Chiều ngày 22/11/2013, tại số nhà 203/19 đường Nguyễn Trường Tộ (Tp Huế), Tạp chí Sông Hương và Gác Trịnh đã tổ chức Khai mạc triển lãm tranh của họa sỹ Đinh Cường và họa sỹ Phan Ngọc Minh. Đến dự có đông đảo các họa sỹ, các nhà phê bình mỹ thuật, những người yêu mến nghệ thuật và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn.
Triển lãm tranh này nằm trong Chương trình Phát triển không gian văn hóa của Tạp chí Sông Hương.
Về lại Căn nhà của những gã lang thang (cách văn nghệ sỹ thường gọi về Gác Trịnh) cũng là trở về với nơi mà Đinh Cường đã từng sống, từng mơ mộng và tất nhiên, cũng chính là nơi khởi đi cho những đam mê của ông. Và đó cũng là cuộc trở về với nơi mà thơ, nhạc, họa đã hòa quyện vào nhau, sản sinh ra những tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường,…
Tác phẩm "Bên kia sông (III) của Đinh Cường |
Có 16 tác phẩm của Đinh Cường và 9 tác phẩm của Phan Ngọc Minh được trưng bày tại cuộc triển lãm lần này. Chủ yếu các tác phẩm được vẽ bằng sơn dầu và Acrylic. Trong 16 tác phẩm của Đinh Cường, có nhiều tác phẩm vẽ chân dung những người bạn đã cùng ông đi qua tháng năm trầm buồn của đời người, của thân phận, của quá trình sinh ra và đi vào hiện hữu cùng thế giới như những kẻ liên can và chủ động nhập cuộc với thế giới đầy đau thương và biến động. Đó là chân dung họa sỹ Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý, thiếu nữ Dao Ánh...
Họa sĩ Đinh Cường (giữa) trao kỷ vật quý về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho Tổng biên tập Tạp Chí sông Hương - Hồ Đăng Thanh Ngọc (trái). |
Vẻ sâu hút trong tranh Đinh Cường tại cuộc triển lãm lần này phần nhiều được toát ra từ cái đẹp của người con gái Huế. Họ có thể là những thiếu nữ đã đi vào thơ ca, trở thành những huyền thoại, nhưng cũng có thể là những thiếu nữ vô danh mang nét đẹp của sự tịch lặng, thanh tao, đượm buồn và liêu trai, bình thản, thậm chí có khi lạnh lùng, bất chợt đến rồi bất chợt đi. Thiếu nữ trong tranh đưa ta vào cõi xa xăm huyễn hoặc của sương khói, của khởi thủy hồng hoang rồi biến thành một cái gì đó khó nắm bắt nhưng lại không thể nào biến mất trong trí nhớ.
Tác phẩm "Ký ức xanh" của Phan Ngọc Minh |
Trong không gian triển lãm, các tác phẩm của Phan Ngọc Minh cũng hướng đến làm xô lệch các vật thể. Trong tranh của ông, chúng ta thấy họa sĩ đặt các biểu tượng và các họa tiết đôi khi được vẽ dang dở bên cạnh nhau nhằm đưa ra một ý niệm nào đó trong quá trình chúng va đập với nhau; ý niệm đó phụ thuộc vào cách nhìn và cách lý giải của người xem. Cái đẹp nhất quán trong tranh của Phan Ngọc Minh là qua những hình họa thể hiện các biểu tượng văn hóa, những hình ảnh đại diện cho một thời kỳ văn minh nào đấy người ta thấy ông là người một lòng quay về níu giữ cái đẹp vang bóng một thời, những gam màu của di sản, của sức mạnh văn hóa ẩn tàng trong từng vỉa tầng thời gian.
Tác phẩm "Người ngồi tịch lặng" của Đinh Cường |
Phong cách của Đinh Cường tưởng như ít biến động qua thời gian nhưng thực chất trong chúng có mốt sự chuyển động ngầm ẩn, khó nhìn thấy. Cũng có thể là những gam màu xanh lạnh ấy, cũng có thể là màu nâu ấm đó, màu trắng tinh khiết đó nhưng càng về sau tranh càng trở nên tịch lặng hơn, hướng đến cái không của hình thể, cái phi vật thể, cái tâm bình an thanh thoát đích thực.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 24/11. Riêng các kỷ vật sẽ được trưng bày tại Gác Trịnh kể từ ngày hôm nay để những người yêu mến nghệ thuật nói chung và nhạc Trịnh nói riêng được thưởng lãm.
PV