đương được Fredecick Turner, nhà thơ và triết gia người Mỹ triển khai thành phong trào “chủ nghĩa cổ điển tự nhiên” đương phát triển khá mạnh mẽ ở nhiều thành phố ở Mỹ (1).
Thời gian gần đây, ở nước ta, đề tài chủ nghĩa hậu hiện đại nổi lên, có nhiều bài nghiên cứu về đề tài này. Trong khi đó, nhiều độc giả không hiểu mấy về chủ nghĩa hiện đại (mà quá trình thăng trầm trải ra trong bốn thập kỷ đầu t.k.20). Đây là một điều “trái khoáy”. Bởi lẽ:
– Chủ nghĩa hậu hiện đại trước hết là một phản ứng với chủ nghĩa hiện đại, do đó phải tìm hiểu chủ nghĩa hiện đại thì mới cảm nhận được chủ nghĩa hậu hiện đại. Mỹ học của chủ nghĩa hậu hiện đại có tính chất chiết trung, có tác giả trở về với chủ nghĩa cổ điển, có tác giả trở về với chủ nghĩa lãng mạn, không ít tác giả trở về với những trường phái chủ nghĩa hiện đại (họ tiếp nối với một sắc thái mới lạ, đậm hơn, mạnh hơn, đôi khi cực đoan, dĩ nhiên cũng có khi họ thử nghiệm những thủ pháp hoàn toàn khác lạ).
– Ở ta, chủ nghĩa hiện đại thường được hiểu theo nghĩa hẹp, ảnh hưởng của nó  được khoanh lại trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Hiểu theo nghĩa hẹp, nó có hai đặc trưng như sau:
+ Coi trọng sự biểu hiện ấn tượng, cảm xúc, “không khí”, “ánh sáng” hơn là sự tái hiệnthực tại”.
+ Coi trọng sự tìm tòi những thủ pháp hình thức hơn là bản thân “nội dung” được biểu đạt (cái vẫn được gọi là chủ nghĩa hình thức), coi trọng cái biểu đạt hơn là cái được biểu đạt.
Thời gian gần đây chủ nghĩa hiện đại đươc hiểu theo nghĩa rộng, gộp cả vào đấy những biến đổi khá sâu sắc trong thời trang, lối sống, tư duy nghiên cứu trong khoa học xã hội, nhân văn, cả trong khoa học tự nhiên nữa và như vậy, ảnh hưởng của nó bao trùm nhiều mặt trong đời sống văn hóa, nó được nhìn nhận là một phong trào văn hóa, một hiện tượng văn hóa. Tiêu biểu cho cách quan niệm này là Norman F.Cantor, một chuyên gia Mỹ lỗi lạc về lịch sử văn hoá (2). Theo tác giả này, để hiểu chủ nghĩa hiện đại theo nghĩa rộng cần thấy thêm mấy đặc trưng sau đây:
Chủ nghĩa tương đối về đạo đức. (ảnh hưởng mạnh mẽ đến lối sống)
Coi trọng phân tích đồng đại hơn phân tích lịch đại, coi trọng nghiên cứu cấu trúc của đối tượng hơn là lịch sử của đối tượng; cái vẫn được gọi là quan điểm phi lịch sử, chính là sự tập trung vào nghiên cứu cấu trúc của đối tượng, tương quan đồng đại giữa những yếu tố của nó, tạm thời “trừu xuất” lịch sử của nó.
Coi trọng nghiên cứu vi mô hơn nghiên cứu vĩ mô. Chẳng hạn, trong thế kỷ 19 ở châu Âu  thuộc thời kỳ tiền chủ nghĩa hiện đại, nghiên cứu vĩ mô có ưu thế rõ rệt. Vật lý t.k.19 nghiên cứu những quy luật vận động của các thiên thể trong vũ trụ (vĩ mô), nhưng đến những thập kỷ đầu của t.k.20 (thời kỳ chủ nghĩa hiện đại) các nhà vật lý quan tâm đến nguyên tử và những hạt dưới nguyên tử (vi mô); ngôn ngữ học t.k.19 nghiên cứu ngọn nguồn các ngôn ngữ châu Âu phái sinh từ thân gốc Ấn-Âu (vĩ mô), những nhà ngôn ngữ học thời kỳ chủ nghĩa hiện đại quan tâm đến những phần tử nhỏ nhất trong ngôn ngữ (âm vị, hình vị...); sinh vật học t.k.19 quan tâm đến nguồn gốc các giống loài (học thuyết có tính chất vĩ mô của Đarwin), sinh vật học ở thời kỳ của chủ nghĩa hiện đại chú ý đến cơ cấu của “gen”, từ đó hình thành sinh học phân tử. Một sự kiện đáng chú ý là bài báo về “gen” của Mendel được công bố năm 1866, tức là sau công trình “Nguồn gốc các loài” của Darwin (1859) bảy năm. Nhưng nó sớm bị quên đi vì một lý do đơn giản: công trình nghiên cứu vi mô này ra đời đúng vào thời thịnh hành của nghiên cứu vĩ mô. Mãi gần nửa thế kỷ sau, cùng với sự hình thành chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật, xu hướng nghiên cứu khoa học thiên về vi mô thì công trình của Mendel mới được các học giả quan tâm, làm nó sống lại.
