Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Sông Hương, dòng sông lịch sử
08:58 | 31/07/2008
TRƯƠNG THỊ CÚC Sông Hương là một trong những nét đẹp tiêu biểu của thiên nhiên xứ Huế. Sông là hợp lưu của hai nguồn Hữu Trạch, Tả Trạch, chảy qua vùng đá hoa cương cuồn cuộn ghềnh thác, đổ dốc từ độ cao 900 mét đầu nguồn Hữu trạch, 600 mét đầu nguồn Tả trạch, vượt 55 ghềnh thác của nguồn hữu, 14 ghềnh thác của nguồn tả, chảy qua nhiều vùng địa chất, uốn mình theo núi đồi trùng điệp của Trường Sơn để gặp nhau ở ngã ba Bàng Lãng, êm ả đi vào thành phố, hợp lưu với sông Bồ ở Ngã Ba Sình và dồn nước về phá Tam Giang, đổ ra cửa biển Thuận An.
Sông Hương, dòng sông lịch sử

Hữu Trạch phát nguyên từ vùng đá hoa cương ranh giới Thừa Thiên Huế – Quảng Nam Đà Nẵng và Lào, theo hướng nam bắc, chảy hẹp trong một trũng dài mang dấu vết của thời xáo trộn trong nguyên đại trung sinh. Thượng lưu rất dốc, chỉ 30 km từ đầu nguồn đến vùng đồi núi Mang Cá, độ cao lòng sông giảm từ 900 mét xuống 100 mét. Từ đó, Hữu Trạch uốn mình theo khe núi Tò Vò, chảy dưới chân động Chúc Mao, đến Bình Điền sông mở hướng đông xuôi về Bàng Lãng.
 Tả Trạch xuất phát từ vùng đá hoa cương dãy núi Bôn Đôn, do nhiều suối con hợp lại theo dạng nan quạt, cùng đổ về làng Ruông Ruông. Từ đây sông chuyển hướng bắc tây bắc, chảy qua một môi trường đá biến tính, đến Đông, độ cao lòng sông từ 600 mét ở đầu nguồn giảm còn 100 mét. Từ động Ly Hy sông trải ra vùng phù sa cổ Dương Hoà, chảy sát vùng suối nước nóng Tây Lãnh trước khi về ngã ba Bàng Lãng.
 Tại Bàng Lãng, lòng sông chỉ còn 33 mét so với mặt nước biển trung bình rồi giảm dần, mở ra một vùng sóng nước yên tĩnh, suốt 10 km sông chảy qua vùng trầm tích đã được phù sa bồi đắp trên mặt, bên nầy bờ là vùng đá vôi Long Thọ, bên kia là dãy đồi đá sa diệp chùa Thiên Mụ, sông Bạch Yến. Qua trung tâm thành phố độ cao lòng sông còn khoảng 6 mét, ở Tân Mỹ sát cửa biển Thuận An lòng sông chỉ còn cao hơn mặt nước biển 0,6 mét.
 Sông Hương không dài, triền dốc và nhiều ghềnh thác là nguyên nhân chính của những dòng chảy thay đổi phức tạp. Mùa kiệt phần lớn khe suối ở thượng lưu khô cạn, tại hạ lưu thuỷ triều lấn sâu gây nhiễm mặn. Mùa lũ dòng chảy thay đổi đột ngột, nước lên nhanh và rút nhanh, thường gây ra lũ lụt. Khối lượng nước mưa rơi trên lưu bồn và tác động đào xới của nước đã bồi đắp cho đồng bằng Thừa Thiên - Huế. Hằng năm có khoảng 30 tỉ mét khối nước được đưa về đầm phá, trong mỗi mét khối nước có khoảng 150 gram phù sa được đưa về vùng hạ lưu, mang theo calcaire Long Thọ để rửa mặn và tăng độ phì đáng kể cho ruộng vườn xứ Huế (1).
 
 Sông Hương hoang vắng xưa kia thuộc châu Lý, được Chế Mân, vua Chămpa trao cho nhà Trần như một phần tặng phẩm để cưới công chúa Huyền Trân năm 1306, nhưng sau cái chết của Chế Mân, quan hệ Việt Nam – Chămpa trở nên căng thẳng. Mảnh đất mới ở biên cương phía nam với “toà thành Hoá Châu nằm khoá chặt lấy cửa sông” Linh Giang, tên gọi thuở đó của sông Hương, là nơi diễn ra những trận thuỷ chiến ác liệt, cả với quân Chămpa và quân Minh. Trong vòng hơn 150 năm (1307-1471) trên 15 lần Chămpa xâm lấn Hoá Châu. Trương Phụ, tên tướng hung bạo của nhà Minh từng đưa đại quân vây đánh Đặng Dung tại thành Hoá Châu, đã thề thốt “Ta sống cũng là ở Hoá Châu, chết cũng là ở Hoá Châu. Hoá Châu chưa lấy được mặt mũi nào về thấy chúa thượng”. Vì vậy thành Hoá Châu với cụm dân cư trù phú “chuyên nha phủ thự nối nhau… xóm hoa nội biếc, đất tốt dân đông, chợ nọ cầu kia, vật hoa người quý, la liệt ở hai bờ nam bắc” mà Dương Văn An mô tả vào thế kỷ XVI trong Ô Châu Cận Lục, liên tục bị chiến tranh chà đi xát lại, cuối cùng chỉ còn là một vùng phế tích với những thành đất, móng gạch, những tên đất Thành Trung, Thành Ngoài, Công Đường, Dãy Kho … ở các thôn Thành Trung, An Thành, Tiền Thành, Thuỷ Điền (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
 Nửa sau thế kỷ XVI, khi Nguyễn Hoàng đến phía nam dãy Hoành Sơn mưu đồ “dung thân vạn đời” thì cư dân hai bên bờ sông Hương đã hình thành. Năm 1636 khi Nguyễn Phúc Lan (chúa Thượng) dời phủ chúa từ Phước Yên (Quảng Điền) vào Kim Long, sau đó Nguyễn Phúc Thại (chúa Nghĩa) dựng phủ mới ở Phú Xuân, Nguyễn Phúc Khoát (Võ vương) xây dựng Chính Dinh và Đô Ấp, bộ mặt hai bên bờ sông Hương trù phú hẳn. Năm 1776, Lê Quý Đôn vào Phú Xuân đã mô tả “Chính Dinh … trông xuống bến sông, đằng trước là quần sơn chầu về la liệt, vật lực thịnh giàu”. Ông đã liệt kê trên hai chục công trình kiến trúc phủ, điện, đài, gác, tạ, đình, hiên, am, công đường… “mái ngói nguy nga, đài cao rực rỡ, tường bao quanh, cửa bốn bề khắc chạm, vẽ vời, khéo đẹp cùng cực… Nhà vườn của các công hầu quyền quý thì chia bày ở hai bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân, cùng hai bờ sông con bên phải ở Phủ Cam. Ở thượng lưu, hạ lưu phía trước Chính Dinh thì phố chợ liền nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi” (2).
 
Sông Hương trở thành mạch máu kinh tế của Phú Xuân, thuyền buôn trong và ngoài nước, theo sông Hương cập bến cảng Thanh Hà là nơi đô hội nổi tiếng. Khi những gò nổi trước bến sông bị bồi đắp thành cồn, buôn bán không thuận lợi, thuyền buôn lại cập bến phố Lở, Bao Vinh, đem đến cả tơ lụa, đồ sứ, trái cây ướp muối, đường, đồ chơi trẻ em… của Trung Quốc, Nhật Bản và mua đi trầm hương, ngà voi, mật ong, cau khô, hồ tiêu và các đặc sản địa phương. Dọc theo sông dần dần hình thành những chợ lớn như chợ Phú Xuân, chợ Dinh với những chuyến đò ngang Phú Xuân thượng – Phú Xuân hạ, chợ Dinh – Cồn Hến, Cồn Hến – Vĩ Dạ, đò dọc khứ hồi Phú Xuân – Tư Hiền, chợ Dinh – Ai Tử, chợ Sãi, Cam Lộ, Phả Lại, ngược xuôi trên sông (3).
 Khi họ Nguyễn bị quân Lê – Trịnh đánh đổ (1775), sông Hương bớt náo nhiệt. Nhưng 11 năm sau (1786) những chiến thuyền dũng mãnh của Nguyễn Huệ đã theo sông Hương, thừa dịp nước dâng sát chân thành, kết hợp với bộ binh vây đánh thành Phú Xuân, quân Trịnh tan tát. Phú Xuân trở thành một cứ điểm quan trọng của Tây Sơn Nguyễn Huệ. Năm 1788, trước nạn xâm lược của nhà Thanh, từ Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã lên ngôi, trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân tiến ra Thăng Long, đánh tan 29 vạn quân Thanh. Phú Xuân trở thành kinh đô thống nhất của một triều đại mới đầy sức sống. Bên bờ sông Hương, quy tụ quanh Quang Trung Nguyễn Huệ, những danh sĩ đương thời như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, công chúa Ngọc Hân, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng… đã sống một phần đời đầy sôi nổi, sáng tạo và cống hiến.
 Sau cái chết của Quang Trung, Tây Sơn bị phân hoá. Tính năng động sáng tạo, chiêu hiền đãi sĩ, khuyến nông, lập học… bị tàn lụi. Năm 1801 Nguyễn Anh đưa thuỷ binh trở lại đánh chiếm Phú Xuân, xây dựng cơ nghiệp lâu dài của triều Nguyễn. Kinh thành Thuận Hoá được Gia Long cho khởi công, lấy núi Ngự làm “tiền án”, lấy hai gò nổi giữa sông Hương làm thế “tả phò hữu bật”, “tả thanh long hữu bạch hổ”. Sông Hương bị nắn dòng đổ nước bao lấy kinh thành, các nhánh sông Kim Long, Bạch Yến được điều chỉnh, sông Đông Ba, sông An Hoà, sông Kẻ Vạn, Ngự Hà được đào mới, tạo thế sông bảo vệ kinh thành.
 
Năm 1836 Minh Mạng tuyển chọn 153 cảnh vật tiêu biểu, từ tinh tú, núi sông, chim thú, cây cỏ, thành luỹ, vũ khí, xe thuyền … để khắc chạm vào Cửu Đỉnh, đặt uy nghi trước Thế Miếu, tượng trưng cho thế bền vững của nhà Nguyễn. Sông Hương và núi Ngự được Minh Mạng dành riêng, đưa lên Nhân đỉnh, chiếc đỉnh tượng trưng cho triều đại của chính Minh Mạng. Thiệu Trị làm hai mươi bài vịnh “Thần kinh nhị thập cảnh”, cho khắc vào bia đá dựng ở hai mươi điểm có cảnh đẹp, mong ước sông Hương sẽ là nguồn nước sâu thẳm bảo vệ đế thành cho nhà Nguyễn (nhất phiến uyên nguyên hộ đế thành).
 Mơ ước đó đã nhiều lần bị lung lay. Năm 1866, dân công xây lăng Tự Đức đã theo Đoàn Hữu Trưng, dùng chày giã vôi làm vũ khí, băng thuyền vượt qua sông Hương ở bến đò Trường Súng, vào tận Tử Cấm thành mưu lật đổ Tự Đức, nhưng việc không thành. Năm 1873 sau thất bại mất thành Hà Nội và một số tỉnh phía bắc, nhà Nguyễn phải ký hiệp ước hoà bình và liên minh 15-3-1874, thực chất là hiệp ước đầu hàng, quy định Pháp sẽ bổ nhiệm một khâm sứ ở gần vua nước Nam. Bên dòng sông Hương xuất hiện toà Khâm sứ Pháp và mối “giao hảo” đầy tính xâm lược ngày càng gay gắt. Năm 1883 Pháp đánh cửa biển Thuận An. Cuộc tử chiến ở thành Trấn Hải thất bại, nhà Nguyễn phải cử đại diện đến toà khâm lần lượt ký Hiệp ước 1883, 1884; hoàn chỉnh dần quá trình đầu hàng để bảo vệ “đế thành” (!).
 Con sông “nhất phiến uyên nguyên hộ đế thành” mà Thiệu Trị mơ tưởng trở thành “nhất giang lưỡng quốc” (một sông hai nước). Bên bờ nam là bộ máy xâm lược của thực dân, bên kia là chiếc ngai vàng bốn tháng ba vua đang lung lay. Tình hình nầy thúc giục phái chủ chiến trong triều đình phải sớm hành động. Đêm 22 tháng năm Ất Dậu (4-7-1885) những chiếc thuyền dũng cảm dưới sự chỉ huy của Tôn Thất Lệ, em ruột Tôn Thất Thuyết, đã đưa đại bác và binh lính sang bờ nam, đánh vào toà khâm. Cuộc tiến quân thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Tân Sở Quảng Trị, phát động phong trào Cần Vương, để lại bên bờ sông Hương một kinh thành tàn lụi, lần lượt đón các hoàng thân, quốc thích, quan lại thoả hiệp trở về, lập lại bộ máy thống trị bù nhìn dưới bóng thực dân. Hình ảnh những chiếc thuyền rồng rực rỡ màu vàng son, rộn ràng ca nhạc do các đội lệ thuyền kéo trên sông Hương dần dần nhường chỗ cho cảnh sinh hoạt đồi truỵ. Sông Hương thời mất nước được chính người dân Huế diễn tả với niềm phẫn uất, cay đắng:
 Sông Hương nước chảy lờ đờ
 Dưới sông có đĩ, trên bờ có vua.
 
Mặc cho sự thống trị của thực dân ngày càng đè nặng và trải ra với khu phố Tây, nối liền với kinh thành bằng cầu Trường Tiền xây năm 1897, dòng sông vẫn âm thầm đón đưa lớp chiến sĩ Cần Vương, Văn Thân, Đông Du, Duy Tân đi về lo việc nước. Bên cạnh lớp nhà nho Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Lộ Trạch, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… còn có lớp thanh niên sinh ra trong thời mất nước, lòng sục sôi nhiệt huyết. Năm 1908 khi phong trào chống thuế nổ ra ở một số tỉnh miền Trung, người thanh niên Nguyễn Sinh Cung, sau nầy là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đang học trường Quốc học, đã sôi nổi tham gia biểu tình, kéo đến toà khâm đấu tranh với thực dân Pháp.
 Thế nhưng, những hoạt động đó chưa đủ để tạo một chuyển biến mới. Năm 1916 vua Duy Tân quyết rời ngai vàng, bước xuống chiếc thuyền dân dã bên sông Hương, cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân tổ chức nổi dậy chống Pháp, nhưng cuộc khởi nghĩa bị dập tắt ngay trong trứng nước. Năm 1925, sau những năm bôn ba ở nước ngoài hô hào đánh Tây, Phan Bội Châu bị Pháp bắt đưa về “an trí” ở Huế, sống những năm cuối đời, thỉnh thoảng đi về bằng chiếc thuyền con trên sông Hương, lòng chỉ còn mong truyền lại bầu máu nóng cho “lớp hậu thế”. Tăng Bạt Hổ, người từng lăn lộn ở Nhật trong những ngày đầu của phong trào Đông Du, lặng lẽ từ biệt cuộc đời trên một chiếc thuyền lênh đênh giữa sông Hương. Dòng sông lại vang vọng những điệu hò da diết, ray rứt:
 Chiều chiều
 Trước bến Văn Lâu ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
 Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong?
 Thuyền ai thấp thoáng bên sông?
 Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.
 
Phải qua một thời nung nấu ngay trung tâm của Xứ uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Trung Kỳ, phải đợi đến cao trào cách mạng tháng Tám 1945, sông Hương mới sống dậy, náo nức với hàng vạn bước chân rầm rập qua cầu Trường Tiền, hàng trăm chuyến đò cập bến Đập Đá, Thừa Phủ, đưa người dân đổ về sân vận động dự mitting “ra mắt” Uỷ ban khởi nghĩa Thuận Hoá ngày 23-8-1945. Bảy ngày sau, hàng vạn đồng bào Thừa Thiên Huế, thay mặt cả nước, tận mắt nhìn Bảo Đại giao ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời trong khí thế đổi đời của cách mạng; nhìn cờ đỏ sao vàng bay trên đỉnh cao của Kỳ đài Huế, in màu đỏ lồng lộng giữa trời xanh, dội bóng xuống dòng sông Hương.
 Cách mạng bước vào trận thử thách, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, mặt trận Huế sục sôi chĩa mũi súng vào khu phố Tây ở bờ nam, đánh vào khách sạn Morin Frère, đánh sập cầu Trường Tiền, mở đầu cuộc tiêu thổ kháng chiến ở Thừa Thiên Huế. Từ đó, trên vùng đầu nguồn sông Hương, lớp lớp gái trai, già trẻ lại vạch rừng mở chiến khu Dương Hoà; luồn sâu vào khe Bún để lập xưởng in, trạm xá, xưởng dệt vải xi-ta kháng chiến. Thuyền của một số người dân lại ngược dòng sông Hương, lên chiến khu lập vạn đò Độc Lập. Trên sông nước nội thành, Chi bộ đảng Cộng sản Đông Dương khu phố Tám, khu phố quy tụ các vạn đò ở vùng địch tạm chiếm, đã mưu trí treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ đồn Mang Cá Huế. Cờ cách mạng bay trên đầu trung tâm chỉ huy của quân Pháp đã làm giặc khiếp sợ, lúng túng hằng giờ mới gỡ xong, từng được người dân Huế nhắc nhở như một chiến công của khu phố Tám, khu phố không có đất, không có nhà, chỉ có mặt nước sông Hương và lòng dân các vạn đò.
 Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến khu đầu nguồn sông Hương một lần nữa lại tiếp thêm sức sống, chỉ đạo, động viên nhân dân Huế đi vào cuộc chiến đấu mới, liên tục làm bùng nổ phong trào đấu tranh chống Mỹ-Nguỵ. Dọc hai bờ sông Hương những cuộc mitting, biểu tình, chiếm đài phát thanh, đốt Nhà Thông tin và Toà Lãnh sự Mỹ, đốt xe Mỹ, đuổi Mỹ… diễn ra sôi nổi. Sông Hương cũng như những dòng sông anh hùng trên đất nước đã vùng lên, nhận chìm nhiều đội quân xâm lược, mà trận đánh tàu Mỹ trên đoạn sông Hương gần chợ Dinh vào đầu xuân 1968 đã để lại ấn tượng tự hào sâu đậm trong lòng dân xứ Huế. Hoảng sợ trước sự phối hợp giữa căn cứ địa cách mạng và vùng nội thành, từ đầu nguồn sông Hương đến ngã ba Bàng Lãng, địch đã xây dựng một hệ thống đồn bót chằng chịt: căn cứ Mõ Tàu, Baston, Birmingham, đồn 303, đồn 204, chi khu quân sự Nam Hoà… đến cả đằng sau tượng đài Quan Âm ở lưng chừng núi gần bến Tuần, địch còn bố trí một lô-cốt tận đỉnh núi. Chiếc lô-cốt một thời người dân đã ví von “Phật cao hơn vua nhưng còn thua lô-cốt” với những mũi súng và cặp mắt cú vọ ngày đêm rình mò, vẫn không ngăn nổi những đoàn quân cách mạng lớp lớp tiến về giải phóng Huế tháng Ba 1975.
 
 Sông Hương, một dòng sông đẹp, dòng sông lịch sử, sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một giải lụa; hài hoà tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải; với những mảnh vườn và con người xứ Huế là nguồn cảm hứng vô tận của những nghệ sĩ, là sự thu hút say mê với khách phương xa. Xưa nay đã có hằng trăm bài ca, tranh ảnh diễn tả về sông Hương. Có người đã ví von “có một dòng thi ca về sông Hương”, rằng “dòng sông ấy không bao giờ tự lập lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ” (4). Hầu hết các nhà thơ lớn từng sống ở Huế đều có những bài thơ hay viết về sông Hương. Nguyễn Du đã thấy mảnh trăng trên sông Hương gợi cả mối sầu muôn thuở:
 Hương giang nhất phiến nguyệt
 Kim cổ hứa đa sầu.
 
Cao Bá Quát với hào khí của mình, nhìn sông Hương như một thanh kiếm dựng đứng giữa trời xanh:
Trường giang như kiếm lập thanh thiên.
 
Hàn Mặc Tử cũng viết về trăng sông Hương:
 Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
 Có chở trăng về kịp tối nay?
 
Gần đây, nhà thơ Thu Bồn cũng đã để lại những câu thơ bất hủ về sông Hương:
 Con sông dùng dằng, con sông không chảy,
 Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.
 
Sông Hương còn là một dấu hỏi lớn thôi thúc những nhà khoa học, những người làm công tác quản lý tìm cách khai thác, chế ngự. Có những dự án lớn về sông Hương đã được vạch ra từ thời trước, dự án Projet Polyergique de 1953 đề nghị “làm ngọt” nước sông Hương, biến vùng đầm phá nước lợ thành vùng nước ngọt, biến rẻo cát dài và những cánh đồng nhiễm mặn dọc phá Tam Giang thành vùng lúa phì nhiêu. Dự án dẫn nước (capture) của nhóm kỹ sư công chánh và các nhà địa chất Mỹ nghiên cứu sông Hương, sông Bồ đã vạch một kế hoạch táo bạo, hình thành một kênh đào từ Lào (nối sông Mêkông với cảng Thuận An?) để tạo thêm nguồn nước và nguồn thuỷ năng. Những công trình đó đã bị thực dân xếp cất, chưa ai thẩm định đúng sai. Cũng có những dự án chưa thẩm duyệt kỹ đã vội thực hiện trong những ngày đầu mới giải phóng, mong muốn tạo một chuyển biến về kinh tế, nhưng kết quả không đâu vào đâu như công trình thuỷ lợi Nam sông Hương. Gần đây, các dự án đề xuất phương hướng khai thác nguồn nước hệ thống sông Hương, phương án chống lũ, điều hoà dòng chảy, xây dựng công trình đập Thảo Long, công trình thuỷ lợi Tả Trạch đang từng bước được triển khai, sẽ ghi tiếp những dấu ấn lịch sử trên dòng sông Hương, đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ sông Hương chuyển mình bước vào thiên niên kỷ mới.
 T. T. C

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 


 -----------------------------
(1): Tài liệu của A. A. Branch, 1967, dẫn theo Sơn Hồng Đức, Thuỷ học đồng bằng Trị Thiên, tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, Huế, Nhà Sùng Chính, 1973.
(2): Lược ghi theo Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, Hà nội, nxb Khoa học Xã hội, 1977, trang 112.
 (3): Đại nam nhất thống chí, tập 1, nxb Thuận hoá, Huế, 1997, trang 181.
 (4): Hoàng phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông. Nxb Thuận Hoá, 1985.


Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyện đi câu (31/07/2008)
Nhịp sóng xanh (31/07/2008)
Trăng mười sáu (30/07/2008)
Cổ tích buồn (30/07/2008)