Tạp chí Sông Hương - Số 234 (tháng 8)
Người đàn bà trong ngôi nhà
16:25 | 08/08/2008
ANDRA NEYBURGA ()LGT: Nữ nhà văn Andra Neyburga sinh năm 1957. Tốt nghiệp Viện Hàn lâm Nghệ thuật Quốc gia Latvia, là người sáng lập tạp chí tiên phong của giới trẻ Latvia Mạch nguồn, chuyên viên tư vấn của Hội Nhà văn Latvia, phụ trách Hội tác giả trẻ (1987-1989). Tác phẩm của cô đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Châu Âu như Đức, Anh, Pháp, Nga...

Những tấm ảnh gần như giống nhau. Cũng ngôi nhà thấp sát đất nền phủ đầy rêu và cái ống khói xiêu xiêu đó; đôi chỗ ván lợp mái mọc trắng địa y, trên mái nhà một cây sồi trăm tuổi buông lơ lửng tán lá rậm rì. Mé bên trái là những cây trắc bách diệp nhỏ và đám cành khô khẳng của một cây thanh lương trà già cỗi, mé bên phải, ở giữa ngôi nhà và đầm lầy là một bờ dậu liêu xiêu gần đổ rạp. Và dưới cây sồi không hẳn là một cái ao, cũng không hẳn là một cái đầm lầy con con um tùm cỏ lác, liễu và sậy. Về mùa xuân ở đó còn có cả cỏ mao lương hoa vàng và cây đuôi diều trổ bông nữa. Màu xanh chen lẫn màu vàng. Các tấm ảnh đen trắng, khổ 10x13, và nhìn cho rõ các chi tiết trên đó quả thực không đơn giản, vậy mà tôi nhớ đinh ninh từng li từng tí một.
Nếu ngắm kĩ chăm chú hơn, có thể nhận ra những tấm ảnh được chụp vào các mùa khác nhau trong năm: trên một tấm, hoa lạc tân phụ đang nở dưới cửa sổ căn bếp, trên tấm thứ hai mùa hoa đã qua - hoặc có thể hãy còn chưa nở.
Trên một tấm, những bức rèm phòng giữa vén lên, còn trên tấm thứ hai - chúng buông lưng chừng ô cửa sổ.
Và nữa - có một cái gì đó mắt nhìn không được rõ, là thứ mà tôi sửa soạn để làm sáng tỏ vào một ngày gió khi tiết thu trở ấm gần kết thúc, bằng chuyến đi xuyên Latvia theo những con đường mòn lở của miền Latgalia đến một ngôi làng Latgalia mà cả Chúa lẫn con người đều đã lãng quên, đến một nơi không ghi dấu trên bản đồ.
Một cô bạn cũ đã kể cho tôi nghe về Serafim, ông thầy phù thủy ở Latgalia. Nói chung tôi vẫn có thái độ xem thường những chuyện đại loại như thế, nhưng khi chẳng còn lối thoát nào khác, như vẫn xảy ra với những người tuyệt vọng cực độ, tôi vơ cọng rơm mong manh cuối cùng ấy.
Tôi đi chậm, không vội vàng, đôi khi còn dừng lại để thưởng ngoạn những phong cảnh tuyệt đẹp. Và mặc dù không muốn tự thú nhận với mình về điều này, tôi cảm thấy hơi e ngại trước cuộc gặp gỡ sắp đến. Tôi không tin các nhà tiên tri và thầy bói, không tin vào sự tồn tại của thế giới bên kia, cũng chẳng tin Chúa. Nếu các vị có hỏi vậy thì tôi tin vào cái gì, có lẽ tôi sẽ chẳng dễ dàng gì để nghĩ ra cho được một câu trả lời có sức thuyết phục, cho dù là không thành thật đi nữa.
Tôi cố không nghĩ đến mấy tấm ảnh nằm trong chiếc ví đựng tiền để sát gần tim, và ngắm nghía quang cảnh xung quanh. Tôi không ở Latgalia từ hồi bé xíu. Những hồ nước, trái với các quy luật tự nhiên, nằm ngay trên các triền đồi, khiến người ta chỉ còn có thể sửng sốt vì sao nước lại không tràn bờ. Những đám mây như vấp phải vật cản vô hình nào đó trên bầu trời, dừng cuộc chạy của mình, và cứ đứng như thế, đông kết lại hệt như đám màu nước. Một con ngựa thắng xe thổ mộ phi qua, trên lưng mấy con dê là những anh chàng ăn vận theo lối xưa, trăm năm trước một anh nông dân nghèo chắc trông cũng vậy. Phía ngược chiều, một chiếc “Jigulionok” cũ nát, hoen rỉ hết cả phóng ầm ầm; một con lợn con lốm đốm gầy nhẳng vẫy tai chạy qua đường.
Tôi đứng trên triền con dốc hiểm trở, thận trọng nhìn chăm chú xuống mặt nước hồ Daugava tối thẫm, nhìn khắp các dải bờ hoang dại chưa từng chịu cảnh ngập lụt, cùng với mấy người đàn bà quàng khăn giậm chân bên chiếc xe bán hàng lưu động ở làng Jidino và mua lấy vui một lọ nước hoa xịt “Rừng Nga” hết 34 santima làm quà cho một anh bạn.

Mọi thứ có vẻ nghèo nàn, nhưng các ngôi nhà có mảnh vườn trước sân chìm trong tán cây mùa thu, các cửa sổ sạch sẽ nhìn ra từ các cánh cửa chạm trổ.
Tôi đã phần nào lìa bỏ cái thế giới mà tôi vừa từ giã chỉ vỏn vẹn có hai giờ trước, và cảm thấy trái tim tìm lại được sự bình yên quên lãng đã lâu.
Đây là vùng đất của các tín đồ cựu giáo.
Tôi sực nhớ ra là nàng, người đàn bà mà vì nàng tôi đã làm cuộc hành trình này, cũng thuộc thế hệ nào đó của những người cựu giáo.
Con đường lại rẽ ngoặt lần nữa ở quãng giữa Skeltovo và Ambeli, và tôi lạc vào một nơi chốn mà mãi lâu sau tôi vẫn sẽ còn trở lại trong những giấc mơ.
Ngôi làng không lớn. Một nhà thờ dòng cựu giáo nho nhỏ mầu thanh thiên với những cánh cửa chạm trổ. Băng qua đường là một cửa hàng nhỏ - giống như ngôi nhà chân gà trong truyện cổ tích, tường sơn màu tím sáng sủa. Dưới những tia nắng chiều đỏ rực, cả ngôi nhà thờ, cả cửa hàng nhỏ tỏa sáng hệt như các đồ nữ trang rực rỡ trên tấm váy áo sặc sỡ của tiết thu ấm áp. Chiếc hộp cửa hàng màu tím thực ra là thân của một con tàu cũ; có lẽ được tìm thấy đâu đó gần Riga và lôi về đây, dựng ghép thêm cái chái gỗ nhỏ cho giống một ngôi nhà thực thụ. Qua cái chái ghép trông rõ bên trong cửa hàng màu xanh ngọc bích quyến rũ. Những cánh cửa của cửa hàng dày như cửa két sắt, mấy bông hồng giả mềm mại tựa sát các chấn song to trong ô cửa sổ nhỏ. Trên rèm cửa treo lủng lẳng thứ gì tựa như đuôi lừa Ya-Ya với đầu chuôi bịt nhựa hổ phách. Tôi đứng một lát, đoán xem liệu có thể nhờ cái thiết bị điện này phát tín hiệu và gọi chủ quán được không; trong lúc đó đích thân bà chủ, tuổi tầm tầm, nhưng là một phụ nữ xinh đẹp có gương mặt gợi đến các gương mặt trong các bộ phim hay của Nga, vội vã băng qua cánh đồng về phía tôi.
- Phải rồi, đúng là ông Serafim sống ở đây, trong cái chòi kia kìa - bà chủ khua tay chỉ về phía cuối con đường chạy xuyên suốt ngôi làng, - nhưng bây giờ chắc ông ấy đang ngồi với Đức Cha, vào giờ này họ thường hay xem phim truyền hình nhiều tập. Anh cứ đến đó, Đức Cha sẽ mở gian để ảnh thánh cho mà xem. Gian ảnh thánh của họ đẹp lắm: nhất trên đời đấy!
Tôi băng qua đường. Bên cạnh nhà thờ là một ngôi nhà nhỏ với những bức rèm trắng, dưới cái mái che trên sân, hành phơi thành bó dài, trong cửa sổ ti vi bật xanh lét, chó sủa, từ sau bức rèm ló ra bộ mặt râu quai nón hiền hậu của ông linh mục, sau vai ông ta thấp thoáng một khuôn mặt nữa - tối om om, bộ râu rễ tre cả tuần không cạo.
Tôi từ chối đi xem nhà thờ - hẹn lần khác, sau đó giải thích mục đích chuyến đi của mình. Là tôi muốn nói chuyện với ông Serafim đây. Có việc cần.
- Hừ, nếu là việc cần thì đành vậy, - ông linh mục thở dài.
Serafim chẳng tỏ ra đến một nửa thái độ lịch sự của cha linh mục, không thốt lên một lời, ông ta đứng dậy và bước ra gặp tôi. Ông ta dẫn tôi đến căn nhà nông dân của mình - ở tận cuối con đường duy nhất trong làng; một con gà đen không vội vã chạy chắn ngang đường chúng tôi, Serafim nhổ phụt về phía con gà và lẩm bẩm cái gì đó; bên chái một trong các ngôi nhà có những người im lặng ngồi vây quanh một chiếc bàn, có vẻ như đang uống rượu ngang.
Cửa vào túp lều tuềnh toàng của Serafim không khóa, bằng một cử chỉ ông mời tôi vào. Ở đây tịnh không có sự sạch sẽ và ngăn nắp đến ngạc nhiên ở cửa hàng và nhà ông linh mục, - chiếc bàn đầy vụn bánh mì, trên bệ cửa sổ xác ruồi la liệt, còn các góc cửa sổ giăng kín tơ nhện.
Bên bếp lò là chiếc đĩa sành đựng cháo chó ăn còn thừa khô cong. Mùi bẩn và mùi người độc thân bốc lên chua loét.
- Ngồi đi, - Serafim nói, chỉ vào chiếc ghế đẩu long mộng dơ dáy cạnh bàn. Đó là những lời đầu tiên dành cho tôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên với cái vẻ thuần túy của ông. - Anh muốn gì? - Đó không phải là câu hỏi, trong giọng ông không có cái gì giống như thiện ý và quan tâm, hình như ông ta chỉ cần một ánh nhìn duy nhất để xếp tôi vào loại không quá rừng rú nào đó.
Tôi lẳng lặng lấy hai tấm ảnh ra. Cẩn thận dùng lòng bàn tay quệt mặt bàn. Đặt chúng cạnh nhau.
Tôi đã biết: trên một trong các tấm ảnh trong nhà là nàng.
Tôi cần phải biết, nàng ở trên tấm ảnh nào.
Một tấm chúng tôi đã chụp khi cùng nhau đến Riga , tấm thứ hai tôi chụp khi bỏ đi một mình.
Chúng tôi không được phán quyết sẽ còn gặp nhau, nhưng vào thời điểm đó nàng chưa đoán ra điều này, còn tôi chỉ vừa mới có linh cảm.
Nàng đứng trong cửa và vẫy tay với tôi, mỉm với tôi nụ cười tinh nghịch như nụ cười của chú bé gỗ Buratino của mình, còn khi tôi lấy máy ảnh ra, nàng cười phá lên và lập tức trốn vào bên trong - cánh cửa vào nhà đóng sập lại, trong một khoảnh khắc cái bóng của nàng thấp thoáng trong ô cửa sổ nhà bếp, nhưng chẳng tấm nào trong các bức hình này có cái bóng đó.
- Ông có thấy sự khác biệt nào giữa những tấm hình này không? - tôi ranh mãnh hỏi.
A ha! Tôi thật hãnh diện với sự mưu mẹo của mình - thật là không tồi chút nào. Giả dụ tôi mà hỏi thẳng ông già: trên tấm nào trong hai bức hình trong nhà có người đàn bà, có lẽ ông ta chỉ việc chỉ vào một tấm bất kì là xong chuyện. Mà đi kiểm tra xem ông ta đúng hay sai thì đã không thể nữa rồi.
Chính tôi đã ngâm cứu những tấm ảnh này lâu, rất lâu rồi. Như một thằng ngốc, đến phát ngượng với chính mình, tôi đã để lòng bàn tay khi thì ở bên trên tấm này, khi thì ở bên trên tấm kia, cố bắt lấy cái luồng ấm áp nào đó toát ra từ tấm ảnh tôi cần.
Tôi đã đặt chúng trong ánh trăng trên chiếc bàn ngủ, nhìn kĩ, không chớp mắt, với hi vọng sẽ trông thấy một chuyển động nào đó trong các ô cửa sổ những ngôi nhà đã được chụp ảnh.
Thậm chí đã cho chó đánh hơi.
Thật nực cười.
Tất cả hi vọng của tôi bây giờ ở trong tay người đàn ông này.
Gục đầu vào hai bàn tay, ông ta lơ đãng nhìn mấy tấm hình, từ người ông ta bốc lên cái mùi say xỉn nôn nao chung thân, mùi rượu ngang mới, bộ râu ít nhất cả tuần chưa cạo, chiếc áo kẻ ô lâu ngày chưa giặt, những sợi tóc nhờn mỡ bờm xờm rũ xuống trán và luồn vào bên trong cổ áo sơ mi cáu bẩn. Ông ta có cái mũi cổ điển của người Alkas, dầy - đỏ, chằng chịt những đường gân xanh, và đôi mắt đục ngầu, kích động. Bên mép, cái đầu mẩu thuốc lá “Prima” đã tắt dính vào môi, và cứ treo như thế mãi. Tôi thậm chí không ngờ rằng người ta vẫn còn sản xuất loại thuốc lá hiệu “Prima”. Tôi chợt ý thức rõ ràng sự vô nghĩa trong chuyến đi của mình.
Ông ta xoay mấy tấm ảnh về phía mình, đôi tay đen đúa, với những chiếc móng bè bè ngắn ngủn, tôi có cảm giác rằng chúng nham nhở như móng tay của mấy thằng bé con.
- Một ngôi nhà không người, - cuối cùng ông ta thốt lên. - Còn trong ngôi nhà thứ hai có một người đàn bà. Có vẻ như cô ấy không hạnh phúc.
Tôi hấp tấp.
- Trong ngôi nhà nào? Trong ngôi nhà nào vậy? - giọng tôi run. Vào khoảnh khắc đó tôi không hiểu ý nghĩa câu nói sau cùng của ông ta, chỉ sau này tôi mới bắt đầu nghĩ về nó. Và bây giờ đôi khi vẫn ngẫm nghĩ.
- Anh cần gì biết!
Ông ta lại không hỏi, cái đó vang lên giống như “Thế thì can gì đến anh!” Ông ta đẩy mấy tấm hình ra xa và châm lại mẩu thuốc đã tắt bằng đôi tay hơi run run.
- Tôi cần phải biết.
Tôi không thể nào nói rằng người đàn bà ở trong một trong những ngôi nhà này, không phải, ở trong một trong hai tấm hình này, không, lại không đúng rồi, ở trong một trong những ngôi nhà được chụp hình này, - rằng người đàn bà này đã biến mất khỏi cuộc đời tôi, chẳng để lại cái gì, hoàn toàn không, không một bằng chứng mảy may về sự tồn tại của nàng. Về những mối quan hệ của chúng tôi.
Mà cái gì không có bằng chứng đáng tin cậy, thì cái đó nói chung là không hề có. Chẳng phải vậy sao?
- Cả ngôi nhà này cũng không còn, - cứ như thể nghe thấy những ý nghĩ của tôi, Serafim thốt lên. - Không còn gì hết.
- Tôi biết. Ngôi nhà thì người ta đã bán đi, và các chủ nhân mới đã xây dựng trên chỗ của nó một ngôi nhà khác. Hiện đại hơn.
- Tại sao anh không đi tìm người đàn bà ấy trong cuộc đời?
Nhưng chính cả người đàn bà cũng không còn tồn tại trên đời nữa, - tôi nghĩ. Không có người đàn bà đó, người đã mỉm cười trên những chiếc xích đu dưới bóng cây sồi, người đàn bà từ rừng trở về đó, nàng hạnh phúc như một đứa trẻ, với một giỏ nấm đầy, và hát véo von, nàng nướng món bánh xèo trên chiếc bếp lò đốt củi cũ kĩ, những chiếc bánh xèo luôn luôn quá lửa và đắng, nhưng nàng chỉ cười vang; không còn người đàn bà đó, người đã hiến thân cho tôi như chưa từng có người đàn bà nào trên đời dâng hiến tấm thân mình, như thể là mỗi lần đều trải qua điều huyền diệu, hoặc là sự khám phá và hàm ơn cùng với niềm hạnh phúc vô bờ bến không lí giải nổi - đắm đuối, hân hoan. Không còn có nữa người đàn bà, bằng cái cử chỉ có một không hai, xòe lòng bàn tay che lấp khuôn mặt để nén tiếng kêu khi khoảnh khắc đó ập đến, còn sau đó luôn khóc, khóc vì cảm kích và hạnh phúc.
Có thể ở đâu đó vẫn đang sống một người đàn bà với tên họ của nàng, có thể là cùng chồng hoặc là không có chồng, có thể là nàng có vài đứa con, có thể món bánh xèo của nàng mỗi lần vẫn quá lửa như thuở trước. Tôi không biết, và tôi không muốn biết.
Bây giờ nàng đã già thêm mười lăm tuổi, còn những điều kì diệu thì có niên hạn ngắn ngủi.
Điều duy nhất mà tôi muốn biết là nàng ở trong ngôi nhà nào trong những ngôi nhà đó. Thế thôi.
Không, tôi không hi vọng rằng sau khi treo lên tường bức ảnh của một ngôi nhà không còn tồn tại nữa, với một người đàn bà không còn tồn tại nữa bên trong nó, tôi có thể quay trở về với mười lăm năm trước và sửa chữa những lỗi lầm đã phạm phải khi đó. Nếu những lỗi lầm nói chung đã từng có. Bởi vì bình thường thì mọi điều nhất định phải xảy ra như nó cần phải xảy ra.
Ngu ngốc.
Tôi là con người hoàn toàn thực dụng. Chỉ là tôi không thể chịu được vì không biết nàng ở trong ngôi nhà mà thôi.
Tôi không biết.
Và không chịu nổi.
Điều đó đối với tôi đã trở thành một cơn khát cần làm dịu, thành nỗi mê đắm của tôi, từ chính cái thời khắc đó, khi sắp xếp những cái hộc bàn ít nhất mười năm trời không ngó tới, tôi đã tìm thấy những tấm hình. Đến quãng thời gian đó tôi đã kịp quên cả ngôi nhà, cả người đàn bà. Tôi đã có người khác, và tôi đã hạnh phúc. Người khác ấy đã xui tôi cuối cùng đi sắp xếp lại những giấy tờ của mình, bởi vì nàng thật không thích cái bàn viết nặng nề của những năm 60 của tôi chút nào. Nàng dọn đến với tôi chưa lâu và đã lựa được một chiếc bàn tốt hơn trong cửa hàng đồ cổ. Nghệ thuật mới trang nhã, nàng bảo. Thôi được, đồng ý.
