Tạp chí Sông Hương - Số 234 (tháng 8)
Tạp chí Sông Hương - một phần tư thế kỷ
09:41 | 08/08/2008
HỒ THẾ HÀĐến nay, Tạp chí Sông Hương đã tròn một phần tư thế kỷ (1983-2008) kể từ số đầu tiên được ra mắt bạn đọc. Hai mươi lăm năm đủ để vui buồn ôn lại những chặng thác ghềnh và phẳng lặng của một dòng sông từ nguồn ra biển.

Trên dòng chảy hướng về đường chân trời khát vọng ấy, Sông Hương đã kịp lưu dấu những hương thơm, màu sắc và âm thanh dọc hai bờ hoa trái; kịp tích hợp những âm vang lịch sử - văn hoá - thi ca của Kinh đô Phú Xuân - Huế xưa và nay, sau đó, hướng mọi khát khao “hiểu biết, khám phá và sáng tạo” vượt giới hạn chật hẹp để vươn đến những khung trời mới lạ của tri thức và nghệ thuật mà vẫn không xa lạ với truyền thống, mà càng làm giàu đẹp thêm truyền thống. Đó chính là nỗ lực tinh thần và hành động không mệt mỏi của các Tổng biên tập trong suốt một phần tư thế kỷ qua.
Với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy quá trình sáng tác, lý luận - phê bình và nghiên cứu văn học nghệ thuật, văn hoá của một vùng đất có bề dày lịch sử và tiềm năng sáng tạo, Sông Hương đã dồn hết tâm lực của mình đồng hành cùng đời sống văn chương - học thuật - văn hoá của cả nước và khu vực để học hỏi, giao lưu và tỏa phát. Chính điều này đã làm cho Sông Hương tồn tại, phát triển, được độc giả cả nước yêu quý, tin tưởng và trân trọng.
Sông Hương luôn theo đuổi mục tiêu lấy chất lượng làm đầu; học thuật phải hiện đại, cập nhật; văn hoá phải luôn khai mở bổ sung; sáng tác phải bất ngờ và mới mẻ trên cơ sở nhìn mình và nhìn ra thế giới. Đó chính là yếu tố quyết định giá trị và tầm cỡ của một tạp chí. Và thực tế, hai mươi lăm năm qua, Sông Hương đã từng bước khẳng định vững chắc thành tựu của mình. Tuy vậy, không phải không có lúc cũng “trầy trật” do giữa dự định, ước mơ và khả năng thực hiện còn so le, bất cập, chưa thể vượt qua. Nhưng chính những so le, bất cập này cũng có tác dụng như một bài học thử thách để tiếp tục định hướng và đổi mới, rút gần khoảng cách giữa ước mơ và khả năng hiện thực.
Bạn đọc thường trực và chung thủy với Sông Hương dễ dàng nhận thấy chất lượng mặt bằng về nghiên cứu văn hoá, sáng tác và học thuật của Tạp chí qua từng trang viết, từng chuyên mục trải đều trên các số. Có thể nói, hầu hết các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu phê bình tầm cỡ; các nhà thơ, nhà văn lớn của cả nước đều ưu ái tham gia, cộng tác với Tạp chí. Những sáng tác và công trình phê bình, nghiên cứu của các tác giả đều đề cập đến những vấn đề nóng hổi, mang tính thời sự - thời đại theo tầm đón nhận mới mẻ của thế giới. Đó chính là các bài “đinh” nặng ký mà số nào Sông Hương cũng ưu tiên để thay đổi thực đơn trí tuệ và tinh thần cho độc giả, góp phần đưa Tạp chí Sông Hương thoát khỏi phạm vi tỉnh lẻ để vượt lên hội nhập với thành tựu của cả nước, khu vực và thế giới. Sông Hương đã, đang và sẽ còn là nơi phát hiện, bồi dưỡng và ươm mầm nhiều tài năng trẻ qua các cuộc thi thơ, thi truyện ngắn do tạp chí phát động và đăng tải. Cuộc chạy đua tiếp sức này có thể nói là hùng hậu khi xuất hiện hàng loạt các tác giả trẻ, nhiều tài năng trên Sông Hương. Họ tin yêu và muốn được có tác phẩm của mình đều đặn trên Sông Hương; trái lại, Sông Hương cũng muốn có tiếng nói của thế hệ trẻ này trong dòng chảy tinh hoa văn hoá, nghệ thuật của tạp chí. Điều này, Sông Hương đã thực sự là chiếc cầu nối giữa cuộc sống - nhà văn - tác phẩm - bạn đọc. Và tất cả đều được đi trên chiếc cầu văn hoá - nghệ thuật ấy để soi vào dòng sông, tìm thấy bóng mình và mọi người một cách lung linh, hấp dẫn. Sự gặp gỡ, cộng hưởng này đã làm cho đời sống văn chương trên Sông Hương luôn khởi sắc, chứng tỏ sức thu hút và tỏa phát của nó chưa bao giờ hạ cánh, trái lại, luôn hướng đến những vấn đề trọng tâm, thời sự của văn hoá - lý luận - sáng tạo - phê bình - đối thoại một cách khoa học, lành mạnh, có văn hoá và dân chủ.
Những cuộc đối thoại, trao đổi văn hoá, học thuật trên Sông Hương hai mươi lăm năm qua đã thu hút sự chú ý của công chúng độc giả. Và cố nhiên là có những chiều dư luận khác nhau, vừa đồng tình, vừa thắc mắc. Đấy là chuyện nên có trong đối thoại và tranh luận; nhưng hơn tất cả mọi dư luận cùng chiều và ngược chiều này là, sau khi trao đổi, đối thoại, không phải chỉ có những người trong cuộc được nhận thức, được bổ sung kiến thức mà cả những người ngoài cuộc - độc giả cũng giàu có thêm lên rất nhiều. Chính Sông Hương đã đánh động và có những “cú hích” mạnh bạo và ý nghĩa đánh thức tiềm lực như thế. Đó cũng là khát vọng và bản lĩnh của các chân dung Tổng biên tập qua các giai đoạn, thời khoảng. Ngoài ra, Sông Hương cũng đã dành số trang thích hợp cho mảng lý luận văn học cửa sổ nhìn ra văn học thế giới đương đại nhằm dịch và giới thiệu những tác phẩm văn học và lý luận mới, hiện đại, xem đây là yếu tố cần thiết để học hỏi và nâng cao trình độ cho cả những người làm công tác lý luận, sáng tác và cả người đọc. Hiệu cảm từ các trang văn học, văn hoá dịch là do các dịch giả ưu ái săn tìm những nguồn tác phẩm có giá trị mới lạ, bất ngờ cho Sông Hương.
Sông Hương, dù vậy, cũng là một tạp chí địa phương - nhưng là tạp chí hội tụ tinh hoa văn hoá cả nước. Cho nên dù muốn mở rộng biên độ giao lưu, hội nhập với bên ngoài đến mức nào thì cũng phải giải quyết mối quan hệ “song phương” một cách khoa học. Theo cách nói dân gian là có nhận thì phải có trao. Đó là sự hài hoà, công bằng trong đời sống. Trong văn hoá - nghệ thuật lại càng phải như thế, nếu không, mối quan hệ sẽ bị phá vỡ. Huế là đất Kinh đô xưa. Sự gặp gỡ và tiếp biến văn hoá giữa các miền hiện còn lưu giữ ở Huế vừa hiển minh vừa trầm tích. Những mặt hiển minh sẽ được tiếp tục soi rọi từ nhiều điểm nhìn mới; những mặt trầm tích cần phải được khai thác và phát hiện làm sáng tỏ dần. Cứ thế, đời sống văn hoá sẽ càng tích luỹ phong phú và đa dạng thêm lên. Hai mươi lăm năm qua, trên Sông Hương, mảng nghiên cứu văn hoá Huế chiếm phần ưu trội. Đây là mảng thu hút sự chú ý và cộng cảm của độc giả rộng rãi và mạnh mẽ. Sông Hương biết khai thác tiềm năng và thế mạnh này để tôn vinh vùng đất và tạo nên bản sắc của tạp chí. Như vậy, bản sắc riêng của một tạp chí địa phương cộng với những bản sắc tích hợp của văn học - nghệ thuật, tự mình, Sông Hương đã có đóng góp vào đời sống văn hoá văn học những tiếng nói không chỉ cho Huế mà còn là cho cả nước. Chính chất lượng, sự đổi mới về nội dung và sự trang nhã, đẹp về hình thức sẽ làm nên giá trị chỉnh thể của Sông Hương suốt một phần tư thế kỷ qua.
Có thể kể hàng nghìn bài nghiên cứu, lý luận phê bình, dịch thuật về văn hoá, văn học sáng giá hiện diện trên Sông Hương; có thể điểm tên hàng trăm truyện ngắn hay, hàng trăm bút ký hay, hàng nghìn bài thơ hay có mặt trên Sông Hương. Nhưng thiết nghĩ, không cần thiết, vì bạn đọc yêu quý Sông Hương đã hình dung, tiếp cận và “trải nghiệm”. Vả lại, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tạp chí Sông Hương (1983 - 2003), Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin kết hợp với Tạp chí Sông Hương và Công ty Văn hoá trí tuệ Việt đã xuất bản bộ tuyển tập 4 tập dày trên 2000 trang về các thể loại văn học nói trên. Đó là bộ Kỷ yếu đẹp, đồ sộ, có ý nghĩa khẳng định một chặng đường văn hoá - văn học của Tạp chí Sông Hương. Nó giúp cho độc giả hiểu và tin tưởng Sông Hương trên chặng đường sắp đến của sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Với sự hiện diện, trải nghiệm về thành tựu hai mươi lăm năm qua, Sông Hương tự hào đã góp một phần công sức nhỏ bé vào việc củng cố, thoả mãn nhận thức thẩm mĩ và trí tuệ của độc giả - trước hết là độc giả Huế, làm tròn trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, xứng đáng với vùng đất Huế, với dòng sông Hương thơ mộng mà mình đã lựa chọn để mang tên.
H.T.H

(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Na ơi... (08/08/2008)