Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Phẳng và sâu không gian
15:02 | 31/07/2008
LÊ THỊ MỸ ÝBút kýTrong ký ức tuổi thơ tôi luôn nhớ về những buổi hoàng hôn rực cháy, những ngọn gió Lào thổi rát mặt làm quả đồi con như cũng phải oằn cong. Bao năm xa quê, gắn mình với chốn kinh thành mù sương và bảng lảng tiếng chuông chùa mỗi khi chiều sập tối, tôi vẫn luôn thao thức về những buổi hoàng hôn trên đồi nắng, tuồng như cả tuổi thơ đã chìm rơi trong ký ức xa xăm.
Phẳng và sâu không gian

Một buổi chiều mùa thu, tôi lang thang trên đồi Vọng Cảnh. Nơi đây lẽ ra đã có thể trở thành không gian thu hút nhiều khách tham quan trong sự phát triển du lịch của thành phố, nếu không có nhiều trở ngại. Nhưng cũng may bởi vì những trở ngại ấy mà tôi mới được ngồi đây, một mình giữa những nấm mồ con cỏ phủ như lòng chén úp, nhìn qua điện Huệ im lìm xanh mướt dưới tàn cây. Bầu trời cao vòi vọi của buổi chiều thu đang dần dần sẫm lại rồi chuyển dần từ ráng hồng thành sắc tía, phủ kín không gian gam màu huyền hoặc giữa khoảnh khắc giao hòa của Đất và Trời. Không một tiếng thuyền máy reo vang dưới lòng sông. Không một tiếng động nhỏ nhoi nào vang lên phá tan phút huyền tượng trang nghiêm thời gian đang khắc họa hoàng hôn đỏ tía lên toàn bộ cỏ cây, đất trời và tạo vật. Cả chiếc bóng của tôi cũng in lên nền trời đỏ tía, cái màu đỏ thật rực rỡ, huy hoàng mà lại thâm trầm huyền bí làm tôi bối rối. Hình như... tôi đã gặp đâu đây cái màu đỏ ấy... những hàng vân cột sơn son thếp vàng của kiến trúc cung đình xưa, những bức tranh sơn mài cổ kính chìm sâu sau không gian huyền tích... Như con nước Hương Giang được khơi nguồn từ dòng A Pàng thời tiền sử, trong tôi đã lặng lẽ hình thành những nỗi niềm suy tư về một dòng sơn mài truyền thống.

 Lần theo những dấu vết tư liệu khảo cổ học, được biết từ thuở xưa sơn mài đã hiện diện trong đời sống dân gian bằng tên gọi sơn ta. Những phát hiện mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), mộ thuyền La Đôi (Hải Hưng), mộ cổ Vinh Quang (Hà Tây), mộ cổ Đường Dù (Đông Sơn)... có niên đại từ thế kỷ IV trước Công nguyên trở lại cất giữ nhiều hiện vật phủ sơn và trang trí hoa văn cùng những đồ nghề làm sơn được tùy táng đã khẳng định sự có mặt lâu đời của một ngành nghề sơn cổ truyền. Sơn ta cũng đi vào đời sống cộng đồng dân tộc qua những sản phẩm phục vụ tín ngưỡng dân gian như đình, chùa, miếu và những sản phẩm phù hợp với nếp sinh hoạt đương thời như hoành phi, câu đối, kiệu võng, án thư, ống, tráp, quyển... Một trong những cuốn gia phả họ Trần còn lưu lại tại thư viện khoa học xã hội "Bình vọng Trần thị gia phả" ghi rằng: vào thời Lê Hiến Tông, hiệu Canh Thống (1493-1564) ở làng Bình Vọng có cụ Trần Dư, tên khác là Lương, tự Tu Khê, sinh năm Canh Dần (1470), năm Nhâm Tuất ba mươi hai tuổi đỗ đồng tiến sĩ (còn nghe đâu ông sống vào thời Lê Nhân Tông 1443, hiệu là Trần Thượng Công, từng làm đến chức to như bộ trưởng tài chính bây giờ) là người rất giỏi nghề sơn. Những câu chuyện về ông cứ mù mịt xa xăm như một huyền thoại xưa nào đó, huyền thoại những ngày tháng tha hương xứ người mới đem được tinh huyết nghề sơn nơi đất lạ Quản My, Hồ , Trung Quốc trở về truyền dạy nên về sau được tôn xưng làm ông tổ. Các thế hệ học trò của ông tổ nghề sơn từ đó lập thành phường thợ, tỏa đi bốn phương làm nghề kiếm sống. Theo thời gian, người làm sơn ngày một đông lên, ở mỗi nơi lại có những sáng tạo, cải tiến làm nên tên tuổi nghề sơn của địa phương mình: sơn then (đen) Đình Bảng, đồ Nẹt Cát Đằng (Nam Hà), hàng tráp quả chợ Bằng (Hà Đông), hàng thúng khảo chợ Dầu (Nam Hà)... Các phường thợ sơn có tiếng nói trên cùng các phường thợ truyền thống nổi tiếng đất Bắc trong cuộc nội chiến Đàng Trong - Đàng Ngoài đã hòa mình giữa dòng người vào Nam theo Chúa, làm thành các Ty thợ, Cục tượng... dần dần xây dựng những làng thủ công dân gian mang tên gọi của mỗi làng nghề ở Huế: xóm Nghĩa Tượng (Địa Linh) chuyên về kiến trúc, nghề đúc súng bằng đồng, gang thuộc Chú Tượng Ty (Phường Đúc), khắc chạm có làng Mỹ Xuyên, gò rèn có người Mậu Tài, sơn mài có đội ngũ làng Tiên Nộn...
 Có những ngày xa rời phố Hoài sau những đêm đèn lồng thao thiết lặng im, tôi vẫn hay tìm về Bao Vinh, nơi nổi tiếng bởi thương cảng và tranh gương ở thế kỷ XIX nổi tiếng hơn còn có những ngôi nhà cổ không đếm hết được số cột trụ như những ngôi nhà phố cổ Hội An, nghe trong lòng luyến nhớ những tháng ngày rực rỡ của một nền văn hóa thủ công xưa, lách cách nỗi buồn không tên bởi tiếng thoi thời gian vội vã. Đối diện với phố cổ Bao Vinh, cách trung tâm thành phố khoảng hai ki - lô - mét là ngôi làng Tiên Nộn, quê hương của nghề sơn trên khúc ruột miền Trung. Ông Trần Đại Vinh, thành viên sáng lập trung tâm nghiên cứu Huế cho biết trong Tiên Phước tự, một ngôi chùa hiện nay vẫn còn ở làng Tiên Nộn, có cất giữ gia phả dòng họ Nguyễn, là dòng họ lâu đời nhất vốn nổi tiếng về nghề sơn truyền thống từ khi bắt đầu phục vụ cho phủ Chúa. Dường như ở nơi đây thời gian vẫn chưa chạm đến được những ngõ ngách tự nhiên của hơi thở một làng quê nhỏ, ngoài sự mốc thếch của rêu xanh và những mảng sơn tróc lở trên hai con hạc sơn son đặt trước sân chùa. Những vệt mốc rêu xanh và mảng sơn tróc lở kia như đang mách bảo một điều gì đấy. Một thoáng Huế xưa. Một nỗi niềm tri âm đồng vọng mà có lẽ những nỗi niềm tri âm ấy chỉ có bạn tôi, một họa sĩ sơn mài mới có thể cảm nhận được hết. Huy đã cùng tôi lặn lội đi tìm trong rất nhiều ngôi chùa thành phố, từ Thiên Mụ, Diệu Hỷ, Diệu Đế, Thiên Minh... đến những ngôi chùa làng mà chúng tôi không còn có tên chỉ để mong tìm được một chút gì còn lại của những nghệ nhân sơn truyền thống. Nghe đâu ở Từ Hiếu có bức tượng Bồ Đề Đạt Ma phủ sơn đen mà chúng tôi cũng chưa được tận mắt nhìn. Trong những cuộc hành trình về phương Bắc, tôi đã từng được chiêm ngưỡng rất nhiều bức tượng và hiện vật phủ sơn, những tượng sơn đen ở Chùa Đậu (Hà Tây) cũ kỹ và linh thiêng khiến lòng tôi sùng kính như khi đứng trước hai pho tượng - xác ướp của hai vị sư cụ trù trì mà hiện nay đang có nguy cơ lần hồi tan rã; còn ở đền Ngọc Sơn (Hà Nội), phong phú, tinh xảo và thiêng liêng như câu chuyện trả kiếm ngày xưa, hơn tám mươi hiện vật phủ sơn cho đến giờ vẫn hồn nhiên phô bày cả một mai thinh lặng những dấu vân tay chồng lên dấu vân thời gian ẩn chứa bao buồn vui cuộc đời những nghệ nhân không ai còn nhớ... Vậy mà trên"quê hương" Phật giáo, vẫn không thôi ngỡ ngàng và mừng vui như trẻ nhỏ khi phát hiện ở Hoằng Quang tự, một ngôi chùa mới xây theo kiến trúc hiện đại với dàn cửa gỗ cổ xưa, ngay cạnh khu phố chợ An Cựu ồn ào tấp nập, những bức tượng gỗ chỉ cao chừng 40 đến 50 cm "ngủ quên" trong góc tủ. Mang nhiều yếu tố tượng ở chùa phương Bắc, khuôn mặt hiền hòa, đôn hậu, có đủ yêu cầu hoàn hảo về tướng pháp, nhưng cũng như hai con hạc ở chùa Tiên Phước, loạt tượng này đã bị mối mọt và thời gian đục ruỗng, chỉ còn trơ lại thớ cốt gỗ được bọc rất chắc chắn và khéo léo bởi bàn tay những nghệ nhân xưa. Phía sau lớp màng nhện chăng và bụi phủ, lại thấy ngời lên từng mảng son thếp vàng lộng lẫy như làm mờ đi cả ánh men sành sứ của hàng loạt tượng đủ kiểu dáng thường gặp ở phố chợ Đông Ba. Những lớp sơn lộng lẫy kia, trong giấc mơ của tôi đã bao lần ánh lên khát khao quả thị vàng cổ tích, vàng ươm như tuổi thơ gieo chật nắng miền Trung, vàng ươm những day dứt lặng thầm của các họa sĩ có tâm bởi sự sa sút lặng lẽ của ngành nghề sơn truyền thống, sự thiếu vắng những chất liệu chu sa, thần sa quý. Bây giờ, nghe đâu ở Hà Nội, chỉ có một gia đình còn lưu truyền và tồn tại được với nghề sản xuất các chất liệu quý hiếm ấy cung cấp cho dòng chảy sơn mài mọi miền đất nước.
 Những con hạc cũ xì tróc lở, những bức tượng hiếm hoi, những chất liệu hiếm ít khi xuất hiện trên các tác phẩm... như đã bị lãng quên trong một thế giới xa xăm nào của quá khứ nhưng vẫn không quên nhắc nhở với chúng tôi một điều: dù chỉ là "phiên bản" lưu truyền từ Bắc vào Nam, nghề sơn truyền thống qua nhiều lớp trầm tích thời gian và sự sáng tạo đã trở thành một dòng chảy có cội nguồn lâu đời trong lòng văn hóa thẳm sâu của Huế, trở thành một "di sản văn hóa phi vật thể" của đất thần kinh.
 Trong dòng chảy lịch sử lâu đời và nhiều thay đổi, với ý tưởng của chàng họa sĩ đến từ xứ Provence Joseph Inguimberty, năm 1928, nghề sơn được đưa vào chuyên khoa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trở thành nghệ thuật tạo hình đã làm nên tên tuổi những lớp họa sĩ tài danh như Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng...Tuy nhiên, để trở thành sơn mài truyền thống ở Huế, con đường đi của dòng chảy sơn mài cũng phải qua nhiều bước thăng trầm biến đổi. Ngay trong cái màu đỏ huy hoàng rực rỡ và thâm trầm sâu lắng của những hàng cột ở Hiển Lâm các, Hưng Miếu, Thế Miếu... hay màu đỏ trong những bức tranh phong cảnh thiên nhiên xứ Huế, lịch sử của nó cũng đã có thể viết nên bao nhiêu trang sách.
 
Là nước Việt Thường xưa, đất Tượng Lâm thời Hán Tấn, Thuận Hóa đã từng tiếp thu những tinh hoa rực rỡ của bao nền văn hóa, trong đó sâu đậm nhất vẫn là nền văn hóa Chăm Pa. Nghệ thuật Chăm đất Chiêm Thành giao thoa cùng luồng văn hóa Đàng Ngoài đã sớm tạo cho người Thuận Hóa một cách nhìn, cách cảm nghệ thuật khác xa những miền đất khác. Trong cảm nhận màu sắc, xuất phát từ năm màu cơ bản đỏ - vàng - xanh - trắng - đen, với nghệ thuật pha trộn tinh tế, người Thuận Hóa đã sản sinh riêng cho mình một màu tím. Màu tím là gam màu trung tính giữa nóng và lạnh, giữa sáng và tối, giữa âm và dương, cũng là khởi điểm của sự tạo thành những cặp màu tương phản, tạo nên hệ ngũ sắc dân gian riêng đỏ - vàng - tím - lục - xanh của Huế như sự xác lập của cố họa sĩ Phạm Đăng Trí mà trong “Tính cách Huế” Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có lần nhắc tới. Với màu tím riêng biệt ấy, điều kỳ diệu nhất là tôi có thể tìm được thăm thẳm những ráng đỏ hoàng hôn ký ức, trò chơi soi tay mình dưới bóng trưa để tìm thấy những đám mây vàng cam lung linh dịu mắt như tiếng nói ẩn tàng phía sau những đường tay định mệnh. Và riêng với Huế, màu tím còn được xem là một biểu tượng của tâm hồn, nó không chỉ là "những cảm xúc được gạn lọc thầm kín, tính cách không thích bộc lộ để thực hiện ý tưởng thăng bằng của nội tâm" mà còn có thể ví như là những đường biên ánh sáng của hồn nghệ sĩ lấp lánh vẻ đẹp phía sau những tầng sơn, những lớp mài bóng loáng nước - nét độc đáo đã làm nên chân dung sơn mài, đã gắn sơn mài vào linh giác tuổi thơ hồn nhiên màu sắc. Tôi bần thần chợt nghĩ nếu một ngày bỗng nhiên những bức tượng sơn mài cũ xì kia biến mất, thứ nghệ thuật kỳ ảo như những giấc mơ tuổi thơ kia không còn tồn tại nữa... thì liệu những đứa trẻ sau tôi lớn lên biết tìm đâu trong ký ức thời gian những hoài niệm chứng nhân suốt cuộc đời dân tộc, và chúng sẽ biết tìm đâu những khát vọng đam mê sắc màu được thắp lên tình cờ trong một thoáng hoàng hôn da diết. Phải chăng, cội nguồn văn hóa thẳm sau của chúng ta sẽ vì thế mà mất đi một mảng không gian lung linh huyền ảo, con người sẽ bớt đi những ước mơ trong sáng, những ước mơ đã làm chúng ta biết sống, biết yêu, biết bay lên và biết gìn giữ cả nỗi buồn.
 
Đời sống của chúng ta vô cùng phong phú. Đời cây sơn cũng vậy. Nhìn chung trong địa bàn Đông Nam Á, xét về nguồn gốc, cây sơn có nhiều nguồn khác nhau. Xuất phát từ hai bộ Rhus và Malornorrhea, cây sơn đã lan tỏa khắp mọi miền đất trong khu vực. Trung Quốc, Nhật Bản có giống sơn Rhus Verrnicifera, giống sơn Malonorrhea Laccifera mọc trên đất Cam pu chia, Lào, Miến Điện... và cây sơn Việt Nam lại thuộc giống Rhus Succedanea. Rhus, xuất phát từ chữ Hy Lạp Shous - gốc từ chữ Celte Rhudd, có nghĩa là màu đỏ, màu của những quả hay những lá thuộc các loại cây về mùa thu. Tôi đã từng đặt chân đến nhiều vùng đất Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang... quê hương của loại Rhus Succedanea mọc tự nhiên. Ngày nay, ở những nơi như thế, loại cây này đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân. Đứng như lạc trong rừng cây xanh ngút xen nhau tạo nên một vũ điệu của các thân lá kép, phải để ý lắm mới có thể nhìn thấy những bông hoa lưỡng tính màu xanh nhạt đang ấp e chúm chím, loáng thoáng đó đây thò ra một vài chùm quả nhỏ như chơi trò trốn tìm. Cây sơn không cho nhiều quả, mỗi quả chỉ kết một hạt nhỏ để con người biết nâng niu, gìn giữ, tái tạo mầm xanh gối vụ. Điều đáng ngạc nhiên và cũng là điều tôi băn khoăn nhất đó là sự vô tình, vô tâm đến mức ngây thơ của những người dân nơi đây. Suốt cả cuộc đời, họ chung sống với nhịp điệu cây sơn, chăm sóc, nuôi dưỡng, thu hoạch và cung cấp nhựa sơn đi khắp mọi miền đất nước, vậy mà trong tâm trí của họ, không hề có một ai tự đặt câu hỏi cho mình: thứ nhựa sơn mình làm ra có công dụng như thế nào, con người sẽ sử dụng nó ra sao? Người bạn đồng hành của tôi, cô Maye Sesrena tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy chính những người dân địa phương lại đặt ra những câu hỏi ấy với cô - một người đến từ phương trời khác và lần đầu tiên được nhìn thấy cây sơn Việt . Sesrena bảo tôi đây có phải là kiểu sống an phận thủ thường vốn đã ăn sâu trong từng thói quen nếp nghĩ của mỗi người dân Việt hay không. Tôi không biết trả lời ra sao, chỉ thầm ước một điều... Giá như không có những sự vô tâm ấy; giá như một ngày nào đó những công dụng của sơn được phổ biến rộng rãi; nghệ thuật sơn truyền thống vốn bắt nguồn từ đời sống dân gian sẽ không còn được xem là thứ nghệ thuật "hàn lâm" khuôn hẹp trong các trường đào tạo chuyên ngành mà số họa sĩ được cấp bằng dám cống hiến cuộc đời mình cho con đường ấy lại quá ít ỏi... thì biết đâu từ bàn tay người làm ra chất liệu sẽ có những tác phẩm hội họa, những tác phẩm mỹ nghệ nổi tiếng ra đời. Điều ấy có thể là hiển nhiên lắm, bởi ngay từ thời chúa Nguyễn, Lê Quý Đôn cũng đã từng ghi nhận trong "Phủ Biên Tạp Lục" về "gỗ dầu sơn sản ở tổng Bái Trời, huyện Minh Linh... có dùng để sơn đồ vật thì chưng lại như cao, cho trần hoàng vào thì thành sắc vàng, cho ngân châu vào thì thành sắc son..." - thứ chất liệu được xem như một sản vật quý đã làm nên tên tuổi những đội sơn và những làng nghề nổi tiếng.
 Không chỉ ở Việt , nghệ thuật sơn mài với chất liệu đẹp lạ lùng của nó mà nguồn gốc có bí mật trên hai nghìn năm cũng đã từng quyến rũ bao tâm hồn say mê cất công tìm hiểu. Cách chúng ta hơn một thế kỷ, năm 1894, những công trình của G. Bec - tơ - răng sau quá trình nhiều năm nghiên cứu được công bố đã hé mở tấm màn bí mật về chất liệu sơn. Sự đam mê của một vị giáo sư Tây phương đã nối tiếp khát vọng từ mấy nghìn năm trước của một người Việt bình dị chưng cất những tinh hoa sơn mài làm nên vẻ đẹp nghệ thuật Việt . Phát hiện của ông về chất lắc - ca - dơ trong nhựa cây sơn và những đặc tính của chất lắc côn - nhựa sơn đã cho phép con người đi xa hơn trong những khám phá, tìm tòi, dẫn tới những ứng dụng công nghệ sơn vô cùng quan trọng; đặc biệt còn cho phép chúng ta phân biệt được nhựa sơn thật với nhựa sơn đã được pha chế, phân biệt được cái đẹp thật và cái đẹp giả vốn đã bị đánh đồng lẫn lộn trong đời sống hôm nay. Những con người không sống chung cùng mảnh đất với cây sơn lại có những say mê và khát vọng về cái đẹp diệu kỳ đến vậy, lẽ nào những người trồng cây sơn, sống chung một giờ khắc mặt trời qua bao cuộc đời và bao thế hệ lại có thể vô tình không cần hiểu biết gì về giống cây thân thuộc ấy?
Cũng như lịch sử của cội nguồn và màu sắc, con đường đi của sơn mài đã phải trải qua nhiều bước thăng trầm biến đổi đến tận những năm đầu thập kỷ 60, từ tên gọi sơn ta, sơn mài mới chính thức gia nhập vào bảng chất liệu hội họa của Huế. Ngày ấy, ngay trong cung Trường Sanh, bên tả điện Thái Hòa nghề sơn cổ truyền, nghề chạm khắc cùng bao ngành nghề thủ công khác đã được khôi phục, khuếch trương dưới sự chỉ dẫn dìu dắt của những lớp nghệ nhân tài tử mà trong số họ nay đã có không ít người thành họa sĩ.
 Tôi vẫn thường mê xem phim lịch sử Trung Quốc. Hồi nhỏ, không biết đã bao lần há hốc mồm mê mẩn ngắm những hàng cột, dòng chữ, những biển hiệu tô nhũ vàng sơn đỏ trên các phim truyền hình dài thượt. Qua thời gian, lớp sơn tô nhũ óng ánh kia đã bị bóc trần, nhường chỗ cho niềm thán phục những tác phẩm nghệ thuật sơn mài giản dị hoành tráng như những bức Thập nhị tứ hiếu đến nay vẫn còn được lưu giữ tại điện Ngưng Hy lăng Đồng Khánh. Trong nghệ thuật trang trí cung đình của Huế, sơn mài chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Ngoài các hàng cột phủ sơn son thếp vàng hình rồng uyển chuyển như đang bay lượn trong từng lớp điểm xuyết hoa văn mây mà ta dễ dàng bắt gặp ở các điện, còn có thể nhìn thấy dấu ấn sơn truyền thống qua những dòng chữ thể hiện các bài thơ nhỏ trên các ô hộc ở liên ba và trên dải đố bản ngang các đầu tường, xen lẫn giữa những phù điêu chạm nổi, sơn thếp tạo nên một bức tranh toàn cảnh hoành tráng và rực rỡ đến từng chi tiết. Những tác phẩm ấy cũng như những công trình kiến trúc của nhà Nguyễn đã bị thời gian và những tác nhân xung quanh làm hư hại, xuống cấp, may mắn thay lại được một nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong nghề sơn truyền thống, là người đầu tiên có mặt trong cuộc khuếch trương mỹ nghệ Huế đứng ra bắt tay đảm nhận trùng tu, tái tạo. Không chỉ là nghệ nhân phục chế các công trình kiến trúc quan trọng, ông còn là một họa sĩ. Trong tranh của ông, sơn mài vẫn là chất liệu chính để truyền tải nỗi niềm hoài vọng về những vẻ đẹp xưa, cái vẻ đẹp của nét hài thon nhỏ hay chiếc bình vôi cổ, u buồn góc lăng tẩm chùa chiền như thoáng suy tư về một thời vàng son quá vãng đã rất xa xôi nhưng vẫn còn thao thiết mãi với lòng người. Giữa buổi chiều hôm, mái đầu lấp lánh bạc qua bao dòng chảy thời gian rực lên trước hoàng hôn. Tôi như thấy lấp lánh đâu đây cả những khao khát được trở về với quy trình kỹ thuật sơn mài truyền thống, trở về với quan điểm sáng tạo gần hơn cội nguồn trong vô thức những quan điểm như một điểm tựa để làm cho các tác phẩm nghệ thuật, các công trình kiến trúc không đánh mất vẻ đẹp nguyên sơ và tinh thần xưa cổ. Phảng phất đâu đây trên mái đầu tóc bạc già nua kia, trên những hình thể chuyển động như sự tìm tòi không ngơi nghỉ của các thế hệ họa sĩ, tôi cũng thấy bản sắc sơn mài đang ánh lên những cảm xúc huyền hoặc mê đắm trước thời gian.
 Khác với gốm truyền thống là hơi thở của đất quê dân dã hòa quyện vào bí mật muôn đời của lửa, sơn mài là sản phẩm của những công đoạn nguội và chậm dễ dàng làm chết những cảm xúc bồng bột, trực tiếp của người họa sĩ. Thời gian để hoàn thành một bức tranh sơn mài đòi hỏi cả một chiều dài kiên nhẫn. Phải ít nhất một tháng, người họa sĩ mới có thể hoàn thành được bức tranh sơn mài tạm theo ý của mình. Trong khoảng thời gian ấy, họ phải thực hiện rất nhiều thao tác tỉ mỉ, chính xác từ làm sơn, đến thể hiện màu sắc, kỹ thuật mài bóng. v.v. Chỉ riêng thao tác tạo cốt vóc về cơ bản đã cũng phải bao gồm bảy bước (đối với cốt gỗ): bọc vải hoặc bọc giấy, bó sơn, mài bó, hom sơn hay lót sơn, sơn thí và sơn quang. Cùng với những khó khăn khi thực hiện các thao tác, công việc sơn mài còn đòi hỏi cả tính thích nghi của người trực tiếp tiếp xúc với sơn bởi những căn bệnh lở sơn thường gặp. Trong tác phẩm "Lịch sử những cây độc và khả nghi nước Pháp", Bulliand đã từng viết: "Kiến thức con người không phải chỉ giới hạn ở những việc đều có ích cho mình mà còn phải quan tâm tới cả những cái hại để tránh". Bởi vậy, năm 1887, White đã liệt kê và gọi tên được hai căn bệnh lở sơn trên cơ sở phân tích độc tính của các loại sơn khác nhau. Tuy nhiên, lịch sử bệnh lý về những mụn sơn hay bệnh lở sơn có thể khái quát được là nhờ ở công trình quan sát tỉ mỉ của Tedeschi năm 1899 khi ông xác định chứng bệnh nhức nhối này có ở mọi mức độ, từ chứng sần đỏ thường đến khởi biến thành đóng vẩy đến chứng chốc lở đan độc, rối loạn tiêu hóa v.v. Bản thân giáo sư G. Béc- tơ-răng, người đã phát hiện ra chất lắc côn cũng xác định chất này có độc tính. Cho đến nay, ở góc độ sinh lý và hóa học, bệnh lở sơn vẫn còn là đề tài nghiên cứu của nhiều công trình và tạm thời nó vẫn được xem như một bệnh lý chưa có thuốc chữa đặc dụng. Các họa sĩ sơn mài, vì vậy, muốn đi trên con đường sơn mài, phải có một độ nhạy cảm thích ứng với chất liệu và phải biết để phòng tránh. Biết để tránh - điều đó một phần nào đã nói lên bản chất của công việc sơn mài, một công việc không chỉ tồn tại bằng những khao khát tìm tòi mà trước hết tồn tại bởi sự thích nghi tự nguyện, bởi bản lĩnh, cốt cách kiên nhẫn của người nghệ sĩ.
 Cần cù và chịu thương, chịu khó, bản tính bền bỉ qua thời gian vốn được xem là tính cách của con người Việt Nam, và như vậy con người Việt Nam có thừa năng lực đáp ứng cho công việc sáng tạo sơn mài đầy thử thách. Tuy nhiên, khát vọng sáng tạo không phải là câu chuyện giản đơn. Sơn mài càng không phải là câu chuyện giản đơn hay câu chuyện của một vài họa sĩ. Trong một tầng hầm bé nhỏ tại thủ đô Hà Nội náo nhiệt đang bung mở những cuộc triển lãm hội họa bằng các chất liệu hiện đại, tôi đã gặp những giọt mồ hôi rạng rỡ trên gương mặt một họa sĩ trẻ lăn lộn đam mê bên những thếp quỳ vàng, bạc, các chất sơn và những khúc gỗ thị khổng lồ được cưa xẻ, đục khắc... Vài ba năm mới có thể cho ra đời một tác phẩm. Những tác phẩm vừa mang hơi thở của tranh dân gian Đông Hồ, làng Trống, vừa bừng sáng tinh thần của hành vi họa với những cảm xúc trực tiếp, vượt thoát ra ngoài sự quy định của chiều sâu chất liệu và vượt thoát ra ngoài những khoảnh khắc mài sơn. Những giọt mồ hôi dâng hiến niềm vui sáng tạo ấy của người họa sĩ cũng giống như bao năm tháng lặng lẽ
cắm mình vào các chất liệu khác đi tìm thế mạnh của các chất liệu cho một ưu điểm sơn mài của các lớp họa sĩ... Ở một nơi nào đó, Huế - Hà Nội - Sài Gòn... vẫn đang còn nhiều họa sĩ âm thầm như thế tìm tòi con đường đi cho mình bằng chất sơn truyền thống. Trong niềm vui sáng tạo, con người dường như xích lại gần nhau hơn, dù có thể những thể nghiệm mới chưa hẳn đã thành công nhưng người nghệ sĩ chưa chắc đã tìm ra được con đường đi riêng của mình phía sau mặt phẳng - cánh cửa hẹp của chất liệu mà Nguyễn Gia Trí đã từng khẳng định. Với sự huyền diệu lung linh của chất liệu, sơn mài đất Việt như dòng sông cuộc đời sẽ mãi còn chảy ra từ những tấm lòng khát vọng. Và một ngày nào đó, bất chợt soi mình trong những sắc màu lung linh kỳ ảo, sẽ có bao người như tôi lại được nhìn thấy mình trên đồi cao vời vợi, ngồi nghịch những mảng hoàng hôn tím đỏ màu trời.
Huế, tháng 9/2001
L.T.M.Y
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyện đi câu (31/07/2008)
Nhịp sóng xanh (31/07/2008)