Tết vui không phải chỉ bởi có: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh những thứ mà ngày thường ít xuất hiện trong đời sống gia đình, làng xóm... Tết còn là cơ hội để nam, phụ, lão, ấu nghỉ ngơi và tổ chức các sinh hoạt vui chơi giải trí... Thuở xưa, người Việt Nam sau lũy tre xanh quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối nơi ruộng đồng, đầm phá, sông biển, núi đồi... kiếm miếng cơm, manh áo. Họ ít được nghỉ ngơi và cũng ít khi được thảnh thơi, được rảnh rang để tổ chức các sinh hoạt văn hóa tinh thần. Tết đến mọi công việc cấy cày, chài lưới, buôn bán... tạm dừng, tạm gác lại một bên. Nhà nhà lo việc sửa sang đường ngõ sạch sẽ, phong quang, sắp xếp trang hoàng lại cửa nhà sao cho gọn gàng đẹp đẽ và chuẩn bị cỗ bàn, bánh trái,. .v..v.. để lễ cúng tổ tiên, để tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Cùng với những công việc ấy, hầu hết các làng xã đều tổ chức các trò vui để mọi người cùng vui vẻ, cùng thi tài, thử sức. Phong phú và đa dạng nhất phải kể đến các trò chơi dân gian. Có thể chia các trò vui này thành mấy loại sau: - Trò vui mang tính trí tuệ. - Trò vui rèn luyện cơ bắp và sự nhanh nhạy, khéo léo. - Trò vui có liên quan đến thơ ca và hát hò... - Trò vui sử dụng các con vật, đồ vật nhằm giải trí, mua vui. Tùy từng loại trò vui mà không gian diễn xướng rộng hẹp và người tham gia nhiều ít khác nhau. * Các trò mang tính trí tuệ. Thuộc loại trò vui này có chơi cờ và đánh bài. Nhiều làng xã Tết đến tổ chức đánh cờ thẻ, cờ người. Bàn cờ là sân đình, quân cờ do các nam thanh, nữ tú đảm nhận. Cờ thẻ, cờ người không chỉ hấp dẫn những người mê cờ, giỏi cờ mà còn thu hút hàng ngàn người trong làng, ngoài xã đến xem coi và cổ vũ, động viên. Cuộc đấu cờ người nhiều nơi kéo dài đến vài ba ngày tết. Cùng với cờ người, các bàn cờ tướng cũng làm say lòng những kỳ phùng địch thủ ở thôn quê, nhất là các cụ ông và người biết chữ Hán, chữ Nôm. Ít mê cờ tướng, các cụ bà, các chị tuổi ba bốn mươi thường gặp nhau để đánh bài tam cúc, và các bé gái, bé trai thì chơi trò "cá, cua, bầu, bí"... Các loại cờ, loại bài này ngày xưa chủ yếu chỉ chơi cho vui, chơi lấy may, lấy "hên", không mấy ai chơi vì tiền, vì bạc... * Các trò vui rèn luyện cơ bắp và sự nhanh nhạy, khéo léo. Con người xưa nay vốn ham thích vận động, nhất là nam nữ thanh niên. Từ nhiều sinh hoạt lao động hàng ngày như chèo thuyền, leo núi hái củi, đánh bắt cá trên sông biển,. .v..v.. ông cha ta đã nghệ thuật hóa một số động tác lao động để xây dựng nên các trò vui tổ chức vào dịp lễ tết, hội hè nơi thôn xã. Tùy từng địa phương, từng tập quán làm ăn, sinh sống, mà các loại trò vui này được tiến hành với các nội dung, các hình thức khác nhau. Người miền núi có trò tung còn, bắn nỏ, người đồng chiêm có trò bắt lươn, bắt chạch, đuổi vịt, đánh đu, nấu cơm thi, cơm cần; người vùng sông biển có bơi chải, đua ghe; còn đấu võ đấu vật thì cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều có làng tổ chức. Ngoài ra, các trò chơi nhỏ như đập nồi niêu, leo cây chuối, ném vòng cổ chai... hầu như hội làng nào cũng thấy góp mặt. Các trò vui vừa nêu trên giúp người thi rèn luyện cơ bắp, phát huy sự nhanh nhạy, khéo léo và cả tài "thao lược" nữa. Cứ xem cái cảnh: Trai đu gối hạc khom khom cật Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng (Chơi đu - Hồ Xuân Hương) chúng ta cũng đủ thấy sự vui vẻ, đẹp đẽ, sinh động và đầy tinh thần thể thao của các trò vui dân gian ngày tết. * Các trò vui có liên quan đến thơ ca và hò hát Làm thơ, đặt vè, hát ví, hát ru, ca bài chòi, ca cải lương,. .v..v.. là những sinh hoạt văn nghệ có sức hấp dẫn lớn. Yêu thơ ca, hò hát, người Việt Nam đưa cả loại hình nghệ thuật này vào một số trò vui ngày Tết. Chơi bài chòi và thả thơ được tổ chức ở một số làng xã miền Trung và trong phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa chốn cố đô xưa là một loại trò vui thanh cao, sang trọng mà không mất đi tính dân giã của nó. Người tham gia các trò chơi này thường là người yêu thích và có tài văn chương hoặc hò hát. Một con bài, một câu thơ nêu ra làm lời đố đều được diễn xướng bằng một làn điệu dân ca, hoặc một giọng ngâm thơ trầm, bổng. Nó vừa làm thỏa mãn lòng mong muốn được nghe lời hát, tiếng thơ vừa kích thích, và vừa phát huy được tài phán đoán của người dự chơi trước những đề ra hóc búa. * Trò vui sử dụng các con vật, đồ vật nhằm giải trí mua vui. Nhằm làm phong phú thêm các trò vui ngày đầu xuân, ông cha ta xưa đã sử dụng một số đồ vật và con vật tạo nên những hoạt động rất đặc biệt. Những trò vui này do con người đạo diễn, những con vật, đồ vật lại giữ vai trò diễn xướng. Lướt qua một số trò vui dân gian, chúng ta thấy chứa đựng trong nó bao điều tốt đẹp. Người tham gia các trò chơi cái chính là để tìm niềm vui, để được hòa trong cái vui chung của xóm làng, không lấy việc hơn thua và thu lợi về tiền của làm đầu. Tâm linh được thăng hoa, được giải tỏa, tinh thần được sảng khoái, trí tuệ và thân thể được dịp rèn luyện, phát huy... đã đem lại bao điều hữu ích cho những người sáng tạo và tham gia các trò chơi dân gian. Tất cả đều vì con người, phục vụ cho con người. Ấy là ý nghĩa tốt đẹp và đậm đà tính nhân văn của những trò chơi được tổ chức ở các làng xã, phố phường thuở xưa trong dịp Tết về, xuân đến. T.H
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)
|