Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Nhớ và ghi
15:17 | 17/07/2008
HỒNG NHU(TBT: 1992 - 1997)Thời gian như bóng câu qua cửa. Mới đó mà đã một phần tư thế kỷ, tờ tạp chí Sông Hương có mặt cùng bạn đọc trong và ngoài nước.

Hai mươi lăm năm, qua 6 nhiệm kỳ của các tổng biên tập và nay – tháng 6/2008 này – đang là những ngày đầu tiên của người phụ trách thứ 7 mới mẻ của cái tòa soạn ít người nhưng lắm việc này.
Có một người bạn đọc nhận xét rằng: “Trong nước ta, nếu nói về tạp chí văn nghệ, có lẽ chỉ có Sông Hương là “lên bờ xuống ruộng” hơn cả. Lên bờ xuống ruộng vậy nhưng chẳng ồn ào chi. Chẳng ồn ào chi mà gặt hái được lắm!” Trong chuyến đi Trà Cổ Móng Cái tháng 4 vừa rồi, khi ghé vào một quán cà phê tận chót địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, tôi đã tình cờ nghe lỏm được câu ấy ở một người không hề quen biết, không hề tiếp xúc dù chỉ là một phút. Chỉ biết mỗi điều là anh ta không phải là người nơi đây qua giọng nói. Có lẽ anh ta là một người am hiểu và đọc nhiều về văn học nghệ thuật đang chuyện trò với tốp bạn của anh ta, nhân lúc nghỉ ngơi trà dư tửu hậu.
Là người lâu năm ở Tạp chí Sông Hương (TCSH), tôi nghĩ rằng người không quen biết đó đã nói đúng về nhiều mặt. Rất tiếc là tôi chưa kịp ngồi ấm chỗ, cả anh ta và tốp bạn đã đứng lên, ra xe đang nổ máy chờ sẵn đầu đường, đi ngay. Vì vậy, hôm ấy tôi không thể làm quen và nói chuyện được với người đó để có thể hiểu thêm và vỡ ra được nhiều điều mà lâu nay tôi thường suy ngẫm. Một trong những điều đó là chuyện những cây bút trẻ trưởng thành từ tờ tạp chí của chúng ta trong khoảng mấy chục năm qua.
Tôi có một thời gian khá dài phụ trách tổng biên tập TCSH (từ 1990-1997). Trong những năm ấy, ấn tượng đồng thời là kỷ niệm với tôi, là hai cuộc thi văn học: truyện ngắn và thơ mở ra trong phạm vi toàn quốc. Hai cuộc thi này đã làm xuất hiện nhiều tác giả mới và trẻ.
Chị Hoàng Thị Thương - giờ đây là nhà văn nữ Quế Hương – bấy giờ là nhà giáo phổ thông ở Đà Nẵng, một cộng tác viên thơ của tạp chí. Những bài thơ của chị in trên TCSH phải nói là chưa gây được ấn tượng bao nhiêu, cho đến khi cuộc thi truyện ngắn năm 1993 của tạp chí mở ra, chị gửi đến cái truyện “Bức tranh thiếu nữ áo lục”. Chất huyền ảo, tâm linh mà tác giả phổ vào câu chuyện thực trong đời sống cộng với văn phong bút pháp đậm đà chất Huế của chị đã chinh phục người đọc. Ban giám khảo cuộc thi bấy giờ có hai nhà văn bậc lão thành, bậc đàn anh trong nước là nhà văn Bùi Hiển và nhà văn Nguyễn Quang Sáng; đã không ngần ngại trao giải nhì (không có giải nhất) cho chị Quế Hương.
Nhân chuyện này, sau buổi trao giải, trong cuộc vui chung với toà soạn, tôi đã trao đổi cùng anh chị Quế Hương (chồng chị cùng đưa chị từ Đà Nẵng ra Huế nhận giải đồng thời thăm quê). Rằng: “Xin lỗi chị, nếu tôi nói điều này không phải. Chị nên viết văn xuôi, viết truyện ngắn thay vì làm thơ. Văn của chị rất có hồn, điều mà trong thơ chị tôi thấy chưa có hoặc không có.” Quế Hương chăm chú nghe, im lặng suy nghĩ nhưng không nói gì, chỉ có chồng chị là xởi lởi, gật gật đầu một cách vui vẻ, tán đồng. Dĩ nhiên, để trở thành một nữ nhà văn có tên tuổi, điều cốt yếu là do chính chị Quế Hương chọn lựa, chứ chẳng phải do lời khuyên dù là rất chân tình của tôi lúc bấy giờ.
Từ đó, cái tên Quế Hương luôn đi kèm với những truyện ngắn thâm trầm, sâu sắc và đẹp của chị trên nhiều cơ quan báo chí và nhà xuất bản.
Anh Trần Quốc Cường (Hà Nội) với bút danh là Nguyễn Việt Hà (tên người vợ chưa cưới của anh) gửi đến cuộc thi truyện ngắn (có phải là đầu tay?) “Sếp và tôi và…” với một giọng điệu mới mẻ gần như hiếm hoi lúc bấy giờ, ít nhất là ở Huế. Đây là thời gian mà công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới văn học nghệ thuật bước vào giai đoạn mà các tác giả đã bình tâm và sâu sắc qua mấy năm đầu còn “chập chững”, “non tay”. Thiên truyện của Nguyễn Việt Hà xuất hiện trên tạp chí Sông Hương như một tiếng chuông lạ gióng lên. Nhà văn lão thành Bùi Hiển nhận xét: “Bằng những nhát búa sắc lạnh, cộc lốc, tác giả thử phác họa chân dung một thứ “Xuân Tóc Đỏ” thời mới… cái nhí nhố của một thời đen trắng nhập nhằng. Chỉ cần vài nét dè sẻn, tác giả dựng lên thấp thoáng bóng dáng đầy thương cảm của một cô gái Linh Mỹ trong cảnh nghèo bị kẻ giàu sang lợi dụng và cố cưỡng lại thân phận mình. Xuyên suốt truyện là một giọng dè bỉu xen lẫn phẩn uất để nói về thân phận chính “tôi” - kẻ phụ tá biết rõ lai lịch và nhân cách của chủ nhưng vẫn phải câm lặng phục tùng… điều đáng buồn thay vẫn rất thường xẩy ra trong cuộc mưu sinh”.
Đọc lại đoạn này giờ đây hẳn chúng ta cũng thấy rõ tính chất thời sự của nó.
Nguyễn Việt Hà được tặng giải ba. Và, trên văn đàn hiện nay, những tác phẩm ngắn và dài hơi của nhà văn này cũng đã đôi ba lần gây ra những cuộc tranh luận, bàn cãi sôi nổi và hữu ích.
Cuộc thi thơ năm 1996 của TCSH và Hội VHNT TT. Huế cũng đã phát hiện thêm nhiều cây bút trẻ khác trong làng thơ Huế và Việt .
Vì Thùy Linh là một trong những trường hợp khá đặc biệt. Chị được giải khuyến khích với tác phẩm “Giao mùa”. Chùm thơ của chị gửi tới dự thi nhiều bài trong nhiều lần. “Tuổi gió” là một trong số đó cũng được vào chung khảo với “Giao mùa”. Trao giải cho “Giao mùa” hay “Tuổi gió” là vấn đề tranh luận bàn bạc trong ban giám khảo khá gay go. Cuối cùng, mọi người đều thống nhất bởi đoạn kết của “Giao mùa” như sau: “Người ơi/ Về ươm hạt cỏ với em/ Đêm sương thay áo/ Và nghe/ Mùa đông nghiêng nghiêng lời ước/ Vầng trăng chứng sinh mãi tròn.” Ngân vang mà nhỏ nhẹ e ấp (khác với Vi Thùy Linh sau này chăng?). Mười năm sau, Vi Thùy Linh là hội viên Hội Nhà văn Việt ; nhưng lúc bấy giờ chị mới là cô bé học sinh lớp 12, mười sáu mười bẩy tuổi. Sự xuất hiện của cô như một ánh chớp trên bầu trời giữa ngày nắng hạ. Và sau đó là mưa, mưa sầm sập đầy trời giông gió!
Lặng lẽ hơn là Phan Huyền Thư “Muốn thì thầm vuốt ve Huế thật khẽ/ lại sợ chạm vào nơi nhậy cảm của cơ thể Việt ”. Đó là hai câu kết của bài thơ được giải khuyến khích của chị với nhan đề độc tự “HUẾ”. Hai câu này sau đó và bây giờ đây vẫn còn âm vang từ Bắc chí – có thể nói không ngoa như vậy – không chỉ trong làng thơ văn mà thôi.
