Tạp chí Sông Hương - Số 234 (tháng 8)
Dấu ấn Carnaval hóa trong truyện mười ngày của Boccatio
17:02 | 08/08/2008
TRẦN NHẬT THƯTrong tiến trình nghệ thuật nhân loại, bên cạnh một thế giới hết sức “quan phương”, “hoàn kết” bao giờ cũng là một “thế giới lộn trái” đầy mê hoặc.
Dấu ấn Carnaval hóa trong truyện mười ngày của Boccatio

Thế giới vui nhộn ấy đã ngưng kết trong một số kiệt tác để thăng hoa thành một nguồn sống sung mãn, tràn trề, đủ sức gạt bỏ hoặc cuốn phăng mọi quy tắc lẫn chế ước ngặt nghèo. Nhưng để lý giải thấu suốt sức quyến rũ phi thường của nó lại là một vấn đề không hề đơn giản. Xin đơn cử, ngay từ khi danh tác “Gargantua và Pantagruel” mới ra đời, nhân dân Pháp đã không ngần ngại tôn vinh Rabelais (1494-1553) vào hàng ngũ của những thiên tài dân tộc kiệt xuất. Nhưng phải sau đó gần bốn thế kỷ, những ẩn số hóc búa mà “hiện tượng Rabelais” đã đặt ra mới chính thức được giải mã nhờ lý luận của một nhà nghiên cứu lỗi lạc người Nga Mikhail Mikhailovic Bakhtin (1895-1975). Bên cạnh Rabelais, Giovani Boccatio (1313-1375) cũng là một tên tuổi xuất sắc, luôn thu hút sự quan tâm, ngưỡng mộ của nhiều học giả hàng đầu thế giới. Bằng chứng là, Todorov, dưới ánh sáng của “tự sự học” đã tiến hành giải phẫu “ngữ pháp của Truyện Mười Ngày” hết sức ấn tượng [1.59]. “Decámeron” thực sự là một danh tác tầm cỡ mà chỉ cần mình nó thôi cũng đã quá đủ để Giovani Boccatio được toàn thể nhân loại biết đến với vai trò: “Người đặt nền móng đầu tiên cho nền văn xuôi Ý và mở đầu cho truyền thống truyện ngắn hiện thực Châu Âu” [2.16].
1. Vấn đề Carnaval hóa trong văn học
Trong nền văn hóa nhân loại, đặc biệt đối với các dân tộc Tây phương, Carnaval được xem là một trong những lễ hội có sức ảnh hưởng sâu xa và mãnh liệt nhất. Theo M. Bakhtin, Carnaval là một “hình thức trình diễn nguyên hợp mang tính chất lễ nghi” hay còn gọi là “hội giả trang”, “hội trá hình”. Loại hình này luôn hướng đến mục đích xóa nhòa mọi ranh giới khu biệt giữa sân khấu và quãng trường, cũng như diễn viên và khán giả. Lễ hội hướng tới phạm vi toàn dân - những chủ nhân đích thực và mang tính phổ quát sâu sắc.
Vì vậy, Carnaval còn góp phần xác lập một cuộc sống mới trên những bình diện vui nhộn, suồng sã, trái ngược với thứ đời sống nghiêm túc và hoàn bị hàng ngày. Nó thu hẹp nhằm tiến tới xóa bỏ không thương tiếc những khoảng cách giữa mọi người. Ở đấy, con người có thể vui tươi, nô nức trở lại với bản nguyên của chính mình; chỉ giản đơn là những con người đúng nghĩa chứ không được phép khoác thêm những lớp mũ áo tôn nghiêm, chuẩn mực của đạo đức, chức vị, tuổi tác lẫn giai cấp... Họ có thể mặc sức giao tiếp với nhau thông qua các hình thức ngôn ngữ và hành động bộc trực, suồng sã mang tính quảng trường.
Bakhtin cho rằng “Carnaval đem sáp gần, thống nhất, hôn phối và kết hợp cái thiêng liêng với cái phàm tục, cái cao cả với cái thấp hèn, cái lớn lao với cái nhỏ mọn, cái uyên thâm với cái dốt nát (Mesalliane) [4.119]. Sự thống nhất hài hòa và chuyển hóa lẫn nhau giữa những thuộc tính đối lập ấy đã kiến tạo thành “tính lưỡng trị” sâu sắc - một đặc trưng cơ bản của lễ hội Carnaval ở mọi thời đại. Sức mạnh và các chức năng trên đã góp phần thúc đẩy sự hoàn thành các hình thức hạ bệ, báng bổ, gắn liền với các yếu tố hạ tầng vật chất thân xác cũng như các hình thức phỏng nhại tài tình. Chúng ta dễ dàng bắt gặp tất cả các tính chất trên ở bất cứ lễ hội Carnaval nào: từ lễ hội chàng ngốc, ngày hội con lừa đến những kỳ nghỉ lễ Chúa giáng sinh, lễ Tiễn mùa đông (thường phổ biến ở Châu Âu và Nga)...
Mọi hình thức nghi lễ - hội hè nói trên đều là hạt nhân cơ bản của cảm quan Carnaval về thế giới: “cảm hứng về sự thay thế và biến đổi, cảm hứng về cái chết và sự đổi mới”. Nó biểu thị tính tương đối đầy vui nhộn, hay còn gọi là tính “không toàn vẹn vĩnh cửu của sự tồn tại” [M. Bakhtin].
Như vậy, trước thế kỉ XVII, Carnaval vẫn còn là một hình thức của bản thân đời sống. Do đó, Carnaval hóa cũng mang tính trực tiếp. Carnaval chính là cội nguồn sâu sắc của Carnaval hóa. Nhưng về sau, hội giả trang đã dần dần đánh mất tính toàn dân trên quảng trường đúng nghĩa và chấp nhận nhường ngôi cho ảnh hưởng của các tác phẩm văn học đã được Carnaval hóa sớm hơn.
2. Một số đặc điểm Carnaval hóa trong truyện Mười Ngày
Truyện Mười Ngày đã in đậm dấu ấn nền văn hóa trào tiếu dân gian trên rất nhiều bình diện.
Với những tư tưởng vô cùng tiến bộ, Boccatio đã nhìn nhận các hình tượng thân xác bằng nhãn quan của một nhà nhân văn chủ nghĩa. Ông quyết liệt chống đối quan điểm “trần thế là tạm thời, thể xác là thô bí” [3.49] của nhà thờ tôn giáo. Chính cảm quan Carnaval sâu sắc về thế giới đã thôi thúc nhà văn nồng nhiệt ngợi ca vẻ đẹp hình thể của nữ giới bất chấp mọi cấm đoán nghiêm ngặt của nhà thờ bấy lâu. Ngay việc dám dũng cảm đưa vào tác phẩm bức chân dung khỏa thân đẹp mê hồn của nàng Xiquyrăng kiều diễm (Những đồ trang sức không kín đáo) cũng đủ minh chứng cho thiện ý tốt đẹp ấy.
Nói cách khác, Boccatio luôn mạnh dạn đề cập tới những nhu cầu mang tính bản năng, với tư cách là một phạm trù bản nguyên của đời sống con người. Ngay như nhân vật Rênhiê dù đã suýt chết với một mối tình si vì những trò đùa dai tai quái của cô nàng Helen tàn nhẫn; và dù vẫn luôn sục sôi nung nấu một nỗi căm hận tột cùng, cũng không thể nào không động lòng Khi thấy Helen trần truồng đi sát bên chàng, chàng thấy thân cô trắng trẻo nổi bật trên nền đêm tối. Chàng nhìn bộ ngực và mọi vẻ hấp dẫn của người đàn bà ấy. Chà! Biết bao vẻ đẹp! Chàng nghĩ đến số phận dành cho nàng trong ít phút nữa. Một tình thương nào đó tràn ngập trong lòng chàng. Mặt khác, kích thích của xác thịt bỗng châm chích, gợi ở chàng một xu hướng mạnh mẽ từ trước tới nay bị tê liệt, thúc đẩy chàng ra khỏi chỗ ẩn để ôm lấy cô gái thù ghét và biến cô thành trò chơi của mình, chỉ thiếu chút nữa, chàng đáp ứng hai tiếng gọi ấy” (Không đùa giỡn với tình yêu). Trong cảm xúc của Rênhiê, rõ ràng đã có sự thống nhất giữa tinh thần và thể xác. Hình ảnh Helen vừa gợi lên trong lòng người đàn ông thù hận kia một sự ngưỡng mộ trước cái đẹp trác tuyệt vừa kích thích những cơn sóng của đam mê, dục vọng. Tất cả những chi tiết đó, đều bắt nguồn từ những ảnh hưởng đậm nét của tính “suồng sã hóa”, vốn đặc trưng của các lễ hội Carnaval, đối với văn học.
Boccatio còn khẳng định, con người dù có phát triển trong môi trường xã hội, nhưng vẫn không thể nào chối bỏ cội rễ - phần “Con mang tính bản năng của mình, ngay cả khi con người luôn cố tình phủ định. Sau cái chết của người vợ hiền yêu dấu, nhân vật Filip Banđuyxi quyết tâm xa rời thế tục, để cùng đứa con trai bé bỏng dốc lòng thờ phụng Đức Chúa trời. Thời gian cứ thế trôi đi, cho đến một ngày, khi người cha tin chắc đứa con đã hoàn toàn “đắc đạo”, mới thuận tình cho chàng trai theo mình xuống núi. Nào ngờ mới chỉ thoáng gặp những bóng hồng tung tăng trên phố, chàng trai đã “choáng váng” và nhanh chóng quên hẳn mọi thứ thú vị xung quanh lẫn những giáo huấn của người cha bấy lâu. Mặc dù Filip cứ ra sức khẳng định đó chỉ là “những con chim cái”, một thứ biểu tượng cho mọi điều xấu xa, nhưng đứa con vẫn ngây thơ bày tỏ: “Con chưa thấy hình vẽ nào đẹp và thích thú bằng những vật ấy. Chúng đẹp hơn tranh thiên thần mà bố đã nhiều lần chỉ cho con xem” (Tựa cho ngày thứ tư của mười ngày). Thậm chí, trước khi về núi, chàng còn một mực van xin người bố đem một trong những con chim cái kia theo cùng. Boccatio đã kết luận đầy mỉa mai: “ông bố hiểu rằng, thiên nhiên đã mạnh hơn những tính toán thông thái của ông”.
Trong toàn bộ một trăm truyện được kể suốt mười ngày, chủ đề tình yêu với đầy đủ mọi cung bậc phong phú cứ liên tục xuất hiện. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử văn học, có một tác giả dám lớn tiếng bênh vực và cổ vũ cho những lạc thú xác thịt của tình yêu chân chính. Chàng Ghixcar khi đối mặt với cơn thịnh nộ sấm sét của nhà Vua vẫn khẳng khái tuyên bố: “Sức mạnh của bệ hạ hay của bề tôi có nghĩa lý gì đâu bên sức mạnh của ái tình”. Đau đớn vì tình yêu bị bại lộ, lo âu khôn xiết cho số phận của người tình vốn xuất thân từ dòng dõi thường dân - Chàng Ghixcar yêu dấu, những tưởng, nữ công tước Ghixmôngđơ phải khuất phục trước vua cha. Song chính niềm kiêu hãnh phi thường và nghị lực vô biên của một tâm hồn đức hạnh nhưng cũng rất đỗi con người đã khiến nàng tiếp tục đấu tranh đến cùng: Thưa cha, cha là da là thịt, hẳn cha biết được một người con gái do cha đẻ ra là bằng da bằng thịt chứ không phải là đá tảng hay cục sắt. Niềm khao khát ái ân “là một sức mạnh không gì cưỡng nổi mà giới tính và tuổi trẻ của con người đã phải thua sức quyến rũ ấy”. Nàng nhấn mạnh, đó đơn thuần chỉ là những “tội lỗi của tự nhiên” mà bất cứ con người nào cũng sẽ mắc phải. Chính tình thương của thần ái tình và “sự khoan dung của số phận” đã dẫn lối cho hai trái tim nồng cháy tìm đến với nhau trong đam mê, say đắm (Thắng lợi của cái chết). Đến truyện Bêritôla, nhân vật Giuyfrêđi lại tiếp tục khẳng định chân lý ấy bằng những lý lẽ hết sức hùng hồn.
Cùng với những lạc thú xác thịt, hình ảnh về các cuộc vui chơi, ăn uống linh đình xuất hiện với tần số khá tương đối. Các câu chuyện bên bàn ăn đã manh nha xuất hiện (suy tưởng về kinh Phúc âm...). Đồng thời, giữa khung cảnh âm u sặc mùi chết chóc, mười nam thanh nữ tú đã quyết định hưởng thụ thật thỏa thích những thú vui lành mạnh như một động thái tích cực nhằm đẩy lui bóng ma lởn vởn của cái chết. Tất cả, đều góp phần kiến tạo nên tính hội hè vui tươi cho thế giới.
“Truyện Mười Ngày” đã bộc lộ một nhân sinh quan mới mẻ đầy tiến bộ. Cùng với sự hiện diện thường xuyên của nhiều hình tượng vật chất thân xác, tác phẩm đã bước đầu thể hiện nhiều động thái đáng khích lệ nhằm không ngừng “phục hồi danh dự vốn có cho xác thịt” (M.Bakhtin)
 Thủ pháp hạ bệ là một trong những đặc điểm cơ bản của lễ hội giả trang. Boccatio đặc biệt chú trọng sử dụng tiếng cười giòn giã để “đả phá”, “chế giễu” thứ học thuật kinh viện xơ cứng cũng như nền luân lý đạo đức phong kiến khắt khe. Tiếng cười hoan hỉ ấy, thậm chí còn không chịu buông tha các đấng quân vương chí tôn chí kính. Nhà vua Pháp vốn có ý định tán tỉnh hầu tước phu nhân ĐơMôngfera nổi danh tài sắc, nhưng đã nhanh chóng bị bậc nữ lưu lịch thiệp này dạy cho một bài học nhớ đời bằng một thực đơn toàn gà mái (Nhà vua đùa giỡn). Nhà vua còn có lúc biến thành bù nhìn để thiên hạ chửi rủa mắng nhiếc vì tội nhu nhược, bất tài (Nhà vua lười).
Sự chuyển vị “những phạm trù thiêng liêng” với tất cả những trạng thái tâm lí sóng đôi như sợ sệt, ngưỡng bái... thành những phạm trù tầm thường, thậm chí còn hết sức khả ố; chính là cơ sở để kiến tạo tiếng cười mang đậm sắc màu Carnaval. Tiếng cười đả phá - tái sinh còn xuất phát từ nhiều hình thức phỏng nhại được nhà văn sử dụng rất khéo léo và đắc địa. Boccatio đặc biệt chĩa mũi nhọn công kích về phía nhà thờ tôn giáo thông qua hàng loạt câu chuyện như: Tinh thần Giatô giáo, Con Ma, Dây thừng trên cổ... Tên đại tội đồ bịp bợm Xiappenlettô, cả đời gian ác, dâm đãng, ấy thế mà lại được phong thánh lúc qua đời nhờ màn xưng tội “ngây thơ”, giả dối đến trắng trợn. Những màn kịch trào lộng ấy thấm đẫm tinh thần vui nhộn của lễ hội giả trang. Chúng mang đậm dấu ấn tính lưỡng trị sâu sắc. Trong các câu chuyện tiếp theo tinh thần ấy vẫn không ngừng được bảo tồn, phát huy, thậm chí Boccatio còn không ngần ngại xuyên tạc, phỏng nhại cả Kinh Thánh, Thánh ca lẫn các lễ nghi của Gia tô giáo. Făngxoa Đatxi, tên tay sai của tòa án giáo hội đã tiến hành điều tra vì một câu nói trong lúc quá chén của một anh chàng tội nghiệp. Mục đích duy nhất của y không phải là bảo vệ danh dự cho Chúa mà để cố gắng vốc lấy Flôranh đầy tay” (đơn vị tiền tệ). Sau khi vơ vét, Đatxi vẫn không hề buông tha mà còn giữ lấy “khổ chủ” lại nhiều ngày ở bên mình, bắt anh ta phải trình diện đúng giờ và phải lắng nghe, phải sám hối bằng một lễ Misa thánh giá. Anh chàng trung hậu quyết định chơi cho tên gian ác một vố nhớ đời. Một hôm khi đến trình diện tên Đatxi vào giờ ăn trưa; anh ta bày tỏ thắc mắc bấy lâu của mình và rất đỗi thương cảm cho số phận đang chờ đợi Đatxi ở bên kia thế giới. Nguyên do xuất phát từ một câu Kinh Thánh mà anh ta đã nghe được ở lễ Misa: “Cho một người thì sẽ nhận được một trăm và sẽ có được đời sống vĩnh cửu”. Và anh ta bình tĩnh thưa tiếp: Hàng ngày anh thấy người ta đem một hoặc hai vạc cháo nóng bố thí cho người nghèo khó, cháo ấy là cháo thừa lấy ở tô Đatxi và các vị tu sĩ khác. “Nhưng nếu ở trên ấy cứ mỗi nồi người ta lại hoàn lại cho các cha một trăm nồi thì con nghĩ tất cả các cha sẽ chết ngạt mất”. Câu nói của chàng trai trung hậu làm mọi người được một bữa cười đau ruột nhưng đồng thời cũng vạch trần bộ mặt giả dối, bỉ ổi của Đatxi cùng với bọn tu sĩ lười biếng của hắn.
Không những thế, tác giả tiếp tục triệt để khai thác các “yếu tố thân xác hóa” như là một biện pháp hữu hiệu để “hạ bệ” những lĩnh vực cao siêu, thoát tục (Nữ tu sĩ, Viện cung nữ của chàng câm). Có một bà tu viện trưởng, đang đêm vùng dậy đi bắt quả tang một cô gái đồng trinh đang đắm say bên người tình. Chính tu viện trưởng cũng đang trong cơn hoan lạc với một gã mục sư. Trong lúc gấp rút, bà ta vô tình đội nhầm chiếc quần đùi của ông mục sư mà cứ ngỡ là chiếc khăn trùm đầu. Bắt được quả tang đôi tình nhân trẻ tuổi, bà liền giải Idabét đến hội trường, kèm theo “những câu chửi rủa xấu xa” hết mức có thể và ra sức buộc tội cô, bôi nhọ sự thánh thiện, danh dự lẫn tiếng thơm của tu viện, giữa lúc bà ta đang thao thao chửi vả, bất chợt cô gái tội nghiệp ấy ngước lên và bỗng nhiên phát hiện “chiếc khăn trùm đầu kì lạ của Sơ nhất”. Lúc bấy giờ, mọi sự mới bắt đầu vỡ lẽ. Không còn cách nào khác, tu viện trưởng đành nhanh chóng hạ giọng và kết luận rằng: “Con người ta không sao tự phòng ngừa nổi với những kích thích của xác thịt và rốt cuộc, cứ như trước mà tiếp tục, chị em nào có khả năng cứ việc hưởng lạc thú cho mình”. (Nữ tu sĩ).
Rõ ràng tu viện trưởng đã trở thành một nhân vật bị Carnaval hóa. Bà ta được “tấn phong” bằng uy quyền mắng chửi, lăng nhục người khác về những tội lỗi mà ngay cả bản thân mình còn phạm phải. Nhưng Sơ nhất cũng nhanh chóng bị hạ bệ bởi chiếc quần đùi đội trên đầu. Đây là thứ trang phục đặc trưng thường thấy ở các lễ hội giả trang.
Boccatio đã dùng tiếng cười đa chức năng như một phép màu để kiến tạo một thế giới lộn trái đầy sinh động, nơi mọi cái trang nghiêm thường nhật đều bị biến cải thành “những con ngáo ộp nực cười”.
Điều đặc biệt của tiếng cười Carnaval còn ở đối tượng mà nó hướng tới. Tiếng cười đó ít nhằm vào một cá nhân đơn lẻ mà chủ yếu hướng đến tập thể, thậm chí còn giễu cợt cả chính người đang đùa giỡn (Chả nhạo xanh).
 Chúng ta không thể không ghi nhận sự mầu nhiệm của tiếng cười Carnaval trong việc giúp “Truyện Mười ngày” bước đầu làm thay đổi quyền lực cũng như mọi trật tự ngặt nghèo của thế giới “phi Carnaval” đời thường. Bằng những lý lẽ hùng hồn của hệ thống nhân vật trong tác phẩm, nhà văn đã từng bước xác lập một sự bình đẳng đúng nghĩa giữa mọi giai cấp (đặc biệt đối với tình yêu).
Chính bản thân Boccatio đã từng khẳng định “mọi điều ở hạ giới này, không những không ổn định, mà không ngừng thay đổi”. Và xuyên suốt tác phẩm, ông luôn tập trung làm rõ mối quan hệ với thời gian và sự biến hóa như một đặc trưng quan trọng thấm đẫm tinh thần Carnaval trong việc biểu hiện tính không hoàn tất của thế giới. Đâu phải ngẫu nhiên mà tác giả để cho toàn bộ các câu chuyện vui nhộn diễn ra trên phông nền của sự chết chóc. Không thời gian mở đầu đã kết hợp cùng lúc hai thái cực của sự biến hóa: sự sống đi kèm cái chết; tiếng cười hòa lẫn với nước mắt. Và các chàng trai cô gái đã không ngần ngại quyết định chào đón tiếng cười hân hoan, biểu trưng cho sự sống, để lãng quên tiếng khóc tang thương hiện diện vì những cái chết oan khuất của người thân, như nhân vật Gargantua của Rabelais sau này.
 Xuất sắc cả về nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật biểu hiện, “Truyện Mười Ngày” là một tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn tiến bộ và âm hưởng Carnaval, luôn bàng bạc trong đời sống văn hóa của nhân dân. Nó ngợi ca mọi lạc thú tình yêu cũng như cổ vũ khát khao sống đã đầy, trọn vẹn. Đồng thời, tác phẩm còn cất lên một chuỗi cười giòn tan, hoan hỉ, có sức đả phá hữu hiệu đối với mọi bất công, rào cản; nhằm tiến tới thiết lập một trật tự công bằng mới của thế giới.
Cống hiến lớn lao nhất mà cảm quan Carnaval đã mang lại cho kiệt tác bất hủ này, chính là việc tạo nên một dấu son sáng chói, góp phần vẫy gọi ánh bình minh huy hoàng của thời kỳ Phục Hưng về ngự trị trên toàn cõi Châu Âu - một thời đại vốn được mệnh danh là những năm tháng hoàng kim rực rỡ nhất của Carnaval và Carnaval hóa văn học. 
T.N.T

(nguồn: TCSH số 234 - 08 - 2008)

 


------------
1. Thi pháp văn xuôi, Tzvetan Todorov, Hà Nội, nxb Đại học Sư phạm.
2. Truyện mười ngày (Decameron), Boccatio, Đào Mai Quyên (dịch), Hà Nội, nxb Giáo dục.
3. Giáo trình văn học phương Tây ,Phùng Văn Tửu, Hà Nội, nxb Giáo dục.
4. Thi pháp tiểu thuyết, Dotoievski, M.Bakhtin, Hà Nội, nxb Giáo dục.

Các bài mới
Các bài đã đăng
Na ơi... (08/08/2008)