Chiều ngày 25/10 tại Cà Phê sách Phương Nam, số 15 Lê Lợi, Tp Huế, Hội nhà văn tỉnh Thừa thiên Huế, Công ty văn hóa Phương Nam và Trung tâm văn hóa New Space Arts Foudation đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tác giả Phan Tuấn Anh - Gương mặt phê bình trẻ, và thơ. Tới dự có đông đảo bạn đọc, các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu phê bình văn học, các giảng viên và sinh viên đại học Huế cùng phóng viên báo chí trong tỉnh.
Phan Tuấn Anh là một gương mặt phê bình trẻ của văn học Việt Nam hiện nay. Phê bình văn học của Phan Tuấn Anh đã vượt qua lối phê bình cảm tính để đi đến những kiến giải mang tính chất khoa học nghiêm xác. Để làm được điều đó trước hết nhà phê bình văn học trẻ này đã ý thức được tầm quan trọng của các lý thuyết phê bình ra đời từ phương Tây. Trong những công trình nghiên cứu phê bình văn học của Phan Tuấn Anh người đọc luôn nhận thấy chúng đều có nền tảng từ các lý thuyết phê bình như Hình thức luận của Nga (Formalism), Cấu trúc luận (Structuralism), Hậu cấu trúc luận / Giải cấu trúc (Poststructuralism/Deconstruction), Các lý thuyết Mác-xít (Marxist Theories), Phân tâm học (Psychoanalysis), Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism)…
Với những kiến văn có được qua việc đưa những lý thuyết phê bình đi vào diễn giải văn bản, Phan Tuấn Anh đã cho thấy được những bước đi vững chắc, đáng tin cậy, nhanh chóng để lại dấu ấn. Đến nay, Phan Tuấn Anh đã có khoảng 30 bài nghiên cứu và phê bình văn chương được đăng tải trên các Tạp chí chuyên ngành, các Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; được in chung trong các tuyển tập phê bình với nhiều tác giả. Đó là kết quả thật sự có ý nghĩa của một người mới vào nghề trên dưới 5 năm. Lòng yêu nghề và say mê nghiên cứu đã trả lại cho nhà phê bình này những giá trị thành công không nhỏ.
Nhà thơ Phạm Nguyên Tường (người dẫn chương trình) tại buổi tọa đàm |
Phan Tuấn Anh quan tâm đến nhiều khía cạnh của nghệ thuật văn chương. Những hướng đi đáng chú ý nhất của anh trước hết là Mỹ học tính dục trong văn chương. Trong hướng đi này tác giả đã vận dụng lý thuyết phân tâm học để giải thích những hình tượng cổ mẫu trong văn hóa nghệ thuật khởi đi từ giới nữ, xem giới nữ là cội nguồn chất men sáng tạo. Qua đó, đi sâu vào những bi kịch của nữ giới trong tính dục và đời sống, được biểu hiện trong tác phẩm qua các thời đại lịch sử. Thi pháp nghệ thuật truyện tranh Nhật Bản cũng là một trong những khai phá đáng chú ý của anh. Với hướng này, Phan Tuấn Anh đã có 3 bài viết chuyên sâu và một công trình khoa học mang tên Nghệ thuật truyện tranh. Công trình đạt giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc. Để giải mã truyện tranh từ góc nhìn đặc trưng thể loại, tác giả đã đi tìm chỗ đứng về mặt lý luận văn học cho truyện tranh, trong tương quan với các loại hình, loại thể khác, khu vực khác với nhiều bài viết tiêu biểu, đặc biệt là bài: Các đặc trưng của truyện tranh Nhật Bản trong tương quan với truyện tranh Đông Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á). Có lẽ đáng chú ý nhất của Phan Tuấn Anh trong phê bình văn học là hướng đi Chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học. Với hướng này, Phan Tuấn Anh đã đa dạng hóa nó từ hệ thống lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại thế giới để biên khảo thành các bài nghiên cứu và công trình chuyên sâu về cơ sở xã hội, cơ sở tư tưởng - văn hóa và đặc điểm, quan niệm nghệ thuật của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam với các công trình tổng quan như: Tiếp nhận văn học hậu hiện đại ở Việt Nam - Tiềm năng và dự báo, Tạp chí Nhà văn (Hội nhà văn Việt Nam) Số 7; Quan niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghiên cứu văn học Việt Nam, Tạp chí Khoa học (Đại học Huế) - Tập: 66, Số 3…
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê tại buổi tọa đàm |
Trong tham luận tại tọa đàm, nhà nghiên cứu văn học Hồ Thế Hà đánh giá rất cao về những khai phá và cách chọn hướng đi của Phan Tuấn Anh. Theo ông, Phan Tuấn Anh là người luôn đồng hiện dự cảm phê bình văn học mới mẻ và linh hoạt. Cũng tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Thuấn cho rằng những bài viết của Phan Tuấn Anh, tuy chỉ mới là những bước dò tìm ban đầu, nhưng anh đã chạm đến những đặc điểm quan trọng nhất của một kiểu viết/đọc mới: viết/đọc trên không gian ảo. Chúng kích thích những nghi vấn và đòi hỏi đối thoại. Ta có quyền hi vọng, trong một tương lai không xa, Phan Tuấn Anh sẽ có câu trả lời thuyết phục cho những nghi vấn nêu trên, tiếp tục làm hiển lộ diện mạo và bản chất của mê cung, những con quái vật Minotaur và kho báu của bốn mươi tên cướp – những dụ ngôn mà anh đã dùng để gọi tên văn học mạng và văn học mạng ở Việt Nam. Trong cách nhìn của nhà phê bình trẻ Nguyễn Văn Hùng tại buổi tọa đàm thì Phan Tuấn Anh là người có tham vọng táo bạo nhằm kiến tạo nên những hệ hình/mô hình lí thuyết cho nhiều hiện tượng văn học. Đọc anh, chúng ta có thể xác lập trường thuật ngữ về mỹ học tính dục, về văn học mạng, rất thú vị và sắc sảo… Đó là những sáng tạo của riêng anh nhắm vào những đối tượng hóc búa, chưa được định hình rõ nét trong đời sống văn học. Những sáng tạo ấy rõ ràng cũng phải cần thời gian để thử thách và kiểm nghiệm, nhưng với tôi điều đó không còn quan trọng nữa, mà cái tôi quan tâm là anh đang tham góp, làm giàu thêm bằng cách riêng của mình vào “tiếng nói” vốn đa thanh, đa dạng, đa chiều, đa tạp của lí thuyết văn học nước nhà.
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Thuấn tại buổi tọa đàm |
Cho đến nay, về phương diện sáng tác Phan Tuấn Anh đã cho xuất bản hai tập thơ là Người ngủ muộn và Đoản khúc. Người ngủ muộn là những trăn trở của tuổi trẻ trước cánh cửa cuộc đời mở rộng. Nó bao chứa những truy vấn về thời gian, về thận phận, về tình yêu… Đoản khúc, tập thơ thứ hai người đọc lại thấy được những khai mở khác trong thế giới mơ mộng của một nhà thơ khai triển hình tượng, biểu tượng của mình dựa trên căn nền các lý thuyết văn học. Tập thơ này đã nhận được nhiều đánh giá từ giới phê bình. Nhà phê bình Trần Thiện Khanh cho rằng: Đọc Đoản khúc của Fan Tuấn Anh, ta có thể thấy tác giả tập trung kiến tạo ba thi ảnh chính thế giới – tình yêu và bản thể. Toàn bộ thi cảm, thi liệu của người viết đều bị hút vào ba đối tượng này. Thế giới – tình yêu và bản thể được nhìn qua các mảnh, phần đoạn, các phiên bản, lát cắt, cái chốc lát, bấp bênh… mọi thứ đều bị vỡ ra, cắt mảnh, chia tách nhỏ, không còn nguyên gốc, nguyên nghĩa, tức là bất định, khó đoán nhận, nắm bắt, ghi lại đầy đủ. Ngay nhan đề tập thơ này đã phản ánh được phần nào cách hình dung thế giới và nguyên tắc tổ chức lời nói của tác giả. Nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Mạnh Tiến lại có những cách nhìn khác về thơ của Phan Tuấn Anh. Anh cho rằng Thơ Fan tràn ngập một cảm trạng đau. Đoản khúc là những đoạn đứt lìa trường thiên đau bất tận. Đau từ đêm sang ngày. Đau từ mê sang tỉnh. Fan đau mãi. Đau chung thân ý nghĩa làm người. Trong niềm đau của Fan, Em hiện lên, đẹp lung linh nhức nhối kêu từng kỷ niệm. Sự đọc không hiểu vì sao Em ra đi. Sự đọc chỉ biết Em đã đi là đi vĩnh viễn. Và sự đọc ở lại với Fan là ở lại trong thế giới nhớ thương Em khôn khuây. Fan như là người tình chỉ sinh ra để yêu Em đời đời. Fan bao dung. Fan nuôi dưỡng Em với từng kỷ niệm đẹp ngời, trong cơn đau Fan. Fan hoài nghi về hiện hữu đời mình.
Dịch giả Bửu Ý, nhà thơ Phan Công Tuyên, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, họa sỹ Đặng Mậu Tựu... tại buổi tọa đàm |
Tại cuộc tọa đàm, gửi lởi tri ấn đến bạn đọc Phan Tuấn Anh tâm sự rằng: “Những nhà văn trẻ chúng tôi luôn ý thức về sự hữu hạn của thời gian. Không phải bởi vì sự sống vốn mong manh, mà bởi vì tuổi trẻ thật hữu hạn. Chúng tôi cho rằng, cái khoảng thời gian ấy, không phải là một nhược điểm, một giới hạn, mà là một cơ hội, một tài sản, một ưu điểm mà bất cứ ai cũng trải qua, và rồi cuối cùng ai cũng đánh mất. Do đó, mọi tác phẩm của chúng tôi, như một sự khắc phục và níu giữ thời gian bị đánh mất. Những nỗ lực nếu như không bất tài thì vẫn không thể thành công nếu thiếu quí vị, những người đọc vị tha và thông tuệ.”
Nhà nghiên cứu phê bình, nhà thơ Phan Tuấn Anh gửi lời tri ân đến bạn đọc |
Buổi tọa đàm đã diễn ra trong không khí trao đổi, đánh giá học thuật thẳn thắn, nghiêm túc, trong không gian âm cúng của tình Thầy trò, bằng hữu và người thân.
PV