Phan Huyền Thư vừa rồi với “Nằm nghiêng” (tập thơ) và những tác phẩm thơ khác của chị thật xứng đáng với danh hiệu nữ thi sĩ trẻ tiếng tăm như chúng ta đã biết.
Cùng đoạt giải trong cuộc thi thơ này còn có hai tác giả trẻ và không còn mới với Tạp chí Sông Hương, bởi vì cả hai đều là cộng tác viên nhiều năm qua với văn nghệ Huế: anh Văn Cầm Hải và chị Nguyễn Thị Thái. Nguyễn Thị Thái được giải ba với “ Bạn trai” và “Thiếu phụ”. Trước đó mấy năm, chị đã hiện diện trên Sông Hương với chùm thơ đầu tay lạ, mê đắm, quằn quại đớn đau: “Không đề 1”, “Không thể đếm”… Chị cuồng nhiệt và hiện đại trong thơ mặc dù về bút pháp, chị bám khá chắc vào truyền thống. Cuồng nhiệt một cách thầm lặng và dịu dàng. Chất thơ của chị vì thế mà cuốn hút, có lúc như ma lực. Bài “Bạn trai” thì khác: “Đàn ông nhiều như chim cánh cụt/ Đẹp lắm nhưng sợ nhầm giống nhau/ Nên tôi chẳng dám mơ màng/… Bạn tóc xanh gọi bằng anh/ Tóc trắng cũng bằng anh tuốt…
Hơi bụi bụi, phải không? Tôi nghĩ rằng cái chất bụi bụi đó rất thơ!
Văn Cầm Hải trong cuộc thi này lại có chất riêng của mình không thể lẫn vào ai. Sự suy tư nghiền ngẫm và táo bạo. “Kinh nghiệm xanh” là bài được giải. Hãy đọc lại đôi câu: “Tôi nằm dưới bóng râm thời trang/ Kinh nghiệm xanh rì rào thành phố/ Đất nước tôi/ Những vùng môi mặn đỏ phù sa/…đi tìm chồng cho mẹ Âu Cơ/ mà mắt biếc bao chùm điện tử/…” Giờ đây, Văn Cầm Hải đã và đang bổ sung cho mình thêm những chất hào hoa phong nhã và ảo huyền trong văn xuôi. Các tác phẩm bút ký đầu tay xuất bản không lâu của anh như “Trên cánh chim di thê” và “Tây Tạng, giọt hoa trong nắng” đã trình diện trước Hội Nhà văn Việt Nam và được Hội đồng văn xuôi, BCH Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp ngay vào Hội với tấm thẻ: hội viên ngành văn. Cũng như đối với Quế Hương trên đã kể, khi đọc những bút ký của Văn Cầm Hải, tôi không khuyên anh bỏ thơ nhưng đã nói mà không sợ anh chủ quan rằng: “Đọc bút ký của Hải rất sướng!”.
Giờ đây, tôi có cảm giác rằng Văn Cầm Hải đã “sướng” khi ngòi bút của anh đang tuôn chảy theo dòng… “Những cánh chim di thê” và “Giọt hoa trong nắng”.

Nhớ lại và ghi lại vài ba kỷ niệm một thời văn chương như vậy. Những tác giả trẻ mà Tạp chí Sông Hương đã góp công vun quén bao nhiêu năm qua, kể ra còn nhiều, không thể lược ghi trong một bài viết, cho dù là chỉ điểm qua trong hai cuộc thi tôi vừa kể.
Thời gian sẽ trả lời những ai còn, và còn như thế nào. Phần lớn các anh các chị trên nay đều đã thành danh. 25 năm, dài cũng là dài mà ngắn cũng có thể nói là ngắn. Đời văn, thiết nghĩ là cái đích tới của bất cứ nhà văn nào, nhưng không phải ai cũng đạt được. Tôi quan niệm rằng nhà văn khác với đời văn. Nhiều cây bút, nhiều tác giả chỉ có những trang văn tác phẩm văn, mà không có hoặc chưa có đời văn; chúng ta hẵng đã thấy. Không ai có thể làm nên đời văn của mình trừ chính nhà văn đó.
Cũng như vậy, tờ tạp chí Sông Hương thân yêu của chúng ta đang bước vào năm thứ 26, 27… rồi 30, 35… 101 chẳng hạn – theo tôi nghĩ – có giữ được độc giả hay không là do chính chúng ta quyết định…
6-2008
H.N

(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng