Tạp chí Sông Hương - Số 233 (tháng 7)
Kỷ niệm Sông Hương, nhớ Hải Bằng
15:31 | 17/07/2008
TÔ NHUẬN VỸ(TBT: 1986 - 1989)Có năm kỷ vật của Hải Bằng tặng tôi và gia đình, từ ngày anh còn sống cho đến nay, sau 10 năm anh mất, tôi vẫn nhìn ngắm và chăm sóc hàng ngày. Đó là bức tranh hồ sen, là hai câu thơ anh viết trên giấy đặc biệt, là tất cả các tập thơ anh in từ sau 1975, là đôi chim hạc anh tạo bằng rễ cây và con chó Jò bé xíu.

Thơ anh tặng, đến hơn mười tập, tôi đặt ở dãy “ưu tiên” là dãy sách tặng của các tác giả đã mất, dễ nhìn dễ thấy nhất,  trong tủ sách phía trước bàn làm việc của tôi. Nên tôi thấy và chào anh từng buổi từng ngày. Đôi chim hạc bằng rễ cây đặt trên bàn thờ phụ cạnh bên bàn thờ ba mẹ tôi. Đôi chim hạc này anh tạo hình chưa thật điêu luyện nhưng tôi quý nó vì đó là một trong những tác phẩm rễ cây vào loại đầu tay của anh. Và con chó Jò bé xíu. Ngày con gái tôi bị tai nạn, sau khi phẫu thuật cấp cứu, cháu phải ở trong nhà kín mít cửa ngõ hơn năm trời chờ ngày đi chữa bệnh xa, không dám cho ai thấy bộ mặt dị dạng của mình. Đó thực sự là những ngày dằng dặc nỗi dày vò đau đớn của cháu. Bác Hải Bằng thương cháu, để dành cho một con chó đẹp nhất vừa ra đời trong lứa chó Nhật đẹp nhất của anh dịp đó, gọi Diệu Liên về bồng lên cho chị, với cầu mong cái nhí nhảnh, loăng quăng của con chó bé xíu, tròn lẳn gọn giữa bàn tay, sẽ làm dịu đi đôi chút nỗi dày vò đau đớn của cháu, nhất là một khi cháu phải xú rú ở nhà một mình. Con chó nhỏ và Diệu Linh quấn quýt với nhau suốt ngày và nụ cười cũng đã có lúc đến với “hai chị em”. Diệu Linh đã vui nghịch đặt tên cho nó là Jò-bái (dái bò!), gọi tắt là Jò. Từ đó, Jò trở thành một thành viên đặc biệt của gia đình tôi, biết sẻ chia nỗi buồn của chị và gia đình. Nhân nói chuyện tình cảm, không thể quên cái tình của anh với nhà anh Ân trại cá. Chúng tôi hay gọi là anh Ân-trại-cá vì Ân nguyên là Giám đốc xí nghiệp nuôi cá Cư chánh. Ngày anh đang ăn nên làm ra, đến cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đến thăm động viên. Hôm đó cận Tết, khi Đại tướng đến phải chạy tìm anh khắp các nơi, mãi mới thấy anh đang cặm cụi ở ao cá mẹ sắp đẻ. Anh làm việc không có giờ giấc, ăn mặc tuềnh toàng, “bộ gió” như anh thợ đào đất thuê chứ không có chi là kỹ sư thuỷ sản thứ thiệt lâu năm, càng không có chi hơi hướng của một giám đốc của một cơ sở làm ăn có tiếng. Những ngày đó, anh em văn nghệ hay lên thăm và “đeo” anh lắm. Bởi trong xí nghiệp có không ít nơi “sơn thuỷ hữu tình”, những đêm trăng thì càng tuyệt vời hơn, cho những cuộc lai rai mà đồ mồi là cá mú cây nhà lá vườn và nụ cười chân chất luôn nở trên môi anh suốt cuộc thơ phú nhạc có lúc suốt sáng. Mỗi khi có khách Hà Nội, Sài Gòn, anh em còn kéo lên bắt anh “thay mặt Huế” tiếp đãi. Xí nghiệp cá và nhà Ân đã thành một địa chỉ “trong nhà” của Hội Văn nghệ. Nhưng từ khi anh gặp trắc trở trong làm ăn và anh mất sau lần bệnh trọng, thật đáng buồn, quá nhiều anh em vốn hay “đeo” anh đã “quên” mất địa chỉ nhà anh, hiếm khi có ai lên thăm, động viên chị Tiếp vợ anh và bốn cháu còn nhỏ. Hải Bằng vốn không uống rượu và không quen ăn nhậu, chỉ “phó hội thơ phú” cho vui bạn bè thôi. Nhưng, sau ngày anh Ân mất, ngay cả khi bệnh trọng đang hành hạ bản thân, anh vẫn đạp xe cà cọc cùng tôi hay lên thắp hương cho Ân và thăm chị cùng các cháu, xem có gì có thể góp một tay giúp đỡ. Hải Bằng sống rất có tình.
Và hai kỷ vật tôi kể sau cùng có liên hệ tới Sông Hương.
Ngày đó, chúng tôi muốn Sông Hương góp sức cho các hoạt động vì sự tiến bộ của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đó là khát vọng và thành tâm của chúng tôi. Nhưng rất ít người ủng hộ chúng tôi lúc ấy. Có giai đoạn Đảng Đoàn Hội Văn nghệ (tôi, anh Hồng Nhu và anh Hà Sâm) phải triền miên họp kiểm điểm trước cấp trên. Trong số ít người tới chia sẻ và động viên tôi đừng bi quan tuỵêt vọng, có Hải Bằng. Có lẽ kinh nghiệm cuộc đời bị ê ẩm chỉ vì một bức tranh phê phán cái xấu thời Nhân văn Giai phẩm khiến anh dễ thông cảm với những khó khăn đang thử thách chúng tôi hơn một số anh chị em khác. Anh vẽ bức tranh một cái hồ nước trong xanh, trên đó nở ra một bông sen trắng tinh khiết tặng tôi. Anh đặt tên bức tranh là Trong xanh. Tôi lặng lẽ nhận bức tranh đặt lên giá sách mà không nói lời cảm ơn. Tôi nghĩ, sự im lặng là lời cảm ơn chân thành nhất tôi gửi tới anh. Và rồi một hôm, anh lên nhà tôi, lấy trong túi xách ra một bức chữ cỡ khổ giấy A4 đã bọc nilông, loay hoay tìm nơi đặt lên, rồi kéo tôi tới nhìn
- Tặng Vỹ. Cứ phải Trong xanh nghe!
Anh chỉ nói như vậy. Con người vốn thảo nói chỉ nói như vậy rồi nắm chặt vai tôi trước lúc ra về, bảo là có việc cần đi ngay. Nhưng tôi biết, anh không muốn tôi hít hà nói lời cảm ơn.
Bức chữ chỉ có hai câu:

SÔNG HƯƠNG
Tặng Tô Nhuận Vỹ
Con cá lớn lên đã thuộc mọi nguồn sông
Vẫn không biết nơi nào có lưới.
Huế 1990
HẢI BẰNG

Thơ như vậy, tấm lòng anh như vậy nhưng trong một cuộc kiểm điểm, có vị đã “vận” thế nào mà chụp cho tôi thêm cái mũ không nghe lời cảnh báo của anh em . “Họ đã cảnh báo Vỹ hãy coi chừng bị kẻ địch lợi dụng mà không biết!”. Nghe chuyện, Hải Bằng lên hỏi tôi có thực vậy không “để tui đi chửi cho thằng cha một trận”. Tôi can anh đừng mất thì giờ vô ích. Và anh đã nghe theo.

T.N.V
(nguồn: TCSH số 233 - 07 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Nhớ và ghi (17/07/2008)