– Coi trọng sự tham chiếu ngay trong tự thân của đối tượng được nghiên cứu hơn là sự tham chiếu ở những gì bên ngoài đối tượng. Chẳng hạn như nghiên cứu một tác phẩm văn học thì việc tham chiếu qua lại những yếu tố ở ngay trong văn bản tác phẩm quan trọng hơn sự tham chiếu ở tiểu sử tác giả, ở hoàn cảnh xã hội là những thứ ở bên ngoài tác phẩm, thao tác sau dễ làm hơn nhưng cũng dễ lông bông hơn.
Chủ nghĩa hiện đại, hiểu theo nghĩa rộng, trong bốn thập kỷ đầu ở những xã hội phương Tây - mặc dù không trực tiếp tác động, gây biến động trong đời sống chính trị - luôn luôn làm sôi động đời sống nghệ thuật, học thuật, gây những chấn động lớn trong đời sống văn hóa. Sống trong một bầu không khí như vậy, người ta nghĩ khác, sống khác, tự do hơn, phóng túng hơn và những thiên tài xuất hiện. Chính vì vậy có những học giả xem chủ nghĩa hiện đại như một cuộc cách mạng văn hóa. Trong lịch sử tư tưởng châu Âu, kể từ năm 1500, bắt đầu có sự chuyển mình để ra khỏi thời trung đại, có 3 cuộc cách mạng trong lĩnh vực tinh thần: Cải cách tôn giáo (thế kỷ 16), tư trào Khai sáng (thế kỷ 18) và chủ nghĩa lãng mạn (t.k.19). Phải chăng có thể nói đến chủ nghĩa hiện đại như một cuộc cách mạng thứ tư? Dẫu sao quá trình thăng trầm của Chủ nghĩa hiện đại trong bốn thập kỷ đầu thế kỷ trước cũng là một thời kỳ lớn của lịch sử tư tưởng châu Âu và nhân loại. Làm sao chúng ta có thể ngoảnh lưng với thời kỳ văn hóa tư tưởng sôi động và phong phú tinh hoa này để xúm lại thảo luận, tranh cãi về chủ nghĩa hậu hiện đại?

Với sự xuất hiện và phát triển rạng rỡ của những thiên tài trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Picasso, Kandínski, Giacometti, Apollinaire, Borges, Stravínski, Prokofiev..., cả Maiakovski, Aragon cũng từ đấy mà ra…, Chủ nghĩa hiện đại có một trữ lượng trí tuệ, mỹ học khổng lồ, mặc dù đến những năm 30 thế kỷ trước, nó bắt đầu cạn kiệt, những thế hệ nghệ sĩ sau này vẫn lũ lượt kéo đến tắm trong ánh sáng của nó, khai hóa tài năng và trau dồi nghệ thuật.

Về chủ nghĩa hậu hiện đại
Ngoài mấy nét chung: chiết trung về mỹ học, táo bạo trong thể nghiệm… cần đi vào thi pháp của từng ngành, từng bộ môn nghệ thuật. Hậu hiện đại trong kiến trúc rất khác hậu hiện đại trong văn học… và rất khác hậu hiện đại trong triết học. Những triết thuyết và triết gia được nhét vào cái bị triết học “hậu hiện đại” cũng lại rất khác nhau. Cố đặt ra một công thức, một định nghĩa phổ quát cho thuật ngữ hậu hiện đại nhiều lắm thì đưa ra được một nhãn hiệu.
Trong cái bị triết học “hậu hiện đại”, một chỗ dựa quan trọng cho Chủ nghĩa hậu hiện đại là quan điểm nhận thức luận của Jean FranÇois Lyotard (1924– 1998): phủ nhận tính thích đáng của mọi đại tự sự dẫn đến chủ nghĩa tương đối trong nhận thức mà hình thức cực đoan là: mọi quan điểm đều có giá trị như nhau, không được dành đặc quyền cho bất cứ quan điểm nào.
Về Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học, tôi chú ý đến  hai đặc điểm:
- Coi trọng cách kể phi tuyến tính hơn cách kể tuyến tính. Trong văn học phương Tây đương đại ngày càng có nhiều tác giả kể theo cách “phi tuyến tính”, có thể là trong cuộc sống đương đại, tốc độ ngày càng “chóng mặt”, thông tin ngày càng loạn, con người bị bắn phá thông tin tứ phía và liên tục…, trong một môi trường như vậy, với một số chủ đề, cách kể  “tuyến tính” không còn thích hợp nữa. Với cách kể (và mô tả) “phi tuyến tính”, thế giới trong tác phẩm bị “đứt gãy” cả không gian và thời gian; những hình tượng con người  bị “vỡ gãy” cả về hình thể và bộ mặt tinh thần; đường đời của nhân vật – nếu như họ có một con đường – cũng như những tuyến của cốt truyện – nếu như có một cốt truyện – bị đứt gãy, hàng trăm mảnh, đoạn văng ra có khi lại bị xáo trộn như trong chiêm bao chập chờn, độc giả quen với cách kể thông thường rất khó theo dõi.
- “Pốp”đột nhập vào văn học cao sang. Trong cuộc sống cũng như trong văn học đương  đại, cái cao sang thuần túy (quá thuần túy) dễ trở nên nhạt nhẽo, vô duyên, kênh kiệu, thậm chí lố bịch. “Pốp” là bình dân, là đại chúng, là phàm tục, “pốp” chấp nhận cả sự tục tĩu, sự sỗ sàng.  “Pốp” nhảy vào cái “cao sang” là một sự phản ứng với văn hóa “cao sang” vô duyên, hợm hĩnh. Trong cuộc sống thực tại, trong phong độ của những người thực sự cao sang bao giờ cũng có ít nhiều khí vị bình dân, thường phàm, thậm chí suồng sã. Trong văn học hậu hiện đại (hiểu với xác định - tôi nhấn mạnh) cái khó là đưa “pôp” vào mà vẫn giữ được phong độ cao sang. Chỉ có pốp và pốp, độc giả có thể nghĩ rằng đây là văn học rẻ tiền: cái anh này “đếch” làm được văn học cao sang nên xoay sang “pốp” “piếc”, hậu hiện đại. Đọc xong truyện Lụa của Alessandro Baricco (bản dịch của Tố Châu, Công ty Nhã Nam và N.x.b. Văn học xuất bản, năm 2007), tôi cảm giác tác phẩm này có khí vị “hậu hiện đại”. Mặc dù cuốn truyện này không khác gì một tác phẩm văn học cổ điển: cách kể “tuyến tính” từ đầu chí cuối, tác giả sử dụng những “mẹo” rất cổ điển để tạo ra sự bất ngờ, sự lạ lùng và huyền bí…, câu văn trong sáng, cách diễn đạt vô cùng chính xác, cú pháp hết sức đơn giản… Trong toàn bộ tác phẩm chỉ có một giọt “hậu hiện đại”. Đó là đoạn văn ở trang 144 diễn tả những dục vọng sâu sắc nhất của con người, một đoạn văn hậu hiện đại chắc chắn sẽ gây sốc ở nhiều độc giả:
... “em sẽ để dương vật của anh tách miệng em, vào sâu giữa môi em. Ép chặt lưỡi em, để cho nước từ miệng em ứa ra thấm tới tới tay anh, cái hôn của em, bàn tay của anh, hòa nhập vào nhau, trên dương vật của anh...”
Không có đoạn văn này, truyện Lụa  sẽ là một tác phẩm hoàn toàn khác, nó là văn học thế kỷ XIX, là văn học dễ dãi của công chúng đường phố…Làm sao nó có thể trở thành một tác phẩm “lừng lẫy trên văn đàn quốc tế”, được dịch trên 30 thứ tiếng.  Cái giọt  “pốp” hậu hiện đại quan trọng lắm chứ! Một giọt cà cuống thôi cũng đủ để làm giậy mùi vị của bát nước chấm cổ điển. Và cũng không nhất thiết phải dốc cả lọ cà cuống! Đọc tác phẩm của Alessandro Baricco tôi liên tưởng đến Nguyễn Huy Thiệp. Thiệp rất pốp, những cái “pốp” rất sỗ sàng nhưng cuối cùng,  anh vẫn giữ được phong độ cao sang cho tác phẩm của anh. 
Thơ Trần Dần những năm 60 đã có hơi hướng hậu hiện đại. Trong bài Người vật nhau với thế giới tàn bạo, có một câu thơ rất “pôp”: “Thống chế Pêtanh đeo kiếm gãy - ảnh đầu giường / Bên múi bẹn tồng hông đùi gái Mỹ”, chắc là những độc giả đứng đắn phải chau mày, nhưng trong bài thơ có những nét chấm phá tạo thành một không gian thơ cao sang:
- Chòi gác tím Sâm ơi! Kỷ niệm man mác  phố đâu em?
- Có lẽ thu rồi em nhỉ
Em chớ khóc nhiều vàng ố ngã tư xưa
- Sông Hương đèn chiều sương Huế  tím bâng quơ…

     
Trong lịch sử Nghệ thuật Kiến trúc hiện đại có một bước ngoặt quan trọng mà lướt qua có thể đem lại một gợi ý thú vị về mỹ học hậu hiện đại trong truyện và phim truyện.
Chủ nghĩa hiện đại trong ngành kiến trúc thể hiện tập trung ở phong cách quốc tế  đặc biệt phát triển trong những năm 60. Phong cách quốc tế chỉ quan tâm đến những hình, những khối hình học trong kiến trúc, gạt bỏ một cách tàn nhẫn những yếu tố trang trí, sự đa dạng trong tạo dáng.
Đến cuối những năm 70, có nhiều kiến trúc sư bắt đầu bực mình với sự hạn chế, sự đơn điệu của phong cách quốc tế. Họ đề xướng việc khai thác những khả năng trang trí, những khả năng tạo dáng luôn luôn đổi mới, đưa ra những kết cấu tự do hơn, phăng-tê-di hơn. Thực chất của đề xướng này là sự quan tâm đến thị hiếu của công chúng đông đảo: phải có trình độ bác học mới thưởng thức được cái đẹp của những tỷ lệ hình khối, còn thị hiếu của công chúng đông đảo thì hướng về những khả năng trang trí và tạo dáng cụ thể.
Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại lần đầu tiên xuất hiện năm 1977, trong cuốn sách Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại của Charles Djenks.
Cốt lõi của chủ nghĩa hậu hiện đại thể hiện ở sự đánh giá lại giá trị kiến trúc của toà đền Parthenon, một công trình kiến trúc Hy Lạp cổ đại nổi tiếng (xây khoảng giữa t..k.5 trước C.N.). Hàng chục thế kỷ nay, nghệ thuật kiến trúc của toà đền được ca ngợi ở những tỷ lệ toán học trong kết cấu của nó, cuối cùng đã  được đề lên thành điển chuẩn (canoniser) và những phẩm giá này chỉ những chuyên gia, những người có trình độ văn hoá kiến trúc cao mới thưởng thức được. Nhưng nghệ thuật kiến trúc của Parthenon không chỉ có vậy. Thời cổ, nó được sơn mầu xanh lam, mầu đỏ sẫm, trên trần tường và phần trên những cột có đắp phù điêu thiếp vàng minh hoạ những sự tích thần thoại, những mô-típ truyền thuyết là những điều rất quen thuộc, hấp dẫn với những khán giả thông thường. Những trang trí này mấy vị nghệ sĩ “cao đạo” (đặc tuyển) sẵn sàng bĩu môi chê là “cu cò” nhưng đại chúng lại rất thích. Quan điểm nghệ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại gắn liền với bài học rút ra từ sự đánh giá lại kiến trúc của Parthenon: nghệ thuật cổ đại cổ điển “là sự mã hoá chí ít ở hai cấp: cho quần chúng nhân dân đông đảo và cho phạm vi hẹp những người sáng tác”. Chủ nghĩa hậu hiện đại làm nổi bật nhược điểm của chủ nghĩa hiện đại: hướng về một công chúng “lý tưởng” không có trong thực tế hoặc chỉ gồm một số ít người đặc tuyển và loại trừ lợi ích của những người tiêu dùng cụ thể, không tính đến thị hiếu của công chúng đông đảo.
Kết hợp yêu cầu đề cao nghệ thuật (có “tính bác học”) của những nghệ sĩ và những nhà lý luận nghệ thuật (tức là những người có văn hoá nghề nghiệp cao) với sự quan tâm đến thị hiếu của đại chúng, đó là một vấn đề then chốt của mỹ học chủ nghĩa hậu hiện đại .
Hơi hướng hậu hiện đại chung cho cả truyện (văn học) và phim truyện (điện ảnh) là trở về với sự hoà trộn “cao” và “thấp”, “thông tuệ” và “dân dã”,  “sang” và “bụi”, tính đề cao và tính phổ cập, tính đại chúng và tính đặc tuyển.
Về thi pháp truyện (văn học) ở phần trên đã nói đến cách kể “phi tuyến tính” và sự thâm nhập của “pốp” mà vẫn giữ được nét cao sang.
