Tạp chí Sông Hương - Số 158 (tháng 4)
Hình dung đề tài tiểu thuyết là gì?
16:27 | 18/08/2008
NGUYỄN DƯƠNG CÔNMỗi loại hình nghệ thuật ngôn từ đều có phong cách riêng trong cư xử với đối tượng mà nó phản ánh. Chính vì thế, đề tài tiểu thuyết trong khi mang những tính chất chung có của mọi thể loại văn học, nó đồng thời mang những tính chất riêng chỉ có của thể loại tiểu thuyết.

Đặc thù tiểu thuyết tất yếu phải tiểu thuyết hoá đối tượng mà nó phản ánh để có được cái mà chúng ta gọi là đề tài tiểu thuyết. Muốn hình dung đúng đắn: đề tài tiểu thuyết là gì trước hết phải yên tâm gác lại những hình thái, tính chất chung có của đề tài các thể loại văn học, phải dứt khoát chia tay quan niệm đề tài là nguyên mẫu tổng thể đối tượng phản ánh, và nữa, quan trọng hơn, phải dứt khoát chia tay với quan niệm: cùng chung một nguyên mẫu tổng thể đối tượng phản ánh nào đó thì các thể loại văn học cùng có một đề tài hoặc có đề tài hoàn toàn như nhau.
Người ta chỉ có thể tìm kiếm hình dung đề tài một cuốn tiểu thuyết ở ngay trong cuốn tiểu thuyết đó. Sự thật này nói lên điều gì vậy? Nó nói rằng: Tác phẩm tiểu thuyết hoàn toàn là một sản phẩm sáng tạo, nên đề tài tác phẩm cũng hoàn toàn là một sản phẩm sáng tạo, không phải là thứ có sẵn tìm thấy và đem lắp đặt vào cơ cấu tác phẩm tiểu thuyết. Sự thật chỉ có thể tìm ra đề tài trong tác phẩm còn mách bảo rằng: đề tài tiểu thuyết là một trạng thái cấu trúc tổng thể của tác phẩm tiểu thuyết. Trạng thái cấu trúc tổng thể đó cho ta cảm nhận nó mô phỏng tổng thể nào đó cấu trúc của hiện thực cuộc sống hay của một hiện thực tưởng tượng giống như một hiện thực cuộc sống. Như vậy, cái gì đó là nguyên mẫu của hiện thực cuộc sống làm đối tượng phản ánh chưa phải là đề tài tiểu thuyết. Chính cái-gì-đo-ấy-đã-được-miêu-tả-như-thế- nào trong mối quan hệ ám ảnh so sánh trở lại với cái- gì-đó-ấy mới là đề tài tiểu thuyết. Thật ra thì tổng thể cấu trúc mô phỏng một hiện thực cuộc sống mới đủ bao gồm tính chất hiện thực của tác phẩm tiểu thuyết. Nhưng tiểu thuyết không chỉ mô phỏng hiện thực cuộc sống mà còn có thể mô phỏng một thế giới tưởng tượng phi hiện thực triệt để (thế giới của những giấc mơ, thế giới của những cuộc phiêu lưu trong tâm hồn...) hoàn toàn không thể có, không thể tìm nổi bằng chứng, dấu vết trong hiện thực. Nhưng tiểu thuyết có “tật xấu” coi thế giới phi hiện thực triệt để như là có thật và “lừa phỉnh” người ta là có thật. Tiểu thuyết hư cấu ra thế giới phi hiện thực triệt để đó để làm đối tượng mô phỏng. Thế giới đó được mô phỏng như thế nào trong mối quan hệ ám ảnh so sánh trở lại với thế giới đối tượng đó cũng trở thành một bộ phận đặc biệt hoặc là một kiểu loại đề tài tiểu thuyết mà chúng ta gọi là đề tài tiểu thuyết lãng mạn hay đề tài huyền thoại của tiểu thuyết. Hình dung đề tài tiểu thuyết là một trong những trạng thái cấu trúc tổng thể tác phẩm tiểu thuyết, chúng ta có cơ hội tiếp theo “đi tìm kiếm” hình dung tính chất của trạng thái đó của đề tài đó. Tính chất của cái gì đó chẳng qua là chân lý nội tại của cái đó. Tính chất hay gọi là chân lý của đề tài tiểu thuyết là chân lý cuộc sống đã phản ánh như thế nào trong tiểu thuyết. Trong mối tương quan ám ảnh so sánh trở lại với đối tượng phản ánh, chân lý của đề tài được khúc xạ tương đối nguyên thức hoặc được quy định trực tiếp từ chân lý cuộc sống. Mọi chân lý cuộc sống nhập vào tác phẩm tiểu thuyết đều thuộc về đề tài tiểu thuyết. Chỉ có chân lý nhằm sử dụng, làm rõ hoặc làm lu mờ chân lý cuộc sống mới là chân lý thuộc về chủ đề tiểu thuyết. Ví dụ: đàn ông làm chồng, đàn bà làm vợ là chân lý khúc xạ vào tiểu thuyết, là chân lý cuộc sống, còn chân lý làm hiển hiện chân lý ông chồng- bà vợ ấy trong tiểu thuyết như thế nào, để làm gì, ta gọi là chân lý nghệ thuật. Chân lý nghệ thuật tiểu thuyết là chân lý chủ đề tiểu thuyết. Bởi thế, chân lý nghệ thuật cao hơn chân lý cuộc sống. Đề tài tiểu thuyết là bằng chứng duy nhất của tính chất hiện thực của tiểu thuyết. Chủ đề tiểu thuyết là “kẻ” dung chứa chân lý nghệ thuật, nó thao túng chân lý cuộc sống theo tham vọng và mục tiêu ích kỷ của nó, nó không đủ “tư cách pháp nhân” làm bằng chứng cho tính hiện thực của tiểu thuyết. Đề tài là kẻ Như- thế còn chủ đề là kẻ Muốn- thế của tiểu thuyết. Tính cách tiểu thuyết, cố nhiên là trạng thái cấu thành nhờ hai yếu tố cơ bản nhất là đề tài và chủ đề tiểu thuyết. Cốt truyện tiểu thuyết thì vừa phải là cốt truyện của đề tài vừa phải là cốt truyện của chủ đề tiểu thuyết. Tính cách nhân vật tiểu thuyết là sự hiện ra cụ thể của tính cách tiểu thuyết, và nó thuộc về lĩnh vực của đề tài tiểu thuyết, chiếm lĩnh vị trí trọng yếu nhất trong đề tài đó. Chính bởi thế, tính cách nhân vật tiểu thuyết là bằng chứng cao nhất của bằng chứng duy nhất về tính hiện thực của tiểu thuyết.
Cái cốt lõi đặc thù của tiểu thuyết là cái-tôi-tưởng tượng-được-gọi-là-nhân-vật. “Được gọi” ở đây có nghĩa là “được hiện ra”. Cái tôi tưởng tượng của tiểu thuyết chỉ là hình tượng mô phỏng con người bản thể trong con người nhân thế. Như vậy, cốt lõi đặc thù của đề tài tiểu thuyết là hình tượng cái tôi bản thể. Cái tôi bản thể, trong tư cách đó luôn có khả năng ám ảnh so sánh trở lại với cái tôi bản thể của hiện thực cuộc sống được phát hiện và phản ánh. Vấn đề là ở chỗ liệu có trạng thái mất tư cách ám ảnh đó hay không? Có. Hoàn toàn có. Cái tôi đó trong tư cách nó chỉ là vật liệu, và nữa, nó chỉ giữ vai trò làm cấu trúc tổng thể chủ đề tiểu thuyết, nghĩa là chỉ trong cảm nhận nó với ý đồ nhà tiểu thuyết, chỉ trong cảm nhận nó thuộc về kết cấu thuần tuý tác phẩm làm người ta lãng quên hoặc bất cần mối liên hệ ám ảnh so sánh trở lại với đối tượng phản ánh. Cái tôi tưởng tượng đề tài tiểu thuyết và cái tôi tưởng tượng chủ đề vừa dung chứa chân lý cuộc sống vừa dung chứa chân lý nghệ thuật của tiểu thuyết.
Sự đời có chuyện: Cái tôi bản thể không thoát khỏi được cái tôi nhân thế. Khốn thay, chỉ có cái tôi nhân thế mới là chủ thể toàn vẹn làm nên lịch sử con người, còn cái tôi bản thể chỉ làm nổi lịch sử của chính nó trong lịch sử con người mà thôi. Hành vi của cái tôi bản thể mà người ta gọi là “cuộc sống cụ thể của con người” chẳng thể thực hiện ở đâu khác ngoài không gian của con người nhân thế, tức là chẳng thể thực thực hiện ở đâu khác ngoài không gian của con người nhân thế, tức là chẳng thể hiện ở đâu khác ngoài lịch sử con người. Vì thế, tiểu thuyết dẫu chăm chú theo dõi “cuộc sống cụ thể của con người”, theo dõi lịch sử vận động của cái tôi bản thể, nó vẫn phải kèm theo công cuộc theo dõi lịch sử nhân thế. Ở cái chỗ theo dõi kèm theo tất yếu cần thiết ấy, khiến tiểu thuyết cũng có những tính chất chung của các thể loại văn học, tuy tính chất đó có là thứ yếu trong tổng thể tính chất văn học của tiểu thuyết. Vấn đề đáng quan tâm là ở chỗ: phải đeo đuổi kèm theo nhu cầu và sứ mạng mô phỏng lịch sử nhân thế, trên thực tế đã khó tránh hết sự lầm lẫn đánh đồng làm một giữa đề tài tiểu thuyết với đề tài các thể loại văn học khác. Sự thật thì căn nguyên của sự lầm lẫn đánh đồng đó là niềm yêu mê mải luôn kèm theo nỗi ghét tỉnh táo của con người đối với tiểu thuyết. Tình trạng có căn nguyên đó giống như tình trạng có căn nguyên bản thân chúng ta, mỗi người đều vừa yêu quý, tin cậy lại vừa căm ghét, dè chừng cái gọi là tính dục trong con người mình. Vấn đề đáng quan tâm hơn: căn nguyên đó đẻ ra một dục vọng đòi tiểu thuyết phải coi trọng hơn, phải lấy làm sứ mạng chính yếu phản ánh lịch sử nhân thế, lịch sử thời đại... Tuy có kèm theo phản ánh ở mức độ nào đó con người bản thể để cho tác phẩm vẫn còn là “tác phẩm tiểu thuyết”. Vì thế, trên thực tế, toàn bộ những cái đã được viết ra có vô vàn những “ cuốn tiểu thuyết” được gọi đích danh là tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết chính luận, vv và vv... Những loại “tiểu thuyết” như thế dẫu có thắng lợi vĩ đại đến mấy, chúng cũng không thể thuộc về lịch sử tiểu thuyết với đúng nghĩa là tiểu thuyết.
Sứ mạng của tiểu thuyết cũng như các loại hình nghệ thuật ngôn từ khác là sứ mạng sáng tạo. Sứ mạng ấy đòi hỏi nghiêm ngặt tiểu thuyết phải khám phá cái mới. Thực chất của sứ mạng khám phá đó là khám phá mẫu hình bản thể con người chưa từng được khám phá, nghĩa là “khám phá ra cái mà chỉ có tiểu thuyết mới khám phá được, đó là lẽ sống duy nhất của tiểu thuyết” như Herman Broch khẳng định. Thành ra đề tài tiểu thuyết phải là những mẫu hình nào đó bản thể con người lần đầu tiên được khám phá.
Sự sống tâm hồn, tình cảm con người có bản tính phi lý và phiêu lưu. Thật là không tài nào hiểu nổi quan niệm và lô- gic cho rằng cuộc sống chân chính của con người là không có, là không chấp nhận được bản tính phi lý và phiêu lưu trong khi đó lại có được một thể loại văn học mà người ta mê si và sùng kính là tiểu thuyết! Cõi vô tận của tâm hồn được tiểu thuyết mô phỏng thành ra đề tài bản chất đặc thù của tiểu thuyết.
Nếu quả thật, tiểu thuyết có cạn kiệt nguồn sống thực tiễn của nó thì có nghĩa đó chính là sự cạn kiệt đề tài tiểu thuyết, cạn kiệt những mẫu hình mới đối tượng đặc thù của tiểu thuyết trong cuộc sống hiện thực. Hình như còn có một niềm hy vọng vĩ đại dành cho tiểu thuyết, niềm hy vọng ấy lên tiếng: Cái mỏ quặng đúng nghĩa là mỏ quặng khi nó đã được phát hiện và khai thác từ trong nhận thức, tâm lý, mưu đồ cho đến khai thác thực tiễn, còn cái “mỏ quặng” chưa hề biết tới thì không thể gọi là mỏ quặng được. Có lẽ vì thế, ai đó bi quan cùng kiệt đối với đề tài tiểu thuyết, chắc chắn họ là người lạc quan nhất về đề tài tiểu thuyết vì tin rằng còn có cái mỏ quặng”... chưa hề biết tới!.
12-2001
N.D.C

(nguồn: TCSH số 158 - 04 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng