Đại lễ Phật Đản đối với người Huế không thuần túy mang sắc màu văn hóa - tâm linh, mà đó là lễ hội Phật giáo được đông đảo quần chúng nhân dân, tăng ni, phật tử trông chờ. Đồng thời cũng là lúc mỗi người con Phật ở xứ sở "thần kinh” cùng chung tay góp sức, nuôi dưỡng phát triển lòng từ bi và trí tuệ của mình để có những suy nghĩ, lời nói và hành động hiền thiện, thiết thực, có ích cho tự thân, xây dựng nếp sống thiện lành ngay trong gia đình, khu dân cư, xóm làng.
Hòa thượng Thích Khế Chơn - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự (BTS) (GHPGVN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản tại Thừa Thiên-Huế năm 2013 cho biết: Đại lễ Phật Đản năm nay cũng là dịp kỉ niệm 50 năm pháp nạn 1963 - ngày mà phong trào tăng ni, phật tử Việt Nam khởi phát phong trào tranh đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm, đòi hỏi quyền tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội. BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ cử hành lễ bạch Phật khai kinh tuần lễ Phật Đản và lễ bạch Phật khởi đầu cho tuần lễ tưởng niệm giác linh chư tôn đức tăng ni đã thiêu thân vì chánh pháp và anh linh các thánh tử đạo đã bỏ mình vì sự sống còn của đạo pháp. Đặc biệt từ ngày 17-5 đến hết Rằm tháng tư năm Quý Tỵ, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế (số 15A, Lê Lợi, TP. Huế) diễn ra triển lãm hình ảnh chư thánh tăng, ni và chư vị anh linh thánh tử đạo đã hy sinh cho đạo pháp và đại nghĩa dân tộc. Cuộc triển lãm trưng bày 80 bức ảnh chư thánh tăng, thánh ni, chư anh linh thánh tử đạo và trưng bày tư liệu lịch sử về pháp nạn 1963 với tên gọi "Lửa từ bi”, lần đầu tiên giới thiệu gần như đầy đủ nhất những hình ảnh và tư liệu về pháp nạn 1963.
Ngoài ra, mùa Phật Đản năm nay, Ban tổ chức sẽ thành kính dâng hương hoa tưởng niệm trước các bảo tháp của chư tôn đức tăng ni đã tự thiêu tại Huế và dâng hương hoa tưởng niệm đến các anh linh thánh tử đạo. Đồng thời thăm viếng thân nhân gia đình các thánh tử đạo vào ngày 9 tháng 4 năm Quý Tỵ và lễ dâng hương hoa, đốt nến tưởng niệm tại đài Thánh tử đạo. Cũng theo lời Hòa thượng Thích Khế Chơn, tất cả mọi hình thức tổ chức cúng dường Đại lễ Phật Đản, tăng ni, phật tử Thừa Thiên - Huế đều thành kính nhất tâm cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình và chúng sanh an lạc.
Rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý về cuộc đấu tranh
đòi chế độ Ngô Đình Diệm phải bình đẳng tôn giáo
được công bố trong triển lãm
Lễ rước Phật năm nay thì nội dung và hình thức cũng giống như năm Vesak 2008. Đoàn rước Phật gồm 21 đội hình từ lễ đài chùa Diệu Đế sau khi cử hành lễ Mộc dục, tiền đạo của đoàn rước Phật sẽ qua cầu Gia Hội, từ từ đi qua đường Trần Hưng Đạo, rẽ trái qua cầu Trường Tiền đến đài Thánh tử đạo, đi dọc đường Lê Lợi, rẽ trái Điện Biện Phủ và dừng lại đầu đường Sư Liễu Quán, lúc này kim thân Đức Phật sẽ được cung nghinh tôn trí tại lễ đài chùa Từ Đàm. Tham gia đoàn rước Phật ngoài chư tôn, đức tăng ni và các ban, ngành trực thuộc BTS, số lượng đạo hữu cư sĩ và phật tử dự kiến từ 6 đến 7 ngàn người.
Chẳng có nơi nào như xứ Huế, đất cố đô một thời còn lưu giữ biết bao nét đẹp thâm trầm, đáng quý, từ nếp sống nho nhã đến cách nói chuyện lịch thiệp. Phật giáo Huế vẫn còn đó những nét riêng chốn thiền môn như chưa hề bị suy chuyển bởi những ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Ở giữa lòng đất Huế, niềm hoan hỷ ấy càng trở nên ý nghĩa và dễ cảm nhận hơn bởi nét đẹp lễ hội Phật giáo chốn này. Ai đã một lần tới Huế đều cảm nhận rằng con người nơi đây vẫn giữ gìn nét đẹp vốn có từ chính cha ông, từ những bài học về nhân - lễ - nghĩa… được hun đúc từ bao đời, nay càng thấm nhuần qua chân lý lời Phật dạy.
Theo Hồ Ngọc Minh ( đaioanket.vn)