Nhiều người học lớp tôi đã có gia đình như anh Ngô Văn Lại (người Quảng ), chị Mai Thị Trà (cháu gọi bà Mai Thị Vàng – Đức phi của vua Duy Tân, bằng cô ruột). Nhiều người đã đi dạy, đã làm thơ nổi tiếng như Tường Phong Nguyễn Đình Niên và cũng có nhiều người trẻ nhưng rất xuất sắc như Trần Quang Long, Trần Thông, Tống Diệu, Nguyễn Thiếu Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Lê Ngân, Lê Văn Phước, Nguyễn Xuân Tiếu, Nguyễn Văn Thoại... Niên khóa 1962-1963, lớp tôi còn ngồi học trên dãy lầu sau khu Morin. Từ năm thứ 2 (1963-1964) chuyển qua học ở cơ sở mới như còn lại ngày nay. Tôi vào học Đại học Sư phạm Huế với qui chế ba năm. Nhưng tôi phải học đến bốn năm. Về chuyện học để đi làm thầy giáo một cách nghiêm túc thì tôi chỉ giữ được một năm thôi (1962-1963). Từ sau năm tranh đấu chống Ngô Đình Diệm (1963) cho đến năm tôi “bỏ trường mà đi” kháng chiến (1966), tôi vừa học vừa đi tranh đấu, nên chuyện học của tôi có nhiều thiếu sót. Đó là lý do vì sao tôi bị ở lại lớp và phải học đến 4 năm và cũng chưa nhận bằng tốt nghiệp. Tuy không được là một sinh viên chăm chỉ có nhiều gắn bó với trường để có được những kỷ niệm êm đềm khó quên, nhưng những năm tháng theo học Đại học Sư phạm Huế cũng đã để lại trong tôi nhiều hiểu biết góp phần tạo nên nhân cách của tôi khi tôi bước vào tuổi trưởng thành. Vì thế, nhân Trường đầy tuổi 45 (1957-2002), tôi đầy 40 năm (1962-2002) theo học làm nghề thầy, tôi không thể không nhớ đến quãng đời mình đã mặc áo mô phạm, không thể không nhớ đến nơi mình đã được đào tạo nên người. Từ hồi còn học trung học tôi đã có thơ xuất bản thành sách. Năm học đệ nhất Quốc học (1960-1961), tôi làm trưởng ban văn nghệ của nhà trường. Năm học Dự bị Văn khoa “tự do” thoải mái. Vì thế suốt nhiều năm chuyện phục sức của tôi hơi nghệ sĩ một chút: tóc không chải, áo màu có hoa văn, nút ngực áo bỏ hở, giày thường đạp gót, ít khi cột dây, giờ rảnh ngồi quán cà-phê Cô Ba, quán cà-phê cô Dung. Đó là nếp sinh hoạt bắt chước sinh viên hiện sinh ở khu La-tanh Paris (Pháp). Sau khi đỗ vào Đại học Sư phạm, nhà trường bắt chúng tôi phải đi may đồng phục véc- tông xanh đen, quần tây màu sẫm, sơ-mi trắng, cổ tay áo măng-sét đúp, cà-vạt màu sẫm. Các cô phải mặc áo dài màu xanh nước biển, quần dài trắng. Đi học phải mặc đồng phục, tóc chải gọn gàng, vào lớp đúng giờ. Phải cột dây giày và thắt cà-vạt đúng cách. Nếu không như thế thì sẽ bị đuổi về ngay. Tôi có cảm giác như một con ngựa hoang vừa bị thuần hoá, bực bội hết sức. Nhưng được cái tốt là không sợ bị đi lính, mỗi tháng được 1.500 đồng học bổng để ăn tiêu (tiền cơm chỉ 250đồng/tháng), sau khi tốt nghiệp có nhiệm sở ngay, với lương tháng indice 470 rất hấp dẫn. Đối với xã hội, sinh viên Đại học Sư phạm rất có giá. Mặc đồng phục sư phạm ra đường được các bà mẹ có con gái đến tuổi lấy chồng rất ưu ái. Và không chỉ “đối ngoại”, mà ngay cả đối với sinh viên các khoa tự do khác (Facultés libres) trong Viện như Khoa học, Văn khoa, Luật khoa, sinh viên Đại học Sư phạm vẫn có giá nhất. Chỉ có sinh viên Y khoa mới ngang ngửa với Sư phạm mà thôi. Lúc ấy, Đại học Sư phạm đào tạo giáo viên Trung học Đệ nhị cấp. Tốt nghiệp Sư phạm là hết đường. Vì thế muốn học cao lên nữa (Cao học, Tiến sĩ) các sinh viên sư phạm phải học thêm Cử nhân bên Đại học Khoa học hay Đại học Văn khoa. Có hai loại cử nhân: Cử nhân tự do (không được học lên Cao học) và Cử nhân Giáo khoa. Bằng Cử nhân tự do gồm một Chứng chỉ dự bị và 4 Chứng chỉ (CC) khác tùy sinh viên chọn lựa. Cử nhân Giáo khoa gồm CC Dự bị và 4 CC bắt buộc. Ví dụ như ngành Việt Hán của tôi muốn có Cử nhân Giáo khoa cần phải có: CC Dự bị Văn khoa, CC Văn chương Việt Nam, CC Hán văn, CC ngôn Ngữ học VN, CC Phương pháp sử hay CC Lịch sử Triết học. Để tạo cho sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp có luôn bằng Cử nhân Giáo khoa, Viện Đại học Huế chủ trương cho Sinh viên Sư phạm học chung những môn chính với các Phân khoa Văn khoa hay Khoa học. Điểm thi được sử dụng cho hai nơi Văn khoa và Sư phạm. Tổ chức như thế vừa đỡ tốn kém kinh phí vừa thuận tiện về thời gian cho sinh viên. Vì thế đa số sinh viên Đại học Sư phạm khi ra trường cũng có luôn bằng Cử nhân. Nếu ai chưa đủ thì trong lúc đi dạy ghi danh học tiếp bổ sung những CC còn thiếu. Mỗi năm sinh viên có thể ghi danh học hai CC. Những người ở xa Huế có thể nhờ bạn bè chép bài hộ. Lớp tôi chỉ có hai nữ. Chị Mai Thị Trà đã có gia đình, chị Nguyễn Thị Tuyết là một cư sĩ Phật giáo. Xem như hai bà chị. Không có ai là “em gái” cả. May sao, nhà trường tổ chức cho tất cả sinh viên cùng khóa học chung về những môn tâm lý sư phạm, quản trị học đường. Mỗi tuần có khoảng 6 giờ học chung ở giảng đường, chúng tôi có dịp làm quen với nhiều người đẹp khác lớp. Chúng tôi học tâm lý với sư huynh Ferdinand (trường Pellerin), học quản trị học đường với thầy Nguyễn Đình Hàm (nguyên hiệu trưởng trường Quốc học Huế). Thầy Ferdinand dạy rất kỹ về cái libido của nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939). Ông giải thích về dục vọng của con người luôn luôn bị chi phối bởi sự dồn nén ẩn chứa trong tiềm thức. Sư huynh có vẻ thích thú với bài giảng của mình cho nên học với sư huynh đã bốn mươi năm mà bây giờ chúng tôi có dịp nhắc đến sư huynh là nhớ ngay đến cái “libido” của ông. Lúc tôi vào Đại học Sư phạm (1962), Đại học Huế đã được 5 tuổi. Nhưng giáo viên vẫn còn rất thiếu. Các thầy của tôi gồm có ba nguồn: Các thầy có biên chế thực thụ của trường (Sư phạm và Văn khoa) như thầy Lê Tuyên, thầy Lê Hữu Mục, thầy Trần Văn Toàn, thầy Nguyễn Phương, linh mục (LM) Nguyễn Văn Thích, thầy Lê Khắc Phò, thầy Đỗ Long Vân, thầy Đoàn Khoách... Nguồn thỉnh giảng từ Sài Gòn ra như giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch (Văn chương VN), LM Lê Văn Lý (Ngữ học VN), LM Lê Tôn Nghiêm (Triết học Tây phương), LM Nguyễn Hoà Nhã (Địa lý), Thượng tọa Thích Mãn Giác (Văn học thời Lý Trần), Thượng tọa Thích Thiên Ân (Triết học Zen). Nguồn học giả: Viện Đại học Huế mời những người tuy không có bằng cấp cử nhân tiến sĩ nhưng là những nhà nghiên cứu, có kiến thức chuyên môn sâu, có công trình nghiên cứu đã được xã hội công nhận, vào dạy giờ như thầy Trương Văn Chình (Ngữ học VN), thầy Vương Hồng Sển (Văn minh Việt Nam), Lê Hữu Khải (Kịch nghệ), thầy Nguyễn Đình Hàm (Quản trị học đường)... Các thầy không xuất thân khoa bảng nầy được nhìn nhận là học giả. Đặc biệt, nhà trường đã mời được những nhà khoa bảng cuối cùng của triều Nguyễn dạy Hán văn. Bốn năm học Đại học Sư phạm Huế tôi đã được học Hán văn với thầy Nguyễn Huy Nhu (Nghệ An, Tiến sĩ năm 1916), thầy Hà Ngại (Quảng Nam, Cử nhân năm 1912), thầy Phạm Lương Hàn (con trai út của cụ Hoàng giáp (1875) Phạm Như Xương ở Quảng ). Chữ nghĩa các thầy dạy cho chúng tôi 4 giờ/tuần không bao nhiêu, đôi khi học sau quên trước, nhưng cái mà các thầy không dạy mà có ích cho cả cuộc đời chúng tôi là nhân cách của các thầy. Sau nầy được đọc tập hồi ký Khúc Tiêu Đồng của thầy Hà Ngại tôi càng thấm thía nhân cách của các thầy sâu hơn nữa. Kỷ luật của nhà trường rất nghiêm, chúng tôi rất sợ các thầy. Nhưng các thầy cũng không dám xem thường sinh viên. Sinh viên đánh giá các thầy “đáo để” lắm. Sinh viên biết rõ khả năng của các thầy. Các thầy cùng mang bằng Tiến sĩ nhưng Tiến sĩ ở Đại học Sorbonne có giá trị khác xa với Tiến sĩ ở Đại học
Louvain
. Cùng Tiến sĩ Sorbonne, nhưng Tiến sĩ Quốc gia (Docteur d’ État) là thầy của Tiến sĩ Đại học (Docteur d’université). Nhà trường qui định các thầy ghi bằng cấp của mình phải kèm theo trường mà các thầy đã tốt nghiệp. Các thầy không thể lấy bằng cấp lòe sinh viên. Để được công nhận, các thầy phải dạy giỏi thực sự, hằng năm phải công bố những công trình nghiên cứu mới trên tạp chí Đại học và các sách xuất bản. Thầy Lê Tuyên mới chỉ có bằng Cử nhân văn chương (Đại học Sorbonne) nhưng rất uyên bác. Các sách giảng văn của thầy về Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, Đoạn Tuyệt, Nửa Chừng Xuân... rất mới mẻ, giúp cho đầu óc của sinh viên phá vỡ hết các lối giảng văn mòn cũ trước đó. Nhiều học trò của thầy Lê Tuyên về sau trở thành các nhà văn nhà thơ nhà nghiên cứu nổi tiếng như Nguyễn Xuân Thu (hiện nay ở Úc), Trần Quang Long (đã hy sinh), Nguyễn Mộng Giác (ở Mỹ), Nguyễn Đình Niên (hưu trí ở Huế), Hà Nguyên Thạch (Vũng Tàu)... Ngoài giờ nghe giảng ở trường, thỉnh thoảng chúng tôi được đưa lên chùa Từ Đàm nghe Thượng tọa Thích Trí Quang giảng văn học đời Lý Trần. Ý nghĩa văn học đời Lý Trần do thầy Lê Hữu Mục giảng và Thượng tọa Thích Trí Quang giảng rất khác nhau. Không uyên thâm đạo Phật thì không thể giảng đúng được văn học Lý Trần. Tự nhiên đám sinh viên đã từng mê triết học hiện sinh (qua thầy Lê Tuyên) bỗng rất có cảm tình với Phật giáo. Đầu năm 1963, đoàn sinh viên Phật tử Huế ra đời (để đối trọng với đoàn sinh viên Công giáo đã ra đời mấy năm trước đó), nhiều sinh viên Đại học Sư phạm đã tham gia. Bởi thế nhiều người không am hiểu tình hình lúc ấy không giải thích được vì sao sinh viên Đại học Sư phạm được chế độ ưu đãi như thế mà lại có mặt trong các cuộc xuống đường đầu tiên chống chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963 như thế. Trong cuộc bãi khóa của toàn thể sinh viên Đại học Huế ngày 17.8.1963, nhiều sinh viên Đại học Sư phạm Huế cầm cờ đi đầu, trong đó có Võ Văn Thơ (Toán), Nguyễn Văn Thọ (Toán), Nguyễn Đắc Xuân (Việt Hán). Trong kế hoạch “nước lũ” của Ngô Đình Nhu thực hiện ngày 21.8.1963, tôi và người bạn học cùng lớp Trần Quang Long bị bắt giam; mãi cho đến ngày chế độ Ngô Đình Diệm cáo chung (1.11.1963), chúng tôi mới được thả ra. Năm 1964, Trần Quang Long tham gia phong trào chống xa hoa phóng đãng, làm bài thơ “Hồi kết cuộc”, anh lại bị bắt, bị đưa ra toà. Sau khi mãn tù, anh trở về trường học tiếp. Đến năm 1965, anh tốt nghiệp và được bổ vào dạy ở Qui Nhơn. Năm 1966, anh phát động học sinh đấu tranh ở Qui Nhơn để phối hợp với sinh viên Huế. Trong một cuộc xuống đường, anh bị bắn gãy chân. Anh vào Sài Gòn điều trị và ở luôn trong đó. Anh hoạt động văn nghệ đấu tranh yêu nước, viết tập thơ nổi tiếng Thưa mẹ trái tim. Năm 1968 Trần Quang Long thoát ly rồi hy sinh trong chiến khu Tây Ninh. Như đã nói trên, mùa hè năm 1964 chúng tôi dọn cơ sở Đại học Sư phạm từ Morin sang cơ sở mới xây dựng trên nền cũ Toà Khâm sứ Pháp. Cơ sở mới nầy do Đại học
Ohio
của Hoa Kỳ tài trợ. Nghe đâu trong kế hoạch hợp tác giữa Ohio và Huế, LM Cao Văn Luận đã hứa sau khi xây dựng Đại học Sư phạm xong thì Huế sẽ áp dụng chương trình đào tạo giáo sinh theo kiểu Mỹ. Đến lúc nầy phái bộ Hoa Kỳ do ông Bradshaw đứng đầu đòi thực hiện lời hứa ấy. Trong một cuộc trao đổi, phái bộ Bradshaw tỏ ra hách dịch vô lễ với các thầy có trách nhiệm ở Đại học Sư phạm, sinh viên chúng tôi kéo đến văn phòng phản đối Bradshaw. Phái bộ Bradshaw sợ sinh viên làm rầy rà nên đã đi ngã sau dông thẳng. Kế hoạch Mỹ hóa Đại học Sư phạm Huế năm ấy chỉ còn là một kỷ niệm không vui. Bắt đầu từ ngày 9.5.1965 cho đến nhiều tháng năm sau đó, thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Huế. Hằng ngày tàu há mồm của Mỹ cặp bến phà Toà Khâm, nhả ra hàng đàn xe tăng, thiết giáp, xe tải GMC. Súng, bom, đạn, quân nhu của Mỹ chất thành núi trên bờ sông trước Đại học Sư phạm. Hàng đàn lính Mỹ lăm lăm tay súng hăm hở đổ bộ lên bến phà như thử sắp nổ súng đến nơi. Đoạn đường Lê Lợi – Duy Tân trước và bên hông trường bụi đất mù mịt. Cửa gương lớp tôi đỏ quạch. Trong lớp các thầy giảng bài tôi nghe không còn thích thú nữa mà chỉ ngồi làm thơ diễn tả sự bất lực của mình trước cuộc chiến mà thôi. Giờ chơi chúng tôi thường ra phía trước trông Mỹ đổ bộ mà lòng quặn đau. Tôi không hiểu khi người Mỹ sử dụng hết những số bom đạn ấy ruộng đồng rừng núi Việt sẽ nát tan đến đâu! Hiểu được ý tôi, có một lần cô Vân Linh (ban Triết) đứng cạnh hỏi tôi: “Bọn lính Mỹ đổ bộ vào đây không biết chúng có biết đất nầy là đất của Yết Kiêu không?”. Tự nhiên ý thức dân tộc bắt đầu dậy lên trong tôi, tôi muốn làm một Yết Kiêu. Trong các cuộc tranh đấu sau đó chúng tôi lấy tên các tờ báo là Dân Tộc, Sứ Mệnh. Mùa hè năm 1965 tôi bận tranh đấu không thi ra trường được. Niên khóa 1965-1966, trường cho phép tôi khỏi phải đến lớp, dành thì giờ làm một luận văn để tốt nghiệp. Tôi chọn đề tài về dân tộc – Khảo luận về Hát Bội. Luận văn nầy được thầy Lê Hữu Khải cho 10 điểm. Nếu không xảy ra cuộc tranh đấu năm 1966, thì tôi đã tốt nghiệp và đã trở thành thầy giáo rồi. Cũng trong thời gian ấy tôi cộng tác với Tiến sĩ Lê Văn Hảo từ Pháp mới về, bắt chước tạp chí Étude Vietnamienne ngoài miền Bắc, cho ra tờ Nghiên Cứu Việt Nam. Từ cuối năm 1965, tinh thần dân tộc dâng lên rất cao. Phong trào đấu tranh ở Huế chuyển mục tiêu chống độc tài quân phiệt sang chống Mỹ. Biện pháp đấu tranh không còn giữ trong phạm vi bất bạo động nữa mà phải chuẩn bị vũ trang. Tôi đang làm đại diện sinh viên Đại học Sư phạm thì được sinh viên Huế “bầu” làm Đoàn trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử Huế. Nhiều sinh viên Đại học Đại học Sư phạm tham gia đoàn thể quần chúng vũ trang nầy như Lê Nhựt Thăng (Pháp văn), Nguyễn Đức Thuận (Anh văn), Trần Hoài (Việt Hán), Phan Văn Hoàn (Pháp văn)..... Đoàn Sinh viên Quyết tử ra đời đã dấy lên một phong trào vũ trang bắt đầu từ các trường học lan ra khắp các đoàn thể quần chúng xã hội. Sau khi phong trào tranh đấu bị đàn áp dữ dội, tôi thấy không thể đầu hàng chính quyền tay sai Mỹ để về trường lãnh bằng tốt nghiệp, bèn nhận lời mời của một cơ sở cách mạng, tôi ra vùng giải phóng. Tôi trở thành người sinh viên Đại học Sư phạm Huế đầu tiên đi thoát ly. Tôi bỏ hết những gì đã có được ở thành phố, ra đi làm lại cuộc đời giống như xoá một bàn cờ sắp thắng để bày một ván cờ mới. Tôi bỏ hết những bằng cấp với tuổi khai trụt để được đi học (20.7.1943) trước đây, lấy lại ngày tháng năm sinh chính của mình (15.7.1937). Với ngày tháng năm sinh thực thụ, tôi không có một bằng cấp nào cả. Nhưng vì nó thực nên nó đã đi với tôi cho đến cuối cuộc đời. Những đồng đội của tôi không thoát ly được vào mùa hè 1966, ở lại hoạt động bí mật cho Mặt trận Giải phóng rồi đến năm 1968 cũng ra đi. Đợt thoát ly vào mùa xuân 1968 có khá đông sinh viên Đại học Sư phạm, trong đó có nhiều người là bạn thân của tôi như Lê Phước Thúy (Toán), Trần Bá Chữ (Toán), Đặng Văn Sở (Anh văn), Nguyễn Đức Thuận (Anh văn)... Riêng Nguyễn Đức Thuận, trên đường ra chiến khu anh bị máy bay trinh sát của Mỹ phát hiện và anh bị pháo kích hy sinh cùng nhiều đồng đội khác. Khi biết tin tôi đã thoát ly, nhiều thầy giáo và bạn bè của tôi không ngạc nhiên. Họ biết tôi đã dấn thân vào cuộc đấu tranh cho dân tộc thì lúc bấy giờ không có con đường nào khác là con đường đi theo Mặt trận Giải phóng. Tuy nhiên cũng có vị tiếc cho chuyện học hành của tôi. Thậm chí còn có người lên đài phát thanh gọi tôi về lãnh bằng tốt nghiệp để đi dạy học. Từ một nơi bí mật ở chiến khu, nghe tiếng thầy gọi, tôi rất xúc động. Tôi đã thầm đáp lại lời kêu gọi của thầy mình là: “Con ra đi là thực hiện cái nhân cách mà các thầy đã un đúc cho con. Con đi đến cùng con đường mà Dũng trong Đoạn Tuyệt chỉ mới đặt chân đến. Con sẽ học lại khi đất nước được hòa bình độc lập.” Sau chín năm (1966-1975) kháng chiến trở về Huế, trong hoàn cảnh mới, tôi không còn cơ hội để làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp để đi làm thầy giáo nữa. Nhưng tôi vẫn không ngừng tự học (học trong sách và học thực tế cuộc đời) với sự năng nổ của một sinh viên chưa tốt nghiệp đại học. Ngày nay, với tuổi 65 (1937-2002), với 36 (1966-2002) năm không còn ngồi trên ghế nhà trường, với nhiều cái thẻ nhà nầy nhà nọ trong túi xắc, tôi vẫn còn học và chưa bao giờ có ý nghĩ mình sẽ tốt nghiệp cả. Xin chắp tay trước hương hồn các thầy đã khuất, xin cúi đầu trước các thầy còn tại thế ở gần ở xa, xin các thầy đại xá cho con được chuộc lại sự sao nhãng trong quá khứ bằng sự chăm chỉ hôm nay. Gác Thọ Lộc, tháng 2.2002 N.Đ.X (nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002) |