Tạp chí Sông Hương - Số 160 (tháng 6)
Bà ngoại
15:10 | 26/08/2008
MA VĂN KHÁNGỨ ừ, không đi học đâu!Ứ ừ, không đi học đâu!

Ngay từ lúc nghe tiếng bà ngoại gọi dậy, mắt còn nhắm tít, miệng Riềm đã phát đi phát lại câu nói ấy rồi. Câu nói thoạt đầu nghe cứ tưởng nó nói trong mê sảng. Nhưng nghe nó lặp lại liền tù tì mấy bận, thì biết ngay rằng nó đã có chủ định và cái câu nói nửa miệng buổi sớm mai này là một tuyên ngôn đã định sẵn.
Không đi học ở đây là không đến lớp mẫu giáo nhỡ của phường. Riềm mới năm tuổi rưỡi. Nhưng số lượng từ nó có phong phú bằng đứa trẻ lên chín lên mười. Nó đã nói được những câu phức hợp nhiều mệnh đề. Tuy thế, lúc này, ở việc này, nó không cần dài dòng và cũng không cần giải thích lý do. Lý do quái gì! Không đi học là không đi học, đơn giản vậy thôi!
Tất nhiên, nói là phải có người nghe. Và người nghe ở đây, tất nhiên là bà ngoại. Chỉ tiết lúc này bà đã dậy gấp chăn màn mở cửa sổ đón bình minh một ngày đầu hè chói chang và đang cất tiếng gọi miu miu, tìm con mèo mướp thả đêm để xích lại, trên giường chỉ còn mỗi mình Riềm nằm trơ trọi. Dì Vân thì cũng đã bế cái Bông em Riềm đi chơi. Đêm qua, em Bông cai sữa, bố mẹ Riềm phải gửi nó sang đây ngủ với bà ngoại và dì Vân. Vậy là bây giờ chỉ còn mình Riềm trong căn buồng. Nhưng một mình thì một mình, Riềm vẫn cứ ri rỉ độc thoại cái câu nói ấy. Chà! Riềm tài lắm. Như cái máy quay băng, Riềm giữ giọng đều đều không to hơn và cũng không nhỏ hơn. Hay là Riềm chỉ nói vừa đủ cho Riềm nghe, để Riềm củng cố cái ý chí quyết tâm của chính Riềm? Đâu có! Riềm khôn chán. Thế nên, đúng lúc bà ngoại từ ngoài sân phơi đi vào nhà, Riềm liền nâng cao giọng hơn tí chút: Ứ ừ không đi học đâu!
Tác dụng lập tức trông thấy rõ rệt. Bà ngoại liền sà xuống giường. Nhưng Riềm ơi Riềm hỡi, Riềm đừng tưởng bở, bà còn khôn hơn Riềm nhiều. Tảng lờ như không nghe thấy gì hết, bà vỗ khe khẽ vào mông Riềm, giọng dịu dàng âu yếm như thường khi:
- Cháu Riềm của bà dậy nào! Bà vừa phải đi tìm con mèo, lại phải phơi quần áo ra nắng cho nó thơm. Tí nữa cháu đi học, em Bông đi nhà trẻ, dì Vân đi đến trường, bà còn phải kê cao cái bếp, không ông giời ông ấy mưa xuống thì lại ngập hết.
Mắt mở thao láo, như nhận ra tình thế, Riềm lập tức thay đổi thái độ, đập chân đánh thách một cái xuống mặt giường, gào thật to và dứt khoát:
- Ứ ừ không đi học đâu!
Ấy thế, lần này thì bà không thể tảng lờ được nữa rồi! Không tảng lờ được thật. Nhưng bà làm như giật mình, mở to hai con mắt nhớn nhác, miệng chậc chậc:
- Chết, chết! Sao lại không đi học, hả cháu!
- Ứ ừ.
- Không đi học thì làm sao biết chữ được, hả cháu?
- Ứ ừ.
- Kìa, bà thấy bạn Thủy Tiên, bạn Mạnh Hải đã gọi nhau đi học rồi đấy.
- Ứ ừ.
- À, cháu bà ngoan lắm. Cháu dậy, bà rửa mặt cho rồi bà dẫn ra hàng bà Tèo ăn trứng vịt lộn, ăn sữa chua nào. Bạn Thủy Tiên, bạn Mạnh Hải ơi, chờ bạn Riềm cùng đi đến lớp mới!
Bà liếng thoắng. Bà ngọt ngào. Bà nậng nọt. Bà bế cháu trai bà lên. Bà khen cháu trai bà học giỏi, hát hay, kể chuyện tài. Bà hẹn buổi chiều tan học, đón cháu về, bà mua cho cháu chiếc bánh đa to, cả kẹo gôm và sách họa mi nữa. Rồi chủ nhật này bà còn dẫn cháu đến công viên Thủ Lệ, xem con gấu con hổ và bơi thuyền rồng nữa kia.
Vô ích! Riềm cứ trơ trơ không suy suyển. Riềm bền như chão. Riềm dai như đỉa. Ứ ừ không đi học đâu! Riềm lặp lại câu nói ấy như một điệp khúc. Có lúc, Riềm còn dằn mạnh như hô khẩu hiệu. Thành ra lúc sau bà phát hoảng bà vội đặt tay lên trán nó, xem nó có nóng sốt không. Rồi cuối cùng thì bà xẵng: Sao hôm nay cháu dở chứng thế! Cháu hư hơn em Bông rồi! Cháu hư thế bà không yêu nữa đâu! Nhưng bà xẵng thế chứ bà xẵng nữa cũng vô hiệu. Riềm lăn ịch xuống giường, chân đạp, tay đập, miệng gào. Nguyên vẹn một ý chí, một tuyên ngôn. Riềm khăng khăng không lay chuyển. Hết sách, bà liền bước xuống đất, gắt: "Mày ăn vạ bà thế thì bà chịu. Để bố Thịnh, mẹ Hồng mày sang bảo mày vậy!".
Bố mẹ Riềm đã đến đúng lúc. Bố Riềm vóc cao gầy, mặt trái xoan, mắt một mí, trông thật hiền và mẹ Riềm thanh nhã, mặt tròn, mắt hai mí sắc sảo, đúng lúc Riềm đang ăn vạ bà cùng bước vào nhà. Như đã biết mọi chuyện, bố Riềm bước vội tới, định cúi xuống xốc hai nách Riềm lên, nhưng bị hai chân Riềm đạp loạn xạ, đành đặt Riềm xuống, nhân nhượng: "Ơ kìa, bố đưa Riềm đi ăn quà sáng cơ mà". Mẹ Riềm, vốn nóng tính, vứt tạch cái cặp xuống ghế, quăng quắc: "Làm sao! Làm sao mà không đi học! Lại muốn nhiễu, hả?" Bế xốc Riềm lên, bố Riềm như che chắn cho Riềm, rung rung: "À không, con đi học đấy chứ ạ. Để con ăn bánh ga tô bố mới mua rồi con đi học ạ".
Bà ngoại cầm cái lược thưa cào lên mái tóc xơ rơ, ngáp uể oải:
- Đêm qua con Bông dậy ba lần, khóc như xé vải, dì Vân nó chả ngủ nghê gì được.
Mẹ Riềm vẫn chưa hả cơn giận, nhìn bố Riềm dỗ con, gằn:
- Chiều nó để nó hư đi, ai mà dạy được. Không nghe thì que vào đít!
- Đêm qua trời oi quá. Con Bông khát sữa đòi ụm, gọi mẹ liên tục, miệng èo ẹo suốt đêm. Khổ, hôm nay nghe đâu trời còn nóng hơn hôm qua nữa cơ.
Dứt lời than, thấy bóng dì Vân ẵm con bé Bông sắp bước vào cửa, sợ nó theo mẹ, bà vội xoay người hất hất tay ra hiệu đi đi. Mẹ Riềm biết ý vội lẻn vào bếp, đi ra cửa sau.
Trong nhà, Riềm đã đứng dưới đất cạnh bố đang ngồi xổm, tay cầm chiếc bánh ga tô, mồm nhai lụng bụng.
- Riềm! Hôm nay thế là con hư nhé!
- Ứ ừ.
- Thế hôm qua con hứa với bố thế nào?
- Ứ ừ.
- Thế có phải con nghịch ngợm ở lớp nên đi học sợ cô giáo phạt hay là vì con đòi ở nhà để đi tắm hồ ao trong công viên Thủ Lệ với các bạn? Thế thì vì sao con không đi học?
Vì sao không đi học? Chả vì sao hết! Không đi là không đi! Thế thôi! Đến cái nước này có ngon ngọt dỗ dành, có cầu xin van nài nó nữa, cũng bằng thừa. Biết vậy, bà liền bước tới cầm tay Riềm miệng chẹp chẹp:
- Nhung nhăng lắm, chẳng biết thế nào mà lần đâu. Thôi, có công có việc thì cứ đi đi, để nó ở nhà với tôi vậy.
Rút khăn tay lau mặt cho Riềm, bố Riềm cau mặt giao hẹn:
- Hôm nay con hư, bà cho ở nhà. Nhưng, ở nhà phải ngoan, không được nghịch ngợm, không được trêu em Bông, phải nghe lời bà, nghe lời dì Vân, không được bêu nắng, đi tắm hồ bị ốm thì khổ. Bà hồi này cũng yếu lắm rồi. Riềm nhớ chưa? Vâng ạ đi!
Riềm thôi ứ ừ. Mắt nhìn cái bánh, nó im, vẻ chấp nhận. Bà chặc lưỡi:
- Nó có vâng cũng chả nghĩa lý gì. Chốc nữa nó lại đâu vào đấy thôi. Thôi, anh cứ đi đi!

Quả nhiên mọi sự lại đâu vào đấy, lại như bức tranh đã vẽ xong đã định hình rồi. Lại chính như đời sống với tính đa tạp và phiền toái vốn có của nó được lặp lại một cách vừa nông cạn vừa sâu xa, vừa lạ lùng vừa nhàm tẻ vô cùng.
Nắng sớm vừa loé đã chói lói và cháy bỏng. Bước vào căn buồng ngốt ngát như cái lò nung, dì Vân tay hỗm cháu, tay quạt phành phạch, mặc mẹ thanh minh, giải thích, miệng cứ gầm gào: "Bà Hồng, ông Thịnh hôm nay đi nghỉ mát với nhà trường ở Tam Đảo đấy, mẹ có biết không? Thật là ích kỷ, chỉ biết sướng cho cái thân mình". Còn Riềm ăn hết cái bánh, liền thoát ngay ra khỏi cơn ương dở thường tình, biến hóa lập tức thành một cơn hưng phấn thuần túy bản năng, không biết thế nào là hay dở phải trái. Nhoáng cái nó đã nhót ra sân, đá bóng một mình. Nghe tiếng xe máy gầm như thú dữ, hoảng hồn, bà vội chạy ra lôi nó về thì nó lại giằng tay bà, tót lên gác trên. Như một cơn tâm thần bấn loạn, nó mở tung các cánh cửa tủ, lôi ra và vứt tung toé trên sàn tất cả những gì nó vớ được. Quần áo, sách vở, bình lọ, tranh ảnh, phù điêu. Bà kêu trời, dọa nó rằng: nghịch thế ông về ông đánh đòn đấy. Nó vênh mặt đáp: Cóc sợ ông đâu. Chạy xuống nhà dưới, nó xếp ghế to ghế nhỏ dài ngắn làm thành chiếc cầu bắc qua sông. Nó rải tất cả chăn màn xuống đất. Nó giương bốn năm cái ô lên làm mái nhà và không cho ai đi qua. Ngoảnh ra, nghe tiếng dì Vân quát nạt, đã thấy nó bê cái ghế cao lêu nghêu ra sân để bắt con chuồn chuồn ớt đậu trên giây phơi. Kéo nó vào, đóng cửa buồng nhốt nó lại, xuống bếp ghế nồi cơm, nghe tiếng dì Vân thét: Mày là quỷ sứ à Riềm, vội chạy lên đã thấy con bé Bông thức giấc, khóc ré từng hồi vì bị Riềm lấy tay bóp miệng. Tránh cái phất trần của dì Vân, Riềm chạy về sau cái ghế xích đu, mắm môi mắm lợi, dùng hai tay đẩy chiếc ghế lao thẳng về phía dì nó. Né người, dì Vân tránh được tai họa thì chiếc tủ ly thấp lại giơ mặt chịu đòn. Kính tủ vỡ đánh xoảng, và cốc chén trong tủ bị va đập rơi xuống sàn nhà lăn lông lốc.
"Ới ông Thịnh bà Hồng ơi, về mà xem con ông bà nó nổi cơn điên đây này!" Nghe tiếng dì Vân gào, Riềm giật lui ra cửa sau. Vừa lúc con mèo mướp từ sáng tìm không thấy đâu, đủng đỉnh đi vào và lập tức bị nó túm cổ, kẹp vào giữa hai chân. Ôi, thằng bé Riềm năm tuổi rưỡi của bà! Đứa cháu trai ngoan ngoãn của bà, cái tâm hồn thơ dại yêu dấu của bà, sao hôm nay, lúc này nó lại biến hình biến dạng thành một kẻ tàn nhẫn hung tợn đến thế!
- Trời ơi! Sao mày độc ác thế hở Riềm! Tiếng kêu thất thanh của bà đã ngăn cản động tác ngồi động đít xuống lưng con mèo của Riềm và đã cứu thoát cái chết cầm chắc của con vật. Con mèo nhảy tót ra sân. Tránh cái phất trần của dì Vân, Riềm như con thằn lằn chui tọt vào gậm phản, nằm lì ở đó, gọi thế nào cũng không ra.
Thôi thì mặc nó, vì đã đến giờ dì Vân đi học. Vả lại, bà cũng hết hơi hết sức rồi và cũng đã đến bữa rồi. Bà dọn cơm, bế con bé Bông đặt xuống cạnh mâm cơm ở giữa nhà.
- Em ngồi đây, bà múc cháo cho em ăn nhé.
- Ẹ ẹ.
- Ừ em ngoan. Anh Riềm hư, anh Riềm trêu em, tí nữa về bà mách mẹ Hồng, mẹ Hồng đánh đít anh Riềm nhé.
Bón được mấy miếng cháo cho cháu, sực nhớ còn chưa tắt bếp dầu, bà vội chạy xuống bếp. Nhưng quay lên nhà, vừa bước vào cửa, bà đã sững người há hốc miệng. Thằng Riềm như quỷ sứ hiện hình, từ gầm phản chui ra từ lúc nào, đang cầm chiếc thìa hất tung toé cháo từ cái bát nhựa ra khắp nhà và con bé Bông nước mắt ngắn dài đang méo xệch miệng mếu máo.
- Ối Riềm ơi! Mày có để cho tao sống nữa không, hở Riềm!
Bà kêu than đau đớn, nhưng chỉ được một vài câu thôi. Vì đã phải chạy lại ôm con bé Bông, dỗ dành nó, lau dọn vết cháo nhoe nhoét trên sàn nhà và dõi theo hành tung của Riềm.
Riềm, cái tuổi nhung nhăng ở nơi đầu nguồn vô nhân cách càng như được thể, liền băng ra cửa. "Mày đi đâu thế cháu". Không kịp nữa rồi, khóa đã mở cánh cửa rên một tiếng nơi bản lề và cái bóng loắt choắt của Riềm tọt ngay ra, hòa tan trong nắng lóa, nhanh còn hơn cả lời ngăn chặn của bà.

Giờ mới là cơn tâm thần bộc phát đến cực điểm của trời đất. Đúng ngọ, bóng người trùng khít bóng râm. Lò nhiệt hạch mặt trời chạy hết công suất phóng tia sáng theo phương thẳng đứng. Không khí vàng nháng, nhìn quanh, chỗ nào cũng loa loá, rung rinh như có hơi lửa bốc. Dưới đất, cái gì cháy được thì khét lẹt cái gì chảy được như nhựa đường thì nhão nhoét. Trên cao, giang rộng là một vòm trời vô ảnh, vô thanh. Chim chóc mất hút, im thít như đã chết cháy trong những vòm cây khô. Xa lắm, đôi lúc vẳng lại như từ một ký ức thăm thẳm giữa mông quạnh tiếng bánh xe ôtô chạy ràn rạt như bị nóng chảy.
Tay che nón, tay ẵm con bé Bông, bà ngoại mặt khô xác, chân leo khoeo, mỗi bước một thất thểu, vẹo vọ, lần từ ngõ này sang hẻm kia trong khu phố. Tiếng bà khàn rè, lọt thỏm giữa bốn bề hoang vắng. Sợ hãi, đã có lúc bà bật khóc hu hu: "Riềm ơi, ở đâu về với bà, cháu ơi".
Tội nghiệp đời bà, sống được bao nhiêu năm mà nhiều cực nhọc quá! Cả tuổi trẻ vất vả nhọc nhằn để kiếm sống nuôi dạy ba con cho chồng yên lòng đánh giặc nơi xa. Giờ là cháu bà nội, tội bà ngoại. Giờ là nuôi dạy con lần thứ hai. Cơm ăn áo mặc, thời nào chẳng là cái gánh nặng của mẹ cha. Nhưng còn cái gánh nặng vô hình vô ảnh là dạy dỗ con cái nên người, đâu phải ai cũng thấy. Con người không bỗng chốc mà thành. Bé không vin, cả gẫy cành. Ở tuổi ấu nhi, thời đầu nguồn khi con người chưa có nhân cách, có sức mạnh nào hơn là tình thương yêu con cháu cổ truyền và tinh thần trách nhiệm cao cả để chế ngự cái ban sơ, bán khai và dắt dìu uốn nắn.
"Bác ơi, bác có thấy thằng cháu nhà tôi, cái thằng tóc bò liếm trán dô ấy, nó chạy ra đây không?" Thở dốc, bà ngoại đứng lại ở đầu phố, ngó vào một quán nước bên đường. Con bé Bông, sau một hồi khóc dấm dứt vì rôm sẩy, đã ngả vào vai bà, thiêm thiếp ngủ. Trong quán có năm người đàn ông, thẩy đều lử lả vì mệt nhọc, chẳng ai để ý đến câu hỏi của bà. Cả ở cửa hàng kem Vinamilk là nơi bà hay dẫn Riềm ra mua kem. Cả ở cửa hàng điện tử bố Riềm có lần dẫn Riềm tới chơi. Cũng chẳng ai trả lời bà. Và cũng chẳng thấy Riềm đâu.
Dọc theo lối bà đi, các quán hàng đều đã buông rèm kín mít. Dưới ánh nắng chói gắt, rõ là cảnh bỏ của chạy lấy người, nằm im lìm, bốn năm chiếc ô tô vô chủ. Cố len vào bóng râm của hàng liễu non mới trồng bên đường là những chiếc xích lô nhem nhuốc, trong lòng xe nằm còng queo ông chủ xe cởi trần đang thở hồng hộc. Cạnh đó, một gã trai cao kều đeo kính râm, mặc quần soóc trắng, nhễ nhại mồ hôi đang đứng với một con béc giê mầu xám, há mồm thè cái lưỡi dài dòng dòng rớt rãi.
Bao nhiêu người gặp trên đường đi là bấy nhiêu câu hỏi về thằng cháu Riềm của bà. Kể cả gã trai cao kều mặc quần soóc trắng dắt con béc giê xám. Gã này nghe bà hỏi liền giật kính ra, vặc lại bà: Rõ vớ vẩn! Chó của người ta đang say nắng đây này. Nhưng mà bà vô cảm, không tự ái, không tức tối. Bà chỉ nghĩ tới Riềm. Bà chỉ lo cho thằng cháu bà. Ôi, thằng cháu Riềm bất trị, dại khờ, chưa biết điều hay lẽ phải, vô cùng yêu quý của bà!
Hay là nó sang tắm ở bên hồ công viên Thủ Lệ kia?
Mới nghĩ thế bà đã rùng mình. Từ đây sang công viên nọ phải vượt qua một đại lộ bốn làn xe chạy, ngày thường đi qua đã chóng cả mặt, huống hồ lúc này trời đang nắng chang chang. Lại thêm đứa bé trên tay, và sức bà đã hao kiệt, chân bà đã run rẩy, mỗi bước một lểu đểu, liêu xiêu.
Nhưng có sức mạnh tăm tối nào có thể ngăn cản được bà lúc này. Nỗi xót thương con cháu là thứ tình cảm cổ xưa, bền dai mãnh liệt nhất đã biến bà thành một hình tượng của một cơn hưng phấn rồ dại. Bà băng qua đường, thân hình xơ xác, khổ ải như một kẻ tội đồ bị đọa đầy.
Cho tới lúc bà vẫn thấy mắt vòng vèo những tia chớp xanh đỏ, người ngất ngư như ở trên ngọn sóng, bà mới vội đưa tay vịn vào một gốc cây bằng lăng đang trổ hoa tím ở bên đường.
- Kìa! Bà cụ kia làm sao thế? Trời nắng thế này mà lại đem cả đứa cháu ra đây là thế nào!
Một người hành nghề xích lô đang gà gật trên chiếc xe ba bánh của mình trong một giấc mơ lãng mạn bỗng như có linh giác thánh thần mách bảo, bừng mắt tỉnh dậy, nhảy ra đưa tay đỡ bà và cái Bông khi cả hai vừa dụi xuống.

Người hiền, việc thiện thường được quý nhân phụ trợ! Bà ngoại cùng Bông được người đạp xích lô có linh giác kỳ lạ đưa về tận nhà. Rồi chính ông lại đánh xe đi tìm Riềm. Riềm đang đùa với một đám trẻ con trong một vũng hồ cạn giữa trời nắng trong công viên. Cái phải đến đã đến. Về đến nhà, mặt Riềm đỏ gay gắt, bà rửa ráy cho nó xong, vừa bón cho nó miếng cơm, nó đã lăn đùng ra giường. Đến tối thì nó lên cơn sốt. Đầu mình tay chân nóng ran. Cả người như hòn than lửa. Cái tràn gồ như nổi u, hai mắt trũng sâu nhắm nghiền, miệng không nhóp nhép thì nói mê lảm nhảm. Sáng bửng, dì Vân đo nhiệt độ cho nó. Thấy vệt thủy ngân vọt quá vạch bốn mươi, hoảng hồn ôm choàng lấy nó, bế nó dậy, giục mẹ gọi xích lô đưa đi bệnh viện. Nghe động con bé Bông choàng tỉnh, tự động bò dậy, ngồi chồm hỗm giữa giường, hai mắt mở không chớp, như hiểu rõ tình hình nguy cấp, không một lời kêu rên "Em Bông ngoan quá. Em ở nhà với dì, để bà đưa anh Riềm đi bệnh viện nhé". Cúi xuống dặn dò cháu gái, bà ngoại đưa tay đón Riềm từ tay dì Vân. Dì Vân nghiến răng: "Rõ cái số ông Thịnh bà Hồng rảnh rang sung sướng quá". Như không nghe thấy lời dì Vân, bà ngoại kêu: "Lấy cho mẹ cái khăn phủ lên mặt cháu cho khỏi bụi". Nhưng ẵm Riềm ra đến cửa, vừa nhìn thấy chiếc xích lô đến đón, bà ngoại bỗng đứng sững, buột một bên tay, miệng há to, u ớ mấy tiếng rồi đổ nghiêng vào thành cửa. Kinh hoàng, dì Vân vội lao ra đỡ cả hai bà cháu dìu vào nhà. Từ đó bà ngoại rơi vào cơn mu mơ, mê mê tỉnh tỉnh. Từ đó bà ngoại sống giữa đám mây mù hỗn độn. Bà không hiểu điều gì đang xảy ra, không biết là Vân nước mắt chan chan, đặt mẹ lên giường xong, liền tay bế cái Bông, chạy ra bưu điện gọi ôtô cấp cứu. Và sục sạo khắp các địa chỉ, Vân đã tìm được anh chị Thịnh Hồng, họ đang đi nghỉ cuối tuần ở Tam Đảo, trong ống nghe Vân chì chiết họ, gọi họ là bọn người vô lương tâm, vô trách nhiệm.
Chập chờn trong đám sương mây vì một tổn thương đường huyết ở não có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ hoàn toàn, vậy mà vừa nghe tiếng ôtô cấp cứu đưa bác sĩ đến, bà ngoại bỗng he hé mắt và bằng một nội lực dự trữ ở đâu đó đột ngột xuất hiện, bà chống tay ngồi dậy, đưa tay kéo con bé Bông vào lòng và chỉ tay vào Riềm đang nằm thiêm thiếp bên cạnh mình:
- Nhờ bác sĩ xem hộ cháu nó thế nào mà nó sốt sình sịch cả đêm qua.
Con bé Bông quay mặt vào ngực bà, kêu hẹ hẹ. Dì Vân súc ấm, pha nước. Hương trà thơm tỏa lẫn cùng mùi cồn. Đột nhiên hắt xì hơi, Bông quay ra cửa bập bẹ gọi mẹ mẹ.
- Thế nào! Có chuyện đổ đình đổ chùa gì mà làm náo động cả nhà trường người ta lên thế là thế nào!
Tiếng cánh cửa bị đẩy sau tiếng xe máy tắt ở ngoài sân được tiếp nối bằng một giọng nói gay gắt của mẹ Riềm.
Mẹ Riềm trong bộ váy liền áo màu hoa cà, mặt phấn son lấp lánh niềm vui hội hè, đi trước chồng, nhập vai người có quyền thế và chủ động ngay từ khi bước vào nhà. Dừng lại ở giữa nhà, không biết tới cả việc Vân đang tiễn các bác sĩ ra cửa, sau khi đã xác định Riềm bị viêm phổi cấp cần phải đưa đến bệnh viện ngay, nhìn thấy mẹ ôm cháu, mắt lờ ngờ, hai thái dương dán hai lá cao nhỏ, liền cau mặt, bước lại:
- Sểnh ra một cái không chuyện này lại chuyện khác. Mà công lên việc xuống gì. Khó nhọc để kiếm miếng cơm manh áo gì. Chỉ có mỗi việc là trông giúp hai đứa trẻ thôi. Cái ăn cái mặc không lo. Chỗ ở đã có sẵn. Thế mà cứ um sùm ầm ĩ hết cả lên là thế nào!
Dì Vân đã vào nhà, lướt qua anh rể đang ngồi quạt cho Riềm, bước lại gần mẹ, quay lại ngước lên nhìn chị gái, nén chịu và nghẹn ngào:
- Thế nào, chị nói hết chưa?
- Còn định chửi rủa gì chúng tao nữa thì chửi nốt đi!
Giật lui một bước, mẹ Riềm nói, giọng run rẩy thật bất ngờ. Nhưng còn bất ngờ hơn, Vân hất hai cái đuôi sam tuổi mười sáu về phía sau, mặt lầm lì nhưng sáng láng ý thức, hướng về phía mẹ gầy gùa xác xơ như một bức tượng Phật đã tận hiến hết kiệt cùng tâm lực, nức nưởi.
- Chị hãy trông mẹ kia kìa! Còn mức nào khổ sở hơn nữa không?
Như cái cây bị đốn gốc, mẹ Riềm đổ sụp ngay xuống dưới đất. Chị ôm đầu tức tưởi và xót xa:
- Ừ, cứ trách đi. Cứ trách oán tôi đi! Nhưng nào tôi có sung sướng gì! Tôi đâu có phải là kẻ muốn rảnh rang sung sướng cho bản thân mình! Người ta phân công tôi tổ chức cho công đoàn đi nghỉ mát ở Tam Đảo lần này là để thử thách tôi lần cuối trước khi xét cho tôi vào biên chế. Có ai biết cho tôi không? Năm năm nay tôi bị trượt biên chế rồi.
Họ bảo tôi chỉ luấn quấn việc gia đình con cái, thiếu nhiệt tình với công việc chung. Anh Thịnh nữa, mấy năm nay xí nghiệp không có việc làm, anh không có lương, tất cả dồn lên vai tôi, sao anh không nói đi! Nói đi!
Giọng mẹ Riềm càng lúc càng thống thiết. Nhưng, chính chị cũng thấy là nên dừng lại vì đã bắt đầu trở thành vô duyên khi mẹ chị trong một cử chỉ gắng gượng hết sức, nhoài tay ra ôm Riềm và loạng choạng bước xuống giường.
Bà ngoại Riềm một lần nữa lại dùng đến cái sức lực dự trữ dường như vô tận của mình để chống chọi lại cơn đau ốm của bản thân, để chế ngự cái bản năng thô dã, cái khắc nghiệt của hoàn cảnh.
- Mẹ có trách gì con đâu! Mẹ có kêu ca phàn nàn gì đâu. Thôi con cứ lo việc của con đi, để mẹ đưa cháu đến bệnh viện cho.
Bà cụ nói, xốc Riềm trên đôi tay gầy, chân lần rờ đi ra cửa.

Hà Nội, 12/3/2002
M.V.K
(nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tiếng quê (26/08/2008)
Hướng thiện (26/08/2008)
Chùm thơ Mai Linh (22/08/2008)