Huế luôn luôn mới
Nhà vườn Huế vẫn chưa được bảo vệ
08:49 | 07/03/2013

Đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế được HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành theo Nghị quyết số 31/2006/NQBT - HĐND ngày 10/4/2006, nhưng đến nay sau 7 năm vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Nhà vườn Huế vẫn chưa được bảo vệ
Một góc nhà vườn An Hiên. Ảnh: Lê Phú

Theo nội dung Nghị quyết đã ban hành, chủ nhà vườn Huế khi trùng tu, tôn tạo nhà vườn sẽ được hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu theo định mức quy định của Nhà nước; hỗ trợ 70% kinh phí trùng tu, tôn tạo, nhưng tối đa không vượt quá 100 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, chủ nhà vườn còn được hỗ trợ tạo lập vườn và các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn như: được hỗ trợ một lần 100% tiền mua cây giống, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/vườn; hỗ trợ cho vay không tính lãi 50% giá trị đầu tư tạo lập vườn (trừ tiền mua cây giống) theo phương án đầu tư được duyệt, nhưng không quá 30 triệu đồng/vườn, thời hạn vay không quá 5 năm.

Tuy nhiên, từ khi tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành Nghị quyết bảo tồn nhà vườn đến nay, số nhà vườn đã giảm xuống một nửa, hiện còn khoảng 2.000 nhà, và đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số 150 ngôi nhà vườn được đưa vào danh sách bảo tồn theo đề án, nay chỉ còn lại 52 ngôi nhà vườn, số còn lại hầu như đã bị xóa sổ. Điển hình như, ngôi nhà vườn 38/3 Lê Thánh Tôn thuộc vùng Thành nội Huế, ngôi nhà 96 Nguyễn Chí Thanh ở phố cổ Gia Hội, ngôi nhà số 4 Phú Mộng Kim Long, 64 Hàn Thuyên... từng nằm trong danh sách 150 nhà vườn tiêu biểu cần được bảo tồn tôn tạo, nhưng nay chỉ còn lại trên giấy.

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do sức ép nhà ở, đất ở gia tăng nhanh trong cơ chế thị trường. Các chủ nhà vườn đứng trước sự lựa chọn nên bán đi hoặc ngồi nhìn các ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi xuống cấp nhanh chóng, trong khi chủ nhà vườn không đủ nguồn lực để duy trì sửa chữa tôn tạo. Ngôi nhà của bà Phạm Thị Túy (22/3 Phú Mộng, phường Kim Long) có tuổi thọ hơn 110 năm - vốn là tư thất của quan Thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển. “Ngôi nhà nếu phải sửa chữa cũng tốn hàng tỷ đồng, trong khi đề án bảo tồn chỉ hỗ trợ 100 triệu đồng thì không làm sao sửa chữa được”, bà Túy cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng quản lý 150 nhà vườn Huế (được xác định khi thực hiện đề án); gửi toàn bộ hồ sơ những nhà vườn đăng ký cho Hội đồng đánh giá, thẩm định phân loại nhà vườn Huế để tiến hành đánh giá, thẩm định phân loại nhà vườn Huế, trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhà vườn tiêu biểu đưa vào hỗ trợ. Nghiên cứu, đánh giá toàn diện việc thực hiện đề án, chính sách hỗ trợ, khó khăn vướng mắc và các kiến nghị đề xuất tiếp theo để tiếp tục thực hiện các chính sách bảo vệ nhà vườn Huế.

Nhà vườn Huế là nét độc đáo trong kiến trúc đô thị Huế, đã được lưu giữ và bảo tồn qua hàng trăm năm nay. Dư luận cho rằng, dù việc bảo tồn nhà vườn Huế chậm đi vào cuộc sống, nhưng vẫn còn cứu được nhà vườn Huế trước nguy cơ bị xóa sổ, nếu địa phương có chính sách điều chỉnh sát đúng và kịp thời...


Theo Quốc Việt ( Baotintuc.vn)

Các bài mới
Các bài đã đăng