Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Con ngựa trong hầm bí mật
17:08 | 30/07/2008
LÊ NGUYÊN NGỮTrong bối cảnh rạt rào gió bấc và nắng trải vàng như mật bên ngoài báo hiệu Tết sắp vê, con ngựa cũng đứng dạng bốn chân như lắng nghe câu chuyện đầy hoài niệm mà Tư Gồng bắt đầu kể tôi nghe. Giản dị vì đây là câu chuyện về chính nó, Tư Gồng trước kia đã lần khân hẹn khất với tôi chờ đến Tết Con Ngựa. Mà lúc này thì đã là cuối tháng chạp rồi.
... Bây giờ thì tôi xin bắt đầu và cũng xin phép hơi dài dòng một chút. Tư Gồng ngồi nghiêm chỉnh lại, đặng hắng và nói.

Bỏ bớt râu ria cho gần hơn, tới tháng ba năm bảy lăm, khi tin vừa có một đơn vị quân Giải phóng kéo ngang xóm Đàn Bà Giá thì đại đội tôi được điều về lập lại cái đồn ở đó, cách xóm không xa.
Chẳng biết liên quan gì với con ngựa mà tôi gặp này không, chớ trước đó nó có tên là xóm Xe Ngựa. Sau vì thứ xe thổ mộ ấy ngày một lỗi thời, bị cạnh tranh gay gắt bởi các xe lam nên những xà ích dần dà "gác càng xe", giải nghệ cả. Phần khác chiến tranh ngày một leo thang, nên họ lớp theo phía Cách mạng lớp đăng vào lính Sài Gòn lúc ấy đang đôn quân ráo riết. Đã chiến tranh là có chết chóc, những đàn ông, trai tráng trong xóm Xe Ngựa theo bên này hay bên kia, ngày "leo lên bàn thờ " một nhiều. Nhiều đến nỗi chỉ còn lại rặt đàn bà góa trong xóm để rồi khi chết tên thành địa danh như thoạt đầu tôi kể. Khổ nỗi địa danh này lại trở thành tên luôn cho cái đồn mà đơn vị tôi đóng mới chết. Đồn "Đàn Bà Giá"! Cái tên nghe vừa yếu xìu vừa có vẻ hơi dê dê. Nói theo cách hồi đó là rất... "phản tâm lý chiến". Chẳng biết có phải ảnh hưởng bởi cái tên hay không nhưng khi về đây đồn trú, tôi nghiệm thấy rằng thằng nào cũng có "máu" ấy cả. Từ đồn trưởng tới... trung sĩ quèn như tôi. Anh nghĩ làm sao khỏi, trên trăm thằng "ngựa đực" đang hồi sung sức nhất lại ở sát nách với xóm có cả "một rừng" đàn bà toàn trong tình trạng "không mấy dễ chịu" như vậy! Lỗi là tại cấp trên cho đóng đồn cạnh một nơi như thế.
Tôi hồi ấy tuy không bảnh trai lắm nhưng trông tướng tá cũng khá "bạo liệt". Tên tui là Tư Gồng mà! Trong những lần vo ve vào xóm này tôi cũng có quen, gọi là trên mức "tình cảm", một cô khá đẹp. Cô này tên Hòa, tính tình hơi lẳng lơ và cũng hơi... đanh đá cá cầy. Hòa nghe đâu có chồng theo Cách mạng và đã hy sinh. Thường những người có thân nhân theo Cách mạng đôi khi cũng hay phao lên như thế, để khỏi bị nghi ngờ và sống cho yên ổn. Nhưng mình quan tâm gì việc ấy. Chỉ là chuyện bồ bịch qua đường, miễn họ "chịu đèn" thì thôi. Sau khi quen được một thời gian, tôi nghe phong thanh đại úy đồn trưởng cũng đang tìm cách tán tỉnh Hòa. Cha đại úy này nguyên từ ngành tâm lý chiến pát-xê sang nên rất độc. Kỳ đơn vị ở đồn Cây Táo, xóm ấy có một bà nghe nói là vợ của ông nào tập kết về giữ chức vụ gì to lắm bên phía Giải phóng. Dù chẳng quen biết gì bà này nhưng có mấy hôm mới mờ sáng, hắn đã đến mặc quần đùi, áo may-ô, ngồi súc miệng, rửa mặt nơi giàn nước ăn sau nhà bà. Chẳng biết tác dụng sau đó ra sao, nhưng cái chiêu "nỗi oan Thị Kính" này tuy dễ làm nhưng... rất độc! Lần này thì trưởng đồn "ra chiêu" hay hắn định "tòm tem" thật? Và nếu hắn tòm tem thật thì không những bất lợi mà còn nguy hiểm cho tôi quá. Loạng quạng hắn mà tống một phát, mình bay lên Tây Nguyên, sẽ mất chỗ đội nón như chơi. Trên ấy nghe đâu các ông Giải phóng đang đánh lớn.
Tôi ở bên quân báo nên có điều kiện la cà ngoài xóm ban đêm. Một đêm trăng nhờ nhờ và cũng hơi khuya, tôi lại nhà Hòa định tìm cách tán tỉnh. Đèn nhà Hòa còn sáng. Cô này là thợ may nên hay thức làm việc rất khuya. Tôi ra sau nhà, tìm cách nhón người nhìn vào, thấy cô đang ngồi khuy nút gì đó nơi chiếc đi-văng. Dáng ngồi của cô rất đẹp và quyến rũ. Người phụ nữ ngồi làm những việc ấy thường dễ tạo xúc động cho cánh đàn ông. Huống chi đó là Hòa. Nhìn trộm như thế rất thích mắt. Lúc tôi còn đang say sưa ngắm cô thì bỗng phía trước nhà có tiếng gọi kêu mở cửa. Và khốn nạn cho tôi, tiếng kêu ấy lại là của thằng cha đại úy đồn trưởng! Trong lúc Hòa mở cửa, tôi biết thân phận mình nên vội vàng chuồn êm. Nhưng không êm. Cái đòn gỗ tôi vừa rời, bỗng lăn một vòng dưới chân gây ra tiếng động khá lớn. Thằng cáo già đồn trưởng tức tốc vòng ra sau. Nhác thấy dáng hắn, tôi vội thục mạng chạy. Và đã không còn kịp nữa. Theo đằng sau lưng tôi là tiếng lên đạn súng côn và tiếng quát "Đứng lại, không tau bắn!" của tên đại úy. Chắc hắn tưởng tôi là người cách mạng về. Mặc hắn dọa, tôi vẫn vắt giò lên cổ mà chạy, tôi biết cái tài súng của hắn nên dù có bắn thật cũng chẳng hề gì. Cái tội giờ này còn trốn khỏi đồn, lại vào nhà gái là lớn lắm. Đấy là chưa nói đến máu ghen của hắn. Nhưng nếu hắn cứ rượt mãi tới sáng thì sao? Chẳng lẽ lại chạy về đồn? Tôi vừa chạy vừa bấn loạn nghĩ. Phía sau hắn vẫn tiếp tục rượt, quát "Đứng lại... Đứng lại...!" và bắn theo mấy phát nữa. Vừa quẹo qua một ngã đường, trong lúc bí cùng không biết làm thế nào thì bỗng một cánh tay phụ nữ kéo ngay tôi vào nhà, lôi tuốt vào buồng và ấn vô nơi treo quần áo đàn bà cũ. Tôi vội rúc vào đó thì hóa ra trong ấy là một ngăn vách hầm bí mật. Liền theo bên ngoài nghe vọng vào lúc một xa dần tiếng chân rượt đuổi của tên đại úy đồn trưởng. Thật là hú vía! Bây giờ tôi mới hoàn hồn nhìn lại nơi che giấu mình. Đây đúng là một vách đôi làm hầm bí mật, tuy đơn sơ nhưng rất kín đáo và chắc chắn. Cuối nơi góc hầm có để một đôi dép cao su, tôi cầm lên xem thấy đã cũ và một con ngựa... gỗ! Nó chính là con ngựa này đây.
Lúc bấy giờ tôi mới nhớ đến tình cảnh của mình. Thật đúng là dở khóc dở cười! Thằng đồn trưởng máu gái đã đẩy "một trung sĩ quân báo lính Quốc gia lại được che giấu trong hầm bí mật bởi một cơ sở Việt Cộng". Cơ sở này là một bà già, tôi chỉ kịp nhìn như thế. Chắc bà ấy thấy rượt đuổi gắt gao, tưởng tôi người của bên Giải phóng thật mới ra tay che chở. Nghĩ đến đấy mình mẩy tôi tháo mồ hôi hột. Bình thường biết nhà nào có hầm thế này là tôi báo bắt ngay. Phải thoát nhanh ra khỏi nơi đây rồi hạ hồi phân giải. Chẳng hiểu sao, có lẽ nghĩ để làm bằng cớ hầu chứng minh sau này, tôi quơ theo luôn cả con ngựa và đôi dép cao su đã vẹt gót. Bà già biến đi đằng nào không rõ. Có lẽ là để an toàn cho tôi và cho cả chính bà. Đêm ấy với con ngựa và đôi dép cao su, tôi len lỏi đi một mạch tới khuya thì về đến nhà mình. Vợ con tôi đang ngủ. Tôi cất hai thứ ấy, tắm và thay đồ sạch sẽ rồi trở ngay lại đồn.
Trong quán cà phê đầu xóm, cái tin đại úy trưởng đồn "một mình một ngựa" đi phục và rượt nhau với Việt Cộng ngoài xóm Đàn Bà Giá nghe râm ran trong lính, trong dân. Khi ngang nhà Hòa, thấy cô trước ngõ, tôi vội giả bộ hỏi thăm về sự kiện này.
- Em không biết! - rồi Hòa tiếp giọng đầy nghi ngờ - Có khi giành gái rượt nhau rồi đổ thừa, chớ gần đồn vầy Việt Cộng nào dám về.
Tôi nghe mà chột dạ. Về đến đồn, tên đại úy xác nhận tin đó là đúng và khiển trách tôi:
- Việt Cộng xuất hiện ngoài xóm, còn trung sĩ quân báo lại chém vè, về ôm đít vợ thì. .. cũng nên kỷ luật!
Tôi vội bịa ra hoàn cảnh đột xuất nhà mình để y thông cảm bỏ qua, rồi hỏi gặp được Việt Cộng ở đâu?
- Cuối xóm! Đang đi tuần tra, bất chợt phát hiện ra hắn đi ngược lại. Trực nhìn thấy hắn vội bỏ chạy, tôi bèn rượt luôn! - Rồi y tiếp, giọng pha chút khâm phục - Cũng phải công nhận là thằng Việt Cộng ấy chạy giỏi thật. Mới đó mà mất bay mất biến!
Chẳng biết hắn có nghi ngờ gì mình không. Tôi ra vẻ phán đoán:
- Đại úy đừng loại trừ khả năng là... có thể có một cái hầm bí mật nào đó trong xóm.
Nghe vậy y ngẩn ra rồi gật gù:
- À... ừ... Ông đúng là dân quân báo! Có thể như thế lắm. Một cái hầm bí mật đâu đó trong xóm!?
Đã đến lúc tôi phải bắt bà già! Bắt để phần nào chứng minh người tối đó hắn rượt chính là Việt Cộng và kết quả những đêm tôi la cà ngoài xóm Đàn Bà Giá làm... công tác chứ không phải chuyện gái. Bà già này tên là Thà. Lê Thị Thà. Bây giờ thì tôi biết, bà có ông chồng tập kết và đứa con trai theo về phía bên kia.
Muốn bắt bà, phải về đem đôi dép cao su và con ngựa lên để làm chứng lý. Tôi bèn nói thác, xin tên đồn trưởng hăm bốn giờ về thu xếp việc nhà và nhân thể, mượn tài liệu nói về hầm bí mật để tham khảo. Y đồng ý ngay, giục tôi về và nhớ lên đúng phép.
Khi về đến nơi thì... trớ trêu thay trên nền nhà, đứa con gái bốn tuổi của tôi đang cưỡi trên lưng con ngựa gỗ! Mái tóc vàng tơ của nó bay bay ra sau theo trớn phi lui phi tới của ngựa. Tôi sững sờ ngồi xuống bên nó. Thấy tôi, nó nhoẻn miệng cười sung sướng và phi càng mau hơn. Bỗng Thuần - vợ tôi sau lưng sà xuống bá lấy cổ tôi.
- Anh, đêm về hồi nào? Lại nhớ hôm nay là sinh nhật bé Chi mà mua ngựa gỗ cho nó nữa!
Hóa ra hôm nay sinh nhật con gái tôi? Vợ tôi là người rất quan tâm đến những ngày kỷ niệm trong gia đình và luôn lấy đó làm thước đo hạnh phúc.
Tôi vội nói:
- Ừ... ừ... anh về khi đêm và... lại vội đi có chút việc.
Thuần âu yếm nói với con trong khi vẫn không rời cổ tôi.
- Bé Chi có thích quà sinh nhật của bố mua cho không nào?
Bé Chi sung sướng gật đầu liên tiếp:
- Thích, thích... mẹ ạ. Con ngựa này là ngựa... gái phải hông bố?
Thuần bảo khi cô lôi ra quà sinh nhật này, bé Chi quả quyết nó là ngựa gái và cứ nằng nặc đòi lấy đầu tóc của con búp bê hỏng gắn vào. Quả thật trên đầu ngựa bấy giờ đang có chỏm tóc vàng như râu bắp đang bay phất phơ theo gió.
Trưa đó nhân ngày vui của bé Chi và nhất là lần đầu tiên từ ngày nó chào đời, vợ tôi thấy chồng quan tâm mua quà sinh nhật cho con, đã làm một bữa cơm khá ngon. Có con ngựa đứng bên mâm ăn, không khí gia đình tôi bỗng khác đi. Đầm ấm và hạnh phúc hẳn lên. Và cũng suốt bữa cơm cùng với đứa con bốn tuổi của mình, tôi cứ nhìn con ngựa đến quên cả ăn. Cả vợ tôi cũng vậy. Tất nhiên là cái nhìn của tôi khác với vợ con. Cái nhìn đầy những xao động, bần thần! Anh bộ đội Giải phóng nào đã mua con ngựa này hẳn là một người cha tốt, hết lòng yêu vợ thương con! Chẳng biết anh ta người Bắc hay ? Anh đã mua hay có được con ngựa này trong trường hợp chắc đặc biệt và cảm động lắm! Con của anh bao lớn, gái hay trai? Chắc vì vướng bận hành quân, di chuyển nên đã phải gửi lại con ngựa vào hầm nhà bà Thà... Rồi với suy luận của một lính quân báo, qua trường hợp anh sở hữu con ngựa, tôi biết người bộ đội Giải phóng này tin tưởng ở chiến thắng gần kề, chắc chắn đến như thế nào và ngày về gặp lại vợ con sẽ không xa ra sao... Với người cha nhân hậu, yêu thương con như thế, tin tưởng vào chiến thắng của mình như thế, quyết không phải là một người lầm đường. Sự lầm lạc chỉ có thể rơi vào những người cha như tôi, theo về cái phía như tôi. ..! Việc định bắt bà già, người vừa can đảm cứu mạng sống mình cũng đủ cho thấy sự mờ tối của lương tri. Suốt một buổi chiều cùng với con ngựa, tôi luôn loay hoay với những nhận định, giác ngộ như thế. Và, đến khi tìm cách dán lại mớ tóc vàng cho chắc chắn vào đầu ngựa tôi quyết định đào ngũ, không trở về đơn vị nữa.
Thật may cho tôi, ngay đêm sau, tức là đêm đầu tiên tôi đào ngũ, đồn Đàn Bà Giá đã bị phía Cách mạng về "làm cỏ" sạch sành sanh! Tên đại úy trưởng đồn bị Hòa cùng Cách mạng bắt sống ngay nơi nhà cô, cũng trong đêm đó.
Con ngựa này không những đã giác ngộ mà còn cứu cả mạng tôi!

Sau đó là giải phóng hoàn toàn Miền . Do tôi đã đào ngũ và lại tích cực tham gia vào việc giữ gìn an ninh trật tự địa phương lúc mới tiếp quản, nên được giảm thời gian cải tạo. Mấy năm sau, tôi mới có dịp mang theo con ngựa này, tìm về xóm Đàn Bà Giá thăm lại bà Thà. Bà khi ấy đã già lắm. Tôi phải gợi, nhắc lại nhiều lần bà mới nhớ.
- À... con ngựa thì tôi nhớ! Thấy mất con ngựa, hồi ấy tui cứ đinh ninh đồng chí của người bộ đội gửi con ngựa về lấy rồi bị rượt, hóa ra là anh!

Rồi bà bồi hồi cho biết tiếp. "Sau giải phóng, có đồng chí bộ đội cùng đơn vị với cậu người Bắc gửi con ngựa, lại thăm cho hay cậu ấy đã hy sinh ở Xuân Lộc rồi. Thôi, anh đem con ngựa về, gọi là để tưởng nhớ cậu ấy, da ngựa bọc thây! Chính thằng con trai tui cũng... đâu có trở về. Đã vậy còn... lạc mồ, thất mả!". Bà nói và khóc.
Hơn một phần tư thế kỷ rồi. Đó là những lý do khiến con ngựa này luôn luôn được trình bày ở vị trí trang trọng bên bàn thờ nhà tôi như anh từng thắc mắc...
Tư Gồng vừa kể xong, một đợt gió chợt lồng trốt vào nhà. Con ngựa gỗ đang đứng im lìm bỗng bắt đầu nhấp nhổm vào nước kiệu tới, lui. Tôi hoảng hồn dụi mắt. Hóa ra là tại cơn gió bấc vô tình thổi làm trớn cho nó. Cận Tết quá rồi còn gì.
Cận Tết Con Ngựa 2002
L.N.N

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trăng mười sáu (30/07/2008)
Cổ tích buồn (30/07/2008)
Những con chữ (30/07/2008)