Tạp chí Sông Hương - Số 158 (tháng 4)
Huế luôn luôn là viên ngọc quý giá của cả nước
15:57 | 18/08/2008
TÔN ĐẠIThành phố Huế với tư cách là một di sản và là một quĩ kiến trúc đô thị có vị trí đặc biệt trong hệ thống các đô thị ở nước ta. Cảnh quan kiến trúc các đường phố, các khu phố, các cấu trúc cư dân truyền thống cùng với hệ thống quần thể di tích cố đô Huế đã góp phần tạo nên diện mạo độc đáo, vẻ đẹp của chốn đô thị- tuyệt tác thi ca này.
Huế luôn luôn là viên ngọc quý giá của cả nước

Làm thế nào để khẳng định, để phát huy, phát triển và hiện đại hoá, mà không đánh mất những giá trị tạo nên tính đặc trưng, bản sắc của kiến trúc đô thị Huế?
Nhằm đóng góp cho việc thực thi ý tưởng cao cả này và đồng thời đóng góp cho việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra trước công cuộc phát triển Huế, đầu tháng Ba năm 2002, Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 3 khoá VI của Hội kiến trúc sư Việt Nam đã phối hợp với Hội kiến trúc sư tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức hội thảo: “Tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị đặc trưng cho thành phố Huế”.
Sông Hương trân trọng giới thiệu với bạn đọc một “tiếng nói” đề nghị về tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị cho Huế.



Cải tạo và phát triển thành phố Huế là một bài toán khó. Làm một thành phố mới, thậm chí cả một thủ đô mới Chamidigarh hay Brasilia , mặc dù khối lượng công việc cực lớn, thiết tưởng cũng không khó bằng vì ta chủ động trên một miếng đất còn trống nguyên. Trong những thành phố khác, việc cải tạo và phát triển cũng đã khó vì phải giải quyết vấn đề trên một hiện trạng thường là tự phát, manh mún không có quy hoạch, không có thiết kế với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Ở Huế ta gặp trường hợp phức tạp hơn vì ở đây đã có sẵn một di sản kiến trúc lớn, nổi tiếng và là di sản vân hoá thế giới. Mọi hành động cải tạo và phát triển thành phố phải tôn trọng di sản này, không được làm ảnh hưởng xấu mà còn phải tăng giá trị di sản lên.
Muốn vậy ta phải tìm ra tính chất chủ yếu bao trùm lên tất cả của thành phố Huế là gì- Đó là “chất thơ”. Tính chất này được tạo nên qua thời gian nhiều thế kỷ và được củng cố đến tận ngày nay. Chất thơ được thể hiện bởi thiên nhiên và bởi con người.
Một miếng đất không rộng nhưng phong cảnh thiên nhiên rất trữ tình, núi non hiền hoà, thảm thực vật phong phú và nhất là con sông Hương, một con sông tuyệt đẹp có thể nói là trục xương sống tạo nên cái đẹp chủ yếu của Huế. Với thiên nhiên đẹp như vậy, bàn tay con người cũng đã góp phần tạo nên một đô thị với kiến trúc đẹp từ thành quách, lâu đài, lăng tẩm đến kiến trúc dân gian đặc sắc như nhà vườn, với kiểu nhà bánh ú, với loại vì kèo giả thủ, với kiểu nhà kép “trùng thiềm điệp ốc” độc đáo v.v…
Năm 1981, ông Amadou Mahtar M’Bow, tổng giám đốc UNESCO đến Huế nghiên cứu di sản văn hoá cố đô Huế đã phát biểu: “Có sông Hương vỗ về du dương, bao bọc bởi những đồi cây xanh tốt, trang trí thêm những vườn tược xum xuê, có những dòng kênh bao quanh như chạm khắc thêu ren, thành phố Huế là một kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị”. Tính chất “thơ” ấy người ngoại quốc cũng đã nhận rõ và đánh giá cao. Một điều đặc biệt kỳ lạ là ở Huế có sự tổng hợp nghệ thuật kiến trúc Âu- Á. Đặc điểm và phương hướng bố trí kinh thành Huế đã được các kiến trúc sư và các thầy địa lý Việt Nam lựa chọn và xếp đặt theo thuyết phong thuỷ, theo nguyên tắc âm dương ngũ hành của Dịch học: lấy núi Ngự Bình làm tiền án, tả Thanh Long hữu Bạch Hổ là Cồn Hến và Cồn Dã Viên, những con số của “hà đồ” và “lạc thư” được áp dụng rất nhiều trong bố cục và chi tiết kiến trúc. Về mặt quân sự thì kinh thành Huế lại được xây dựng theo kiểu thành Vauban, một kiểu thành phòng ngự rất tốt của kiến trúc sư, đại tướng người Pháp tên là Vauban. Hai dòng kiến trúc Á- Âu này được vận dụng rất khéo léo và hài hoà với nhau làm tăng thêm giá trị kiến trúc của Huế. Hơn nữa, theo những nghiên cứu của cố hoạ sĩ Phạm Đăng Trí thì từ tổng thể đến chi tiết kiến trúc của Ngọ Môn đều đã được thiết lập theo “tiết diện vàng”, “con số hoàng kim” và “tỉ lệ thần thánh”, những con số thể hiện tiêu chuẩn thẩm mỹ của phương Tây từ thời Hy Lạp cổ đại xa xưa, được tổng kết và phát huy mạnh mẽ vào thời kỳ văn hoá Phục Hưng ở Italia và châu Au nói chung. Phải chăng những tư tưởng nghệ thuật phương Đông và phương Tây đã được vận dụng một cách tài tình, nhuần nhuyễn để tạo nên một hiện tượng kiến trúc cộng sinh đẹp mắt có giá trị cao. Quần thể kiến trúc thành quách và cung điện triều đình nhà Nguyễn ở Huế không những hài hoà với nhau mà còn hài hoà với thiên nhiên xung quanh một cách hữu cơ khiến ông Amadou Mahtar M’Bow nguyên tổng giám đốc UNESCO phải thốt lên: “Giữa lòng Huế, đô thị lịch sử ấy là một mẫu mực về cấu trúc cân đối mà sự hài hoà tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã tạo nên nó”.
Có những kinh nghiệm của thế giới giúp ta nhìn vấn đề một cách thấu đáo hơn. Người Anh đã xây dựng New Dehli, cái thành phố cổ Dehli ở gần đấy vẫn hấp dẫn người An Độ đến nhất là những ngày nghỉ. Họ tìm thấy ở đây cái tình cảm dân tộc thân thiết gần gũi. Một số thành phố ở các nước châu Au bị tàn phá trong Đại chiến thứ hai. Sau chiến tranh người ta đã xây dựng lại những thành phố y như trước nhằm giữ lại cái hồn di sản kiến trúc này như kinh nghiệm ở Tiệp Khắc, Ba Lan, v.v…  Những dãy phố cổ này vẫn tiếp tục đóng góp vào thành phố hiện đại như sự hiện diện của quá khứ, như sự tiếp nối không bị gián đoạn của quá trình phát triển thành phố, như di sản quý giá của ông cha trong thành phố mới trẻ trung.
Mối quan hệ giữa những công trình kiến trúc cổ và thành phố hiện đại là mối quan tâm lớn của kiến trúc sư, nhất là trong trường hợp ở Huế. Chúng ta nên chú ý đến nhận xét của ông Amadou Mahtar M’Bow phát biểu năm 1981: “Huế đang tổng hợp đựoc những cổ xưa và hiện đại, qua đó cố đô cổ kính chung sống hài hoà với thành phố trẻ mới ngày nay”. Như vậy là đến lúc đó (năm 1981) cái cũ và cái mới đang chung sống hài hoà được với nhau. Thử nhìn lại cách đây 20 năm, lúc đó việc xây dựng còn rất chậm chạp và bé nhỏ, cái mới chưa tạo được ấn tượng gì mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến di sản kiến trúc cổ. Nhưng nay với đà phát triển nhanh của nền kinh tế nước nhà, ngành kiến trúc- xây dựng đang và sẽ phát triển mạnh, mối quan tâm trên đáng được xem xét kỹ.
Một khi ta đã thống nhất “chất thơ” là tính chất chủ yếu bao trùm nhất của thành phố Huế, nó làm cho Huế khác với các thành phố khác, và người ta đến Huế để được đắm chìm trong cái chất thơ ấy, thì chúng ta nhất thiết phải gìn giữ và bồi đắp cho chất thơ ấy sống mãi với Huế.
Chất thơ ấy nằm ở cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan những công trình kiến trúc do con người làm ra từ nhiều thế kỷ, nằm ở các sáng tạo văn học nghệ thuật độc đáo của Huế và nằm trong chính những con người Huế. Việc gìn giữ những di sản phi vật chất của Huế cũng nhằm gìn giữ và bảo vệ tính chất thơ của thành phố này. Về phương diện kiến trúc thì phần khôi phục, trùng tu, bảo quản di tích thiên nhiên là quan trọng nhằm khai thác du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng nhất của địa phương. Việc cải tạo thành phố cũ và phát triển thành phố Huế trong thời gian tới cần đảm bảo một số nguyên tắc giữ cho Huế phát triển bền vững tiến lên thành phố hiện đại song song với việc giữ gìn di sản kiến trúc quý giá. Những nguyên tắc này có thể diễn đạt dưới dạng những điều cần làm và những điều không cần làm.
* NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM:
- Cần làm đẹp cho sông Hương hơn nữa. Sông Hương là linh hồn của tính chất thơ mộng của thành phố Huế. Cần giữ cho sông Hương luôn sạch và trong trẻo, không ô nhiễm bởi sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, bởi rác thải dọc theo sông Hương, các công trình trên bờ cần được cải tạo để hình thành một số nét nhẹ nhàng hấp dẫn với những điểm nhấn là những công trình kiến trúc cổ hoặc mới. Hệ thống thuyền du lịch, thuyền bán hàng dịch vụ và các bến thuyền cần được tổ chức ngăn nắp và có hình thức dân tộc.
- Cần triệt để áp dụng biện pháp “hài hoà” tổng thể trong kiến trúc, mặc dầu “tương phản” cũng đã từng có những thành công không nhỏ. Tuy nhiên những thành công đó hiếm hoi trong trường hợp tương tự như ở Huế với một hệ thống di sản văn hoá cổ gần như toàn vẹn. Có hai thí dụ khiến chúng ta suy nghĩ về biện pháp “tương phản”: Theo tôi Cung Đại hội hiện đại của Điện Kremlin do kiến trúc sư Paxôkhin thiết kế là không thành công, nó to lớn đồ sộ và lạc lõng cạnh những bức tường và tháp canh cổ kính của Điện Kremlin. Thí dụ thứ hai là kim tự tháp bằng kính trong suốt của kiến trúc sư Ieoh Ming Pei nằm trên sân Napoléon của bảo tàng Louvre ở Paris . Giải pháp “tương phản” ở đây có thể gọi là thành công (mặc dầu còn rất nhiều ý kiến không tán thành). Nếu quả là thành công thì cũng dễ hiểu vì kim tự tháp này có tỉ lệ nhỏ so với những lâu đài đồ sộ của Cung điện Louvre vây quanh nó, kim tự tháp chỉ như một viên kim cương sáng long lanh và trong trẻo làm cho không gian cổ kính của bảo tàng sống động lên. Đạt được hiệu quả như vậy rất hiếm hoi, nhưng với biện pháp hài hoà tổng thể ta có thể góp phần làm tăng tính chất thơ của cảnh quan thành phố lên. Đành rằng một thành phố phát triển lên hiện đại hẳn sẽ có nhiều công trình hiện đại, thậm chí hậu hiện đại được xây dựng, nhưng ngay cả những công trình hiện đại cũng có khía cạnh nên thơ của nó, ta khai thác cái đó để cho thành phố của ta vẫn hiện đại mà vẫn đầy chất thơ. Ngôi nhà Crown Hall trong trường Đại học Công nghệ Massachusett và ngôi nhà nhỏ Farnsworth của Mies Van Der Rohe là những công trình rất thanh nhã đầy chất thơ mặc dầu là những hình hộp chữ nhật hết sức đơn giản bằng kính và thép. Quần thể những công trình của OSCAR NIEMEYER ở thủ đô Brasilia đã được ca ngợi là một bài thơ của hình học v.v… Biện pháp hài hoà tổng thể rất có hiệu quả đối với những kiến trúc của hệ thống dịch vụ nằm gần các di tích văn hoá được xếp hạng.
- Cần khai thác và phát triển các yếu tố mang đậm bản sắc địa phương như cách tổ chức không gian nhà vườn, các kiểu nhà “trùng thiềm điệp ốc” và triệt để dùng các biện pháp của kiến trúc phong cảnh của cây xanh hoa cỏ để làm tăng tính chất thơ mộng, tính chất địa phương lên.
* NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM:
- Không nên xây dựng những công trình kiến trúc mang tính chất xâm kích. Chúng ta dễ dàng phá vỡ sự hài hoà, sự yên tĩnh, sự êm dịu của không gian thành phố, làm tan biến chất thơ của tổng thể cảnh quan chung. Những yếu tố xâm kích đó rất nhiều tựu trung có mấy dạng sau:
            + Công trình cao, to quá: sự đồ sộ và hoành tráng quá mức sẽ không phức hợp với không gian của thành phố Huế, thường là xinh xắn, qui mô vừa phải thì hài hoà hơn.
            + Màu sắc rực rỡ chói chang hoặc đen tối ảm đạm.
            + Tính chất lai căng lố bịch.
- Những hoạt động có tính chất thường xuyên ồn ào, sôi động nên tổ chức xa những di tích. Nhưng những Festival nghiêm chỉnh một vài năm mới tổ chức thì được phép sử dụng những không gian yên tĩnh, thậm chí thiêng liêng để tạo thành những lễ hội nâng cao giá trị văn hoá của khu vực di tích lên.
Một vài ý nghĩ thô thiển mong góp phần nhỏ bé vào việc tạo lập nên diện mạo kiến trúc đô thị đặc trưng của thành phố Huế.
Cảm ơn thiên nhiên đã ban phát cho Huế một cảnh quan tuyệt vời với dòng Hương Giang duyên dáng thơ mộng; cảm ơn ông cha ta đã tạo dựng nên biết bao công trình kiến trúc tráng lệ, đã để lại cho chúng ta những di sản văn hoá- nghệ thuật đậm đà màu sắc Huế. Không trộn lẫn với bất kỳ một địa phương nào. Chúng ta tự hào có viên ngọc quý giá là thành phố Huế. Lịch sử và nhân dân cả nước giao cho chúng ta phải giữ gìn viên ngọc này làm cho nó toả hào quang sáng long lanh. Đến Huế ta được hưởng một bài thơ của thiên nhiên, của những công trình, của những bàn tay con người, xa Huế ta luôn nhớ đến những chất thơ của Huế mà không nơi nào có được.
Huế- 6/3/2002
T.Đ

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng