Làm quan nhưng không màng danh lợi: Thuở ra sân khấu không làm rộn Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi Được nghỉ hưu, ông xem như một sự giải thoát: “lưng tôm khỏi phải cúi lòn” Là một Vương tôn, thế gia vọng tộc, nhưng Ưng Bình Thúc Giạ Thị nổi tiếng là một người sống giản dị, thanh bạch, dân dã. Thơ ông đôi lúc là tiếng nói của dân gian, tiếng nói của những làn điệu mái nhì, mái đẩy; tài hoa mà dung dị đến độ trở thành thơ ca của đại chúng, thành câu hò dân dã nhưng da diết lay động tình người: Trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông Thuyền ai thấp thoáng bên sông Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non Thơ ca của Ưng Bình Thúc Giạ Thị dung dị, hồn nhiên nhưng lại phảng phất phong vị hàm súc của thơ ca cổ điển. Thơ ông như một tấm gương phản chiếu bóng dáng một thời của lớp nhà Nho cuối cùng trên đất thần kinh- lớp người bước vào thế kỷ XX với tuổi hai mươi, sống và làm việc trong các dinh phủ của một kinh thành tàn lụi, cuối đời lại về vui hưởng tuổi già với lớp quan viên hưu trí trong Hương Bình thi xã, nhưng vẫn canh cánh bên lòng mối thương cảm về phận nước lao đao, về sự đời lắm nỗi. Có lẽ ít ai tự thuật về tuổi tám mươi của mình một các hào hứng như nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị: Vỹ Dạ thôn có lão Vương Tôn là Thúc Giạ Ưng ca, ưng hát, ưng giã gạo hò khoan Ham vui điêu cổ thi đàn Nghe câu tuyệt xướng muôn vàng cũng mua Sông Vị ngồi câu vuốt chòm râu ông Lữ Vọng Lên dù xuống võng đã phá tan giấc mộng phiền hà Nghêu ngao thú vị yên hà Tám mươi xuân vẫn đượm đà với xuân (Tự thuật tám mươi tuổi, 1956) Và đến 84 tuổi, khi tự giới thiệu về mình, giọng điệu của nhà thơ vẫn đầy hào hứng, cho dù là sự hào hứng của một ông lão bắt đầu nhắc đến kinh kệ: Đường Thượng Thôn thẳng tới Đò Bến Cạn đưa sang Đây đây cửa ngõ tre vàng Ghé thăm Thúc Giạ nghe chàng tụng kinh (Cửa ngõ tre vàng, 1960) Giọng điệu hồn nhiên, phóng khoáng của nhà thơ tuổi tám mươi đôi lúc làm người đọc nghĩ đến hình ảnh của một bậc vương tôn đại thần trí sĩ chỉ biết vui thú điền viên, nhưng thật ra, ở Ưng Bình Thúc Giạ Thị, xen trong cuộc chơi vẫn man mác một nỗi lòng: Phước của trời cho, lộc của trời Lần lên tuổi thọ tám mươi hai Coi con bướm liệng từng quen mắt Nghe tiếng oanh chào chẳng lạ tai Son phấn trò hề năng kể lại Bút nghiên nghề mọn vẫn khoe chơi Cứ ngâm nga mãi quên đầu bạc Quên cuộc tang thương trãi mấy đời (Xuân Mậu Tuất, 1958) “Cuộc tang thương trải mấy đời” đã dội vào lòng thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị khá nhiều lần, nên trong thơ ông ta đọc thấy nhiều câu tự vấn về mình khá thấm thía: Sáu, bảy lần lên bậc tám mươi Sống lâu sức khoẻ đội ơn trời Chẳng hề nói phách khi ra rạp Nên khỏi ăn năn chuyện ở đời (Khai bút năm Bính Thân, 1956) Không dại, không điên, cũng chẳng khùng Đêm nằm không ngủ lạ hay không Lo tuồng ổi lỗi lo tam bậy Nghĩ chuyện tào lao nghĩ tứ tung (Đêm nằm không ngủ, 1945) Đúng là nhà thơ không dại, không điên, không khùng, nhưng nỗi ray rứt “đêm nằm không ngủ” của ông hẳn không phải từ những lo nghĩ “tào lao”, “tam bậy”, “tứ tung”. Đó là nỗi lo của một người không chịu theo lối xu thời, tự biết mình không dễ gì sống trơn tru trên con đường danh lợi lắm chông gai của một thời nghiêng ngả: Những lời tấu đối tuy quen miệng Nhưng lối xu bời chữa thạo chân Tai nặng mắt quàng e dễ vấp Lui về Nội lách dưỡng thiên chân (Cáo từ chức Hiệp Lý phủ Tôn Nhân, 1953) Mong trở về nuôi dưỡng “thiên chân” nhưng với cốt cách của một bậc tài hoa, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã thực sự sống như một tiên ông hiếm hoi còn sót lại ở thế kỷ XX, một hình ảnh rất đặc trưng của lớp nhà Nho cuối cùng ở xứ Huế: nhà Nho Vương tôn công tử. Say khi nửa tối vài chung rượu Tỉnh giấc ban mai mấy chén trà (Ngẫu hứng,1940) Hoa tàn lại nở xem không chán Rượu ít mà ngon uống dễ say (Ngẫu nhiên, 1940) Khoẻ đi ăn tiệc rồi coi hát Rảnh lại trồng hoa với tỉa cây (Hoạ vần thơ Lưu Giản của Hò Đắc Hàm tiên sinh) Nhưng như một bậc thi ông, Ưng Bình Thúc Giạ Thị là hình ảnh thực sự độc đáo: luôn tự nhận thức mình là một Vương tôn của Hoàng tộc, một kẻ mê đắm rượu nhưng cũng chỉ vài chung để say với mùi hương, một kẻ mê thơ ca, xem thơ như một nguồn dinh dưỡng. Tự biết cả một cuộc đời lên xe xuống ngựa của ông chỉ là ra vào sân khấu, vị thế của mình cũng chỉ là một vai tuồng trong cuộc chơi của thế sự. Một vai tuồng đôi lúc phải “hổ ngươi” nhưng “ít hổ ngơi” nên dẫu tóc bạc pha sương vẫn thấy mình chưa già, vẫn “lại càng tươi” Rượu có mùi hương nên uống mãi Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi Thuở ra sân khấu không làm rộn Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi Giở tấm gương vàng soi tóc bạc Sương pha tuyết điểm lại càng tươi (Khai bút năm Bính Tuất, 1946) Tìm trong những dòng thơ tự thuật, ta lại thấy Ưng Bình Thúc Giạ Thị hiện lên như một hình ảnh độc đáo - hình ảnh của một thi ông- một vương tôn công tử tài hoa mà dân dã, luôn canh cánh một nỗi lòng với quê hương đất nước. TTC (nguồn: TCSH số 160 - 06 - 2002) |