Trong thi pháp phim truyện, dĩ nhiên không thể bỏ qua được những vấn đề có tính chất “bác học”: sử dụng những thành tựu của quang học thị giác nhằm tạo hiệu quả tới người xem, xác định ngôn ngữ đích thực của điện ảnh, kết hợp bình diện hiện thực – tâm lý với bình diện thăng hoa tâm linh và thăm dò vô thức, đổi mới cách tự sự trong phim truyện (phi tuyến tính, xáo trộn những bình diện khác nhau, trữ  tình hoá tự sự…). Về phương diện tính đến thị hiếu của đông đảo công chúng thì việc đưa những “miếng” hoặc “món”: “tươi mát”, “chưởng” ,” vụ án”, “mê-lô”, “a-nếch-đốt”… vào phim bấy lâu nay chỉ xem xét ở mặt “câu khách” thì nay được chấp nhận cả ở mặt mỹ học (chủ nghĩa hậu hiện đại là cơ sở lý thuyết cho sự chấp nhận này). Tuy nhiên đưa những thứ này vào phim đòi hỏi ở người làm phim văn hoá thẩm mỹ cao.
Để nhận rõ yếu tính của mỹ học chủ nghĩa hậu hiện đại được nêu ở trên có thể so sánh 2 kịch bản điện ảnh chuyển thể  truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp (N.H.T).
N.H.T. có viết một kịch bản phim truyện cho truyện ngắn này. Kịch bản có 2 bình diện: bình diện triết học (hoặc thăng hoa tâm linh) và bình diện  hiện thực - tâm lý.
Bộ phim Tướng về hưu đã được dựng theo một kịch bản khác, chỉ có tuyến cốt truyện ở bình diện hiện thực - tâm lý. Và giới hạn ở bình diện hiện thực – tâm lý, thì  đây là một bộ phim tốt (giải thưởng bạc là xứng đáng).Theo ý đồ của N.H.T., tuyến hiện thực – tâm lý với ý nghĩa phê phán xã hội, với khả năng sử dụng những “miếng”, và “món” hấp dẫn như “tươi mát”,”sex”, “mê-lô”, “a-nêc-đot”… có thể thoả mãn thị hiếu của đại chúng (và đây cũng là một mặt thành công của bộ phim Tướng về hưu). Nhưng N.H.T. thấy rằng nếu chỉ có tuyến cốt truyện ở bình diện này thì bộ phim sẽ khó mà làm vừa lòng bộ phận công chúng có trình độ văn hoá và nhu cầu mỹ học cao. Và tác giả đã đưa vào kịch bản của anh bình diện triết học. Bình diện này được tạo ra bằng một mô-típ xuyên suốt bộ phim – một cảnh lặp đi lặp lại: những cánh chim xập xè, sà xuống và bay lên trên mặt biển bao la…Cảnh lặp đi lặp lại này sẽ tạo ra một tiết tấu đặc biệt trong bộ phim và tiết tấu lủng củng trong cuộc sống của gia đình ông Thuấn – tức ông tướng về hưu – sẽ được cảm nhận trên nền của một tiết tấu khác, “vũ trụ” hơn, phổ quát hơn, tiết tấu của sự sống bao la (như biển cả) và của dòng đời vĩnh cửu (cũng như biển cả)… Những nông nỗi trong gia đình ông Thuấn cũng bi thảm đấy, những con người ở đây số kiếp quả là khốn khổ nhưng trong sự sống bao la và dòng đời vĩnh cửu những điều ấy phỏng có nghĩa lý gì… Mặt khác sự sống thì bao la mà cuộc sống trong gia đình ông Thuấn sao tù túng chật hẹp đến thế, dòng đời là vĩnh cửu mà những con người ở đây cứ mê mẩn, quay cuồng với những điều hết sức lèm nhèm, dớ dẩn của cuộc sống rất hữu hạn của họ. Trong kịch bản của N.H.T, ý nghĩa phê phán xã hội không phải là lớp ý nghĩa sâu sắc nhất. Bộ phim Tướng về hưu với bình diện duy nhất mang tính chất hiện thực-tâm lý là một tác phẩm “độc điệu”. Được dựng theo kịch bản của N.H.T., may chăng sẽ được một tác phẩm phức điệu vừa phù hợp với thị hiếu của công chúng đông đảo, vừa làm vừa lòng những khán giả có thị hiếu mỹ học hậu hiện đại.
Chúng tôi làm rõ hơn một số đặc điểm của Chủ nghĩa hậu hiên đại qua sự phân tích  tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hoài (N.x.b. Đà Nẵng 2007).
Trong tác phẩm này, Trình nổi lên như một nhân vật trung tâm hấp dẫn có quan hệ với những nhân vật không kém phần lý thú (Hậu, Hà, Giáo sư Lương…).
Khó xác định Trình thuộc kiểu nhân vật nào (tích cực hay tiêu cực, hiện thực hay lãng mạn…), đặc trưng nhất ở nhân vật này là cách phản ứng của nó với môi trường xung quanh nó, một cuộc sống “chán mòn ý nghĩa” (Phạm Xuân Nguyên). Không phải tự bản thân cuộc sống, mà vì những quan niệm có sẵn về những vấn đề và tiết mục trong cuộc sống đã quá cũ mòn,  nhàm chán; những đầu óc lười nghĩ (nói như Maia, “họ chỉ nghĩ ngợi khi tính tiền đi chợ”) bằng lòng với những quan niệm này cùng với cuộc sống của họ (thường là không ăn nhập gì với cuộc sống thật). Trình đã chán những quan niệm này, chán  những cảnh sống diễn ra với những qnan niệm này mà anh cảm thấy “gia giả” (xem trang 184) (3) cũng như những chuyện đời chưa thoát ra khỏi những quan niệm này mà anh cảm thấy “chan chán”(xem tr. 248). Vứt bỏ những quan niệm cũ mòn, Trình thấy “cuộc sống là một cái hộp đen và anh ta phải rút dần các thứ đó ra ánh sáng” (tr.211), có nghĩa là tự Trình phải làm sáng tỏ bằng đầu óc của chính mình ý nghĩa các tiết mục của cuộc sống. Công việc này quá sức của anh nhưng  sự suy nghĩ tìm tòi của anh luôn kiên trì  ráo riết. Tóm lại, đối với Trình, trên đời này, trong đời sống tinh thần, chẳng có gì là có sẵn,  mọi thứ ý nghĩa phải tự mình tra vấn, bằng đầu óc và từng trải của chính mình. Chẳng những tra vấn cuộc sống xung quanh, Trình còn tự vấn ngay trong lòng mình. Mình có chân thật không…có lợi dụng người khác không…có lố bịch không …(tr.211). Đối với sự trưởng thành của tự ý thức, những câu hỏi đơn giản này không phải là thừa. Ở nhân vật Trình không phải tra vấn nào, tự vấn nào cũng đạt ngay công quả. Có những công án 5 năm sau, mười năm sau Trình mới giải được (xem tr.213, 246). Những độc giả quen đọc những nhân vật có nếp cảm nghĩ truyền thống không khỏi bực mình thấy cái anh này rắc rối quá, khó hiểu quá.
Những kẻ  đầu óc luôn luôn minh bạch
Theo ý tôi chẳng qua là họ ngốc
Tôi mượn câu thơ này của Maia để biện hộ cho Trình.
Nhan đề Chuyện tình mùa tạp kỹ có thể làm lạc hướng sự nắm bắt tư tưởng của  tác phẩm. Trong  tác phẩm  này  không chỉ có  chuyện yêu đương.
Mới trông tiền chỉ là tiền/ Ngẫm ra mới biết trong tiền có tâm/ Mới trông tâm chỉ là tâm/ Ngẫm ra mới biết trong tâm có tình (tr.258)
Mô típ trong 2 câu thơ này của nhân vật Thi sĩ có khi quan trọng hơn mô típ yêu đương nhiều.
Đi vào lĩnh vực tôn giáo, tư duy của Trình vẫn cứ băm bổ, ráo riết như trong đời thường.
Thế là Trình chăm chỉ cầu Phật.
………………………………
…..Tuy vậy, đôi khi anh thoáng nghĩ những người chăm niệm Phật có phải cũng là kiểu trót uống nhiều rượu bây giờ chăm chỉ dùng atisô…
…………………………….
…..Trình thực lòng muốn làm điều thiện, muốn xa điều ác và giả dối… Dù anh không biết nên phân biệt những điều này bằng cách nào
(H.N.H. tô đậm)…
Những quan niệm có sẵn về Phật giáo chắc là Trình không thiếu. GS Lương, mà Trình có quan hệ thân tín nói với anh: “Kinh Phật ư, tôi có nhiều lắm”. Trình muốn tự mình tìm ý nghĩa của Phật cho chính mình và anh đã có một khám phá “quan trọng”: “Phật có thể giúp thư giãn” (tr.248). Chắc là không ít độc giả muốn tranh luận, thậm chí sỉ vả Trình về cái điều mà anh đã khám phá như một trò đùa. Hẵng bình tĩnh, hà cớ phải động lòng, những ý nghĩa các tiết mục của cuộc sống (trong đó có tôn giáo). Trình tìm tòi, phát hiện cho chính mình, anh không hề có ý định đem những điều đó ra dạy đời, chính đây là một mặt khả ái ở con người của Trình.
Có hơi hướng hậu hiện đại trong Chuyện tình mùa tạp kỹ. Nó thể hiện ở những suy nghĩ “bất nhã”, những hình ảnh “bất nhã”, những từ ngữ “bất nhã”…, những cái “bất nhã” này có thể gây sốc ở những độc giả quá quen với văn chương truyền thống đâu có ngờ tác giả “ác khẩu”, “độc miệng” lại dọn ra cho mình những món “bất nhã” này. Trên đại thể,  khám phá “Phật có thể giúp thư giãn” ít  nhiều có tính chất bất nhã. Sau đây là một câu văn ít nhiều bất nhã về sự cô đơn, một mô típ  đã được văn chương lãng mạn “thiêng liêng” hoá và không ít trường phái triết học “quan trọng hoá”:     
Ta cô đơn giữa chợ/ Ta cô đơn giữa ngã tư/ Ta cô đơn giữa học đường/ Ta cô đơn  mọi chỗ/
Không ngoại trừ nhà vệ sinh ga

Không có chi tiết cuối, đây chỉ là một câu văn sáo nhàm về một mô típ sáo nhàm: “sự cô đơn”. Chi tiết bất  nhã “không ngoại trừ nhà vệ sinh ga” là một giọt “hậu hiện đại”  tác giả vẩy vào câu văn làm câu văn đứng dậy, sống động hẳn lên. Giống như một gáo nước lạnh dội lên mô típ “cô đơn” và những người thích tạo dáng cô đơn. Dĩ nhiên không tránh khỏi xúc phạm những người thực sự cô đơn. Câu văn hậu hiện đại dễ gây ác cảm do tính chất hầm hố của nó.
Có những gáo nước lạnh mang tính chất xi- nich [cynique] (tính chất này thể hiện ở xu hướng xoi mói tính vị kỷ trong mọi hành động của con người, kể cả những hành động cao thượng  nhất và xu hướng này dẫn đến thói  nhạo báng mọi giá trị kể cả những giá trị thiêng liêng nhất) (4).
GS Lương nói:
- Thực ra nhiều người VN không hề có cái cảm thức gì về thiện và chân. Một nghịch lý: họ rất thích làm “người tốt”. Cái khái niệm người tốt ở đây thật ra là: biết một chút thuật  đắc nhân tâm, một chút xu thời, một  chút nịnh đời. Không cần biết rõ lắm cái chân và cái thiện! (tr.65)
GS Lương (hay tác giả?) đã dội một gáo nước lạnh lên đầu “những người tốt” ở Việt . Trò chơi này quả là “bất nhã”! Nhưng người hiện đại (không cứ gì ở Việt ) cũng nhiều mê muội lắm! Có dội hàng chậu  nước lạnh lên đầu họ chưa chắc họ đã tỉnh!
Những gáo nước lạnh “xi-ních” hậu hiện đại, những suy nghĩ và từ ngữ “bất nhã” thậm chí “báng bổ” hậu hiện đại có chăng chỗ đứng, đất phát triển trong văn học Việt Nam  đương đại? Liệu có những cây bút thực sự  tài năng tìm ra được ở chủ nghĩa hậu hiện đại những “chiêu” họ đang cần? Biết đâu đó chỉ là nơi tụ tập múa may của những cây bút không làm nổi sự viết văn thông thường, sự viết văn “cổ điển” của mọi thời?… Về tất cả những câu hỏi này, câu trả lời của tôi: XIN XEM HỒI SAU SẼ RÕ.

Để kết luận, chúng tôi trở về với viễn cảnh “tổng lộ tuyến” để tích hợp những cách tân quý giá “hiện đại” và “hậu hiện đại” đã được nêu lên ở đoạn mở bài.
Câu nói của Valéry được trích dẫn ở trên là sự tổng kết của một nhà văn lớn có tầm nhìn vượt thời đại của mình về những cách tân quý giá và quan trọng của chủ nghĩa hiện đại. Nhà văn Arhentina J.L. Borges (1899-1986) là một tác giả lỗi lạc của văn học Mỹ La tinh và văn học thế giới. Thăng trầm của những trào lưu nghệ thuật cách tân giống như thủy triều lên xuống; thời trẻ, sống giữa những đợt sóng chủ nghĩa hiện đại, Borges khó mà thoát ra ảnh hưởng của chúng. Văn nghiệp của ông bắt đầu bằng những thể nghiệm táo bạo theo tinh thần tiên phong của chủ nghĩa biểu hiện. Một điều khá bất ngờ là cuối cùng, Borges đâm ra chán và thất vọng với những mới mẻ về nội dung, những cách tân về nghệ thuật của những nhà thơ, nhà văn ít nhiều có họ hàng với chủ nghĩa hiện đại mà ông đã từng ngưỡng mộ thời trẻ. Borges đã từng đánh giá cao những cách tân của Proust, Faulkner trong văn xuôi, phong cách “dòng ý thức” và những thủ thuật tự sự mới mẻ của họ. Nhưng theo ông, “dần dà thì những thủ thuật này người ta cũng chán và chúng ta sẽ quay trở về với cách kể truyện thông thường trong Đôn Kikhôtê: “Trong một ngôi làng nọ bên bờ biển Manche mà tôi không muốn gợi nhớ lại tên…”(5). Quay trở về cách kể chuyện thông thường trong Đôn Kikhôtê tức là quay trở về cách tự sự cổ điển. Kinh nghiệm chủ nghĩa hiện đại của Borges là một bài học lớn về sự tiếp nhận nghệ thuật cách tân: nên có sự thông cảm với sự cuồng nhiệt điên rồ của những “fan” hâm mộ nghệ thuật cách tân, đồng thời cũng phải thấy rằng thủ pháp nghệ thuật hiện đại dù có độc sáng, tinh khôi đến đâu cũng không xóa bỏ, thay thế được những thủ pháp nghệ thuật cổ điển. Wallace Stevens (1879-1955), một trong những tác giả hàng đầu của thơ ca Mỹ và thế giới còn tỏ ra dè dặt hơn nhiều trong sự đánh giá chủ nghĩa hiện đại: “Chúng ta không nên tiêu phí thì giờ để làm hiện đại, còn bao nhiêu việc quan trọng hơn chúng ta phải làm”. Wallace Stevens ví hành trình của những nghệ sĩ Tiên phong (hoặc Tiền vệ) của chủ nghĩa hiện đại những thập kỷ đầu thế kỷ XX như những cuộc phiêu lưu của những nhà thám hiểm núi lửa, họ đã đến núi lửa, “đã gửi về tấm bưu ảnh cuối cùng” và lúc này không có ước vọng gì hơn là trở về nhà. Nhà văn Đức Hermann Hesse sau một thời gian đắm đuối với chủ nghĩa tượng trưng, với phân tâm học, với chủ nghĩa thần bí phương Đông, qua truyện ngụ ngôn Sói thảo nguyên, cũng nói đến tình cảm “nhớ nhà”: “Chúng ta còn vấp ngã lặn lội qua bao rác rưởi và xảo trá trước khi về đến nhà. Và chúng ta chẳng có ai dẫn đường. Người duy nhất hướng dẫn chúng ta là nỗi nhớ nhà” (6). Phải chăng “nhà” ở đây  là chủ nghĩa cổ điển, “không phải như là một sở hữu chuyên biệt của châu Âu” mà như là một hằng số của văn học, nghệ thuật nhân loại, “một phép lạ đã từng xảy ra nhiều lần khắp thế giới trong những xã hội muôn vẻ”.
Theo nhận xét riêng của tôi , từ 1945, những tác phẩm hay trong nền văn học của ta hầu hết có phong thái “cổ điển”.

H.N.H

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

-----------------------------
(1) Xem bài Thế kỷ XX:Từ chủ nghĩa hiện đại đến “chủ nghĩa cổ điển mới trong Hoàng Ngọc Hiến Triết lý văn hoá và triết luận văn chương. N.x.b. Giáo dục.2006
(2) Xem N.F. Cantor The American Century Varieties of Culture in Modern Times..HarperCollins Publishers 1997
(3) Số trang trong cuốn sách Lê Anh Hoài
Chuyện tình mùa tạp kỹ N.x.b Đà Năng 2007
(4) Để nắm bắt thế nào là một tính cách xi-ních, đề nghị đọc Người cháu của Rameau của  Diderot (bản dịch tiếng Việt của N,x.b. Tri thức), tác phẩm này được viết khoảng nửa sau t.k. XVIII, thời gian gần đây được giới nghiên cứu hậu  hiện đại phương Tây  đặc biệt chú ý. Hắn (tức  người cháu của Rameau) là một  nhân vật phức tạp. Cử chỉ bỗ bã, ăn nói láo lếu của Hắn có tinh chát  xi-ních trắng trợn, nhưng có những chân lý sỗ sàng  hắn đưa ra nhân vật triết gia  đối thoại  với Hắn xem ra phải nể... Rõ ràng là đối với tính cách xi-ních không thể chỉ có sự phê phán một chiều.
(5) Chuyển dẫn từ bài Le ciel bleu…đăng trong  Magazine littéraire, # 376, Mai 1999, tr.21
(6) Chuyển dẫn từ Norman F. Cantor, The American Century, Harper Collins ublishers, 1997,  p.499.

 

 

Các bài mới
Nhớ và ghi (17/07/2008)
Các bài đã đăng