Huế luôn luôn mới
Giới thiệu tác phẩm “Ngủ giữa trùng sơn” của nhà văn Lê Vũ Trường Giang
07:37 | 29/09/2013

Chiều ngày 27 – 09 – 2013, tại trụ sở của Tạp chí Sông Hương, Hội nhà văn Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Tạp chí Sông Hương tổ chức giới thiệu tác phẩm “Ngủ giữa trùng sơn” của nhà văn Lê Vũ Trường Giang. Đến dự có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình lý luận, đông đảo bạn đọc cùng phóng viên báo chí.

Giới thiệu tác phẩm “Ngủ giữa trùng sơn” của nhà văn Lê Vũ Trường Giang
Các nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Nguyên Tường và tác giả Lê Vũ Trường Giang tại buổi ra mắt sách

Lê Vũ Trường Giang là một tác giả hiện đang rất trẻ nhưng đã định hình cho mình một phong cách độc đáo trên văn đàn hiện nay. Là người viết đều trong nhiều thể loại như văn xuôi, thơ, phê bình, nghiên cứu văn hóa, ở thể loại nào Lê Vũ Trường Giang cũng đưa ra được những cái nhìn khác biệt của mình. Với sự khác biệt đó anh đã cộng tác với rất nhiều báo, tạp chí uy tín như Sông Hương, Văn Nghệ, Văn nghệ Quân Đội, Tiền Phong, Người đại biểu…

“Ngủ giữa trùng sơn” là tập truyện ngắn đầu tay của Lê Vũ Trường Giang, bao gồm chín truyện ngắn được triển khai với nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Những tác phẩm trong tập truyện này hầu hết dựa trên nền tư duy lịch sử, lấy lịch sử làm căn cốt để từ đó hướng tới những khả thể hư cấu, tạo ra những cách lý giải khác biệt về lịch sử và con người.

Nhận định về tác phẩm này, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho rằng: “Có nhiều cái khó cho một người viết trẻ trong bối cảnh văn học dung hợp nhiều trào lưu sáng tạo như hiện nay. Đi theo lối viết truyền thống hay hướng tới thi pháp hiện đại là cả một sự lựa chọn khó khăn. Nhưng trong chín truyện ngắn này, Lê Vũ Trường Giang đã thể hiện được sự vững vàng trong lối viết khi anh chọn cả hai hướng đi, vừa truyền thống vừa hiện đai. Lối viết truyền thống, đề tài lịch sử là căn nền để từ đó tác giả kết hợp nhiều thủ pháp của văn học hiện đại, hậu hiện đại như phân mảnh, lắp ghép, liên văn bản…”

Bất kể ở dòng thi pháp nào, truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang luôn thấm đẫm màu sắc của huyền thoại, nhà văn tìm về với huyền thoại, với lịch sử như đi tìm những tiếng nói đã mất, lôi kéo chúng về với thực tại để tạo ra những va chấn khác nhau. Trong những truyện ngắn mang dấu ấn của lối viết hậu hiện đại, tác giả trưng ra một thế giới của những đổ vỡ, chấn thương, thể hiện sự hoài nghi về chân lý và sự nỗ lực trong việc tìm đến cho truyện ngắn những kiểu cấu trúc lạ.

Nhà văn Nguyên Quân tại buổi giới thiệu sách

Tại buổi giới thiệu sách, nhà văn Nguyên Quân cho rằng: “Một tác giả trẻ lựa chọn đề tài lịch sử là cả một sự mạo hiểm, nó đòi hỏi bản lĩnh của người viết về kiến thức lịch sử, về cách biến lịch sử thành những hình tượng hư cấu làm sao để không trượt ra khỏi những cách lý giải sai lầm về quá khứ là một điều vô cùng khó khăn. Truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang đã thể hiện được sự vững vàng, cái thành công ở Ngủ giữa trùng sơn là việc người viết lấy lịch sử như một sự lựa chọn ban đầu nhưng nó không bị đóng khung trong cái chết của lịch sử mà bằng sự liên tưởng, sự tung tẩy của ngôn ngữ và khả năng nối kết không gian của nhà văn, Lê Vũ Trường Giang đã bước đầu vượt qua được những điều khó khăn của một người viết trẻ khi đi vào vùng đất mà người ta tưởng chừng như chỉ có những người viết từng trải mới thử sức mình…”

