Tạp chí Sông Hương - Số 156 (tháng 2)
Bài thơ Chức Cẩm Hồi Văn của Tô Huệ
15:16 | 04/08/2008
HẢI TRUNGVào thời Hán, ở Trung Quốc, có một vị tướng tên là Đậu Thao, do phạm trọng tội nên bị vua Hán đày biệt xứ ra biên ải. Vợ của tướng quân này là Tô Huệ là một phụ nữ bình dân sống bằng nghề dệt lụa. Từ ngày Đậu Thao bị đày ra biên ải, ngày đêm vò võ ngóng tin chồng, nhưng ngày tháng cứ nối nhau qua mãi mà vẫn biệt âm vô tín.
Bài thơ Chức Cẩm Hồi Văn của Tô Huệ

Dồn nén tất cả thương nhớ vào tâm hồn, bằng tài thi văn của mình Tô Huệ đã viết Chức Cẩm Hồi Văn và dệt lên lụa với nội dung diễn đạt hết sức bi thiết về nỗi nhớ chồng. Có người ra biên ải, Tô Huệ gửi bài thơ ấy cho Đậu Thao. Nhưng người đưa thư cầm thư mà không hiểu nội dung viết gì, e ngại trong thư có lời lẽ phản nghịch, lo sợ vạ lây, nên đã chuyển thư về triều đình.
 Thư Chức Cẩm Hồi Văn đến tay vua Hán, sau khi nghiên cứu đọc toàn bộ nội dung, cảm phục trước tấm lòng sắt son và tài thi phú của một người phụ nữ, vua hạ chỉ tha cho Đậu Thao về. Bài thơ thật sự gây được ấn tượng thẩm mỹ cho người xem, người đọc từ hình thức trình bày đến nội dung chữ nghĩa.
 Trong các dạng hồi văn của thi ca Hán Nôm, bài Chức Cẩm Hồi Văn của Tô Huệ khá độc đáo bởi sự thể hiện qua một đồ hình lạ lẫm với tất cả 280 chữ (trong đó có 32 chữ lớn, 248 chữ nhỏ). Thoạt tiên, khi nhìn vào, người ta có cảm giác như một họa đồ trang trí, nhưng kỳ thực đây lại là một bài thơ hồi văn được sắp xếp theo một quy ước, một trật tự do người sáng tác tự nghĩ ra.
 Lối thơ hồi văn có nhiều biến thể về cách tổ chức dạng hồi văn (có thể là đọc xuôi, đọc ngược, quay đi quay lại nhiều vòng) để có nhiều bài thơ khác nhau; hoặc có nhiều biến thể về hình thức như xếp trong hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình thoi... tạo nên những đồ hình (vừa phô diễn trí tuệ của của thể sáng tạo, vừa thách đố trình độ thưởng thức của khách thể thẩm mỹ). Để tìm ra cách đọc, người ta phải mất nhiều thời gian trong quá trình tìm phương pháp, mỗi một bài thơ lại có một phương pháp đọc được quy ước theo nhiều cách riêng. Bài Chức Cẩm Hồi Văn của Tô Huệ có cách đọc theo trật tự trong lược đồ sau:
 
 Bài thơ còn có một điểm thú vị khác là, điểm xuất phát của bài thơ là chữ  quân (chàng); điểm kết thúc của bài thơ là chữ hoàn (trở về) cũng đã tạo nên hai điểm nhấn cho việc diễn đạt cảm xúc cảm xúc, tình ý của toàn bộ nội dung: nỗi tha thiết mong chồng trở về. Chúng tôi xin trình bày nguyên văn chữ Hán gồm 40 câu (đọc theo cáh ở lược đồ đã trình bày) cùng các phần phiên âm, dịch thơ của bài Chức Cẩm Hồi Văn này.
 

Phiên âm: TÔ HUỆ CHỨC CẨM HỒI VĂN
 
 Quân thừa Hoàng chiếu yên biên thú
 Tống quân tống biệt hà kiều lộ
 Hàm bi yểm lệ tặng quân ngôn
 Mạc vong ân tình tiện trần khứ
 Hà kỳ nhất khứ âm tín đoạn
 Ưc thiếp bình vi xuân bất noãn
 Quỳnh dao giai hạ bích đài phong
 San hồ trương lý hồng trần mãn
 Thử thời đạo biệt mỗi kinh hồn
 Tưởng tâm hà thác cánh phùng quân
 Nhất tâm nguyện tác thương hải nguyệt
 Nhất tâm nguyện tác lãnh đầu vân
 Lãnh vân tuế tuế phùng phu diện
 Hải nguyệt niên niên chiếu đắc biên
 Phi lai phi khứ đáo quân bàng
 Thiên lý vạn lý diêu tương kiến
 Điều điều lộ viễn, quan sơn cách
 Hận quân tái ngoại trường vi khách
 Thử thời tương biệt lô diệp hoàng
 Thùy tín kỷ kinh mai hoa bạch
 Bách hoa tán loạn phùng xuân tảo
 Xuân ý thôi nhân hướng thùy đạo
 Thùy dương tảo địa vị quân ban
 Lạc hoa mãn địa vô nhân tảo
 Đình tiền xuân thảo chính phân phương
 Bảo đắc Tần tranh hướng họa đường
 Vị quân đàn tận Giang Nam khúc
 Phụ ký tình thâm đáo bắc phương
 Bắc phương điều đệ sơn hà việt
 Vạn lý âm thư trường đoạn tuyệt
 Ngân trang chẩm thượng lệ triêm y
 Kim lũ la thường hoa giai liệt
 Tam xuân hồng nhạn độ giang thanh
 Thử thị ly nhân đoạn tràng tình
 Tranh huyền vị đoạn, tràng tiên đoạn
 Kết oán tiên thành, khúc vi thành
 Quân kim ức thiếp trọng như san
 Thiếp diệc tư quân bất tạm nhàn
 Chức tương nhất bản hiến Thiên Tử
 Nguyên phóng nhi phu cấp tảo hoàn.
 
DỊCH THƠ:
 
 Chàng vâng chiếu ra ngoài biên thú
 Thiếp đưa chàng kiều lộ xa xa
 Mấy lời tặng những châu sa
 Tình ân ái ấy biết là nhớ không
 Sao một chút tin hồng văn vẳng
 Chốn chinh vi xuân chẳng ấm nồng
 Dưới thềm lỗ chỗ rêu phong
 Trong màng ngang dọc bụi hồng sương che
 Khi tống biệt hồn kia kinh hãi
 Biết làm sao cho gặp lại cùng
 Ước gì như nguyệt bể đông
 Ước gì như thế mây hồng đầu non
 Mây non, nọ may còn một thấy
 Trăng bể kia soi dậy một phương
 Những mong lại được gặp chàng
 Dẫu nghìn muôn dặm rõ đường tương thân
 Đường thăm thẳm mấy lâu xa cách
 Giận chàng còn làm khách ải quan
 Ngày di lư diệp mới vàng
 Bây giờ đã mấy mai tàn trắng bông
 Mai tán loạn gặp cùng xuân mới
 Nỗi xuân riêng khôn nói cho ra
 Vì chàng nên lá dương tà
 Hoa rơi man mác ai là tảo nhân
 Trước sân những cỏ xuân thơm nức
 Ôm đàn tranh ra trước họa đường
 Vàng khúc Giang Nam gảy vì chàng
 Đem tình cho đến sóc phương cõi ngoài
 Ngoài phương sóc xa xôi thăm thẳm
 Bức âm thư nghìn dặm thấy đâu
 Pha phôi áo lệ gối sầu
 Dưới thềm hoa lá cùng mầu nở ra
 Qua sông ấy tiếng gà xao xác
 Nỗi ly nhân trường đoạn khác đâu
 Đàn chưa rối ruột đã sầu
 Cho nên một khúc cung sau chưa tròn
 Chàng nhớ thiếp như non tình nặng
 Thiếp nhớ chàng cũng chẳng tạm khuây
 Hồi văn một bức thư này
 Nhi phu xin sớm kịp ngày khởi quy
 Bản dịch của Ngô Thế Vinh (1803-1856), Tiến sĩ thời Tự Đức
(nguồn: TCSH số 156 - 02 - 2002)

Các bài đã đăng