Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Đạo diễn Đặng Nhật Minh: chân dung của một người yêu nước mình.
16:48 | 31/07/2008
VĂN CẦM HẢI thực hiệnLTS: Nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc Lý Thụy Anh đã đánh giá rất cao đạo diễn Đặng Nhật Minh qua bài viết "40 năm phim truyện Việt ". Nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế từ thập kỷ 70 đến nay (gần đây nhất là giải Bông sen vàng liên hoan phim truyện Việt lần thứ XIII) cũng đủ minh chứng cho điều đó. "Nó không chỉ đem lại danh tiếng cho ĐAVN mà quan trọng hơn là giúp cho công chúng quốc tế biết đến ĐAVN". Sông hương xin trân trọng giới thiệu trích đoạn cuộc trò chuyện giữa đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà văn Văn Cầm Hải nhân dịp ông về thăm nhà vào những ngày sắp bước sang xuân mới.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh: chân dung của một người yêu nước mình.
"Giải thành tựu trọn đời vì những cống hiến xuất sắc cho điện ảnh châu Á" tại LHP Gwangju

...
Văn Cầm Hải (VCH): Chân dung của một Đặng Nhật Minh do chính đặng Nhật Minh phác hoạ sẽ là một chân dung như thế nào?
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (ĐNM): Chân dung ư? Nếu có thể thì tôi xin mượn nội dung Bài thơ của một người yêu nước mình của nhà thơ Trần Vàng Sao để phác thảo về mình.
VCH: Một người yêu nước mình sẽ sống ra sao nếu tuổi thơ là một sự quên lãng?
ĐNM: Một người yêu nước mình thì phải gắn bó với số phận thăng trầm của đất nước mình, trong đó có số phận của người thân, gia đình và bản thân mình. Trong những số phận đó thì giai đoạn và vai trò của tuổi thơ rất quan trọng.
VCH: Quê hương và tuổi thơ quan trọng như thế nào trong tác phẩm của anh?
ĐNM: Tất cả những phim của tôi đều mang đặc điểm của một tâm hồn Huế. Một tâm hồn vốn không ồn ào nhưng sâu lắng. Đó là cái hướng để tôi muốn đi theo và thực chất nó cũng xuất phát từ bên trong của tôi với bản thân là một người Huế. Nó cũng mạnh mẽ nhưng không ồn ào, sâu lắng nhưng không quá uỷ mị. Như trong phim "Mùa ổi" (Giải thưởng Bông sen vàng Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 13-2001. SH) có những cái liên quan đến tính cách tâm lý của người Huế. Đó là hình ảnh gắn bó với kỷ niệm, thiên nhiên cây cỏ như một tính cách đặc trưng của người Huế. Ví như tôi đang đứng trong khuôn vườn Lạc Tịnh Viên của gia đình đây có rất nhiều cây cối gắn liền với tuổi thơ tôi từ ngày tôi còn bé được sống cùng với khu vườn này.
VCH: Hình như trong gia đình, trước và sau anh chưa có người nào hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật?
ĐNM: Tôi sinh trưởng trong một gia đình làm ngành y và giáo dục, chưa có ai trong số chú bác cô dì làm nghệ thuật. Tuy nhiên, dù tôi không sinh ra trong một gia đình không liên quan đến văn học nghệ thuật nhưng từ bé tôi đã được sống trong một không khí coi trọng giá trị tinh thần, giá trị đạo đức và yêu ca dao tục ngữ, yêu thơ ca, yêu Truyện Kiều, yêu những câu hò xứ sở quê hương. Môi trường đó đã tác động và hình thành nên tâm hồn của tôi và để lại những sâu đậm trong cuộc đời sáng tác của tôi.
VCH: Còn thân sinh của anh, giáo sư- bác sỹ anh hùng Đặng Văn Ngữ?
ĐNM: Tôi không được sống gần gũi với Cha tôi- giáo sư bác sỹ Đặng Văn Ngữ tại vì lúc tôi còn nhỏ thì Cha tôi du học ở Nhật 7 năm sau đó về tham gia kháng chiến, nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc penixilin và giảng dạy trường y ở trên Việt Bắc trong khi đó tôi vẫn đang ở thành Huế là vùng địch tạm chiếm cùng Mẹ mãi đến 1951 mới được tổ chức đưa ra Bắc đoàn tụ với Cha tôi. Sau thời gian học ở Tân Trào, cách Chiêm Hoá nơi Cha tôi làm việc đến 70-80 km, rồi được du học ở nước ngoài nên thời gian sống với Cha tôi rất ít. Hoà bình lập lại, Cha tôi về Hà nội giảng dạy ở trường y nhưng công việc chính của cụ lúc này là nghiên cứu thuốc diệt sốt rét ở miền Bắc và chính công việc này đã choán hết tất cả thời gian, sức lực của mình nên cụ rất ít thời gian để sống gần, dạy bảo tôi. Thế nhưng hình ảnh của ông cụ là tấm gương một người trí thức luôn luôn gắn liền số phận mình với số phận đất nước, chia sẻ tất cả những buồn vui với đất nước cũng như đã tận tụy đem hết tất cả kiến thức của mình, những gì mình có để phụng sự cho tổ quốc, sự say mê khoa học và nghiêm túc trong công việc của ông đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên. Và dù không bao giờ dặn dò, dạy bảo cái gì nhưng tôi đã lĩnh hội, tiếp thu được phần nào con người và sự nhiệt huyết của Cha tôi để lớn lên với cuộc đời. Làm phim là một lĩnh vực hoàn toàn khác với nghiên cứu khoa học. Cha tôi đã dạy cho tôi cách làm việc đã làm là làm hết mình, hết sức tỷ mỷ, cần cù và thậm chí khoa học nữa. Vì trong công việc của người đạo diễn thì đây là một công việc đầy tính sáng tạo và đòi hỏi phải khoa học. Một đạo diễn không thể cấu trúc một bộ phim, xử lý một tình huống, dàn cảnh quay mà không có sự chuẩn bị, không cân nhắc tính toán. Trong phim cũng như các vấn đề tôi đặt ra, tôi luôn luôn gắn bó cuộc đời mình với số phận, những thăng trầm của đất nước. Xuất phát từ đó để mình nói, mình tâm sự với khán giả qua phim. Tôi nghĩ tất cả những điều này là những ảnh hưởng mà tôi đã tiếp thu từ hình ảnh cuộc đời người Cha thân yêu của tôi.
VCH: Sự hy sinh của người Cha, cái chết yểu mệnh của người em gái và người mẹ cũng sớm qua đời đã ẩn hiện qua nhiều tác phẩm của anh vừa lung linh huyền ảo, vừa như một nỗi buồn xa xôi của tâm linh?
ĐNM: Mẹ tôi mất trên chiến khu Việt Bắc đúng một tháng sau ngày hoà bình lập lại 1954. Đó là trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn trong kháng chiến chống Mỹ thì Cha tôi hy sinh ở chiến trường Trị Thiên như một người lính trong khi Cha tôi cùng đoàn chống sốt rét chuẩn bị nghiên cứu vaccin và sau đó em gái tôi vì không chịu được cú sốc tinh thần mang nặng nỗi đau này nên đã sinh bệnh và qua đời. Đó là những bi kịch lớn trong gia đình tôi và đương nhiên không thể không tác động đến cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của tôi. Những người thân tuy qua đời nhưng hình ảnh thân thương của họ vẫn luôn luôn sống trong tôi như họ vẫn tồn tại vì vậy trong cuộc sống của tôi, cái hiện hữu-cái chúng ta đang sống đây với những cái vô hình-những cái đã mất đi luôn quyện lẫn vào nhau, không tách rời nhau.
VCH: Anh tồn tại với tư cách là chủ thể của sự hoà quyện mang tính hoài niệm và dự cảm đó, nhất là trong các tác phẩm điện ảnh của mình?
ĐNM: Có thể nói cái hữu hình và cái vô hình cùng tồn tại. Trong phim của tôi cái nhìn thấy được là cái hữu hình ngoài ra nó có những cái không nhìn thấy được. Tôi rất ngạc nhiên có lần tôi đem phim "Mùa ổi" chiếu ở Mỹ, một nữ khán giả người Mỹ gốc Nhật nói với tôi: Trong phim của anh tôi nhìn thấy những thiên thần (les anges) đi lại. Nghĩa là chị ta đã cảm được những cái vô hình ngoài những cái hữu hình trong phim tôi. Thực lòng tôi rất khâm phục người khán giả này.
VCH: Anh Minh, làm thế nào để chúng ta có thể hiểu được cái hữu hình và cảm được cái vô hình trong nghệ thuật điện ảnh?
ĐNM: Thế giới vô hình đó là cái phần siêu thực và cái hiện thực này phải thông qua siêu thực mới chuyển tải được đầy đủ ý nghĩa. Nếu không có những thực thể vô hình trong một tác phẩm thì nó chỉ tồn tại trần trụi, không lay động được ai cả. Những chợ âm dương trong phim Bao giờ cho đến tháng mười, những cõi tuổi thơ, ký ức và hoài niệm trong phim Mùa ổi hay là những hình ảnh gợi cảm mà tác động của nó vượt ra ngoài bản thân nó sẽ có ý nghĩa rất lớn trong phim. Như hình ảnh cái nón nằm lăn lóc trên lối đi lại trong phim Cô gái trên sông thì nó không phải là cái nón nữa mà nó là một cái gì khác, nó là số phận, là sự cô đơn, là sự bị ruồng bỏ, sự thờ ơ của người đời. Bao giờ tôi cũng muốn từ cấp độ hiện thực nhìn thấy nâng nó lên ở một cấp độ ta không không nhìn thấy mà chỉ cảm thấy. Sự tồn tại của phần vô hình là trong sự cảm ấy.
VCH: Ngay cả sự cô đơn cũng lắm lúc vô hình nhưng không có nó người nghệ sỹ không hiện hữu đích thực trong sáng tạo?
ĐNM: Người nghệ sỹ nào cũng có cô dơn. Trước hết là không phải anh bị người đời ruồng bỏ hay phụ bạc mà bản thân anh khi thu về với anh để anh chiêm nghiệm một điều gì đó thì lúc ấy chỉ một mình anh biết, một mình anh hay, làm sao mà anh hiểu được anh, anh biết được anh chính giây phút đó anh cô đơn nhất. Giải toả sự cô đơn đó bằng cách truyền đạt lại những điều anh đã suy nghiệm qua những tác phẩm và chỉ qua tác phẩm thì anh mới giải toả được những ẩn ức của sự cô đơn. Ngay cả khi anh giải toả nó bằng một tác phẩm, thậm chí anh cũng không tránh khỏi sự cô đơn vì không phải một trăm người hiểu đúng hết một trăm điều anh nghĩ. Cái giây phút ấy cô đơn và anh lại bắt đầu hiện hữu.
VCH: Chúng ta sẽ hiện hữu như thế nào để không phụ bạc, không ân hận trước cô đơn và chính bản thân mình?
ĐNM: Tôi không bao giờ cảm thấy ân hận về phương pháp làm việc, cách sống, cách suy nghĩ của mình. Tôi luôn luôn tự cảnh báo đừng bao giờ đánh mất bản thân mình. Phải hết sức trung thực với chính mình tại vì tôi quan niệm một trong những nguyên tác của nghệ thuật là anh muốn chạm đến trái tim của người khác thì trước hết anh phải thành thật với chính mình. Ví dụ cái điều anh đề cập, anh phải rung động mười thì may ra còn mang tới người xem được sáu bảy phần đấy là nhiều rồi. Còn nếu anh không rung động, anh làm một điều mà bản thân không thân thiết với anh, làm như nghĩa vụ, như một sự minh hoạ thì không bao giờ anh làm rung động được trái tim người xem và như thế thì không có văn học nghệ thuật cũng như chính bản thân anh.
VCH: Rung động trước đời sống, thành thật với chính mình và gắn bó với đất nước là một trong những bản sắc văn hoá của một người yêu nước mình, thưa anh?
ĐNM: Nếu có một người Thầy trong điện ảnh thì đó chính là cuộc sống. Tôi hoàn toàn tự học mà không qua một trường lớp bài bản nào hết. Dĩ nhiên cũng có hai lần đi thực tập ngắn hạn ở Bungary và Pháp nhưng chính sự quan sát đời sống cũng như việc tự học, tìm hiểu đã dạy cho tôi nghề này. Nói như vậy không có nghĩa là tôi phản đối những trường lớp dạy điện ảnh một cách bài bản hẳn hoi nhưng do hoàn cảnh của tôi buộc tôi phải đi theo con đường tôi đã chọn và đã có nên cuộc sống là người thầy lớn dạy nghề cho tôi. Bên cạnh đó tôi cũng thấy trên thế giới có nhiều đạo diễn tài giỏi làm ra những bộ phim mà bây giờ liệt vào hàng kinh điển của thế giới thì phải xem, phải học nhưng học hỏi gì thì học hỏi, khi làm phim cái quan trọng nhất là phải xuất phát từ chính các vấn đề chính mình chiêm nghiệm trên mảnh đất Việt Nam, nơi cái tâm hồn và tình cảm của con người Việt Nam. Phim của ông Trương Nghệ Mưu rất hay, rất gần gũi với mình nhưng ông ấy vẫn là người Trung Quốc. Nếu có gần gũi chăng là bởi hai dân tộc đều là châu á, có phong tục tập quán, hoàn cảnh xã hội giống nhau nhưng thực chất mình vẫn là người Việt . Năm 1999, tôi rất vui khi được giải NIKKEI ASIA của báo NIHON KEIZAI SHIMBUN mỗi ngày phát hành 5 triệu bản ở Nhật và trên thế giới. Báo này đặt ra giải thưởng hàng năm cho 3 lĩnh vực Kinh tế, Khoa học và Văn hoá, tôi được giải thưởng về văn hoá. Việc này làm cho tôi hết sức bất ngờ nhưng khi đọc lý do trao giải trên tấm bằng thì tôi rất hạnh phúc vì họ ghi nhận rằng trong tất cả các phim đã làm từ trước đến nay tôi đã nói lên được tâm tư tình cảm, tấm lòng của người Việt nam và cũng là tấm lòng của người châu á để giới thiệu ra với thế giới. Nếu tôi có đóng góp được cái gì chính là chỗ đó chứ không phải tôi là người phát hiện ra ngôn ngữ điện ảnh gì ghê gớm, táo bạo gì cả. Tôi cảm thấy sung sướng khi mình làm phim mà được ghi nhận đúng với điều mình suy nghĩ, chiêm nghiệm và sáng tạo.
VCH: Trong những phút giây suy nghiệm và sáng tạo, anh có bao giờ nhắc nhớ mình một ước mơ về quê hương?
ĐNM: Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi muốn trở về Huế một thời gian dài để làm một câu chuyện phim gắn liền với mảnh đất Huế. Đó cũng là một trách nhiệm, một món nợ tinh thần của tôi đối với quê hương.
.......
Huế, những ngày sang Xuân mới.
V.C.H

(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng