Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Đổi mới là tồn tại, chất lượng là danh dự, bản sắc là tôn vinh
11:16 | 17/07/2008
NGUYỄN KHẮC THẠCH(TBT: 2000 - 2008)Vậy là đã tròn một phần tư thế kỷ. Ngày ấy, cũng vào mùa “Hạ trắng” nắng lên thắp đầy như nhạc Trịnh, tờ Tạp chí Sông Hương - tạp chí sáng tác lý luận phê bình nghiên cứu văn học nghệ thuật của xứ Huế được ra đời và đi qua cái ngưỡng “vạn sự khởi đầu nan” một cách kỳ diễm, đầy ấn tượng.

Từ đó tới nay, cùng hiện hữu với cái tên con sông thiên nhiên thơ mộng vốn nổi tiếng, tạp chí Sông Hương cũng được nhiều người, nhiều nơi biết đến như một dòng chảy đặc trưng bản sắc văn hoá Huế. Ngay từ khi mới ra đời, Sông Hương đã có diện mạo riêng, giọng điệu riêng và lẳng lặng đi vào lòng độc giả, vào đời sống tinh thần của cộng đồng rộng rãi không chỉ ở trong nước. Có thể nói, lần đầu tiên, nơi đầu tiên giữa miền Trung này, một tờ tạp chí văn nghệ địa phương đã “vượt biên tỉnh lẻ”, đã vượt khỏi cơ chế bán không mua, cho không đọc và mở ra được “thương hiệu” riêng cho mình trong giới hạn của người hâm mộ. Suốt hai mươi lăm năm qua, Sông Hương ngày một khẳng định vị trí của mình, khẳng định sự đóng góp của mình trong công cuộc đổi mới đất nước mà trực tiếp là đổi mới những động thái văn học.
Thế kỷ XX đã qua với nhiều biến đổi sâu sắc về mọi mặt và việc phân kỳ trong lịch sử văn học chúng ta cũng phải gắn với lịch sử cách mạng của dân tộc. Dù theo tiêu chí nào, văn học Việt thế kỷ XX cũng vẫn là một trục dọc đi qua tiền chiến đến kháng chiến rồi về hậu chiến. Trên trục dọc ấy, dấu ấn về thi pháp, về tâm thức của các chủ thể sáng tạo cũng được khu biệt tương ứng với đặc tính của từng giai đoạn. Thời tiền chiến dùng dằng với cái tôi lãng mạn. Thời kháng chiến hăm hở với cái ta phi thường. Về hậu chiến lại day dứt với cái tôi bình thường. Chính giai đoạn văn học tự day dứt với cái tôi bình thường này là bước ngoặt của nhu cầu đổi mới. Tạp chí Sông Hương xuất hiện năm 1983 nhưng đến cuối năm 1986, Đại hội VI của Đảng mới hoạch định đường lối đổi mới và mở đầu quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Sự kiện này đã ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội chứ không riêng gì văn học. Song, trong lĩnh vực văn học dường như đã có sự manh nha sớm hơn. Ngay sau khi bước ra khỏi chiến tranh, trở lại với cuộc sống đời thường, những người cầm bút đều có một “văn cảnh mới” và bình tĩnh nhìn lại mình, nhìn lại nền văn học nước nhà. Trước đó, cả nước với hai nhiệm vụ chiến lược: kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, văn học cũng chỉ có thể viết theo hai dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa và văn học kháng chiến. Trong khi đó, nhìn qua cửa sổ văn học so sánh, chúng ta thấy thế giới đã mở ra biết bao trào lưu, trường phái và đã đi qua hiện đại tới hậu hiện đại. Nền văn học
Việt lạc hậu không chỉ vì sự tiên tiến của thế giới mà còn vì sự bế tắc, khủng hoảng về lý luận của chúng ta. Với ít nhiều mặc cảm đó, có lúc chúng ta đã nóng vội và muốn đốt cháy giai đoạn bằng cách tự phủ nhận mình. Các luận điểm “văn học phải đạo” hoặc “Ai điếu cho một nền văn học” đã gây nhức nhối cho những cuộc tranh luận. Có ý kiến cho rằng, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là một khái niệm giả, là thứ văn chương ứng dụng, còn với dòng văn học kháng chiến là văn học minh hoạ. Cả hai thứ đó đều nằm trong hệ qui chiếu văn dĩ tải đạo. Sứ mệnh lịch sử của chúng đã qua và không còn cách nào khác hơn để bước vào đổi mới là tuyệt đoạn. Sự chuyển động, trăn trở của văn học ở thời hậu chiến này đã khơi ra một dòng văn học sám hối trước khi nó chìm vào con sông đổi mới. Sông Hương của xứ Huế không hề do dự và đã sớm hoà mình vào con sông đổi mới của văn học nước nhà với phương châm “cái mới phải mạnh mẽ, cái cũ phải sâu sắc và nhìn ra thế giới”.
Sông Hương đã đăng tải khá nhiều bài mạnh mẽ theo xu hướng đổi mới là sự vĩnh biệt quá khứ, là sự cảm hứng về tương lai. Rabelais một tác gia kiệt xuất của nền văn học Pháp từ thời Phục Hưng đã thể hiện khát vọng đổi mới của nhân loại một cách nồng nàn như thế. Lần đầu tiên con người có ý niệm về tương lai thì đồng thời, cũng là lần đầu tiên con người vô tâm phủ nhận quá khứ. Trong một xã hội truyền thống, mọi thứ đều được định sẵn cả rồi, đổi mới là tháo dỡ tất cả những trật tự đó nên người ta rất sợ. Việt là một nước không chỉ có truyền thống mà còn giàu truyền thống nữa. Cũng như ở Liên Xô (cũ), khi khởi xướng đổi mới, đã có không ít nhà văn dị ứng chỉ vì họ quen cơ chế bao cấp, quen cả việc thiếu dân chủ. Dân chủ đối với họ giống như chim tự do bay lượn nhưng cũng phải tự do kiếm ăn mà họ là chim được bảo hiểm trong lồng. Đổi mới tư duy văn học cũng mang màu sắc đổi mới ý thức hệ mà ý thức hệ là những “pháo đài chính trị”. Lịch sử nhân loại đã trải qua biết bao thể nghiệm đẫm máu về sự bông lông và bông lơn của ý thức hệ. Ở nước ta, công cuộc đổi mới được diễn ra dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng nên mọi việc được suôn sẻ hơn. Tất nhiên cũng không tránh khỏi những vấp váp, những lệch lạc nhất là trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ và báo chí. Nhưng dù sao, với ý thức nhập cuộc sớm, Sông Hương đã có những đóng góp riêng nhất định.
Đặc điểm mang tính bản chất của văn học thời kỳ đổi mới là nhu cầu tự vấn và cảm hứng sự thật. Sự thật văn học không kỳ bí như sự thật lịch sử, cũng không trần trụi như sự thật đời sống mà nó là sự thật thấu thị của linh giác và nhận thức. Mặt nào đó, sự thật văn học giống như một kẻ thóc mách, xếch mé luôn bỡn cợt sự bình yên của trật tự giả dối và thói quen giả dối. Chính vì vậy mà trong nó thường hằng mang mầm mống hiểm hoạ cho “đối tác” của mình. Sông Hương đã từng mắc lỗi “việt vị” và điều đó cũng không có gì là lạ bởi vì quả bóng sự thật bao giờ cũng ở phía sau tính dự báo của văn học. Không khí dân chủ và đối thoại là những thành tố làm nên gương mặt mới của văn học ở thời kỳ này. Tạp chí Sông Hương chúng ta cũng sớm mang gương mặt của sự đổi mới ấy. Trong lĩnh vực khoa học, đổi mới đồng nghĩa với sự phát triển, nâng trình độ, cấp độ còn với văn học thì chưa hẳn thế. Văn học có qui luật riêng, nó vừa đánh thức những quan năng phàm tục vừa đánh thức những ẩn thánh thiêng liêng trong con người để con người vươn tới sự hoàn thiện chính mình. Giá trị cơ bản trong các tác phẩm văn học là ở đấy.
Xem xét quy mô hoặc tầm cỡ một tác phẩm văn học chính là việc định giá giá trị cơ bản đó. Thế nhưng đã có lúc, chúng ta phàn nàn văn học chưa có những tác phẩm ngang tầm tương quan với các giá trị khác của thời đại. Đấy là điều phi lý. Nếu hỏi ngược lại thế nào là ngang tầm thời đại thì câu trả lời sẽ ra sao? Chẳng lẽ văn học cũng phải phát triển ngang tầm các phương tiện thông tin đại chúng, ngang tầm với cái gọi là nền văn hoá nghe nhìn? Những phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày hôm nay rồi sẽ trở thành đồ cổ của nghìn năm sau nhưng nghìn năm sau cũng khó có thể có một tác phẩm văn học nào ngang tầm với một kiệt tác ở thiên niên kỷ trước – như Truyện Kiều của Nguyễn Du chẳng hạn. Lẽ vậy, văn học chỉ có thể phát triển theo chiều sâu với biên độ khác chứ không thể phát triển theo “chiều cao”. Trong văn học không có chuyện đứng trên vai người khổng lồ để mình được cao hơn như trong khoa học. Sự sáng tạo văn học là vô phương thừa kế. Không ai để lại kinh nghiệm cho ai được. Ngay cả chủ thể sáng tạo cũng không tự rút ra được kinh nghiệm cho mình. Có chăng thì đó chỉ là sự tự lặp lại bản thân. Quy luật sáng tạo không cho phép, không thừa nhận sự lặp lại. Kinh nghiệm trong sáng tạo văn học chỉ là bó đuốc soi sau lưng mà thôi. Do đặc thù đó, văn học bao giờ cũng phải lần mò tới các giá trị mới và cũng không bao giờ thoả mãn với các giá trị vừa lần mò được ấy. Đấy chính là tính cách mạng của văn học. Song, tính cách mạng ấy nếu đặt vào quỹ đạo truyền thống và các mối quan hệ xã hội khác thì sẽ thấy nó mang một chiều kích thác loạn. Ủng hộ tính cách mạng ấy không đúng lúc, đúng chỗ sẽ dễ đồng loã với sự thác loạn. Sông Hương đã làm như vậy và vô hình trung, từ chỗ mắc lỗi “việt vị” lại dấn thêm mắc lỗi “trước vùng cấm”. Mắc lỗi “trước vùng cấm” thường chỉ bị thẻ vàng nhưng nếu trọng tài nhìn nhầm hoặc “vận dụng” thì cũng có thể bị phạt thẻ đỏ. Trên thực tế, Sông Hương đã bị phạt “thẻ đỏ”. Một lần rồi hai lần! Đấy là những biến cố mang kỷ niệm buồn nhưng dù vậy, khi nhìn lại chặng đường 25 năm hoạt động không thể không nhắc tới. Việc bị phạt “thẻ đỏ” thời ấy đối với Sông Hương là bài học cho cơ quan báo chí còn đến bây giờ, sau một độ lùi lịch sử, tỉnh táo nhìn lại, nó là bài học cho cơ quan chức năng!
Sự khắc khoải thường trực đối với Sông Hương không phải ở chỗ làm sai hay làm đúng mà ở chỗ chất lượng. Chất lượng là danh dự của những tờ báo được bao cấp, là sự sống còn của những tờ báo phải tự lo kinh phí. Song, chất lượng là cái gì thì mỗi tờ báo phải tự xác định cho mình. Với Sông Hương, chất lượng không phải là hàm lượng chất xám, càng không phải là giá trị thông tin mà nó là một lưỡng thể của quan hệ thẩm mỹ. Quan hệ thẩm mỹ là sự “giao hội” giữa chủ thể thẩm mỹ  với đối tượng thẩm mỹ. Độc giả của Sông Hương không chỉ là những người đọc bình thường mà họ còn có tư cách cao hơn là chủ thể thẩm mỹ. Một chủ thể thẩm mỹ trọn vẹn với các yếu tố nhận thức, tình cảm, thị hiếu và lý tưởng. Bởi vậy, tờ tạp chí cũng phải có tư cách như một đối tượng thẩm mỹ. Về phương diện cấu trúc, tờ tạp chí phải là một chỉnh thể như những tác phẩm nghệ thuật. Nhờ ý thức được điều đó và luôn coi đấy như một nguyên tắc cho sự ổn định nên Sông Hương vẫn thường giữ được chất lượng. Tuy nhiên, cũng có một thời, vì muốn tăng thêm thu nhập, toà soạn đã nhận làm chuyên đề cho ngành này ngành nọ, đưa vào những bài viết sống sít, thiếu chất văn học, phá vỡ cấu trúc tờ báo, đánh mất tư cách đối tượng thẩm mỹ của nó. Khi tờ báo văn học bị tước đoạt tư cách đối tượng thẩm mỹ thì quan hệ giữa nó với chủ thể thẩm mỹ bị rạn vỡ…
Nếu bạn đọc là người “nuôi” số lượng (phần xác) thì bạn viết là người nuôi chất lượng (phần hồn) tờ báo. Cả hai đều quan trọng, có ý nghĩa như nhau. Nó phải là một quan hệ tương hỗ, tương hợp và tương liên trên cơ thể sống của tờ tạp chí. Sông Hương luôn luôn coi trọng và trân trọng đội ngũ cộng tác viên của mình. Chất lượng cộng tác viên đồng nghĩa với chất lượng của tờ báo. Họ là những chủ thể sáng tạo đặc biệt, sáng tạo trong phạm trù cái đẹp, sáng tạo ra những đối tượng thẩm mỹ.
Trong suốt hai mươi lăm năm qua, Sông Hương đã thu hút được các thế hệ cộng tác viên khắp mọi miền đất nước, từ tác giả địa phương đến tác giả trung ương. Đã có hàng ngàn nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình đăng bài trên Sông Hương. Có thể nói hầu hết các cây đa cây đề của nền văn học Việt Nam đều gửi bài cộng tác với tờ báo văn xứ Huế. Ngoài ra, còn có các tác giả Việt kiều và tác giả nước ngoài cũng thường xuyên xuất hiện trên Sông Hương. Qua đó càng khẳng định cái chân lý văn học không có biên giới, tài năng không có biên giới. Chỉ có những người cầm bút tự giới hạn chính mình. Tác phẩm tâm huyết của những người thực tài đều mang trong nó những giá trị nhân loại (bao hàm cả tính nhân văn và cái đẹp) nên nó có khả năng xuyên qua mọi đường biên văn hoá. Cũng có nghĩa khi nó đến với vùng văn hoá nào thì sẽ có hiện tượng giao thoa, cộng sinh với vùng văn hoá đó. Đấy chính là câu trả lời vì sao Sông Hương thường xuyên đăng tải một dung lượng bài vở khá lớn ở nhiều vùng khác mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Đây đó, vẫn có người nhầm lẫn bản sắc địa phương với tác giả địa phương. Những tác giả tự giới hạn mình thì làm sao có thể sáng tạo ra được những giá trị riêng mang tính cộng đồng. Bản sắc riêng của một vùng văn hoá là quá trình lựa chọn và tổ hợp những giá trị cá thể mang tính cộng đồng. Bởi vậy, một tờ báo địa phương có bản sắc riêng hay không đều phụ thuộc vào độ nhạy cảm của “bộ lọc” toà soạn. Người trực tiếp điều khiển bộ lọc ấy phải là tổng biên tập. Những tổng biên tập có bản lĩnh thường quyết định xu hướng của tờ báo và tờ báo sẽ mang đậm dấu ấn của họ, kể cả hay và dở. Sông Hương đã có 6 đời tổng biên tập trong hai mươi lăm năm qua. Chính đội ngũ quản lý ấy đã làm nên diện mạo Sông Hương qua từng giai đoạn. Tuy mức độ khác nhau nhưng nhìn chung Sông Hương luôn luôn là tờ tạp chí có đẳng cấp chuyên môn cao trong làng báo văn nghệ nước nhà.
Hai mươi lăm năm song hành với công cuộc đổi mới đất nước, Sông Hương đã thực sự có ích cho đời sống văn nghệ nói riêng cũng như đời sống xã hội nói chung. Với tư cách là một dòng chảy mang đặc trưng bản sắc văn hoá Huế, Sông Hương đã được bạn đọc mến mộ khắp mọi miền trong nước và cả nước ngoài nồng nhiệt đón nhận. Trong phạm trù văn hoá, có thể mặt này mặt kia chưa tương xứng vị trí Trung tâm của Huế nhưng với Sông Hương - một diễn đàn văn học nghệ thuật, chúng tôi xin được mạo muội khẳng định là đã xứng đáng, xứng đáng với đầy đủ ý nghĩa và các thuộc tính của nó.
N.K.T

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Nhớ và ghi (17/07/2008)
Các bài đã đăng