Đầu tiên tôi hoàn toàn không thể nhớ đó là ngôi nhà nào và làm sao mà những tấm hình đựng trong một chiếc phong bì in hình phi công vũ trụ, hình như là Gagarin thì phải, lại rơi vào tay tôi. Dưới chân là chiếc túi giấy bóng màu đen mà tôi quẳng tất cả những thứ không cần đến vào, và tôi đã với tay để ném vào đó cả những tấm hình này, thì bất chợt - điều đó đã xảy ra. Kí ức trùm lên tôi thành một làn sóng, mạnh mẽ và khiến tôi bàng hoàng. Đầu tiên là ngôi nhà - tôi đã nhìn thấy tất cả cùng một lúc, tất cả mọi thứ trong ngôi nhà đó: căn phòng có lối đi thông ở giữa, hoa thạch thảo trong chiếc bình hoa, những ngọn nến leo lét trên bệ cửa sổ, những cửa kính của chiếc tủ buýt-phê bốc mùi thuốc an thần, phòng ngủ với chiếc giường hẹp bằng gỗ, mà trên đó đã trôi qua những đêm của chúng tôi, và của nàng. Của nàng! Những đôi tay run rẩy - mà làm sao tôi có thể quên được?! Những hồi ức tỏa mùi: chúng bốc lên mùi rừng, mùi sàn nhà lát ván mới cọ rửa, mùi khói từ bếp lò, mùi lông chó ướt, mùi chăn nhà quê dệt thô, mùi đôi môi và nước miếng của nàng, mùi chỗ kín của nàng, mùi tinh dịch của tôi lẫn với chất dịch của nàng tỏa mùi ngọt như là về sau chẳng còn tỏa mùi được nữa…
- Có chuyện gì với anh à? - Izle, người của tôi bây giờ, người mà tôi hạnh phúc với nàng, hỏi. - Ảnh iếc gì thế này? - Nàng tỏ vẻ quan tâm. - Ngôi nhà nào đây?
- Hồi trẻ, đã lâu rồi… anh với chị gái thường đến đó chơi, - tôi cố gắng nói một cách bình thản.
- Rồi sao?
- Ồ không, chẳng có chuyện gì.
- Hừ, thế thì vứt đi, - Izle nói.
- Thôi, anh để lại, - tôi đáp, cố làm ra vẻ không bận tâm.
- Anh có gì ở đấy, “mèo” à? - Izle hỏi.
Tôi bực cái chữ “mèo” của cô ta kinh khủng, bực kinh khủng, và có thể điều này thật nực cười, nhưng tôi cảm thấy cái chữ đó thật là bẩn thỉu, cứ như thể cô ta bảo là “con chó cái” vậy.
- Có cô là “mèo” thì có, - tôi hằn học vặc lại.
Và không có chuyện gì xảy ra thêm nữa. Chúng tôi im lặng tiếp tục dọn dẹp, sau đó ăn tối, nói chuyện công việc, về những ngày nghỉ sắp tới và khóa học tiếng Tây Ban Nha mà Izle đang theo, sau đó đi ngủ, thậm chí hình như còn làm tình, tôi nhắm mắt và cố không nhìn người đàn bà nằm bên dưới tôi, cô ta thì thầm chuyện gì đó vào tai tôi, nhưng tôi chỉ thầm nhắc đi nhắc lại trong nhịp cử động đơn điệu: tôi coi khinh, tôi coi khinh, tôi coi khinh, tôi - coi - khinh.
Đêm đi qua và được thế chỗ bằng một buổi sáng bình thường, chúng tôi, cả cô ta, cả tôi, đều không cảm thấy rằng cái từ đó, chỉ một cái chữ đó - “mèo” - đã đặt khởi đầu cho sự kết thúc các mối quan hệ của tôi với cô ta.
Hoặc nói cho cùng - là những tấm hình?
Từ hôm đó tôi luôn mang những tấm ảnh theo mình trong túi áo ngực, còn ở nơi làm việc, trong giờ nghỉ trưa, thường rải chúng trước mặt trên bàn và chỉ nhìn.
Tôi dùng máy scan quét chúng và giữ trên màn hình máy vi tính trong cửa sổ Excel.
Còn một lần, vâng, sự thật đã có một chuyện, tôi cầm một trong hai tấm hình (vào thời điểm đó tôi đã gần như tin chắc rằng chính là nó), trốn vào toa-lét và bắt đầu thủ dâm, mắt nhìn tấm hình, và dường như trong một khoảnh khắc tôi lại cảm thấy cái mùi tình yêu hồi đó của chúng tôi, và trở nên hạnh phúc đến không chịu nổi… rồi lập tức, khi những co giật ngọt ngào vừa chấm dứt, bất hạnh đến không chịu nổi, khiến khóc òa - tôi, một thằng đàn ông, òa khóc trước gương trong toa-lét, nhìn khuôn mặt đầy những vệt đỏ, ướt, đã già đi của mình, còn sau đó đương nhiên là tôi cảm thấy xấu hổ, xấu hổ kinh khủng về tất cả mọi chuyện.
Tôi bỗng nghĩ rằng có thể nàng đã khóc mỗi lần sau đó không hẳn vì hạnh phúc.
Giá như khi ấy tôi có thể biết rằng đó là tình yêu.
Có thể, đơn giản là chúng tôi chưa đủ sức nhận ra tình yêu, khi nó xảy ra chăng? Khi đó tình yêu - ấy là sự màu nhiệm của quá khứ, là lớp vàng thếp lên những mối quan hệ tan vỡ đã không thể lừa dối chúng tôi cách khác.
Không một ngôi nhà nào trong các ngôi nhà - gần như giống nhau - trên các tấm ảnh có câu trả lời. Chúng giữ im lặng.
Ngôi nhà này đối với nàng có nhiều ý nghĩa - có thể còn hơn cả con người, và hơn cả tôi khi ấy. Hoặc thậm chí - là vĩnh viễn.
Một lần sau khi tôi và chị gái đến thăm nơi đó suốt cả tuần, nàng đã viết cho chúng tôi một lá thư. Chuyện này xảy ra vào thời kì đầu tiên của tình bạn chúng tôi, chúng tôi vừa mới quen nhau, chưa có điều gì phải giấu giếm những người khác.
“Các vị, tất cả những người đến làm khách nhà tôi, - nàng viết, - những người mà tôi yêu, cả những người mà tôi yêu ít hơn, những người mà tôi muốn tặng cho những thứ quý giá nhất mà tôi có, tôi thật lấy làm tiếc vì tôi không thể chỉ cho các vị xem ngôi nhà của tôi, chính cái ngôi nhà mà các vị đã ở đó nhiều lần, ngôi nhà mà các vị nhìn thấy, đã ngủ trong đó, đã ăn, đã uống, nghe nhạc, trò chuyện, đã vui vẻ, khiêu vũ và buồn phiền, đôi khi cãi cọ nữa; cái ngôi nhà mà các vị có một hình dung nào đó về nó, có ý kiến của mình, - ừ phải, ở đó được lắm, các vị nói, ở đó rất được - nhưng điều này chẳng có ý nghĩa gì cả, những lời ấy chẳng nói gì về ngôi nhà của tôi, và thay đổi một cái gì đó là quá sức lực của tôi, cứ như là tôi không muốn điều đó một cách cháy bỏng. Điều đó thật kì diệu - ngôi nhà ẩn trốn các vị, nó biến đổi với sự xuất hiện của các vị, và chỉ khi các vị đi hết, khi ở đây không còn cả dấu vết chuyến viếng thăm của các vị, còn những vật dụng các vị để lại đã được giấu sâu trong các tủ, chỉ khi đó ngôi nhà mới bỏ tấm phủ trên mình xuống, mở mắt, lại có tiếng nói, suy nghĩ, cảm giác và im lặng cùng với tôi, nhìn quanh bằng những ô cửa sổ của mình và cảm ơn tôi, và yêu tôi cũng như tôi yêu nó. Trong sự cô độc của mình tôi thấy nó rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn, chúng tôi trở nên gần gũi hơn: tôi trong ngôi nhà, ngôi nhà ở trong khu rừng, khu rừng bên bờ biển - tất cả ở dưới một vòm trời rộng lớn, thuộc về một mình tôi.
Nhưng nếu các vị đến, ngôi nhà lại lẩn trốn. Và tôi không bao giờ có thể tặng cho các vị những gì thuộc về tôi”.
Phải, đôi lúc nàng thật là nồng nhiệt. Và cũng đa cảm nữa.
Biết bao lần tôi đã nhìn vào các cửa sổ trên những tấm hình, cố cảm nhận ô cửa nào trong chúng nhìn ra bằng đôi mắt của nàng.
Còn Serafim đã biết, bây giờ cả tôi sẽ biết.
Kết quả là tôi đến với nàng thường xuyên hơn. Đôi lúc tôi vượt qua hai trăm kilomet đường này vì một đêm - buổi tối đến đó, buổi sáng ngược về - cho một đêm cảm động, ngập đầy những điều kì diệu. Đôi khi có nhiều thời gian hơn, tôi đã ở lại hết các ngày nghỉ hoặc thậm chí là cả tuần. Thời gian trong ngôi nhà của nàng không chạy về phía trước, thời gian quay cuồng tại chỗ. Nó tản ra như những vòng tròn từ viên đá ném xuống nước. Thời gian được đếm theo chiếc đồng hồ treo trong bếp - chiếc đồng hồ duy nhất trong ngôi nhà. Nhưng nó đã kiệt sức đến độ kim ngắn không thể nào chạy lên quá số 9, cứ đến 9 nó lại kiệt lực rơi xuống dưới - về số 6, và cứ thế bất tận: 6, 7, 8, 9, 6, 7, 8, 9… Và chỉ có kim phút miệt mài tiếp tục cuộc chạy của mình, cái có ý nghĩa ở nơi đây là phút, không có đơn vị đo thời gian dài hơn. Một bận tôi mang đến cho nàng đồng hồ mới, một chiếc đồng hồ điện tử để bàn, nhưng lần sau tới nó đã biến mất. Tôi không hỏi gì nàng.
Ngôi nhà đã bắt đầu quen dần với tôi. Tiếp nhận tôi. Từng chút một tôi bắt đầu hiểu nàng viết về điều gì trong bức thư của mình, từng chút một tôi đã bắt đầu cảm nhận ngôi nhà như chính nó, chứ không phải như chúng tôi nhìn thấy nó.
Có thể, chỉ bởi vì cái bản thể của chính tôi còn lại càng lúc càng ít. Người đàn bà này đã hút tôi vào một cách khó nhận biết. Gặp gỡ với nàng, tôi đã trở thành nàng - bằng thân thể và tâm hồn. Hồi đó tôi là một gã trai không cá tính - không học thức, lười nhác, nhu nhược và khá là hẹp hòi, bù lại tôi có đôi tay và đôi môi dịu dàng, và tôi đã được khai phá trọn vẹn bởi nàng. Còn nàng, nàng là một thế giới đầy đủ, lúc nắng ấm, khi âm u, nàng là ngày lẫn đêm, là mùa đông, lẫn mùa hè, nàng là con người - là một nhà hát. Nàng chơi đùa và hát cho tôi, đọc thành tiếng và kể chuyện. Nàng khiêu vũ cho tôi xem và chiều chuộng tôi. Nàng dạy dỗ tôi. Nàng biến tôi thành nàng. Từ tôi tỏa ra mùi của nàng, tôi nhìn giống như nàng, tôi nói giống như nàng. Mắt tôi luôn mở lớn, và đó là chiếc gương soi nàng. Tôi giấu mình trong nàng, và ngôi nhà đã không nhận thấy tôi. Bởi vì không có tôi.
- Tôi sẽ không nói, - Serafim buông dứt khoát, cắt đứt những hồi ức của tôi.
- Ồ, thế thì không được - ông sẽ nói!
Nhoài qua bàn, tôi thô bạo chộp cổ tay ông ta. Khuỷu tay chúng tôi tì trên bàn như thể chuẩn bị đọ sức. Có một lúc chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Không thể thấy gì trong mắt ông ta, nhưng chúng không trống rỗng - chúng không xuyên thấu được.
Tôi lùi lại và buông tay ông ta.
- Này lão già say rượu, lão chẳng biết quái gì hết, - tôi lẩm bẩm.
Serafim xoa cổ tay và nhếch mép nở một nụ cười gớm ghiếc, đầy dãi dớt, hầu như không có răng. Ngoài phố trời đã nhá nhem, con chó sau cửa kêu ăng ẳng, Serafim đứng dậy để thả nó ra, tiện thể bật điện lên. Trên bàn cháy lên bóng đèn mờ đục trong chiếc chụp bằng giấy báo bẩn thỉu. Một con quái vật bước vào phòng và nằm xuống bên chân Serafim vẻ tận tụy.
- Nói chung tại làm sao mà người ta lại đến với ông nhỉ? - tôi tức giận hỏi.
- Vì họ là lũ ngốc.
Tôi không đợi câu trả lời như thế, nhưng ít ra nó vang lên một cách thuyết phục.
Buổi sáng cuối cùng, khi tôi lại rời đi Riga và chụp ảnh ngôi nhà mà nàng vừa mới cười và trốn vào trong đó, tôi chụp ảnh chỉ vì hãy còn một kiểu trong chiếc máy ảnh mới mà trước đó tôi bấm toàn biển, biển và biển, và trời, và dương xỉ, và các tĩnh vật trên bàn bếp, cứ như thể biển, trời và cây dương xỉ quan trọng hơn con người, - vào buổi sáng đó tôi có một dự cảm yếu ớt rằng chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Trong tôi sự chia li đã phôi thai và nảy mầm. Tôi buồn bã và đồng thời cảm thấy nhẹ nhõm lạ lùng.
Đơn giản là nàng đã thành ra quá nhiều trong tôi, tôi cảm thấy điều đó vào cái thời điểm trở thành người một nhà đối với ngôi nhà của nàng hoặc tôi đã chấm dứt tồn tại.
Tôi biết rằng có thể sẽ tiếp tục như vậy hàng năm, tôi có thể sẽ tiếp thụ từ nàng tất cả những gì tôi vẫn chưa biết, và quả thực là không biết: những cái tên và những tác phẩm của người Hy Lạp cổ đại, của những nhân vật hàng đầu trong nền văn học hiện đại, những chiều sâu tăm tối quyến rũ của âm nhạc cổ điển - tất cả những gì bao quanh nàng một cách thật tự nhiên trong căn nhà nhỏ ở giữa khu rừng, nơi tất cả các thời đại trôi chảy qua cùng lúc - từ 6 giờ đến 9 giờ, - nhưng tôi không muốn như thế thêm nữa.
Một cách trực giác, tuy nhiên hoàn toàn rõ ràng, tôi cảm thấy rằng thế giới của nàng - đó không phải là thế giới của tôi, tôi cần phải trở về chỗ dành cho tôi - với những người đàn ông làm việc nặng nhọc ban ngày, còn tối đến thư giãn bên vại bia trước ti vi, những người nhớ đến đàn bà chỉ khi muốn họ, và không coi mỗi cuộc mây mưa là một điều huyền bí. Ở đó, dưới chân tôi là mặt đất chắc chắn và tin cậy mà tôi sợ đánh mất nó.
Chỉ có điều tôi không ngờ rằng khi đó tôi đã bị đầu độc và không bao giờ có thể hòa hợp với cái lề lối đơn giản mà cuộc sống đặt ra.
Mà thôi, giải thích như thế rắc rối quá.
Rốt cuộc, đơn giản là tôi đã hiểu rằng chúng tôi sẽ chẳng thể đi đến đâu.
Chẳng thể đi đến đâu hết.
Mà nếu đã không đi đến đâu thì chẳng nên phí thời giờ làm gì.
Có thể gọi đó là dứt khoát, có thể là hẹp hòi.
Hoặc hãy gọi đó là sự dũng cảm - ở đây có cả cái này lẫn cái kia.
Tất nhiên tôi vẫn nhớ nàng rất lâu, gần một năm hoặc hơn nữa. Tôi so sánh mỗi người đàn bà với nàng và không tìm ra nơi một ai cái điều mà từ đó tôi đã bỏ chạy và điều mà tôi lại lao đến.
Và nàng đã tìm tôi.
Nàng đã viết thư, đầy tuyệt vọng, phải đọc chúng thật là nặng nề.
Nàng viết rất hay!
Khi sắp dọn các hộc bàn, tôi đã tìm thấy cả những lá thư này, cả một chồng, nhiều lá vẫn chưa bóc.
Các vị hãy gọi đó là dũng cảm.
Tôi đã không bóc những lá thư này cả lần này, sau nhiều năm. Và không đọc lại những lá thư đã bóc.
Tôi đốt chúng.
Thỉnh thoảng tôi có thể hồi tưởng hết sức rõ ràng gương mặt của nàng cứ như thể nàng đang ngồi trước mặt. Nhưng đôi lúc không thể nào gợi nó lên trong tâm trí. Thường thường thì hình ảnh nàng hiện lên khi tôi không chờ đợi nó: lúc đang lái xe, khi ở trên giường với Izle, lúc ở nơi làm việc. Còn những đêm không ngủ, khi tôi cố để nhìn thấy nó bên cạnh, - thì nó không tới. Và khi đó tôi không tài nào thiếp đi được.
Tôi cần phải tìm thấy sự yên ổn.
Tôi không nhận thấy Serafim lấy chai rượu ngang, mở nút và rót cho cả hai chúng tôi. Tôi không nhận thấy đã uống cạn cốc của mình như thế nào. Hoặc có thể là hai cốc.
Không nhận thấy tôi đang kể hết mọi chuyện thành tiếng - cho ông ta nghe.
- Vậy chuyện gì đã xảy ra với Izle? - ông ta hỏi.
- Cô ấy ư… Cô ấy không phải là người đó. Chúng tôi chẳng thể đi đến đâu hết cả, - tôi đáp.
- Thế người trong mấy tấm ảnh? Anh nói đi. - Serafim nhìn tôi chăm chú. - Nào, cái người đó ấy?
- Điều này chẳng giúp được anh đâu.
- Đằng nào cũng thế, - tôi nói. - Này ông già, nghe đây, tôi trả tiền cho ông. Thế nhé?
Serafim nhếch mép.
- Bao nhiêu?
- Hăm nhăm.
Serafim chỉ bĩu môi cong tớn thêm.
- Năm mươi, - tôi nói.
- Vì người đàn bà yêu dấu thì là ít, - Serafim nói, - thậm chí vì bức ảnh của nàng cũng ít.
- Thì một trăm, đồ chấy rận! - tôi phát khùng.
- Được, - Serafim thở dài. - Nhưng với một điều kiện. Anh để tấm hình thứ hai lại cho tôi.
Tôi chấp nhận.
Serafim chậm chạp với mấy tấm ảnh. Ông ta đã cầm lấy chúng. Liếc nhìn chúng một lần nữa. Sau đó chọn lấy một, cầm lên, đi lại gần lò sưởi, quẹt diêm và đốt. Tấm ảnh cháy lâu, lửa xanh biêng biếc. Tự tôi không nhận thấy mình đã chồm dậy ra sao.
- Ngồi xuống, - Serafim nói. - Tấm ảnh kia, cái ở trên bàn ấy, - trong đó có người đàn bà.
Tôi cầm lấy nó bằng hai ngón của bàn tay run rẩy. Nâng niu, cẩn trọng.
Nàng đấy. Nàng. Nàng đã bị giam cầm trong ngôi nhà này vĩnh viễn. Nàng của tôi.
Tôi ném lên bàn tờ một trăm màu đỏ, và bước ra phố, không từ biệt.
Vì rượu ngang đã uống mà trong đầu vui vẻ và sáng sủa lạ lùng, chỉ có cảm giác hơi yếu ở hai chân.
Phía cuối làng hiện ra bóng ngôi nhà thờ với cây thập giá Chính Thống giáo. Trong nhà ông linh mục sáng đèn. Có thể ông ta đang đọc Kinh Thánh.
Trên bầu trời tỏa sáng mặt trăng tròn đầy, và cây cối hắt những bóng đen xuống con đường.
Tôi ngồi vào xe.
Nhìn vào gương chiếu hậu.
Trong nhà Serafim đèn đã thôi sáng.
Tôi biết rằng ông ta ở đó, trong nhà, ông ta và con chó của ông ta.
Tôi nổ máy, hạ cần số và dận ga.
Quá khứ đã ở lại phía sau, thời gian lại chuyển thành vector.
Chỉ tới nửa đường đi Riga tôi mới chợt nghĩ ra rằng Serafim có thể đã đốt không phải tấm ảnh đó. Chỉ có điều tôi đã không bao giờ còn được biết điều ấy nữa.
KIỀU VÂN dịch từ tiếng Nga

(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Na ơi... (08/08/2008)