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng gọi “Ngủ giữa trùng sơn” là chín đoản khúc buồn về quá khứ. Cũng trong cách nhìn của nhà phê bình văn học này thì khi người viết trẻ viết lịch sử thì thường họ phải chịu một áp lực của sự “hoài nghi kép” từ phía độc giả, giới phê bình và chính ngay trong bản thân người cầm bút. Nhưng ở đây, theo Bùi Việt Thắng thì Lê Vũ Trường Giang đã thoát xa cái gọi là nệ thực, nghĩa là sự trung thành với lịch sử được quan niệm khác đi, sử chỉ là cái cốt, văn mới là cái hồn để tạo nên những câu chuyện có hồn cốt về quá khứ.

Là một thạc sỹ chuyên ngành lịch sử nhưng khi bước vào khai thác đề tài này, Lê Vũ Trường Giang đã thoát ra khỏi những kiểu nhìn khô cứng về lịch sử; dựa trên vốn kiến thức về quá khứ, về những điều tưởng chừng đã ngủ yên, tác giả làm sống lại, thậm chí hướng những điều tưởng chừng như xưa cũ trở nên có sức ám ảnh hơn, mở ra được nhiều chiều hướng ý nghĩa mới bởi tính chất lấp lửng của hình tượng, biểu tượng và ngôn từ.

Nhà phê bình Trần Huyền Sâm tại buổi ra mắt sách

Cũng trong buổi ra mắt sách, nhà phê bình Trần Huyền Sâm còn nhận thấy ở những truyện ngắn của Lê Vũ Trường Giang ngầm ẩn một không khí của tiểu thuyết, nghĩa là theo Trần Huyền Sâm, nếu Trường Giang nối những thông điệp của mình dài hơn, kéo không gian ra rộng hơn, tìm kiếm nhiều cách khai thác hình tượng hơn thì cách tư duy truyện ngắn của Trường Giang sẽ là cách tư duy của tiểu thuyết. Tiểu thuyết là địa hạt đòi hỏi sự làm chủ bút lực thực sự nên dù sao tiểu thuyết vẫn là một thể loại đòi hỏi sự công phu và trường độ của sức tưởng tưởng.

Trên báo Thừa Thiên Huế, nhà văn Trần Nguyên Sỹ cho rằng Ngủ giữa trùng sơn là truyện ngắn không những hay nhất tập mà còn là cái ngưỡng cho đến nay tác giả vẫn chưa vượt qua. Tác phẩm này đã đoạt giải truyện ngắn hay trong năm (2010) của Tạp chí Văn nghệ Quân Đội. Và cũng thời điểm này truyện ngắn Giọt úa đại ngàn của Trường Giang cũng được Tạp Chí Sông Hương trao giải nhì cho cuộc thi truyện ngắn nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ ở vùng đất cố đô.

Trả lời phỏng vấn của nhà văn Phong Điệp trên báo Văn nghệ trẻ, nhà văn Lê Vũ Trường Giang cho rằng người trẻ viết truyện lịch sử thường bị hoài nghi nhưng bản thân những người viết trẻ lại luôn hoài nghi lịch sử, lịch sử chỉ là sự thật tương đối. Chúng tôi còn quá trẻ để hiểu hết lịch sử nhưng chúng tôi tin rằng mình nuôi được một ngọn lửa cảm thức lịch đại để khi cần hóa thân vào đó và kể lại những câu chuyện thời nảo thời nao.

Nhà phê bình văn học Phan Tuấn Anh tặng hoa chúc mừng nhà văn Lê Vũ Trường Giang

Gửi lời tri ân tới bạn đọc, trong buổi ra mắt sách của mình, nhà văn Lê Vũ Trường Giang cũng đã tâm sự về nhiều cái khó trong quá trình viết. Nhưng trước hết đối với anh thì người viết phải đưa cái đẹp, cái hay lên trên hết. Anh cũng hi vọng rằng sẽ có những bứt phá mới của nền văn học mà những người trẻ đang tạo dựng.

PV

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng