Tạp chí Sông Hương - Số 234 (tháng 8)
Bay lên từ minh triết phương Đông
16:35 | 08/08/2008
PHẠM THƯỜNG KHANHĐầu năm nay khi biết tôi chuẩn bị đi công tác Trung Hoa, em gái tôi, một người thơ gọi điện từ Huế ra bảo: “Anh cố gắng mà cảm nhận vẻ đẹp rực rỡ của văn minh Trung Hoa. Hình như với bệ phóng vững chắc của nền văn minh hàng ngàn năm ấy, người Trung Hoa đang có những cuộc bứt phá ngoạn mục và trong tương lai dân tộc này còn tiến xa hơn nữa”. Là một quân nhân, tôi đâu có được trí tưởng tượng phong phú và trái tim dễ rung động như em tôi, nhưng 10 ngày trên đất nước Trung Hoa đã để lại trong tôi những ấn tượng thật sâu đậm.
Bay lên từ minh triết phương Đông

Dấu tích xưa
Chúng tôi đến Tử Cấm Thành vào một buổi sáng, trời lạnh 5 độ âm nhưng các thành viên trong đoàn đều phấn chấn lạ thường vì sắp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cung điện Trung Hoa mà trước nay chỉ được thấy ít nhiều qua phim ảnh. Nằm ở vị trí chính nam của Quảng trường Thiên An Môn giữa trung tâm thành phố Bắc Kinh, Tử Cấm Thành (còn được gọi là Cố cung - khu vực dành riêng cho gia đình nhà vua ở trong thành, là cung điện của 25 triều đại nhà Minh và nhà Thanh của Trung Hoa) toạ lạc trên một diện tích 720.000 m2, gồm 800 cung và 8.886 phòng, là một quần thể lớp lớp cung điện, dáng vẻ hài hòa, độc đáo của kiến trúc Trung Hoa. Đây là quần thể  bằng gỗ lớn nhất thế giới, độc đáo nhất thế giới và nói như người hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi thì đây là “Thiên hạ đệ nhất cố cung”, đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới tại Trung Hoa. Quả thực đây là một kỳ quan đẹp vĩnh hằng, ghi dấu ký ức hoành tráng của thời đại vàng son mà 500 vị hoàng đế Trung Hoa đã ngự trị suốt từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20! Đi vào Tử Cấm Thành, ta như bị choáng ngợp trước một kho tàng đồ sộ và vô giá về kiến trúc và văn hóa của nhân loại, trước kỳ tích của con người đã xây dựng nên những cung điện nguy nga và tráng lệ. Toàn bộ Tử Cấm Thành được bao bọc bởi bức tường thành cao 11 mét, dài 3.400 mét với hào rộng 52 mét bao bọc và 4 vọng gác ở bốn góc thành, gồm bốn cổng chính dẫn vào thành đối diện nhau là Ngọ Môn, Thần Vũ Môn, Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn. Tất cả mọi kiến trúc của Tử Cấm Thành đều được quy tụ chung thành ba đại diện Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hoà và được chia làm hai khu ngoại triều và nội triều. Từ mái vòm, cột nhà, nền nhà đến các hoa văn trang trí trên tường, trên cửa ra vào đều được chạm trổ tài hoa, được trau chuốt đến từng chi tiết, hoàn hảo và tinh vi không gì sánh được. Tất cả như gợi lại trong ký ức mỗi chúng ta một quá khứ lộng lẫy oai hùng của một Trung Hoa hùng mạnh. Một người bạn trong đoàn chúng tôi từng du học nhiều năm ở Châu Âu, chứng kiến nhiều danh lam thắng cảnh của Phương Tây vậy mà vẫn phải thốt lên: “Thật là tráng lệ! Kỳ diệu thay là tài hoa và sức mạnh của Trung Hoa!”.
Nếu Tử Cấm Thành là “Thiên hạ đệ nhất cố cung” thì Vạn Lý Trường Thành, bức tường thành dài vạn dặm, được xây dựng bằng đất đá từ thế kỷ thứ năm trước công nguyên cho đến thế kỷ thứ 16 để bảo vệ đất nước Trung Hoa trước những cuộc tấn công của người Mông Cổ, lại là một công trình vĩ đại biểu tượng cho hùng tâm và sức kiên nhẫn vô hạn của người Trung Hoa. Với chiều dài 6.352 km được xây từ chân các quả núi lên đến tận đỉnh núi, gồm nhiều nhánh như vậy khác nhau và trên các bức tường thành nhánh ấy, cứ cách quãng đều lại có những cửa ải đầy đặn, to lớn, Vạn Lý Trường Thành là công trình xây cất lớn nhất của nhân loại từ trước tới nay, vừa có ích lợi hơn, vừa đồ sộ hơn các Kim Tự Tháp Ai Cập. Trong toàn bộ tường thành thì nổi tiếng nhất là phần tường thành do hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây từ năm 220 tới năm 200 TCN, nằm ở xa hơn bức tường thành hiện nay, hiện chỉ còn sót lại ít di tích. Với niềm phấn khích đặc biệt, mặc dù thời tiết lúc này là 10 độ âm, chúng tôi vẫn leo lên tận đỉnh cao nhất của một nhánh rồi phóng tầm mắt ra bốn phương tám hướng quan sát thật kỹ sự hùng vĩ của Vạn Lý Trường Thành và suy nghĩ miên man. Có người bảo rằng nó là sản phẩm sinh ra từ sự kiêu ngạo của vị Hoàng đế Trung Hoa Tần Thủy Hoàng, rằng biết bao nhiêu xương máu của người dân lao động đã đổ ra ở đây trong hàng chục thế kỷ... nhưng theo sự hiểu biết của chúng tôi thì không phải hoàn toàn như vậy. Một trong những công việc của Tần Thủy Hoàng khi ông lên ngôi là xây dựng thêm để nối những khúc thành lũy đã có sẵn ở biên giới nhằm che chở cho Trung Hoa khỏi bị giặc phía Bắc xâm lăng. Ông sai bắt hết những người chống đối ông đưa lên xây cất công trình vĩ đại này. Cho nên người Trung Hoa rất tự hào, bảo: “Một thế hệ đã tàn mạt để cứu nhiều thế hệ sau”, còn lãnh tụ của đất nước Trung Hoa-Mao Trạch Đông-không giấu nổi xúc cảm trào dâng và niềm tự hào khôn tả về công trình vĩ đại của dân tộc mình, đã viết một câu văn chữ Hán đầy kiêu hãnh: “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (chưa đến Vạn Lý Trường Thành chưa phải là anh hùng hảo hán!). Người ta đã mô phỏng mẫu tự tác phẩm thư pháp này rồi tạc lên một phiến đá cao bằng đầu người, dựng đứng uy nghi ở một nhánh chính của Vạn Lý Trường Thành.

Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến hay Quảng Đông, đi đâu chúng tôi cũng thấy ít nhiều dấu ấn của Phong Thuỷ Trung Hoa. Trước cửa các toà nhà cao tầng nào cũng thấy có hai con sư tử đá ngồi chầu như ta từng thấy trong phim ảnh. Và trên các rừng cao ốc ở các thành phố này, mỗi toà nhà là một kiểu kiến trúc khác nhau, phong phú và đa dạng. Nhất là ở Thượng Hải, chúng tôi may mắn được tham quan Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu, cao thứ ba thế giới, có điều kiện quan sát toàn bộ quang cảnh của Thượng Hải thì lại càng thấy rõ điều này. Theo người hướng dẫn viên của chúng tôi thì ở Trung Hoa, người ta luôn coi trọng việc vận dụng Phong Thuỷ vào đời sống để cùng với sự nỗ lực, sáng tạo, nhẫn nại của con người làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Bởi vì Phong Thủy là sản phẩm tư tưởng xuất hiện rất sớm ở Trung Hoa, bao gồm sự pha trộn giữa Đạo giáo, Phật giáo, Lý thuyết Âm Dương về việc cân bằng và hợp nhất với tự nhiên, kiến trúc thông thường, mê tín và sở thích. Với ý nghĩa là “Gió” và “Nước”, Phong Thuỷ là một nghệ thuật kết hợp để nối ghép con người và định mệnh với môi trường xung quanh, có thể là tự nhiên hoặc nhân tạo, có tính tổng quát hay cục bộ và Kinh Dịch là công cụ cơ bản huyền bí trong thực hành Phong Thuỷ. Theo Phong Thuỷ, đời sống và định mệnh của chúng ta gắn liền với dịch chuyển của vũ trụ và thiên nhiên. Tất cả sự hoán vị vũ trụ cho tới nguyên tử đã cộng hưởng bên trong chúng ta. Sức mạnh và hoàn cảnh con người liên kết với nhau được gọi là khí (được dịch như là tâm tính con người hoặc năng lực hơi thở của vũ trụ). Khí xoay vần trong trái đất, khí xoay vần trong không khí và khí di chuyển bên trong cơ thể, nâng đỡ cơ thể chúng ta đồng thời duy trì sự cân bằng thể chất, hoàn cảnh và tình cảm hoặc làm thay đổi bản chất mỗi chúng ta. Chính vì vậy mà kiến trúc của từng tòa nhà rất khác nhau và nếu có điều kiện tham quan nội thất của từng tòa nhà ấy ta sẽ thấy cách bài trí cũng cực kỳ phong phú. Tất cả đều nhằm khám phá và nâng cao môi trường khí để cải thiện dòng khí bên trong cơ thể, nhờ đó cải thiện đời sống và định mệnh con người...
Ở TP Quảng Châu thuộc Quảng Đông, chúng tôi cùng đến thăm Khu tưởng niệm Hoàng Hoa Cương. Một hàng chữ Hán lớn ở ngay cổng ra vào đập vào mắt chúng tôi: “Hào khí trường tồn” (Tạm dịch: Khí phách anh hùng còn mãi). Giữa bạt ngàn cây xanh các loại là những bồn hoa tươi thắm rực rỡ sắc màu. Nổi bật ở trung tâm là khu bia mộ các chiến sĩ vô danh và hữu danh đã hy sinh anh dũng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911). Không gian thiêng liêng và tĩnh lặng. Bảy mươi hai khối đá vuông vức được sắp xếp một cách hài hòa, uy nghiêm theo một cấu trúc của nghệ thuật sắp đặt, là biểu tượng trường tồn của 72 người anh hùng mấy mươi năm trước. Cách vài chục mét về phía sau là khu bia mộ nhà cách mạng Việt Nam Phạm Hồng Thái, trong khuôn viên chừng 50 mét vuông, được xây cất thật đẹp. Bia cao chừng 3 mét, phía trên bia có ghi hàng chữ Việt: “Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Sinh ngày 14/5/1895. Hy sinh ngày 19/6/1924”, phía dưới đó là các hàng chữ Hán, lời văn thật trang trọng: “Việt Phạm Hồng Thái liệt sĩ”. Trong tâm trạng vô cùng xúc động, chúng tôi cùng nghiêng mình tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc mình. Ông được tổ chức cách mạng Tâm Tâm Xã giao nhiệm vụ dùng tạc đạn giết tên toàn quyền Đông Dương Merlin nhân dịp hắn ghé qua Quảng Châu, nhằm gây tiếng vang cho phong trào cách mạng Việt Nam. Sau khi hành động không thành (một số tên tuỳ tùng của Merlin bị chết còn Merlin thì chỉ bị thương nhẹ), bị bọn lính Pháp truy đuổi, Phạm Hồng Thái chạy ra bờ sông Châu Giang, nhảy xuống sông để khỏi rơi vào tay giặc. Ông là tiếng bom “báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như con chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân” (Trần Dân Tiên). Thân thể ông đã được sông Châu Giang ôm trọn vào lòng mang ra biển cả nhưng nhân dân Quảng Châu nghĩa tình và nhân hậu vẫn xây dựng một khu mộ tưởng niệm ông. Xin cảm ơn nhân dân Quảng Châu, cảm ơn văn hoá Trung Hoa đã dành cho người anh hùng họ Phạm Việt một nơi yên nghỉ trường tồn!
Cuộc chấn hưng ngoạn mục
Mấy năm trở lại đây dường như trên đất nước này đã và đang diễn ra một cuộc chấn hưng ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực. Dù không có điều kiện chứng kiến toàn diện các mặt của đời sống Trung Hoa song những điều chúng tôi thấy thật ấn tượng. Với tốc độ phát triển của nền kinh tế vào khoảng 10% liên tục trong nhiều năm qua và được đánh giá là thuộc hàng nhanh nhất trên thế giới Trung Hoa đã và đang trở thành động lực phát triển cho cả Châu Á, quyết định mức tăng trưởng cho cả khu vực này. Theo các nhà dự báo thì với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, Trung Hoa sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế thế giới, sẽ đứng thứ hai thế giới vào năm 2015 và ở vị trí thứ nhất vào năm 2040. Người ta còn dự báo rằng vào năm 2050, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Trung Hoa dự kiến đạt 45.000 tỷ USD, gấp 30 lần năm 2004, trong khi đó Mỹ chỉ đạt 35.000 tỷ, xếp thứ hai rồi đến Ấn Độ xếp thứ ba và Nhật Bản xếp thứ tư. Thì cứ nhìn vào thực tế Trung Hoa cũng có thể thấy được tính khả thi của dự báo khoa học đó. Chẳng hạn như Thượng Hải ngày nay được xem là thủ đô kinh tế của Trung Hoa, đã có những cuộc bứt phá ngoạn mục về phát triển kinh tế và nhanh chóng vượt qua Thâm Quyến và Quảng Châu, trở thành đầu tàu kinh tế Trung Hoa. Với các khu nhà chọc trời và cuộc sống đô thị sôi động, văn minh, với Tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu cao thứ ba trên thế giới, Thượng Hải là biểu tượng thần kỳ của kinh tế Trung Hoa, đặc biệt, nó đang bùng nổ xây dựng các cao ốc, các công trình xây dựng khổng lồ với thiết kế hiện đại và độc đáo nên nó còn có biệt danh là Paris phương Đông. Thâm Quyến cũng là một điển hình về sự bứt phá ngoạn mục. Là một trung tâm chế tạo lớn của Trung Hoa “mỗi ngày một cao ốc, ba ngày một đại lộ”, Thâm Quyến đã từng nổi tiếng về đổi mới ngay từ cuối thập kỷ 90. Ngày nay với 13 toà nhà cao ốc cao hơn 200m (bao gồm toà nhà Shun Hing Square cao thứ 8 thế giới), Thâm Quyến còn là một thành phố diệu kỳ lúc màn đêm buông xuống. Tuy nhiên ít ai biết được rằng trước khi trở thành đặc khu kinh tế năm 1978, Thâm Quyến còn là một làng chài!
Một trong những ấn tượng sâu đậm đối với chúng tôi là hệ thống giao thông của Trung Hoa. Trên các cung đường quốc lộ từ Bắc Kinh đi Hà Bắc, đi Vạn Lý Trường Thành, Bắc Kinh - Thượng Hải và từ Thượng Hải đi Thâm Quyến - Quảng Châu dài hàng ngàn km, chúng tôi tận mắt chứng kiến hệ thống giao thông hiện đại. Những chiếc cầu vượt đan xen, tầng tầng lớp lớp, bề thế và hoành tráng; đường sá rộng rãi, phẳng lỳ. Từng đoàn xe hơi các loại nườm nượp, hối hả nối nhau chạy trên đường nhưng trật tự và khiêm nhường, tịnh không có một tiếng còi nào. Thi thoảng lắm mới có một chiếc xe mô tô cảnh sát chạy trên một số cung đường, dường như là đi tuần tra và đặc biệt là ở các điểm nút giao thông rất ít thấy bóng dáng cảnh sát. Suốt 10 ngày đi lại trên các cung đường quốc lộ, chỉ có đúng một lần chúng tôi chứng kiến hai chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi, trên đường từ Bắc Kinh đến Hà Bắc, tự giác tách ra khỏi dòng xe. Một sự va chạm nhỏ. Và người ta thấy 2 người lái xe ra khỏi xe, trao đổi với nhau điều gì đó, dường như là một sự tự hoà giải, rồi 2 chiếc xe đó lại từ tốn hoà vào dòng xe đang nườm nượp trên đường. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng dăm phút, rất nhanh song lúc đó xe chúng tôi đang bon bon trên đường vẫn đủ thời gian chứng kiến. Anh Lâm Phong, hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi cho biết đôi khi cũng xảy ra sự cố va chạm nhỏ trên đường, nhưng không bao giờ có việc cãi lộn xảy ra. Các “đương sự” sẽ nhanh chóng tách ra khỏi đoàn, tự giải quyết với nhau rồi lại đi tiếp. Nếu xe nào có vi phạm, kể cả việc sử dụng còi thì lập tức đã bị ghi âm, ghi hình, phản ánh về trung tâm và cuối ngày đó lái xe có vi phạm chỉ việc đến nộp phạt. Khi đến tham quan Trung tâm chỉ huy của Công an T.P Thượng Hải (còn gọi là Trung tâm phối hợp hành động khẩn cấp) chúng tôi mới hiểu được điều này. Với hệ thống camera đồ sộ trên 8000 chiếc đặt tại những nơi tập trung đông dân cư, những điểm nút giao thông, những địa bàn “nhạy cảm” nên tất cả các vi phạm xảy ra đều được ghi hình, ghi âm chuyển về Trung tâm chỉ huy và chỉ trong một thời gian rất ngắn, sau khi phân tích, mệnh lệnh được phát ra và chuyển tới lực lượng chức năng nơi xảy ra vụ việc đó giải quyết ngay. Thông thường vụ việc được giải quyết trong vòng 5-8 phút (đối với vụ việc xảy ra ở nội thành) và 8-10 phút (đối với vụ việc xảy ra ở vùng ngoại ô). Ngoài ra Trung tâm này còn kết nối, nhận và xử lý 30.000 cuộc gọi điện thoại mỗi ngày từ nhân viên các cơ quan chức năng, từ công dân hoặc cộng tác viên gửi đến nên không một sự kiện nào không được phản ánh và xử lý kịp thời.
Vĩ thanh
Mười ngày trên đất nước Trung Hoa là một thời gian quá ngắn ngủi để có thể hiểu biết nhiều hơn, đầy đủ hơn về đất nước tươi đẹp này, song những gì chúng tôi được tận mắt chứng kiến đều là những ấn tượng tốt đẹp. Ngày nay dường như người ta đã quên rằng 500 năm trước, khi phần lớn dân Châu Âu vẫn còn đang sống trong những căn nhà làm bằng bùn đất và dùng que nguệch ngoạc những nét vẽ trên mặt đất thì Trung Hoa từng có những phát minh khoa học có tính chất tiên phong, được Châu Âu phát triển và đưa vào sử dụng sau này như kỹ thuật in, thuốc súng và la bàn... Về văn hoá, hàng ngàn năm nay Khổng giáo thấm sâu vào dòng máu người Trung Hoa, nhờ vậy mà dân tộc này đã tạo ra những con người thâm trầm, biết ngưỡng mộ học thức và minh triết, có tư cách cao, có lòng kiên nhẫn vô hạn. Nhờ có triết lý của Khổng giáo mà dân tộc Trung Hoa đã tìm được sự hòa hợp trong đời sống xã hội, trong lối sống của mỗi giới và có một nền văn hoá vĩnh cửu, hiếu hòa, đủ sức mạnh tồn tại và phát triển. Tôi xin mượn lời của Will Durant - nhà bác học Hoa Kỳ gốc Pháp, tác giả công trình đồ sộ Lịch sử văn minh, để kết thúc bài viết nhỏ này: “Dân tộc Trung Hoa sau 3000 năm cứ vinh rồi lại suy tàn, chết rồi lại sinh, bây giờ lại tỏ ra có nhiều sinh lực về thể chất cũng như tinh thần bằng những thời phú cường nhất trong lịch sử của họ... Không có một dân tộc nào lực lưỡng hoặc thông minh hơn, thích ứng với hoàn cảnh giỏi hơn sau một tai họa hoặc những đau khổ lâu dài. Không ai tưởng tượng nổi một dân tộc có thể chất và tinh thần như vậy, có khả năng làm việc như vậy mà tận dụng công nghệ học trong kỹ nghệ thì sẽ tiến tới đâu trên đường văn minh. Rất có thể Trung Hoa sẽ sản xuất được nhiều tài nguyên hơn Mỹ và một lần nữa nó lại sẽ đứng đầu thế giới như mấy lần trước kia trong lịch sử”.
P.T.K

(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Na ơi... (08/08/2008)