Huế luôn luôn mới
Tọa đàm, trao đổi thơ Lê Văn Ngăn - nhân một năm ngày mất của nhà thơ
18:30 | 21/02/2016

Đó là chủ đề của buổi Tọa đàm do Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và Bộ môn Lý luận Văn học, Trường Đại học Khoa học Huế phối hợp tổ chức nhân một năm ngày mất của nhà thơ Lê Văn Ngăn. Buổi tọa đàm diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 20/2/2016 tại Phòng Hội thảo, Trường Đại học Khoa học Huế, 77 Nguyễn Huệ, Huế.
 

Tọa đàm, trao đổi thơ Lê Văn Ngăn - nhân một năm ngày mất của nhà thơ
Nhà văn, dịch giả Bửu Ý phát biểu về nhà thơ Lê Văn Ngăn và tập thơ "Viết dưới bóng quê nhà"

Nhà thơ Lê Văn Ngăn, sinh ngày 15 tháng 01 năm 1944, tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Học, trưởng thành và tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Huế (1965 -1 975) và là phóng viên Đài Phát thanh Huế (1975 - 1978). 

                                           Kỷ yếu Tọa đàm và chân dung nhà thơ Lê Văn Ngăn


Sau đó, vì duyên nợ, ông chọn nơi lập nghiệp, sinh sống và sáng tác thứ hai của mình ở Quy Nhơn (Bình Định). Nhà thơ Lê Văn Ngăn nguyên là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phương Mai, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Định (1997-2002), Hội viên Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Hội viên Hội Văn nghệ Bình Định, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã cho ra đời 3 tập thơ và được ấn hành với 3  khoảng thời gian khác nhau.

“Vào một thời im bóng” (Tập thơ - 1972). Đây là tập thơ in bí mật dưới chế đội miền Nam ở Sài Gòn, được tuổi trẻ học đường miền Nam rất thích và hưởng ứng vì ý thức công dân và tinh thần yêu nước, phản kháng kẻ thù xâm lược, xứng đáng đại diện cho tâm thức và lòng yêu nước của tuổi trẻ miền Nam lúc bấy giờ.
 

 Nhà lý luận phê bình Văn học, PGS. TS. Hồ Thế Hà phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm

Kế đến là “Viết dưới bóng quê nhà” (Tập thơ - 2008), tập thơ thể hiện tiếng nói trữ tình công dân, trữ tình đời tư và thế sự thâm trầm, sâu sắc, giàu trải nghiệm của nhà thơ trên đường biên cuộc sống từ thời chiến chuyển sang thời bình. Ở đấy, mọi vui buồn, ân nghĩa quanh đời hòa quyện vào nhau, tạo thành giọng điệu thơ vừa sảng khoái, tự hào vừa trữ tình, tự vấn vừa đề xuất nỗi niềm nhân thế theo cảm xúc và cảm thức riêng của nhà thơ.

Và gần đây nhất là “Thơ Lê Văn Ngăn” (Tập thơ - 2015), tập  tuyển thơ như một kết tinh cả đời thơ Lê Văn Ngăn. Có thể xem đây như một tổng kết bằng thơ về tất cả những hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng theo trục thời gian mà nhà thơ - với tư cách là chủ thể trữ tình tự thuật và chủ thể trữ tình nhập vai một cách chủ ý và nồng nhiệt để viết về quê hương, về đất nước, về con người, về bằng hữu và người thân, về những triết lý, nghiệm sinh cuộc sống một cách chân thành và rung động, tạo thành phong cách thi ca và thi sĩ riêng của Lê Văn Ngăn.

 


Thơ Lê Văn Ngăn là thơ của sự sống thật, thơ của những gian khó và hệ lụy của cõi người trên hành trình họ đi tìm tự do, yêu thương và hạnh phúc đích thực. Ở đó, con người phải biết hy vọng: “rực rỡ thường che dấu sau những tường vách hoang tàn/ nên chúng tôi hy vọng những mảnh đời xơ xác”. Trong thơ ông luôn hiện hữu những câu hỏi,  những nghi vấn - nghi vấn về cái chết, nghi vấn về lòng tốt, nghi vấn về sự hiện tồn trên cõi thế. Đó chính là cảm thức hiện sinh giúp con người tránh thoát mọi lo âu vô nghĩa trần gian để nhập cuộc vào nhận vị của chính mình và tha nhân một cách thanh thản.
 


Đời và Thơ Lê Văn Ngăn luôn đồng hành cùng tình yêu và cuộc sống, được chưng cất từ trữ lượng tâm hồn luôn xúc cảm và thương yêu con người và sâu nặng với quê hương của chính nhà thơ. Vì vậy, đó chính là mỹ học thơ, mỹ học sáng tạo có khả năng đánh thức những tin yêu, trách nhiệm và lòng nhân ái trong mỗi người đọc. Ông đã làm sống lại những gì đã mất, đã phôi pha theo thời gian những tinh chất và tinh hoa của chúng như chính ông tâm niệm nêu câu hỏi và tự trả lời: “Có phải văn nghệ sĩ là người đối nghịch với sự tàn phá của thời gian? Là người lưu trữ những di sản của con người? Là người cung cấp những thông tin nhân văn mà không một chiếc máy vi tính nào có thể cung cấp nổi”. Toàn bộ thi giới Lê Văn Ngăn chính là một phần trữ lượng những di sản tinh thần ấy.

 


Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, các văn nghệ sỹ và những người bạn của nhà thơ Lê Văn Ngăn: nhà lý luận phê bình Văn học Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Nguyễn Thùy trang, Phan Tuân Anh, Hồ Tiểu Ngọc; nhà văn, dịch giả Bửu Ý, nhà thơ Bửu Nam, nhạc sỹ Lê Phùng... đã gửi đến tọa đàm nhiều tham luận về thơ của nhà thơ Lê Văn Ngăn, và cùng nhiều phát biểu cũng như những câu chuyện, những kỷ niệm với nhà thơ.

Tại đây, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sỹ và sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Khoa học Huế đã dành một phút  tưởng nhớ nhà thơ Lê Văn Ngăn và nghe lại các bài thơ nổi tiếng được ông sáng tác trong thời kỳ ông tham gia phong trào đấu tranh đô thị và những bài thơ ông viết sau này.

PV

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng