Sáng 11/6, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ công bố "Di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”.
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những tác phẩm tinh túy từ vô số các trước tác của các vị Hoàng đế triều Nguyễn. Tại Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Cố đô Huế trong tháng 5 vừa qua, Việt Nam vinh dự có hai di sản tư liệu được UNESCO ghi danh vào Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có di sản "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế". Đây là nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục vinh danh những di sản vô giá của dân tộc; đồng thời, cũng khẳng định sự quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc đồng hành cùng UNESCO để công nhận và bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống.
Việc UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới và khu vực cho các di sản của Huế đã trở thành những sự kiện quan trọng để Thừa Thiên Huế mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá văn hóa với các nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, sau sự kiện này, vùng đất Cố đô Huế sẽ có một thương hiệu du lịch mới để thu hút du khách trong và ngoài nước, đó là: “Một điểm đến - Năm di sản”. Bởi, ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam và mới đây là Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO vinh danh, còn có 02 di sản tư liệu khác của Việt Nam, cũng đã được UNESCO công nhận, xuất phát từ Huế: Mộc bản và Châu bản triều Nguyễn.
PV